Mẫu người đàn bà đẹp đối với tôi là dì Hiên. Có thể cả thời thơ ấu của tôi được sống ở bên ngoại, gần gũi với dì, nên dì đã ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi không nhỏ.
Mặc dù sống ở quê, công việc chăm sóc vườn tược khiến cho dì Hiên liên tục phải dầm mưa, nhưng lạ kỳ là nước da của dì "trắng như gà bóc", dù dì không hề biết tên và chẳng hề dùng một loại mỹ phẩm nào. Tôi còn nhỏ, dưới ánh mắt của tôi thì dì là một tiên nữ. Bởi vào những đêm trăng, dì vẫn thường rủ tôi ra cầu gỗ bờ sông để “ngắm trăng”. Dì mặc nguyên bộ quần áo mỏnh manh, nhảy xuống dòng sông mà giỡn với những ánh trăng vàng cứ “trôi” trên sóng nước. Dì ôm tôi vào lòng, gội đầu cho tôi bằng thứ xà bông Cô Ba có mùi thơm là lạ. Bộ ngực no tròn con gái của dì tì trên lưng tôi khiến cho tôi có cảm giác đó là bộ ngực đẹp nhất thế gian. Cũng trong đêm trăng mờ ảo đó, dưới mắt một đứa “con nít” như tôi, dì Hiên đã hồn nhiên thay quần áo. Trăng đêm phả lên thân hình thiếu nữ của dì - đó là cảnh đẹp theo tôi cho đến khi tôi khôn lớn.
Dì Hiên của tôi rất thích tắm mưa, khi những cơn mưa ùa về rửa sạch những đám bụi đường bám trên cây lá, là dì gọi tôi: “Duy, đi tắm mưa với dì”. Thế là hai dì cháu chạy ra ngoài cơn mưa vùi đất trời kia mà đùa giỡn. Bà ngoại cũng đã có lần la dì: “Con gái tới tuổi lấy chồng rồi mà cứ đùa giỡn như con nít. Lọng ngọng ế bây giờ”. Lúc đó dì Hiên chỉ cười: “Con chỉ lấy một ông tiến sĩ”.
Thật ra thì vào thời điểm đó, tôi chỉ hình dung ra ông tiến sĩ là một vị quan. Khi ông tiến sĩ về làng thì có lính cầm cờ đuôi nheo, có lính thổi kèn, có võng khiêng ông. Đó là chuyện cổ tích tôi đọc trong truyện sách. Tôi nói với dì Hiên một cách ngây thơ: “Lớn lên cháu sẽ thi đậu tiến sĩ để đem võng về làng rước dì”. Lúc tôi nói, dì Hiên nắm tay tôi xoay vòng quanh dì, dì cười lộ ra cả hàm răng trắng, mùi thơm từ thân thể dì tỏa ra êm ái. Dì nói trong tiếng cười: “Ờ, cháu đi học đậu tiến sĩ đi, dì đợi.”.
Đó là thời thơ ấu của tôi. Thời thơ ấu của bến sông trộn ánh trăng và bóng dáng dì Hiên, dì Hiên đẹp như tiên nữ khi dì khỏa thân trong ánh mờ. Thời thơ ấu của tôi còn là những cơn mưa mù đất mù trời cùng dì đùa giỡn. Thời thơ ấu của tôi còn trộn cả hơi ấm khi được dì Hiên ôm vào lòng và cả mùi hương con gái của dì ở lại trong ký ức trẻ thơ. Rồi tôi cũng phải kết thúc những ngày trẻ con của mình. Ba mẹ tôi đã về quê dắt tôi lên thành phố. Ký ức về dì Hiên cứ thế lạt phai lần theo tuổi lớn của tôi. Tôi vào trường có bạn bè, những trò chơi mới cứ thế cuốn vào. Thỉnh thoảng tôi theo ba mẹ về quê, khi đó ngoại đã già, còn dì Hiên thì đã khác xưa. Tình cảm còn dì cháu vẫn chẳng có gì thay đổi, nhưng tôi và dì chẳng còn thời gian để đùa vui như ngày xưa. Còn ông tiến sĩ của dì Hiên đang ở đâu thì tôi cũng chẳng tiện hỏi.
Cuối cùng thì dì Hiên cũng lấy chồng. Dì lấy chồng ở tuổi 29. Tuổi 29 đối với con gái nhà quê đã bị liệt là già. Tuy nhiên, tuổi 29 của dì Hiên vẫn nõn nà giống như những chiếc lá chuối non óng ả màu xanh lạ trong vườn trong nắng sớm. Dì Hiên lấy một ông tiến sĩ thật, nhưng tiến sĩ bây giờ nhìn chẳng khác người thường bao nhiêu. Anh Nguyên, chồng dì chỉ khác hơn những người đàn ông khác ở miền quê tôi là nước da trắng và đôi kính cận gọng vàng luôn đeo trên gương mặt. Nhưng bằng tiến sĩ của anh Nguyên lại là bằng tiến sĩ sử học. Đề tài khảo cứu để bảo vệ luận án tiến sĩ của anh lại nằm ngay trên bờ ruộng nhà tôi: khai quật khu mộ chum đã có cách đây cả ngàn năm trước.
Tôi ở thành phố về thì công việc khai quật dù chỉ ở khu ruộng nhà tôi cũng đã xong. Trong suốt thời gian đoàn khảo cổ làm việc, che một lán nhỏ sau vườn nhà tôi để tiện việc hoạt, dì Hiên trở thành bà nội trợ đảm đang. Có thể tình yêu của dì Hiên và anh Nguyên đã nảy nở và kết trái từ những mộ chum rạn vỡ chôn sâu dưới lòng đất cả ngàn năm kia. Trong tình yêu dường như chẳng hề có khái niệm không gian, thời gian và cả sự chênh lệch vị trí trong xã hội. Nó tự đến giống như cơn mưa bất chợt từ một đám mây trôi bởi những cơn gió đẩy về. Mưa, thế là những hạt mầm vùi sâu trong lớp đất khô ran ngoi lên, đâm chồi. Dì Hiên là hạt mầm chôn vùi trong đất. Hạt mầm ấy âm thầm nghe những cơn gió thổi qua lớp võ cứng cáp của mình, đợi một cơn mưa đến để đâm chồi. Anh Nguyên là cơn mưa đó, đến tình cờ như định mệnh. Dì Hiên vẫn đỏ mặt khi kể cho tôi nghe chuyện dì và anh Nguyên quen như thế nào? Không một đoá hoa hồng, chẳng có ánh trăng nghiêng chênh chếch dưới những tàn cây. Đó là cú trợt ngã của anh Nguyên khi nhảy qua một mô đá. Dì Hiên học được nghề xoa nắn, trị bệnh thấp khớp từ ông ngoại tôi. Ông ngoại nói: “Đó là nghề làm phước chứ không phải nghề để kiếm tiền”. Cả xóm tôi ở ai lại không biết đến ông ngoại, mọi bất trắc dường như có thể xảy ra với tất cả mọi người. Bị trặc chân, trặc tay là mọi người tìm đến ông ngoại. Ông ngoại chết, dì Hiên đã trở thành người kế thừa. Điều cũng lạ là đôi bàn tay mềm, nõn nà nhỏ của dì lại có thể dùng một động tác đơn giản để kéo những khớp xương sai lệch của mọi người trở về đúng vị trí của nó.
Hôm đó chắc anh Nguyên đau đớn lắm. Một người bạn đồng nghiệp của anh cõng anh thẳng vào nhà tôi. Để anh nằm trên chiếc phản gỗ hương đã lên nước bóng. Dì Hiên vừa đi chợ về, đã vội vàng bỏ chiếc giỏ rau cá ở trước cửa nhà, rửa vội đôi bàn tay, vào nhà sửa lại những khớp xương bị trật cho anh Nguyên. Tình yêu của họ đã đến từ sự va chạm đầu tiên của một “Bà thầy mằn” và ông tiến sĩ khảo cổ học.
Đám cưới xong là dì Hiên theo anh Nguyên về thành phố. Đó là lẽ tất yếu của cuộc đời, tình yêu hơn hết thảy mọi điều là một tiếng gọi lạ lùng. Ông tiến sĩ của dì Hiên dĩ nhiên vẫn miệt mài với những chuyến đi, với những cuộc khai quật. Tôi ghé thăm dì Hiên, thấy gương mặt của dì ngời ngời hạnh phúc. Căn nhà của hai người khá xinh, ẩn khuất trong một cư xá. Để giết thời giờ và cũng để có việc làm. Dì Hiên mở một hàng bán cà phê ngay trong vườn nhà, không biết dì học pha cà phê ở đâu? Nhưng những ly cà phê rất ngon. Khi tôi tới thăm dì vào buổi sáng, tôi vẫn được dì pha cho một ly cà phê ngon như thế.
Quan sát ngôi nhà và sân vườn, có thể thấy rõ là anh Nguyên yêu dì Hiên đến dường nào. Một góc vườn có một hồ nước rộng, trong hồ anh Nguyên thả hoa súng và bèo hoa dâu, ở một góc hồ là những cây thủy trúc mướt xanh. Điều thú vị hơn nữa chính là một không gian mưa nhân tạo được tạo ra. Nước được hệ thống phun phun lên mái ngói bám rêu, rơi nhẹ nhàng xuống hồ. Ngay ngoài hồ là một lu nước bằng đất nung, gắn lên trên là chiếc gáo dừa. Dì Hiên thích những giọt mưa rơi, dì cũng thích rửa chân tay, mặt mũi bằng nước gáo dừa.
Dạo sau này tôi ít gặp dì Hiên. Công việc cứ cuốn hút tôi đến độ không có thì giờ ghé qua nhà dì, dẫu đôi khi tôi có tạt qua thành phố dự một cuộc hội nghị nào đó. Tôi gọi điện, vẫn là giọng nói se sẽ, dịu dàng như sợ làm đau cả không gian: “Cháu ghé nhà dì ăn bữa cơm rau không được sao? Công việc gì mà bận rộn đến thế?". Rồi tôi ghé, vẫn vườn cây tươi tốt, vẫn những giọt nước mưa nhân tạo chảy từ mái ngói rêu bám rơi xuống hồ đầy hoa súng nở. Dì nấu một bữa cơm rau, rồi dì cháu nhìn nhau cười. Theo dì thì anh Nguyên đã được đề bạt lên làm giám đốc bảo tàng, do đó anh ít đi khai quật hơn. Tôi hỏi trong bữa cơm: "Lâu quá rồi sao dì và anh Nguyên không sinh một em bé cho vui nhà?". Dì Hiên giằng lấy chén của tôi, bới vun đầy những hạt trắng, không trả lời câu hỏi, mà nói: “Nồi canh tập tàng nấu cua này dì nấu có ngon như ở quê không?". Tôi ăn bát canh cua dì Hiên nấu cho dì vui. Hình như tôi thấy trên gương mặt dì có một nỗi buồn rất lạ. Tôi không tiện hỏi gì, và tôi càng không thể lý giải được nỗi buồn đó nói lên điều gì. Bởi đơn giản là dì đang sống trong một gia đình hạnh phúc có người chồng yêu dì hết mực, lại lo lắng cho dì từng sở thích như tạo cho dì cả một hồ hoa súng, tạo những giọt mưa cho dì đỡ nhớ những cơn mưa ở quê. Cũng có thể là hàng đêm dì Hiên sẽ tắm dưới những giọt mưa do anh Nguyên tạo ra kia, giống như ngày nào dì từng rủ tôi tắm mưa. Nhưng tôi không biết là dì có khoả thân hay khong.
Tôi đang ngồi trên chiếc thuyền trôi trên dòng sông Cổ Chiên trôi đầy những dè lục bình. Hoa lục bình nở tím ngắt cả một dòng sông thì tiếng chuông điện thoại di động bỏ trong túi áo tôi rung lên. Gió thổi lồng lộng khiến cho tôi không nghe rõ tiếng chuông reo. Hảo, chàng sinh viên thực tập đang theo tôi để vào tận Bình Hưng Hòa để khảo sát giống cây trồng tại đây, kêu: “Anh Duy, hình như có điện thoại”. Tiếng chuông điện thoại như réo giục. Tiếng anh Nguyên bên kia đầu máy, giọng nói hình như ở một nơi nào xa xôi: “Dì Hiên đang nằm ở bệnh viện, dì muốn gặp em”.
Con đường từ Vĩnh Long về thành phố khá tốt, nhưng có một đoạn đường đang sửa chữa, xe phải bọc qua con đường phụ, băng qua một vườn dừa nước. Con đường xấu, nhỏ mà xe lưu thông lại nhiều, liên tục đợi tránh nhau khiến cho lòng tôi như có lửa cháy. Mắt trái của tôi cứ giựt lia lịa. Dì Hiên đã từng nói với tôi ngay từ thuở nhỏ là khi mắt trái bị giật là dì đang nhắc đến tôi. Tôi sực nhớ tới Đông Nghi, cô bạn học cũ của tôi hiện đã là bác sĩ ở bệnh viện dì Hiên đang nằm. Tôi lật cuốn sổ nhỏ ghi chép số điện thoại nhàu nát của mình, gọi cho Đông Nghi. Tiếng Đông Nghi rõ ràng: “Em sẽ lo cho dì, anh yên tâm đi mà”.
Nhưng dù cho chuyến xe của tôi từ Vĩnh Long về thành phố có sớm hơn chăng nữa thì tôi không thể nào giữ dì Hiên ở lại được ở cõi nhân gian này. Điều may mắn là dì vẫn còn kịp nói với tôi đôi câu trước khi dì ra đi vĩnh viễn: “Ráng mà sống tốt Duy nhé! Dì thèm tắm mưa, tắm mưa thật sự chứ không phải là mưa bởi nước phun lên những mái tôn đâu. Có dịp Duy đưa dì về nhà tắm mưa, Duy nhé!". Tôi bóp chặt bàn tay xanh xao của dì. Anh Nguyên đã bước ra khỏi phòng bệnh. Anh khóc ngon.
Trời đổ mưa khi chúng tôi đưa dì ra nghĩa trang, mưa như để thỏa lòng mong muốn có một lần trở về quê, tắm trong những giọt mưa đồng nội của dì. 
Có thể tôi tưởng dì Hiên đã sống trọn vẹn một cuộc đời hạnh phúc, nếu Đông Nghi không kéo tôi ra quán cà phê. Em đưa cho tôi bệnh án của dì Hiên. Tôi không là bác sĩ nên tôi không rành rẽ đó là bệnh nào. Tôi chỉ biết dì Hiên bị ung thư ở thời kỳ cuối. Đông Nhi nói: “Bất ngờ lắm anh Duy à! Đến khi chết dì Hiên của anh vẫn còn là con gái!”. Tôi nhìn mưa nhòa về phía biển. “Đến khi chết dì Hiên vẫn còn là con gái!”.

Xem Tiếp: ----