Dịch giả: Thái Hà

Sau khi được nhận ngay một lúc một khoản tiền khá lớn về công việc vừa hoàn thành, tôi lên đường đi nước ngoài. Tôi dự định sẽ dừng lại ở Pari chừng một tuần thăm đứa em gái, sau đó sẽ đi tiếp.
"Lúc này chắc nó đang chờ mình ở sân bay". Trong lúc máy bay đang nghiêng cánh để hạ xuống sân bay, tôi vừa siết chặt lại dây lưng, vừa nghĩ thầm trong bụng.
Pari mà sau bảy năm tôi mới lại có dịp đến chắc đang chìm trong màn mưa chiều. Tỳ trán vào cửa sổ máy bay, tôi ngắm nhìn những dãy đèn đường chạy thẳng tắp với những bóng đèn hình cầu như đang bốc khói trong màn nước, và những chiếc xe hơi bé tí xíu đang nối đuôi nhau chạy trên mặt đường nhựa bóng nhoáng.
Đứa em gái mà tôi sắp gặp không hoàn toàn là ruột thịt của tôi: đó chỉ là đứa em gái cùng cha khác mẹ. Chúng tôi chia tay nhau đã được năm năm. Sau khi học xong ở nước ngoài, tôi trở về Nhật. Hai năm sau thì em gái tôi, bất chấp sự phản đối của tôi và bố tôi, bỏ đi nước ngoài một mình.
Vốn là một đứa con gái ương ngạnh, bướng bỉnh, em gái tôi đã học tiếng Pháp giấu bố tôi và tôi, rồi trong thời gian làm cho hãng hàng không Pháp, đã bắt mối với nhân viên hải quan, ngấm ngầm thu xếp cho chuyến đi Pháp của nó.
- Em sẽ làm gì ở bên ấy? - Tôi tức giận hỏi khi vừa được biết quyết định của nó. Tôi bảo với nó rằng có lẽ nó chưa hiểu hết những khó khăn và cám dỗ đang chờ đón một cô gái ngây thơ đơn độc như nó ở Pari. Vì muốn ngăn trở ý định của nó, tôi đưa ra những lý lẽ để nó phải đắn đo cân nhắc, nhưng thú thật, tôi lấy làm thất vọng vì thấy ngay đến đứa em gái tôi hóa ra cũng chỉ là một trong vô vàn các cô gái nông nổi ngày nay lúc nào cũng chỉ mơ tưởng đến Pari, giống như các chàng trai thì khao khát hướng về Matxcơva.
- Em muốn học sân khấu, - em gái tôi đáp. – Em sẽ xin vào làm cho văn phòng của hãng ở Pari, còn lúc rỗi rãi sẽ học làm diễn viên sân khấu.
- Thôi đi - tôi quát lên. - Cô không biết đó là một thành phố đáng sợ như thế nào ư? Môngmác vàMôngpácnát nhung nhúc toàn những loại "thiên tài" không được công nhận. Biết bao thanh niên vỗ ngực cho mình là thi sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ lúc đến thành phố đó cũng tràn đầy ước mơ tươi sáng như cô, nhưng khi đến rồi thì sa vào vũng lầy không lối thoát, rồi dần dần biến thành cặn bã của xã hội...
Chớp chớp đôi mắt to đen nhánh, em gái tôi nhìn tôi chằm chằm rồi bảo:
- Cũng chả sao! Em đã tự chọn con đường cho mình thì dù có rơi xuống vực, em cũng cam chịu. Dù sao em cũng không có cảm tình với nước Nhật, sống ở đây em thấy nghẹt thở lắm rồi!
Trong đôi mắt đen nhánh sáng rực của em tôi có thể dễ dàng nhận ra vẻ khinh bỉ của người chiến sĩ quả cảm hy sinh cho mục tiêu cao cả đối với kẻ tôn thờ cuộc sống nhàn hạ, tầm thường, không khó khăn nguy hiểm.
Thuyết phục mãi không được, cuối cùng, một ngày kia, tôi và bố tôi đành phải tiễn em tôi ra sân bay Hanêđa. Đó là một ngày tháng bảy, cách đây đã năm năm. Chúng tôi đứng trên đường băng mọc đầy cỏ hè, trên đầu những cụm mây trắng muốt như tuyết lững lờ trôi. Chia tay với chúng tôi, em gái tôi hình như không cảm thấy luyến tiếc lắm: khuôn mặt nó không lộ vẻ gì là buồn bã.
- Thôi em đi nhé - nó nói. - Tạm biệt "bồ"!
"Bồ" là cách xưng hô âu yếm em tôi thường dùng để gọi tôi. Nghe mấy câu "Thôi, em đi nhé" tự nhiên tôi thấy lòng se lại. Ngộ đứa em gái của tôi không bao giờ quay trở về Nhật nữa thì sao? Một linh cảm gì không hay vụt qua trong đầu, tựa như một cánh chim hung ác khẽ sượt vào tim tôi.
- Thôi, tạm biệt bố! Bố phải giữ gìn sức khỏe nhé!
Bố tôi chỉ khẽ gật đầu đáp lại, tay vẫn đút trong túi quần. Không hiểu sao mãi lúc đó tôi mới để ý thấy vai ông so hẳn đi, tóc bạc thêm nhiều. Bất giác tôi lại thấy nôn nao, nghèn nghẹn.
Bố tôi cứ ngẩng mặt lên trời nhìn theo chiếc máy bay đang chở em gái tôi mãi cho đến khi nó chỉ còn là cái chấm bé xíu, rồi cuối cùng mất hẳn trong những lớp mây trắng.
Hai năm, rồi ba năm trôi qua. Em gái tôi vẫn gửi thư đều đặn về nhà bằng đường máy bay, trong thư nó báo tin rằng chuyến đi Pari của nó thật là hạnh phúc và hiện nay nó sống rất đàng hoàng. Nó kể rằng nó ở trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của một gia đình người Pháp mà nó mới quen, và tự hào khoe rằng căn buồng của nó trông ra quảng trường Hòa hợp. Nhưng tuyệt nhiên không thấy nó đả động gì đến chuyện quay về Nhật. Trong thư gửi cho em gái, tôi có hỏi nó đã thấy muốn trở về Tổ quốc và xây dựng gia đình chưa, nhưng em gái tôi tránh không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, mà tiếp tục kể tỉ mỉ về những buổi học nghệ thuật sân khấu của nó. Những lúc đó tôi lại nhớ đến đôi mắt đen, sáng long lanh và những lời cuối cùng em gái tôi nói lúc chia tay: "Thôi, em đi nhé, tạm biệt bồ!" Tôi cứ bị ám ảnh hoài bởi ý nghĩ là chắc nó đang cảm thấy bơ vơ trơ trọi ở Pari, và rất buồn nhớ, nhưng không dám thú nhận điều đó, không muốn oán trách cái số phận mà nó đã tự chọn. Phải chăng vì thế nó làm ra vẻ sung sướng báo tin cho chúng tôi rằng nó sống rất đầy đủ trong một gia đình người Pháp? Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi vẫn cảm thấy có cái gì như là ghen tỵ với em gái tôi. Tôi ghen tỵ với nó ở chỗ nó đã dám thẳng tiến theo mục tiêu đã định, còn tôi, theo quan điểm của nó, thì sau khi trở về Nhật, đã rỉ mòn đi trong cuộc sống hạnh phúc nhỏ nhoi tầm thường.
Chiếc máy bay từ từ lăn bánh đến chỗ đỗ rồi dừng lại.Trong khi chiếc cánh quạt quay không những vòng cuối cùng, tôi lấy tay xoa xoa mặt kính mờ đi vì hơi thở của mình, cố đưa mắt tìm đứa em gái. Nhưng không thấy nó trên sân bay. Hàng chùm tia sáng lóa mắt từ những cái đèn pha đặt xung quanh đường băng chiếu sáng rõ chiếc máy bay của chúng tôi. Những giọt nước mưa bé xíu như những cái kim cứ lấp lánh trước mắt. Cố nén cảm giác hồi hộp xúc động vì sắp được gặp lại em gái, tôi thong thả thắt lại dây lưng chiếc áo măng tô mới tinh bằng vải títxuy mà tôi vừa may trước khi đi, rồi theo chân những hành khách cuối cùng bước xuống thang máy bay. Dưới sự hướng dẫn của cô chiêu đãi viên tóc màu hạt dẻ, mặc đồng phục màu xanh, các hành khách tiến về phía ngôi nhà sáng rực ánh đèn để kiểm tra giấy nhập cảnh và làm thủ tục hải quan.
Em gái tôi đang đứng đó, đầu chít chiếc khăn chấm hoa xanh, tay đút trong túi áo măng tô mỏng, mắt dõi tìm tôi trong đám hành khách. Tôi nhận ra ngay sắc mặt không được khỏe lắm của nó. Để che giấu nỗi xúc động, tôi mỉm cười vẫy tay với em tôi, rồi chìa hộ chiếu cho nhân viên hải quan.
Sau khi nhận lại hộ chiếu, tôi tiến thẳng đến chỗ em gái tôi. Và trong lúc tôi vừa thong thả tiến lại gần chỗ em gái tôi, thì nó cứ mở to đôi mắt đen nhánh, một nét rất đặc biệt của nó, chăm chú theo dõi từng cử động của tôi. Khi tôi tiến đến nơi, em gái tôi vẫn nhìn tôi bằng cặp mắt mở tròn như thế, rồi đột nhiên kiễng chân hôn vào má tôi.
Cảm thấy đôi môi dịu dàng ươn ướt của đứa em gái chạm vào má, tôi bỗng đỏ mặt. Trong thời gian học ở Pari tất nhiên tôi biết ở đây bố mẹ, con cái, hay anh chị em có tục lệ hôn nhau vào má. Nhưng chúng tôi là người Nhật,và khi sống ở Tôkiô, cả tôi lẫn em gái tôi không bao giờ dám làm cử chỉ âu yếm như thế. Tôi nghĩ có thể cử chỉ của em tôi biểu lộ nỗi cô đơn buồn nhớ không kìm nổi,chứa chất trong lòng nó bao nhiêu năm nay, do phải sống nơi đất khách quê người, không họ hàng thân thích. Ýnghĩ ấy làm tôi thấy buồn rầu, bối rối, nhưng tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Sau khi nhận lại hành lý, chúngtôi bước ra phố. Trước cửa sân bay một loạt những chiếc xe tắc xi ướt nước mưa đang chờ sẵn. Những người lái xe đều đội mũ nồi, miệng nhai tẩu thuốc, đang ngồi buồn thiu đợi khách.
Dọc theo con đường ướt xẫm màu chì, một dẫy đèn đường nối đuôi nhau chạy dài tít tắp, tỏa ra thứ ánh sáng đục mờ trong màn mưa bụi.
Em gái tôi ngồi cạnh người lái, thỉnh thoảng lại lên tiếng để dẫn đường cho anh ta. Sau đó nó nhận xét trời mưa thế này ô tô chắc dễ bị trượt. Người lái xe tán thànhvà bảo rằng giá mưa to hẳn thì đi an toàn hơn. Tôi ngồi phía sau, mặc nguyên cả măng tô, va ly để trên lòng, trông như một anh nhà quê mới ra tỉnh, cứ dỏng tai nghe em tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp. Thú thật tôi không ngờ em tôi lại nói tiếng Pháp lưu loát và hay đến thế.
Trong thời gian ngắn ngủi học ở Pari, tôi cũng có thể nói được tiếng Pháp khá trôi chảy, nhưng phát âm được như em gái tôi thì quả là điều tôi không dám mơ ước. Rõ ràng năm năm sống trong gia đình người Pháp đã có ảnh hưởng tốt đến tiếng Pháp của em gái tôi.
- Về nhà em chứ? - tôi hỏi, nhưng em tôi lắc đầu,bảo:
- Em đã thuê cho anh một buồng ở khách sạn rồi, bây giờ ta về thẳng đấy.
- Có xa nhà em không?
- Không, đi bộ mất mười phút thôi, - lần này nó trả lời cũng bằng tiếng Pháp, hình như nó muốn tránh dùng tiếng Nhật. Sau đó nó sửa lại chiếc khăn hoa xanh trên đầu, mở xắc tay lấy thuốc lá ra châm hút.
Tôi không ngờ em gái tôi hút thuốc. Tôi cứ trố mắt nhìn nó một lúc, cái động tác nó đưa điếu thuốc vào mồm, và nhả khói trông rõ ra là dân nghiện thuốc. Tất cả những cái đó sao có cái gì xa lạ với hình ảnh đứa em gái mà tôi vẫn giữ trong ký ức thế! Phút chốc tôi thấy em gái tôi già hẳn đi, và một nỗi buồn xoáy vào lòng tôi. Tôi chợt hiểu ra nguyên nhân dẫn đến tâm trạng của em gái tôi. Tôi cũng hiểu ra lý do tại sao ngay cả đối với tôi, anh trai của nó, nó cũng không muốn nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, và tại sao nó lại rít thuốc một cách thành thạo như thế.
(Có thể nó muốn tỏ ra cho tôi biết rằng nó hoàn toàn thỏa mãn với cuộc sống mà nó đã chọn và mọi việc của nó đều tốt đẹp chăng?)
Trong ký ức tôi lại hiện lên những lời mà em gái tôi hay nhắc đi nhắc lại năm năm trước đây, khi tôi phản đối chuyện đi Pháp của nó, và ánh mắt bướng bỉnh của nó hôm đứng ở sân bay Hanêda.
Ô tô rẽ vào một ngõ hẻm nằm ở bờ trái sông Pari. Dòng chữ quảng cáo "Khách sạn" bằng đèn nê ông sáng rực. Sau khi nói chuyện với người chủ ngồi sau văn phòng, em gái tôi, tôi, và người hầu buồng cùng đi lên tầng ba. Trong buồng có một chiếc giường, sát bên tường có kê chiếc tủ gương và cạnh đó có một bình nước to.
Người hầu buồng kéo tấm cửa sổ lên và trong bóng tối hiện ra lờ mờ bức tường trống trơn của ngôi nhà bên cạnh.
- Em có khỏe không? - tôi mỉm cười hỏi khi chỉ còn lại mình tôi và em gái tôi.
- Parfaite° Em thấy khỏe lắm. Thư nào em cũng nói rồi mà.
- Em sống ở đâu?
- Chả lẽ em chưa nói sao?...Ở đó mọi người ai cũng quý mến em. Nhưng bây giờ em không muốn nói về mình, mà trước hết em muốn nghe chuyện ở nhà.
Em gái tôi ngồi trên chiếc đi văng hai bên thành đã sờn vải, hút hết điếu thuốc này đến điếu khác, hỏi tôi về chuyện gia đình, về vợ con tôi, về việc tôi có bán được tranh không.
Trong lúc rít thuốc thỉnh thoảng nó lại ho và điều đó làm tôi thấy lo ngại.
- Thế em đi học sân khấu thật đấy à? - Sau khi đã trả lời tất cả những câu hỏi nó hỏi tôi.
- Vâng, em học nghệ sĩ Lêbêđép. Ông ta là người gốc Ba Lan và thường biểu diễn trên sân khấu nhà hát Marini.
Tôi thấy khó chịu vì trong khi nói tiếng Nhật em gái tôi cứ chêm vào những từ tiếng Pháp, nhưng tôi không nói gì.
Tôi đưa cho nó hoa quả và mấy thứ quà tôi mang từ Nhật sang. Khi em gái tôi chuẩn bị về, tôi hỏi nó có cần tôi tiễn về nhà không, nhưng nó lắc đầu ngay, bảo không cần, rồi sau khi bảo sáng mai sẽ gọi điện thoại cho tôi, nó bước ra khỏi phòng. Tôi nhìn theo nó: bóng em gái tôi như một con dơi thấp thoáng ở đầu cầu thang rồi biến xuống dưới.
Sáng hôm sau, trong lúc hãy còn nằm trên giường uống cà phê thì có tiếng chuông điện thoại. Em gái tôi báo tin rằng sáng nay nó định rẽ qua chỗ tôi, nhưng lại vướng bận, nên chỉ có thể gặp tôi vào tối nay.
Tôi nhớ ra ban ngày nó còn phải đi làm kiếm tiền, nên hỏi:
- Thế tối nay sẽ gặp em ở đâu? Hay anh đến nhà em?
- Đừng, - nó đáp. - Hôm nay em phải đi vội, nên nhà cửa chưa kịp dọn gì cả. Cuối cùng chúng tôi thỏa thuận sẽ gặp nhau vào lúc sáu giờ tại Môngpacnat.
Ăn sáng xong tôi quyết định đi dạo chơi phố xá Pari. Bấy giờ đang là những ngày cuối thu. Phía trên thành phố treo lơ lửng những đám mây đen màu xám tro, nhưng những tia nắng mặt trời yếu ớt vẫn xuyên qua được, hắt xuống hè phố đầy lá rụng. Những chú bồ câu bay từ trên các nóc nhà xuống quảng trường Tơrôkađêrô, đậu xuống mặt đường và mổ những mẩu bánh mỳ vụn. Trên mặt sông gợn ánh bạc những chiếc xà lan chậm chạp trôi về phía Ruan. Bầu không khí ẩm thấp ngột ngạt như ở dưới hầm. Một tấm biển quảng cáo rượu vecmut của Chinzanô. Những người đàn ông mặc áo măng tô dựng cao cổ đang chui đầu vào chiếc "Phigarô". Không kể giá hàng tăng vọt vì chiến sự ở Angiêri, thì tôi thấy Pari không có gì thay đổi lắm. Tôi hít lấy hít để cái không khí ẩm ướt của đường phố Pari cùng những mùi vị từ lâu tôi đã quen thuộc.
Cả cái quán cà phê quen trong khu phố sinh viên cũng không có gì thay đổi. Cũng như bảy năm trước đây, các cô cậu sinh viên vẫn ngồi sau những chiếc bàn, tỳ tay lên má, lơ đãng quan sát người đi đường. Những chàng thanh niên da đen mặc áo săng đay đang chơi smacbôn °°. Vài chàng sinh viên từ các nước Đông Nam Á với vẻ mặt trịnh trọng rất buồn cười đang dán mũi vào cửa kính hiệu giầy. Đã có một thời tôi cũng từng là một anh vô công rồi nghề như thế.
Quả thực tôi đã tìm được việc làm ở Nhật, đã xây dựng gia đình. Nhưng ở một nơi nào đó trong tiềm thức tôi vẫn thường có cảm giác như tôi đã trả giá cho chuyện đó quá đắt, rằng tôi đã phải hy sinh một cái gì to lớn. Lúc đó tôi không dám thú nhận với mình chuyện trở về Nhật của tôi là một sự đầu hàng, là sự chạy trốn khó khăn. Và tôi bỗng thấy xấu hổ vì ghen tỵ với em gái tôi.
Uống hết cốc sôcôla, tôi ra khỏi tiệm cà phê, đi xuống phố dưới và tiến đến cái hàng rào sắt của Viện bảo tàng mỹ nghệ thời trung cổ. Khu vườn trước ngôi nhà bảo tàng đầy những chiếc lá dũ và lá hạt dẻ rụng. Những đứa trẻ con đang chơi ném thức ăn cho chim. Theo kinh nghiệm cũ tôi biết chắc mùa này bảo tàng có rất ít khách đến thăm.
Những tia sáng mặt trời yếu ớt lọt qua những tấm kính cửa sổ chui vào gian phòng. Trong góc phòng có vài người phục vụ đang ngồi. Ngoài tôi ra trong phòng không có khách nào. Tôi ngắm nhìn một con độc giác ngư treo trên tấm thảm trên tường mà Rinkê có kể lại trong "Nhật ký Mante" của mình. Sau đó ánh mắt tôi dừng lại ở những bức tượng thánh cổ làm tử thế kỷ XII - XIII, và cuối cùng tôi dừng lại trước một trong những tác phẩm bất hủ mà những kỷ niệm về nó từ lâu chôn chặt dưới đáy lòng tôi. Đó là mẫu mực của thứ nghệ thuật thực sự mà có thời tôi rất muốn đem hết tâm huyết phụng sự, nhưng rồi tôi đã hèn nhát bỏ cuộc chui về sống trong cảnh hạnh phúc tầm thường. Trước mặt tôi là khuôn mặt đang hấp hối của Chúa Giêsu được khắc từ gỗ không biết của nghệ nhân nào. Khuôn mặt hằn sâu những vết nhăn, trán của người tội đồ lăn tăn những giọt mồ hôi. Những dường gân nổi hẳn lên, cái mũi nhọn xương xấu, đôi môi mím lại đau đớn của con người đang ráng chịu đến hơi thở cuối cùng. Tôi không thể diễn tả hết bằng lời, nhưng từ cái khuôn mặt đẽo bằng một mẩu gỗ kia toát ra một thứ ánh sáng gì khó tả đập ngay vào mắt ta, làm ta không sao rời mắt được.
Xưa kia biết bao lần tôi đã đến chỗ pho tượng gỗ này và mơ ước tự tay mình sẽ sáng tạo ra được một tác phẩm có thể phát ra thứ ánh sáng kỳ diệu mê hồn ấy. Nhưng khi trở về Nhật, xây dựng gia đình rồi, thì tôi lại bận chúi mũi vào những công việc sinh hoạt hàng ngày, và bắt đầu cảm thấy mơ ước của tôi dần dần nguội đi, không còn quyến rũ tôi nữa. Song le, dường như để bù lại, bây giờ tôi có rất nhiều tiền, tôi muốn may sắm gì cũng được, chẳng hạn như cái áo măng tô bằng vải tít-xuy tôi đang mặc trên người đây. Trong thâm tâm lúc nào tôi cũng thảy xấu hổ vì đã bịt tai trước một giọng nói bên trong kêu gọi tôi không nên từ bỏ con đường đấu tranh, tìm tòi đã chọn, nhưng lại dỏng tai ra nghe giọng nói thứ hai lôi kéo tôi theo con đường dễ dàng bằng phẳng.
Trời ảm đạm và lòng tôi cũng ảm đạm khi tôi bước chân ra khỏi nhà bảo tàng. Trong tiệm bán thuốc lá sặc mùi cay gắt tôi mua một gói thuốc, bóc ra châm hút, rồi thơ thẩn bước dọc bờ sông.
Tôi dừng lại, đặt tay lên thành vịn bằng đá trên bờ sông, và bỗng nảy ra ý muốn đến thăm chỗ em gái tôi ở. Tối hôm qua và trong lúc nói chuyện điện thoại sáng nay, tôi cảm thấy hình như em tôi sợ không muốn tôi đến thăm chỗ ở của nó. Hay có một gã đàn ông nào ngủ ở nhà nó chăng? Khi một cô gái đã hơn hai mươi tuổi, thì việc cô ta có người yêu là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng vì đây là em gái tôi, nên tự dưng tôi thấy khó chịu khi nghĩ đến chuyện ấy. Cái cảm giác khó chịu ấy cũng giống hệt như hôm qua khi ngồi trên tắc xi tôi nhìn em gái tôi hút thuốc.
Tôi lại chui xuống đường hầm để quay trở lại quảng trường Hòa hợp. Em gái tôi viết thư kể rằng nó sống trong một gia đình người Pháp tên là M., nơi mà mọi người trong gia đình đều coi nó như con đẻ. Nó cũng thông báo thêm một cách tự hào là cửa sổ buồng nó trông ra quảng trường Hòa hợp.
Tìm nhà ở Pari không có gì khó khăn lắm, vì nhà ở một dãy thì đánh số chẵn, còn bên dãy kia đánh số lẻ. Tôi phân vân một lúc trước cửa nhà ông M., rồi cuối cùng giơ tay bấm chuông. Một bà già mồm đang nhai cái gì, trông có vẻ người gác cổng, ra mở cửa. Sau khi nghe tôi nó tên em gái, bà già miệng vẫn nhai tóp tép, đưa bàn tay bẩn thỉu chỉ vào phía cuối nhà. Tôi nhìn theo bà nhưng không hiểu ra ngay ý nghĩa của cử chỉ ấy, nên hỏi lại. Bấy giờ bà già mới nói cho tôi biết cô gái Nhật sống ở tầng sáu, và muốn lên chỗ cô ta phải đi vòng ra cổng sau. Đất trong sân đã biến thành thứ bùn đặc sệt màu xám, có lẽ vì hệ thống thoát nước tồi. Xung quanh sân đầy vỏ khoai tây và vỏ hành. Trong hành lang lối đi lên nhà tối om như trong hang và có mùi gì khen khét như mùi mỡ cháy. Tôi định theo cầu thang hẹp đi lên thì vừa lúc có một người da đen xuất hiện, khuyên tôi nên dùng thang máy. Xem ra chiếc thang máy này chủ yếu không phải dùng để chở người, mà chở hàng từ dưới lên, và chuyển rác rưởi từ trên xuống. Nó kêu cót két như cái xe bò khô dầu, nhưng dù sao cũng đưa được tôi lên đến từng sáu. Từ ngoài hành lang tôi đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc váng. Những căn buồng giống nhau như đúc, chạy dài một dãy như những gian nhà kho. Một cánh cửa bỗng mở và một người phụ nữ da đen béo mập ló ra. Tiếng trẻ khóc là từ trong căn buồng này. Trên sợi dây căng hai bên tường phơi đầy quần áo lót.
Tôi dừng lại trước cánh cửa có gắn mảnh giấy ghi tên em gái tôi, và bối rối ngắm nhìn cái biển con do tự tay nó làm. Người đàn bà da đen tiến lại gần tôi, sau khi biết ý định của tôi, bà ta mang lại chiếc chìa khóa.
Căn buồng của em gái tôi rất chật, tối và lạnh lẽo. Một kiểu buồng xép tầm thường của những người Pari nghèo. Trong căn buồng có một cái tủ quần áo cũ bằng gỗ dán đã long cả gỗ và một cái giường sắt. Một tấm kính cửa sổ đã rạn, em gái tôi phải lấy thứ giấy thủ công trẻ con của Nhật dán vào đó. - Nhìn mảnh giấy hoa dán cửa sổ tự dưng tôi thấy mủi lòng.
Tôi ngồi xuống chiếc giường sắt, ngước nhìn cái trần nhà có mấy ống sắt gì dài ngoằng bắc qua. "Ra nó sống thế này đây...! - tôi buồn bã lẩm bẩm, nhìn khắp gian buồng một lần nữa. Tôi đưa tay sờ vào tay nắm cửa tủ, cánh cửa tự động mở ra kêu đánh két. Mấy bộ quần áo treo trong tủ tôi vẫn còn nhớ. Đó là những chiếc váy cũ mà em gái tôi may từ ở Nhật cách đây đã năm năm. Trên ngăn trên có hai tấm ảnh: một cái là ảnh em gái tôi, còn một cái là ảnh tôi chụp với vợ và con trai. Phía trên mấy tấm ảnh có treo con hạc bằng giấy thủ công Nhật bản.
Tôi lẻn ra ngoài hành lang như một tên trộm và đóng cửa lại. Người đàn bà da đen hai tay chống nạng vẫn đứng ở chỗ cũ, đưa mắt theo dõi tôi, như một viên cảnh sát.
Sáu giờ tối tôi ngồi đợi em gái tôi trong quán cà phê ở đường Môngpacnat. Như thường lệ, vào giờ này trong quán rất đông người. Trong gian phòng, những cô gái để những kiểu đầu rất quái dị và những chàng thanh niên gầy nhom, tóc dài, khoác những chiếc măng tô rộng thùng thình đang vật vờ đi lại. Một màn khói thuốc lá dày đặc tràn ngập căn phòng, khắp phòng vang lên những tiếng nói chuyện bằng đủ các thứ tiếng. Mỗi con người vào đây đều tự huyễn hoặc coi mình là đại biểu của thế giới nghệ thuật. Cũng như bảy năm trước đây tôi nhìn cái "triển lãm đứng" của Pari này với vẻ khinh bỉ, coi tất cả bọn họ chỉ là cặn bã của xã hội. Tất nhiên trong số đó cũng có những người nghiêm túc, đứng đắn. Nhưng những người này - có lẽ chính vì cái đứng đắn, nghiêm túc của mình và cái đòi hỏi cao với nghệ thuật - nên cũng không sao tiến được trên con đường bon chen khốc liệt để đến với nghệ thuật. Không ai trong số họ là người có thể sáng tạo ra kiệt tác nào phát ra được tia sáng huyền diệu như bức tượng gỗ tạc khuôn mặt đang hấp hối của Chúa Giêsu trong viện bảo tàng mỹ nghệ thời trung cổ. Tất cả đám anh em khốn khổ này của Pari chỉ tốn công sức một cách uổng phí, trước mắt họ là một cuộc sống hoàn toàn bế tắc và cảnh già lang thang không nhà cửa.
"Thế còn mi thì sao?" - tôi vừa đưa ly rượu Mactini lên môi vừa thầm hỏi. Vài giọt rượu màu hổ phách rớt xuống chiếc áo măng tô tít-xuy sang trọng của tôi. Tôi bỗng nhớ đến những chiếc váy cũ treo trong tủ quần áo của đứa em gái. "Mi trở về Nhật, - tôi tiếp tục phán xét mình, - mi sợ cuộc sống bị tan vỡ? và thay vì nghệ thuật chân chính, mi đi làm những món hàng giả để kiếm tiền, để mua những chiếc áo măng tô như thế này".
Đẩy tấm cửa kính mờ đi vì hơi thở của khách, em gái tôi bước vào trong quán. Cũng như hôm qua, nó mặc chiếc áo khoác mỏng và chít khăn hoa xanh. Tôi hỏi nó uống gì, em gái tôi bảo nó thích uống rượu Chinzanô. Tôi để ý thấy nét mặt em gái tôi có vẻ hơi mệt mỏi, nhưng nó bảo:
- Không, em vẫn khỏe lắm. Có lẽ tại hôm nay phải gõ máy chữ nhiều quá, nên trông có vẻ mệt mỏi.
Hồi còn ở Nhật em gái tôi đã học đánh máy chữ rất thạo.
Tối hôm qua tôi chưa kịp chú ý dện quần áo của nó, bây giờ tôi mới có dịp quan sát kỹ bộ đồ nó đang mặc. Nó ăn mặc giống như các cô sinh viên bình thường. Nó ngồi hơi nghiêng người về phía tôi, đôi chân dài khép chặt lại. Và qua cái dáng ngồi ấy tôi thấy hình như em gái tôi có vẻ rét. Tôi nghĩ bụng ngày mai phải kiếm cớ gì để nó khỏi tự ái mà mua cho nó ít ra là chiếc khăn len.
- Thế nào, hôm nay anh đi chơi một mình có buồn không? em gái tôi hỏi.
- Ồ anh cứ lang thang ngoài phố như anh chàng nhà quê ấy, - tôi đáp, rồi nghĩ rằng sớm muộn nó cũng biết chuyện, nên tiếp: - Anh đã đến chỗ em ở.
Em gái tôi không nói gì.
- Em này, - Tôi tiếp tục. - Theo anh thì... Có lẽ em nên trở về Nhật đi...
- Tại sao tự dưng anh nói như vậy?
- Sao lại tự dưng? Em sống ở đây đã khá lâu, có lẽ thế là đủ rồi.
- Chưa. Em mới chỉ bắt đầu học cái mà em thích. Hơn nữa ông thầy em nói rằng hãy còn sớm.
- Thế ông thầy em là ai vậy?
- Ông Lêbêđép, em đã kể cho anh về ông ta rồi mà. - Lần này em tôi nói có vẻ hơi cáu. Đó là một nghệ sĩ rất giỏi. Cách đây một tháng ông ta có biểu diễn trên sân khấu nhà hát Ma rim. Em là học sinh người Nhật duy nhất của ông ấy.
Tôi bất giác đưa mát nhìn lần nữa những người xung quanh. Trong gian phòng vẫn có chừng vài chục phụ nữ với kiểu đầu kỳ dị và những người đàn ông gầy còm mặc măng tô thùng thình, trông như không có quần áo trong, đang thủng thỉnh đi hết chỗ này sang chỗ khác. Đó là một đám người hỗn độn. Mọi người hình như đều cho chỉ có mình là tài năng xuất chúng và ngày càng lún sâu xuống đáy. Liệu số phận em gái tôi trong cái thành phố xa lạ này có sẽ như vậy không?
- Em hãy ngắm nhìn xung quanh xem! - tôi nói - Tình cảnh của em rất có thể sẽ giống những con người này. - Tôi nói và nhìn vào cái áo măng tô sang trọng của mình.
Nhưng khó mà lay chuyển được em gái tôi.
- Thì có sao? - em tôi nói một cách bướng bỉnh. Cứ cho rằng em sẽ bị lâm vào tình cảnh như thế đi, nhưng ý nghĩa cuộc sống đâu phải ở chỗ đi tìm sự may mắn. Em có thể bằng lòng với những gì em hiện có. Em không tham vọng những gì to lớn hơn.
- Nhưng em thử nhìn kỹ đám người này xem? - tôi bất giác to tiếng - Chả lẽ những con người thế này không làm em kinh hãi sao? Vì họ không đem lại cái gì cho nghệ thuật và cũng chẳng được ở nghệ thuật cái gì cả.
Tôi đến Pari không phải để cãi nhau với em gái. Tôi chỉ muốn nói cho nó biết, những người đàn ông và dàn bà này, tuy miệng không lúc nào ngớt nói về nghệ thuật, thề trung thành với nghệ thuật, nhưng hoàn toàn không phải bao giờ cũng có thể sáng tạo ra được cái gì thực sự có giá trị cho nghệ thuật với những quy luật và yêu cầu nghiêm khắc của nó. Nhưng tôi không diễn đạt được hết những ý đó nên những lời nói của tôi có lẽ đã gây tác dụng ngược lại
- Em hiểu, - em gái tôi nhìn tôi bằng đôi mắt đen láy mở tròn, - vì thế nên anh mới quay về Nhật phải không? Rõ ràng anh không thể thờ phụng nghệ thuật một cách vô tư được, anh đòi hỏi phải có đền bù, phần thưởng.
- Thôi đi anh không muốn tranh cãi với em! - tôi nói, rồi gọi người hầu bàn đến tính tiền.
Điều mà em gái tôi nói có phần nào đúng. Bảy năm trước đây giọng nói bên trong của tôi cũng bảo: "Đừng đi tìm con đường dễ dàng, hãy ở lại đây, dù anh có phải trả giá bằng sự cô đơn trơ trọi", nhưng khi đó tôi đã bịt tai và đã quên đi khuôn mặt hấp hối của Chúa Giêsu trong viện bảo tàng mỹ nghệ trung cổ, đã chôn chặt hình ảnh ấy trong đáy lòng tôi, và bù vào đó... tôi được chiếc măng tô sang trọng này đây.
Chúng tôi bước ra khỏi tiệm cà phê. Trên trời những đám mây đen vẫn còn treo lơ lửng. Tôi rủ em gái tôi vào một khách sạn có các món cá đặc sản. Cả trong lúc ăn lẫn lúc đi về trên đường phố ngập lá rụng, chúng tôi cố tránh không đả động đến đề tài mà cả hai đều khó chịu.
- Tuần nào ông Lêbêđép cũng giao cho em bài tập mới - em gái tôi kể - Bài tập cuối cùng mà ông ta giao cho em là như thế này: Có một người đàn bà bỏ chồng dã mấy năm nhưng vẫn không sao quên được anh ta. Bỗng một hôm chị ta nhận được bức thư của người chồng cũ. Cô hãy thử, ông thầy bảo em thế, thể hiện những cảm xúc của người đàn bà khi đọc lá thư ấy, nhưng không được nói một lời nào, chỉ dùng cử chỉ và nét mặt thôi.
- Thế em đã thể hiện như thế nào?
- Em dùng những cử chỉ ngón tay và ánh mắt, - em tôi sôi nổi kể. - Nói chung ông Lêbêđép rất khen em. Về mặt diễn tả bằng điệu bộ thì không có ai giỏi bằng người Nhật mình.
Phải, rõ ràng cái ông Lêbêđép này không thể tiến xa được, tôi nghĩ bụng. Cách ông ta dạy như thế là dạy kỹ thuật biểu diễn chứ không phải dạy nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính thì phải không cần đến những biểu hiện cảm xúc bên ngoài hời hợt như thế. Tài năng thực sự ẩn chứa trong tác phẩm điêu khắc bày trong tủ kính viện bảo tàng mỹ nghệ trung cổ, dưới hình thức pho tượng mặt Đức chúa đau khổ kia, hoàn toàn không có gì giống với những thủ pháp nghiệp dư của ông Lêbêđép này, cũng chẳng có gì giống với những cố gắng vô ích của đám người mà tôi vừa nhìn thấy trong tiệm cà phê kia! Tôi hiểu quá rõ điều đó bởi vì chính bản thân tôi cũng không có khả năng tạo ra được cái gì giống với tác phẩm bất hủ kia.
Khi em gái tôi kể về những buổi học dưới sự hướng dẫn của ông Lêbêđép, giọng nó thay đổi hẳn. Không còn gì là cáu kinh, mệt mỏi nữa. Nó nói sôi nổi, vui vẻ, với niềm say mê sung sướng. Nhưng biết đâu cũng có thể nó chỉ làm ra vẻ vui thích như vậy? Tôi lập tức nghĩ ngay đến căn buồng chật chội, tối tăm và lạnh lẽo của nó trên tít tầng sáu. Biết đâu em gái tôi muốn lừa dối cả chính tôi, anh trai nó?
Sau khi chia tay với em gái và trở về khách sạn, tôi bỗng cảm thấy mệt mỏi kinh khủng. Tôi ngả lưng xuống giường, châm thuốc hút và cứ lẩm bẩm mãi cái tên “Lêbêđép! Lêbêđép" như người bị ma ám. Tôi bỗng muốn trước khi rời Pari cố gặp cho được con người này, dù chỉ một lần. Liệu em tôi thực sự có năng khiếu làm diễn viên không? Từ lâu tôi đã đi đến kết luận rằng trong nghệ thuật chỉ có miệt mài, chăm chỉ không thì không đủ. Muốn gì thì muốn, tôi phải gặp cái ông Lêbêđép này cho bằng được, để hỏi xem ông ta đánh giá thế nào về khả năng diễn viên của em gái tôi. Nếu ông ta bảo em gái tôi chẳng có tài năng gì đặc biệt, thì nghĩa vụ của tôi là phải thuyết phục nó quay về Nhật.
Ngày hôm sau tôi gọi dây nói đến ban giám đốc nhà hát Marini, vì tôi nhớ hình như em gái tôi bảo ông ta diễn ở nhà hát này.
Ở đầu dây nói tôi nghe thấy một giọng đàn bà lanh lảnh:
- Lêbêgiep hay Lêbêđép? xin ngài phát âm cho rõ hơn... Ngài bảo ông ta biểu diễn ở nhà hát chúng tôi bao giờ? - Hừm.. rõ ràng ở nhà hát Marini cái tên Lêbêđép không được người ta nhớ lắm. - Để tôi hỏi lại xem đã nhé. Xin ông chờ cho một chút.
Trong lúc chờ trả lời, mỗi lúc tôi càng cảm thấy buồn rầu hơn, tựa như một cảm giác gì mệt mỏi. Hay tất cả chỉ là chuyện hoang đường? Hay em gái tôi bịa ra cái tên ấy cốt để che giấu cái tình cảnh thảm hại của nó? Không có gì ngạc nhiên nếu nó tự huyễn hoặc mình bằng những ảo tưởng, nhìn cái giả thành cái thực, khi sống trong căn buồng tối tăm ở tầng sáu và không có hy vọng gì thực hiện được mơ ước của nó... Nhưng dầu dây bên kia lại vang lên vẫn cái giọng đàn bà lanh lảnh.
- Ông Lêbêđép năm kia có biểu diễn ở nhà hát chúng tôi một lần thay cho một diễn viên khác. Nhưng sau ông ta bị thương, thôi không biểu diễn nữa. Địa chỉ ấy ạ? Hèm.. Chúng tôi chỉ có địa chỉ cũ của ông ấy thôi, nhưng...
Tôi yêu cầu người ta cứ cho tôi địa chỉ ấy và ghi vào bên cạnh trang báo.
Sau đó mấy hôm khi gặp em gái, tôi không đả động gì đến chuyện đã hỏi thăm về ông Lêbêđép. Tôi không thích thú gì nói chuyện với em gái tôi về ông ta. Trong khi đó em gái tôi không chút nghi ngờ, vẫn say sưa hãnh diện kể về ông thầy của mình. Cái tên Lêbêđép không lúc nào không được nhắc đến trong câu chuyện của nó. Tôi nhớ lại ngày xưa, hồi em gái tôi còn học vũ ba lê, nó vẫn hay thì thầm vào tai tôi kể chuyện về thầy giáo của nó. Cũng như hồi đó, đôi mắt em gái tôi lại sáng long lanh, tưởng như cả người nó tràn ngập niềm vui. Nhưng bây giờ thì nó giả dối rõ ràng, và tôi cứ làm ra vẻ tin những điều nó nói là thật.
Một ngày trước khi rời Pari đi Mađrit, tôi quyết định dù sao cũng tìm gặp ông Lêbêđép theo địa chỉ người ta cho tôi. Ngôi nhà ông ta sống nằm trong ngõ nhỏ bẩn thỉu sau nhà thờ thánh Sunpixia. Trên góc quảng trường nhà thờ chìm trong màn khói chiều, một bà già bán hạt dẻ đang xoa xoa đôi tay lạnh cóng.
Ông già quản lý ngôi nhà cũ nhiều buồng, miệng vẫn không rời mẩu thuốc lá cháy dở, nói rằng ông Lêbêđép vừa đi ra cửa hàng thịt gần đấy, rồi đưa ngón tay chỉ vào chỗ bóng tối. Tôi rẽ theo hướng ông ta chỉ, tay đút túi măng tô và bắt đầu đợi. Một lát sau trên con đường nhá nhem tối có một bóng người dắt con đang tập tễnh đi lại phía tôi.
- Ông Lêbêđép, ông có khách đấy! - Ông già quản lý kêu to bảo người đó.
Tay vẫn dắt đứa con, người què chân kia dừng lại. Ông ta mặc chiếc áo măng tô đã sờn, quấn chiếc khăn phu la màu đỏ tươi - chắc là vật duy nhất còn lại từ thời ông ta còn là nghệ sĩ. Căn cứ vào cái trán hói và những sợi tóc bạc trên mái tóc màu hạt dẻ sẫm của ông ta, có thể biết ngay ông ta là người đã luống tuổi. Sau khi xin lỗi vì cuộc đến thăm đường đột, tôi nói với ông ta rằng tôi đến để hỏi thăm tin tức đứa em gái. Ông Lêbêđép không hiểu sao nhìn tôi và ông quản lý có vẻ lo ngại, sau đó ông quay sang đứa bé, bảo:
- Con mang gói thịt này vào bếp đi.
Tôi hiểu ra ông Lêbêđép đã có vợ con.
- Nếu ông không phản đối, - ông ta nói bằng giọng có vè đau khổ, - chúng ta có thể vào quán cà phê ngồi nói chuyện, ngay cạnh đây thôi.
Lêbêđép vừa đi vừa lê chiếc chân giả. Mỗi bước đi những bộ phận bằng kim loại trong chân giả kêu leng keng.
- Tôi bị ô tô chẹt... ông thấy đấy...
- Ông bị ở đâu vậy?
- Ở quảng trường bên cạnh. Người Ba lan rút trong túi quần ra cái khăn tay bẩn và lau mặt.
Quán cà phê mà chúng tôi bước vào giống một quán ăn hơn là một tiệm cà phê. Có hai người đàn ông trông dáng công nhân đang ngồi tỳ tay bên quầy uống bia. Tôi chọn một cái bàn trống và gọi cà phê.
- Cám ơn, tôi không uống được cà phê, uống vào tim bị đập mạnh. - Ông Lêbêđép nói, đôi mắt đảo nhanh có vẻ lo lắng, sau đó tiếp: - Cô Mari đối với tôi rất tốt.
Mari là tên ở đây người ta gọi em gái tôi. Ánh mắt ông Lêbêđép trông lờ đờ mệt mỏi. Bộ quần áo sờn cũ đáy những vết bẩn. Khi nào mái tóc vàng nhạt của ông ta bạc hết, ông chắc sẽ thành một ông già rất xấu xí Những nét già nua xấu xí bây giờ đã lộ rõ trên khuôn mặt ông ta. Tôi lại nhớ đến những thanh niên mới bước vào con đường phụng sự nghệ thuật mà tôi và em gái tôi trông thấy trong quán cà phê ở đường Môngpacnat. Có lẽ ông Lêbêđép này một thời cũng có mặt trong đám thanh niên như thế, và bây giờ đã cảm thấy hoàn toàn thất bại trong đường đời. Khi tôi hỏi ông ta em gái tôi có năng khiếu nghệ thuật hay không, ông ta gật đầu mấy cái. Nhưng liệu sự đánh giá của ông ta có ý nghĩa gì không? Với lại tôi hỏi thế chẳng qua để cho có chuyện mà thôi.
Tôi gọi hầu bàn tính tiền, ông Lêbêđép im lặng nhìn tôi trả tiền. Khi chúng tôi ra khỏi quán cà phê, trời đã tối hẳn. Chúng tôi dừng lại trên vỉa hè để chia tay nhau, nhưng tôi chưa kịp chìa tay ra thì ông Lêbêđép bỗng rụt rè nói:
- Nghĩa là ông không phản đối việc tôi và cô Mari yêu nhau chứ?
Ngày hôm sau tôi rời Pari. Trời cũng lất phất mưa như hôm tôi đến. Sau khi cân hành lý và kiểm tra vé xong, tôi và em gái tôi đi vào phòng đợi, ngồi nhìn trời mưa qua cửa kính. Tôi không nói gì về cuộc gặp gỡ của tôi với ông Lêbêđép. Em gái tôi có thể biết chuyện đó, nhưng im lặng.
"Xin mời hành khách đi Mađrit lên ô tô ra máy bay?" có tiếng thông báo trên loa phóng thanh. Tôi đứng dậy, rút tay ra khỏi túi áo măng tô.
Không biết đến bao giờ tôi mới lại gặp lại em gái tôi? Có thể ba năm, có thể bốn năm, mà cũng có thể không bao giờ nữa...
Tôi nói:
- Anh đã gặp ông Lêbêđép rồi.
- Em biết, - em tôi đáp có vẻ giận dỗi.
- Thế em biết ông ta đã có vợ con rồi không?... và nói chung một người như ông ta không còn khả năng làm được gì nữa. Một con người rủi ro điển hình!
- Em đã nói với anh rồi, là em không cần sự đền bù trong cuộc sống như anh, - mắt vẫn mở to nhìn tôi, em gái tôi chậm rãi trả lời. Sau đó, khi tôi đã ngồi vào ô tô buýt, em tôi gần như thì thầm nói tiếp: - Dù có phải chết, thì anh nên nhớ rằng em vẫn hạnh phúc.
"Thật là ngu ngốc! ngu ngốc" - tôi lẩm bẩm trong bụng khi ngồi trên ô tô. Nhưng đồng thời tôi cũng hiểu ra một điều là tôi không có quyền gì phán xét em gái tôi cả.
°Parfaite - (tiếng Pháp) - nghĩa là rất tốt, hoàn hảo

*

Thái Hà dịch 

Xem Tiếp: ----