Mái dầm chìm nổi mơ hồ, chiếc xuồng trôi đi làm lục bình xô dạt. Cánh đồng chỉ còn loáng thoáng mấy đụn rơm cao ngất ngưởng. Tất cả chìm trong bóng đêm trắng nhạt ánh trăng. Ý nghĩ trong đầu nhòe đi, hình như Tư cũng đang lơ mơ ngủ. Khạp nước ngọt sau lưng reo óc ách.
Chiếc xuồng lừ đừ trôi giữa lòng kinh không rộng lắm. Thi thoảng mũi xuồng lại húc vào cả tảng lục bình quấn quýt. Tư nhỏm dậy, huơ mái dầm, gạt chúng rẽ chúi về phía bờ rồi khẽ nhún vai chui qua cây cầu khỉ chặn ngang.
Bốn con người. Hai bà mẹ và một đôi nam nữ. Một bà mẹ góa quyết mang con gái lên thành phố để quên buồn. Bà mẹ kia và người con trai ở lại cũng muốn quên nhưng lại càng buồn hơn. Không ai giải quyết nỗi nhớ bằng giải pháp ra đi. Cũng không ai có thể quên chỉ vì tị nạn buồn mà người ta đành dứt áo.
Người ở lại chịu đựng lục bình, nước mặn, dầm xuồng và đèn dầu; người đi dù thành dân phố thị vẫn vướng víu một sợi dây tình. Sự cách trở này giống như người muốn bay ra khỏi Trái đất để xem nó như thế nào, khi nhìn về bỗng thấy yêu hơn nhớ hơn vì quả đất của mình xanh trong quá. Người ở lại ngóng mãi, giận rồi mong, “con tàu” ấy sẽ quay về nguyên vẹn hay sẽ mất hút và thành mây khói? Lòng tràn ngập nỗi niềm cùng nhân vật chính trong đây, ai dám bảo đàn ông con trai không chung tình? Buồn và thương cám cảnh, sông dài cá lội, sông có dài thì mới là sông, phải duyên chồng vợ thì ngàn năm cũng ngắn.
Tác giả thuộc thế hệ 8X (°) nhưng chân phương, nền nã, cái chính là viết bằng tình, bằng tâm. Tác phẩm mới trình làng còn nhiều phương ngữ và thổ ngữ, không hề gì, lâu dài nghề sẽ dạy nghề thôi mà.
DẠ NGÂN
(°) Nguyễn Thị Hải sinh năm 1983, sinh viên chuyên ngành văn học Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (khóa 2002-2006). Đã đoạt giải ba cuộc thi thơ Bút hoa (tạp chí Tài Hoa Trẻ). Chút tình đeo đẳng là truyện ngắn đầu tiên gửi TTCT.
Bỗng nhiên, một mùi hương nồng xộc thẳng vào khứu giác, đánh thức Tư khỏi cơn uể oải nặng nề. Mùi ngò về đêm thơm dậy đất, bay tản mát khắp không gian. Trí não Tư như được xông hương, quang quẻ hẳn ra. Tư trải mắt nhìn bãi ngò mờ mờ xanh với những liếp ngò liên tiếp, thấy như gió lâm râm thổi ra từ đấy.
Con vạc ăn đêm bất thần kêu ré lên, bóng bổ nhào xuống cánh đồng quạnh vắng đến nao lòng. Cái náo động ban ngày như một thứ ảo ảnh xa vời dù lưng áo vẫn nồng khét vị mồ hôi muối cấn lại chưa kịp thay ra. Đã mất hẳn cảm giác rã rời ban nãy và nghe có gì xao xác len nhẹ vào hồn, xoa dịu vết chai sần lam lũ triền miên, trái tim trong ngực Tư đập bồi hồi cảm xúc.
Vạt rừng bần xê xích lại mỗi lúc một gần rõ. Tư xiết mạnh mái dầm, vòng tay đẩy từng nhịp chèo mau mắn. Mái dầm xẻ nước nghe ngọt lịm. Thoáng chốc chiếc xuồng đã nhập hẳn vào với màu xanh thăm thẳm bất tận của rừng, bỏ lại đằng sau dải đồng thoáng đãng gió trăng. Dòng sông Cái mênh mang dàn trải ra trước mắt. Tư cho xuồng ghé lại sát bờ, thư thả xếp dầm lên sạp, với tay níu gốc so đũa, thoắt cái bàn chân đã đặt trên nền đất lạnh tê. Cột chắc dây neo vô thân cọc bần, Tư lụi hụi chuyển khạp nước lên bờ.
Nghe tiếng động mé kinh, con chó con nghếch cổ nghe ngóng một hồi. Nhận ra Tư, nó cong đuôi chạy te te ra đón, miệng kêu ẳng ẳng thấy thương.
- Cò đó hả Cò? Mạnh giỏi hôn con?
Tư ngồi chồm hổm cạnh khạp nước, dang tay đón con cún Cò đang vồn vã ngoắt đuôi dựng cẳng. Mấy bữa không gặp, nhớ dữ ha!
- Má ngủ chưa Cò, sao im re vậy nè!
Hỏi chưa dứt lời đã thấy bóng má đổ dài trước mặt.
- Thằng Tư, sao giờ này mà còn ra đây?
- Con đem nước cho má. Nhắm chừng máy nước cạn rồi chớ. Bé Hiền chắc ngủ rồi má hả?
- Ừa, nó lên giường từ chặp tối kia. Có khi nào thức nổi tới giờ.
- Sao má cũng không nghỉ sớm cho khỏe. Thức chi có mình ên vậy hà!
- Ai muốn thức chi. Nhưng chiều tối này nè tao đi đặt nú, trượt chân té ụp xuống đìa. Đầu tóc dính lem nhem sình không. Gội mà chờ hoài nãy giờ chưa khô. Tao ngồi thu lu, đang thèm nói chuyện muốn chết thì bây ra tới.
Tư nghe má nói bỗng thấy buồn hiu:
- Má già cả rồi, chân cẳng đâu còn dẻo dai hoài, trượt té lỡ có bề gì rồi sao? Để con sai thằng út tranh thủ ra phụ má.
- Tụi bây ráng mà tiếp ổng lo mấy công ruộng kia kìa. Mùa màng chịu cực một chút. Còn vuông tôm bi nhiêu đó có bà cháu tao lo. Ủa mà bữa nay ổng có xỉn không?
- Cha có nhậu lai rai chút đỉnh chớ không xỉn.
- Ừa, đừng để ổng xỉn. Rủi trúng gió là chết ngắc đó!
- Trời, má lo dữ!
Nụ cười của Tư lấp lóa trong đêm tối.
- À má, chắc phải mua thêm mấy máy nước nữa, cũng sắp tới mưa rồi. Mình hứng nhiều đặng xài cho đỡ, khỏi nhín. Chậc! Năm nay dưới mình mưa muộn, chớ nghe Út Thương nó nói Sài Gòn mưa từ nào giờ.
Má lum khum thắp ngọn đèn mù u đặt lên chỗ chạn chén. Hỏi vọng ra chỗ Tư, giọng má ngạc nhiên:
- Ủa, con Út mới điện về cho bây đó hả? Nó sao? Được mạnh giỏi không?
Tư chưa vội trả lời má, con mắt dòm mênh mang ra vuông tôm gờn gợn sóng. Tư nhớ lời Út Thương hồi chiều này, trong lòng thấy phân vân không ít. Lâu lắm rồi hai đứa chưa gặp lại. Thời gian xa cách làm phôi pha dần ngày tháng cũ - lúc hai đứa vừa mới lớn lên. Dù thầm cảm mến, lưu luyến nhau nhưng chưa từng có chuyện hò hẹn bao giờ.
Ngày đó, chú Bảy cha của Thương cũng có bụng quí riêng Tư. Chú thường nói chơi chơi rằng: “Mơi mốt đứa nào chịu ở rể tao thì tao gả con út. Vợ chồng tao có mỗi chút con gái, bắt thêm thằng rể nữa, có tụi nó hủ hỉ sớm tối đặng cho vui cửa vui nhà”.
Tư cũng thương chú Bảy như cha mình. Tướng chú lam lũ, tánh thiệt tình lại giàu tình cảm. Chú hay sai Út Thương nhắn Tư qua nhậu lai rai với chú. Mượn cớ nhậu để tâm sự, chuyện trò đàn ông với nhau.
Dân xứ đồng mà chú ưa quan tâm mấy chuyện quốc gia đại sự. Chuyện ông chủ tịch mới của tỉnh mình biết thương dân, lo tu sửa đường sá ngon lành. Rồi cái vụ trạm xá có bác sĩ về khám bệnh miễn phí cho dân nghèo nữa. Một tay ổng chỉ đạo đó. Có bữa chú rầu rầu nói giọng giận dữ bất bình:
- Chà, thiệt không ngờ mấy chả cán bộ cao cấp cỡ đó mà đi tham ô tiền của của nhân dân, xài phí vô mấy trò tiêu khiển quái chiêu, xưa nay mới thấy. Tao coi cái phóng sự trên truyền hình, dòm bộ mặt nhâng nhâng của chả mà mắc ghét hoài.
Út Thương ngồi kế Tư, nhấp nháy con mắt:
- Anh Tư thấy cha em sung dữ hôn?!
Chú Bảy có nghề sửa chữa máy móc, tiệm đặt ngay đầu lộ. Làm ăn cũng khấm khá nên hai má con Thương sống rảnh rang hơn phần đông đàn bà con gái trong ấp. Ruộng cho người ta mướn, tới mùa lấy ít giạ đủ ăn.
Thương xinh đẹp giống mẹ, da trắng, mảnh mai, tóc để dài đen láy. Tánh tình giống cha, ưa sống bình dị, chan hòa. Vô nhà Tư, Thương ẵm bồng bé Hiền, nựng nịu con mèo, dạ thưa với má Tư nghe dịu hiền, dễ thương hết xẩy. Má có Thương lâu lâu vén đầu tóc nhổ sợi sâu sợi trắng, lâu lâu than thở chuyện con cái, chuyện xóm giềng, chuyện đất trời nắng mưa đường đột. Những chuyện không đầu không cuối, bất tận của phụ nữ mà năm đứa con trai của má thường cười xòa không để tâm tới.
Má có một người con gái, là chị hai của Tư, nhưng đã gả chồng từ lâu. Chị hai theo chồng đi làm ăn tuốt miệt biển Rạch Giá - Kiên Giang, ít khi về thăm. Bé Hiền là con đầu lòng của chị, gởi bên ngoại nuôi giùm từ dạo mới sổ sữa. Nay đã lớn xồ xộ, biểu nó về ba má mà nó lắc đầu nguầy nguậy.
Sự đời đang thong thả yên lành thì bất ngờ xảy ra tai biến tang thương. Sáng đó chú Bảy dậy chạy thể dục như thường lệ. Về đến nhà kêu với vợ là đau đầu, vô nằm nghỉ. Lát sau thím Bảy hỏi đến thì chú đã lịm hẳn. Từ lúc đưa chú Bảy từ bệnh viện về tới chừng an táng xong, thím Bảy nằm dính chiếu. Con mắt lúc thất thần, lơ láo, lúc im lìm bệch bạc. Khi tỉnh lại, ngó thấy hình chồng mình mủm mỉm cười sau khói nhang nghi ngút, thím vật mình vật mẩy, la hét rùng trời, một hai đòi chết theo chồng chớ “thiếu ổng tui sống gì nổi nữa”. Thím gào khóc đến độ tắt tiếng, ngạt hơi, trợn trừng trợn trạo như mấy bà lên đồng. Út Thương kinh hãi ôm chầm lấy má, chỉ e má chết thiệt bỏ mình.
Lúc thím nguôi ngoai, dòm lại thấy Út Thương ốm nhom, người còn chút chẻo, dáng lỏng khỏng như chưa từng qua tuổi dậy thì. Thím nổi khóc nữa nhưng chỉ rền rĩ ơ hờ chớ không chảy nước mắt. Thím sợ hãi cảnh mình mẹ góa con côi, bơ vơ yếu đuối, biết sẽ nương tựa vào đâu. Xưa nay, chuyện nhà chỉ một tay chú Bảy lo toan, gánh vác nên giờ thím bối rối không biết thu xếp cách nào.
Thím đang loay hoay tính nước thì dì Ba của Thương từ Sài Gòn về đến.
Một tối Út Thương hẹn gặp Tư. Tư còn nhớ lúc đó Út Thương run rẩy hào hển, một đỗi sau mới nói:
- Má em tính lên trển ở luôn với dì Ba. Má nói ở đây má buồn hoài, má chịu không nổi. Nhìn đâu cũng nhớ tới cha, má mắc nghẹn thở. Má biểu phải rời đây ít lâu. Em hỏi lâu tới chừng nào, má nín thinh luôn.
Rồi Út Thương sụt sịt:
- Chắc má em bỏ xứ luôn quá anh Tư ơi! Má dạm bán nhà cho người ta nữa kìa. Bữa nay có khách tới coi rồi đó. Em không đi đâu hết á. Cha em nằm đây, mồ chưa xanh cỏ. Quê hương dòng họ em ở đây, cớ gì mà phải đi đâu. Cha chết, lẽ ra phải nhớ cha hoài hoài, đằng này má em chỉ muốn quên luôn cho được nhẹ lòng. Cha biết, cha buồn dữ lắm anh Tư à!
Không biết thím Bảy đã bớt đau lòng vì mất mát hay chưa? Trái tim yếu đuối của thím đã thong thả lại chưa mà không thấy trở về. Tư vẫn thường nhớ tới chú, nhớ luôn người sống đó mà cũng quá đỗi xa xăm.
Lâu lâu Út Thương gọi điện, gởi hình về. Thương giờ là chủ một quầy mỹ phẩm. Nhìn Thương trong hình vừa sang trọng vừa lạ lẫm. Nghe Thương than buồn quá. Nhưng chắc gì đã phải nỗi buồn nhớ quê hương. Thương lớn rồi, tự lập rồi chớ. Có xa gì đây với thành phố. Muốn về, chỉ nửa ngày thôi. Xe đò chạy rần rần một ngày mấy lượt. Sông xa, phà rộng nay đã bắc cầu. Muốn về nào ai ngăn trở được. Mấy lần Tư toan nói lại thôi. Có gì tức nghẹn trong lòng.
Chiều nay nghe giọng Thương rên xiết, nao nức gọi Tư. Trái tim Tư rung động bồi hồi khi nghe tiếng “nhớ”. Thiệt vậy không Thương? Thiệt nhớ Tư sao? Chẳng phải bao năm Tư đợi chờ nhiêu đó mà ngại ngần, e dè người ta thay đổi, người ta lạt phai nên không thể mở lời. Nay rõ ràng hơi thở xôn xao kia là thật. Là thật nên ánh mắt Tư se lại nỗi mừng. Tư như thấy lại Út Thương thuở xưa chân tình đôn hậu. Bất chợt nghĩ đến chú Bảy, lòng Tư rưng rưng một nỗi xót xa.
Tư chống xuồng ra với má, để ngỏ với má tâm sự của mình.
Anh em Tư lớn lên, bên ngoài tưởng là xa cách má nhưng kỳ thực luôn coi má là chỗ dựa tinh thần. Lâu lâu lại thấy một đứa chống xuồng tới kêu má.
- Má à, con vợ tui dạo nầy sao nó lơ tui hoài má. Nó không chăm sóc, ngọt ngào với tui như thuở giờ. Chắc nó sanh bụng khác má ơi!
- Má ơi, con bé Hai nó đòi lên thành phố vô xưởng làm chung với mấy đứa bạn. Tui lo nó ở xa rồi xa mặt cách lòng. Tui khuyên nhủ mà nó làm mặt ương ương không chịu. Thiệt tức quá xá!
Còn thằng Út, lớn xổng vổng rồi, ria nổi xanh rì, bảnh tướng hết biết vậy mà vẫn khoái ôm má. “Chu cha ơi nhớ má quá! Mấy bữa rày lo mần tối mắt, nay mới ra ké má chút hơi nè”.
Như lúc này, má ngồi sóng đôi với Tư ngay dưới bóng mủ trôm, sát hông căn chòi lá, nghe Tư nhắc chuyện Út Thương. Má dè đâu chừng ấy năm mà thằng Tư vẫn đem lòng lưu luyến một đứa con gái đi xa biệt dạng. Con trai của má nặng tình với người ta mà má lo không biết ý tứ Út Thương thế nào. Hèn chi nhiều đám gần xa đánh tiếng mà nó dửng dưng.
- Con năm nay bao nhiêu tuổi rồi đó Tư?
- Sắp sửa hăm chín, má! Con tuổi Thìn, lại sanh đúng kỳ nước nổi. Bộ má quên sao?
Má dễ gì quên, má hỏi đặng cho thằng Tư của má nhớ nó cũng bộn bộn tuổi rồi. Anh em kế nó có gia đình ra ở riêng, an phận lo mần lo ăn, còn nó sao cô độc hoài.
- Út Thương nó nói vậy rồi con tính sao Tư?
- Biết tính gì đây má!
- Tụi bây lớn hết ráo rồi. Lửng khửng hoài. Duyên phận hổng có thì thôi. Thiệt! Má con nó nghĩ cũng tệ. Bỏ xứ đi luôn mà đành đoạn. Rồi bây có tính lên trển một chuyến hay không Tư?
- Trời! Tui lên trển chi vậy! Quê hương cổ ở đây. Nhớ thì tự về. Ai mà ràng ríu chân tay. Mồ mả chú Bảy cỏ ngập bời bời, cổ không thèm hay thèm biết thì mình người dưng sá gì.
Tư buột thốt lời cay đắng. Buồn giận quá chừng. Má thở dài âm thầm. Mái tóc thưa rỉnh lây phây xõa xuống gờ ngực ốm tong.
Chao, chuyện Út Thương buồn mưa nhớ nắng, mộng mị chiêm bao mà đem ra nói làm nhọc trí má. Cổ thử về dưới này dòm mấy bãi đìa nẻ nứt, coi má Tư lắng nước kinh mặn gội đầu. Xứ đồng mong mưa đỏ con mắt. Cổ buồn nỗi gì mà lạc lõng vô tình, quên nguồn quên cội hết trơn.
Tư đứng phăng dậy, nói má vô nghỉ trước đi, con xuống kinh ngâm mình chút chớ trời hầm quá.
Má xửng bửng nghĩ thầm: Gió lạnh muốn nổi da gà mà nó biểu hầm. Coi chừng nó sảng cũng nên. Tội nghiệp!
Con chó cò lúp xúp chạy theo, láo ngáo ngó Tư cởi đồ dài, để lộ tấm thân vạm vỡ. Tư nhảy ùm xuống kinh, nước văng tung tóe. Cò hoảng hốt thối lui, ngồi xa xa dòm lại. Nó còn hoảng hốt hơn khi thấy Tư chìm nghỉm dưới mặt kinh đen thẳm. Nó xấc bấc xang bang chạy men theo bờ, con mắt dán chặt vào tĩnh lặng muôn trùng sóng nước.
Tư ló lên ở phía rặng trâm bầu, ngoắc Cò đang vẫy đuôi ríu rít.
Nước kinh thấm vào thân thể Tư, mát điếng hồn. Nước kinh chảy ròng ròng trên má, anh đưa tay vuốt nhẹ rồi mỉm cười. Con chó chắc ngủm là Tư đang mỉm cười với nó.
- Ừ, mai mốt này Út Thương có gọi điện về nữa, mình sẽ nói dứt khoát một lần thôi. Út Thương nhắm còn nhớ mồ mả của cha, còn thương xứ sở, còn chút tình với người bạn thuở xưa thì về đi. Tui đợi Út Thương lâu rồi. Đời người có mấy độ xuân xanh, liệu lường mà chi nữa, lần khân mãi làm gì, Út Thương ơi!

Xem Tiếp: ----