Chương 5

Đêm hè mây trắng xôn xao
Hai vì sao lạ lạc vào mắt anh
Lá khô ngơ ngác trở mình
Hồn em bối rối nghiêng thềm mơ hoa
 
Sau lần tình cờ đi chơi với Thoại, tôi ghi được bốn câu lục bát vào nhật ký rồi nàng thơ cũng bỏ tôi đi mất, nhưng tôi không có thì giờ tìm kiếm nàng vì mãnh lực của bài vở đã lôi cuốn tôi vào cơn lốc của thi cử, học, học và học.
Chiều nay anh Trí bảo tôi xếp hết bài vở lại cho tâm trí thảnh thơi, vì sáng mai đã bắt đầu ngày thi rồi. Hồi hộp quá, buổi trưa ngủ không được, tôi đem ghế ra ngồi chơi dưới bóng cây ngọc lan.
Trời không nắng, gió hiu hiu thổi, tôi ngã người vào ghế nhìn đăm đăm lên tàn cây dầy rậm thầm đếm những nụ hoa trắng ngà e ấp sau nhành lá xanh tươi, nè một, nè hai, ồ, ngọc lan ra nhiều quá. Tối nay không gian lại được ướp mùi sực nức và có chút hương nào len vào trong giấc ngủ của tôi không? Tôi lan man suy nghĩ. Tôi nhớ đến những ngày thơ dại, cũng dưới bóng mát nầy, tôi đã nhặt hoa ngọc lan bày hàng đồ chơi vô cùng thích thú. Mấy đứa trẻ hàng xóm cũng chạy sang góp quà chung chơi, đứa thì hoa giấy, đứa hoa ngâu, hoa huỳnh anh... nhưng thích nhất vẫn là hoa phượng, loài hoa của mùa hè rực rỡ rất tiện lợi cho những trò chơi hấp dẫn: cánh hoa làm hột nổ, đài hoa làm bong bóng, búp hoa để đá gà. Ôi những con gà mập mạp rắn chắc mà mỗi lần dự trận tranh hùng tôi đã hồi hộp biết bao. Trò chơi của con nít! Tôi nhớ lời Thoại đã nói với tôi và gương mặt anh chợt hiện lên rõ nét, sao Minh không giống con gái Huế chút nào hết? Tại sao tôi lại không giống chứ, ai cũng bảo tôi giống mẹ mà mẹ lại là con gái Huế chính cống không lai một giọt máu nào kia mà. Tôi nhắm mắt lại, bực mình quá thôi không thèm nghĩ đến gì nữa, ngủ đi, ngủ đi.
Có tiếng đập cổng làm tôi giật mình thức giấc:
- Minh ơi, Minh ơi.
Tôi chạy nhanh ra cổng, một phụ nữ rất đẹp mặc áo sơ mi xanh xuất hiện bên chiếc vali cũng màu xanh.
- A, dì Phượng.
- Chà, Ái Minh lớn ghê hí, mở cửa cho dì mau lên, đồ nhiều lắm.
Cái giỏ lớn chất đầy hàng dì Phượng đem từ Huế vào quá nặng, tôi và dì khiêng không nổi.
- Để cháu gọi anh Trí.
Anh Trí rất vui mừng khi thấy dì Phượng:
- Sao lâu quá không thấy dì vào, cả nhà ai cũng mong. Dì vào nhà nghỉ cho khỏe để cháu chuyển đồ vào cho.
Dì Phượng lăng xăng:
- Nặng lắm đó Trí, để dì phụ với.
- Có Ái Minh với cháu rồi, dì khỏi lo.
Hai anh em khiêng hàng vào đến phòng khách đã thấy dì Phượng nằm dài trên chiếc sa lon lớn:
- Mệt ơi là mệt, ba ngày ngồi trên xe lửa, thiếu điều muốn gãy lưng.
Tôi ngồi xuống bên dì:
- Sao dì không đi máy bay?
- Con ni nói chơi, đi buôn mà phong lưu rứa thì lỗ vốn mất.
Tôi ngây thơ:
- Dì đi buôn à, dì buôn gì vậy?
Dì Phượng ngồi nhỏm dậy:
- Dì đem hàng của bà ngoại vào cho mẹ cháu - rồi dì cười - dì mà buôn chi, ăn thì có, nhân dịp vào Sài Gòn chơi một chuyến thôi.
Anh Trí ngồi xuống ghế đối diện:
- Dì vào gặp mùa mưa rồi.
Dì Phượng lại cười phô chiếc răng khểnh duyên dáng:
- Vậy là Trí không thức thời rồi, ngày kia là trận khai mạc Mondial 90, ở Huế dễ gì được xem truyền hình trực tiếp.
Anh Trí vỗ tay vào đầu:
- Ồ, thật đáng trách, cháu quên mất dì là một cây mê bóng đá, dân Sài Gòn cũng đang nô nức đón chờ ngày đó.
Dì Phượng nhìn tôi:
- Còn Ái Minh, cháu thì sao?
- Cháu không để ý đến gì cả ngoài mấy tập vở, ngày mai cháu thi tốt nghiệp rồi.
Có tiếng xích lô dừng ở cổng, mẹ về. Tôi chạy ra:
- Mẹ ơi, có dì Phượng vào.
Mẹ xách hai túi du lịch lớn, bước xuống xe một cách khó khăn, tôi đưa tay đỡ:
- Mẹ mua gì nhiều vậy mẹ?
Gương mặt mẹ hồng gương nắng. Dì Phượng đã đứng ở cửa:
- Chị Loan, em vào thăm chị đây nì.
Mẹ cười:
- Thăm gì tôi, cô vào thăm mấy anh chàng Gullit, Maradona thì có.
Dì Phượng tròn xoe mắt:
- Trời đất, chị bắt mạch còn hay hơn phù thủy.
- Vậy mới là chị của cô chớ.
Dì Phượng là em út của mẹ tôi. Thật ra bà ngoại tôi chỉ sinh được hai người con gái thì ông tôi mất, bà đã ở vậy tần tảo nuôi con cho đến bây giờ, điều làm bà ân hận nhất là không có một người con trai để nối dõi tông đường. Dì Phượng tuổi cũng lớn, dễ chừng đã băm bốn, băm lăm nhưng vẫn chưa lập gia đình.
Nghe mẹ kể, hồi mới giải phóng, dì Phượng đang học dự bị y khoa, dì có quen một người bạn trai học trên dì ba lớp, hai người thương yêu nhau lắm và định ngày anh ấy ra trường sẽ làm lễ cưới, nhưng rồi đùng một cái, người yêu của dì Phượng theo bạn bè vượt biên và biệt vô âm tín luôn. Từ đấy, dì Phượng khép chặt cửa lòng không muốn làm quen với ai cả. Bảy năm sau, dì ra trường, được về nhận công tác tại một bệnh viện lớn và tuổi xuân của dì cũng theo đó phôi pha.  Con gái chỉ có một thời như hoa đào, chỉ tươi khi mùa xuân đến và phượng vĩ giữa mùa hè mới đậm đà hương sắc thanh tân. Dì Phượng là hoa nở trái mùa, là sen hồng cuối hạ, dù mắt môi còn đẹp nhưng làn da đã mất hẳn màu tươi.
Anh Trí giúp mẹ đem hai túi xách vô buồng, mẹ gieo mình xuống ghế:
- Mệt muốn chết, Minh ơi, pha nước chanh cho mẹ và dì Phượng đi con.
Nhìn chiếc giỏ to lớn để nơi góc nhà, mẹ ngạc nhiên hỏi dì Phượng:
- Em đem gì vào nhiều vậy?
Dì Phượng đến ngồi bên mẹ:
- Có người quen đem hàng từ Lào về, giá rẻ lắm, mạ biết được, mạ rút hết tiền tiết kiệm bảo em đêm vô nhờ chị bán kiếm lời, em mở cho chị coi nghe.
- Để từ từ không vội, em tắm rửa nghỉ ngơi đi, anh Tuệ cũng sắp về rồi, gặp em chắc ảnh mừng lắm, mùa bóng đá nầy ảnh nhắc đến em mãi.
Tôi đặt hai ly nước chanh lên bàn, dì Phượng hỏi:
- Mai cháu thi mất hai ngày phải không?
- Dạ.
Dì Phượng cầm ly nước lên, cười thật tươi:
- Như rứa là mấy ông trên bộ giáo dục còn thương học trò quá, chọn ngày thi thật đúng cho mấy cô cậu kịp xem trận đấu khai mạc Mondial 90.
Tôi đăm đăm nhìn dì Phượng. Dưới ánh đèn vừa bật trong phòng khách, trông dì thật trẻ trung. Theo cảm tính, tôi thấy dì hoàn toàn không giống mẹ, cả về ngoại hình cũng như cá tính. Dì không đẹp bằng mẹ nhưng sôi nổi và đầy nhiệt tình, dì yêu văn nghệ, thích thể thao, tham gia tích cực vào các công tác xã hội, và điều làm tôi khâm phục nhất là mùa đông năm ngoái, dì đã ra tận Thanh Hóa ở một thời gian để săn sóc các nạn nhân bị bão lụt và dốc hết tiền dành dụm cứu đói cho các gia đình nghèo.
Ba đi làm về dắt xe vào cửa, ba thấy dì Phượng trước:
- Phượng, vào hồi nào vậy?
Dì Phượng chạy đến:
- Anh Tuệ, bữa ni anh hơi ốm đó.
Có tiếng mẹ nói từ nhà sau:
- Trí ơi, đi mua cho dì vài chai bia, còn Ái Minh dọn chén dùm mẹ nghe.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm vui vẻ, bia bốc hơi men lên mặt mọi người. Ba hỏi anh Trí:
- Mai em Minh thi, con đã xem bài vở em kỹ càng chưa?
- Dạ tốt rồi, chiều và tối nay để nó chơi cho thư giãn tinh thần.
Ba lại hỏi tôi:
- Con đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần chưa?
Tôi ngập ngừng:
- Sao... sao… hình như con quên hết...
Dì Phượng vuốt tóc tôi:
- Vậy là tốt, quên bây giờ để ngày mai vào thi nhớ tất cả, đó là kinh nghiệm của dì.
Ba lại hỏi dì Phượng:
- Em dạo nầy ra sao, làm việc vui chứ?
Dì Phượng gắp một miếng rau bỏ vào chén:
- Vui thì vui vì hợp với chuyên môn của mình nhưng mà nghèo lắm anh ơi.
Ba cười:
- Bác sĩ mà lại than nghèo à?
- Anh chị nghĩ coi, lương công nhân viên không đủ ăn sáng, tiền vá cái ruột người còn thua tiền vá cái ruột xe, mà có được lành ngay đâu, cả nửa năm mới có tiền rót về thanh toán - dì Phượng cười buồn - học hành tốn hao nhiều cơm gạo, đến bây giờ mạ vẫn nuôi em.
Anh Trí bỏ thêm đá vào ly dì:
- Bà ngoại vẫn mạnh hả dì, bà vẫn buôn bán khá chứ?
Mặt dì Phượng tươi lên:
- Nhờ trời cũng khá Trí à, nhưng dạo ni bà cũng yếu rồi, phải nhờ mấy người bà con giúp đỡ.
Dì quay sang ba mẹ:
- À, mạ có làm mấy phong bánh đậu xanh ướt gởi cho anh chị, em còn để trong giỏ, mạ nói anh Tuệ thích bánh nầy lắm phải không?
Tôi vừa nhai cơm vừa la lên:
- Hay quá, cháu cũng thích nữa.
Anh Trí nghiêm nghị nhìn tôi:
- Nuốt xong đàng hoàng rồi hãy nói.
Ba cũng tỏ vẻ không bằng lòng:
- Con gái lớn rồi phải ý tứ chứ.
Mẹ bênh tôi, mẹ đánh trống lãng:
- Ái Minh ăn xong vào pha trà đi con.
Tôi thoát nạn, buông đũa, nhảy chân sáo xuống bếp.
Dì Phượng đã sắp xong hai đĩa bánh đặt trên bàn, khi tôi bưng khay trà lên thì ba mẹ đã ngồi vào salon, anh Trí đang giúp dì Phượng soạn hàng từ giỏ ra. Ba giục:
- Thôi để đấy, tới uống trà, ăn bánh đã.
Tôi cầm chiếc bánh đậu vàng ươm tròn trĩnh ngắm nghía, thầm phục bà ngoại, quả là danh bất hư truyền. Dòng họ của bà có nghề làm bánh suốt mấy đời mẹ truyền con nối, khắp xứ Huế và các tỉnh miền Trung không ai không biết đến hiệu bánh "Hương Giang" nổi tiếng của bà. Nghe nói trước đó nữa, hồi thời bà cố tôi kìa, hiệu bánh phát triển lớn lắm, đủ sức phục vụ cho hầu hết các đám tiệc, đám cưới trong thành phố, nhưng đến đời bà ngoại tôi, gặp chiến tranh đời sống khó khăn nên sức tiêu thụ cũng giảm bớt, hiệu bánh thu hẹp phạm vi sản xuất, bảng hiệu cũng hạ xuống, bà ngoại chỉ làm cầm chừng đủ nuôi mẹ và dì Phượng ăn học. Bây giờ bà ngoại đã già nhưng các tay làm bánh ở Huế không ai qua nổi bà món bánh măng, bánh mận, và bánh su sê, nhà nào có đám cưới phải đặt trước cả tháng trời mới mong có bánh. Ba vừa ăn bánh vừa nói với dì Phượng:
- Mạ làm bánh ngon quá, hay là em học nghề mạ, mở rộng tiệm bánh chắc là khá đó.
Dì Phượng dựa người vào ghế:
- Em cũng đã thử rồi nhưng đành chịu ngồi từ sáng đến tối mỏi lưng lắm, em thua.
Tôi nói với mẹ:
- Mẹ ơi, hè nầy cho con ra Huế học bà ngoại làm bánh nghe mẹ.
Mẹ cốc yêu vào đầu tôi:
- Cô mà ngồi yên một chỗ thì trời sập mất.
Anh Trí cũng phụ họa:
- Trời chưa sập, mấy hàng quà đã đưa đơn kiện vì ế, nào khô bò, bò bía, không có Ái Minh chắc họ phải dẹp tiệm mất.
Dì Phượng nhìn tôi nheo mắt:
- Thêm vào đó, mấy hàng lò ngoài Huế bán đắt lắm. Trí biết không, năm kia Ái Minh ra Huế đập vỡ của bà ngoại mấy cái lò nướng bánh đó.
Ba mẹ cười to đến nỗi tôi không dám ngồi đó nữa, tôi chạy ra hiên không quên cầm theo hai cái bánh.
Trong phòng khách, mọi người vẫn ngồi nói chuyện râm ran. Tôi nghe ba nói với mẹ:
- À quên, anh chưa nói với em, hồi sáng nay chú Vinh có đến thăm anh.
Tiếng mẹ:
- Ủa, nghe nói chú ấy vượt biên rồi mà.
- Đâu có, lâu nay chú ấy về miền Tây làm ăn, khá lắm, bắt đầu từ bây giờ, chú ấy về ở đây hẳn để hùn hạp với bạn bè mở một khách sạn hay nhà hàng gì đó, đâu ở miệt Tân Cảng.
Tiếng mẹ reo lên:
- Hay quá, vậy anh hỏi thử có chỗ nào cho Trí nó làm không, một chân tiếp viên chẳng hạn, nó giỏi ngoại ngữ chắc là thích hợp lắm đấy.
- Em thì lúc nào cũng ào ào, chú ấy sẽ còn đến nhà thăm vợ chồng mình mà, vội gì.
Tôi đồng ý với ba, đúng là mẹ hay ào ào thật, mẹ luôn luôn muốn anh Trí phải đi làm, mà phải làm những chố có lương thật cao, dù mẹ đủ sức nuôi anh. Mẹ không bắt anh đóng góp đồng nào vào kinh tế gia đình cả, nhưng theo ý mẹ, có bằng cấp chưa đủ mà phải có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao, mới mong xây dựng được một tương lai tốt đẹp. Cũng theo ý mẹ, tương lai tốt đẹp đây là cưới được một cô vợ có của hồi môn. Không biết tự bao giờ, mẹ tỏ vẻ không ưa mấy con bạn nghèo của tôi. Thấy anh Trí có cảm tình với Bích, mẹ thường nói cha mẹ con Bích là giáo viên, cưới nó về chỉ có nước cạp đất mà ăn, rất may anh Trí không nghe câu nói đó. Tôi lại nghĩ đến chú Vinh, chà, mở được khách sạn là giàu phải biết, không biết dạo nầy chú còn mập không? Chú Vinh là người em kết nghĩa với ba, chú hay lại nhà chơi khi tôi còn bé tí, rồi chú đi học tập, khi chú về thì vợ chú đã theo người đàn ông khác, chú buồn lắm, chú hay đến nhà tâm sự với ba mẹ rồi cách đây ba bốn năm gì đó, tôi không gặp chú nữa, anh Trí nói chú đã vượt biên rồi...
Đêm dần khuya, tôi trở về phòng, dì Phượng đang ngủ say sưa trên giường tôi. Tôi đến bên cửa sổ, nhìn lên trời cao, những vì sao nhấp nháy như thầm hỏi tôi ngày mai thi rồi, cô bé có lo không?