Tỉnh Bến Tre gồm 3 cù lao lớn: Cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hoá. Làng Đại Điền nằm trên cù lao Minh, là nơi đất đai trù phú, nước ngọt quanh năm, ruộng vườn tươi tốt. Quận Mỏ Cày là quê hương của nhiều nhà giàu thuở xưa của Nam Kỳ. Những người được gia đình cho qua Pháp du học đợt đầu tiên là các ông Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, Dương Văn Tây. Thuộc hàng cự phú Đại Điền người ta thường kể ông Hương Liêm (Huỳnh Ngọc Khiêm), ông Phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hình), ông Hội đồng Hoài, dân địa phương quen gọi ông Phó Hoài vì trước ông có làm Phó Tổng. Không rõ làng Đa Phước cuối thế kỷ 19 và Đại Điền đầu thế kỷ 20, là cuộc đất có hàm rồng hay long mạch mà phát sinh nhiều nhà giàu lớn, con cháu đỗ đại, rân rất nhiều thế hệ.Theo lời thân mẫu nhà văn Xuân Vũ, là người cố cựu tại địa phương, năm nay 87 tuổi, còn minh mẫn, kể lại nhiều chi tiết về nguồn gốc sự giàu có của các gia đình kể trên. Dương Văn Giáo thuở nhỏ học trường Chasseloup, rồi gặp thế chiến thứ nhứt xảy ra (1914- 1918), mới xin làm thông ngôn cho toán lính thợ qua Âu Châu chiến đấu, tiếp liệu cho mặt trận của Pháp chống Đức. Qua Pháp, ông Giáo được thăng cấp quan Hai (trung uý), có chiến công được nhiều huy chương của Pháp. Chiến tranh chấm dứt, ông xin ở lại, theo học trường thuộc địa (école Coloniale) ngành Luật. Tốt nghiệp, ông Giáo được bổ làm trạng sư, nhập Pháp tịch, lại gia nhập hội Nhân Quyền, cho nên dầu phải đi bộ chớ không bao giờ ngồi xe kéo (vì luật Nhân Quyền không cho phép). Ông Giáo có người anh tên Tây, vì lúc nhỏ ông Giáo còn có tên Du (Tây Du). Ở Pháp, luật sư Giáo có vợ đầm, nhưng là người tích cực tranh đấu cho nền độc lập nước nhà. Lúc ở Pháp, Giáo là bạn đồng học với ông Nehru (Thủ tướng Ấn Độ sau này) và Hoàng thân Thái Lan Luang Pradit, về sau làm Bộ trưởng trong nội các Thái năm 1945. Ông Nehru từng ngỏ lời muốn gả em gái cho Dương Văn Giáo nhưng vì ông Giáo đã có vợ. Ông Dương Văn Giáo sinh năm 1888 tại Đa Phước Mỏ Cày, đậu Tiến sĩ Luật năm 1926, từng tranh đấu với các ông Bùi Quang Chiêu, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh chống lại chế độ cai trị tàn ác của người Pháp tại Đông Dương. Ông Dương Văn Giáo cũng là một trong những người sáng lập đảng Lập hiến với Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Khá...Tại Pháp nhiều lần ông Dương Văn Giáo cùng với ông Nguyễn Thế Truyền đi diễn thuyết nhiều nơi, hô hào, cổ võ cho tự do dân chủ ở Việt nam, bãi bỏ chế độ thuộc địa. Về Sài gòn, luật sư Dương Văn Giáo tiếp tục tranh đấu chống chế độ thực dân bằng cách viết báo chí trích đường lối cai trị độc tài, thiếu tự do của Pháp, nên bị bắt cầm tù như Tạ Thu Thâu. Về sau, ông Giáo bỏ vợ đầm kết hôn với con gái bà Huyện Xây (Lâm Ngọc Thanh) ở Vũng Liêm. Cô này tên “cô Hai Suzane”, và được nhạc mẫu mua cho một biệt thự lớn như lâu đài ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng sau này).Về việc ông Dương Văn Giáo vượt ngục, cụ Trần Văn Ân thuật lại như sau: ông Giáo có đời tư rất cẩu thả, song vào tù lại có khí phách và lòng thương bạn. Lúc ấy luật sư Giáo bị kêu án 8 năm khổ sai, nhưng một gián điệp Nhựt, chủ Dainam Koosi Matushista, tổ chức cho một phụ nữ Nhựt tên Sinna (người tình của ông Giáo) lập kế cứu ông ta ra khỏi khám. Nguyên ông Giáo giả bịnh, xin nằm dưỡng đường Grall. Trong khi chờ đợi mổ, có một thiếu nữ Nhựt (Sinna) vào xin cho ông Giáo từ phòng bịnh qua phòng mổ. Nhưng sau đó, khi cô y tá và người lính (dẫn ông Giáo) đứng đợi bên ngoài một chút, thì thấy có một sĩ quan Nhựt, mang lon Đại uý, đeo kính mát, đầu đội mũ che sụp mí tóc, thong thả bước ra. Người lính đứng chào, và ông sĩ quan này xuống đường chen ra phía cửa sau nhà thương có chiếc xe bít-bùng đợi sẵn. Khi người lính và cô y tá bên ngoài chờ lâu, xô cửa bước vô, thì thấy ông Giáo để bộ quần áo cũ tại đó, và biết ràng vị quan ba Nhật hồi nãy chính là ông Giáo.Ông Giáo được Nhựt bố trí lên máy bay tại Tân Sơn Nhất để qua Thái Lan, được bạn cũ là Hoàng thân Luang Pradit tiếp đón niềm nở. Năm 1945, ông Giáo cùng nhiều người yêu nước khác bị Việt Minh thủ tiêu bằng cách trấn nước tại Sông Lòng Sông Phan Thiết”.Trở lại những cự phú làng Đại Điền ở Bến Tre. Trước khi có cuộc chiến tranh Việt Pháp 1945-54, những ai có dịp ngồi xe trên đường trải đá từ Cái Nhúm, Cái Mơn, Mỏ Cày ra tới bến Bắc Hàm Luông, chắc sẽ lấy làm ngạc nhiên vì ở đây có nhiều ngôi nhà lầu nhà trệt đồ sộ, cất trên nền đúc cao tới ngực, chẳng khác dinh Tham biện (Tỉnh trưởng) hay toà Đốc lý các thành phố lớn. Người giàu nhứt ở đây là ông Hương Liêm, tên thật Huỳnh Ngọc Khiêm. Theo lời kể thì hồi nhỏ, gia đình Hương Liêm sống nghèo khổ, làm lụng vất vả hàng ngày nhưng không đủ ăn. Thân phụ ông Liêm là người tính tình cần mẫn, lam lũ nhưng biết tiện cặn, lại siêng năng. Những thập niên cuối thế kỷ 19, làng Đại Điền còn nhiều ruộng đất hoang, nhiều gò đống, cây cối um tùm.Dưới con mắt của người dân quê, những chỗ đó có nhiều ma quái Đêm đêm những bóng ma chập chờn, ít ai dám cất nhà chỗ xa xôi vắng vẻ, chỉ trù những người quá nghèo, liều mạng. Dịp may một gia đình phú hộ, muốn bán một trong những miếng đất hoang đầy yêu ma phá khuấy đó với giá rẻ mạt. Ông Liêm tìm tới mua chịu, chỉ trả một số tiền nhỏ, nhưng chủ đất vui vẻ bán và còn nói với người trong nhà:- Thằng cha Liêm này muốn chết thay cho mình.Cất nhà xong, đêm đêm ông Liêm thường thấy có hai con quỷ bưng chảo lửa trước sân mấy dân, nhưng ông không sợ. Không ngờ rằng đó là một cuộc đất quý, một loại quý điền. Mấy năm liền, ông Liêm làm ruộng trúng mùa liên tiếp. Người ở trong đất này làm ăn phát đạt như diều gặp gió. Có tiền, ông Liêm mua thêm ruộng đất, làm ăn gặp may mắn luôn, không bị ma quỷ như lời đồn.Người đòi thường nói: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đòi”. Gia đình ông Hương Liêm vượt ra ngoài thông lệ đó. Con cháu ông vẫn giữ các chức Hội đồng, Cai tổng, Tri huyện cha truyền con nối đến 4 thế hệ, vẫn còn rân rát. Nếu không có Việt Minh nổi dậy, cướp chính quyền, tiêu diệt các thành phần đại điền chủ, chắc chắn bây giò dòng họ ấy vẫn còn nhiều người giàu có, thế lực. Vốn tánh kiệm ước, giàu nhưng không khoe khoang, xài phí, ăn chơi xa xỉ, ông Hương Liêm sống rất giản dị. Nhà của ông là loại nhà tiêu biểu cho thế hệ giao thời cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là một căn nhà lớn, gồm 48 cột bằng căm xe, đen mun, bóng láng. Mỗi cây cột một người ôm không xuể. Nguyên bộ sườn nhà không dùng một cây đinh. Năm 1945, Việt Minh ra lịnh “tiêu thổ kháng chiến”, chúng buộc phải dỡ mái nhà, đồ đạc thì tản cư, nhưng chưa kịp đốt. Nếu còn nguyên vẹn, ngày nay ngôi nhà của ông Hương Liêm có thể coi như một công trình kiến trúc độc đáo của Nam Kỳ thuở trước.Ông Hương Liêm có nhiều người con, nhưng chúng tôi không nhớ rõ có bao nhiêu. Chỉ biết ông có hai người con đều làm Hội đồng. Người thứ nhứt là Hội đồng Hổ, không con. Người thứ hai là Hội đồng Cử. Về sau, một người con của Hội đồng Cử làm Cai tổng, dân dịa phương quen gọi là Cao tổng Thiến. Về phần con gái, chỉ nhó có hai bà: bà thứ 10 gọi là Mười Tán, có chồng làm Thông biện ở Bến Tre. Bà kế là Nhứt Thịnh, có chồng là Cai tổng Trị, sanh được hai người con là Hai Xiêm và Ba Tây.Trong số các con ông Hương Liêm, có người làm sui với ông Phủ Bảy Lê Quang Liêm ở Gò Công.Một người giàu có nổi tiếng khác ở làng Đại Điền là ông Hội đồng Hoài, dân chúng quen gọi ông Phó Hoài, vì trước khi làm Hội đồng, ông có làm Phó tổng. Ông Hội đồng Hoài nổi tiếng hống hách, ai cũng sợ như ông vua một cõi. Ông coi dân chúng trong làng như tôi tó, kẻ ăn người ở trong nhà, muốn bắt ai làm gì cũng được, không ai dám lừ chối, trốn tránh hay chống đối. Câu “phép vua thua lệ làng” ở đây chưa đúng nghĩa vì làng xã cũng phải sợ ông. Ông làm Phó tổng, trên làng. Về sau, ông làm Hội đồng coi như cha mẹ cả quận. Nhà ông Hội đồng Hoài, chỉ cách nhà của nhà văn Xuân Vũ một cánh đồng. Ngói lợp nhà của ông sau 15 năm vẫn còn đỏ au như mới. Ở xa nhìn thấy toàn thể ngôi nhà, lẫm lúa, tường cao, hàng rào sắt như một dinh co đồ sộ trong truyện thần tiên. Dân Bến Tre và dân chúng sống hai bên bờ sông Tiền Giang như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, đâu dâu cũng nghe tiếng ông. Không ai dám nói đến tên ông là “Hoài”. Mỗi khi cần nhắc đến chữ ấy, người ta phải nói trại ra như sau:- Đi đâu mà đi “hười” vậy?- Sao cứ ăn “hười”, không chịu làm?Có một giai thoại kể lại rằng, để dằn mặt ông Hội đồng phách lối, có một võ sư, giả làm người không biết uy quyền của ông, tìm cách gây sự, nếu cần, đánh một trận cho bõ ghét. Theo người hiểu chuyện kể lại rằng ông võ sư ấy là người Tàu lai, thuộc hàng cháu chắt của hai tướng Tàu là Tập Đình và Lý Tài của chúa Nguyễn Ánh. Trước kia họ là tướng của quân Tây Sơn. Một hôm võ sư ấy cỡi ngựa đi ngang qua trước nhà ông Hội đồng Hoài. Cái lục lạc đeo ở cổ con ngựa cứ lắc lia, kêu lớn như khiêu khích. Mấy đứa gia nhân đều chạy ra đường coi ai dám cả gan trêu chọc ông Phó. Một đứa hất hàm hỏi:- Bộ không biết đây là nhà của ai sao? Tại sao không xuống ngựa, lại làm cái lục lạc kêu lớn không để ông ngủ?- Bẩm, tôi không biết. - Võ sư trả lời.- Ừ! Để tôi vô mời ông tôi ra cho biết.Nói xong tên đầy tớ liền chạy vô nhà thưa lại. Ông Hội đồng Hoài ung dung, hách dịch bước ra hỏi:- Ê! Tên kia, làm gì lắc cái lục lạc kêu lớn quá vậy, không để ai ngủ hả?- Dạ, tôi đâu biết. Đây là đường di, tôi cứ đi. Còn con ngựa tôi lắc cái lục lạc là tại nó, chớ đâu phải tại tôi.Thấy cách trả lời cứng cỏi, không khép nép sợ sệt, Hội đồng Hoài tức giận:- Xuống đây biểu?Như chỉ đợi dịp này, ông võ sư nhảy thóc xuống ngựa, tiến tới ông Hội đồng Hoài không chút khúm núm, lo sợ. Đang cơn nóng giận, ông Hội đồng Hoài liền tát người ấy một bạt tay.Không ngờ, võ sư né qua một bên, mà còn sử dụng miếng võ độc hiểm, quật ông Hội đồng té nhào. Biết gặp phải tên có võ nghệ cao cường, Hội đồng Hoài vẫn còn giữ chút liêm sỉ của người có học võ, chấp tay xá:- Tôi xin chịu thua ông. Xin mời ông vào nhà để tôi tạ lỗi, và nhờ ông chỉ dạy thêm cho tôi.Võ sư ấy vội vàng lên ngựa, miệng còn lẩm bẩm:- Ai thèm dạy thứ phách lối như mày.Một giai thoại khác cũng được dân chúng truyền tụng với sự khoái chí vì đã làm mất mặt ông Hội đồng Hoài. Số là một ông cũng giỏi võ, mai danh ẩn tích từ lâu, chỉ làm ruộng rẫy, tên là Ba Khoan, dân Mỏ Cày ai ai cũng nghe tiếng. Một người bạn của Ba Khoan, ở cách nhà của Hội đồng Hoài một cánh đồng, có tát đìa, bắt được 2 con cua đinh, nhắn ông Ba Khoan xuống, tặng một con đem về nhậu chơi. Được tin đó, Ba Khoan xuống chơi và khi về có quải theo một con cua đinh tòn ten, mục đích để bọn gia nô của ông Hội đồng Hoài thấy, đòi tịch thâu. Ba Khoan dùng một tàu dừa lớn, chặt làm đòn gánh để quải một đầu, tay vịn một đầu. Khi Ba Khoan đi ngang nhà ông Hội đồng Hoài, bọn gia nhân thấy, liền kêu lại và nói:- Lâu nay ông tôi thèm cua đinh. Chú để con cua đinh này cho ông tôi nhậu chơi, được không?- Cua đinh của tôi, tại sao phải để cho ông nhậu?- Chú ở đâu, không biết ông tôi à?- Tôi quê mùa, không biết?Nghe tiếng cãi cọ ngoài cửa, ông Hội đồng Hoài bước ra, tự tiện gỡ con cua đinh của Ba Khoan, mà không nói năng gì cả.Bất thần, Ba Khoan dùng tàu dừa ấy, đánh bọn gia nô chạy tán loạn. Hội đồng Hoài bị một đá văng xuống mương, ướt như chuột lột. Xấu hổ, thầy trò ông Hội đồng Hoài bỏ vô nhà một nước, không nhìn lại. Theo lời dân chúng địa phương, từ đó ông Hội đồng Hoài bớt hống hách.
http://eTruyen.com
Đánh máy: Nguyễn Học
Nguồn: Nguyễn Học
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 4 tháng 10 năm 2006