Tôi trở lại Lộc Hà tìm gặp Nương và tìm lời giải đáp đâu là sự thật ẩn giấu đằng sau con người lạ lùng ấy. Nương có phải là “yêu nữ” như cách gọi của ông chủ trà thất Kissa, hay là “Trà Đào” như cách tôi vẫn hằng gọi?
Lúc đến trà thất Kissa, chủ nhân đã đi đâu đó. Tôi đẩy cánh cổng bước vào bên trong vì biết rằng nó luôn để ngỏ. Trà thất có hai gian chính, một nằm ở trên cao làm toàn gỗ gọi là gian mộc và gian kia thấp hơn xây bằng gạch gọi là gian thổ. Hai gian cách nhau qua một hồ nước nhân tạo trồng nhiều hoa. Trong nhiều loài hoa có hoa bèo.
Tôi nằm dài trên chiếc chiếu trong gian thổ, đầu gối lên chính chiếc tọa cụ mình vẫn thường ngồi uống trà, và nghĩ về Trà Đào. Một người đi từ trên dốc xuống, còn người kia thì ngược từ dưới lên; thoáng nhìn nhau; chợt nhận ra một điều gì đó, lại nhìn nhau; rồi bước qua nhau. Đến khi thấy tiếc nhớ cái gì mơ hồ vừa thoáng qua, quay lại tìm nhau thì người kia đã mất hút. Quan hệ giữa tôi và Trà Đào cũng tương tự như vậy.
Tôi nằm như thể chết rồi vậy. Chết trong nỗi nhớ. Tôi đã đến đây, đang ở đây nhưng đâu rồi hình bóng kiều nương quạt bếp đun trà, gối quỳ cẩn trọng rót từng giọt đào lên lòng bàn tay, xoa xát vào nhau mà biết trà được hay chưa. Đôi tay khum khum áp chặt tách trà màu đỏ gạch như muốn lấy bớt đi một ít hơi nóng nhưng bù lại bằng rất đỗi nhiều hương người pha trà. Rồi nàng gọi chén trà dâng khách theo kiểu đó là “trà đào”, chén trà máu. Còn tôi, tôi gọi tên người ấy là Trà Đào.
Phố núi Lộc Hà trước đây chỉ là một huyện lỵ nhỏ. Nó nằm vắt ngang qua một quốc lộ nối liền hai địa danh du lịch nổi tiếng. Khách đi ngang qua đây thường chỉ dừng lại nghỉ chân chốc lát, rồi vội vã lên đường, trong tâm tưởng hầu như không đọng lại gì về nơi mình vừa ghé qua vì vẻ hoang sơ, rỗng không của nó.
Bây giờ, Lộc Hà là một Lộc Hà khác. Những khu mới mở trong bản quy hoạch phát triển thị xã trong mười năm tới chính là tâm điểm của những chuyến viếng thăm. Tôi chỉ là một trong số nhiều người có tên trong danh sách đó. Tìm mua một miếng đất để xây dựng nhà xưởng công ty là mục đích của chuyến trở lại Lộc Hà gần đây nhất của tôi mà chủ nhân trà thất Kissa là một mắt xích quan trọng.
Giữa lúc đang còn băn khoăn không biết nên bỏ vốn đầu tư vào vùng quy hoạch nóng hay dạt ra vùng ngoại vi để chờ thời cơ, tôi lại rơi vào một nỗi băn khoăn khác. Trà Đào xuất hiện, và tôi đã bị hút vào cơn bão mà “yêu nữ” của chủ nhân trà thất Kissa tạo ra.
Một buổi chiều, tôi rớt xuống Lộc Hà. Từ quốc lộ, tôi băng qua một cây cầu dẫn vào lòng thị xã; cây cầu nhỏ vắt qua một cái hồ vừa đủ rộng, ở giữa hồ có một nhà thủy tạ. Như thường lệ, tôi rẽ vào Ngọc Ký, một quán tạp pí lù bán cà phê và nhiều thức uống bình dân khác, nằm cách cây cầu chỉ khoảng vài trăm bước chân. Nó nằm hơi nhô cao khỏi mặt đường, chỉ ngước nhìn lên là thấy ngay. Ở đó lúc nào cũng đông người nhưng không ồn ào. Đây là điểm hẹn của nhiều giới trong thị xã đến để chia sẻ thông tin về lĩnh vực mình quan tâm. Trong khi chờ đợi ông chủ trà thất Kissa đến, tôi ngồi hóng chuyện đất đai, chủ đề nóng nhất của thị xã vào thời gian đó.
Nhưng ông ta không đến một mình. Người theo sau là một cô gái có dáng dấp điển hình của phụ nữ ở vùng trung du. Nước da không thật trắng nhưng cũng không ngăm ngăm. Gương mặt điềm nhiên. Tóc dài để xõa lất phất trên chiếc áo cổ lọ thật kín đáo nhưng cũng thật gợi hình.
- Nương, một trà nhân của Kissa - ông ta giới thiệu. Nhưng sau này, mỗi lần tôi hỏi đến Nương lúc nàng vắng mặt, mặt ông ta lạnh lùng một cách khó hiểu, miệng nhai đi nhai lại cái điệp khúc “Yêu nữ đấy! Yêu nữ đấy!”.
Tôi gật đầu chào và Nương cũng gật đầu chào lại, cái gật chỉ hơi khe khẽ như còn ngượng ngập một điều gì. Tôi và ông chủ trà thất bắt đầu câu chuyện của mình. Ông ta nói rằng đã suy nghĩ kỹ và quyết định rót một phần ba số cổ phần để liên doanh mua đất với tôi như bước khởi đầu tốt đẹp cho một kế hoạch hợp tác kinh doanh đầy triển vọng trong vài năm nữa. Tuy nhiên, chọn mua ở vùng trung tâm hay ngoại vi thì vẫn chưa ngã ngũ. Nghĩa là tôi phải đến Lộc Hà thường hơn trước để bàn tính vụ này.
Trong suốt buổi nói chuyện, tôi thấy Nương nhìn đi đâu đó, thỉnh thoảng mới quay lại và lần nào cũng chạm vào mắt tôi. Một cái nhìn vừa lạ lẫm vừa thân quen.
- Nương tham gia vào vụ này nữa nhé!- tôi gợi chuyện.
- Dạ, không dám. Em chỉ là một thợ thêu, làm công ăn lương. Đâu thể ngồi cùng bàn với mấy anh.
- Thì đã ngồi cùng bàn rồi còn gì!- tôi chòng ghẹo.
Nương cúi mặt, lắc lắc đầu, đu đưa người. Lúc đó, tôi không nghĩ rằng con người này cũng sẽ là một mắt xích gắn chặt tôi với mảnh đất này hơn.
Chiều hôm đó, tôi đưa Nương đi loanh quanh thị xã. Chúng tôi đi qua những đồi trà. Đường xuôi xuôi, đường ngược dốc, rồi đường cong cong. Có những đoạn chúng tôi đi dưới bóng những cây sầu riêng. Chúng vươn thẳng mình, cành mọc chìa ra khỏe khoắn. Không gian như có tiếng thơ. Chúng tôi dừng lại ở một vạt đất trống, nơi từ đó có thể nhìn xuống một thung lũng mênh mông trà và trà.
Nương cất tiếng hát. Tiếng hát như dồn nén đã lâu; gặp cảnh, tình bỗng chực trào ra. Người Nương run lên theo câu hát. Tôi cầm lấy tay nàng, bàn tay to bè nhưng mềm mại. Nàng cứ để yên trong tay tôi. Rồi chúng tôi hôn nhau như thể hai người yêu lâu ngày gặp lại. Lần đầu tiên trong đời, một nụ hôn say nồng với một người xa lạ lại có thể đến với tôi một cách nhanh chóng, tự nhiên và sâu đến như vậy.
Tôi đưa Nương về nơi ở của nàng, chỗ trọ thứ ba trong vòng sáu tháng qua. Đó là một căn phòng nhỏ, có vẻ trước đây là một phòng ngủ liền với nhà tắm. Nó nằm kế bên một căn phòng khác, giống như phòng khách, và cả hai nằm trong khuôn viên chung, dĩ nhiên chung cả cổng ra vào. Có một người đàn ông từ trong phòng khách bước ra, dẫn xe đi thẳng ra cổng mà không hề đáp lại lời chào của tôi. “Đó là người của chủ nhà”, Nương giới thiệu, vẻ ái ngại, rồi đưa tôi vào không gian của riêng nàng, chỗ giống như phòng ngủ trong hình dung của tôi. Chúng tôi nhanh chóng trở lại không khí vui vẻ, êm đềm ban chiều.
Tuy nhiên, điều đó không kéo dài bao lâu. Có ai đó đẩy cổng dẫn xe vào nhà và lù lù hiện ra trước mắt tôi. Không phải người đàn ông ban nãy. Tôi đưa mắt thầm hỏi Nương nhưng nàng như chết lặng trong khoảnh khắc đó.
Người đàn ông sấn vào và liền sau đó là tiếng một cái tát nảy lửa vang lên. Nương chúi người xuống ghế. Hai động tác diễn ra trong chớp nhoáng vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi.
- Mày là một con điếm! - Tiếng người đàn ông vang lên khô khốc- Nay lừa lọc thằng này, mai lại thằng khác.
Người đàn ông hậm hực điên tiết như một con hổ dữ gầm gừ trong chuồng sắt sở thú sau khi bị người ta gài bẫy, bắt đi khỏi vương quốc của nó. Hơi thở nghe như tiếng gió ngàn, rồi theo nhịp điệu của vũ khúc ba lê ở hồi cao trào hai tay chộp lấy lọ hoa sứ trên bàn quẳng mạnh xuống nền nhà đánh “choảng”. Lại sắp sửa là một cái tát nữa, nhưng lần này tôi nhanh tay hơn. Tôi gạt tay người đàn ông kia ra. Không ngờ, đó chỉ là một cánh tay rệu rã, không chút uy lực.
- Chúng ta là đàn ông. Anh không nên xử sự như vậy! - Tiếng của tôi.
- Biến ngay đi! - Ông ta chỉ tay vào mặt tôi - Tao có cái quyền đó vì tao là chồng của nó!
- Nhưng không sống chung - Nương bất ngờ lên tiếng.
Lúc mà tôi muốn biến đi ngay thì cũng là lúc hắn ta biến mất. Có lẽ, hắn thấy không tương quan lực lượng với tôi nên biến đi để tìm thêm đồng minh chăng? Tôi bải hoải và lúc đó không còn hứng thú gì với chuyện nghĩa hiệp nữa. Nhưng có một cái gì đó, thật mơ hồ, níu giữ tôi lại. Lòng trắc ẩn về một cô gái hai mươi tư tuổi đã có chồng, nhưng không có một mái nhà, khiến tôi gạt bỏ hết mọi chuyện để đưa nàng đi ngay trong đêm đó. Chúng tôi đi chứ không biết là đi đâu. Màn đêm Lộc Hà đã ụp xuống tự bao giờ.
Hôm sau, tôi rời Lộc Hà. Nương cũng sẽ tiếp tục chuyển chỗ trọ để trốn chạy người đàn ông từng là chồng nàng. Hắn ta đã có vợ con, Nương cho biết, nhưng không muốn dừng lại trong cuộc đuổi bắt. Dù nàng có đi đâu, hắn cũng không từ. Hắn sẽ sục sạo khắp nơi để tìm cho bằng được chỗ nàng ở, rồi khuấy tung cuộc đời nàng lên. Và mỉm cười đắc thắng.
Ngược lại, Nương cũng có cách của mình. Trong một cuộc truy đuổi, kẻ chạy trốn luôn là kẻ chủ động. Nàng đã chạy đến với nhiều đàn ông khác để tìm kiếm sự chở che tạm bợ. Trong số đó không ngoại trừ một người: chủ nhân trà thất Kissa.
- Chết, đã bước vào trà thất rồi mà lòng vẫn không tịnh hay sao?
Chủ nhân Kissa đã về, và tiếng thét đã làm tôi bừng tỉnh. Có thể, trong cơn mơ ngủ ban nãy, tôi đã vô thức gọi tên Trà Đào. Tôi thật xấu hổ, đến nỗi không thốt lời nào. Trong khi tôi ngồi dậy, ông ta chuẩn bị pha trà. Hơi ấm hắt ra từ chiếc lò sưởi trong góc phòng dần hồi làm tôi sống lại.
Chúng tôi ngồi nhìn nhau. Nguyễn Mạnh đã già đi nhiều kể từ hồi tôi mới gặp ông. Gương mặt phảng phất buồn và đầy vẻ ăn năn chứ không còn kiêu bạc như lúc trước. Ông từng là một bác sĩ giỏi, nổi tiếng khắp thị xã này. Trong một lần châm cứu cho bệnh nhân, ông ta định vị không đúng huyệt đạo, bệnh nhân đã phát điên. Người thân quay lại tố cáo. Áp lực của dư luận khiến ông chao đảo. Cuối cùng, ông giải nghệ và lập ra trà thất này, một nơi không phải để kinh doanh, cũng không phải để chơi dành cho những tay chơi. Nó được ra đời vì mục đích giúp ông tìm lại bản ngã của mình.
- Tôi sẽ đi tìm Nương. Chúng tôi mất liên lạc đã hơn hai tháng qua - tôi nói.
- Tôi biết. Tôi biết lần này ông trở lại là vì mục đích đó.
Tôi định nói một câu gì đó. Nhưng Nguyễn Mạnh đã lên tiếng trước.
- Ông vẫn không tin tôi sao? Tôi đã bảo cô ta là “yêu nữ” mà.
Ông ta tiếp tục:
- Sự thật mà ông đang đi tìm đã có ở đây rồi.
Tôi tò mò.
- Nó đã thuộc về tôi! Nhưng tôi sẽ không bao giờ nói ra cái biết của tôi. Vì cái mà tôi đã biết có thể không phải là cái mà ông muốn biết.
Tôi định hỏi Nguyễn Mạnh có biết về người mà Nương nói rằng mình đang bí mật chăm sóc là ai không, để từ đó, chí ít tôi cũng có đường mà lần tìm nàng. Nhưng ông ta không có vẻ gì là sẵn sàng cho câu hỏi đó cả.
Uống cạn chén trà, tôi đứng dậy lấy áo khoác và mũ, cáo từ chủ nhân.
- Một bữa cơm niêu và rượu cần đang sẵn sàng cho buổi tối nay, nếu ông quay lại đây- Câu nói cuối cùng của Nguyễn Mạnh trước khi tôi rời trà thất Kissa.
Có hai nơi tôi cần đến dù biết rằng nó không chắc chắn lắm.
Tôi trở lại chỗ trọ cuối cùng mà tôi biết trước khi Trà Đào lặng lẽ chuyển đi nơi khác. Cánh cổng đã bị khóa và phía trên treo một tấm bảng nhỏ đề chữ “Phòng cho thuê”, nước sơn vẫn còn mới. Tôi quyết định đi ngược lên con dốc mà trước đây Trà Đào thường chỉ một mình đi thăm một “người thân” giấu mặt nào đó khi đã biết chắc rằng tôi đứng đợi nàng ở chỗ trọ. Nhưng đó cũng chỉ là một nỗ lực vô vọng, vì những dãy nhà phía trên con dốc đều là nhà riêng, không có dấu hiệu chứng tỏ một chức năng đặc biệt gì cả. “Chết mất thôi!”, tôi bỗng nhớ như điên cách nói của Trà Đào mỗi lần nàng gặp một tình huống rắc rối, và bất giác tôi cũng thốt lên như vậy.
Nơi cần đến tiếp theo là chỗ làm của Trà Đào, nơi tôi chưa từng đến bao giờ trong suốt thời gian chúng tôi quen nhau. Sau mười lăm giây mở cuộc liên lạc đến tổng đài thị xã, tôi đã có ngay địa chỉ của số điện thoại mà tôi vẫn thường gọi cho nàng. Nhưng đó không có vẻ gì là một xưởng thêu cả. Mặt tiền không hề có một biển hiệu. Còn phía bên trong thì im ắng một cách khó hiểu. Hay Trà Đào chính là chủ xưởng thêu và đã di chuyển cơ sở về gần chỗ ở mới của mình? Tôi phì cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh đó. “Chết mất thôi!”
Lúc đó, trời đã về chiều. Lộc Hà trở lạnh đột ngột. Nồi cơm niêu và ghè rượu cần hiện ra trước mắt tôi đầy mời mọc. Nhưng cuối cùng, thay vì trở lại trà thất Kissa, tôi quyết định đi về phía chợ trung tâm thị xã. Tôi mua thêm một chiếc áo ấm và bắt đầu một cuộc kiếm tìm khác theo cách của riêng mình.
Tôi cuốc bộ bốn cây số để đến vạt đồi mà Trà Đào từng có lần đưa tôi đến đó thưởng trăng. Trời hôm nay lại không có trăng. Chẳng lẽ ngắm sao, một trò chơi Trà Đào rất thích? Tôi nằm xuống cỏ giữa trời cao, đất rộng ngửa mặt tìm những ngôi sao thẳng hàng giống như cách Trà Đào đã từng. Nàng bảo rằng một nhà thơ đã nói ở đâu đó trên bầu trời có ba ngôi sao nằm thẳng hàng, trong đó một ngôi là sao Chân Thật, một là sao Thủy Chung và ngôi còn lại là sao Hạnh Phúc. Nàng đã tìm kiếm nhưng chưa gặp bao giờ. Đêm nay, tôi sẽ tìm giúp cho nàng.
Sáng hôm sau, tôi thất thểu quay về thị xã. Tôi định sẽ quên Trà Đào, sẽ loại bỏ hẳn hình bóng của nàng ra khỏi đời tôi. Tôi không muốn mình bị biến thành nô lệ trong nỗi nhớ nàng. Buổi lễ “tẩy trần” này tôi định sẽ thực hiện tại trà thất Kissa với sự chứng kiến của chủ nhân trà thất.
Trên đường trở về trà thất, tôi đi ngang qua Ngọc Ký và quang cảnh đông người ở trong đó đã hấp dẫn tôi. Tôi rẽ vào quán và kêu cho mình ly cà phê một ngàn đồng. Ở đây không có ai ngồi uống một mình cả. Đó là “luật”. Và bất giác tôi vẫy cô bé phục vụ người Hoa lại để kêu thêm một ly trà đào cho có vẻ là đang đợi một ai đó. Cô phục vụ mang ra ngay cho tôi mà không hề tỏ vẻ gì ngạc nhiên. Rồi tôi cũng nhanh chóng chấm dứt tâm trạng lững lờ bằng cách gọi tính tiền và ra về.
Nhưng có một hình ảnh đã giữ chân tôi lại.
Ở ngay bậc cửa quán bước xuống đường hiện ra một bé gái. Em bé chừng ba tuổi. Em nhoẻn miệng cười trước sự ngạc nhiên của tôi. Nụ cười ấy trông rất giống với nụ cười của người mà tôi đã chết bao lần vì nỗi nhớ nhung âm ỉ.
Dĩ nhiên, em bé không đến đây một mình. Người bên cạnh là Trà Đào, bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Người đó nhìn tôi bằng cái nhìn lần đầu tiên chúng tôi đã gặp nhau. Lúc đó, không phải nàng mà chính tôi đã thốt lên:
- Chết mất thôi!
Trà Đào trước mắt tôi không còn là Trà Đào nữa. Người nàng gầy đi, da xanh xao, mắt thâm quầng. Có lẽ, nàng không còn một người đàn ông nào dang tay ra che chở. Người mà nàng nói rằng mình phải bí mật chăm sóc, có thể hy sinh tất cả vì người đó chính là đứa con gái bé bỏng đang nép sát cạnh nàng.
Tôi đưa hai mẹ con về chỗ trọ. Nàng nói rằng hai tháng qua nàng phải túc trực ở nhà để chăm sóc cho em bé bị sốt xuất huyết. Trong hai tháng đó, nàng đã nuôi con bằng máu của mình.
- Lúc gặp anh ở Ngọc Ký, em mới từ bệnh viện ra.
Giọng Trà Đào rời rạc. Nhìn xuống, tôi thấy những ngón tay của nàng co giật, run run. Trong khoảnh khắc, người tôi như rã ra, trôi đi theo làn hương trà đào đang từ đâu đó quyện về.

Xem Tiếp: ----