Một hôm, giữa bữa ăn sáng ngày chủ nhật, trong lúc bẻ miếng bánh mì quệt quệt lên cái lòng đỏ trứng gà một cách uể oải, chồng tôi bảo:
- Dạo này anh thấy mình thế nào ấy, mất ngủ trầm trọng.
- Em cũng thấy anh mất ngủ, đêm nào cũng trở mình. Hay sức khỏe anh thế nào, có vấn đề gì? - Tôi lo lắng hỏi.
Quả thật, đêm nào tôi cũng thấy anh trở mình qua, trăn mình về. Nhiều hôm cũng khiến tôi mất ngủ theo, sáng mai đi làm mắt cứ đỏ ngầu khiến ở cơ quan, các anh thì tủm ta tủm tỉm, các chị thì nhân lúc rỗi rãi bao giờ cũng buôn dưa lê, nêu gương tôi là thậm tốt: làm việc tốt, chăm sóc chồng tốt, và lịch "ngủ" tốt..., khiến tôi ngượng đỏ cả mặt. Nhưng tôi nghĩ anh mất ngủ, tôi cũng mất ngủ, ấy là do thời tiết. Nghe đâu, người ta bảo năm nay trời sẽ nắng nóng dữ dội, chưa bao giờ nhiệt độ lên cao như bây giờ. Tuy chưa vào hè, nhưng tôi đã cảm nhận được cái nóng nực ấy mỗi đêm, lúc hai vợ chồng trần như nhộng, tênh hênh trên cái chiếu trúc loại tốt mát rượi, máy điều hòa để 23 độ C mà vẫn cảm thấy bức bí.
Lắm lúc, tôi cứ nghĩ do mình và anh đều có thân nhiệt cao quá mức bình thường nên mới như vậy, chứ nào thấy ai kêu nóng nảy gì đâu.
- Hay là anh đi khám, bốc ít thuốc về điều hòa thân nhiệt?
- Thuốc với chả men. Em lúc nào cũng thuốc thang, cứ làm như... Lại cái ông Hiểu đông y ấy chứ gì? Anh chẳng có bệnh gì, chẳng thuốc men gì sất!
Một điệp khúc muôn năm cũ. Tôi biết, nếu tôi nói thêm điều gì, buổi sáng chủ nhật yên bình của hai đứa sẽ tan thành mây khói. Anh sẽ nổi cơn tam bành, chẳng khác gì một mụ đàn bà, một mụ gà mái xù lông trước đám diều hâu để bảo vệ con.
Khốn nỗi, chính là anh bảo vệ cái sức khỏe và cái uy đàn ông mà anh không bao giờ muốn nó suy sụp trong mắt tôi, không được mảy may sứt mẻ trong mắt người khác. Đấy là anh còn chưa biết rằng, để anh có được sức khỏe cường tráng, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như bây giờ, tôi đã phải công phu đến thế nào.
Hồi mới lấy nhau, lúc nào tôi và anh cũng hục hặc. Chẳng có gì cũng khiến chúng tôi cãi nhau. Ấy là do tôi và anh không được hài hòa trong sinh hoạt vợ chồng. Anh bao giờ cũng "tiêu hết tiền" trước khi chúng tôi có thể cùng tiêu dao tới miền cực lạc. Anh không chịu thừa nhận lỗi do mình. Tôi càng không thể nói với anh nửa câu về chuyện đó. Cứ thế mà uất ức, mà chuyện bé bằng cái móng tay cũng có thể xé ra to bằng trời.
Biết tính anh vừa thương vợ, vừa muốn chứng tỏ bản lĩnh nhưng cũng vừa sĩ diện không bao giờ chịu thừa nhận mình kém cỏi hay có vấn đề gì trong chuyện đó, tôi đành ngậm tăm, lặng lẽ chú ý đến các sinh hoạt nhỏ của anh, từ bữa cơm, nước uống, điếu thuốc, giấc ngủ... Không phải tôi theo dõi hay nghi kỵ gì anh, tôi chỉ chú ý để ghi lại các biểu hiện tâm sinh lý của anh, để còn... báo cáo lên thầy thuốc. May cho tôi là ba đời nhà tôi đều có một ông thầy cũng đã ba đời gia truyền, lúc nào cũng rất thân thiết gắn bó, sẵn sàng giúp đỡ. Vì vậy, tôi mới có thể nói hết những khó khăn của mình mà không hề e ngại.
Khó khăn lớn nhất của tôi lúc ấy không phải là không tìm ra bệnh để giúp anh, mà là giúp như thế nào để anh không phát hiện. Sau cùng, thầy Hiểu đành làm cho tôi một loại thuốc đặc biệt. Tôi mang về, ngâm vào rượu và mật ong, mỗi bữa rót cho anh một ly, bảo là thuốc chống đau xương mỏi cốt. Nghe bảo chống đau xương mỏi cốt, anh thích quá. Anh làm việc suốt ngày ở phòng máy vi tính, tối nào về cũng kêu ca, bắt tôi đấm lưng. Hôm nào rảnh rỗi cùng bạn bè ra sân tập tennis thì về còn kêu nhiều hơn. Kiểu thể dục không đều như anh quả rất hại người.
Anh chăm chỉ uống, hễ tôi rót thì uống, không băn khoăn gì. Có điều, thỉnh thoảng cao hứng lúc bạn bè đến nhà, anh lại mang chai rượu ra ca ngợi lợi ích chống đau xương mỏi cốt của nó, mọi người cứ thế thi nhau uống tràn. Tôi phải bấm bụng nhịn cười, len lén đi cắt thêm thuốc về ngâm cho đủ thang.
Thầy Hiểu bảo nếu tôi biết kết hợp với những bài thuốc dân gian như nấu cháo le le, bìm bịp, hạt sen cho anh ăn thì tốc độ "dẫn" thuốc còn nhanh hơn nhiều. Tôi làm sao có thể làm như vậy. Nhìn mấy món ăn đó, tôi biết chắc anh sẽ giãy nảy lên như đỉa phải vôi, vì cho mình là "thừa" rồi, chứ đời nào anh lại nhận "thiếu". Vì vậy, thời gian uống thuốc của anh kéo dài hơn nửa năm trời mới bắt đầu hiệu quả. Tình hình giữa vợ chồng tôi nhờ đó cải thiện được ít nhiều.
Vậy mà bây giờ anh lại kêu bất ổn. Không biết còn bất ổn chi nữa đây? Giữa hai vợ chồng tôi từ mấy tuần nay chưa trục trặc gì trong "chuyện ấy" kia mà. Hay là anh có vấn đề gì ở cơ quan, với sếp, hay với một cô nhân viên xinh đẹp nào đó mà tôi không biết? Tôi cứ để bụng băn khoăn mãi suốt cả buổi sáng cùng anh đi lượn chợ đồ da, chọn mua cho anh cái cặp để anh đựng chiếc laptop. Vỏ cũ của cái máy tính xách tay này đã bị con chó mới mua về nhằn nát bươm.
Chọn được một cái cặp da xịn, lại không bóng đúng như mong muốn, giá cả cũng không đắt, anh hớn hở ra mặt. Anh là chúa thích hình thức, khoái mẽ ngoài, muốn sang trọng và khoe sự sang trọng ấy cho tất cả mọi người, nhưng cũng không muốn đầu tư nhiều tiền của. Nói như nhận xét của bạn bè tôi là anh thích khoe mẽ nhưng lại không hào phóng, nếu không muốn nói là rất ki bo. Bạn bè tôi xưa nay vẫn bực mình và hay đả kích tôi vì đã yêu anh, họ không hiểu vì sao tôi lại có thể say đắm một người "chẳng có vị gì" như anh. Tôi cũng không biết trả lời thế nào. Đến tôi còn không biết thì làm sao họ có thể hiểu nổi. Tôi chỉ biết đáp đơn giản rằng chính tôi yêu anh, chứ không phải họ yêu. Chỉ vậy thôi.
Lòng vòng hết cửa hàng cặp, lại qua hàng thắt lưng da. Anh muốn mua một chiếc thắt lưng có thể dùng được với cả quần jeans, thứ quần mỗi năm anh chỉ giặt một lần, hoặc dùng chán thì bỏ chứ không có ý định giặt quanh năm như tôi, và cũng dùng được với quần tây, loại anh phải "đóng hộp" mỗi ngày khi tới công sở. Nghe anh nêu yêu cầu, người bán hàng lắc đầu vẻ ngán ngẩm. Tôi cũng không mấy hy vọng anh sẽ tìm được loại thắt lưng "hai trong một" như vậy, nên cứ đứng tần ngần ngoài hàng, ngửa cổ nhìn cây si cổ thụ chình ình ngay lối vào quầy.
Chọn mãi không được, lại không thấy tôi tỏ ý giúp đỡ, anh quay ra:
- Này cưng, mải ngắm anh chàng nào đấy không vào chọn giúp anh một cái...
Lâu lắm rồi, từ hồi cưới nhau đến giờ tôi mới nghe anh gọi tôi là cưng. Và anh cũng chỉ gọi tôi là cưng hoặc chó con lúc hai đứa đùa giỡn nhau trên giường, chứ không phải giữa thanh thiên bạch nhật đông người như thế. Vì vậy, mặc dù phải đợi anh khá lâu, tôi vẫn phổng mũi lên, quên phắt cả nỗi băn khoăn về chuyện anh mất ngủ đã ám ảnh tôi suốt buổi sáng:
- Em đang ngắm cây si cổ thụ này. Nó phải dễ đến mấy trăm năm tuổi rồi anh nhỉ.
Anh nhìn tôi. Rồi nhìn cây si cổ thụ chình ình lối ra vào. Lại nhìn tôi. Ý chừng anh nghĩ ở thời buổi này, vẫn còn có người dở hơi cám hấp đi nhìn cây cối rồi băn khoăn lẩn thẩn.
Ông chủ hàng thắt lưng nghe tôi nói, tỏ ra hồ hởi, bắt chuyện ngay lập tức:
- Vâng, cây si này đã mấy trăm năm rồi. Nó có từ đời ông cụ, ông kị nhà tôi. Trước, chỗ này là một cái miếu, người ta san đi làm chợ, chỉ còn cây si này thôi. Nên nhà tôi bán hàng chỉ là phụ, quanh năm vẫn phải thờ cúng nhang khói đấy.
Nghe ông nói, tôi mới để ý sau đám rễ xùm xòa, gốc cây si phình to tạo thành một bọng lớn. Ở đó, có một bát hương nghi ngút khói và chất ngất giấy tờ vàng mã. Chắc là của bà con tiểu thương trong chợ mang đến. Tôi chưa kịp đáp lời ông chủ hàng cho phải phép thì anh đã kéo tay tôi:
- Đi. Đi. Về thôi!
Anh kéo tôi gần như xềnh xệch ra khỏi chợ, rồi lầm lì lấy xe, không nói một lời. Tôi vừa ghé mông ngồi lên, anh đã rú ga vù đi, khiến tôi không kịp bám lấy áo anh thì đã té ngửa. Về đến nhà, anh vẫn chẳng nói chẳng rằng, mang bia ướp lạnh ra uống. Tôi cũng cặm cụi xuống bếp làm cơm.
Biết tính anh đi về là thích uống bia lạnh, nên tôi không có gì làm lạ. Nhưng thái độ lầm lì của anh vẫn làm tôi không vui. Một cây si thì có gì khiến anh phải mất hứng cơ chứ?
Bữa trưa của hai chúng tôi trôi qua trong im lặng. Tôi lấy làm phiền muộn vì sự im lặng đó. Ban đầu là mất ngủ. Sau đó lại mất hứng. Nếu không có con chó nhỏ cứ ăng ẳng nhấm nhẳng với cái vỏ laptop cũ mà tôi vứt cho, thì có khi, cái nhà tôi đang ở trở thành một nấm mồ cũng nên.
°  °  °
Tôi luẩn quẩn nghĩ dại như vậy, nhưng sau giấc ngủ trưa thì dường như quên bẵng. Tôi thức trước anh, chỉnh lại máy điều hòa cho bớt lạnh. Nhà có hai người mà mọi thứ không sao gắn được với nhau. Hình như anh thực sự không muốn gắn bó với tôi, hay do tôi đã làm điều gì đó khiến anh không vui, nên mới không muốn gắn bó?
Ngắm anh ngủ, gương mặt như trẻ thơ, cái miệng hé thở khò khò trên gối, tôi lại thấy thương, hẳn là công việc khiến anh vất vả quá nhiều. Anh đang phải trang trải nợ nần sau đám cưới và tiền ngôi nhà hai đứa vừa mua.
Tôi rón rén trườn khỏi giường, khua chân tìm dép. Vừa nhón gót thì đã thấy tay anh túm lấy váy tôi:
- Đừng! Đừng đi!
Tôi quay lại. Mắt anh vẫn nhắm. Nhưng rõ ràng là anh vừa bảo tôi đừng đi. Anh bảo tôi hay bảo ai? Tôi lại nhón gót, dợm bước. Lần này thì rõ ràng tiếng anh:
- Đừng! Đừng! Đừng đi mà... Đừng!
Nghe như van xin. Mồ hôi đang túa ra trên trán anh, từng giọt, từng giọt lấm tấm rồi lăn xuống mặt gối. Anh ngồi bật dậy, mắt mở trừng trừng, lắp bắp:
- Anh... anh... v-ư-ư-à... mơ - ơ...
Anh vừa mơ? Rõ là anh đã trải qua giấc mơ nào đó. Giấc mơ không tốt. Tôi vội vã ôm chặt anh, vuốt tóc anh. Y như một bà mẹ dỗ con. Nhưng anh vẫn ngồi yên để mặc tôi muốn làm gì thì làm. Tôi biết, lúc đó, anh không còn sĩ diện đàn ông nữa, mà cần được như thế, chăm sóc vuốt ve giúp anh trấn tĩnh.
Mãi lâu sau, hình như đã định thần trở lại, anh mới đẩy tôi ra, bước vào nhà tắm. Tôi ra phòng khách lấy bia ướp lạnh đặt sẵn lên bàn. Anh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với món giải khát quen thuộc này.
Chẳng đợi tôi mở nút, anh tự mở chai bia bằng răng. Rồi đưa cả chai lên tu ừng ực, không cần rót ra cốc. Tôi biết anh chưa hoàn toàn trấn tĩnh, nên kiên nhẫn im lặng. Cả ngôi nhà tràn ngập sự im lặng. Không có tiếng gió bên ngoài. Chắc hẳn là nắng đang chói chang sau những tấm rèm xanh - màu ưa thích của anh. Con chó nhỏ hẳn chơi chán cũng đã đi ngủ, không còn tiếng ăng ẳng lách nhách dưới góc bếp.
Uống gần hết chai bia, anh đặt xuống, đưa tay quệt mồm, bảo tôi:
- Anh vừa mơ một giấc mơ rất lạ...
- Anh mơ thấy gì thế?
- May mà còn gọi được em...
- Nhưng anh thấy cái gì?
- Anh mơ thấy... cái cây...! Đúng, cái cây ban sáng, chỗ hàng da ấy. Anh mơ thấy cái cây như thế, mọc ngay trong nhà mình... chỗ chân giường, chỗ em để tủ phấn ấy...
- Một cái cây mọc ngay trong nhà mình?! Chắc là do anh nhìn thấy cái cây ban sáng, rồi về mơ thế thôi...
- Không phải - Gương mặt anh đột ngột già đi mấy chục tuổi - Không phải bây giờ anh mới mơ thấy nó. Suốt mấy tuần nay, anh đã thấy rồi. Nó làm anh mất ngủ. Cứ nhắm mắt là thấy nó mọc dưới chân giường, sừng sững dưới chân giường...
Anh bảo, cái cây to gần chạm mái nhà. Cứ hễ anh nhắm mắt, thì lá của nó bắt đầu rụng. Rụng tới tấp xuống giường, phủ đầy mặt anh, làm anh ngạt thở. Mỗi cái lá là một con mắt. Hàng trăm cặp mắt. Hàng nghìn cặp mắt. Ngày cũng như đêm, hễ anh nhắm mắt là những con mắt ấy lại soi vào giường ngủ chúng tôi.
Ban đầu, anh làm tôi bật cười vì những tưởng tượng xuất sắc của anh. Nhưng rồi, nhìn gương mặt không đùa chút nào của anh, thì tôi bắt đầu hoảng. Anh nói thật. Cái cây đó là có thật. Và tại sao nó cứ mọc trong giấc mơ của anh thì có trời mới biết.
Đêm ấy, tôi và anh ôm gối ra phòng khách, theo đề nghị của tôi. Anh, bình thường trở lại, lại tiếp tục ra vẻ ta đây, giữ nguyên sĩ diện đàn ông, cái khí phách vô nghĩa đối với tôi. Không có nó thì tôi vẫn yêu anh, nhưng anh không hiểu. Chỉ khi tôi đề nghị ra ngủ phòng khách, anh đồng ý ngay, thì tôi biết cái cây dưới chân giường không còn là chuyện đùa.
Nhưng sáng kiến của tôi không đem lại kết quả. Nửa đêm, anh và con chó nhỏ cùng lúc lôi tôi dậy. Con chó thì sủa nhặng lên không rõ nguyên do. Còn anh thì đứng bật dậy, mắt mở trừng trừng, mồ hôi túa ra đầm đìa, lắp bắp:
- Cái cây... Cái cây... Nó-ó vẫn mọc... m-ọ-c-c trong phòng... Nó r...ụng lá từ trong phòng ra r-a-a ngoài này..., phủ-ủ-ủ đầy mặt anh...
Đến lượt tôi toát mồ hôi. Tôi không nói gì, lại lẳng lặng đi lấy khăn mặt cho anh và mang vào một chai bia lạnh. Sau đó, đi xuống bếp, trong một nỗi sợ sệt mơ hồ nào đó, tôi đá thật lực vào con chó nhỏ.
Chúng tôi ngồi với nhau trong phòng khách. Anh lặng lẽ uống bia. Con chó nhỏ dưới bếp thỉnh thoảng lại rên ư ử. Tôi ngồi ôm gối, mắt đỏ ngầu. Cả hai không nói gì nhưng đều nghĩ đến cái cây mọc dưới chân giường. Cái cây đang rụng lá...
Ngày hôm sau, trong giờ làm việc, tôi chuồn về nhà mẹ đẻ, kể cho mẹ nghe giấc mơ của chồng tôi. Mẹ tôi trầm ngâm hồi lâu rồi bảo:
- Đi!
Bà đưa tôi đi đến nhà thầy bói Thạnh. Nhà thầy cũng không cách nhà tôi bao xa. Bấm tay tính toán một hồi, sau khi tôi đặt con gà luộc, đùm xôi to mua vội ở chợ cùng hai trăm nghìn tiền, thầy Thạnh phán:
- Nhà cô đúng là có ma. Chỗ dưới chân giường cô có hai cái cốt. Một trai và một gái. Hai người này khi xưa yêu nhau nhưng không lấy được nhau nên đã cùng tự tử, người ta chôn hai người cùng một chỗ. Do cô không biết, đã xây nhà lên trên nhà người ta, nên người ta mới về quấy phá. Nếu hai vợ chồng cô không cất cốt mà đưa lên chùa siêu độ, thì sẽ còn mơ thấy ác mộng, thậm chí, sau này vợ chồng còn ly tán, khuynh gia bại sản, suốt đời không có con nữa kia.
Tôi nghe xong, choáng váng, phải ngồi lại một lúc rất lâu mới có thể bình tĩnh chào thầy ra về. Hẹn thầy đúng ngày chủ nhật tuần sau mời thầy về nhà cất cốt và siêu độ cho các vong không còn vất vưởng ở dương gian. Tôi về nhà mẹ, chân vẫn run, người vẫn dựng tóc gáy. Nói như thế nào với chồng tôi bây giờ đây? Anh ấy xưa nay rất kỵ những khoản bói toán mê tín. Cả khi hai đứa cưới nhau, anh vẫn nhất định không xem ngày tháng, thuyết phục anh thế nào cũng không được. Bây giờ, nghe nhà có cốt, có vong, thế nào anh chẳng bò ra mà cười hay mắng tôi một trận. Rồi mẹ tôi thế nào cũng bị vạ lây, thế nào cũng bị anh cho chung vào cái "rọ" mê tín. Nhưng không nói với anh thì còn rùng rợn hơn...
Sau một tuần ngủ trên ghế sô-pha nhưng hầu như đêm nào cũng mất ngủ, tôi nát óc tìm ra một kế... Chủ nhật, tôi bảo mẹ tôi đang sửa nhà, nhờ anh qua tư vấn cho bà. Mẹ ở cùng chị gái trong một căn hộ chung cư tầng bốn tận Thanh Xuân, bà đang muốn sửa lại nền nhà, lát gạch hoa, mùa hè cháu chắt ngủ nền cho mát.
Làu bàu cạu cọ, một hồi, anh lấy xe đi. Thế là tôi gọi điện cho thầy Thạnh, và mời thợ về. Sau khi thầy Thạnh thắp hương khấn lia khấn lịa và nhảy choi choi mấy vòng, hai người thợ, chính xác là hai anh giúp việc ở chợ người mà tôi thuê với giá cao, cuốc xẻng trong tay, mím môi mím lợi phá cái nền gạch hoa hai đứa đã kỳ công chọn từ màu gạch đến từng viên gạch một. Chẳng mấy chốc, họ đã đào được một cái hố sâu hoắm dễ đến hai thước. Hai thước mà vẫn chẳng thấy cốt kiếc đâu. Thầy Thạnh lại thắp hương, quay vù vù. Lại khấn. Lại đào. Cái hố đã rộng toang hoác đến nửa căn phòng. Vẫn không có gì. Ông thầy toát mồ hôi hột lại thắp hương khấn vái rồi chẳng nói chẳng rằng, chuồn thẳng. Khi về, ông để lại trong phòng tất cả số tiền lễ tôi đã đặt hôm trước.
Tôi vội gọi điện cho mẹ tôi, thông báo tình hình. Bà bảo: chắc thầy hành nghề lâu năm quá nên hết "điện", hết thiêng rồi. Tôi dặn bà giữ chồng tôi lại ăn cơm trưa, và ba chân bốn cẳng hô hào đám thợ lấp lại, lắp gạch hoa mà tôi đã đặt sẵn vào như cũ. Ba giờ chiều chồng tôi về đến nhà thì mọi việc đã đâu vào đấy. Tôi lấy tấm ni lông, phủ lên chỗ gạch hoa mới gắn rồi dặn anh:
- Anh đừng đi vào chỗ em đã khoanh vùng. Có khi em mời bên địa chất đến xem, biết đâu ở dưới lại có kho báu vàng bạc gì đó...
Tôi đùa như vậy để anh đừng giẫm lên những xi măng vừa trát vội. Ai ngờ, hôm sau, thấy anh nghỉ việc dẫn một đám thợ với máy móc rất ầm ĩ về. Đó là hai ông bạn chuyên gia bên ngành địa chất của anh. Sau một hồi rà soát, đo đạc, họ tuyên bố chẳng có vàng bạc hay mẩu kim loại nào, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Còn chồng tôi thì băn khoăn ra mặt.
Tối đó, tôi đánh bạo bảo anh vào trong phòng ngủ, chấm dứt một tuần ngủ sô-pha. Chồng tôi, vẫn với tính sĩ diện, vừa ôm gối lếch thếch ra phòng khách đã lại ôm vào, vẻ mặt không vui. Tôi làm như không biết, bật ti vi từ kênh này đến kênh khác, mỏi mắt, đã muốn thiu thiu ngủ. Nhìn qua chồng thì thấy anh đã lăn kềnh từ lúc nào. Cũng phải hết bốn chai bia anh mới ngủ được như thế. Tôi vừa buồn cười vừa thương anh. Vẩn vơ với những ý nghĩ như thế, tôi cũng nhắm mắt lúc nào không hay.
Khoảng một giờ sáng, tôi tỉnh dậy. Chuông đồng hồ treo tường vừa gõ bính boong. Con chó nhỏ nhặng lên sủa. Và tôi mở mắt trong tiếng ti vi vẫn truyền hình trực tiếp trận bóng giữa Liverpool gặp Manchester United.
Tôi mở mắt. Mọi thứ quanh tôi vẫn nguyên vẹn. Đồng hồ vừa gõ. Con chó vừa sủa. Ti vi vẫn mở. Chồng tôi đang say ngủ bên tôi. Chỉ có tôi là bồng bềnh như đang trong cõi khác. Bồng bềnh và u u mê mê. Tôi vừa trải qua một giấc mơ. Cái cây. Lại vẫn cái cây dưới chân giường. Lần này thì nó mọc, không phải trong giấc ngủ của chồng tôi, mà trong giấc ngủ của tôi. Nó cũng không mọc dưới chân giường và rụng lá như chồng tôi kể. Nó mọc lên ngay dưới giường hai chúng tôi. Rùng rùng mọc lên. Tán cây nhọn hoắt tách đôi cái giường, tách tôi ra khỏi chồng tôi. Rồi cái cây cứ thế nâng nửa phần giường có tôi trên đó lên cao, lên cao mãi. Tôi chóng mặt, nhắm tịt mắt và không thấy gì cả, cũng không thể nào kêu cứu. Bên tai tôi, chỉ tiếng gió thổi vù vù. Tiếng chim kêu. Và tiếng khóc. Tiếng khóc nỉ non của một ai đó. Tiếng khóc y như tiếng khóc của tôi...
Tán cây xanh vừa nâng tôi lên vừa ù ù bảo: Cô đã nhìn thấy gì chưa? Đã - nhìn - thấy - gì - chưa?
Tôi cố mở mắt, dáo dác nhìn khắp chốn. Không có gì ngoài màu xanh. Xanh của lá và của mây. Không có gì ngoài gió. Tôi nhắm mắt lại. Lại vẫn tiếng khóc nỉ non. Tiếng khóc y như tiếng khóc của tôi không ngừng vang. Tại sao lại là tiếng khóc của tôi? Tại sao lại là tôi, ở trên tán cây này? Mi là con ma. Là con thú. Ta sẽ nung vôi bột đổ xuống, sẽ đốt mi thành tro... Đáp lại lời tôi, tán cây vẫn kêu lên ù ù, tiếng kêu trầm vang và bình tĩnh như một người đàn ông thực thụ: Cô đã nhìn thấy tận cõi lòng mình chưa? Đã - nhìn - thấy - chưa? Ta - muốn - chỉ - cho - cô - thấy! Là chính cô. Là - chính - cô - đang - khóc - đấy - thôi!... Rồi tán cây tiếp tục đưa tôi lên cao, tiếng khóc mỗi lúc nhọn hơn, sắc hơn, xoáy vào lòng tôi nức nở.
Thốt nhiên, nước mắt tôi cũng rơi xuống, như mưa. Và tán cây vừa ngậm nước mắt của tôi, vừa vẫy những con mắt xanh mướt, từ từ hạ xuống, thấp dần cho đến khi chiếc giường liền lại thành một mảnh.
Tán cây biến mất. Tôi mở mắt, thấy vẫn đang ở cạnh chồng mình. Dưới chân giường, cái tủ phấn vẫn tỏa ánh đèn ngủ hồng nhạt ấm áp và bình thản. Trên mi mắt tôi, hình như một vài giọt sương vừa đọng. Và chú chó con lại nhặng lên sủa một hồi ai oán. Trận bóng giữa hai đội bóng lừng danh xứ sở sương mù đang bước vào hiệp hai. Loang loáng bóng người chạy trên sân cỏ xanh mướt...
Nhiều đêm sau đó, tôi vẫn mơ, vẫn nhìn thấy cái cây, khi thì ở chân giường, trút lá làm tôi nghẹt thở. Lại có lúc, cái cây phình ra như cái bọng, khói hương nghi ngút, bóng những người đàn ông nhảy choi choi... Tôi lại nghe giọng nói kiên định như một người đàn ông nhắc nhở: Cô - hãy - nghe - tiếng - khóc - của - chính - mình!
Kỳ lạ là từ dạo tôi bắt đầu mơ thấy cái cây, thì chồng tôi lại ngủ ngon. Tôi không nói cho anh biết là tôi bắt đầu, và đã cảm thấy tôi trong những giấc mơ với cái cây mọc giữa căn phòng ấy. Chẳng ích gì. Điều đó chỉ khiến anh lo lắng. Và biết đâu, anh sẽ lại mơ thấy cái cây thì càng tai hại.
Tôi chịu đựng những giấc mơ cây. Có lẽ sẽ chịu đựng như thế mãi nếu không có một hôm, trong một giấc ngủ trưa trên ghế sô-pha, khi chồng tôi đi vắng, tôi mơ thấy cái cây biến thành một người đàn ông. Một người đàn ông xanh từ đầu đến chân và không thể nhìn rõ mặt. Anh ta quỳ xuống dưới chân tôi, trăm nghìn con mắt xung quanh anh đang nhắm chặt. Có một con mắt mọc trên cánh tay. Cứ thế, cứ thế, cứ thế, cánh tay xanh có trăm nghìn cặp mắt mơn trớn từ gót chân tôi, từ những ngón chân nho nhỏ xinh xinh làm tôi nhột nhạt... Nhưng rồi, tôi quên mất nỗi e sợ ấy. Tôi trôi trong cảm giác mơn man của yêu thương, từ đầu những ngón chân nho nhỏ, dần lên phía trên, trên tấm váy ngủ màu hồng hững hờ và nhẹ tênh...
Tôi tỉnh lại vì tiếng con Tô ăng ẳng. Chuông cửa réo vang. Chồng tôi về nhưng phải bấm chuông vì không mang chìa khóa.
Tối ấy, trong bữa cơm muộn, tôi bàn với anh nên bán căn nhà này, tìm một nơi khác yên tĩnh hơn. Tôi nhấn mạnh hai từ yên tĩnh, khiến anh chống tay lên bàn và nghiêm túc nghĩ ngợi.
Sau khi nốc hết mấy chai bia lạnh, anh đồng ý.
Thế là chúng tôi rao bán nhà.
Trong vòng một tuần, ngôi nhà của tôi đã có người đặt cọc. Hai vợ chồng, theo sự dẫn dắt của chị gái, cũng tìm được một ngôi nhà cũ phía Hồ Tây. Hơi nhiều tiền so với chúng tôi dự tính nhưng chồng tôi vẫn vui vẻ đặt cọc, chấp nhận lại con đường trả nợ dài dằng dặc không bao giờ dứt.
Người mua ngôi nhà cũ của chúng tôi là một đôi vợ chồng trẻ. Hai người ở quê lên, vừa được bố mẹ cho mấy mẫu ruộng và một đàn trâu, bán tống bán tháo lên thành phố, chồng đi xe ôm và vợ gánh hàng đồng nát kiêm giữ trẻ thuê.
Thỉnh thoảng, đi ngang qua ngôi nhà cũ, tôi tiện chân ghé vào thăm họ. Đối với họ, tôi như một ân nhân, vì đã bán ngôi nhà quá rẻ, với tất cả đồ nội thất, những thứ mà sau khi cưới, chúng tôi đã mất cả tháng trời chọn lựa. "Ngôi nhà yên ấm quá, mọi thứ quá tiện nghi so với yêu cầu của chúng em" - Bao giờ gặp tôi, cô vợ trẻ chân chất cũng nói thế, và khuôn mặt cô ngời lên hạnh phúc.
Nhưng không hiểu sao, ngồi trong phòng khách cũ của mình, trên ghế sô-pha hồng phấn và tất tật những đồ đạc xung quanh hầu như còn giữ nguyên, nhấm nháp chén chè xanh ủ khéo, lúc nghe cô vợ trẻ huyên thuyên từ chuyện này sang chuyện khác, trong đầu tôi vẫn hiện lên hình ảnh cái cây to gần chạm trần nhà...
Tôi đã lại nhìn thấy cái cây ấy. Vâng, đúng là cái cây ấy. Nó lại bắt đầu trỗi lên từ dưới đất, xanh dần, phình ra mãi... Và cùng với sự lớn lên của cái cây, văng vẳng những tiếng khóc.
Tiếng khóc quen thuộc, màu cây xanh quen thuộc như chưa bao giờ rời xa tôi...
Truyện ngắn của Lê Mỹ Ý
Nguồn Thanhnien Online
 

Xem Tiếp: ----