Dịch giả:Phương Hoài
NHÀ DƯỠNG LÃO

 Từ năm lên chín tôi đã sợ phải vào nhà thương tâm thần hay viện dưỡng lão.
Để không phải vào trại tâm thần không khó. Chỉ cần cư xử cho tốt, nghe lời người lớn, và không được than vãn, không bao giờ được than vãn. Những ai than vãn về thức ăn không ngon hay tức giận trước hành vi của người lớn dần dần đều bị đưa vào trại tâm thần. Khi quay về, họ trở thành những người trầm lặng và ngoan ngoãn, còn buổi tối họ kể cho chúng tôi nghe những chuyện rùng rợn về các y tá độc ác.
Tất cả những ai không đi được đều phải vào nhà dưỡng lão. Chẳng vì lý do nào hết. Chỉ đơn giản vậy thôi. Chỉ những ai có thể học được một nghề mới tránh được viện dưỡng lão. Sau khi tốt nghiệp, những học sinh thông minh vào đại học, những ai kém hơn vào các trường trung cấp hay dạy nghề. Chỉ những học sinh nỗ lực và giỏi giang hơn cả mới vào đại học. Tôi học giỏi nhất. Nhưng tôi không đi được. Thỉnh thoảng những đứa không biết đi được người thân đón về nhà sau khi tốt nghiệp. Tôi không có người thân.
°
Sau khi biết rằng một ngày nào đó người ta sẽ đưa tôi đến nơi đáng sợ đó, sẽ đặt lên giường và để cho chết vì thiếu thức ăn và không được chăm sóc, mọi thứ trong tôi đều thay đổi. Thầy cô và cô giáo phụ trách nuôi  không còn là những người lớn thông thái và uy lực nữa. Tôi rất hay lắng nghe các thầy giáo và thầm nghĩ có thể chính người này sẽ đưa mình đi, bắt mình chết. Người ta giảng cho tôi nghe về các định lý và các bất đẳng thức. Tôi tiếp thu bài học một cách máy móc. Người ta kể cho tôi nghe về các đại văn hào, điều này chẳng thú vị gì. Người ta kể cho tôi nghe về các trại tập trung của phát xít Đức – tôi bỗng bật khóc.
nhiều đâu, chỉ chút xíu thôi. Hầu như ai cũng làm được, thậm chí cả những đứa ngu ngốc nhất. Cần phải đứng dậy và bước đi.
Các thầy giáo không hiểu tại sao lúc nào tôi cũng khóc. Tại sao tôi chẳng muốn nói chuyện với ai trong số họ, không muốn viết luận về đề tài “tự do”. Thậm chí những người thông minh nhất và tốt bụng nhất trong số họ, những người tuyệt vời nhất cũng từ chối nói với tôi về tương lai của tôi. Những chuyện khác tôi không quan tâm.
°
Năm đó, khi tôi học hết lớp tám, trong cô nhi viện của chúng tôi lớp chín và lớp mười bị giải tán. Những học sinh lớp trên được đưa tới các cô nhi viện khác. Một số bị đưa đi trại tâm thần. Những thanh niên đầu óc bình thường bị đưa đến trại tâm thần. Họ không gặp may: điều này thường xảy ra với những người mắc chứng liệt não, họ có khuyết tật về phát âm. Uỷ ban tới kiểm tra không nhiều lời, chuyển ngay họ tới nội trú đặc biệt dành cho những trẻ chậm phát triển. Tôi trở thành đứa trẻ vị thành niên duy nhất. Theo luật, tôi có quyền học hết lớp mười, nhưng mấy ai quan tâm đến luật. Tôi bị đưa đến nhà dưỡng lão.
Xe hơi của cô nhi viện nhảy chồm chồm trên con đường mấp mô. Đích thân thầy hiệu trưởng cô nhi viện chở tôi đến viện dưỡng lão. Ông cười ngoác miệng khoe những chiếc răng vàng, hút thuốc Cosmos – ông chỉ hút mỗi Cosmos[1]. Hút thuốc và nhìn vào ô cửa trước mặt.
Người ta đưa tôi ra khỏi xe cùng với xe lăn. Dù sao tôi cũng là một kẻ tàn tật được ưu tiên. Học sinh đã tốt nghiệp cô nhi viện không được phép có xe lăn. Người ta đưa họ tới nhà dưỡng lão không có xe lăn, đặt lên giường và bỏ mặc ở đó. Theo luật, nhà dưỡng lão trong thời hạn một năm phải cung cấp xe lăn cho họ, đó là theo luật. Trong nhà dưỡng lão nơi tôi được đưa đến chỉ có một cái xe lăn. Một cho tất cả. Những ai còn có thể lết từ giường lên xe lăn “dạo chơi” trên xe lăn theo thứ tự. “Cuộc dạo chơi” chỉ giới hạn đến bậu cửa của viện dưỡng lão.
Mùa thu. Tháng chín. Trời vẫn chưa lạnh. Những ngôi nhà gỗ thấp tè xây từ trước cách mạng. Không có cổng. Trong sân mọc ngập cây ngưu bàng, những con người kỳ dị mặc những bộ quần áo cổ lỗ và mũ có vành che tai đang đi lại. Có tiếng hát đồng ca. Những bà già thường xuyên hát đồng ca. Không thấy bóng các bà lão, họ ở cả trong nhà. Bài hát vọng ra từ sâu bên trong:
Ôi, Kalina đang nở hoa
Trên đồng bên con suối
Chàng trai trẻ,
Tôi yêu…
Không bao giờ. Cả trước đó và sau này, không bao giờ tôi còn được nghe tiếng hát than vãn tuyệt vọng đến như vậy nữa. Khi đi trên xe tôi hồi hộp. Sau khi nghe tiếng hát đồng ca, sự hồi hộp chuyển thành dửng dưng. Tôi chẳng thiết gì nữa. Người ta đẩy chiếc xe lăn của tôi vào bên trong. Hành lang tối om, bốc mùi ẩm ướt và mang hơi hướm của chuột. Họ đẩy tôi vào một căn phòng, bỏ đó và đi mất. Một căn phòng không lớn. Tường loang lổ. Hai chiếc giường sắt và một cái bàn gỗ.
Một lúc sau thầy hiệu trưởng cô nhi viện và một lãnh đạo nhà dưỡng lão bước vào phòng cùng với bà bảo mẫu. Bà bảo mẫu tôi đoán ra nhờ màu áo xanh. Bà bảo mẫu lại gần tôi, chăm chú xem xét.
Ôi trẻ quá! Cái gì thế này! Chuyển tới cả những đứa như thế này ư? Cái gì thế này? Mất hết cả lương tâm!
Bà ta bỏ đi. Thầy hiệu trưởng cô nhi viện căng thẳng rít thuốc, tiếp tục câu chuyện bị gián đoạn.
Dù sao anh cũng nhận chứ? Nhờ anh đấy.
Anh đừng có nài. Anh hãy hiểu cho tôi. Giờ nó mười sáu tuổi. Phải không?
Mười lăm – tôi chỉnh lại một cách vô thức.
Mười lăm – người đàn ông gật đầu - Ở chỗ tôi, nó sẽ chết sau một tháng, nhiều nhất là sau hai tháng. Tôi chỉ có quyền chôn những người không dưới mười lăm tuổi. Đây là nhà dưỡng lão, anh hiểu chứ? Tôi sẽ nuôi nó ở đâu trong hai năm trời? Tủ lạnh thì hư hỏng hết cả rồi. Hư hết, anh hiểu không? Xin anh hãy nhớ, hãy nhớ lại anh đã trả lời tôi thế nào khi tôi nhờ anh giúp mấy cái tủ lạnh? Anh nhớ chứ? Và đừng có nài. Anh hãy đưa cậu ta tới trường nội trú dành cho trẻ chậm phát triển, họ có quyền chôn cả những đứa trẻ sơ sinh.
Anh đừng quyết định vội, chúng ta nói chuyện đã. Tôi phải gọi điện.
Họ bỏ đi. Tôi ngồi một mình. Trời chập choạng. Có con mèo chạy trong hành lang.
Bỗng căn phòng ngập ngụa một mùi kỳ lạ và rất khó chịu. Mỗi lúc một thối hơn. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bà bảo mẫu bước vào, mang theo cái khay. Đặt cái khay xuống sàn, bật đèn lên. Tôi có vinh dự được nhìn thấy căn nguyên của thứ mùi kỳ lạ. Đó là cháo đậu. Những cục màu xanh nhớp nhoét, có vẻ ngoài tương xứng với mùi. Ngoài cháo, trên khay còn có một đĩa súp và một mẩu bánh mì. Không có thìa.
Bà bảo mẫu nhìn xuống khay, nhận thấy không có thìa. Đi ra. Mang thìa đến. thìa dính đầy cháo đậu đã khô. Bà bảo mẫu bẻ một mẩu bánh mì của tôi và cẩu thả dùng nó lau cái thìa. Ném cái thìa vào đĩa súp. Bà tiến lại gần tôi. Chăm chú nhìn.
Không được. Không qua khỏi mùa đông. Chắc chắn vậy.
Cô ơi – tôi hỏi – tại sao ở đây lại tối và cửa sổ gió lùa vậy cô?
Đây là phòng cách li, một căn phòng tốt, và cũng gần lò sưởi hơn. Nhưng người ta sẽ xếp mày vào phòng chung dành cho người liệt. Chỗ đó mới gọi là gió lùa. Tao đã nói là mày không sống được qua mùa đông mà. Trại này quá cũ rồi.
Chỗ các cô có nhiều mèo không?
Chỗ chúng tao chẳng có con mèo nào hết.
Nhưng cháu nhìn thấy một con mèo chạy trong hành lang.
Đó không phải là mèo, đó là chuột.
Chuột ư? Vào ban ngày?
Thì sao? Cả ngày lẫn đêm. Ngày thì còn đỡ, chứ đêm, khi chúng chạy trong hành lang, bọn tao ngồi trong phòng đóng chặt cửa lại và không dám ra ngoài. Mà bọn chúng dữ lắm, mới đây chúng ăn ngoéo tai của một bà già bị liệt. Mày ăn đi, nguội rồi.
Bà ta đi ra. Tôi kéo khay lại gần, ăn súp một cách vô thức. Cứt, súp – như cứt. Cháo – như cứt. Cuộc sống – như cứt.
Tôi ngồi. Suy nghĩ. Bỗng thầy hiệu trưởng chạy vọt vào phòng vui vẻ xoa tay.
Gallego, người ta không để em lại đây và cũng chẳng cần thiết. Chúng ta quay về, về lại cô nhi viện. Em muốn về cô nhi viện không?
Có.
Vậy là phải.
Thầy nhìn những đĩa thức ăn.
Em vẫn còn kịp bữa chiều. Chúng ta cũng không đưa em tới trường nội trú tâm thần. Hiểu không? – và thầy chậm rãi nhắc lại – Ga-lle-go?
Gonzalez Gallego – tôi đính chính lại.
Sao cơ? Em biết nhiều đấy. Thầy nói Gallego, tức là Gallego.
Chúng tôi đi về lại cô nhi viện. Vẫn kịp bữa tối.
Nào, cậu hãy kể xem ở đó thế nào? – một chàng trai trên xe lăn hỏi tôi lúc ăn tối.
Đêm – tôi trả lời – đêm tớ sẽ kể.
Chú thích:
[1] Một lọai thuốc lá hạng sang thời đó