Ruben David Gonzalez Gallego. Cái tên thật bất thường với một người viết bằng tiếng Nga, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2001 trên tờ báo Sự kiện và Bình luận, và trong chương trình Ghi chép từ cô nhi viện phát trên Đài tự do của Nga. Cuộc đời của Ruben David Gonzalez Gallego còn ly kỳ hơn cả số phận anh hùng và huyền thoại của tác giả Thép đã tôi thế đấy, Nicolai Oxtrovski. Sinh năm 1968, Ruben là cháu ngoại của Ignacio Gallego, tổng bí thư đảng cộng sản Tây Ban Nha. Mẹ anh, Aurora Gallego, được gửi sang Moscva để “cải tạo”, gột sạch những tư tưởng phương Tây được bà hấp thụ trong những năm học ở Pháp. Ở Moscva, bà quen với chàng sinh viên người Venezuela. Kết quả của cuộc tình bị ngăn cấm là hai đứa trẻ sinh đôi, một chết ngay sau khi sinh, một bị liệt não bẩm sinh. Sau một lần đứa trẻ lên cơn, người mẹ được thông báo là nó đã chết. Sự thật là nó được đưa đến cô nhi viện dành cho trẻ tàn tật. Rồi từ đó bắt đầu những chuyến di chuyển liên miên tới các bệnh viện và cô nhi viện, nơi mà hai thìa cháo kiều mạch đã là đặc sản, nơi người ta quở trách lũ trẻ khi cho chúng ăn, rằng chúng đang tranh phần của các phi công vũ trụ. Một cuộc sống địa ngục sau khi bị tuyên bố là đã chết. Nhưng câu chuyện có một kết cục thật không tưởng, trái với những gì đáng lẽ phải xảy ra, Ruben không những sống được mà còn có một cuộc sống bình thường như mọi người. Anh tốt nghiệp Cao đẳng Thương mại, hai lần lấy vợ, có hai đứa con gái, có dịp ra nước ngoài để hiểu rằng còn có một thế giới nơi những người như anh được giúp đỡ, được cổ vũ, được khâm phục. Ba mươi năm sau, anh tìm lại được mẹ mình, cùng bà trở về sống tại quê hương. Giải thưởng Booker Open Russia, một giải thưởng văn học danh giá của Nga, lần đầu tiên trong mười hai năm tồn tại đã được trao cho một người Tây Ban Nha, hơn nữa lại được trao cho một tác phẩm đầu tay. Và hoàn toàn xứng đáng. Cuốn tiểu thuyết Những dải trắng trên nền đen, được viết dưới dạng tập truyện ngắn, cũng như chính cuộc đời của Ruben đã làm đảo lộn mọi quan niệm thông thường về hạnh phúc. Một người có tất cả vẫn có thể là bất hạnh, còn kẻ bị tước bỏ mọi điều lại là người hạnh phúc nhất. Anh đã chứng minh một chân lý giản dị và xưa cũ, rằng con người không chỉ là một mớ cơ bắp và thần kinh, con người có tâm hồn và tâm hồn có thể tồn tại ngoài thể xác ngay cả khi người ta còn sống. “Tôi chỉ ghi ra giấy cuộc đời của mình. Không phải để lưu lại, mà chỉ để cho một số ít người cần đọc nó.” – Ruben nói. Cuốn sách viết về sự thật dã man, đen tối và nghiệt ngã, mà không một chút hận thù, chỉ tràn ngập ánh sáng của tình yêu.Những dải trắng trên nền đen. Nhà xuất bản hội nhà văn