Lưỡi lê là một vật rất tuyệt, hiệu quả. Chỉ một nhát – đối phương gục ngã. Lưỡi lê xuyên thủng người kẻ thù. Lưỡi lê không bao giờ trượt, lưỡi lê hầu như luôn trúng đích. Viên đạn bay mò mẫm. Viên đạn thật xuẩn ngốc. Viên đạn có thể bay sượt qua, viên đạn có thể găm vào cơ thể và gặm nhấm cuộc sống con người từ bên trong một cách đê tiện. Lưỡi lê không phải là viên đạn, lưỡi lê là vũ khí thô sơ, thứ cuối cùng còn sót lại của thế kỷ mười chín. Trên bìa cuốn sách đầu tiên của Nicolai Ostrovski có dập hình lưỡi lê. Nhà văn mù, bất động, không thể đọc được cuốn sách của mình. Tất cả những gì ông có thể là cứ rờ rẫm quanh hình lưỡi lê hết lần này đến lần khác. Lưỡi lê bền nhất trên đời là lưỡi lê bằng giấy. Người Viking thời xưa là những chiến binh tài giỏi nhất thế giới. Những chiến binh dũng cảm, những con người rắn rỏi. Chớ nên vội xoá sổ một chiến binh Viking gục ngã. Một chiến binh Viking gục ngã, với chút tàn lực cuối cùng sẽ dùng răng cắn chân kẻ thù. Một cái chết từ từ, nguyền rủa cuộc sống vô nghĩa, giày vò chính mình và những người thân bằng những lời than thở bất tận về số phận không may là kết cục dành cho kẻ yếu ớt. Câu hỏi muôn đời của Hamlet không làm người lính bận tâm trong lúc chiến đấu. Sống chiến đâu và chết chiến đấu cũng đều như nhau. Cố tình sống nửa vời, chết nửa vời là điều đáng ghê tởm và hèn mạt. Điều lớn nhất mà một con người bình thường có thể hy vọng là được chết trong chiến đấu. Nếu gặp may, nếu rất gặp may, con người có thể được chết trong khi bay. Chết trong khi đang nắm chặt dây cương hay cần lái máy bay tiêm kích, hay đang cầm mã tấu hay tiểu liên, búa thợ rèn hay quân cờ Vua. Nếu bị chặt một tay trong trận chiến – không sao. Có thể cầm kiếm bằng tay kia. Nếu gục ngã, chưa phải đã là hết. Vẫn còn một cơ hội – cơ hội mỏng manh, được chết như một chiến binh Viking, dùng răng cắn chặt gót kẻ thù. Không phải ai cũng gặp may. Không phải ai cũng làm được như vậy. Homer và Beethoven là những ngoại lệ may mắn, những cá biệt chỉ càng nhấn mạnh một điều rằng cơ hội là rất không đáng kể. Nhưng phải chiến đấu, không còn cách nào khác, khác đi là không trung thực và xuẩn ngốc. Tôi đã khóc khi đọc cuốn sách đó. Sách cũng như người có rất nhiều loại. Nếu suy luận, nếu cố suy luận, thì truyện tranh cũng là sách. Những cuốn sách đẹp với những bức tranh đẹp. Như thứ đồ chơi ngộ nghĩnh – con bướm giấy có vòng đời một ngày – truyện tranh có lợi thế rất lớn so với những lọai sách khác – trẻ em không khóc khi đọc chúng. Những đứa trẻ vui vẻ chẳng cần phải khóc vì những cuốn sách. Câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” chẳng hề có ý nghĩa gì với chúng. Chúng chỉ là những đứa trẻ, những đứa trẻ mà thôi, còn quá sớm để bắt chúng phải suy nghĩ. Tôi đọc cuốn sách, đọc và khóc. Khóc vì bất lực và ghen tị. Tôi muốn đi tới đó, muốn lao vào trận chiến, nhưng tôi không thể chiến đấu được. Tôi không thể làm bất cứ được điều gì, đã quen rồi mà tôi vẫn khóc. Có những cuốn sách làm thay đổi nhãn quan về thế giới, những cuốn sách mà sau khi đọc, người ta muốn được chết hay sống khác đi. Nếu bạn muốn tìm hiểu chuyện gì, hãy hỏi người hay sách. Sách cũng là người. Như con người, sách có thể chỉ bảo, như con người, sách có thể nói dối. Tôi không chỉ đọc sách, tôi muốn biết thế giới được sắp xếp ra sao. Tôi muốn biết tôi phải sống ra sao trong thế giới đó. Tôi đã hỏi người – người không trả lời. Tôi đi tìm câu trả lời trong sách – sách lảng tránh câu trả lời. Những cuốn sách kể chi tiết – quá chi tiết, rằng cần phải sống ra sao nếu bạn có tất cả. Những nhân vật trong sách đau khổ khiến tôi ngạc nhiên. Tôi, một con người bằng xương bằng thịt, không hiểu họ, những nhân vật trong sách, không chấp nhận nổi những đau khổ giấy của họ. Họ cố đau khổ, giống như các giáo viên ở trường. Thầy cô khuyên đọc sách, tôi đã đọc. Tôi đã đọc mọi thứ, những trang sách lê thê chán ngắt mô tả cuộc sống vô nghĩa của những con người yếu đuối và lười nhác. Thầy cô gọi họ là anh hùng – tôi không hiểu, sự anh hùng của họ ở chỗ nào? D’Artagnan mà là anh hùng ư? Anh hùng gì anh ta nếu anh ta có đầy đủ cả chân lẫn tay? Anh ta có tất cả - tuổi trẻ, sức khoẻ, sắc đẹp, kiếm và biết đấu kiếm. Anh hùng ở chỗ nào? Một người hèn nhát và bội bạc, luôn làm những điều ngu ngốc vì danh tiếng và tiền bạc mà là anh hùng ư? Tôi đọc cuốn sách mà không hiểu được lấy một nửa. Tất cả mọi người – cả người lớn và trẻ con – đều cho rằng các chàng ngự lâm là những người anh hùng. Tôi không tranh cãi, tranh cãi cũng chỉ vô ích. Dù sao tôi cũng không thể noi gương những vị anh hùng này được. Tôi đọc cuốn sách dày cộm đó mấy lần. Tôi đọc cả phần tiếp theo của câu chuyện nổi tiếng về những chàng ngự lâm dũng cảm. Phần tiếp theo không làm tôi thất vọng. Ngài Conquenard, con người xấu xí bất hạnh, đã làm những điều mà một anh hùng thật sự cần phải làm – chết. Chết, để lại vợ và tiền bạc cho cho Porthos. Ngài Conquenard không khiến tôi thông cảm. Giá như ông già đáng thương này có đủ sức mạnh và sự khôn khéo để bỏ thuốc độc vào rượu của Porthos, có thể tôi sẽ đứng về phía ông ta. Nhưng làm gì có điều kỳ diệu. con người tàn phế bất hạnh đã lê lết sống nốt cuộc đời đê nhục của mình, với chiếc xe lăn làm nền cho chiến công của những anh hùng thật sự. Một kẻ tội nghiệp. Những người khác cũng chẳng hơn gì. Những con người hèn mọn, chỉ đáng để khinh bỉ. Những con côn trùng, chỉ phần nào giống người. Những cái túi rác rưởi, không đáng lên thiên đàng, chẳng đáng xuống địa ngục. Những chiến binh không có khả năng sống cũng như chết. Chỉ còn vài người trong số họ là đáng để cho tôi kính trọng. Thí dụ Porthos. Tôi thích Porthos hơn Coquenard nhiều. Ít ra Porthos đã chết như một con người. Gwynplaine là một thằng ngốc, đau khổ vì những chuyện ngớ ngẩn. Thử nghĩ mà xem, chỉ vì một khuôn mặt xấu xí. Sirano hành động khôn ngoan hơn một chút. Nếu bạn có đôi tay khoẻ mạnh và thanh kiếm sắc, có thể bù đắp cho sắc đẹp. Thanh kiếm – một lý lẽ không tồi. Nhưng Sirano cũng làm tôi thất vọng. Mạnh mẽ giữa những người đàn ông, anh ta trở thành một kẻ bạc nhược và hay than vãn trước tình yêu. Tôi ghen tị với Quasimodo. Người ta nhìn anh ta ghê tởm và thương hại, như nhìn tôi. Nhưng anh ta có cả tay và chân. Anh ta có cả Nhà thờ Đức Bà Paris. Các anh hùng trong sách không phải là anh hùng hoặc chỉ anh hùng một nửa. Những người ưu tú nhất trong số họ chỉ thỉnh thoảng mới xử sự như những con người, dường như cố tình. Chỉ một vài phút trước khi chết họ mới cho bản thân sống thật sự. Chỉ có trước cái chết họ mới làm cho tôi thích. Chỉ có cái chết xứng đáng mới dung hoà họ với cuộc sống vô nghĩa. Tôi ít khóc khi đọc sách. Tôi có thừa lý do để khóc mà chẳng cần đến sự đau khổ tưởng tượng trong sách. Nhưng cuốn sách này rất hay. Nó không nói dối. Pavel Cortraghin cỡi ngựa và sử dụng kiếm chẳng kém gì các chàng ngự lâm. Pavel Cortraghin là một chàng trai mạnh mẽ và dũng cảm. Anh chiến đấu vì lý tưởng. Tiền bạc và danh vọng chẳng nghĩa lý gì đôi với anh. Budennovka - một loại mũ ngự lâm thảm hại – không thể bảo vệ anh trước những viên đạn đê hèn. Kiếm sắc bất lực trước súng lục. Biết điều đó, nhưng anh vẫn lao vào cuộc chiến. Cứ lao vào hết trận này đến trận khác. Luôn có mặt nơi khói lửa nhất. Chiến đấu và chiến thắng. Luôn chiến thắng. Bằng vũ khí và lời nóii. Khi thân thể mệt nhoài, khi tay không thể cầm kiếm, anh đổi vũ khí, dùng ngòi bút. Anh đã thành công. Người hiệp sĩ cuối cùng của vũ khí thô sơ. Chiến binh Viking cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Con người để lại gì khi gần như không còn là gì nữa? Có gì thanh minh cho sự tồn tại nửa vời của một kẻ nửa sống nửa chết? Sống để làm gì? Tôi đã không biết và bây giờ vẫn chưa biết. Nhưng giống như Pavel Cortraghin, tôi không muốn chết khi cái chết chưa tới. Tôi sẽ sống đến cùng. Chậm chạp nhấn nút bàn phím máy tính, tôi đặt từng chữ một. Tôi kỹ lưỡng rèn lưỡi lê của mình – cuốn sách. Tôi biết mình chỉ có quyền ra một đòn, sẽ không có cơ hội thứ hai. Tôi gắng sức, gồng mình gắng sức. Tôi biết lưỡi lê là thứ đáng tin cậy. Lưỡi lê – một vật rất tuyệt, hiệu quả.