Diễm ngồi coi TV nhưng đầu óc cứ suy nghĩ vẩn vơ. Từ ngày gặp khó khăn trong công việc làm Diễm đã treo bảng bán nhà, và có ý định tìm thuê một studio nhỏ cho đỡ tốn kém nhưng một người bạn khuyên Diễm nên tạm thời cho thuê bớt vài phòng trống thay vì bán nhà vì thị trường nhà cửa lúc này rất đình trệ.
Diễm thấy cho thuê phòng cũng cũng là một giải pháp tốt vì thực tình Diễm cũng không muốn dời bỏ căn nhà nhỏ thân yêu ở vùng Fountain Valley nhiều kỷ niệm này. Nàng ở trên lầu, dưới nhà còn hai phòng trống nên Diễm không cảm thấy mất tự do cho lắm. Tô Thùy-Dung là người khách đầu tiên, và từ ngày Thùy-Dung vào ở chung Diễm có thêm người bạn nên cũng cảm thấy bớt cô đơn, bớt nhớ thương người chồng mới qua đời vài năm. Thùy Dung là free lance writer viết cho tờ báo Orange County Register nên đời sống rất thầm lặng và ngăn nắp, không gây phiền hà cho bất cứ ai.
Điện thọai reo vang trong lúc Diễm còn đang thả hồn mơ mộng. Nàng nhấc máy:
- Allo
- Ồ, nghe 'Allo' tôi chắc là đang nói chuyện với đồng hương. Xin lỗi cho tôi gặp chủ nhà.
- Tôi nghe đây.
- Tôi thấy bảng 'Room For Rent' nên điện thoại hỏi thăm.
- Dạ, chúng tôi có phòng trống cho mướn.
Giọng người đàn ông reo vui:
- Ồ thế thì tốt quá. Tôi rất thích khu vực này, và tôi chỉ cần một phòng cho chính tôi.
Diễm ngần ngừ:
- Chúng tôi chỉ muốn cho phụ nữ độc thân mướn.
Có tiếng cười nhẹ trong điện thoại:
- Sao lại có sự kỳ thị như thế?  Với lại tôi … hiền khô, cũng như con gái vậy thôi!
Diễm bật cười, một ý nghĩ thoáng đến trong đâu “Anh con trai nào chẳng nói mình hiền. Tuy nhiên, why not! Có người đàn ông trong căn nhà vắng vẻ nhiều khi cũng đỡ sợ, vả lại có Tô Thùy Dung ở chung, và nếu văn đúng là người thì cô này cũng ‘tay chơi’ lắm, không sợ anh đàn ông nào ‘bắt nạt’ đâu”. Giọng Diễm bớt lạnh lùng:
- Anh nói qua về mình một chút được không?
- Được chứ, tôi tên Dũng, 28 tuổi, độc thân, ban ngày đi học, ban đêm chơi nhạc cho một phòng trà. Tôi tìm một chỗ yên tịnh đễ ngủ chứ thực ra không ở nhà bao nhiêu và không nấu nướng lỉnh kỉnh. Ông bà sẽ thấy tôi là người thuê nhà dễ chịu nhất.
Diễm tỏ vẻ ngại ngùng:
- Anh là nghệ sĩ, như vậy thu nhập bấp bênh lắm. Nói thật với anh, chúng tôi cũng đang ở trong tình trạng tài chánh khó khăn, cho thuê nhà để có lợi tức đều đặn là điều rất quan trọng cho chúng tôi.
Dũng nói nhanh trong điện thoại:
- Tôi sẽ trả tiền nhà đều đặn, và trả trước hàng tháng. Ngoài việc chơi nhạc cho phòng trà, tôi còn là grader tại trường, thay giáo sư chấm bài cho học trò mới nên cũng được trả tiền đủ sống.
- Anh đang học trường nào? Còn bao lâu nữa ra trường?
- UCI. Còn … lâu lắm mới ra trường. Tôi đã xong B.S., hiện còn đang tiếp tục post-graduate. Ông bà thấy sao?
Diễm cười:
- Chỉ có … Ms. thôi chứ không có ông bà nào cả. Anh Dũng tới coi nhà và cho Diễm tìm hiểu thêm một chút được không?
Dũng nói như reo:
- Oh, thanks. Hiện Dũng đang đậu xe bên kia đường. Dũng sẽ tới ngay. Cám ơn … Ms. Diễm nhé.
Diễm buông điện thoại, tần ngần đưa tay vuốt mái tóc dài:
- Không biết nên hay là không nên. Để nói chuyện thêm tìm hiểu xem cái ‘cậu’ sinh viên này ra sao rồi quyết định.
Nàng gõ cửa phòng Thùy-Dung:
- Này ‘bà’, cho tôi nhờ một tí!
Thùy-Dung mở cửa, nhướng mắt nhìn Diễm:
- ‘Moi’? Cần đấm bóp cho ‘thư giãn’ hả?
Diễm lườm Thùy-Dung:
- Lúc nào cũng nghĩ … bậy. Có anh sinh viên muốn thuê phòng. Tôi với bà ‘phỏng vấn’ anh ta xem có được không.
- Cứ đẹp trai là được!
- Cái bà này, người ta nói chuyện đứng đắn mà.
Thùy-Dung cười giả lả:
- Đùa một tí thôi. Yên chí để ta quay hắn như quay dế.
Diễm chưa kịp trả lời thì đã nghe tiếng chuông.
Nàng nháy mắt ra hiệu và đẩy nhẹ Thùy-Dung ra phòng khách ngồi chờ.

*

Dũng gật đầu chào Diễm, vừa nói vừa cười:
- Nghe tiếng chị trong điện thoại tưởng như … không ngờ chị còn trẻ quá. Chị bằng lòng cho Dũng gọi chị là chị Diễm nhé.
Diễm gật đầu, mỉm cười, chỉ chiếc ghế cạnh Thùy-Dung:
- Mời anh ngồi. Anh Dũng, Thùy-Dung cũng là ‘khách trọ’. Anh và Thùy-Dung làm quen với nhau nhé! Để Diễm đi rót nước.
Thùy-Dung nhìn Dũng đăm đăm:
- Xin lỗi anh nhé, có thể chúng mình sẽ sống chung dưới cùng mái nhà như bạn nên Thùy-Dung xin hỏi thẳng, anh Dũng có references không?
Dũng cười nhẹ:
- Dũng là ‘con bà Phước’, mồ côi sớm, ở với chú. Năm 91 chú sang Mỹ theo diện HO. Khi đó  Dũng mới 12 tuổi nên được đi theo. Chú Dũng hiện ở cư ngụ trên miền Bắc Cali. Xong trung học Dũng được học bổng theo học UCI, và từ đó tới giờ Dũng vẫn sống quanh đây. Các chị cũng có thể gọi giáo-sư đỡ đầu của Dũng hoặc ông chủ vũ trường Ritz để check references.
Thùy-Dung lặng lẽ lắng nghe và quan sát Dũng.
Khuôn mặt Dũng trắng xanh, mái tóc dài phủ kín gáy, miệng lúc nào cũng như mỉm cuời và lâu lâu lại đưa tay sửa lại cặp kính trắng trên sống mũi. Chiếc áo chemise mầu café sữa được bỏ gọn ghẽ trong quần nhưng chiếc quần jean đã quá cũ, đầu gối đã sờn rách và hình như … 10 năm chưa giặt!
“Đúng là một nghệ sĩ”, Thùy Dung nghĩ thầm, “thoáng nhìn giống như là T.C.S., nhưng tươi vui và hoạt bát hơn nhiều”.
Diễm cũng đã trở lại. Nàng đặt tách nước trà trên bàn trước mặt Dũng:
- Mời anh.
Thùy-Dung hắng giọng:
- Chúng tôi rất cần sự yên tĩnh nên xin hỏi thẳng, anh Dũng có nhiều bạn không, và nhất là có bạn gái chưa?
Dũng bật cười:
- Bạn thì Dũng nhiều lắm, nhưng chỉ gặp nhau ở trên trường, hoặc ở một chỗ nào đó chứ không đưa nhau về nhà.
Ngừng một chút Dũng nhìn vào mắt Thùy-Dung:
- Bạn gái theo đúng nghĩa thì Dũng chưa có. Chắc sau này phải nhờ chị Thùy-Dung giúp một tay.
Thùy Dung nhướng mắt:
- Hả?
Dũng tủm tỉm cười:
- Chị có em hoặc cháu nào giới thiệu cho Dũng. Chỉ cần đẹp bằng … một nửa chị thôi!
Thùy-Dung đỏ mặt, ngập ngừng:
- Dũng … lém lỉnh quá nên con gái họ sợ không dám …
Nàng bỏ lửng câu nói, nâng tách nước trà lên môi, cúi mặt tránh cặp mắt long lanh của người con trai mới quen.  Diễm chen vào:
- Anh Dũng có muốn hỏi gì không?
Dũng cười:
- Các chị ở một mình có sợ … ma không?
Diễm cười nhẹ:
- Hơi sợ. Nhưng bây giờ có Dũng nữa thì không ma nào dám tới.
Dũng reo lên:
- Như vậy là chị bằng lòng cho Dũng mướn phòng?
Diễm gật đầu:
- Bao giờ Dũng muốn dọn vào?
Dũng nhìn Diễm như biết ơn:
- Cám ơn chị, và chị Thùy-Dung nữa. Cuối tuần Dũng dọn vào.
Thùy-Dung như đã lấy lại bình tĩnh:
- Quyền chủ nhà chứ Thùy-Dung đâu có … ăn thua gì.
Diễm đùa:
- Ăn thua nhiều lắm chứ. Nếu không có Thùy-Dung thì chắc gì ‘ai đó’ muốn mướn phòng!
Dũng biết đã đến lúc cáo từ ra về.
Diễm tiễn Dũng ra tới cửa, khi quay vào Diễm vẫn thấy Thùy-Dung ngồi trầm ngâm ôm chiếc gối trong lòng. Nàng ngồi xuống cạnh Thùy-Dung:
- ‘Thằng bé’ được đấy chứ.
Thùy-Dung ngước mắt nhìn, và chợt mỉm cười:
- Cũng chẳng ‘bé’ lắm đâu …

*

Ngày … tháng … 2006
Thế là mình đã dọn vào nhà nầy đươc mấy tháng rồi.
Mấy tháng êm đềm cho mình quên bớt phiền muộn từ ngày Mỹ Phương, người bạn đồng nghiệp mà một thời cũng là người yêu, bỏ mình ra đi.
Chị Diễm thì lúc nào cũng hiền dịu, dễ dàng thông cảm và cũng coi mình như em. Đôi khi còn gọi mình ra ăn chung những khi chị nấu mấy món đặc biệt làm mình cứ suýt xoa, ước gì chị là chị ruột của mình để mình được chị săn sóc suốt đời. Hình như chị có nỗi buồn nên nhiều lúc thấy chị đăm chiêu. Mình không biết nhiều về quá khứ của chị, và cũng không dám tò mò hỏi han.
Tô Thùy Dung hơi khó hiểu, hình như chỉ kém mình vài tuổi nhưng mặt coi còn ‘măng sữa’ lắm. Nghe nói là con nhà giàu, lái xe mới láng cóng, nhưng giận ông bố không hiểu được nếp sống mới nên nhất định tự lập, moved-out,  dù rằng bà mẹ khóc hết nước mắt. Mình không hiểu được Dung, có lúc nàng thật dễ thương nhưng có lúc như ‘bà già giết giặc’,  khó tính như ‘bà cô bên chồng’. Nhớ hôm mình mặc short ra khỏi phòng, gặp Thùy-Dung trong hành lang, Dung nhướng mắt chỉ tay vô phòng làm mình quê một cục!
Thế nhưng nhiều lúc Thùy-Dung cũng dễ thương, ngâm thơ nho nhỏ và cười với mình. Đôi khi còn yêu cầu mình đệm guitar cho Dung và chị Diễm hát nữa. Những lúc ấy mình thấy căn nhà như một gia-đình êm ấm, và  mọi  người thật đáng yêu. Nhớ lại mẩu đối thoại  với Dung hôm qua khi gặp nhau ngoài vườn sau nhà:
- Dũng với Thùy-Dung có họ đấy Dung biết không?
- Xí, họ ‘Hồng Bàng’!
- Thật mà, tên hai đứa mình viết không có dấu, giống nhau y chang!
- Biết rồi, so what?
- Giống cả họ nữa!
- Giống ở chỗ nào?
- Dung họ ‘Tô’, còn Dũng họ ‘Chén’!
- Hả?
- Họ Trần nguyên gốc từ bên Tàu. Mình viết là Trần, bính âm của Tàu viết là ‘Chén’. Tô với Chén như vậy chả cùng họ là gì!
- Hi hi, Dũng … ba xạo!
- Không chịu hả? OK, như vậy thì khác họ, nhưng mà nầy, “người dưng khác họ, chẳng nọ thì kia …". Dung nghĩ sao?
- Dung nghĩ là Dũng … cà-chớn!
Mình biết đó chỉ là câu chuyện nói đùa nhưng sao nhìn ánh mắt luống cuống và nghe giọng  mắng mỏ dịu dàng mình cũng thấy trong lòng êm ái. Nói thật, một ngày  không thấy ‘bà chằng’ này mình cũng thấy bâng khuâng, thế nhưng biết ra sao ngày sau. Cuộc tình với Mỹ Phương còn để lại dấu ấn trong lòng, và đôi khi mình cũng không biết là mình đã quên hẳn Phương chưa
 

*

 
Buổi sáng nào Dũng cũng thấy người đàn bà còn trẻ đó dìu đúa con tập đi trước nhà hàng xóm sát bên. Chị Diễm nói bà ta tên là Hằng và người chồng tên Bân. Đứa con trai còn ít tưổi hơn Dũng, không may bị thương trong một tai nạn xe cộ và còn đang trong thời kỳ physical therapy. Dũng không thể nào không chú ý đến người đàn bà đẹp ấy. Không phải chỉ vì sắc đẹp mà còn có cái gì rất là thân quen mà mãi sau này Dũng mới nghĩ ra. Hôm qua khi đang ngồi chơi guitar với Thùy Dung trong phòng khách, qua khung cửa sổ thoáng thấy Hằng dẫn con ngoài đường Dũng đã ngừng tiếng đàn nhìn ra ngoài làm Thùy-Dung nổi giận, bỏ vào phòng, rập mạnh cửa.
 
Sáng nay gặp nhau ngoài vườn sau nhà Dung không thèm nhìn tới Dũng. Dũng cố làm lành:
- Dung còn ‘xì nẹt’ Dũng không?
- Hổng thèm! – Dung hầu như hét lên - Dũng quê một cục, Dũng  ba xạo, Dũng cà chớn, Dũng … Dũng … Dũng … Dũng qua nhà ‘người ta’ mà đàn đi!
- Thôi mà!
Dũng thở dài cúi đầu nói tiếp:
- Dũng thấy mến bà Hằng có lẽ vì Dũng nhớ mẹ, nhớ những ngày còn bé được mẹ dắt qua đường. Ước gì Dũng còn mẹ để được mẹ nâng đỡ những khi Dũng vấp ngã ở đời! Dung có gia đình sao Dung đành bỏ đi? Trái lại, Dũng chỉ ước mơ mình có nơi để về.
Thùy-Dung ngước mắt nhìn Dũng. Người con trai hình như đang xúc động, mái tóc dài che gần hết vừng trán rộng, mắt nhìn xa xôi như tìm kiếm những hình ảnh xa vời. Lòng Thùy-Dung bổng nhiên chùng xuống:
- Mẹ Dũng ngày xưa chắc đẹp lắm phải không?
Dũng gật đầu, mắt long lanh như có nước:
- Như một bà tiên.
Thùy-Dung e dè:
- Có giống bà … Hằng không?
Dũng bật cười:
- Không nói chuyện đó nữa! Tối nay thứ Bảy Dũng chơi nhạc ở Ritz, có ca sĩ Thu-Phương hát nữa, Dung tới nghe nhé. Dũng mời.
Thùy-Dung ngần ngừ:
- Có mời chị Diễm không?
- OK. Dũng sẽ mời cả chị Diễm nữa. Hôm nay Dũng chơi Saxophone!
Thùy-Dung ngạc nhiên:
- Tưởng Dũng chỉ chơi guitar.
Dũng cười:
- Thường thì Dũng chơi guitar điện, hoặc piano cho ban nhạc, nhưng tối nay Dũng đặc biệt chơi Saxo.
Giơ hai tay làm điệu như đang thổi kèn Dũng khoe:
- Dũng thổi Saxo cũng tới lắm. Bạn bè từng khen là “Kèn tây chàng ‘bú’ một hơi. Clinton cũng chỉ thế thôi là cùng.
Thùy Dung nhăn mặt bật cười:
- Dũng chỉ đứng đắn được một phút là lại … cà chớn như thường! Nói gì mà nghe … hãi quá.
- Thì cũng ‘đồng bóng’ như Dung vậy. Khi thì dễ thương, khi thì như …
Dung nhướng mắt:
- Như gì?
- Hì hì, không nói nữa!
- Dũng … Cà Chua! Bao giờ mình đi, mà đi chung hay là đi xe riêng?
Dũng yên lặng nhìn Dung. Người con gái nét mặt hân hoan, mắt mở lớn mắt nhìn như chờ đợi. Dũng thấy lòng mình chợt ấm áp, chàng dịu dàng:
- Đi chung. Mà lần này Dung ngồi băng trên với Dũng nhé. Lần trước chở hai ‘bà’ đi chợ, ai cũng tránh ngồi trên với Dũng, làm Dũng cứ như tài xế riêng của hai ‘bà’ không bằng.
Ngừng một chút Dũng tủm tỉm cười:
- Nếu chỉ có mình Dung thôi thì Dũng tình nguyện làm tài xế riêng cho Dung, chở Dung đến góc biển chân trời!
Thùy Dung thấy má mình nóng bừng:
- ‘Ông’ đừng có xạo. Định hát ‘cải lương’ nữa sao?
Bổng nhiên nàng trở nên lúng túng, đưa tay vuốt tóc:
- Dung phải đi làm đầu. Tối nay gặp lại Dũng nghe.
Dũng yên lặng nhìn Thùy-Dung quay vào.
 
Sáng thứ Bảy vườn sau nhà đầy nắng. Không gian im vắng, gió chỉ như vuốt ve da thịt người. Dũng gắn điếu thuốc lên môi và châm lửa:
- Chị Diễm thấy thế nào cũng lại la mình. Mà ăn thua gì. “Có bao nhiêu năm cuộc đời …”
Từ ngày dọn vào ‘share phòng’ với chị Diễm, với Thùy Dung, Dũng thấy cuộc đời như đang chuyển hướng. Mối tình buồn với Mỹ Phương đã đi vào quên lãng, gặp nhau trong phòng trà cũng ‘lạ nét môi cười’. Có lẻ là vì Thùy-Dung.
 
Ngay từ hôm đầu gặp gỡ, Dũng đã để ý đến nàng, dù chỉ thoáng qua, nhưng từ ngày sống chung dưới một mái nhà trọ Dũng dần dần thấy mình như lạc vào mê cung. Thùy-Dung có khuôn mặt trong sáng như cô sinh viên chưa ra khỏi mái trường, hiền dịu như ‘con mèo ngái ngủ trên tay anh’, nhưng đôi khi Dung khó hiểu và ngang ngược như một tiểu thư con nhà giàu coi trời bằng vung.
Sự trái ngược đó đã lôi cuốn Dũng, trước tiên vì tò mò tìm hiểu nhưng dần dần như một đam mê. Ngày nào không chọc cho Thùy-Dung cằn nhằn mắng mỏ, không thấy ánh mắt luống cuống hờn dỗi là Dũng thấy bâng khuâng nhớ nhung. Tình yêu ư? Dũng cũng chưa rõ lòng mình, chỉ biết rằng những hôm về khuya, thấy ánh đèn còn sáng trong phòng Thùy-Dung là Dũng chợt thấy vui!
Có tiếng Diễm làm Dũng giật mình:
- Hút ít thôi không cháy phổi đó Dũng. Mơ màng gì đó?
Dũng tròn miệng thở một vòng khói trắng:
- Nghĩ tới một người chị Diễm ạ.
Và chợt mỉm cười hát nho nhỏ:
- … Ta lần mò leo mãi.
Chưa qua được vách sầu.
Ta tìm một tiếng yêu
Thấy toàn là sầu đau
... (V.T.A)
 
 °°
Những ngày cuối năm trời Nam Cali se lạnh, Dũng lôi chiếc sport coat lâu ngày bỏ quên ra mặc. Đứng nhìn mình trong gương bỗng nhiên Dũng mỉm cười “Trông mình đứng đắn hẳn ra. Thùy Dung hết dám chê mình cà chớn …”.
Bỗng dưng Dũng có cảm giác hồi hộp, y như xưa, lần đầu tiên mặc lễ phục, đưa cô bạn cùng lớp đi dự junior prom! Chàng tặc lưỡi, khép cửa phòng mình và  rụt rè gõ nhẹ cửa phòng Thùy-Dung. Cánh cửa mở hé như thể là Dung đã đợi chờ từ lâu.
Dung ngó Dũng, đưa tay bụm miệng cười:
- Thưa ông hỏi ai ạ. Ồ xin lỗi, Dũng đấy hả!
Dũng đỏ mặt, nhìn Dung nhăn nhó:
- Bộ coi lạ lắm sao?
Dung chỉ cười cười không nói. Chợt Dũng thấy Thùy Dung cũng có vẻ khác lạ, mái tóc mới uốn lại gọn gàng và một chút son hồng làm Dung trông đàm thắm  hơn ngày thường. Dũng lấy lại bình tĩnh, hít một hơi dài:
- Thưa bà, xe và tài xế đã sẵn sàng!
Dung lườm:
- Lại sắp dỡ trò! Kêu chị Diễm chưa?
- Rồi. Mời chị hồi chiều, chị nói nhức đầu, và xin lỗi.
- Thật không? Dũng ba xạo, Dũng Cà Chua, Dũng …
Dũng đưa tay bịt miệng Thùy-Dung:
- Dũng nói thật!  Mình đi kẻo muộn. Khi về sẽ vào thăm chị Diễm, nếu chúng mình … còn biết đường tìm về.
Dung gở nhẹ bàn tay Dũng. Giọng nàng như hờn dỗi:
- Một ngày Dũng không … nói giỡn Dũng không chịu được hay sao?
Dũng không trả lời, chỉ mỉm cười nắm tay kéo Thùy-Dung ra khỏi phòng. 
Cái lạnh làm Dung rùng mình. Nàng ngước nhìn Dũng nói nhỏ:
- Năm nay trời lạnh hơn năm ngoái. Dũng đi làm về khuya, cẩn thận không đau đó!
Lâu lắm Dũng mới lại được nghe một giọng nói ngọt ngào, lo lắng cho mình. Chàng cố dấu xúc động:
- Dũng khoẻ như voi! Với lại Dũng đâu có về khuya lắm. Hôm nào cũng thấy đèn còn sáng trong phòng Dung.
Thùy Dung yên lặng đi sát vào Dũng hơn, như muốn chia nhau chút hơi ấm của hai người. Chiếc xe cũ kỹ của Dũng bừa bãi những sách vở, báo chí và CD nhạc. Dũng dọn dẹp ghế ngồi cho Dung, chàng phân trần:
- Ngó vậy chứ con ngựa già này chưa trở chứng bao giờ. Nếu có chuyện gì hôm nay là tại …Dung đấy!
Dung cười, nhìn vào mắt Dũng:
- Xe này có … cà chớn như Dũng là cùng! Dung giao phó số mạng cho nó tối nay.
- Tối nay, đêm nay, hay … mãi mãi?
Dung đập nhẹ vào vai Dũng, cố dấu một nụ cười.

*

Phòng trà đã đông người. Dũng dẫn Dung đến một chiếc bàn nhỏ đã dành sẵn gần sân khấu. Chàng ghé tai Dung nói nhỏ:
- Dung ngồi đây sẽ nhìn thấy rõ ban nhạc. Để Dũng kêu nước uống cho Dung.
Dung e dè:
- Ngồi một mình, không có chị Diễm Dung thấy ngại quá.
Dũng chỉ tay lên sân khấu trấn an:
- Dũng đứng ngay đó, không xa chỗ Dung ngồi bao nhiêu. Ban nhạc họ sắp chơi rồi, ca sĩ Thu Phương kia kià. Dũng đi nhé!
Dung thả hồn bay theo tiếng hát của Thu Phương. Đã từ lâu lắm nàng ‘mê’ tiếng hát ma-túy này mà mãi đến hôm nay mới có dịp nhìn tận mặt người ca sĩ và ngất ngây nghe “Đánh rơi bên hồ”:
Đi qua dòng sông
Nụ hôn em đánh rơi bên bờ
Dòng sông qua biết bao mùa lũ
Nụ hôn rơi biết đâu ai tìm
… (Việt Anh)
Dung yên lặng ngồi nhấm nháp ly nước cam vắt, lắng nghe các ca sĩ hát. Khi đêm đã về khuya, Elvis Phương xuất hiện với ‘Niệm Khúc Cuối’, bài hát này Dung đã nghe nhiều lần nhưng chưa bao giờ Dung thất thắm thiá như đêm nay. Giọng Elvis  buồn đến xót xa:
… Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em
… (N.T. M.)
Khi Elvis Phương đã hát xong một lần Dũng chợt tiến ra giữa sân khấu, chàng huớng về phía Thùy-Dung và tiếng kèn saxophone cất lên như quyện vào không gian, như gửi gắm tấm lòng. Thùy Dung  cúi đầu không dám nhìn Dũng, nghe tâm hồn mình bay bổng rộn ràng với một cảm tình thật là đầm ấm cho người con trai! Khi tiếng kèn đã dứt, người ca sĩ cất tiếng hát trở lại Dung thấy mình lấy lại được hơi thở. Nàng nhìn lên sân khấu và mỉm cười.
Dũng từ sân khấu xuống ngồi cạnh Thùy-Dung:
- Xin lỗi phải để Dung ngồi một mình hơi lâu. Chúng mình về chưa?
Dung gật đầu:
- Dung chờ Dũng nãy giờ. Dũng còn phải thổi kèn nữa không?
Dũng lắc đầu, kéo Dung luồn lách qua những dãy bàn ghế kê sát nhau trên đường ra khỏi phòng trà:
- Đủ rồi! Dũng đã thổi xong bài ruột của mình.
Khi xe đã nhập vào xa lộ 22 trên đường về lại Fountain Valley Dũng hỏi Thùy-Dung:
- Dung lạnh không?
Thùy Dung lắc đầu, chỉ nhìn Dũng không nói. Dũng mỉm cười hát lại nho nhỏ một đoản khúc của bài ‘Niệm Khúc Cuối’:
… Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim tôi
Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời
Dù có  muộn rồi
Tình ơi! dù sao đi nữa xin vẫn yêu em.
Dung thấy tim mình đập nhanh trong lồng ngực, liếc nhìn Dũng nói trong hơi thở:
- Dũng … ăn gian, sửa lại lời!
Dũng cười:
- Dung có muốn Dũng ‘đưa đi đến cuối cuộc đời’ không?
- Dung chỉ muốn Dũng đưa Dung về nhà như là Dũng đã hứa là ‘chỉ đi nghe Thu Phương hát thôi’. Nói thì nhớ lấy lời, nghe chưa!
Dũng làm bộ đau khổ:
- Thế thì Dung ‘xé nát tim’ Dũng rồi.
Dung không trả lời, nghĩ thầm “Lại bắt đầu ‘ca cải lương’. Cứ làm như thật ấy”.
Xe ngừng trước nhà, Dung thở phào, nhìn Dũng:
- Cám ơn Dũng nhé. Hôm nay Dũng … ngoan ghê!
Dũng phì cười:
- Ngoan thế có được thưởng cái gì không?
Dung chỉ nhìn Dũng cuời bằng mắt.
Phòng Diễm vẫn còn ánh đèn. Dung nói khẽ “Good night Dũng”, và trước khi Dũng kịp trả lời Dung chạy vụt lên lầu, gõ cửa phòng Diễm:
- Chị Diễm ơi, đỡ nhức đầu chưa?
Diễm mở cửa, nhìn Dung mỉm cười:
- Đỡ rồi! Sao về sớm thế. Không đi ăn phở Nguyễn Huệ hay uống café với ‘thằng bé’ sao!
Dung cười xoà:
- Không, nhưng ‘người ta’ đòi đưa Dung đi đến cuối cuộc đời đó. Chị xem có xạo không. Đúng là Dũng Cà Chua! Chị ngủ đi, Dung cũng đi ngủ đây.
Dung dón rén xuống lầu, qua cửa phòng Dũng Dung đi chậm lại nghĩ thầm “Nếu Dũng mở cửa, ừ nếu Dũng mở cửa thì mình …, thì mình …”. 
Dung thấy ngẩn ngơ và không biết mình nghĩ sao!
Trong phòng Dũng vẫn đứng tần ngần, nghe tiếng chân bước nhẹ, đã định đưa tay mở cửa nhưng rồi chỉ cúi đầu lắng nghe bước chân xa dần, tặc lưỡi nói thầm:
- Mai chắc mình có thêm tên mới nữa: Dũng … Cù Lần!  
 
°°
Thưa chú,
Christmas này cháu đã không về thăm chú thím như mọi năm tại vì phòng trà nơi cháu làm việc có chương trình đặc biệt, cháu không thể nào xin nghỉ đêm chúa giáng sinh. Cháu lúc nào cũng nhớ tới chú thím, nhớ các em và không khí gia đình êm ấm.
Có lẽ cháu chưa bao giờ nói nhưng chú biết rằng cháu yêu quí chú không khác gì ba cháu khi xưa. Ngày ba cháu mất, cháu ngồi khóc sau hè, chú đến ngồi gần, không nói một lời, chỉ kéo đầu cháu tựa lên bờ vai chú. Từ ngày đó bờ vai chú là nơi cho cháu nương tựa cho đến lúc cháu thành người. Christmas không về được nhưng tết này cháu sẽ về lạy bàn thờ tổ tiên và thắp nhang cho ba mẹ cháu.
Cháu biết là chú rất mong nhưng cháu vẫn chưa xong luận án để làm ‘ông tiến sĩ’ đầu tiên của chi họ Trần-Đình! Không phải cháu lười biếng gì nhưng sự khác biệt tư tưởng giữa cháu và giáo sư đỡ đầu luận án càng ngày càng trầm trọng!  Có lẽ cháu phải tìm một giáo sư khác và bắt đầu lại từ đầu. Xin chú đừng buồn, trước sau gì rồi cháu cũng hoàn thành tâm nguyện của ba mẹ cháu.
Cháu mới dọn nhà, địa chỉ ngoài phong bì thư này. Nơi đây gần trường UCI và cũng gần phòng trà nơi cháu chơi nhạc ban đêm nên rất tiện, nhưng điều thú vị nhất là tại nơi đó cháu gặp một cô gái rất dễ thương. Cô ta là con gái nhà giàu, nhưng bỏ ra ngoài thuê phòng sống tự lập, sau khi tốt nghiệp văn chương Mỹ tại đại học Columbia vì Tô Thùy Dung, tên cô gái, không muốn giúp việc cho công ty địa ốc của gia-đình như bố mẹ nàng yêu cầu. Hiện nay Dung làm free lance writer cho tờ báo O.C. Register và theo đuổi mộng văn-chương. Dung viết chuyện ngắn và làm thơ, và bạn bè khen Dung là thơ nàng càng ngày càng ‘xanh mướt’ từ khi chúng cháu quen nhau.
Thực ra thì cháu không biết mình nghĩ sao. Tình yêu thì có lẽ vừa chớm nở, nhưng chuyện lứa đôi thì có lẽ còn xa vời vì cháu còn quá nhiều băn khoăn về đời sống và thân phận. Thùy-Dung cũng ‘đồng bóng’ lắm. Có lúc thật dịu dàng dễ thương nhưng nhiều lúc bất cần đời như một triết gia! Đôi khì còn ‘mắng mỏ’ cháu vì cái tật ăn nói ‘cà chớn’, áo quần bê bối, cứ y như là thím ‘cằn nhằn’ chú mỗi lần chú đi giầy vào nhà hay cởi vớ vứt vào góc phòng! Nói thế thôi chứ mấy hôm nay không thấy Dung ‘mắng mỏ’ gì cháu lại đâm nhớ! Cháu nghĩ rằng bề ngoài coi vậy nhưng cả hai đưa đều rất là chân thật và coi trọng lẫn nhau, và hy vọng rằng ít ra chúng cháu cũng có một tình bạn thắm thiết.
Tuần trước em Bá có email cho cháu khoe là năm tới em sẽ được theo chú thím về thăm quê nhà. Mười mấy năm rồi chú nhỉ, cháu cũng ước ao sẽ có một lần về thăm mộ bố mẹ cháu, nhìn lại căn nhà xưa, trường cũ, tìm gặp bạn bè thời thơ ấu và ra thăm Hà-Nội, nơi quê cha đất tổ mà cháu chưa bao giờ được thấy một lần. Xin chúc chú thím và em Bá những ngày vui ở quê nhà.
Vài hàng thăm chú và các em. Cháu không viết thường nhưng chú biết là cháu bao giờ cũng thiết tha với họ hàng thân quyến. Xin chú thím bảo trọng.
Cháu Dũng, thằng bụi đời. 
 
°°
 
Buổi sáng trời trong và chỉ hơi lành lạnh. Dung ngả người trên ghế tựa, mắt lim dim phơi nắng sau vườn, chợt có bàn tay vỗ mạnh lên vai và tiếng hét ‘Got you!’ bên tai. Dung giật nảy mình mở mắt, đưa tay chặn ngực, và tức bực nhìn thấy Dũng đang nhăn răng nhìn mình cười xoà.
Nàng giơ cao nắm tay như muốn đánh Dũng:
- Dũng cà chớn, Dũng cà-chua, Dũng cù-lần, Dũng làm Dung sợ muốn đứng tim! Muốn Dung chết để đi với … người khác hả?
Dũng kéo một chiếc ghế khác,  ngồi sát bên Dung:
- Dung chết thì Dũng cũng đập đầu xuống … gối chết theo! Nhưng thôi, sorry. Dũng có chuyện này muốn nói với Dung.
- Nếu là chuyện cà-chớn thì Dung không muốn nghe đâu.
- Chuyện đàng hoàng và hơi tế nhị Dung à.
Giọng Dũng trầm xuống và như có chút buồn. Dung hơi ngạc nhiên, ngồi thẳng người, nhìn Dũng dịu dàng:
- Có chuyện không vui hả Dũng? Nói Dung nghe!
- Dũng tính tìm nơi khác ở.
Dung ngạc nhiên:
- Sao vậy, bộ Dung làm gì khiến Dũng không vui sao?
Dũng thở dài:
- Không phải Dung, nhưng hình như chị Diễm không muốn cho Dũng thuê phòng nữa.
- Hả?
- Tuần trước tình cờ Dũng nghe thấy chị Diễm lầm bầm “đàn hoài nghe rát cả tai”, và có gặp nhau Dũng chào chị cũng chỉ gật đầu chứ không bông đuà vui vẻ như xưa.
Dung lo lắng:
- Chắc là Dũng hiểu lầm, hoặc chị Diễm có chuyện gì buồn, muốn yên tĩnh nên lỡ lời!
- Không phải thế đâu. Chị Diễm cũng đánh tiếng với bà Ba bên hàng xóm là nhà lại có phòng cho mướn. Gặp nhau ở ngoài Mile Square Park bà Ba kể lể đủ mọi chuyện. Dung biết là bà ấy hay nói, nhưng được cái không đặt điều bao giờ.
Ngừng một lát Dũng bỗng nhiên trở lại bản tính bông đùa:
- Cũng có thể chị ấy thấy chúng mình quấn quít nhau quá nên chị ấy … ngứa mắt.
Dung nhíu mày lườm Dũng:
- Làm gì đâu mà ‘quấn quít’. Để Dung hỏi chị Diễm cho rõ ràng.
Dũng can:
- Đừng Dung ạ.  Có những qui luật bất thành văn nhưng mình phải hiểu. Mình phải biết vị trí của mình. Có lẽ Dũng đã bước ra ngoài phạm vi của người thuê nhà vì đôi lúc Dũng tưởng như mình tìm được một gia-đình! Dung hỏi chỉ làm cho vấn đề thêm rối rắm!
Dung thực sự lo lắng:
- Thế Dũng định dọn đi đâu ?
Dũng khẽ thờ dài:
- Dũng cũng chưa biết. Có lẽ  Dũng sẽ tìm một studio vừa túi tiền, dù có phải ở xa. Chán share phòng rồi.
Dung nhìn Dũng buồn bã:
- Thế rồi chuyện chúng mình ra sao.
- Thì Dung cứ ở phòng Dung. Chúng mình vẫn có thể gặp nhau thường. Gặp nhau ở thư viện trong trường, và tối nào Dung cũng có thể tới phòng trà nghe Dũng chơi nhạc.
Cả hai người đều ngồi yên như không biết nói gì hơn. Bỗng dưng Dũng nói thật chậm trãi:
- Hay là Dung move-in với Dũng sau khi Dũng tìm được studio?
Dung đã định đưa tay đập lên vai Dũng và mắng Dũng ‘cà chớn’ như thường lệ mỗi khi Dũng bông đùa nhưng chợt sững người vì  mắt Dũng nhìn nàng thật thiết tha và không có nụ cười đuà cợt trên môi. Dung chợt hiểu, giọng nàng run lên:
- Không được Dũng ạ. Dung … Dung …
Nàng đưa hai tay ôm lấy một  bàn tay Dũng như ấp ủ, và mắt long lanh ướt, thấp giọng như thì thào:
- Cám ơn Dũng. Cám ơn Dũng nhiều lắm. Dung hiểu,  nhưng chưa được Dũng ạ.
Dũng cười buồn, đưa tay chùi giọt nước mắt đọng trên khóe mắt Dung:
- Dũng biết và Dũng chỉ muốn Dung biết tấm lòng chân thật của Dũng thôi.
Dung xoa nhẹ bàn tay Dũng. Hai người ngồi như thế rất lâu, chợt Dung  cúi đầu ngập ngừng:
- Hè này Dung về Dallas thăm nhà. Dũng … Dũng có muốn đi cùng không?
Đến lượt Dũng giật mình, ngạc nhiên nhìn Dung đăm đăm. Dung vẫn cúi đầu, hàng mi cong rủ che đôi mắt và cặp má nàng đỏ au.  Dũng nghe tim mình đập nhẹ trong lồng ngực, và lòng giấy lên niềm hân hoan. Chàng thì thầm:
- Dung đẹp như trái táo. Dũng muốn cắn một miếng!
Dung rụt hai tay về che đôi má, nửa như hờn dỗi, nửa như nũng nịu:
- Dũng lại sắp sửa giở  trò ‘cà chớn’ nữa rồi. Dung bỏ đi đây!
Dũng chỉ nhẹ mỉm cười, và Dung không bỏ đi.
Nàng xích lại gần Dũng hơn và dựa nhẹ lên vai Dũng. Có tiếng chim kêu.
Cả hai đưa mắt nhìn đôi chim sẻ vừa bay tới. Chúng hình như không biết sợ người, vừa nhẩy nhót vừa kêu lách chách như cãi nhau, hay là như âu yếm dặn dò nhau điều gì.
 

*

 
Từ lúc ngỏ ý tìm kiếm một chỗ cư ngụ khác càng ngày Dũng càng thấy thiếu tự nhiên với Diễm nên ít trở về nhà, và thường lang thang đâu đó với bạn bè.
Đêm đêm Dũng vẫn chơi nhạc tại phòng trà, tiếng đàn có vẻ như lắng buồn, và lâu lâu tiếng kèn của Dũng thiết tha như những người yêu nhau lúc chia tay.
Dung cũng bắt đầu thấy lo lắng và bực bội vì Dũng hầu như ít còn để ý đến nàng như trước đây. Mỗi lần gặp nhau Dũng như có gì suy tư chứ không còn vui vẻ chọc ghẹo nàng như xưa.
Hôm qua Dung nhận được điện thoại của một cô bé gọi tới nhà:
- May I speak to Michael, please.
Dung trả lời nhẹ nhàng:
- You got wrong number. There is no Michael living in this house!
- Yes. His Vietnamese name is ‘Zung’. Oh, I’m sorry, I never can pronounce his name correctly.
Dung tự nhiên cảm thấy khó chịu:
- You meant Dũng? He’s not home.
Một giây yên lặng rồi giọng người con gái ngập ngừng:
- Do you know where I can find him? I haven’t seen him at school for days. Is he OK?
Tự nhiên Dung thấy tò mò:
- I don’t know where he is. Who are you anyway?
- My name is Lianne Cheung, his … friend. Just tell him that I miss him!
Giọng Dung lạnh lùng:
- Well, I’ll make sure he gets your message.
Nàng dằn mạnh điện thọai và buông mình ngồi xuống chiếc armchair. Ngay lúc đó Dũng trở về, nhìn nét mặt cau có của Thùy-Dung chàng ngạc nhiên:
- Có chuyện gì đó Dung? Trông Dung có vẻ  khó chịu.
Dung nhìn như xoáy vào mắt Dũng:
- Bồ ‘ông’ vừa gọi. ‘Ông’ đi đâu mà để ‘con nhỏ’ nhớ thương tìm kiếm mấy ngày nay rồi?
- Hả? Dung đùa hả. Bồ nào? Ai tìm Dũng?
- Lianne – Dung uốn lưỡi, bắt chước giọng Lianne – Just tell him that I miss him! Nghe sướng chưa?
Dũng bật cười, nghĩ tới Lianne, cô sinh viên bé như cái kẹo, vẫn thường hay tới hỏi bài, và đôi khi nhờ Dũng đưa về khi trời mưa.
Biết Dũng thổi kèn tại Ritz nhưng chưa đủ tuổi vào vũ trường nên Lianne đã có lần rụt rè xin Dũng thổi bài tủ của chàng ‘Forever in Love’ cho cô ta nghe, và Dũng đã hứa nhăng hứa cuội nhưng chưa bao giờ làm. Chàng trêu Dung:
- Bộ con nhỏ Tàu xinh xắn đó nói là ‘bồ’ Dũng hả?
Dung hét lên:
- Chứ còn gì nữa! Dũng cà chớn, Cheung với Chén, các người mang nhau về Tàu cho khuất mắt.
Thấy Dung giận thật sự, Dũng bèn hạ giọng dịu dàng:
- Không có gì đâu Dung. Lianne chỉ là quen biết trong hội sinh viên Á Châu.  - Chàng chỉ chiếc ghế sofa đang ngồi – Qua đây với Dũng.
Thùy-Dung bĩu môi:
- Tôi mà thèm ngồi với ông!
Dũng sửng sốt  và có chút bực bội vì từ ngày quen biết nhau chưa bao giờ thấy Dung xưng ‘tôi’ với mình. Chàng gằn giọng:
- Làm tàng! Không thì thôi. Đây cũng ‘đách’ cần. Chỉ sợ mai mốt ế chồng lại..
Dũng không nói hết câu. Chàng biết mình đã lỡ lời. Dù có giận đến đâu cũng không nên thiếu tế nhị như thế với đàn bà. Chàng muốn nói lời xin lỗi nhưng Thùy Dung đã đứng lên, mặt nàng tái nhợt:
- May mà ‘đách’ sớm. So long, Dũng!
Để mặc Dũng một mình, Thùy-Dung đóng chặt cửa phòng, tránh gặp mặt mọi người từ buổi tối hôm đó.
Dũng suy nghĩ và buồn rầu nhận ra rằng có lẽ mình đã yêu thương và ngọt ngào với Thùy Dung rất nhiều nhưng hình như nàng chẳng bao giờ nhiệt thành bày tỏ tâm tình với mình. Có thật Dung yêu mình? Dũng thở dài nghĩ đến tình trạng khó xử của mình với cả hai người đàn bà trong căn nhà. Hình như không còn lối thoát nào hơn con đường ra đi. Có lẽ Dũng sẽ phải đi tìm một nơi chốn khác để gói ghém đời mình. 
 

*

Chiều thứ bảy trời mưa và gió nhẹ, đủ lạnh để cho mọi người không muốn ra khỏi nhà. Diễm và Dung ngồi coi TV trong phòng khách còn Dũng thì đã đi đâu từ mấy ngày nay không thấy bén mảng về.
Có tiếng chuông gọi cửa. Diễm lầm bầm:
- Ai vậy cà? Không gọi điện thọai trước thì chỉ có mấy ông bà giảng đạo hoặc mấy người bán hàng door-to-door. Phiền quá!
Diễm không muốn nhưng tiếng chuông lập lại liên hồi khiến nàng bắt buộc phải ra mở cửa. Người thanh niên đứng chờ trông có vẻ bụi đời. Hàm râu quai nón không được chăm sóc, quần jean, thắt lưng to bản, áo T-shirt đầy hình vẽ quái đản làm Diễm hơi ngần ngại:
- Yes?
- Chào chị, xin cho tôi gặp chị Diễm.
- Tôi đây. Anh … cần gì ạ.
- Tui có thư của thằng Dũng. Chị cho tui dô nhà nói chiện chút được hông?
Diễm thật tình không muốn nhưng nghe nói có thư của Dũng nên miễn cưỡng đứng tránh qua một bên:
- Dạ được, mời anh.
Thùy-Dung tắt TV, ngước nhìn, nhưng chợt rùng mình khi thấy đôi mắt thiếu thiện cảm của người khách lạ nên vội vã bỏ vào phòng trước khi anh ta ngồi xuống chiếc ghế do Diễm mời.
- Tên tui là Sony - người thanh niên tự giới thiệu ngay khi ngồi yên – Tui là bạn thằng Dũng. Nó nhờ tui đưa thư này cho chị.
Diễm đưa tay nhận chiếc phong bì đã được mở sẵn, lịch sự xin lỗi người khách và rút lá thư ra đọc.
“Chị Diễm,
Dũng phải đi xa ít lâu, có lẻ đến vài tháng. Dũng muốn gặp chị nói chuyện trước khi đi nhưng thấy chị lu bu với đám tang bà cô nên không có dịp đành phải nhờ Sony mang thư này tới gặp chị.
Thật tình Dũng rất yêu mến căn phòng  trang nhã và khu phố yên tĩnh của mình nên Dũng sẽ trở về. Dũng gửi kèm cái ngân phiếu 3 tháng tiền nhà để chị yên tâm giữ phòng cho Dũng. Dũng chỉ có một yêu cầu là trong lúc Dũng đi vắng chị cho Sony tá túc trong phòng Dũng. Tạm thời thôi, cho đến khi Dũng trở về.
Sony là bạn của Dũng. Trông bề ngoài nó có vẻ ‘du-đãng’ và ăn nói bậm trợn nhưng bản chất nó rất hiền, chỉ khi nào bị chọc giận nó mới nổi sùng! Sony cũng là cao-đồ không-thủ-đạo nên có thể bảo vệ mọi người trong lúc bất thường. Nó cũng yêu thiên nhiên và súc vật nên chị có thể nhờ nó làm vườn, cắt cỏ hoặc bất cứ việc gì nặng trong nhà, không như Dũng ‘yếu như sên và lười như hủi’! Chị nói chuyện với nó một hồi chị sẽ thấy là nó rất dễ thương.
Chị giúp Dũng và giúp Sony. Dũng cám ơn chị nhiều và hẹn gặp lại ít lâu sau.
Dũng (nhiều nicknames quá, kể sao cho hết)”
Diễm gấp lá thư thở dài:
- Xin phép cho tôi gọi anh là Sony. Anh cũng có thể gọi tôi là Diễm cho thân mật.
Sony nhún vai, gật đầu:
- OK. No sh.t.
Diễm nhăn mặt, cố gắng dịu dàng:
- Sony có biết Dũng đi đâu không, và tại sao?
- Nó nói với tui là nó về San Diego với bố nuôi Ngụy của nó ít lâu cho tâm hồn thanh thản, cố gắng hoàn tất cái thesis. Son of the gun!
Diễm e-dè:
- Chỉ có vậy thôi sao?
Sony nhún vai:
- He’s crazy. Tui có hỏi nhưng he said no sh.t!
Diễm mỉm cười lắc đầu:
- Có lẻ Dũng điên thật – Nàng trầm ngâm - Thế Sony và Dũng là bạn ra sao? Sony cũng chơi nhạc cho phòng trà Ritz?
- Tụi tui là high-school class mates. Nó học giỏi, được học bổng theo học đại học, còn tui chỉ lo đánh lộn nên đi bụi đời, nhưng bây giờ tui tu rồi. Tui cũng chơi nhạc nhưng là đánh trống cho một ban nhạc bỏ túi, chuyên giúp vui đám cưới, sinh nhật hoặc sinh hoạt cộng đồng!
Ngừng một chút Sony nhe răng cười:
- Tụi nó ngu thấy mẹ! Đám cưới nói chuyện ồn ào như cái chợ, ai thèm nghe nhạc. Tụi tui chơi hay dở gì họ cũng ‘bù’ biết!
Diễm cũng bật cười:
- Tại sao chỉ lo đánh lộn mà không chịu học hành?
- Oh man! mấy thằng ABC gọi tụi tui là FOB nên tui ‘oánh’ thấy mẹ tụi nó. Bị suspended thế là tui đi bụi đời luôn. Tôi và thằng Dũng thân nhau từ độ đó. Hổng có tui là chúng nó mần thịt thằng ‘Dũng đui’ rồi.
- ABC, FOB - Diễm giơ hai tay lên trời, và cũng nói bằng tiếng Anh – What the hell are they? I have no idea!
- American Born Chinese! mấy thằng chệt đó. Chúng nó chê tụi tui là ‘Fresh Off the Boat’ nên tụi tui uýnh liền. Tôi nghiệp thằng Dũng mang kính cận, gần như đui, bị tụi nó ‘tả’ hết thấy đường! Tôi nổi sùng vác gậy baseball đập tụi nó chạy dài.
Diễm lắc đầu:
- Sony ẩu quá! Thế còn gia đình Sony ra sao?
Sony lại nhe răng cười:
- Ông già tui hả? Ổng còn bậm trợn quá cha! Tôi nghe kể hồi ổng đi ‘cải tạo’ ngoài Bắc má tui ra thăm, hai người hôn môi, nút lưỡi coi mùi dữ, bị cán bộ nạt “Lày, không có được bú mồm”. Ổng cằn nhằn “Ở trong Nam tụi tui còn bú ‘gì ấy’ nữa chứ”. Bạn bè ổng cười hộc, cán bộ ‘quê’ quá, mang ổng cùm biệt giam! Chừng ổng được thả về tui mới sanh sau đó. Không biết ổng nghĩ sao mà đặt tên tui là ‘Són’, chắc là muốn nói ‘rớt ra một cục’! Đi học tui úynh lộn hoài vì cái tên, sau má tôi phải năn nỉ nhà trường sửa tên tôi thành ‘Sơn’, còn ở nhà gọi tôi là Tư. Chừng qua Mỹ tên tui biến thành Sony. Damn! It sounds OK to me!
- Tôi muốn hỏi bây giờ gia-đình Sony ở đâu, và hiện nay Sony có ở với gia đình không?
- Tui đâu có ở với gia-đình. Hiện chung phòng với hai đứa nữa trong ban nhạc. Phòng nhỏ thôi nên cả ba đưa phải nằm trên thảm, không đêm nào ngủ yên. Thằng Dũng nó thương tôi nên xin chị cho tui ở tạm đây trong lúc nó đi xa. Ông già tôi cũng mới moved từ San Jose xuống gần Little Sài-Gòn. Cũng share phòng! Bây giờ ngày ngày ổng ra Phúc Lộc Thọ ngồi đánh cờ tướng bạn cũ, bàn chuyện chính trị, đòi lập chính phủ lưu vong. Ổng điên rồi. Còn má tôi cũng mới qua đời đây thôi.
Sony cúi đầu nhìn xuống đôi chân, giọng chùng xuống:
- Chừng tui biết, đâu có về kịp nhìn bả lần cuối cùng! Đ.M. đời thiệt khốn nạn.
- Tôi hiểu. Sony à, em đừng buồn nữa - Diễm ngạc nhiên thấy mình tự nhiên đổi cách xưng hô -  Bà cô tôi cũng vừa mất đây thôi.
Sony gật đầu:
- Thằng Dũng trước khi đi có cho tôi biết. Thằng cù-lần, có chỗ ở ngon lành như vầy mà bỏ đi!
- Em có biết gì về bố Ngụy của Dũng không?
- Biết chút chị. Dũng nó có đưa tui về chơi nhà ổng dưới San Diego mấy lần. Dũng gọi ổng bằng ‘bố’ nên tui cũng gọi ông là ‘bố’ luôn chứ thực ra ổng đâu có nuôi tui ngày nào.
- Ổng làm gì dưới đó?
- Bây giờ chỉ thấy ông ngồi dịch mấy cuốn sách chữ nho. Hồi còn ở bển ông là ‘quan tàu thủy’, chừng qua đây ổng làm đủ nghề. Có hồi ổng buôn bán nhà cửa gì đó, thấy trong phòng làm việc nhà ổng có treo hình cái tàu to đùng, trên viết mấy câu thơ, đọc chị nghe nhưng đừng có cười, và không phải tui biạ đâu. Như vầy nè:
Biển xanh xa tắp đời lưu lạc
Tàu cũ anh đem trả mất rồi
Có nhà muốn bán kêu anh nhé
Được cái ‘loan’ nào anh cũng chơi.
Diễm đỏ mặt lầm bầm:
- Đúng là “Ngụy”!
Sony kể thêm:
- Cũng có cái hình, chắc là cắt từ nhật trình ra, ổng đúng nghiêm chào tay mà nuớc mắt chảy dài. Tui hỏi ổng sao khóc. Ổng nói đâu phải mình tao khóc, mấy ngàn người khóc lận, khi đoàn tàu ở Subic Bay tháng Năm năm 1975 hạ cờ VNCH và hát quốc ca lần cuối. Sh.t, năm đó tui đâu đã ra đời nên hổng biết mấy cha khóc cái gì.
Ngừng một lát Sony nói tiếp:
- Thằng Dũng cũng kể với tui là bố nó bỏ đi đâu mất cả năm, chừng ổng về nó hỏi phải bố đi kháng chiến không, ổng chỉ cúi đầu không nói, đưa tay dụi mắt. Từ đó không thấy ổng làm gì nữa.
- Thế rồi ổng lấy gì sống? Hình như lâu lâu ổng còn cho Dũng tiền đóng học phí!
- Ha hà, ổng nói ổng ‘ăn lương vợ’. Bà vợ ổng là dược sĩ, có cái pharmacy to đùng. Bả cũng cỡ tuổi chị thôi và còn ‘ngon lành’ lắm!
Diễm tủm tỉm cười không nói. Sony nhìn ra vườn, chỉ mấy cây thông cao ngất:
- Mấy cây thông nhà chị cao quá, chừng nó đổ vô nhà là thấy mẹ! Chị để tui tỉa bớt cho. Một buổi là sạch quách hà.
Diễm cười thành tiếng:
- Cám ơn em. Đợi qua muà đông rồi tụi mình tính. Ở VN, em người miệt nào?
- Tui quê Mỹ Tho, chị. Nghe Dũng nói chị quê Bến Tre, vậy là tụi mình coi như đồng hương.
Diễm gật đầu. Nàng nghĩ thầm có lẽ Dũng nói đúng. Sony bậm trợn nhưng chân thật và có chút dễ thương của những đứa em nàng nơi quê nhà. Nàng nhìn thẳng vào mắt Sony nói nhẹ nhàng:
- Nếu Sony muốn ở đây thì cũng được, nhưng có vài điều kiện như là phải tôn trọng privacy của người khác và lịch sự với mọi người, có nghĩa là bớt … chửi thề. Chịu không?
Sony lại nhe răng cười:
- Chịu quá mạng. Bụi đời  thành ra quen thói chửi bậy, nhưng … em không làm phiền ai đâu. Cám ơn chị.
Người khách lạ bây giờ không còn lạ nữa, đúng lên:
- Chị Diễm cho Sony kêu chị bằng chị và xưng em. Chị lớn tuổi hơn em nhiều mà, à chị cho em hỏi – Sony hạ thấp giọng – cái ‘bà’ mà em thấy lúc vô nhà có phải là ‘bà chằng’ của thằng Dũng không?
Diễm đưa ngón tay chỏ lên môi suỵt khẽ:
- Hàng xóm của em đấy! Em phải lịch sự với cô ta!
- Dạ. Em còn lá thư nữa của Dũng gửi cô ta. Chị chuyển dùm nhé. Nếu không thì thôi. I don’t give a damm!
- Rồi! mới hứa đây thôi!
Sony không nói, chỉ nhăn răng cười khì.
 

*

Thùy Dung ngần ngại mãi rồi mới mở lá thư của Dũng. Sao Dũng không email mà phải nhờ người trao thư? Bộ Dũng sợ Dung ‘mắng mỏ’ nữa hay sao?  Dung biết là mình tuy giận Dũng nhưng lòng hình như chưa quên.
 
“Dung nhi,
Lâu lắm rồi Dũng mới lại gọi ‘Dung nhi’ dù rằng cái tên ấy vẫn nằm trong tiềm thức và hầu như không lúc nào Dũng có thể quên!
Dũng tưởng như là mình có thể bỏ ra đi một cách bình yên, quên đi những ưu phiền, nhưng thật ra thì Dũng lúc nào cũng vẫn còn thiết tha với những  ngày tháng cũ, ngày có Dung ngồi nghe Dũng nói chuyện vơ vẩn nhưng giọng đầy ắp ân tình, ngày mà tiếng kèn của Dũng bay cao vời vợi yêu thương.
Dũng bỏ đi không phải vì những tranh cãi vớ vẩn – có đôi lứa nào không – nhưng là vì Dũng nghĩ rằng Dung chưa bao giờ thiết tha yêu Dũng như là Dũng đã hết lòng với Dung. Có thể Dũng hiểu lầm, có thể là vì Dũng là kẻ thiếu tình thương, đơn độc ở đời, nên lòng mong ước từ người mình thương yêu mãnh liệt hơn bình thường do đó dễ thất vọng, chán nản để rồi buông xuôi!
Dũng đã bỏ đi nhưng cứ tưởng như là Dung đã bỏ Dũng ra đi. “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười …”  Dũng đã âm thầm hát bài hát này nhiều đêm, tiếng kèn của Dũng bây giờ cũng ai oán nghẹn ngào chứ không còn bay bổng lên trời cao! San Diego chỉ cách xa Fountain Valley có một giờ lái xe mà Dũng tưởng như một ngàn năm ánh sáng, không có đường cho Dũng về.
Không, có lẽ là Dũng không trở về căn nhà đó nữa, ít ra là lúc này, nhưng tấm lòng của Dũng với Dung, với bạn bè trên đó thì chưa bao giờ đổi thay. Nhưng hãy để chúng mình xa cách nhau một ít lâu. Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu và cũng là một thử thách xem chúng mình có thật sự yêu nhau. Sau niên học này Dũng sẽ về VN hoặc một nước Á Châu chậm tiến nào đó dạy học ít lâu. Dũng vẫn ôm ấp hoài bão này từ khi nhận biết mình may mắn, được mọi người nâng đỡ cho thành người nên Dũng muốn trả một chút ân tình, giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn như Dũng ngày xưa.
 
Nhiều lần muốn gọi nhưng mà e rằng chỉ khơi thêm nỗi buồn cho cả hai. Dung, take care nghe! Thế nào rồi Dũng cũng sẽ tiếp xúc lại, ít ra cũng mong là chúng mình giữ được một tình bạn chân thành.
 
Dũng của một thời yêu đương.”
 
Dung gấp lá thư, nhắm mắt nhẹ thở dài “Dũng cà chua, Dũng cà chớn, Dũng cù-lần, Dũng quê một cục, sao Dũng ngọt ngào với Dung thế này thì làm sao Dung quên!”
 
 
Trần Quang Thiệu
Mùa Xuân  2007

Xem Tiếp: ----