Dịch giả: Đoàn Tử Huyến và Hoàng Thái
GHI CHÉP THỨ NHẤT CỦA I-Ô-XI-Ô-CA XU-TÔ-MU

Không có đàn bà, nhà hóa mồ côi.
Từ xưa người ta đã nói như vậy. Còn các bạn, những nữ bạn đọc thông minh của tôi ơi, đã bao giờ các bạn được nhìn vào một căn phòng của hai người đàn ông chưa vợ? Đã bao giờ các bạn được thở thứ không khí nặng nề, được thấy sự bừa bãi thường xuyên ngự lại trong các nơi trú ngụ của những chàng trai trẻ lười  biếng?
Nếu có anh em trai hoặc người yêu sống ở một thành phố khác, các bạn nên thử đến thăm họ. Tôi tưởng tượng ra sự sửng sốt của các bạn khi đẩy cửa bước vào và buột miệng kêu thốt lên: “Ôi kinh khủng quá”.
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ căn phòng của hai chàng trai trẻ vào khoảng ba năm sau chiến tranh.
(Tôi muốn báo trước cho các bạn nữ rằng đọc câu chuyện này, đôi lúc họ phải ngượng ngùng đỏ mặt. Tôi xin lỗi trước và cam đoan rằng việc này hoàn toàn không phải tại tôi).
Vào thời gian đó, Na-ga-xi-ma Xi-ghe-ô và tôi, I-ô-xi-ô-ca Xu-tô-mu, hãy còn là những sinh viên chưa vợ.
Cửa sổ căn phòng nhỏ xíu của chúng tôi thuê ở thị trấn Can-đa trông thẳng ra mấy ngôi nhà thảm hại còn in vết tích của những lần cháy, những trận ném bom và những túp lều xấu xí được dựng vội trên các nền nhà bị phá hủy. Trong phòng, bùn rác đọng lại thiếu tí nữa thì thành vũng, còn mùa hè chúng tôi không biết làm thế nào để trốn khỏi lũ rệp nhiều vô kể.
Nhưng vào thời đó, để kiếm được một căn phòng như vậy cũng phải tốn mất biết bao công sức. Anh bạn của tôi, Na-ga-xi-ma Xi-ghe-ô mặc dù cùng họ với vận động viên bóng gậy lừng danh, có một thân hình hoàn toàn không vạm vỡ tí nào. Bộ ngực lép kẹp và cặp giò gầy gò của anh ta chứng minh cho một chế độ ăn uống rất  kém và bừa bãi. Nhưng so với tôi, anh ta còn khá hơn nhiều: đã gầy đến mức khó tưởng tượng được, tôi lại còn bị thọt chân phải sau một trận bại liệt hồi còn nhỏ.
Cả hai chúng tôi thường ít khi có mặt ở trường đại học. Nông thôn lúc đó  đang đói, và chúng tôi không thể trông chờ vào sự viện trợ của gia đình; vì vậy  như phần lớn các sinh viên khác, phải tự mình đi tìm việc làm thuê để kiếm thêm. Nhưng việc làm của chúng tôi hồi đó khác xa với việc làm của những tay  sinh viên láu cá ngày nay chỉ đi chơi thuê cho các dàn nhạc Ja cũng đã kiếm được mấy nghìn bảng. Chúng tôi phải đi bốc vác, chuyên chở những thứ máy  móc dụng cụ điện nặng đến còng lưng cho các cửa hiệu, bán vé sổ số hoặc kèm hoa quả ở các bãi tắm - tóm lại, làm bất cứ việc gì mà ngày nay một thanh niên đội mũ lưỡi trai bốn góc của sinh viên nào cũng coi là rất đáng xấu hổ.
Chúng tôi mơ ước về con gái, bất kể loại nào, thậm chí - tôi xin lỗi vì hơi thô  tục - cả gái đứng đường cũng được. Thời đó, những mơ ước như vậy, thậm chí cả các cô gái đứng đường cũng khịt mũi quay lưng lại đối với những cậu sinh viên nghèo đói sống bằng những khoản tiền thuê kiếm được tình cờ như chúng  tôi.
- Giá bây giờ có được ả thật kháu nhỉ, - khi không tìm được việc gì, chúng  tôi nằm dài trên những tấm nệm bẩn thỉu, thở dài. Chúng tôi bịt miệng và mũi bằng những vải màn như khẩu trang không phải vì ốm, mà chỉ đơn giản vì phòng mấy tháng nay chưa quét dọn, bụi đến không thở được, mà cả hai đứa đều lười, không muốn quét.
Vào buổi trưa một ngày mùa thu, khi những tia nắng mặt trời lọt vào phòng như xuyên qua lần cửa chớp, trong bầu không khí tươi mát vang lên giọng hát rất rõ của Ca-xa-ghi Xi-du-do đang biểu diễn qua đài, chúng tôi ngồi xổm trên chiếc nệm vấy mỡ và húp món canh khoai tây nấu bằng bếp điện. Mùi canh hơi thoang thoảng thơm trộn lẫn với mùi hôi của chiếc giường bẩn, và không hiểu  sao tôi lại nhớ đến mùi của căn nhà thân thuộc ở nơi quê, mùi của làn da và mái tóc mẹ. Màu xanh hờ hững của bầu trời thu và những cái mùi đã gần như bị  lãng quên đó bỗng làm tôi cảm thấy buồn.
- Này, nếu cậu không ăn thì đưa đây cho tớ, - vừa liếm chiếc bát đánh xoáy được ở một cửa hiệu ăn. Na-ga-xi-ma vừa nhìn tôi một cách thèm thuồng.
- Cậu cũng đã ăn vào phần tớ hai phần rồi còn gì.
- Mẹ kiếp, không thể sống thế này được nữa. Không chỉ thể xác mà cả tâm hồn cũng ngập ngụa trong bùn.
Đôi lúc Na-ga-xi-ma bỗng trở nên đa sầu cảm, đắm mình trong hồi tưởng và bắt đầu kể về tuổi thơ của mình trôi qua ở quận I-a-ma-an-xi - một miền đồi núi với rất nhiều những vườn nho tươi tốt.
- Mùa thu, - Na-ga-xi-ma thở dài. - Ở chỗ tớ mùa thu người ta bắt đầu thu hoạch nho: những chùm quả nặng trĩu, chín mọng ánh lên dưới nắng, những cọc chống bằng gỗ phải oằn cong lại. Lũ con gái đội mũ rơm bện, bắp chân quấn xà cạp, hái nho bỏ vào giỏ. Khi chúng dướn người lên để hái, giữa khoảng gấu váy và xà cạp quấn ở bắp chân lộ ra một khoảng da trắng nõn. Lúc đó tớ còn là một thằng lỏi con bé tí mà cũng đã cảm thấy ở đấy có một cái gì rất tuyệt.
Vừa vung đũa, hình như Na-ga-xi-ma vừa trông thấy trước mắt mình bức tranh đầy quyến rũ. Phần tôi, tôi cũng cố tưởng tượng ra những cô thôn nữ tinh nghịch trong làn ánh nắng mùa thu, những bắp chân tròn trắng mịn của họ.  Được hái nho bên cạnh họ thì hạnh phúc biết mấy!
–Thôi, đủ rồi! – Giọng của Na-ga-xi-ma đưa tôi trở về thực tại không vui. - Phải đi thôi. Tự cậu cũng biết đấy, có tiền thì cũng sẽ có gái, - Na-ga-xi-ma đứng dậy, cởi chiếc áo dài bằng bông dính đầy dầu mỡ và túm lấy chiếc va-li độc nhất của hai đứa chúng tôi để trong hốc tường.
- Bẩn hết cả, - anh ta kêu to, vứt từ trong va-li ra những áo sơ mi và quần  đùi. Trông Na-ga-xi-ma giống hệt như một con chó đang dùng chân bới đất. -  Chẳng lẽ không có lấy miếng giẻ nào hơi sạch hơn à? Bẩn quá! Đấy chỉ là vì cậu  đến nhà tắm cũng không chịu kỳ cọ cho kỹ một tý.
Nhưng thực ra đó là do chúng tôi nhét quần áo bẩn vào va-li, và chính Na- ga-xi-ma biết rất rõ điều ấy.
Tất nhiên, trong thời gian đầu chúng tôi ở chung với nhau, mỗi đứa đều có quần áo riêng của mình nhưng dần dần, không ai để ý, áo sơ mi của tôi chuyển sang người Na-ga-xi-ma, còn quần lót của Na-ga-xi-ma lại sang tôi. Thêm vào  đó, để khỏi mất công giặt, chúng tôi thường chọn trong đống giẻ đã lâu không giặt này một cái gì đó còn khả dĩ ít bẩn hơn để mặc.
(Xin các bạn nữ đừng nhăn mặt, tôi đã báo trước rồi mà. Không chỉ có tôi và  anh bạn của tôi, mà cả anh em trai và cả người yêu của các bạn - tất cả chúng tôi, những kẻ chưa vợ, đều sống như thế…).
Buổi chiều tôi và Na-ga-xi-ma chia tay nhau trong đám đông chen chúc ở ga Ô-tra-nô-mit-du. Anh ta đến một khu phố giàu có để giắt con chó của một ông chủ đi chơi. Đây là giống chó săn poanh - ta và khẩu phần ăn của nó hôm nào cũng có thêm mỡ và sữa. Thậm chí sau chiến tranh ở Nhật Bản vẫn còn những người tự cho phép mình được xa xỉ như vậy đấy!
Sau khi đi xuống ngọn đồi Xi-un-ga-đai, tôi đến văn phòng của “Hội cứu trợ những sinh viên nghèo toàn Nhật Bản”. Mặc dù có tên gọi rất to tát là văn  phòng, nó chỉ gồm một căn phòng bé tí trong túp lều xiêu vẹo làm chỗ cho sinh  viên đến. Trong căn buồng nhỏ này nhiều người được giúp tìm ra việc làm hoặc chỗ ở chỉ phải thuê với giá rẻ.
Trước cửa văn phòng, một toán sinh viên - tất cả cũng gầy gò như tôi - đang  đứng đứng sưởi nắng dưới ánh mặt trời thu yếu ớt. Họ ăn mặc cũng rất xoành xĩnh - phần lớn là áo lính, một số có áo khoác ngoài đã sờn rách.
Chờ đến lượt mình, tôi bước vào văn phòng và bắt đầu đọc những tờ thông  báo thuê việc dán ở các bức tường. Cần người quét dọn ở Hoàng cung - việc này được trả cũng khá, nhưng đối với tôi thủa nhỏ bị bệnh bại liệt, nó quá sức. Cần người bán bán vé xổ số - việc này phải chạy luôn chân mà tiền công lại quá ít. Những chỗ cần thầy dậy kèm - việc này hợp với tôi hơn cả - thì đã bị sinh viên của các trường đại học tổng hợp nổi tiếng nhất - Tô-ki-ô và Hi-tô-xu-ba-xi  - chiếm hết.
Tôi thất vọng thở dài, thì chợt trông thấy ở góc phía bên dưới bảng một tờ thông báo nhỏ màu xám còn chưa bị bút chì đỏ của người thư ký văn phòng gạch chéo.
“Quận Ti-ba, cần một người dán áp-phích. Tiền công nhật - 200 Yên (đơn vị  tiền tệ Nhật Bản). Tiền tàu xe được thanh toán”.
Có lẽ những sinh viên khác cũng đã trông thấy tờ thông báo này, nhưng chắc họ chê quận Ti-ba quá xa, không phải ai cũng muốn đi tít tắp như vậy khi trong  bụng chẳng có gì.
Có nên đi không?
Tôi trầm ngâm quay con xúc xắc nằm trong túi quần. Tôi không mê tín, nhưng khi nào gặp khó khăn trong việc phải chọn một quyết định nào đó, tôi lại  nhớ đến quân bài thần kỳ này. Nhu rất nhiều sinh viên sau chiến tranh phải chịu cảnh nghèo túng thiếu thốn, đói khát, lang thang, tôi không sống dựa vào sức mình và một khi đã không tin vào mình nữa, người ta thường làm theo những  điềm báo ngẫu nhiên.
Con xúc xắc ngửa mặt chẵn lên trời. Đi!
Tôi thò đầu vào cửa sổ.
- Chọn được rồi à? - Người thư ký, một tay đàn ông trung niên đầu đã bắt  đầu bạc, giở tìm qua mấy tờ giấy, hỏi - Công ty “Bạch hạc” khu phố thứ ba, đường Xim-pô. Tôi cần báo trước với anh rằng có tiếng tăm đáng ngờ lắm đấy.
- Đối với tôi không quan trọng.
Người thư ký im lặng chìa ra tờ giấy giới thiệu mà tôi cần phải trao cho người chủ thuê.
Đường Xim-pô… Tôi đã biết đường phố này. Đi đến đó mất chừng 15 phút. Hình như Xim-pô không bị ném bom và những ngôi nhà cũ của nó vẫn còn  nguyên vẹn.
Tôi đi dọc theo hàng rào đổ nát. Từ trong các căn nhà thoảng ra mùi bữa cơm chiều, những con người đang bổ củi, đứng trò chuyện… Một ông già ca- mi-xi-bai (Người làm nghề kể chuyện bằng tranh vẽ trên giấy) ngồi trên chiếc xe đạp cũ với bộ đồ nghề buộc chặt trên giá đèo hàng đạp ngang qua tôi.
- Chị làm ơn chỉ hộ công ty “Bạch hạc” ở đâu ạ? - Tôi hỏi một người đàn bà  cõng đứa con sau lưng đang đứng cạnh một ngôi nhà. - “Bạch hạc” nào? Chẳng lẽ ở chỗ chúng tôi có công ty như thế à? Tôi không biết. Nếu số nhà mười bảy, thì nó ở kia kìa, sau ngôi nhà này.
Tôi đi theo ông già ca-mi-xi-bai dọc theo đường phố tối mờ. Ông già ngoặt sang trái rồi dừng xe lại trước một ngôi nhà bẩn thỉu. Tôi lập tức hiểu rằng cái công ty bí ẩn “Bạch hạc” ở trong đó. Thế mà tôi cứ hình dung ra một tòa nhà trắng rất hiện đại! Ngôi nhà này chẳng những không giống hạc, mà nó lại giống một con quạ vừa mới chui từ hố rác lên.
Tôi đi vào cửa và thấy một bàn điện thoại, sau bàn là một người đàn ông đầu nhọn, đeo kính, quần Mỹ màu nâu - có lẽ vừa mua ở chợ trời. Nhìn bề ngoài, anh ta có vẻ như người nước ngoài vừa đến sống ở Tô-ki-ô không lâu.
- Anh Kim, hàng tôi để lại đây, - ông già nói với anh ta, rồi tháo chiếc hòm ở xe đạp ra đặt vào góc phòng.
- Được rồi, được rồi, ngày mai lại đến nhé.
Ông già gật đầu, bước ra. 
Người đàn ông đầu nhọn cho ngón tay vào mũi ngoái rồi quay lại phía tôi.
- Cậu ở đâu thế?
- Tôi là sinh viên, thấy thông báo thuê việc của các anh. Thẻ sinh viên của tôi đây.
- Hừ… Rõ rồi… Chắc là hội sinh viên gửi cậu đến đây?
- Vâng, “Hội cứu trợ những sinh viên nghèo”.
- Thế đấy… Chúng tôi cần một người đi dán áp-phích quảng cáo. Cậu đồng ý làm việc này không?
- Đồng ý.
- Đấy kìa, - Kim nói, đưa ngón tay có chiếc nhẫn vàng chỉ vào góc phòng, nơi để những bó áp-phích cuộn tròn.
Chắc là ngày mai tôi phải đưa những cuộn áp-phích này đến quận Ti-ba xa lắc xa lơ, vào các xóm làng nông thôn để dán và phân phát cho nông dân.
Sau khi nhận tiền tàu xe và cầm một tờ áp-phích cho mình, tôi rời công ty “Bạch hạc”. Từ một nơi nào đó vẳng lại một tiếng rao của người bán bánh đậu. Tôi bỗng nghe đau nhói dưới ức. Không hiểu sao bên tai lại vang lên những lời của Na-ga-xi-ma nói lúc ăn sáng: “Không chỉ thể xác, mà cả tâm hồn cũng ngập ngụa trong bùn”.
Tôi vừa đi vừa mở tấm áp-phích ra xem. Những dòng chữ như nhảy đè lên nhau:
“ Người được khán giả A-xa-cu-xa rất yêu thích. Những giai điệu nổi tiếng qua giọng hát của E-nô-cân. E-nô-cân sẽ đến biểu diễn ở Xa-cu-ra-ma-ti!”.
Thậm chí đứa trẻ lên ba cũng biết tiếng E-nô-cân. Đó là diễn viên nổi tiếng nhất chuyên hát những bài hát vui. Anh ta không những biểu diễn trên sân khấu mà còn đóng phim. E-nô-cân luôn luôn được mời đến những phòng hòa nhạc tốt nhất của sáu thành phố lớn nhất trong nước. Và thật không hiểu tại sao con người danh tiếng kia lại định đi biểu diễn ở các thị trấn quê mùa hẻo lánh của  quận Ti-ba này? Và nếu thế thật đi nữa, thì tại sao anh ta lại giao việc quảng cáo cho cái công ty không ai biết đến tên tuổi bao giờ này? Ở đây có một điều gì  khó hiểu. Tôi lại nhớ tới lời của người thư ký văn phòng về cái tiếng tăm đáng nghi ngờ của công ty “Bạch hạc”.
Nhưng nghĩ cho cùng, điều đó có quan hệ gì đến tôi! Nếu tôi đi dán áp-phích cho họ ở Xa-cu-ra-ma-ti, tôi sẽ được nhận 200 Yên và tiền đi đường, ngoài ra tôi không cần gì thêm.
Với số tiền vừa nhận được, tôi vào quán gọi món ô-den (một món ăn Nhật  Bản) mà đã lâu tôi không ăn, rồi trở về nhà. Không thấy Na-ga-xi-ma đâu cả -  chắc anh ta còn đang lang thang ở một nơi nào đó.
Trùm kín người trong chiếc chăn cũ nặc mùi mồ hôi và bụi, tôi cố ngủ một  giấc, nhưng không được. Tôi nghĩ về lũ con gái hái nho dưới ánh mặt trời mùa thu. Tim tôi nhảy rộn lên mỗi khi hình dung ra những bắp chân trắng nõn của  họ…
Mười giờ sáng, bỏ mặc Na-ga-xi-ma tối qua kiếm ăn về đang nằm co quắp ngủ trên nệm, tôi quấn chiếc áo mưa cũ lên người, bước ra khỏi nhà.
- Sao cậu có vẻ cau có thế? Làm việc được chứ? - Kim hỏi tôi. Anh ta chỉ  mấy cuộn áp-phích: - Bỏ tất cả mấy cái kia vào túi rồi đến chỗ có có ghi trong  tờ giấy này.
Trong giấy ghi tên bốn làng nằm cạnh đường lớn. Không sao! Tất nhiên, việc thế này một ngày chỉ được có 200 yên cũng có hơi ít, nhưng từ chối bây  giờ cũng đã quá muộn.
- Được rồi - tôi đồng ý, - Những điều viết trong áp-phích này có thật không  đấy?
- Thế cậu nghĩ sao? - Kim phá ra cười rồi chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt ti hí.
Tôi chẳng có gì để hỏi thêm nữa.
Tôi nghĩ rằng áp-phích phải nhẹ lắm, dù sao cũng chỉ là giấy; nhưng khi  mang túi lên vai, tôi mới hiểu rằng mình đã nhầm: túi khá nặng, đặc biệt là với  tôi, người hồi bé bị bệnh bại liệt.
Đến Ti-ba tôi đi trên một toa tầu điện ngầm gần như không có khách. Với túi mang trên lưng, người ta có thể tưởng nhầm tôi là một anh chàng ở thành phố về làng để mua khoai tây. Hon nữa, trong toa quả có mấy người như thế thật. Đến ga I-ti-ga-va tôi chuyển sang ô-tô-buýt chạy dọc theo đường nhựa. Con  đường chạy qua cây thông cổ thụ I-ti-ga-va nổi tiếng. Cạnh cây thông có một  tấm áp-phích to tướng vẽ chân dung của I-kê-be Ri-ô.
Chiếc ô-tô-buýt đã ra khỏi thành phố. Khu rừng phong đầy nắng. Những cây  dẻ gần như trơ trụi, lá rụng xuống nằm rải rác trên mặt đường như những đồng  tiền vàng lớn. Những mái nhà nông dân bằng rạ trông có màu đỏ thẫm.
Người soát vé, một cô gái với đôi môi tô son đỏ chót, thông báo rằng sau hai bến nữa sẽ đến Xa-cu-ra-ma-ti.
Cuối cùng, tôi bước xuống xe.
Trước đây tôi cũng đã từng đi dán áp-phích. Năm ngoái, hồi bầu cử tổng  thống, tôi, cũng như phần lớn sinh viên, ủng hộ đảng cấp tiến. Nhưng chính trị  là chính trị, không có tiền thì không thể sống được, cho nên chúng tôi cũng  không đến nỗi tự trách mình lắm nếu phải đi dán quảng cáo có ảnh của ứng cử  viên đảng bảo thủ.
Nhưng bây giờ, đi nhét áp-phích vào hòm thư của các nhà nông dân, tôi cảm thấy một cái gì như sự cắn rứt lương tâm.
Trong làng rất vắng vẻ. Có lẽ tất cả mọi người đang ở ngoài cổng. Chỉ có  những ả gà mái thơ thẩn trong sân, thấy tôi liền chạy tản ra. Trong một ngõ, tôi  nhặt lên một số tạp chí cũ “Những ngôi sao điện ảnh”, nơi thường có in ảnh những diễn viên nổi tiếng và những bài hát mốt. Tôi nhét tờ tạp chí vào túi áo để trên đường về có cái đọc. 
Có hai cậu bé đi dọc theo con đường làng sạch sẽ, tay cầm nhánh lá có mấy con sâu.
- Cái gì thế em?
- Chúng em cũng không biết.
- Thế các em có biết đọc không? Thí dụ như tấm áp-phích này chẳng hạn, - Tôi dúi cho hai cậu bé một cuộn giấy.
- Hoan hô! E-nô-cân sẽ đến chỗ chúng ta! - Chúng hét tướng lên.
- Các em biết anh ta à?
- Biết chứ. Em với bố đi xem phim và thấy E-nô-cân rồi. Nhung em quên mất tên phim.
- Còn bây giờ thì em sẽ được trông thấy người thật, - tôi mỉm cười nói. - Các em có thể giúp anh một việc được không?
- Còn xem việc gì đã chứ? - Hai cậu bé trịnh trọng tuyên bố.
- Việc đơn giản thôi: cấn phải dán những tờ áp-phích này lên tường của trường học và lên hàng rào cạnh nhà trưởng thôn. Làm được không?
- Được, - hai cậu bé sung sướng đồng ý.
Đến làng tiếp theo, tôi cũng làm y như vậy, lũ trẻ rất sẵn sàng giúp tôi. Ở trong thị trấn có khó hơn nhưng đến lúc đó thì chiếc túi sau lưng cũng đã xẹp đi, và khi tôi đến Xa-cu-ra-ma-ti thì nó trở nên hoàn toàn trống rỗng như chiếc bụng nhiều kiên nhẫn của tôi.
Tôi về đến Tô-ki-ô lúc trời đã bắt đầu tối. Cần phải đến công ty “Bạch hạc” để trả lại cho Kim chiếc túi và nhận tiền công. Kim vẫn ngồi sau bàn như cũ và đang tập trung tâm trí vào việc ngoáy mũi.
- Thế nào, dán hết rồi chứ?
- Hết rồi.
- Cám ơn cậu.
Rút từ trong ngăn bàn ra một túi da căng phồng, anh ta đếm rồi lấy mười tờ hai mươi yên và đặt xuống trước mặt tôi.
- Đừng tiêu hoang đi nhé. Tại sao cậu có vẻ cau có thế? Trông phờ phạc lắm.
- Thế à?
- Rất phờ phạc. Hay bị bồ đá?
- Tôi không có bồ bịch nào cả.
Tôi ngạc nhiên sao mình lại thành thật đến thế, mặc dù thật ra mà nói, bây giờ tôi cảm thấy nhiều cảm tình đối với Kim hơn là lúc sáng. Có thể, trong thâm tâm, tôi hy vọng rằng kết bạn được với Kim, tôi bao giờ cũng có thể kiếm ra việc làm, và thậm chí đôi lúc còn được anh ta cho đồ hộp Mỹ nữa.
Tất nhiên Kim không thể biết được những suy nghĩ sâu kín của anh sinh viên nghèo, nhưng giọng nói đầy tin cậy của tôi làm anh ta mỉm cười.
- Ôi cậu ngốc lắm! Chẳng lẽ cậu không thích con gái à?
- Vâng… à…tất nhiên.
- Thế thì vì sao?
Ngọn đèn điện treo trên chiếc đầu nhọn của Kim toa sáng mờ mờ. Anh ta, bằng thứ tiếng Nhật trọ trẹ bắt đầu lên lớp cho tôi, lấy thí dụ trong kho thực tế rất phong phú của mình, rằng cái quan trọng nhất là phải tạo ra một ấn tượng tốt đối với con gái. Để làm việc đó cần bắt cô ta phải chú ý đến mình. Nhưng đấy mới là một nửa. Con gái ngày nay thích đàn ông nếu không có túi tiền căng phải có tính cách mạnh.
- Cần phải hành động, đúng, đúng, cần phải hành động, chứ không múa lưỡi nói xuông.
- Anh bảo phải hành động, nhưng tôi thì có thể làm cái gì?
- Ôi cậu ngốc! - Kim phá ra cười, - Thí dụ, cứ tán bừa với chúng đủ mọi thứ linh tinh.
- Linh tinh à?
- Tớ bảo cậu ngốc lắm mà. Để đặt được mục đích, phương tiện nào cũng tốt cả. Chẳng việc gì phải ngượng nghịu ở đây hết. Cần phải tỏ ra lì lợm và nói láo không biết xấu hổ. Phải tấn công trên khắp các mặt trận: gọi điện, hẹn nơi gặp mặt, và liên tục nhắc đi nhắc lại rằng anh yêu em. Và nếu cô ta trông thấy cậu đi với người khác thì càng tốt. Điều này gây ấn tượng rất mạnh. Không người đàn bà nào trong trường hợp đó có thể bình tĩnh được. Tai họa cho họ là họ hay tự ái và dễ nổi máu khùng.
Hay tự ái và dễ nổi máu khùng! Ở bên nước của Kim, tất cả mọi người đều hay tự ái và dễ nổi máu khùng. Thức ăn cay làm cho máu nóng lên. Ở bên ấy đến bắp cải cũng đem ngâm ớt cay. Thêm vào đó họ lại ăn nhiều thịt. Người Nhật Bản ăn uống điều độ nên không thể làm theo lời khuyên của người Triều Tiên được. Ở đây, giá như có tiền….
- Xin lỗi anh, Kim, tôi sẽ còn đến nữa. Còn bây giờ tôi rất mệt.
- Thôi được. Nếu cần việc làm nữa, cứ đến đây nhé.
Chia tay với Kim xong, ra đến cửa tôi lại hỏi:
- Thế có thật E-nô-cân đến biểu diễn ở Xa-cu-ra-ma-ti không?
Lần này thì Kim nói thật.
- Mắt cậu để đâu? Cậu thử nhìn kỹ xem, trong áp-phích đề là Ê-no-cân chứ có phải là E-nô-cân đâu?
- Thế các anh không sợ người ta bắt phải chịu trách nhiệm về tội lừa dối à?
Đôi mắt của Kim sau cặp kính dày lóe lên cười mỉa mai; anh ta lắc đầu nói:
- Ở các làng không có ai tin rằng E-nô-cân có thể đến biểu diễn ở chỗ họ. Thường thường, các diễn viên ít nổi tiếng hơn sẽ thay anh ta. Không sao, cho đến nay chưa có vụ rắc rối nào cả.
Thần kinh của Kim vững lắm, chứ không như người Nhật Bản chúng tôi.
Suốt cả ngày hôm sau trời mưa không ngớt. Mái nhà chẳng bao lâu bị thấm nước, trên trần nhà xuất hiện mấy chỗ dột. Hơi lạnh ẩm ướt qua cửa sổ thốc vào phòng. Gần trưa, ngoài đường nghe có tiếng kèn, nhưng chắc người thổi không đủ hơi nên giữa chừng bị ngắt quãng, rồi một lúc sau lại vang lên.
Na-ga-xi-ma đi tìm việc làm. Còn tôi, vừa nhận được hai trăm yên tiền công dán áp-phích, hôm nay quyết định nghỉ ở nhà. Đáng lẽ cần phải đến trường một tý, nhưng sau ngày làm việc, người cứ mềm nhũn như bằng bông, không muốn bước chân ra khỏi phòng nhất là ngoài trời lại còn đang mưa.
Nằm trên đệm, tôi chăm chú nhìn trần nhà đầy những vết loang lổ. Đây là một trò tôi rất thích. Thuở bé, mỗi khi đau bịnh, tôi nằm suốt ngày và nhìn lên những vết bẩn trên trần nhà như vậy. Chúng khi thì trông giống những đám mây, khi thì biến thành những con quái vật, có lúc lại hóa ra một lâu đài bí mật.
Thỉnh thoảng tôi ngủ thiếp đi, tỉnh dậy, rồi lại mơ màng. Tiếng kèn đồng buồn bã ngoài cửa sổ hòa lẫn với tiếng mưa rơi tí tách.
Túi chiếc áo mưa móc trên đinh căng phồng lên, và tôi nhớ rằng trong đó có số tạp chí “Những ngôi sao điện ảnh” cũ tôi nhặt được hôm qua trong sân nhà của một nhà nông dân. Trang nào cũng có ảnh các diễn viên đứng với tư thế tự nhiên, những khuôn mặt được sửa phim rất nét, những nụ cười lộng lẫy và những núm đồng tiền duyên dáng trên má các nữ diễn viên nổi tiếng. Không biết cuộc sống của những con người này như thế nào nhỉ?
Thực ra mà nói, giữa tôi và bọn họ khác nhau không nhiều lắm. Tôi dán áp-phích được hai trăm yên còn họ phô hàm răng trắng kể lại cho thiên hạ về cuộc đời của mình.
“Một đôi bạn keo sơn, - tôi đọc dòng chữ ghi dưới một bức ảnh màu, - diễn viên I-kê-be và nữ diễn viên I-a-ma-gu-ti I-ô-xi-cô -một cặp lý tưởng”. Tay thanh niên có khuôn mặt thanh tú, đa tình, da mềm mịn, còn cô gái có cặp mắt vẽ công phu. Ôm nhau họ từ trong ảnh nhìn ra cười.
Trang cuối cùng, đã ngả sang màu vàng, của tờ tạp chí dành cho độc giả.
“Những người hâm mộ các ngôi sao điện ảnh ở quận Xa-ga và Na-ga-xi-ma Xi-ghe-ô-Na-ga-xi-ma-nô đề nghị tổ chức hội nghị những người bạn điện ảnh”.
Hừ… Tình bạn nẩy sinh một cách dễ dàng như bong bóng trong vũng nước ngoài đường dưới cơn mưa. Và cũng dễ dàng tan biến đi. Biết đâu, cả tình yêu cũng vậy…
Vừa ngáp vì buồn, tôi vừa nhẫm lại nghiên cứu những bức thư của độc giả.
“Tôi là người say mê mãnh liệt tài năng của nữ nghệ sĩ ba-lê Xi-xu-ma Cây-kê. Giá có được một người em như vậy thì thật là tuyệt diệu! Xô-bai-a-xi Xê-ta-rô. Quận Hi-ô-gô, xã Mu-cu-ra, làng I-ô-xi-môtô”.
“Tôi là một cô gái bình thường, mười chín tuổi, rất thích xem phim… nếu anh cũng yêu thích Va-cai-a-ma Xe-xu-kô, xin viết thư cho tôi theo địa chỉ: Tô-ki-ô khu phố Xê-đa-ta-ni, đường Cây-đô, số nhà 808, Mô-ri-ta Mi-xu”.
Đặt tay xuống dưới đầu, tôi nhìn lên trần nhà, cố hình dung ra cô gái đó như thế nào nếu cô ta viết cho tạp chí như vậy thông báo cả địa chỉ của mình. Nhưng có thể thử xem. Hai ngày sau cô ta sẽ nhận được thư tôi và nếu như mọi việc thuận lợi, cô ta sẽ là của tôi.
Như vậy đó, bắt đầu sự quen biết với người con gái mà sau này tôi đã ruồng bỏ như một con chó đáng thương…
Có thể rằng tất cả những gì xảy ra giữa chúng tôi đều là tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng chẳng phải nói chung tất cả mối quan hệ giữa con người với nhau đều là ngẫu nhiên đó sao? Những cặp vợ chồng thề nguyền suốt đời bên nhau cũng ngẫu nhiên làm quen với nhau sau một bàn ăn ở khách sạn. Tình yêu của họ bắt đầu từ một lần gặp gỡ tình cờ, thậm chí kỳ quặc. Nhưng phải trải qua khá nhiều thời gian, tôi mới hiểu được rằng sự ngẫu nhiên hoàn toàn không phải là vô nghĩa, là kỳ quặc. Tôi là kẻ vô thần, nhưng tôi nghĩ rằng sự phụ thuộc hàng ngày của con người vào các hiện tượng ngẫu nhiên là một trong những con đường mòn dẫn người ta đến với niềm tin của Chúa.
Không ai trong cái xã hội hiện đại này mơ ước được gặp một người đàn bà lý tưởng, nhưng riêng tôi, bây giờ tôi vẫn mơ ước về một con người như vậy.