Dịch giả: Đinh Văn Phước

Nhà văn Ragnar W. Otgart sanh năm 1932 ở Kraakeroy, Na Uỵ Ông là giáo sư đặc biệt về Xã Hội Học.
Tiểu thuyết đầu tay của ông là cuốn " Uteliggcrenữ, xuất bản năm 1973. Sau đó ông viết nhiều loại có khuynh hướng xã hội, và các sách giải trí hấp dẫn. Trong đấy có một bộ gồm sáu cuốn " Knut Gribb" và một bộ về Na Uy trong thời kỳ chiến tranh (" Under hakekorset" ). Ông còn sáng tác một số truyện trinh thám, sách của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Ingvald Brekke là một người vẽ tranh, tranh của anh ta cũng đẹp như bao bức họa khác. Nhưng anh chưa nổi tiếng để được gọi là họa sĩ Brekke. Thiệt là tội nghiệp.
Vào một đêm, chúng tôi ngồi ngoài ban công:
- Anh cũng nên quảng cáo đi, phải gây chú ý chứ.
Brekke mỉm cười, tay mồi điếu thuốc lá, mắt hướng nhìn vùng đất rộng. Anh ở căn nhà nhỏ, chỉ lớn hơn nhà nghỉ mát một chút, nhưng phong cảnh chung quanh rất tuyệt vời. Cao ráo, sáng sủa, cảnh đẹp trải daì tới chân trời. Tôi hỏi:
- Tại sao anh không bắt đầu đội mũ nồi đi?
Brekke mỉm cười, ưu tư:
- Lúc đó có người mua tranh của tôi sao?
- Anh cũng biết đấy, người nghệ sĩ nhìn phải kỳ kỳ một chút. Ai cũng nghĩ thế. Anh thì quê mùa và bình thường quá. Anh phải đội mũ nồi đi đã, rồi từ từ tăng lên.
Lúc ấy Gerd, vợ Grekke bưng bình và tách ra ngoài ban công. Chị ta nhỏ tuổi hơn chồng. Dáng người mảnh khảnh, má lúm đồng tiền. Tóc vàng như ruộng lúa chín. Chị lên tiếng bằng giọng trang nghiêm:
- Tôi nghe anh nói gì rồi. Anh nghĩ điều ấy, thiệt là xấu hổ quá.
Chúng tôi uống hết ly rượu nhẹ, rồi uống càfê và ăn bánh nhà làm. Không ai có thể làm bánh ngon như chị Gerd.
Tôi nói:
- Chồng chị nay đã 35 tuổi, kiếm tiền không bằng cách đây 5 năm. Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng 5 năm nữa, anh cũng không khá hơn đâu, anh thấy không. Anh chỉ xẹt qua, xẹt lại đấu láo, vui vẻ với mọi người, không là con người kỳ dị để thiên hạ phải chú ý. Anh phải tạo ra ý tếu lạ, để râu, tóc mọc dài. Còn bây giờ nhìn anh bảnh trai, từ tốn như một nhân viên trong nhà băng vậy thôi.
Vợ anh và anh cười, Gerd hỏi:
- Còn anh thì sao? Anh quảng cáo mấy quyển sách của anh như thế nào? Anh cũng đội mũ nồi luôn hả?
Tôi trả lời:
- Tôi thì không bằng anh chị đâu, tôi còn độc thân mà. Rồi chúng tôi nói qua chuyện khác, vui vẻ, ấm cúng. Mặt trời tư từ lặn sau chân trời, đỏ như lữa. Chung quanh nhà, tiếng côn trùng kêu ra ra. Mùa hè tới, thiên nhiên ở Na-uy đẹp không đâu bằng.
Căn nhà nhỏ bé của tôi ở phía bên kia, dưới thấp nên không thấy phong cảnh nhiều. Chúng tôi quen nhau đã được vài năm rồi.
o0o
Đúng là ingvald Brekke không được may cho lắm. Số anh đi thụt lùi. Lần triển lãm mùa thu, anh bị thất bại. Thế là công việc của anh bị đình trệ.
Hôm tôi đến để an ủi anh, anh tỏ vẻ cay đắng. Trong căn phòng triển lãm nhỏ có rất nhiều tranh. Tôi mua vài bức tranh đẹp và còn thích nhiều bức khác nữa. Tôi không dám biểu lộ sự thích thú ấy, vì sợ anh nghĩ tôi vì tội nghiệp ảnh.
Anh vui vẻ, nói giọng khôi hài:
Đội chiếc mũ nồi đâu có tốt gì hơn? Đội mũ làm tranh đẹp hơn được à?
- Chưa, nhưng rồi anh sẽ được chú ý.
Chưa tin hẳn, nhưng từ đó anh không cạo râu. Một hôm anh đến thăm tôi, thấy râu anh mọc rậm rì. Anh nói nặng giọng:
- Anh nghĩ sao? Gerd đã cười tôi đến đau cả bụng.
- Tốt lắm, - tôi trả lời - nhưng mặc thêm cái áo ấm, và cổ cao vô nữa, nhớ nhé, giờ là muà thu rồi.
Những ngày sau đó, tôi thấy anh thường đạp xe với cái áo ấm đen, đầu đội mũ nồi, râu mọc dài hơn, nom như nhà tiên tri. Khó nhận ra anh. Anh bảo mình chẳng khác gì một thằng hề, và tỏ vẻ bực mình. Nói chuyện với mọi người không còn được dễ thương nữa. Người ta thấy lạ nên tới hỏi tôi:
- Anh chàng Brekke có chuyện gì không? Anh quen anh ta mà. Sao anh ấy khác quá.
Tôi giải thích:
- Brekke đang ở trong thời kỳ sáng tác, không có thời gian làm việc gì khác ngoài chuyện vẽ. Cạo râu thì cũng mất thì giờ, mặc chiếc áo ấm để cởi ra cho mau hơn là những chiếc sơ mi có nhiều nút.
Quả thật vậy, một hôm có người hàng xóm đến mua tranh, ingvald Brekke, trút bao nhiêu nỗi giận dữ từ lâu, ra một giá đắt hơn 5 lần bình thường. Người đàn ông ấy trả cái rụp, rồi hấp tấp ra đi.
10 phút sau, ingvald ra ngoài kể lại cuộc bán tranh lạ lùng ấy.
- Tôi chẳng hiểu gì cả, anh thở hổn hển.
- Chắc là nhờ cái áo ấm và cái mũ nồi?
Anh vừa nói vừa run tay mồi điếu thuốc.
- Anh đã có sự thay đổi rồi đấy, tôi tiếp:
- Nhờ bộ áo, cộng với sự phẫn nộ và bất cần trong lúc bán tranh. Rồi đây sẽ còn nhiều người đến. Cứ việc tiếp tục vậy đi. Từ bây giờ phải nói năng với giọng úp mở, nhìn thềng vào mặt khách hàng. Đến mùa đông thì anh khoác một chiếc áo choàng. Những người nghệ sĩ là thế đấy.
Brekke nhìn tôi chằm chặp:
- Thế anh có mặc áo choàng không?
Tôi nhún vai:
- Tôi không có nhu cầu ấy.
Anh ta bình tĩnh lại, vui mừng với số tiền mới bán được tranh. Khi anh đi, anh vui vẻ lắm. Tôi ngồi xuống, tiếp tục đánh máy.
o0o
Mùa đông tới, một hôm tôi nhìn ra cửa sổ từ phòng viết, thấy anh mặc áo choàng dài đen, tóc dài đến vai, phất phơ dưới cái mũ nồi. Anh cúi đầu, thềng lưng trên xe đạp, không nghiêng qua trái hoặc qua phải. Coi anh có vẻ không khỏe.
Khi về, anh ghé ngang nhà tôi, mặt đỏ, mắt sáng, hấp tấp hỏi:
- Anh thấy sao? Coi tôi giống đàn bà không?
- Nom anh đúng là nghệ sĩ thứ thiệt, tôi bình tĩnh trả lời để trấn an anh.
- Ngồi xuống đi.
Anh cởi vài nút áo, một loại áo khoác của đàn bà, ngôì xuống, ánh mắt như kẻ sát nhân. Tôi nghĩ rồi anh còn phải mang giầy có nút gài, nhưng cứ từ từ anh mới quen. Tôi pha một ly nước, đưa cho anh. Anh cần uống để được trấn tĩnh.
- Sao?? tôi nói
- Uống rồi kể cho tôi nghe công chuyện làm ăn đi.
- Tôi đã bán được 2 bức tranh, anh chậm rãi trả lời, -cũng được giá.
- Chắc là nhờ bộ tóc dài đó, tôi bày chuyện,
- Cứ mặc chiếc áo này thì anh sẽ bán được thêm 2 bức nữa đấy. Làm sao anh có được cái áo này vậy?
Anh nhìn xuống chiếc áo đàn bà, cởi thêm vài cái nút.
- Ở chợ trời. Tôi mua 2 kroner. Thiệt là mắc cở. Người ta cứ nhìn tôi.
- Bây giờ thì thiên hạ sẽ đồn ầm lên đó, ông bạn thân mến à. Sau này người ta sẽ xếp hàng mua tranh của anh đấy. Bây giờ chỉ cần anh cứ nói chuyện tầm phào là được rồi.
- Ngày nào Gerd cũng cười tôi. Bực quá.
- Tất cả vì nghệ thuật, ingvald ạ. Nếu cứ bình thường thì không làm ăn được đâu. Cứ tin thế đi.
Hôm sau chẳng ai đến mua, nhưng có một nhà báo địa phương, vì đã nghe đồn nhiều về anh nghệ sĩ ở Breidakollen này. Nhà báo đến, tỏ ý muốn phỏng vấn Brekke.
Cuộc phỏng vấn thiệt đáng giá. Gerd mắc cười quá nên phải lánh ra ngoài.
Ngày hôm sau tôi đọc cuộc phỏng vấn ấy trên báo, và cũng thấy buồn cười. Hình chụp đẹp. ingvald Brekke coi có vẻ kỳ lạ, rất nghệ sĩ. Việc bán tranh chạy hơn. Xuân tới, anh không còn bức tranh nào, mặc dù anh vẽ thêm rất nhiều. Anh dự tính tới hè sửa sang lại nhà cửa. Chúng tôi lại ngồi với nhau ngoài ban công, nhìn phong cảnh tuyệt vời.
- Thiệt không ngờ, anh nói như một triết gia,
- Và cám ơn anh nhiều lắm. Đấy cũng là nhờ chiếc mũ và áo choàng, chứ không phải chính vì tôi. Nghệ thuật nằm ở trong bộ áo này.
- Tranh của anh lúc nào cũng đẹp, tôi tiếp,
- Nhưng phải để người ta biết đến anh. Phần đông người ta mua vì tiếng tăm của tác giả và khung đẹp.
Tới thu, anh sửa nhà, phòng triển lãm lớn gấp đôi, phòng khách cũng rộng rãi hơn.
Rồi lại quảng cáo. Hàng xóm chú ý và suy nghĩ. Họ bắt đầu đầu tư vào anh, đua nhau mua tranh đẹp trước khi giá tăng. ingvald Brekke bán tranh và ngạc nhiên, rồi tự gọi mình là họa sĩ. Anh suy nghĩ đến việc mua xe, nhưng tôi can:
- Không được. Cái phòng triển lãm lớn là được rồi, đấy là một bước tiến của anh trong ngành nghệ thuật, còn xe hơi là xa xỉ phẩm, nên đình lại cho tới khi anh nổi tiếng hẳn hoi. Còn bây giờ, anh cứ tiếp tục đội mũ, áo khoác, râu ria. Nếu anh làm anh ốm được một tý, thì nên làm đi. một nghệ sĩ là nên xanh xao, gầy ốm, mắt trệ, nếu được thì dáng nhìn xương xìu một chút. Nhưng trước hết, đừng có chơi xe!
Cho đến nay, tôi không phải là một cố vấn dở, nên anh ta nghe theo tôi, bỏ ý định mua xe. Bây giờ có người từ Oslo gửi thư đặt tranh, anh không còn là con số không nữa. Thiệt vậy, nếu ingvald Brekke không tự tin mình.
o0o
Nhờ vào sự buôn bán ở Oslo, càng có thêm nhiều người đặt hàng. Những người đặt hàng là các chủ hãng tàu, họ giao tế rộng rãi. Khi " khám phá" được họa sĩ mới, họ tán tụng hết lời. Bạn bè của chủ tàu, đánh hơi được mối đầu tư, họ không bỏ qua. Họ đặt mua tranh trước như họ đặt mua tàu vậy. Brekke được người ta mua tranh nhiều hơn sức anh vẽ. Anh trả lời, hàng chỉ có thể giao sớm nhất vào một ngày nào đấy trong năm sau. Anh trầm ngâm vuốt ve chiếc mũ nồi, rồi ra tiếp một nhà báo, tờ Aftenposten, anh chỉ trả lời úp mở.
Sau đó anh nhập cuộc Triển Lãm Muà Thu, được nhiều sự bình phẩm tuyệt đỉnh. Anh đi vòng vòng với bộ áo choàng, giầy nút, khuôn mặt trệ, cố làm dáng khác khổ, chỉ ăn bánh mì với muối. Nom anh có vẻ nghệ sĩ lắm. Sau đấy, đài truyền hình tới, 2 chiếc xe khổng lồ ầm ầm lái vào, tạo sự náo loạn với những dây cáp, đèn quay phim với những kỹ thuật viên. Chỉ có họa sĩ là giữ được bình tĩnh. Brekke mang đôi giầy nhựa, mình khoác áo choàng, eo thắt khăn quàng đỏ, bước ra cầu thang. Anh chỉ trả lời mập mờ một số câu hỏi về nghệ thuật, rồi màn hài kịch cứ tiếp diễn. Sau cuộc nghi lễ. Hoạ sĩ Brekke cười dài.
14 ngày sau, chương trình được phát hình, 3 chúng tôi ngồi coi trước màn ảnh TV, ăn bánh và uống café.
Họa sĩ Brekke giật mình khi anh nhìn thấy mình trên TV: đứng trên cầu thang, chân mang đôi giầy nhựa, cổ quàng khăn.
- Chúa ôi! sao trông tôi lại thế này, anh than van
- Nếu tôi không tỉnh táo, tôi sẽ chối đấy không phải là mình.
Lúc đang phỏng vấn, nhìn anh cũng chẳng khá hơn. Nhưng chương trình ấy được các báo khắp cả nước đề cập tới tốt đẹp. Tờ báo Oslo viết: họa sĩ Brekke không những là nghệ sĩ, mà còn là một triết gia thượng thặng! Họa sĩ là người đáng hoan nghênh, chúng ta nên gặp thường xuyên hơn.
Người bạn ingvald của tôi đã trải qua thời gian thử thách nảy lữa.
Anh nổi tiếng toàn quốc, đi tới đâu anh cũng được mọi người kính nể. Họ bàn luận về anh ở những viện đại học, anh được trợ cấp học bổng, mặc dù anh không xin gì cả. Công việc làm ăn của anh thuận buồm xuôi gió.
Vào một buổi chiều anh nói:
- Thời gian làm hề đã qua, bây giờ râu và áo choàng cho nó qua luôn.
Anh dùng kéo và dao cạo râu. Tóc và râu, anh đem ra sân đốt. Rồi cả mũ nồi và áo choàng. Ngọn lữa sáng reo vui, anh cho cả đôi giầy nhựa vào. Chúng tôi đứng vòng quanh ngọn lữa, bao điều kiện của nghệ thuật cũng cuốn theo ngọn lữa.
Lúc đó tôi suy nghĩ, chắc mình cũng phải đi mua một chiếc áo choàng quá.
Mấy ngày sau anh lên phố mua xe.

Xem Tiếp: ----