Vẫn cái dáng đi còm cõi, cúi gằm mặt xuống đường, nặng nề như đang gánh cả nỗi buồn nhân thế, lão bước đi liêu xiêu giữa ánh chiều gần tắt. Bộ quần áo ca tê màu đà cũ kĩ, nhàu nát, bẩn cáu như một con đường đất đỏ đầy bụi, bị cơn mưa rào, làm cho lỗ chỗ, hằn lên chỗ bẩn rõ rệt. Ở chổ hai tà áo, từng đường vân bẩn, như trảng cát gặp mưa. Tất cả hiện lên rõ rệt. Bộ dạng của một lão ăn mày.
Lão lê bước chân khó nhọc, mặt rịn mồ hôi. Người lão bốc lên một mùi hôi thối. Vẻ mặt già nua, hốc hác, đầy những vết rỗ, hằn lên cả nỗi khổ cực của đời người càng làm lão trông gớm ghiếc và bẩn thỉu hơn. Lão đi về phía công viên. Ngôi nhà của lão. Buổi tối, đó là “đại bản doanh” của lão. Lão kiếm được chút ít. Những thằng thanh niên, những con thiếu nữ ở đấy sẽ vứt cho lão vài đồng. Chúng đi với người yêu, chúng làm tình, hôn hít công khai. Chúng không muốn ai làm phiền phút giây sung sướng của chúng. Thế là, trong khi ôm nhau, chúng thò túi, móc ra vài đồng lẻ, vứt vào cái nón rách của lão, không quên kèm theo câu chửi vì cái tội phá phút giây sung sướng của chúng. Biến đi ông già. Và cả những thằng thanh niên, những con thiếu nữ tri thức, đi dạo trong công viên. Khi đi ngang lão, đứa con gái sẽ dừng lại, bộc lộ chút thương cảm mà mở ví, vứt vào cái nón rách của lão. Đều là bố thí cả. Lão vui. Cái nghề ăn mày, còn gì vui hơn là khi người ta cho mình tiền. Dù chỉ với năm trăm bạc rách, chúng nó cũng có thể chửi mình, xỉ nhục mình.(Hình như đó là cách làm chúng bớt tiếc đồng tiền mình đã bỏ ra) Dù với hai trăm, một thằng nhóc cũng có thể tự hào là mình vừa làm một việc tốt. Bố thí, cứu rỗI một ông ăn mày.
° ° °
Công viên, tối thứ bảy.
Tụi thanh niên, nam nữ, ngồi trên băng ghế đá, nằm dài trên thảm cỏ như những kẻ không nhà. Chúng ưỡn ẹo, chúng hôn hít, làm đủ trò dơ dáy. Thiên hạ này là của chúng. Công viên này là của chúng. Thằng nào, con nào nhìn việc chúng làm, dơ mắt thì ráng chịu. Mà, có ai hơi đâu nhìn cái lũ nhố nhăng ấy. Thành ra, công viên này là của riêng chúng. Chúng khoe với nhau những nụ hôn, những động tác khiêu dâm điêu luyện nhất. Lão là người bận tâm nhất. Lão ghét những đôi choai choai kia. Nhà cửa đâu mà không ở, ra giữa công viên, làm cái trò như thú vật. Rồi, sẽ chẳng còn nơi nào dành riêng cho lão nữa. Lão nhắm nghiền mắt, mệt mỏi sau chuyến di chuyển từ bên quán ăn đến công viên. Lão già mất rồi.
_Không làm ăn gì mà ngủ hả ông già?
Lão giật mình. Trước mặt lão, ả đang phì phèo điếu thuốc lá. Cái áo hai dây mỏng tang, khoe cả cái áo ngực màu đen ra ngoài. Cái váy ngắn củn, không hơn một chiếc quần lót là mấy. Chẳng ai ngoài ả. Nghề bán trôn nuôi miệng, bắt buộc ả phải hấp dẫn ngay từ hình thức bên ngoài. Đó là một cách “giới thiệu sản phẩm” của ả. Ả thả vòng khói thuốc lên trời rồi ngồi phịch xuống chỗ lão.
_Đã ăn chưa?
Ả hỏi.
_Tao ăn bánh mì rồi. Còn mày?
_Ăn rồi, phải ăn mới có sức, tối làm việc chứ ông già?
Lão quay sang nhìn ả. Một con đàn bà đáng sợ. Cái lũ bán trôn nuôi miệng thì đều đáng sợ cả. Đáng sợ cho những thằng đàn ông, cho tất cả những con vợ của những thằng đàn ông. Ả đã chọn cái nghề đáng ghê tởm, đáng phỉ nhổ. Ai cũng có quyền khinh ả. Đàn bà đi qua, lườm nguýt ả, nhổ toẹt vào ả. Đàn ông thấy ả, đưa cặp mắt dâm dục ra nhìn. Cái nhìn như muốn xuyên thủng tất cả, rồi chúng cười lên hô hố.
Ả đẹp. Đẹp nhưng nhão mất rồi. Qua tay bao nhiêu thằng đàn ông, không nhão mới là lạ. Ả năm nay đã ngoài ba mươi. Lão giật mình. Ba mươi năm đã là nửa đời người. Ả đã đi được nửa đời người. Ba mươi năm đã trôi qua rồi đấy. Con gái lão, chắc cũng bằng tuổi ả. Nó ngoài ba mươi. Nó đang làm gì? Đê người ta khinh bỉ, như ả mà không buồn nói lại? Hay nó đang sống trong một gia đình hạnh phúc, đang bận lo trăm công nghìn việc khác.
Ba mươi năm rồi con ơi.
° ° °
Anh trở về nhà bất ngờ. Túi xách nặng trĩu trên vai. Lần này về, quà nhiều lắm. Bánh kẹo, đồ chơi, cho con đầy nhóc cả chiếc túi xách. Chắc con bé sẽ mừng lắm. Lần nào viết thư cho bố, nó cũng nhắc khi nào bố về, bố nhớ mua thật nhiều quà cho con. Mua bánh, mua kẹo xanh đỏ bố nhá. Cả mua cho con em búp bê, để con cho em ăn. Mỗi lần đọc nét chữ to tròn của con là anh rưng rưng nước mắt, khoe ầm lên với các anh em. Ở chốn rừng thiêng nước độc, anh thèm nghe tiếng con trẻ biết mấy. Anh đã xin về sớm, dành bất ngờ cho con bé, cho vợ anh. Anh còn mua cả một xấp vải áo dài màu tím, tặng vợ. Năm ngoái, đi chợ Tết, vợ anh đã đứng tần ngần mãi ở sạp vải. Anh biết, vợ anh luôn ao ước có một chiếc áo dài màu tím, được mặc chiếc áo dài màu tím, đi chúc Tết, đi lên huyện với anh, họp bạn bè với anh. Thấy anh về như thế này, chắc cô mừng lắm. Nhìn xấp vải anh mang về, không khéo cô khóc vì bất ngờ. Nghĩ vậy, anh đi rón rén ra sau nhà.
Sau này, anh mới biết, việc anh về bất ngờ, anh đi ngõ sau là một sai lầm của cuộc đời mình. Giá mà anh không về bất ngờ, giá mà lúc ấy anh là thằng câm, thằng mù thì hay biết mấy. Song, anh không mù, cũng không câm. Mắt anh thấy rõ lắm. Trên chiếc giường tân hôn của hai vợ chồng, trên cặp gối đôi có hai chữ “tân hôn hạnh phúc”, vợ anh đang trần truồng, uỡn ẹo với một gã đàn ông khác. Tai anh nghe rõ lắm, anh nghe tiếng thở dồn dập, tiếng rên rỉ, tiếng tỉ tê của cô. Chiếc túi xách trên tay anh rơi xuống đất. Đôi gian phu dâm phụ nghe tiếng động, giật mình, thả nhau ra. Trông gớm ghiếc như những con vật. Anh đi ra khỏi nhà. Không đánh, không mắng, không gì cả. Nhu nhược ư?
Anh đi đã ba mươi năm. Anh đi nhiều nơi lắm. Ra Hà Nội, đứng chờ người ta thuê làm việc. Đi theo mấy tay đào vàng, lên tận vùng biên. Chịu không nổi, bị truy bắt ráo riết, anh về miền xuôi. Đã có lúc, anh làm tay lái đò trên một con sông lạ hoắc.Có lúc, anh xuôi lên Gia Lai, làm thuê ở đồn cà phê. Lúc khác, lại xuống mạn biển đi theo chủ thuyền. Đắng cay, anh chịu đủ. Và anh không nghĩ về phụ nữ nữa. Họ là những sinh vật đáng sợ nhất trên thế gian này. Anh đi qua nhiều nơi,chứng kiến đủ cảnh, đủ nhuốc nhơ của cuộc đời. Cuối đời, khi đã trở thành ông lão, không có một mái nhà, một người thân, lão lang bạt trở về thành phố này. Thành phố này, nó dễ sống, dễ chứa những con người như lão. Đi gần hết cả nửa đời người, cuối cùng lại về vạch xuất phát. Chẳng có gì, sống vào bố thí của thiên hạ. Có đáng nhục không?
Nhiều buổi chiều, trời mưa, lão ngồi trước hiên nhà người ta, lắng nghe mùi thức ăn thơm phức, lão chạnh lòng, nhớ quay quắt về một gia đình. Gia đình? Gia đình của lão, giờ đã ra sao? Lão thấy nhớ lắm, nhớ mâm cơm dưa cà, mắm muối mà tràn ngập tiếng cười. Lão nhớ quay quắt cái tiếng cười non nớt, ngây thơ của con gái lão. Nếu lão có gia đình, lão đã trở thành ông. Ba mươi năm rồi con ơi. Ba mươi năm rồi, cháu của ông ơi. Phải chi ngày đó, lão cứ tảng lờ đi như không biết gì. Lão đừng lên tiếng, lão bỏ đi đâu đó. Đi ra quán, uống thật say. Uống say rồi sẽ quên hết. Lão sẽ trở về vào sáng hôm sau. Vợ lão sẽ đón lão, con lão ùa vào lòng lão, ríu rít gọi bố. Tất cả sẽ ổn. Lão cứ tảng lờ như không có gì cả. Lão cũng có tất cả. Vợ là của lão, con của lão, mái nhà của lão. Lão có tất cả. Nhưng liệu có được như vậy không? Hay trong một phút giận dữ nào đó lão sẽ nói hết ra. Lão sẽ hành hạ vợ lão, làm vợ lão chết dần trong bất hạnh, trong dày vò, trong ghen tuông của thằng đàn ông. Ghen tuông của một thằng đàn ông thì đáng sợ không gì bằng.
Làm một thằng đàn ông, nhục nhất là bị vợ cắm sừng.
Không biết vợ lão sẽ nói gì với con gái lão về sự ra đi của lão. Bố đã bỏ mẹ con mình theo người đàn bà khác. Bố không yêu con, không yêu mẹ nữa. Con không được nghĩ về bố nữa, nghe không. Vợ lão sẽ gieo vào đầu con lão, lòng căm thù, căm thù bố nó. Nó sẽ lớn lên với nỗi oán hận về một người cha đầy tội lỗi, đã bỏ rơi nó. Hoặc, nhân đạo hơn, vợ lão cứ nói là lão đã chết rồi. Bị sốt rét mà chết, hay là bị hổ vồ. Vân vân và vân vân lý do đưa ra để giải thích cho sự biến mất của lão. Miễn là, đừng cho nó biết, bố nó bỏ đi vì bố nó đã thấy một điều bố nó không muốn thấy và bất kì thằng đàn ông nào cũng không muốn thấy.
Rồi sau đó, nó sẽ có một người bố mới. Sẽ tốt hơn bố của nó hay là lũ lang sói như những ông bố dượng, người ta đăng trên báo?
° ° °
Như mọi lần, ả thò tay qua làn áo mỏng tang, đưa tay vào chiếc áo ngực màu đen, móc ra xấp tiền. Ả lựa ra tờ mười nghìn, vuốt thẳng tắp, rồi đặt vào tay lão. Ngày nào cũng vậy, từ khi ả gặp lão. Ả luôn lấy từ trong áo lót của mình ra đồng mười nghìn và dúi vào tay lão. Những đồng tiền nhơ nhớp. Đồng tiền nào không nhơ nhớp. Người ta cứ mạnh mồm mà tuyên bố, tiền không là cái gì, không có nghĩa lý gì. Thế mà, con giết bố vì tiền. Đâm chém nhau vì tiền. Tiền là tất cả. Ai không cần tiền? Đồng tiền đáng nhơ nhớp, đáng nguyền rủa. Ả nguyền rủa nó. Lần nào cho lão tiền, ả cũng nói những câu đại loại như
_Đồng tiền ghê tởm của thiên hạ, trả lại cho những người cần hơn.
Thi thoảng, ả hỏi trống, ông có chê tiền của tôi không? Đồng tiền bẩn thỉu của con đĩ bán thân nuôi miệng. Ông có khinh tôi không? Ông cũng có hơn tôi đâu. Ông ăn bám vào thiên hạ. Còn tôi, tôi có lao động, tôi đem thể xác ra kiếm tiền. Tôi làm thỏa mãn những thằng đàn ông. Tôi đã lao động đấy thôi. Lao động thì đáng quý. Đồng tiền của tôi, đáng quý lắm đấy chứ? Ả cười khẩy. Hơn hẳn ông. Ả làm ra vẻ bất cần đời, ả miệt thị, ả khinh lão. Ả nói vậy, nhưng nhìn cái cách ả vuốt thẳng tờ tiền, đặt vào tay lão thì lão biết ả quý đồng tiền lắm. Đồng tiền mà ả đã mang thân ra phục vụ thằng xe ôm, thằng cửu vạn hay một thằng đàn ông thèm của lạ nào đó. Ả đã bán thân xác, phẩm giá, linh hồn cho đồng tiền đó. Ả quý nó. Ả tiếc rẻ nó?
Ả đã ngoài ba mươi. Cái tuổi lẽ ra người ta đã có một gia đình, có chồng, có con. Cái tuổi lẽ ra, ả đang chăm sóc cho con, nấu cho chồng những bữa ăn ngon, giặt giũ. Lẽ ra ả đã có một mái nhà. Những buổi tối như thế này, lẽ ra ả đang dạy con học bài, để cửa chờ chồng. Đời ả, chỉ có một mơ ước duy nhất. Nhỏ nhoi lắm. Một mái nhà nhỏ, một gia đình yên bình yên lành để đi về, vun vén hạnh phúc. Ả cũng như bao nhiêu người phụ nữ trên thế gian này, chỉ mong muốn cái thiên chức làm mẹ, làm vợ. Ả nguyền rủa những người phụ nữ bỏ chồng, bỏ con đi ngoại tình. Ả phỉ nhổ vào họ. Nếu là ả, ả sẽ làm hết sức để giữ lấy hạnh phúc. Ả sẽ là người vợ ngoan hiền, chăm chồng, sẽ sống chết để bảo vệ cái gia đình của mình. Ả thèm lắm một lần được nghe tiếng gọi mẹ ơi. Ả mơ một ngày sẽ có một người đàn ông sẽ chấp nhận ả. Nhưng chúng chỉ đến với ả theo kiểu “ăn bánh trả tiền”. Chúng hứa hẹn khi đang ân ái, chúng muốn ả tin chúng mà phục vụ chúng tốt hơn. Chúng ra rả cái điệp khúc, “sẵn sàng lấy đỉ về làm vợ”. Sau đó, sau cái đêm ân ái, sau khi sung sướng rồi, chúng quên ngay. Chúng thảy vào ả núm tiền, chúng cười khẩy. Cũng có thằng hứa hẹn đủ điều, đặt cho ả cả núi hy vọng. Anh sẽ ly dị vợ để cưới em. Anh sẽ đến với em. Một năm, rồi hai năm, khi “của” đã hết lạ, chúng biến mất, để lại cho ả nỗi ê hề vì bị bỏ rơi. Hồi ả hai mươi lăm tuổi, ả đã ngây thơ tin vào miệng lưỡi của một thằng đàn ông, tin vào những lời thề hẹn của nó. Ả cật lực đi bán thân mình, ả đứng lại công viên thật khuya, có gắng chèo kéo khách “xộp” thật nhiều. Ả mong kiếm thật nhiều tiền. Rồi ả và hắn sẽ có tiền sinh sống. Cả hai sẽ kiếm việc làm, sẽ đi đến một nơi không ai biết về quá khứ của ả, làm lại từ đầu. Ả sẽ sinh những đứa con, sẽ dạy chúng điều hay lẽ phải. Ả ao ước lắm, ả xây đắp bằng tất cả sức lực, thể xác và cả sức lực của mình.Làm việc đến kiệt sức. Ả bệnh, bệnh nặng. Ả không đi làm được. Thằng chồng “hờ” bỏ ả đi, trước khi đã kịp cuỗm một số tiền của ả, và để lại cho ả căn bệnh HIV chết người. Thằng khốn nạn. Ả tưởng như mình sẽ gục ngã, sẽ chết. Nhưng, ông trời vẫn còn ngó ngàng đến ả. Trong số những thằng đàn ông mà gã từng bán thân cho, ghé lại thăm ả. Đúng hơn thì chúng đi thăm cái “của lạ”. Chúng chăm sóc cho ả vài ngày. Rồi ả cũng vượt lên. Ả phải sống, phải sống mà trả thù đời. Ả đâu thể chết dễ dàng như vậy được.Và ả sống. Sống bằng cái nghề của ả.
Giờ thì, ả không bao giờ tin vào những lời hứa hẹn nữa. Ả chỉ cốt làm sao moi được thật nhiều tiền từ túi những thằng đàn ông. Và, ác độc hơn, ả muốn gieo rắc cái chết đến với thật nhiều thằng đàn ông. Cứ làm cho chúng đê mê, chúng lên tiên, chúng khoái cảm, cho chúng hành hạ, cấu xé, dày vò thể xác ta rồi ta truyền cho chúng cái chết. Cuộc đời chúng nó rồi sẽ hết. Đó là sự trả thù. Ả đã trả thù, gieo rắc cái chết lên bao nhiêu thằng đàn ông. Năm, mười, hay nhiều hơn thế? Càng nhiều thì ả càng vui. Vui lắm.
Cuộc sống dạy cho ả ác độc, tàn nhẫn, lạnh lùng. Càng ngày, ả càng ác độc hơn, đáng sợ hơn.Phải! Một đứa trẻ được sinh ra với mầm mống quỷ dữ ở trong người thì sớm muộn gì nó cũng trở thành một con quỷ dữ, khát máu, sẵn sàng đi gieo tội ác ngay. Ả được sinh ra trong nỗi hận thù của mẹ ả. Mẹ ả đã gieo vào đầu ả những nghĩ, đừng tin vào bất cứ ai. Nhất là bọn đàn ông. Chúng là những con quỷ dữ. Có cơ hội, chúng sẽ ăn thịt con, biến con thành vật thế mạng. Con phải băm vằm chúng ra, giết chết chúng. Đứa trẻ non nớt đã lớn lên như vậy. Lớn lên với những suy nghĩ đáng ghê tởm ăn sâu vào trong tâm trí. Nó lớn lên với cái tên Thu Huyền, nghe rất hay và rất kêu. Có ai biết, Thu Huyền cộng lại, nghĩa là thù. Mẹ ả thù tất cả, thù đàn ông, thù đàn bà, thù cái làng đã xua đuổi mẹ con ả, đã khinh miệt mẹ con ả. Mẹ ả thù thằng đàn ông đã hứa hẹn, đã cướp lấy đời con gái của mụ rồi bỏ mụ. Mẹ ả dẫn ả đi khắp nơi. Ở nơi nào, mẹ ả cũng cố chui vào vài gia đình, phá hoại hạnh phúc. Mẹ ả khiến những thằng đàn ông phải bỏ bê vợ con, những con mụ đàn bà phải nhảy cẫng lên, lồng lộn lên vì ghen. Mẹ ả đã khiến bao nhiêu đứa trẻ như ả phải xa cha, xa mẹ. Mẹ ả trân tráo, độc ác một cách đáng sợ. Ả sợ cả mẹ mình. Không ăn được thì khuấy cho hôi. Cái nghề của ả, cũng là do mẹ ả “huấn luyện”. Mụ đã nói, nghề này là sướng. Con có thể hành hạ những thằng đàn ông. Biết đâu, trong khi “hành nghề” con còn gặp cả bố con. Ha! Ha! sự đời, thế mới vui.
Mẹ ả chết. Gieo quá nhiều tội ác, không thể tránh khỏi cái lưỡi hái của thần chết. Ả lớn lên, ả đi phiêu bạt và trở thành phiên bản của mẹ ả ngày xưa. Ác độc, tàn nhẫn. Như vậy, ả sẽ chết như mẹ ả thôi. Ả bật cười thật to.Cười rồi lại ngẫm lại, cuộc đời mình có gì mà đáng cười. Vậy mà, ả cứ cười mãi đấy thôi. Cười đứt quãng, chen vào tiếng thở dài, tiếng nấc.
Ả thương cảm cho lão. Một chút gì đó nhói lên trong lòng ả. Không biết, cha ả, người cha ả chưa từng biết mặt, có giống ông lão này không? Cha ả đang hạnh phúc, chức cao vọng trọng, xe đưa xe đón hay là vật vưởng như lão này? Ông có nhớ mình đã có một đứa con không? Ông ta sống hạnh phúc hay đang bị tội lỗi dày vò. Biết đâu, lão là cha của ả. Vậy thì ả sẽ nhón tay, sẽ làm phúc. Sẽ chuộc lại một tội ác nào đó của ả.
° ° °
_Có khách!
Ả reo lên, âm vực hệt như một con chim khách nuôi cảnh. Suốt ngày chỉ chờ được nói câu đó.Vui nhất vớI câu nói đó. Ả vụt chạy đi, uốn éo, cố gắng khiêu gợi hết mức. “Con mồi” tiếp theo của ả. Thằng đàn ông thứ bao nhiêu đây? Liệu, ả có gieo lên mình nó cái chết ả đang mang? Cái đó thì chưa biết được. Còn tùy thuộc vào thái độ của nó, nó có làm ả đau hay không? Ả có căm ghét nó hay không?
Đáng tội nghiệp thay cho những thằng đàn ông. Nhục dục sẽ làm chúng chết, bản năng sẽ khiến chúng trở thành con vật đáng thương.
° ° °
Một đêm mùa đông.
Thành phố chưa bao giờ lạnh như mùa đông năm nay.Công viên thưa thớt hẳn. Chỉ còn lại những kẻ không nhà như lão. Những đôi, những cặp đã chui đến một quán cà phê nào đó. Giữa trời này mà hôn nhau thì không khéo run cầm cập, cắn lưỡi nhau mất. Chúng bỏ đi, nhường lại cho lão những chiếc ghế đá. Lão đặt mình xuống chết ghế đá. Xương cốt kêu lên răng rắc. Ghế đá lạnh ngắt. Lão co ro trong chiếc chăn vá đủ chỗ. Lão nhìn lên bầu trời. Bầu trời mùa đông tối om, nặng nề, chẳng nhìn thấy ngôi sao nào. Không biết, cuộc đời của một người khốn nạn như lão có được một ngôi sao chiếu mệnh nào không? Mà nếu có, chắc nó cũng mờ nhạt lắm. Làm sao mà lão thấy được. Hay lão chọn ngọn đèn trong công viên này làm sao chiếu mệnh. Nó sáng trưng, thấy rõ lắm. Số phận lão sẽ đỡ khổ hơn một chút. Nhưng, ánh đèn kia cũng phải tắt. Cuộc đời tăm tối của lão cũng chẳng soi sáng được bao nhiêu. Lão đã đi gần hết con dốc đời người. Lão đã vượt qua bao nhiêu vách núi dựng đứng, đoạn đường trơn trợt. Đến giờ, chỉ còn một đoạn ngắn, bằng phẳng mà lão lại chùn bước, không muốn vượt qua. Đoạn đường đi về bên kia dễ dàng quá, lão không muốn bước đi. Đi về cõi chết, dễ thế mà chẳng ai muốn đi. Lão còn ham hố gì ở cuộc đời này nữa mà muốn sống? Nhưng, lão cũng đã làm được cái gì đâu mà chết? Lão chết, lão sẽ trở thành cái xác vô danh trong nghĩa địa. Lão không muốn thế. Như thế thì ai khóc thương cho lão. Ả đâu rôi? Ả có khóc thương cho lão không? Số tiền ả cho lão, lão đã cất thật kĩ, chưa tiêu một đồng nào. Sau này lão chết, ả sẽ dùng nó để chôn lão. Chôn lão bằng đồng tiền dơ dáy, bẩn thỉu mà ả đã trân trọng. Ả sẽ nhỏ cho lão vài giọt nước mắt để gọi là. Ở nơi chín
suối, lão cũng an lòng. Còn gã, gã có đi cho lão được nén nhang?. Gã, gã đâu rồi?. Tại sao khi lão cô đơn như thế này, gã không đến?. Lão nhớ cái lối nói chuyện điên rồ, văng tục của gã. Cái kiểu nguyền rủa cuộc đời của gã?
Gã xuất hiện và biến mất một cách kì lạ. Mỗi lần xuất hiện là lại nghe gã than thở. Tôi cũng sắp đi xin ăn như ông thôi. Tôi ao ước được sống như ông. Ngửa tay, thu vào tiền của thiên hạ. Tôi muốn như ông lắm. Tôi muốn giả què, giả mù, giả cầm, bẩn thỉu, nhếch nhác, cầm nón đi ăn xin. Người ta sĩ nhục tôi như sĩ nhục ông. Mà sĩ nhục tôi nhiều hơn ông. Vì tôi là một thằng thanh niên. Người ta bảo tôi là thằng an hại, gánh nợ của xã hội, bảo tôi là vô tích sự. Tôi mặc. Gã cười. Tôi đã nghĩ thế đấy! Miễn là tôi có cái ăn. Miếng ăn là miếng tồi tàn, ăn ra sao mà không tồi hả ông? Quái quỷ, tôi lại là thằng có lòng tự trọng. Lòng tự trọng là cái gì? Có ăn được đâu? Tự trọng quá, người ta nói điên là sĩ diện đấy. Tự trọng, nó biến tôi thành một thằng không ra gì, ra công viên ngồI vớI ông. Cũng chẳng khá hơn thằng ăn xin là mấy. Người ta cũng dè bỉu tôi đấy thôi.
Gã nhấp hớp rượu, rồi nói.
Cuộc đời này, xã hội này nó chó má hết ông ạ. Ông chó, tôi chó, toàn bộ đều chó cả. Chỉ khác, tụi nhà giàu là lũ chó xù, chó Nhật, chó becgiê, chó lai gì đấy. Lũ chó cái đấy, chúng xúng xính, liếm láp, nịnh nọt chủ. Chúng được mặc cho quần áo, được cả buộc tóc, được đeo lục lạc vàng. Chúng vênh váo, đú đởn. Lũ chó đực là những con to như một con bê, hung dữ, muốn nuốt chửng người khác. Còn tôi, ông, và lũ nghèo khó là loại chó nhà, chó hoang, chó ghẻ. Chúng ăn toàn cặn bã của xã hội thôi ông ạ. Nhưng, chó nào mà chả là chó hả ông?
Lão bất ngờ, lão không hiểu, một thanh niên như gã lại có cái nhìn kinh tởm về xã hội như thế. Ai đã nhồi nhét vào đầu gã những điều đó?. Những điều đáng ghê tởm. Qua cách nói chuyện, lão biết gã sống có lý tưởng, có hoài bảo. Gã muốn thay đổi cả thế giới này. Gã huyên thuyên về lý tưởng, về xã hội như một thằng điên. Gã hỏi lão “Ông có mong muốn sau một đêm, vạn vật đổi ngôi không?”. Ông thức dậy, ông làm một tay nhà giàu, có kẻ hầu người hạ. Ông than thở bận rộn, ông đi họp, ông phát biểu kế hoạch này nọ, dự án này nọ, thật ra thì ông chẳng biết cái quái gì. Người ta vẫn phải xun xoe bên ông, nịnh hót ông, a dua theo ông. Còn những thằng giàu, chúng sẽ đi xin ăn, chúng nếm mùi bị ghẻ lạnh, bị xua đuổi. Tôi muốn thế lắm ông ạ! Tôi muốn cái lũ đã xua đuổi tôi, xuống làm một thằng như tôi. Chúng sẽ hiểu thế nào là nỗi khổ đi xin việc, bị xua đuổi, không có việc làm, không có cơm ăn. Đời thế mà buồn cười, ông nhỉ? Ai đời, thằng có bằng cấp, cử nhân này, cử nhân nọ hẳn hoi, bằng ngoại ngữ, bằng tin học … mà bị cái thằng mới học hết lớp chín, trình độ, a, b, c nó khinh, nó xua đuổi. Nó vứt tấm bằng vào mặt. Vì nó có quyền, có tiền, nó làm được tất cả. Nó được phép cho ông chờ mấy tiếng trong khi nó ăn nhậu, rồi nó khinh khỉnh nhìn ông, nó đuổi khéo ông. Ôi! Giá mà đổi ngôi.
Gã chửi văng tục vài câu nữa rồi tiếp tục cái giọng của gã.
Hồi tôi học cấp hai, cấp ba, mỗi lần làm tập làm văn là lũ chúng tôi cứ viết như những cái máy, nào là “Vì xã hội vì chế độ thối nát đã chà đạp lên nhân phẩm con người, đẩy họ xuốg bùn nhơ”. Thúy Kiều, bị xã hội chà đạp lên nhân phẩm,Chí Phèo bị xã hội đầy xuống vũng bùn nhơ nhuốc, không ngóc lên nổi. Tôi cứ nghĩ, xã hội đó nó hết tồn tại rồi. Xã hội mình bây giờ nó khác. Nó “Công bằng, dân chủ, văn minh”_ như người ta ra rả trên Ti vi, trên mấy tấm bảng ấy. Té ra, láo tóet cả ông ạ. Công bằng mà thằng giàu nứt đố, đổ vách, ăn không hết, kẻ cúi nhặt không ra hả? Công bằng mà quan tham đầy rẫy hả? Chúng bòn rút của dân đấy thôi. Thế mà công bằng. Dân chủ là cái gì? Ông mà nêu lên ý kiến là nó trù ông ngay. Kể ra thì còn có cái văn minh. Văn minh đến đáng sợ. Văn minh lai tạp. Ông ra đường, đố ông nhận ra đâu là con gái Việt Nam, đâu là Tây, là Hàn Quốc. Tóc xanh, tóc đỏ. Lũ con gái ăn mặc hớ hênh. những đôi tình nhân, chúng hôn nhau, chúng làm tình giữa chốn đông người. Văn minh quá, văn minh lắm.
Xã hội thì cũng như trước đây. Con người ta cũng phải chà đạp lên nhau mà sống. Thằng mù cướp của thằng què. Lũ con gái bán cả nhân phẩm, bán cả đạo đức. Vì tiền cả ông ạ.
Vài chục năm nữa, có lẽ khi làm tập làm văn, cháu tôi nó cũng nguyền rủa cái xã hội này ghê lắm.Bao giờ người ta mới hết kêu trời, mới hết đổ lỗi cho số phận, cho cuộc sống, cho xã hội?
Gã nói như một thằng điên, gã thao thao bất tuyệt, rồi gã biến mất. Không biết thật sự gã có tài hay không?( Thường những thằng không có tài, thích chửi đổng vào thiên hạ cho đỡ tức). Nếu gã có tài, chỉ mong sao, gã sẽ nhìn cuộc đời tích cực hơn. Xã hội, đâu chỉ toàn mặt trái như gã nhìn. Gã cứ mang đôi khính đen như thế thì có ngày vấp ngã vì không thấy đường quang, cứ thích chui vào chỗ tăm tối. Vì gã quen nhìn vào bóng tối.
° ° °
Lão nằm nghe tiếng thở của mình. Mệt mỏi và yếu lắm rồi.Chẳng mấy nữa là lão ra đi. Đi khi chưa làm được gì. Khốn nạn cho một ông lão không làm nên tích sự gì như lão. Bất chợt, lão nghe tiếng trẻ con khóc. Lão nhìn quanh. Công viên chẳng còn ai. Sao lại có tiếng trẻ con khóc? Lão nhìn quanh quất. Tiếng khóc phát ra từ bụi cây đằng kia. Lão nặng nhọc lê bước về phía phát ra tiếng khóc.
Trong bụi cây, một đứa trẻ đang khóc đến tím tái mặt mày. Chắc nó lạnh. Lão nhìn vào chiếc chăn của nó, có một lá thư và một cọc tiền. Một đứa trẻ bị bỏ rơi. Lão ôm nó lên, lắng nghe được nhịp tim của nó. Lão sẽ phải làm gì với nó đây? Lão ôm nó về chiếc ghế đã. Da thịt nó lạnh ngắt. Lão đắp cho nó chiếc chăn rách của mình.Lão nhìn nó thật lâu. Một đứa bé kháu khỉnh. Tại sao lại bị bỏ rơi như thế này? Tội nghiệp thay cho những sinh linh bị bỏ rơi.
° ° °
Ả xuất hiện vào lúc sáng sớm. Ả đã đi đâu đó mấy tháng nay, bây giờ lại xuất hiện. Giờ đâu phải là giờ “làm ăn” của ả. Mà trông bộ dạng lúc này của ả thì không giống ả đi “làm việc”. Ả mặc một bộ đồ thun màu xanh, không có điếu thuốc ở môi. Ả xách theo một cái càmen. ả muốn đem thức ăn sáng sáng đến cho lão, khoe với lão là ả đã tìm được việc làm ở công ty may. Lương ít nhưng từ nay ả sẽ không bị ngườI ta dè bỉu, chê bai nữa. Ả hoảng hốt khi nhìn thấy lão nằm co ro dưới thảm cỏ. Người lão lạnh ngắt, hơi thở yếu lắm. Ả giật mình hơn nữa khi nhìn lên thấy một đứa trẻ đang ngọ ngoậy trong tấm chăn rách. Lão đưa cho ả lá thư. Ả hiểu ra tất cả.
_Con nuôi nó, được không?
Lão hỏi trong hơi thở yếu ớt. Đó là trăn trối thì phải. Ả gật đầu lia lịa, nhòa nước mắt. Ả chỉ mong có một đứa con. Ả sẽ nuôi nó trong những ngày còn lại của cuộc đời. Ả sẽ dạy nó sống tốt.
_Bố! Con sẽ nuôi nó.
Ả gọi thảng thốt.
_Con sẽ nuôi bố nữa. Bố không được chết đâu đấy!
Ả khóc, nước mắt ngập bờ môi. Lão thì mỉm cười. Lão đã làm một việc có ý nghĩa. Đoạn đường sắp tới, lão sẽ yên tâm mà đi tiếp. Đã có người khóc cho lão.
° ° °
Nghĩa địa một ngày nắng chiều nhạt.
Hai con người đứng cạnh ngôi mộ mới. Ả đã dùng số tiến trong bọc kia để xây mộ cho lão. Sau này, ả sẽ nói cho con gái ả nghe về số tiền đấy. Ả sẽ nuôi nó bằng số tiền chân chính mà ả kiếm được. Ả sẽ kể cho con gái ả nghe về lão. Ông đã nhường chăn cho con, để cứu con. Ông là một người ông tốt.
Còn gã, gã sẽ nhớ mãi một tấm lòng. Gã sẽ dùng tháng lương đầu tiên để làm cúng tuần cho lão. Gã sẽ nhìn cuộc đời theo hướng khác. Nhờ lão. Nhờ lão cả lão ạ.
° ° ° 
Một con ngườI đã chết, để mở ra cuộc đời mới cho ba con người còn lại. Luôn là câu chuyện của ba người. Đứa bé lớn lên, chắc chắn sẽ có những câu chuyện vui hơn. Vì nó đã được một người mẹ thương yêu. Dù là ngắn ngủi. Cuộc sống thì bao giờ chả ngắn ngủi. Sống sao cho có ý nghĩa.

 

NGUYỄN THỊ YẾN LINH

Xem Tiếp: ----