Chương 2

Tôi thao thức không ngủ được, ngày mai phải dậy sớm đến nhà Bích. Tội nghiệp Bích, tội nghiệp thầy Hoàng, ba của Bích. Mới tháng trước đây, nghe thầy mượn được tiền mua chiếc xích lô đạp mỗi đêm vài ba giờ kiếm tiền phụ giúp thêm vào kinh tế gia đình, tôi cũng mừng cho Bích. Không ngờ tai nạn lại xảy ra như vậy, nghĩ mà ứa nước mắt. Thời buổi nầy chỉ có giáo viên dạy toán và sinh ngữ kiếm sống được, còn thầy Hoàng, một nhà sử học nổi tiếng, cũng đành chịu bó tay. Chất xám đành khuất phục trước những vận động của bắp thịt. Một anh đạp xích lô hằng tháng kiếm tiền gấp mấy lần lương một giáo viên đại học, cậu bé thợ hồ lương công nhật bằng hai lần chàng kỹ sư mới ra trường, là những chuyện đã trở nên quá bình thường.
Gió thổi mạnh ngoài khung cửa, năm nay mùa mưa về muộn, tiết trời oi bức, thành phố lại cúp điện liên miên, nghe nói mực nước trên Trị An xuống quá mức chuẩn nên máy điện chạy không được. Ô, hình như có vài giọt nước lắc rắc trên mái hiên, tôi nhớ đến câu hát vui của đám trẻ trong xóm "Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy điện tôi xài..", đúng rồi, hãy mưa lớn nữa đi cho trời đất mát mẻ, cho ruộng vườn tốt tươi, cho thành phố mang tên du lịch nầy khỏi phải thắp đèn dầu…tôi nghĩ ngợi lung tung và thiếp đi trong nhịp mưa rơi đều đều.
Tiếng ồn ào ngoài phòng khách đã làm tôi tỉnh giấc. Giọng của mẹ lớn hơn cả:
- Thật dì cũng không hiểu nổi con.
Tiếng anh Trí:
- Con không thể làm một công việc như thế, xin dì hãy để con yên.
Lời mẹ dỗ dành:
- Con dại lắm, thời buổi nầy không nên kén cá chọn canh như vậy, hãy nghe lời dì đi.
- Con xin lỗi dì.
Hình như anh Trí đã đi ra khỏi phòng. Vài tiếng động mạnh tiếp theo. Những đồ vật vô tội đang bị mẹ trút hết cơn giận dữ của mình vào.
Tôi ngồi dậy, chải sơ mái tóc rồi bước ra phòng khách. Mẹ đang cầm một xấp báo tiếp tục liệng xuống đất.
- Mẹ làm gì kỳ vậy?
Mẹ quay lại, thấy tôi, bà bật ngả người xuống ghế, thở hào hển:
- Con với cái, lì như quỉ như ma.
Tôi chậm rãi đến ngồi bên cạnh mẹ, nhìn vào mắt bà:
- Mẹ lại bắt anh Trí làm gì nữa đó?
Mẹ bỗng sừng sộ:
- Không ai mượn mi hạch hỏi.
Tôi đấu dịu:
- Con đâu dám hạch hỏi gì mẹ, con chỉ hỏi cho biết mà thôi.
Mẹ ngồi yên không nói, sắc mặt vẫn còn giận dữ.
Tôi cầm tay mẹ:
- Mẹ ạ, theo con nghĩ, đừng nên ép buộc anh Trí làm những việc mà anh ấy không thích.
Mẹ giật tay tôi ra:
- Con còn nhỏ, con không hiểu chi hết. Thời buổi ni tìm được một việc làm như rứa là quá quí, vậy mà nó không chịu, nghĩ có tức không?
- Việc làm gì vậy mẹ?
Mẹ ngồi sát vào tôi:
- Chú Lộc con mới sắm chiếc xe chạy đường Saigon - Nha Trang, chở khách là phụ, cái chính là buôn hàng, lời lắm, chú muốn anh Trí con theo chú tập làm ăn cho quen, vậy mà nó từ chối.
Tôi khoanh hai tay trước ngực, vênh mặt như người lớn:
- Anh Trí từ chối là phải, nếu con là anh ấy, con cũng không chịu làm.
Mẹ đập mạnh tay vào thành ghế:
- Phải là phải sao? Mi nói tao nghe coi.
- Anh ấy là kỹ sư hóa học, làm sao biết buôn bán được.
Mẹ bĩu môi:
- Kỹ sư cũng chết đói con ơi, ra trường cả năm ni mà đã tìm được việc làm nào cho ra hồn mô. Đi theo chú Lộc một ngày tệ lắm cũng được mười ngàn.
Tôi nhăn mũi:
- Thôi mẹ ơi, sao mẹ thích tiền quá vậy?
Mẹ trợn mắt:
- Trời đất, tiền mà không thích thì thích gì hả con, thiệt mi con tao mà không giống tao chút mô hết.
Biết cơn giận của mẹ đã đến cao độ, tôi ôm chầm lấy bà, giả lả:
- Ơ, con giống mẹ lắm kìa, nhất là cái mũi, không tin mẹ soi gương xem. Mũi hai mẹ con mình còn đẹp hơn mũi của Cléopâtre nữa, mẹ há.
Mẹ xô tôi ra, mặt mẹ dịu trở lại:
- Vô duyên, tự nhiên đem cái mũi ra nói.
Tôi cười:
- Mẹ không nghe à, người ta đã từng nói: "Nếu chiếc mũi của Cléopâtre ngắn đi hoặc dài ra chút nữa thì cục diện thế giới đã thay đổi". Như vậy chiếc mũi của bà ta mới quan trọng làm sao.
- Thôi im đi, nói một chập như điên.
Mẹ vói tay lấy chiếc túi treo trên tường:
- Mẹ đi bán đây, trưa ni hai anh em ăn cơm với nhau, ba đi họp chắc chiều tối mới về.
Tôi ngồi thừ một lúc. Chợt nhớ đến Bích, tôi vào phòng sửa soạn thật lẹ rồi đạp xe qua nhà nó. Bích đang ngồi nhặt rau trước hiên nhà, thấy tôi, nó cười:
- Sao? Vui chứ. Tuấn và Khoa vừa mới ghé đây xong, chúng nó bảo tối hôm qua mầy hát hay tuyệt.
Tôi dựng xe, đến ngồi bên Bích:
- Hay gì mà hay, tụi nó chọc quê tao đó, xém chút nữa bể dĩa. Nè Bích, thầy có sao không? Tao lo cả đêm không ngủ được.
- Ba tao bị thương nơi chân, may quá, xương chưa gãy.
- Xe có bị gì không?
- Có hư chút đỉnh, nhưng người gây tai nạn chịu bồi thường tất cả.
Tôi đứng dậy:
- Vậy cũng đỡ, thôi tao về nghen.
- Ở lại chơi đã.
- Sắp thi đến nơi rồi, tao còn bao nhiêu là bài, có rảnh qua tao ôn thi nghe.
Tôi đi trong ánh sáng ban mai rực rỡ, hàng phượng hai bên đường đã thắp lửa chói chang. Mùa hạ về trên mái trường ngói thẫm rêu phong, trong tiếng nhạc ve rộn rã bài giao hưởng muôn đời, giữa màu hoa đỏ thắm tươi với những cánh mỏng mềm rung rinh như cánh bướm... Mùa hạ cũng mở đầu cho bao mùa thi. Chỉ còn hai tuần nữa, tôi cùng các bạn sẽ lều chõng lên đường trả nợ bút nghiên. Liệu mình có đậu nổi không nhì? Tôi chỉ sợ môn toán, thật ra tôi cũng không đến nỗi kém toán lắm, phải cái tội là tôi hay bị lộn dấu và thường chứng minh dài dòng, anh Trí cứ hay la tôi hoài vì tật nầy. Chả biết hôm nào thi mình sẽ ngồi gần ai, nếu xáo trộn các lớp mộthai lại thì chắc là mình ngồi gần Ngọc Minh, con nhỏ luôn luôn cầm đèn đỏ bên mộthaiA4, nghĩ mà chán. Nói vậy chớ mình cũng chẳng cần ai, đi bằng đôi chân của mình là chắc chắn nhất.
Tôi về đến nhà thấy anh Trí ngồi trầm ngâm trong phòng khách. Tôi đến ngồi bên anh.
- Em đi đâu về vậy, sao không ở nhà học bài?
- Em tới Bích.
Như sực nhớ ra, anh Trí chăm chú nhìn tôi:
- Ba của Bích có sao không?
- Ông chỉ bị thương nhẹ thôi.
Anh Trí ngả lưng vào ghế, không nói gì, gương mặt anh buồn buồn. Tôi e ngại nhìn anh:
- Anh Trí nè, có gì nói cho em nghe đi.
- Có gì đâu.
- Anh giấu em... anh buồn mẹ hả?
- Chỉ tại dì không hiểu anh thôi.
Tôi nắm tay anh:
- Em biết rồi, mẹ vô lý lắm... nhưng anh đừng thèm buồn nữa, em luôn luôn đồng minh với anh.
Anh Trí vuốt má tôi:
- Em ngoan lắm, nhưng lần sau đừng nói mẹ như vậy.
- Dù em không nói mẹ vẫn vô lý, mẹ tham tiền nên mới bảo anh theo chú Lộc.
Anh Trí ngạc nhiên:
- Ủa, em biết chuyện nầy nữa à?
Tôi nghiêng nghiêng mái tóc:
- Chứ sao.
Anh Trí cúi đầu:
- Minh à, đôi lúc anh thấy mình đã lớn rồi, ăn bám mãi vào gia đình cũng kỳ, nhưng thú thật là…công việc nầy không thích hợp với anh.
- Em hiểu và em tán thành việc anh từ chối đi theo chú Lộc. Anh cứ yên tâm đi, sớm muộn gì anh cũng được phân công tác mà.
Có tiếng kêu réo ngoài cổng, tôi chạy ra. Một chiếc xích lô chở đầy hàng đã vào đến sân, theo sau là dì Mộng Đào chễm chệ trên chiếc cúp bóng lộn màu mận chín.
Đó là một người đàn bà gần năm mươi tuổi, phấn son lòe loẹt và ăn mặc rất đúng mốt. Dì là bạn học của mẹ hồi còn ở Huế, vào đây tình cờ gặp lại nhau và cùng nhau chung vốn làm ăn, hiện giờ hai người có một sạp vải ở chợ An Đông.
Giọng Dì sang sảng:
- Minh ơi, mở rộng cửa ra đi con. Anh Trí mô rồi, gọi anh ra phụ dì một tay coi.
Khi tôi và anh Trí khiêng hàng chất đầy phòng thì trời đã khá trưa.
- Để em đi nấu cơm.
- Khỏi cần, anh có mua hai gói mì đây, em cứ ngồi nghỉ đi, anh đun nước sôi cho.
Tôi bày tô ra bàn rồi xé hai gói mì để vào. Anh Trí lục túi xắc đưa cho tôi một gói lá:
- Anh có mua chả lụa cho em nữa nè.
Mắt tôi sáng lên:
- Ồ, hết xẩy.
- Cái nầy còn hết xẩy nữa.
Anh Trí lại lấy trong túi ra một tờ báo:
- "Mực Tím" số mới đó, anh mua cho em đây.
- Hay quá, hoan hô anh Trí.
Nước đã sôi trên lò. Anh Trí vừa chế nước vào tô vừa bảo:
- Ăn xong nghỉ trưa một lát rồi lo học bài đi nhé em, có gì không hiểu cứ hỏi anh.
Tôi nhìn nét mặt đôn hậu của anh mà lòng dâng lên niềm thương yêu dào dạt. Anh Trí là anh cũng cha khác mẹ với tôi. Nghe người lớn kể chuyện, cách đây hai mươi năm, trong một chuyến công tác về Huế, ba đã quen với mẹ. Trước sắc đẹp yêu kiều của mẹ và trong một giây phút yếu lòng, ba đã phụ bạc người vợ trẻ, tức là mẹ của anh Trí, đến nỗi người đàn bà đáng thương nầy vì tự ái đã giận dữ bồng con về nhà mẹ ở Đà Lạt và chuyến xe định mệnh đó đã không đi đến nơi. Anh Trí còn sống sót sau tai nạn và được ông bà ngoại anh nuôi dưỡng. Nghe tin, ba ân hận muốn điên lên, ba bỏ dỡ công tác bay về SàiGòn rồi lại lên Đà Lạt đón anh Trí nhưng ông bà ngoại anh không trao. Ông bà nói ba đã gián tiếp giết mẹ của anh Trí nên không còn đủ tư cách để nuôi anh Trí nữa. Ba đau khổ một thời gian, nhưng niềm đau nào rồi cũng có lúc nguôi ngoai. Mẹ vào Sài Gòn tìm ba và sau đó hai người cùng nhau xây dựng gia đình.
Ba kể cho tôi nghe rằng sau khi tục huyền, năm nào đám giỗ mẹ anh Trí, ba mẹ đều lên Đà Lạt xin đón anh Trí về nuôi nhưng không được. Sau một thời gian dài, trước sự chân thành và sốt sắng của ba mẹ, ông bà ngoại anh Trí mới đổi giận làm lành, cho phép anh Trí về sống với chúng tôi. Năm đó anh Trí đã mộthai tuổi và tôi lên 5.
Trong hồi ức ấu thơ, anh Trí là một cậu bé nhanh nhẹn, thông minh yêu tôi rất mực, anh luôn luôn có mặt bên tôi trong những lần tôi bị lũ trẻ hàng xóm bắt nạt và sẵn sàng đấm vào những đứa lớn hơn anh để bảo vệ tôi.
Tôi ra đời giữa Sài Gòn náo nhiệt, trong người mang hai loại gène di truyền đối nghịch, lãng mạn và thực tế. Cái lãng mạn và thực tế không rạch ròi mà bàng bạc trộn lẫn, chúng hòa tan bổ túc cho nhau. Có những khi tôi như sống trong mơ, tâm hồn tôi giây phút chợt bay lên không trung, thơ thẩn giữa các vì sao ngũ sắc, dòng thơ cũng theo đó nẩy sinh trong tâm tư tôi những vần điệu tuyệt vời. Nhưng cũng có lúc tôi hoàn toàn nhìn thẳng vào cuộc đời, tôi suy nghĩ, tôi tính toán, tôi sẵn sàng có những quyết định cương quyết và táo bạo không ngờ.
Mẹ, người Huế, dạo còn thanh xuân, mẹ thùy mị dịu dàng, mẹ là một trong những người đẹp của trường Đồng Khánh, ngôi trường cổ kính rêu phong tự ngàn xưa soi mình bên giòng sông Hương thơ mộng. Nhưng bây giờ thì lại khác, cuộc sống khắc nghiệt đã đẩy mẹ vào sự lọc lừa dối trá, đồng tiền tìm kiếm khó khăn đã khiến mẹ trở thành một kẻ tham lam.
Ba, người Cần Thơ, lên Sài Gòn lập nghiệp đã lâu. Sau ngày giải phóng, những thất bại liên tiếp đã làm ba thu mình nhỏ lại. Lương công nhân viên không đủ sống, ba cố gắng thoát khỏi tình trạng bế tắc bằng cách rủ bạn bè cùng khả năng mở những tổ hợp thủ công, nhưng hơn năm nay, hàng ngoại tràn lan thị trường đã bóp chết các tổ hợp của ba, vốn liếng hụt dần. May mà có sạp hàng vải của mẹ, đúng là mẹ và dì Mộng Đào gặp thời, khách đến mua vải càng ngày càng đông, nhất là những mối mua sỉ ở miền Tây đã làm cho cuộc sống gia đình tôi khá lên dần.
Tôi có ngoại hình giống mẹ nhưng tâm hồn thì hoàn toàn giống ba, chân thành và thẳng thắn. Tính anh Trí cũng vậy, phải chăng vì thế mà tôi thương yêu anh với một tình cảm ruột thịt tự nhiên, không bao giờ tôi nghĩ rằng anh Trí là con một người mẹ khác.
Anh Trí học rất giỏi, năm nào cũng đứng đầu lớp và trong mọi kỳ thi, anh luôn luôn đạt điểm tối ưu kể cả kỳ thi tốt nghiệp đại học Bách khoa năm ngoái. Ba rất tự hào về anh. Với linh tính con gái bén nhạy, tôi cảm thấy ba thương anh hơn tôi nhưng lòng tôi không gợn chút nào ganh tỵ, vì anh Trí quả xứng đáng với tình thương bao dung của ba.
- Mì chín rồi kìa, em suy nghĩ gì vậy?
- Ợ. em...
- Lại mơ mộng nữa chứ gì. Thôi ăn nhanh lên rồi còn đi ngủ, hơn một giờ trưa rồi.