Tôi quen Thục từ những ngày mạt vận. Mạt vận của đời tôi ấy mà, của một thằng tráng sĩ ngã ngựa, rớt kiếm, rơi cung, đường cùng. Ngày 29 tháng tư tôi tắp vào nhà Thục sau khi mất liên lạc với đơn vị. Thật không còn nơi chốn cho tôi trú ngụ lúc mà cả nước cong mình trong dầu sôi lửa bỏng. Từng mảng đất sụp xuống kéo theo hàng vạn người bồng bế nhau trốn chạy trên đường. Căn nhà Thục lúc ấy bỏ không, loang lổ những vết đạn. Có lẽ gia đình đã di tản đi đâu đó. Căn nhà xinh xắn nằm ở xứ Phúc Hải gần Bộ tư lệnh Quân Đoàn nên bị ăn đạn cũng là chuyện bình thường. Tôi đói quá mò xuống bếp lục cơm nguội ngồi ăn trong khi tiếng xe tăng của địch rầm rầm chạy ngoài đường, những tiếng pháo nổ ì ầm đâu ở miệt phi trường, mặc kệ tất cả, tôi cứ ngồi ăn thoải mái như đang ngồi một nơi chốn bình yên. Ăn xong tôi tìm nước uống, rồi đi rửa cái mặt. Gớm sao mà nó mát thế, cái mặt này đã cả tuần nay không được rửa. Nước giếng miền Nam, ôi mới mát làm sao, những dòng nước thấm vào trong da mặt tôi, thấm vào trong máu của tôi làm tôi thèm được tắm, được dìm mình trong dòng chảy thương yêu mênh mông. Tôi cởi bỏ hết quần áo, bộ quần áo lấm đất, lấm bùn đã bao ngày qua. Tôi cảm thấy môt chút gì lành lạnh lùa tới từ sau lưng khi nhận ra mình đang trần truồng, tôi từ từ quay lại, không có gì, mọi sự trong căn nhà này vẫn yên ắng. Tôi kéo nước lên xối từ trên đầu xối xuống, một cảm giác khoan khoái chạy dài từ đầu xuống chân, những bận bịu vướng mắc ở trên da thịt đã được gỡ đi, trôi chảy theo dòng nước. Tôi dội mãi những gáo nước và như là tôi chưa bao giờ có một lần tắm lâu như thế. Tắm xong tôi mặc lại bộ đồ cũ bẩn leo lên giường nằm. Giấc ngủ đến thật nhanh, tôi ngủ vùi mặc cho sự ồn ào cuả bom đạn ngoài trời, mặc cho những tiếng gào thét của những người thất lạc nhau trong cơn khói lửa. Thằng tráng sĩ đã ngủ bình yên giữa cái hỗn mang của chiến sự. Tôi ở lại trong căn nhà này đã được một tuần vì tôi chả biết mình phải đi về đâu. Quê tôi mãi tận ngoài Trung, những ngày tháng này không có phương tiện di chuyển nào để tôi có thể về quê được. Tôi cứ coi như căn nhà này là nhà của mình, có sao đâu, chắc là gia đình người chủ đã xuống tàu đi Mỹ rồi cũng nên. Tôi chăm chú nhìn tấm ảnh gia đình họ treo trên tường trang trọng giữa phòng khách. Tấm ảnh như mới được chụp vì nó còn mới lắm. Tôi để ý tới cô bé, cô bé kháu khỉnh xinh xắn tuyệt vời. Trong hình thì cô bé chỉ khỏang tám hay chin tuổi. Đôi mắt tròn, to và đen như hai hạt nhãn, trông rất lém. Đôi môi mộng đỏ dù còn nhỏ xíu mà coi cũng rất tình. Có thể là do trước lúc chụp hình người ta đã vẽ thêm son …Nói chung cô bé có nét đẹp thu hút người đối diện là …tôi. Tôi thầm cười với chính mình:”Cô bé còn nhỏ tí tẹo, thua mình cả hơn chục tuổi …”Tôi vẫn thầm lặng sống trong căn nhà ấy, chưa bao giờ bước ra ngoài, phần vì sợ bọn giặc phương Bắc phát hiện, phần vì sợ hàng xóm thấy mình là người lạ …lỡ có người tố cáo …Tráng sĩ hết thời nên tráng sĩ sợ cũng là chuyện nên lắm mà …Rồi một hôm, chắc là ngoài trời nắng lắm vì ở trong nhà tôi cảm thấy nực nội vô cùng. Tôi xoay trần mặc mỗi một cái quần đùi rách, ngồi phưỡn bụng giữa nhà thì có tiếng lạch cạch ngoài cửa, lúc đầu tôi cũng chả để ý vì tôi đã khoá trái cửa và còn kéo chiếc ghế tràng kỷ chắn ngang rồi. Tiếng mở khóa và tiếng lắc cửa càng ngày càng mạnh, rồi tiếng đập cửa …Tôi hơi hoảng …coi chừng bọn nó tới tóm mình …Tôi xuống bếp tìm một con dao phay rồi rón rén lại gần cửa lắng nghe: Sao lạ quá, lúc đi ba đâu có kịp khoá cửa …Sao giờ cửa cài chặt cứng thế này.. Rồi có giọng của một cô bé gái nhanh nhẩu:” Ba để con, con mở cho ba coi …”. Rồi có lẽ cô bé loay hoay vặn vọ, tôi đoán thế …Tôi biết là gia đình chủ nhà đã về …Tôi kéo chiếc ghế về lại chỗ cũ và …Tiếng cô bé reo lên: Đó thấy chưa, con nói con mở được mà … Khi cánh cửa được mở tung moị người đều im lặng trố mắt nhìn tôi như nhìn một con quái vật …Cô bé thì níu tay mẹ và núp sau lưng bà, thỉnh thoảng len lén nhìn tôi. Đôi mắt đó tôi đã quen thuộc …Tôi ngượng ngùng quá đánh rơi con dao, bỏ chạy vào phòng trong mặc vội bộ đồ “tray-zi” rồi trở ra ngoài. Khi tôi trở ra tới phòng khách thì mọi người đã an toạ. Tôi đứng thẫn thờ gãi đầu, gãi tai không biết phải xử thế làm sao cho phải. Cô bé thì ngồi cạnh bà mẹ miệng tủm tỉm cười nhưng khi bắt gặp ánh mắt nhìn của tôi, cô bé liền úp mặt sau lưng mẹ, tay vân về vạt áo của mẹ, tôi quay qua chỗ khác nhưng vẫn để ý cô bé …Cô bé thấy tôi quay đi lại len lén nhìn tôi …Tự nhiên trong lòng tôi một nỗi vui thoang thoáng nhẹ dâng. Tôi nhớ tới em gái tôi, cũng trạc tuổi này. Gia đình tôi ngoài đó không biết giờ này ra sao …Tôi đang nghĩ ngợi lung tung thì ông chủ nhà tằng hắng lấy giọng lên tiếng: Ừm ừm …Cậu là ai? Sao lại ở trong nhà tôi? Tôi giật mình trở lại với thực tại. Tôi ấp úng mãi mới trả lời ông cụ được:” Dạ …thưa bác cháu …lỡ độ đường, gia đình ở xa quá …thất tán cả …nên thấy nhà bác bỏ không ….cháu liều vào ở tạm …để trông chừng nhà dùm bác ạ “ Ông cụ cười to: Ha ha,,,Thế thì ra tôi lại còn phải …a a …cám ơn cậu đã giữ nhà dùm … Tôi chợt nhận ra mình nói nhảm quá chả đâu vào đâu nên cười gượng:” Dạ …đâu có bác …đâu có gì mà bác phải cám ơn …Cháu phải cám ơn hai bác mới đúng chứ ạ “. Bà chủ nhà kéo cô bé bước vào nhà trong nóí trống không “Đúng là đổi đời mà, thiệt tình “. Tôi nghe tiếng cô bé hỏi mẹ:” Mình có nhờ chú ấy coi nhà sao mẹ?”. Tôi không nghe được tiếng trả lời của bà mẹ … Cậu tên gì? cứ nhìn quần áo của cậu thì …cậu là lính đúng không? Nghe ông chủ nhà hỏi, tôi mới nhớ ra là mình đang mặc quân phục, mà nói cho cùng tôi cũng chỉ còn có một bộ đồ này duy nhất, không mặc nó thì mặc gì bây giờ . Tôi nhỏ nhẹ thưa:” Dạ …Cháu là lính từ ngoài miền Trung di tản vào đây thì bị …tan hàng thất lạc …Dạ bây giờ bác đã về …Cháu xin phép bác cháu ra đi, trả nhà lại cho bác ạ …Dạ dạ …”. Tôi nói thế mà lòng thì lo lắng quá, biết đi đâu bây giờ, biết sống ra sao khi trong người tôi không có một xu dính túi, nhưng nhà của người ta, mình đâu có cứ ở lì được. Tôi cúi chào ông chủ nhà và lững thững bước ra đường.Cả tuần nay không ra đường, cái gì thấy cũng lạ, các cậu choi choi quấn băng đỏ trên tay áo, chân đi dép râu, đội mũ tai bèo đứng phất phơ ở ngả ba đường, hí hửng chận người này lại, phất tay cho người kia đi. Tôi muốn lại đó xem cái cảnh gì đang xẩy ra. Tôi đang đồng hành cùng với mặt trời. Mặt trời đang đi về điểm cuối cùng của một ngày, cũng có nghĩa là mặt trời đang chìm dần, đang hết nắng. Tôi bước đi lảo đảo như những lúc say rượu, chợt buồn khi nghe tin một thằng tráng sĩ bạn qua sông không về. Mặc những gì xảy ra chung quanh, tôi vẫn bước những bước chông chênh về phía mặt trời. Đằng sau có tiếng réo gọi, tôi không quan tâm vì không phải gọi tên tôi. Một vài người đứng ven đường nhìn tôi có vẻ tò mò. Có người nói với tôi rằng:” Có ai đang gọi cậu kìa …” Tôi ngẩn người ra:” Gọi tôi ư? Tôi đâu có quen ai ở chỗ này …”. “Kia kìa …Họ đang chạy theo cậu …” Tôi ngoái cổ lại theo hướng chỉ tay của người lạ và tôi chợt dừng bước. Cô bé con ông bà chủ nhà đang kéo tay mẹ chạy lạch bạch về hướng tôi. Tôi nhận ra họ và tự hỏi:” Quái không biết chuyện gì đây …Tôi rời khỏi căn nhà đó với đôi tay không …Tôi nhớ là mình không hề cầm nhầm bất cứ đồ vật gì trong nhà đó, thôi chết rồi …hay là tại tôi ăn gần hết gạo trong chĩnh gạo của họ …Trời! Nếu họ đòi thì tôi lấy gì mà trả đây …gìòng họ tôi một đời trong sạch, không hề mang nợ ai. Tôi đã làm nhơ truyền thống đó rồi. Tôi đứng như trời trồng. Mặt trời vẫn còn ở lưng chừng nhưng trước mặt tôi đã tối như đêm ba mươi.. Này cậu! Ông nhà tôi bảo cậu về lại nhà …Ông ấy có một ít chuyện muốn hỏi cậu đấy. Thưa bác …không biết là chuyện gì vậy ạ … Thì cứ về lại nhà đi …rồi biết mà … Bà ghé sát vào tai tôi, nói nhỏ:” Ít ra thì cũng nên thay bộ đồ lính này ra rồi đi đâu thì đi. Mặc đồ lính cũ lúc này không tiện đâu …”. Thì ra là vậy. Tôi còn sợ gì chứ. Tôi còn mong cho họ bắt. Họ bắt, dù cho thế nào cũng còn có chỗ ăn, chỗ ngủ, Tôi nhìn thấy đôi mắt long lanh của cô bé. Hình như cô bé vừa mới khóc, nước mắt còn đọng trên bờ mi. Đôi mắt ấy như đang mong đợi một điều gì. Tôi định từ chối, nhưng đôi mắt ấy đã như thôi miên tôi, đã kéo tôi bước quay trở lại …Cô bé bỏ tay mẹ bước lại nắm tay tôi, lôi tôi đi, giống như hình ảnh của một chú bé mục đồng ghì trâu về chuồng những buổi chiều trên cánh đồng quê làng tôi. Con trâu một lúc lưỡng lự nhưng sau đó nó ngoan ngoãn đi theo với dáng điệu “ thôi mặc em dẫn ta đi đâu cũng xong thôi”. Sau này thì tôi hiểu ra một điều:cô bé muốn tôi ở lại nên cô bé đã nằng nặc đòi ba mẹ. Ba mẹ cô bé đã chùn lòng trước những giọt nước mắt của cô con gái cưng bé bỏng. Thế là tôi lại về nhà Thục. Cô bé ấy chính là Thục, là cô bé đã thu hút tôi trong tấm hình gia đình mà những ngày vừa qua tôi hay ngắm nghía. Ông cụ bảo với tôi là:” Con Thục nó muốn có cậu ở lại đây ….Vì nó nhớ anh nó. Anh nó trạc tuổi cậu, cũng đi lính. Anh nó là phi công trực thăng, mới ở Mỹ về khoảng nửa năm nay, đóng quân đâu mãi miệt ngoài Đà Nẵng gì đó …Không biết giờ này sống chết ra sao …Chúng tôi không tin tức gì của nó …Vả lại cậu không người quen, không có thân nhân thôi thì ở lại đây với chúng tôi khi nào có phương tiện thì về quê, chúng tôi không cản “.Ông cụ nói với một giọng rất tình cảm khác hẳn với lúc ban đầu. Bà cụ cũng thế, Bà lấy quần áo “xi vin” của người anh Thục cho tôi thay mặc hàng ngày. Tôi ở đây suốt ngày hầu cờ và chuyện trò với ông cụ. Tôi luôn được an ủi khi nghe cụ nói:” Có cậu ở đây gia đình tôi vui hơn. Nhất là con Thục …Sao nó có vẻ mến cậu quá …”. Thục thì hay vòi vĩnh đòi tôi kể chuyện lính tráng, kể chuyện chiến trường. Tôi kể cho Thục nghe những tráng sĩ oai hùng của đơn vị tôi, tôi thường phóng tác để kể như kể những chuyện cổ tích thời đại:” Lúc xưa khi mà miền Nam nước Việt còn thịnh vượng, đất nứt ra vàng, mưa rơi thành ngọc, dân chúng sống sung túc giàu sang, bọn giặc man di mọi rợ phương Bắc, bọn này lúc trước là anh em một nhà nhưng chúng nghe bọn ngoại bang xúi dại ăn phải cứt mèo theo chủ nghĩa vô sản nên chúng nghèo mạt rệp, khố rách áo ôm từ đời ông đến đời cháu, chúng xua quân ăn cướp của cải dân Nam, để tự bảo vệ mình trai tráng miền Nam lên đường diệt giặc. Những tráng sĩ hiên ngang tuốt gươm chém giết quân thù. Quân thù chết vô số kể … Anh là một trong những tráng sĩ đó …”” Eo ơi nhiều người chết Thục sợ …” “Đánh nhau thì phải có chết chứ …Thôi được anh sẽ kể những chuyện không có chết …Tôi kể cho Thục nghe đủ mọi thứ chuyện, chuyện hồi tôi còn nhỏ, hồi tôi đi học, tôi kể về những chiều thả diều thơ mộng trên cánh đồng làng tôi, kể cho Thục nghe những rừng dừa bạt ngàn, kể cho Thục nghe những đêm trăng vui nhộn của tuổi thơ tôi, kể những cái mà tuổi trẻ ở thành phố như Thục chỉ t ìm thấy trong sách vở …Tôi thường hay dẫn Thục đi coi văn nghệ và những tối chiếu phim ngoài trời của mấy ông giải phóng. Thục còn nhỏ nhưng cũng đã nhận ra cái “xạo” của mấy ông nón cối. Thục rất thông minh Chúng tôi trở thành một đôi bạn thân sau một tháng tôi ở lại. Thục quấn quít tôi không rời. Tôi gần gũi Thục như gần cái bóng của chính mình. Thục là niềm vui, là sự ủi an tôi trong lúc tôi chả còn gì. Rồi tôi cũng phải lên đường đi tập trung cải tạo. Ngày chia tay tôi bịn rịn, Thục thì rươm rướm nước mắt, Ông bà chủ nhà thì thở dài thườn thượt vì thương con gái mà có lẽ cũng vì …thương cả tôi. Tôi cho Thục một viên đạn AK mà tôi đã từng mang theo trong người từ lâu. Viên đạn này đã ghim vào cạnh sườn tôi gần trái tim, viên đạn đã thấm máu tôi. Nó được lấy ra sau một cuộc phẫu thuật đầy gian nan. Viên đạn được tôi chùi bóng hàng ngày. Tôi giữ nó như một kỷ vật trân qúi. Tôi đã trao nó cho Thục. “ Thục giữ giùm anh viên đạn này …Nó là cuộc đời anh, là mạng sống anh đấy “. “ Quý hoá như vậy, sao anh lại trao nó cho em”. Tôi biết Thục còn quá nhỏ để hiểu những chuyện người lớn …như tôi.”Khi nào thì anh lấy lại?”. Nếu anh còn sống trở về. Nếu anh em mình còn gặp lại nhau” … Tôi đi biền biệt bảy năm trời. Cuộc sống tù tội của tôi đầy gian nan, khổ sở. Khổ về thể xác và khổ cả về tinh thần. Suốt bảy năm trời tôi là kẻ mồ côi không ai thăm nuôi. Sống được là nhờ lòng tốt của bạn bè đồng đội. Nhờ những viên thuốc sốt rét, những viên thuốc kiết lỵ và cả những thực phẩm của bạn bè chia xẻ. Hằng đêm tôi nhớ gia đình tôi, nhớ Thục và nhớ em gái tôi quá đỗi… Ngày tôi trở về. Chỗ đầu tiên tôi ghé là nhà Thục. Thục đã là một cô gái mười lăm, mười sáu không còn bé tí teo nữa. Tôi đã nghĩ tới điều này nhưng Thục ở trước mắt vẫn làm tôi sửng sốt, ngạc nhiên. Thấy tôi hiện ra trước cửa, sau vài phút ngỡ ngàng Thục chạy ra ôm tôi reo lên:” Ba ơi Anh Miên về rồi này “. Tôi cũng vòng tay ôm Thục, vỗ nhẹ trên vai Thục:” Thục lớn quá rồi. Lại càng xinh đẹp hơn xưa …”. Thục quay đi cười:” Anh cứ nhạo em hoài …” “Thật đấy. Anh nói thật không nhạo em đâu … Tôi ở chơi với gia đình Thục ít hôm. Gia đình bây giờ …kinh tế xuống cấp. Thục kể cho tôi nghe. Thục vừa đi học vừa phải đi làm thêm để giúp gia đình. Thục đi bán thuốc Tây. Bán thuốc Tây lúc đó là bán lậu, bán chui, nhà nước cấm …nhưng cũng nhờ thế mà kiếm được tiền cũng bộn. Thục kể cũng có khi bị bể …mất sạch cả vốn. Nghe Thục kể mà thương Thục biết bao. Ở tuổi này của tôi năm xưa đâu đã biết lo toan gì đến cuộc sống, vẫn vô tư.Tôi nhận ra Thục lanh lẹ và tháo vát. Thục đã trưởng thành trước tuổi rồi.. Thục đã một nửa chân bước xuống cuộc đời. Từ giã Thục tôi về quê tìm lại gia đình. Thục tiễn tôi ra bến xe đò miền Trung. Tôi nắm tay Thục:”Anh hỏi Thục cái này nhá ”…Sao cái hôm anh bỏ đi đó … chuyện 7 năm trước ấy mà …Thục bạo gan thế, dám níu tay anh mà kéo anh về …Thục cười:” Thục cũng chả biết …Thục chỉ biết là Thục thấy như anh rất quen, rất thân, thân như anh của Thục …Thế …Còn anh thì sao? Sao anh dễ thay đổi ý định như vậy? Tôi không trả lời mà chỉ bóp nhẹ tay Thục.” À này Thục trả lại anh viên đạn anh gởi Thục năm nào đây. Giữ mãi sợ mất rồi lấy gì đền anh …”, “Đừng sợ mất, sẽ không bao giờ mất Thục ạ. Hẵy tiếp tục giữ giùm anh cho …đến lần sau anh trở lại nhá. Nhớ nhá. “. Thục gật đầu Tôi về quê, tôi xa Thục và lần này tôi biết rõ là tình cảm tôi dành cho Thục không đơn thuần là tình nghĩa anh em. Tôi về quê mang theo một nỗi lòng. Tôi về quê với cuộc sống vùng kinh tế mới sỏi đá. Dùng sức người biến sỏi đá thành cơm. Nhớ Thục lắm nhưng chả kiếm đâu ra tiền xe mà xuôi Nam, mà cũng chả đi đâu được vì hình phạt quản chế 3 năm mãi còn đè nặng đời tôi.Thỉnh thoảng vài cánh thơ qua lại, kể chuyện vu vơ.Rồi một hôm tôi nhận được thơ của Thục từ Mỹ quốc và tôi biết thế là hết. Xa quá rồi, xa quá sải tay tôi rồi. Tôi buồn, biếng ăn, biếng nói …Bà cụ tôi cứ hối tôi lấy vợ. Tí Mơ ở cuối xóm đó mà. Bà cụ tôi chịu cô này lắm. Cô ta khoẻ mạnh cuốc đất, trồng khoai rất giỏi. Tôi thầm nghĩ lấy cô này về thì suốt đời chỉ có ăn độn khoai thôi. Tôi tìm mọi cách từ chối vì tôi chưa quên được Thục. Có những chiều lang thang trên rẫy bắp, nhớ Thục quá, tôi quay ra hướng biển gào thật to:” Thục ơi đừng bỏ rơi viên đạn anh nhờ em giữ hộ nhá. Đừng bỏ rơi, đừng nha em …”Tiếng gào thét của tôi vang lồng lộng trong gío biển và loang xa, loang xa … Lê du Miên