SAKI (1870-1916), gốc Tô Cách Lan, viết truyện ngắn nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX. Văn phong cô đọng, dí dỏm, châm biếm pha chút quái dị, kết cấu thường rất đột ngột.Này, trong khu rừng của ông có một con thú hoang đấy" họa sĩ Cunningham lên tiếng khi ngồi trong chiếc xe hơi của bạn đưa ra ga. Suốt dọc đường họa sĩ không mở miệng ngoài câu nhận xét trên, và vì Van Cheele huyên thuyên không ngừng nên không chú ý đến sự yên lặng của người bạn đồng hành. "Chắc lại một vài con cáo lạc với mấy con chồn trú ngụ ở đây chứ gì. Chắc cũng chẳng có gì ghê hơn" Van Cheele nói trong khi họa sĩ vẫn lẳng lặng. "Lúc nẫy ông bảo có một con thú hoang là ông định nói cái gì đấy?" Van Cheele hỏi khi họ đứng trên sân ga. "Chẳng định nói cái gì cả. Tôi tưởng tượng đấy mà. Kìa tầu đã đến rồi kìa." Trưa hôm ấy, Van Cheele đi dạo như thường lệ, xuyên qua khu rừng của mình. Hắn có một con vạc nhồi trấu trong văn phòng và biết tên khá nhiều loại hoa dại, cho nên bà cô hắn có lý phần nào khi gọi hắn là một "đại-học-giả môn thiên-nhiên học". Ít ra thì hắn cũng là một "đại tản-bộ-gia". Hắn có thói quen ghi nhớ tất cả những gì nhận xét ở dọc đường, không phải với mục đích giúp cho khoa-học tự-nhiên hiện-đại mà là để có chuyện mà ba hoa sau đó. Khi thấy những cây huệ dại bắt đầu trổ hoa là gập ai hắn cũng kể, mùa nào thức nấy người ta cũng đoán ra được, nhưng ít nhất họ nhìn nhận tính hắn hoàn toàn bộc trực. Tuy nhiên, cái mà hắn trông thấy trưa hôm ấy khác xa những điều hắn đã thấy mọi khi. Trên một tảng đá nhẵn nhụi nhô ra mé trên mặt nước hồ sâu, dưới vòm cây sồi, một thiếu niên khoảng 16 tuổi đang thảnh thơi nằm sấp phơi tứ chi rám nắng còn ướt nước dưới ánh mặt trời. YÙ chừng anh chàng vừa mới lặn đâu đây, tóc ướt sũng dán vào đầu, tẽ ra hai bên, đôi mắt nâu nhạt - nhạt đến nỗi y như ánh mắt long lanh của một con cọp - đang hướng về phía Van Cheele, lười biếng quan sát hắn. Vì quá bất ngờ, lần đầu tiên Van Cheele bắt gập mình suy nghĩ trước khi lên tiếng. Thằng bé trông có vẻ hoang dại này ở đâu đến đây nhỉ? Bà vợ ông chủ nhà máy xay bột vừa mất tích một đứa con cách đây độ hai tháng, người ta cho là đứa trẻ đã bị dòng nước dùng để quay cối xay cuốn đi, nhưng nó chỉ là một đứa trẻ con, không phải một chàng thiếu niên đã gần trưởng thành. "Cháu đang làm gì thế?" hắn cất tiếng hỏi. "Dĩ nhiên là cháu đang sưởi nắng" thiếu niên đáp. "Cháu ở đâu nhỉ?" "Cháu ở đây, trong cánh rừng này." "Cháu không thể sống mãi trong rừng được" Van Cheele nói. "Kể ra thì khu rừng này tạm cho là đẹp được" thiếu niên nói với giọng kẻ cả. Van Cheele bắt đầu cảm thấy khó chịu như người đang muốn nắm bắt một vấn đề mà nó cứ tuột khỏi tầm tay. "Thế cháu ăn gì để mà sống?" "Cháu ăn th...ị...t" thiếu niên thong thả kéo dài chữ "thịt" ra như thể đang thực sự nhấm nháp. "Thật thế à? Cháu ăn thịt gì?" "Nếu ông muốn biết rõ thì đây: thịt thỏ, thịt chim rừng, thịt gà, thịt cừu, mùa nào thức nấy, cả thịt trẻ con nữa nếu cháu bắt được, nhưng thường thường trẻ con được canh giữ cẩn thận ở trong phòng, khóa trái cửa ban đêm, mà đêm đến cháu mới đi săn. Đã hai tháng nay rồi, cháu chưa được thưởng thức món thịt trẻ con." Không lưu ý đến giọng bỡn cợt trong câu nói vừa rồi, Van Cheele tìm cách lôi kéo thiếu niên trở về vấn đề đi săn trộm. "Chắc cháu khoác lác khi khoe là được ăn thịt thỏ rừng? Những con thỏ rừng ở đây dễ gì mà săn được?" "Ban đêm cháu đi săn bằng bốn chân" là câu trả lời kỳ bí. "Có phải cháu định nói cháu đi săn với một con chó không?" Thiếu niên từ từ xoay ra nằm ngửa, cất tiếng cười một cách kỳ dị, cho là "dễ nghe" thì như tiếng khúc khích, "khó chịu" thì như tiếng gầm gừ. "Cháu không tin có một con chó nào lại muốn đánh bạn với cháu, nhất là vào ban đêm." Van Cheele bắt đầu cảm thấy quả thật có cái gì bất thường ở thiếu niên có cặp mắt và miệng lưỡi là lạ này. "Ta không thể để cho cháu sống trong rừng rú như thế này được." Van Cheele dõng dạc tuyên bố. "Cháu nghĩ chắc ông thích để cháu ở trong rừng hơn là ở trong nhà của ông" thiếu niên đáp. "Nếu cháu mà không chịu nghe lời ta, ta sẽ bắt cháu phải theo." Thiếu niên bỗng lăn một vòng nhanh như chớp, nhẩy tọt xuống hồ lặn ngụp, một lúc sau nhoài nửa thân mình loang loáng nước lên bờ, chỗ Van Cheele đang đứng. Nếu là một con rái-cá thì hành động này chẳng có gì đặc biệt nhưng ở một thiếu niên thì khiến Van Cheele giật mình và hắn trượt chân ngã sóng soài trên bờ hồ đầy cỏ dại, với cặp mắt vàng như mắt cọp sát ngay mặt mình. Thiếu niên lại cất tiếng cười, lần này giọng gầm gừ xem ra lấn át giọng khúc khích, rồi lại nhanh như chớp, chui tọt vào bụi rậm mất hút. "Rõ là mọt con thú hoang kỳ dị" Van Cheele tự nhủ và đứng dậy. Bây giờ hắn mới sực nhớ đến lời nhận xét của Cunningham:" "Có một con thú hoang trong khu rừng của ông". Trên đường nhẩn nha về, Van Cheele cố nhớ lại những chuyện đã xẩy ra gần đây có thể có liên hệ tới sự hiện diện của thằng bé hoang dại, dị kỳ này. Có cái gì đã khiến khu rừng gần đây thưa vắng bóng muông thú, gà nuôi trong trại thì biến mất, thỏ rừng cũng ít hẳn đi một cách lạ thường, hắn còn nghe thấy có người phàn nàn cả cừu non cũng bị khiêng đi. Phải chăng thiếu niên đã thực sự cùng với một con chó tinh quái đi săn trộm ở vùng này? Thiếu niên nói đêm đêm đi săn bằng "bốn chân" nhưng sao lại ỡm ờ bảo không có con chó nào dám tới gần mình "đặc biệt là ban đêm"? Thật kỳ lạ. Thế rồi, nghĩ đến những sự phá phách trong vài tháng gần đây, hắn đột nhiên dừng lại - dừng cả đi tản bộ lẫn dừng suy nghĩ. Đứa trẻ mất tích cách đây hai tháng ở nhà máy xay bột, người ta cho là nó ngã rồi bị dòng nước cuốn đi, nhưng mẹ nó nhất định bảo đã nghe thấy một tiếng kêu thét ở sườn đồi phía bên kia dòng nước. Chuyện không thể xẩy ra được, dĩ nhiên, nhưng hắn muốn giá thiếu niên đừng nói đến cái chuyện kỳ quái ăn thịt trẻ con cách đây hai tháng thì hơn. Những chuyện như thế không nên nói, dù chỉ là để đùa. Lần này, trái với mọi khi, Van Cheele không thích kể lại những điều hắn vừa thấy trong rừng. Còn đâu là thanh danh của một ông Hội đồng hàng xã kiêm Thẩm phán nếu ông chứa chấp trong địa phận mình một kẻ có thành tích khả nghi. Có khi ông còn phải bồi thường nặng những con gà, những con cừu đã bị mất tích. Bữa ăn tối hôm ấy, hắn yên lặng một cách bất thường. Bà cô hắn hỏi: "Mồm miệng anh tối nay để đâu? Cứ y như là anh vừa gập một con chó sói ấy." Van Cheele không mấy hiểu tục ngữ, nên thấy câu nói hơi buồn cười. Nếu quả hắn trông thấy một con chó sói, nhất định là hắn đã thao thao bất tuyệt rồi. Bữa điểm tâm sáng hôm sau, Van Cheele nhận thấy cảm giác bất an, về chuyện gập gỡ ngày hôm trước, vẫn chưa tan, thế là hắn quyết định đón tầu đi đến tỉnh lân cận tìm Cunningham để hỏi cho ra Cunningham đã trông thấy những gì mà lại nói rằng có một con thú hoang trong rừng của hắn. Quyết định xong, hắn vui vẻ trở lại, vừa ư ử hát một điệu ca tươi sáng vừa thơ thẩn vào phòng kiếm thuốc lá hút như thường lệ. Nhưng khi bước chân vào phòng thì điệu hát vụt ngừng bặt nhường chỗ cho một lời cầu nguyện thành khẩn. Gọn gàng nằm dài trên tấm thảm nhung với điệu bộ nhàn nhã một cách quá mức là thiếu niên trong rừng. Lần này anh chàng khô ráo hơn lần trước nhưng "bộ cánh" vẫn y nguyên như cũ. Van Cheele giận dữ hỏi: "Sao cháu dám vào đây nằm hử?" "Thì ông bảo cháu là không được ở trong rừng nữa mà" thiếu niên bình thản đáp. Để che giấu bớt "tai họa", Van Cheele vội vàng mở tờ báo Morning Post ra đắp lên thân thể tồng ngồng của vị khách bất-đắc-dĩ. Ngay lúc ấy bà cô của hắn bước vào. "Đây là một cháu bé đáng thương đã lạc đường lại mất trí nhớ, không biết mình là ai và ở đâu." Van Cheele giải thích một cách tuyệt vọng, lo ngại liếc nhìn khuôn mặt đứa trẻ bơ vơ xem nó có định bồi thêm những câu nói bộc trực rất bất tiện vào cái vẻ hoang dại của nó không. Bà Van Cheele hết sức quan tâm, nói: "Có khi áo lót mình của nó có thêu tên nó." "Hình như nó cũng đánh mất cả hầu hết quần áo rồi" hắn vừa nói vừa chặn giữ cho tờ báo nằm nguyên một chỗ. Một đứa trẻ trần truồng, vô gia cư khiến bà Van Cheele đem lòng thương như thương một con mèo con bị lạc hay một con chó con vô chủ. "Chúng ta phải cố giúp đỡ nó" bà quyết định và chỉ thoáng một cái là đã có một người được phái đến nhà viên mục sư và đem về một cái va-li quần áo cũ kèm theo những món phụ như giầy, sơ-mi, cổ cồn v.v... Sau khi diện bảnh choẹ, sạch sẽ, chải chuốt, Van Cheele thấy thiếu niên vẫn chưa hết vẻ dị kỳ, nhưng bà cô hắn thì thấy chú bé thật đáng yêu. "Mình phải tạm đặt cho nó một cái tên trong khi chờ xem tên thật của nó". Bà đề nghị: "Ta cứ gọi nó là Gabriel-Ernest, cái tên này nghe hay hay và thích hợp đấy." Van Cheele vâng nhưng trong thâm tâm ngần ngại không biết đã gán nó cho một thiếu niên đáng yêu và thích hợp thật không? Nỗi nghi ngại của hắn không giảm đi chút nào trước sự kiện là con chó tai cụp, già nua, trầm tĩnh, của hắn đã chạy vọt ra khỏi nhà ngay khi thiếu niên bước chân vào, và cứ nhất định run rẩy sủa ầm lên từ cuối khu vườn ăn quả, trong khi con chim bạch yến, mọi khi cũng huyên thuyên không kém ông chủ thì nay tự hạn chế với những tiếng chiêm chiếp kinh hãi. Hơn bao giờ hết, hắn quyết định đi gập ngay Cunningham để hỏi. Trong khi hắn lái xe ra ga thì bà cô hắn sắp đặt cho Gabriel-Ernest phụ bà giúp vui lớp thiếu nhi vào buổi trà trưa hôm chủ nhật ấy. Thoạt đầu Cunningham nhất định không muốn bàn luận gì cả. "Mẹ tôi mất vì bệnh tâm thần nên ông cũng thông cảm hộ, tôi không thích bàn đến những chuyện có tính cách quái dị mà tôi có thể đã trông thấy hay tưởng mình đã thấy." "Nhưng mà ông đã thấy cái gì?" Van Cheele nhất định tra hỏi. "Cái mà tôi đã thấy nó quái đản đến nỗi không một người bình thường nào có thể nghiêm trang tin nó đã thực sự xẩy ra. Cái buổi chiều hôm cuối cùng ở nhà ông, tôi đang đứng khuất lấp sau hàng dậu, bên cái vườn quả, ngắm cảnh mặt trời lặn, đột nhiên tôi thấy có một thiếu niên trần truồng, hình như vừa tắm trong một cái hồ nào gần đấy, cũng đang đứng trên sườn đồi trơ trụi, ngắm cảnh hoàng hôn. Cái dáng đứng của thiếu niên gợi cho tôi nghĩ đến một con chó sói hay một con dã thú trong huyền thoại của tà giáo làm tôi lập tức muốn thuê nó làm người mẫu và chỉ tị nữa là tôi cất tiếng gọi. Nhưng ngay lúc ấy mặt trời lặn chìm xuống và tất cả các mầu hồng, mầu cam vụt tắt khiến quang cảnh trở nên lạnh lẽo và xám ngắt, đồng thời, một chuyện cực kỳ quái dị đã xẩy ra - đứa bé ấy cũng biến mất! "Cái gì? Biến mất không còn dấu tích gì cả à?" Van Cheele hấp tấp hỏi. "Không, và đây mới là chỗ khủng khiếp của câu chuyện này. Trên sườn đồi, chỗ thằng bé vừa đứng cách đây một giây, bây giờ có một con chó sói to lớn, mầu đen đen, răng bóng loáng, với cặp mắt mầu vàng và hung ác. Người ta tưởng..." Van Cheele không thèm dừng lại ở những cái phù phiếm như "tưởng". Hắn sấp ngửa chạy vội ra ga. Hắn bỏ ý định đánh giây thép: "Gabriel-Ernest là một con lang-nhân, nửa người nửa sói." Đó là cố gắng tuyệt vọng, không lấy gì làm ổn, của hắn để thông báo tình hình. Bà cô hắn chắc sẽ tưởng là một bức thư có mật mã mà hắn quên không cho biết giải mã. Hi vọng độc nhất của hắn là có thể về nhà trước khi mặt trời lặn. Cái xe hơi thuê ở ga chạy về chậm rì rì, sốt cả ruột, trên những con đường quê dưới ánh hồng tía rực rỡ của cảnh trời chiều. Bà cô hắn đang thu dọn những đĩa bánh mứt thừa khi hắn về đến nhà. "Thằng Gabriel-Ernest đâu rồi hả cô?" hắn gần như gào lên. "Nó vừa dẫn thằng bé Toop về nhà rồi. Cô thấy trời cũng muộn, sợ để thằng bé đi về một mình nguy hiểm. Mặt trời lặn đẹp quá nhỉ?" Tuy Van Cheele không quên vẻ đẹp huy hoàng của mặt trời lặn ở phương tây nhưng không đứng lại bàn tán. Hắn phóng một mạch qua con đường quê nhỏ dẫn đến nhà thằng Toop, một bên là dòng nước chẩy xiết của nhà máy xay bột, bên kia là sườn đồi trơ trụi nằm phơi mình. Một thoáng hồng phai của mặt trời lặn còn lờ mờ ửng ở chân trời và đến khúc ngoặt này chắc hắn sẽ thấy đôi trẻ, cao thấp chênh lệch, đang dìu giắt nhau đi. Thế rồi mầu hồng vụt tắt và mầu xám xâm chiếm thiên nhiên trong một thoáng rùng mình. Van Cheele chợt nghe thấy một tiếng kêu khiếp hãi và dừng chân. Không ai còn thấy thằng bé Toop và Gabriel-Ernest đâu nữa, nhưng người ta thấy quần áo Gabriel-Ernest trút bỏ trên đường đi nên đồ chừng thằng Toop ngã xuống nước và Gabriel-Ernest đã cởi quần áo nhẩy xuống định cứu nhưng không cứu nổi. Van Cheele và một vài người thợ làm việc cạnh đấy chứng nhận lúc ấy có nghe thấy tiếng một đứa trẻ kêu thét gần chỗ tìm thấy quần áo của Gabriel-Ernest. Bà Toop còn tới 11 đứa con khác nên tiếp nhận cái tang này một cách trầm tĩnh nhưng bà Van Cheele thì thành thật thương chàng thiếu niên bơ vơ, lạc lõng. Chính bà đã đứng ra khởi xướng gắn một tấm bảng bằng đồng ở nhà thờ với hàng chữ: "Để kỷ niệm Gabriel-Ernest, một thiếu niên không rõ tên họ thật, đã can đảm hi sinh đời sống để cứu một người khác." Xưa nay Van Cheele có thói quen chiều bà cô đủ mọi chuyện nhưng lần này hắn nhất định từ chối, không chịu đóng góp phần mình vào công cuộc thiết lập tấm bảng truy điệu Gabriel-Ernest. SAKI, "Gabriel-Ernest", The Penguin Complete Saki, 1982 Nguyễn Thị Chân Quỳnh dịch Châtenay-Malabry, tháng 9, 1997