Phần 1

  Vài dòng tâm sự (thay lời tựa)
Cầm bản thảo Nhất Linh, cha tôi trong tay, tôi biết viết gì đây, ngoài lòng ngậm ngùi vô hạn...
Gần như cả một thế kỷ trước ẩn hiện trước mắt, với bao nhiêu hình tượng xa xưa, từ lúc nhỏ còn ở nóc nhà tranh trên con đường đất sau nhà ga Cẩm Giàng im vắng trên đường xe lửa Hà Nội - Hải Dương; cho đến lớn lên đi học rồi bước vào cuộc sống muôn vàn của xã hội.
Cuộc đời thật là khó lường. Lúc chào đời có ai rõ vận mệnh của mình sẽ ra sao? Trong mắt tôi anh Tam là một người dong dỏng cao, đôi mắt sáng, hiền hậu, học giỏi, có đời sống gia đình bình thường. Việc vào trường Mỹ thuật Hà Nội cũng không có gì làm thay đổi nếp sống của anh. Có lẽ quan trọng nhất là việc anh sang Pháp học, không phải vì anh đã đỗ bằng cử nhân khoa học (lúc đó hiếm có) mà vì anh hấp thụ được làn không khí tự do và những quan niệm mới về dân chủ; đồng thời cũng nhận thức thêm về văn học Pháp.
Anh là một trong những thanh niên nhậy cảm nhất đối với trào lưu tiến bộ của nhân loại; không những thế, anh lại là người mang những ý nguyện vào thực hành, trong cả hai lãnh vực văn hoá và chính trị. Ít thấy ai đạt tới những thành tựu xuất chúng về toàn diện như vậy trong lịch sử cận đại.
Ai cũng biết anh là một cây bút có biệt tài nhưng ngoài ra anh là người chính trong việc gây ra một trào lưu văn học mới ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội Việt Nam thời ấy. Anh còn lôi cuốn được nhiều văn nghệ sĩ có tài như Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tú Mỡ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... để lập ra Tự Lực Văn Đoàn. Đó là một thời kỳ phồn thịnh nhất của nền văn nghệ Việt Nam, và có lẽ thời kỳ phẩm chất rất cao với những tác phẩm còn lưu truyền đến tận bây giờ. Về sau, vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, vì chia rẽ nên khó có điều kiện để nẩy sinh ra một thời kỳ giống như vậy nữa.
Ngày nay lại càng khó khăn hơn nữa, với thời thế đặc biệt. Cả ở trong lẫn ngoài, đều chưa thấy mở đầu một trào lưu văn nghệ nào xuất sắc lắm, tuy rằng nhiều văn nghệ sĩ đã rất cố gắng. Nhìn vào thực tế, trong các nước cộng sản độc tài, vì tư tưởng, ngôn luận bị bóp nghẹt, nên ít thấy những tác phẩm văn nghệ hay đáng kể, trừ một số ít tác phẩm có khuynh hướng đi ngược lại với trào lưu bị áp đặt. Con người Việt Nam hiện đương bị nhiều vấn đề làm cho đầu óc rối ren, khó lòng bình tĩnh lại để suy nghĩ và để viết cho trọn vẹn, trừ phi có đủ khả năng để một mặt quan sát và phân tích sự việc đa diện, một mặt để điều giải bằng những câu viết chọn lọc có trình độ cao.
Tuy vậy, nghĩ khác một chút, ta lại thấy rằng chính trong thời kỳ rối ren như thế này, mới có thể xẩy ra những sự kiện và nhân vật đặc biệt - và trong đó có cả những tác giả có tâm hồn và tài năng đặc biệt, có thể tạo nên những tác phẩm không bình thường.
Nhất Linh đúng là một nhân vật, một tác giả đặc biệt trong một thời kỳ rối ren và đặc biệt của lịch sử nước nhà. Nhưng cũng đúng như câu thơ của Nguyễn Du nói:
Ngàn năm bạc mệnh, một đời tài hoa...
Ôi! Cũng là vận mệnh cả. Nhưng không lẽ đời ai cũng đều là số phận định đoạt? Có những sự kiện khó mà giải thích. Trong gia đình chúng tôi hồi đó, toàn là không may mắn cả.
Anh Hai, Nguyễn Tường Cẩm, đã mất dưới viên đạn tàn bạo của chế độ, chỉ vì là anh em với chúng tôi.
Anh Tư, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, đột nhiên mất vì bạo bệnh trên một chuyến xe lửa từ Hồng Kông tới Quảng Châu, trong cuộc sống lưu vong, chỉ mới 42 tuổi.
Anh Sáu, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, mất vì bệnh phổi chỉ thọ 32 tuổi.
Chúng tôi đã chịu đựng nhiều gian truân, tang tóc, lưu vong. Riêng cá nhân tôi, kỳ lạ là vẫn còn sống tới nay và lưu vong tại đất Hoa Kỳ xa lạ này, xa rời tổ quốc và quê hương đã 59 năm.
Ngày nay, đọc Nhất Linh, cha tôi, lại hồi tưởng đến những ngày tháng xa xưa, những ngày tháng đã trôi qua một cách vô tình. Tuy vậy, những ký ức về người anh thân mến và tài hoa của tôi, lúc nào cũng còn sống mãi trong tâm khảm của tôi, người em út.
Nếu các bạn có đọc cuốn Nhất Linh, cha tôi này của Nguyễn Tường Thiết, và để một chút lòng tưởng nhớ đến tác giả cuốn Đoạn tuyệt thì chúng tôi sẽ xin rất cảm ơn, mãi mãi không quên.
Với tất cả thương tiếc và ngậm ngùi vô hạn.
Tháng sáu, năm 2005
Nguyễn Tường Bách

°

Mãi đến năm 10 tuổi tôi mới được thấy rõ khuôn mặt bố tôi. Đó là khoảng cuối năm 1950 khi ông từ Hương Cảng trở về Hà Nội. Trong thập niên 1940 cha tôi rất bận rộn với những hoạt động chính trị, ông sống bôn ba nhiều năm bên Trung Hoa. Thời gian này ông chỉ ghé về thăm mẹ con tôi trong những dịp đặc biệt ngắn ngủi, không đủ cho tôi kịp nhận diện khuôn mặt người bố. Bởi thế ngày mẹ con tôi đón tiếp ông trở về với gia đình, tôi đã đứng ngây người nhìn ông như nhìn một người khách lạ.
Người khách ấy - Nhất Linh - mặc bộ ka-ki bốn túi, dáng dong dỏng quắc thước, khuôn mặt phong sương, có cặp mắt sâu, đôi mày rậm, vầng trán cao, nụ cười cởi mở dưới hàng râu mép và cái nhìn đặc biệt, nhìn thẳng và sâu vào đôi mắt người đối diện nhưng lúc nào cũng nhiễm một vẻ mơ màng, xa vời.
Đêm hôm đầu tiên đoàn tụ, chúng tôi không ngủ, tất cả thức gần suốt sáng để trò chuyện với ông. Trong căn nhà số 15 Hàng Bè Hà Nội nơi mẹ tôi mở tiệm bán cau khô, vào một đêm mùa đông, bố mẹ con chúng tôi chen chúc nằm trên một chiếc giường tây lớn. Tôi còn nhớ rõ bố tôi nói với chúng tôi ngày hôm sau báo chí sẽ đến gặp ông và ông sẽ tuyên bố quyết định từ bỏ cuộc đời làm chính trị để trở về với đời viết văn.
Riêng tôi, nằm sát cạnh người bố xa lạ, tôi vẫn không nói với ông một lời từ lúc ông trở về nhà. Rõ ràng là tôi đã giận dỗi và phản đối cái cách tiếp đón mà mọi người đã dành cho ông, bằng cách giả vờ ngủ say và không tham dự. Nhất Linh thì tinh lắm, ông đoán biết ngay có cái gì không ổn trong thái độ của thằng con út. Trong lúc vẫn nói chuyện với mẹ và các anh chị tôi, chốc chốc ông lại thò tay dưới chăn véo mạnh vào đùi tôi để thăm dò thằng con còn thức hay đã ngủ, nhưng tôi chịu đau, lờ đi. Mãi về sau, đau quá, chịu không thấu, tôi phải la lên, tiếng kêu có vẻ tỉnh táo lắm, khiến ông tung chăn ngồi dậy, nói to: "À thằng này giỏi chịu đau từ lúc nãy đến giờ, nó chỉ vờ ngủ!". Cả nhà ngơ ngác không hiểu chuyện gì xẩy ra giữa hai bố con. Thế là sau mười năm xa cách, ông đã tìm cách "đàm thoại" với tôi trong chăn và qua cách ấy hai bố con tôi đã nghĩ về nhau một cách lặng lẽ.
Mẹ tôi thường nói bố tôi tuổi con ngựa nên suốt đời hay đi, không mấy khi ở gần với gia đình. Bà cũng thường nói khi lấy cha tôi, ông đã cam kết ngay từ đầu rằng mỗi người có một bổn phận, ông có bổn phận đối với xã hội, còn bà có bổn phận đối với gia đình. Tôi ít thấy một cặp vợ chồng nào mà sự cam kết ban đầu lại được cả đôi bên tôn trọng lâu dài hơn thế. Thực ra, chẳng phải vì ông hoạt động cách mạng nên hoàn cảnh bó buộc ông phải sống xa gia đình. Ngay sau này khi sống một cuộc đời bình thường, ông cũng không mấy khi ở gần mẹ con chúng tôi. Bản chất và lối sống của bố mẹ tôi hoàn toàn khác biệt, khó có thể dung hợp. Tính ông tuyệt đối ưa chuộng sự giản dị, chân thật, sự mơ mộng, yên tĩnh và sạch sẽ. Còn mẹ tôi, suốt đời buôn bán nghề cau để lấy tiền nuôi lũ chúng tôi, nên phải sống trong điều kiện ngược hẳn lại: bà buộc phải thực tế, màu mè, khách sáo, sống nơi chợ búa ồn ào, bừa bãi, luộm thuộm. Lũ chúng tôi phần lớn sống gần với mẹ, nhưng đôi khi cũng được gửi đi sống bên cạnh bố. Sự dàn xếp trong lối sống của bố mẹ tôi thực là tuyệt diệu vì chính nó đã giữ được hoà khí trong gia đình. Không bao giờ chúng tôi nghe thấy bố mẹ tôi to tiếng với nhau. Trái lại chính vì thời gian sống chung bên nhau hiếm hoi nên cả hai đã tạo cho nhau những ngày sống chung trở thành một chuỗi "những ngày diễm ảo". Mẹ tôi kể lại là trong thời gian trước khi tôi sinh ra cứ mỗi lần Nhất Linh viết xong và xuất bản được một cuốn truyện mới thì dù mẹ tôi có bận rộn buôn bán đến mấy đi nữa ông cũng buộc mẹ tôi bỏ hết để cùng sống với ông riêng biệt một thời gian bên bãi biển Sầm Sơn. Ông còn tập cho mẹ tôi hút thuốc lá, uống rượu, thưởng thức thú pha và uống trà tàu buổi sáng, để rồi sau bà cũng nghiện không thua gì ông. Sau này trong những ngày ở Đà Lạt lạnh lẽo, những buổi sớm mai khi chúng tôi còn nằm vùi trong chăn, thì bố mẹ tôi đã rù rì tâm sự với nhau bên tách trà nóng, rất là tương đắc. Sở dĩ bố mẹ tôi có thể sống xa nhau thường xuyên mà không phiền hà vì cả hai đều có một điểm giống nhau, đó là sự say mê làm việc. Nếu Nhất Linh đam mê viết sách, làm báo và những hoạt động xã hội, thì mẹ tôi cũng mê say trong việc làm ăn buôn bán không kém, có khi lại còn hơn cả ông. Lũ chúng tôi không hề cảm thấy buồn phiền vì thiếu sự chăm sóc thường xuyên của cả bố lẫn mẹ, trái lại còn thấy sung sướng vì cảm thấy mình được tự do.
Sau khi ở Trung Hoa về nước và sống với mẹ con tôi ít ngày, Nhất Linh thu xếp mấy thứ hành trang giản dị dọn qua ở nhà bác Nguyễn Tường Thụy tôi, số 2 đường Lý Thường Kiệt, trong một khu phố tây yên tĩnh, đối diện với Viện Đại học Hà Nội. Ông ở đó ít tháng để hoàn thành bức vẽ truyền thần chân dung bà nội tôi. Đó là một bức họa lớn bằng bút chì, nét vẽ đơn sơ sắc sảo. Nhất Linh đã ghi lại hình ảnh sống động bà mẹ của ông trong bộ áo nâu tu hành đang ngồi chắp tay tụng niệm.
Đầu tháng 4 năm 1951, Nhất Linh và toàn gia đình bác Thụy tôi dọn vào Nam. Cha tôi chọn người chị cả tôi và người con út là tôi đi theo ông vào Sài Gòn, trong khi mẹ tôi vẫn tiếp tục buôn bán ở Hà Nội với các anh chị tôi cho đến ngày di cư. Ba bố con tôi ở chung với gia đình bác Thụy trong một căn nhà do chính phủ cấp cho công chức Sở Bưu điện, số 12P đường Hồng Thập Tự. Căn nhà tuy rộng, có nhiều phòng, nhưng vì gia đình bác tôi đông con nên cũng thành chật. Cha tôi chỉ xin một phòng nhỏ và xấu xí nhất trong một xó bếp để ở, vì chỗ đó yên tĩnh và biệt lập. Thế rồi chỉ trong vòng tuần lễ, với khiếu thẩm mỹ và sự bầy biện ngăn nắp, ông đã trang trí căn phòng tồi tàn thành một chỗ ở xinh xắn và ấm cúng nhất.
Trong mấy năm ở nhà bác tôi, Nhất Linh chú tâm vào việc xuất bản và tìm tòi những cây viết mới. Ông mở nhà xuất bản Phượng Giang - ghép tên Phượng Vũ và Cẩm Giàng là quê quán và sinh quán của mẹ và cha tôi - ngoài việc in lại những sách truyện của Tự Lực Văn Đoàn, ông còn xuất bản truyện của những cây viết trẻ. Chúng tôi, các con bác cả và tôi, lăng xăng khuân từng chồng sách mỏng, loại Sách Hồng dành cho thiếu nhi và thay phiên nhau đóng dấu bông hoa hồng lên trên bìa sách. Người con trai cả bác Thụy tôi, nhà văn Tường Hùng, lúc đó đang học về kiến trúc, đã vẽ dấu hiệu con Phượng Hoàng tiêu biểu cho nhà xuất bản Phượng Giang. Thời gian này họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng thường lui tới. Ông đã giúp cha tôi trình bầy mẫu bìa các cuốn tiểu thuyết qua nghệ thuật cắt và dán giấy màu của ông. Bức họa chân dung Nhất Linh bằng sơn dầu được nhiều người biết tới, nhất là sau khi Nhất Linh qua đời và bức tranh được trưng trong những dịp tưởng niệm ông, là do họa sĩ vẽ trong thời gian này. Bức vẽ thực ra còn dang dở vì trước khi vẽ xong, ông Trí đã bị bắt đi an trí ở Thủ Dầu Một một thời gian. Khi ông trở về, định vẽ tiếp thì cha tôi không cho. Thành thử bức chân dung chỉ có khuôn mặt là đầy đủ, còn bàn tay cầm gói thuốc lá thì mới chỉ là mấy nét phác. Sau này cha tôi nói đùa là ông thích để nguyên như vậy vì chính cuộc đời ông cũng là một tác phẩm chưa hoàn tất. Trong những lúc giúp Nhất Linh những công việc lặt vặt của nhà xuất bản, chúng tôi có dịp đọc tiểu thuyết và lần đầu tiên làm quen với các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và của các nhà văn mới khác. Tôi còn nhớ đã đọc ngay từ khi sách đang in còn thơm mùi mực mới cuốn truyện đầu tay Những đêm mưa của Linh Bảo và cuốn Gió mát của Tường Hùng. Có một cuốn tiểu thuyết mà Nhất Linh cấm không cho chúng tôi đọc là quyển Bướm trắng, ông nói là chúng tôi chưa đủ lớn để hiểu được cuốn truyện này.
Thời gian ở nhà bác Thụy chúng tôi cũng được biết cha tôi mắc bệnh bao tử. Ông không thể nào ăn cơm ta một thời gian lâu mà không cảm thấy óc ách khó chịu. Ông bèn đổi cách ăn bằng cách đặt mua cơm tháng ở hiệu cơm tây La Cigale đường Đinh Tiên Hoàng và chị người làm cứ ngày hai lần xách cà-mèn đi lấy đồ ăn về. Bữa ăn chỉ có hai bố con. Nhất Linh và tôi. Ông ăn nhanh và không nói năng. Lúc đầu tôi còn khoái ăn cơm tây vì lạ miệng, nhưng ăn mãi cũng đâm chán. Hơn nữa ăn một mình với ông thì buồn vì không được đùa nghịch. Tôi bèn thương lượng với các anh họ tôi đánh đổi để được ăn cơm ta chung với gia đình bác tôi. Các anh họ tôi thì đông lắm, mà ai cũng thích ăn cơm tây, nên cứ trước mỗi bữa ăn là xẩy ra cuộc tranh giành rút thăm inh ỏi để chọn người đại diện vào ăn chung với "chú Tam".
Chú Tam thường thì rất cởi mở vui tính với lũ trẻ nên ai cũng thích ông. Khi vui ông thường trực tiếp tham dự vào những trò chơi của chúng tôi, hoặc giả ông đặt những giải thưởng hậu hĩnh cho ai thắng những cuộc tranh đua. Nhưng cũng có nhiều lúc ông xa lánh tất cả rút vào căn phòng sào huyệt của ông để tìm sự yên tĩnh. Hình ảnh quen thuộc mà chúng tôi thường thấy khi vào phòng ông là thấy ông đang ngồi viết lách trên một chiếc ghế vải, với cặp kính trễ trên sống mũi, bên cạnh ông, trên một chiếc bàn thấp là một ly bia ông uống nhấm nháp, một gói thuốc Bastos xanh, một cái tẩu thuốc, một cuốn sổ tay chi chít những ghi chú và con số.
Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. Những khi giật mình thức giấc nửa đêm tôi thường thấy, qua khe cửa, đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì có tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Một người anh họ lớn tuổi hơn, ra dáng hiểu biết, giải thích: "Chú Tam khóc vì chú nhớ chú Long đấy!". Sau này tôi biết ông đã khóc âm thầm nhiều đêm vào những dịp khác. Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm. Có buổi sáng thức dậy ông đã hỏi người chị họ tôi có dạo chơi piano bản nhạc nào đó không, vì ông hoang mang không biết chính ông đã nghe chị tôi thực sự dạo bản nhạc đó hay tất cả chỉ do ông tưởng tượng ra trong giấc mơ của ông.
Năm 1954, khoảng ký kết hiệp định Genève, cha tôi sang Pháp để chữa bệnh và cũng để thăm người anh cả của tôi đã sang Pháp du học từ năm 1949. Đây là chuyến Đi Tây thứ hai và cuối cùng của ông. Thời gian này mẹ và các anh tôi cũng đã di cư vào Nam. Mẹ tôi mua một căn lầu trong chung cư chợ An Đông để lấy chỗ ở và buôn bán. Khi Nhất Linh về nước, ông xách theo một cây kèn clarinette, một loại nhạc khí mà ông đã rành sử dụng từ những năm 1939-40. Cứ mỗi buổi chiều chúng tôi lại nghe thấy tiếng hắc tiêu của ông qua bản Tennessee Waltz mà ông ưa thích văng vẳng từ lầu hai chung cư, nghe lạc lõng xa lạ trong cái không khí chợ búa ồn ào của khu phố chợ An Đông. Chúng tôi thấy rõ nơi này chẳng phải là chỗ nương náu lâu dài cho ông được.
Quả nhiên, qua năm 1955, ông xách kèn lên Đà Lạt và quyết định ở luôn trên ấy mấy năm. Thu xếp xong chỗ ở, ông nộp đơn để xin cho tôi thi nhập học vào một trường trung học công lập trên ấy, thế là một lần nữa tôi lại theo ông lên sống trên miền cao nguyên.
Nhất Linh, sau thời gian chữa bệnh bên Pháp, lại rất thích hợp với khung cảnh nên thơ và khí hậu mát mẻ của Đà Lạt, dạo này rất khỏe mạnh. Ông thường đi bộ một ngày đến hơn cả chục cây số. Mỗi buổi sáng sớm, từ căn phòng thuê trên lầu hai nhà hàng Poinsard & Veyret, số 12 đường Yersin, ông thả bộ xuống khu chợ Hòa Bình, ăn điểm tâm tô phở Bình Dân đường Hàm Nghi, rồi đi vòng bên kia bờ hồ Xuân Hương, vượt mấy ngọn đồi phía cuối hồ, đến tận khu Chi Lăng gần hồ Than Thở. Lâu lâu ông rủ tôi đi thả bộ cùng với ông. Hai bố con lặng lẽ đi bên nhau, vì ông thường đắm mình trong những kỷ niệm và suy tưởng riêng tư, cho đến lúc tôi mệt nhoài, đòi về. Có lần, đi ngang qua sân cù, ông chỉ về cái tháp cao của khu trường trung học Yersin và khách sạn Palace thấp thoáng trong sương phía bên kia bờ hồ Xuân Hương nói với tôi là chính tại ngôi trường đó, gần mười năm trước, ông đã cầm đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị sơ bộ Pháp Việt và cũng thời gian đó, trước nhà hàng Palace kia, nơi thềm xi-măng mặt tiền khách sạn, ông vẫn thường ngồi uống rượu để thưởng ngoạn khung cảnh Đà Lạt với bác Thụy tôi, hai người vẫn nhìn sang rặng đồi thông bên này, nơi chỗ chúng tôi tản bộ ngày nay. Cái khung cảnh thơ mộng đó, mười năm sau, đã trở về trong ký ức của ông; nhưng lần này khung cảnh đó ông đã thưởng ngoạn với sự bình thản hơn nhiều của tâm hồn. Nhất Linh hầu như không bao giờ tâm sự với con cái về chính cuộc đời của ông, nhất là cuộc đời chính trị, nhưng có một lần hiếm hoi ông đã tiết lộ với chúng tôi là thời gian khổ sở nhất trong cuộc đời của ông là lúc ông đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp.
Cha tôi có biệt tài nhận xét và quan sát rất bén nhậy khiến tôi phải cảm phục. Năm đó tôi đã trúng tuyển kỳ thi nhập học vào lớp đệ Lục trường trung học Quang Trung. Vì số học trò dự thi vào trường công năm đó rất đông mà nhà trường thì chỉ còn chỗ để thu nhận thêm vài ba học sinh thôi, nên hôm đi thi về tôi đã nói trước với cha tôi là không có một tí hy vọng nào cả. Ngày đi xem bảng, không ngờ lại thấy tên mình trong danh sách những người trúng tuyển, tôi mừng quýnh, vội bỏ về nhà ngay. Lúc bước chân vào nhà, vì muốn dành cho cha tôi một sự ngạc nhiên, tôi đóng vai thiểu não, báo cho ông biết là mình đã thi trượt. Nhất Linh chỉ cười và nói chắc là tôi đã đậu rồi. Sau đó ông giải thích với tôi sở dĩ ông biết chắc tôi thi đậu vì lúc trước đó từ trên lầu hai ông đã quan sát dáng đi của tôi từ xa trước hai dẫy phố, cái cách đi cắm cúi của tôi như chỉ muốn đi nhanh cho chóng về nhà đã khiến ông tin chắc tôi có gì vui ở trong lòng, như vậy thì làm sao mà tôi có thể trượt được.
Một bữa kia trong buổi đi tản bộ thường lệ buổi sáng, cha tôi bất ngờ trông thấy và chỉ cho tôi coi một đoá phong lan mọc lưng chừng cao trên một cây thông già khẳng khiu bên bờ hồ Xuân Hương. Vẻ đẹp thiên nhiên của đoá hoa khiến Nhất Linh ngây người ngắm nghía, nhất là dáng mảnh mai thướt tha của chùm hoa buông thả xuống tương phản hẳn với nét mạnh mẽ cứng cáp của bẹ lá và cánh hoa có màu vàng tươi nổi bật lên trên nền nâu đậm của gốc thông. Ông bèn sai tôi trèo lên gỡ nhánh lan xuống. Nhất Linh hẳn là phải xúc động lắm khi ông bất ngờ tìm được thứ hoa quý này vì tôi thấy ông không để ý đến việc thằng con ông trèo lên thân cây cheo leo dám có thể sẩy tay ngã lắm mà chỉ luôn miệng nhắc chừng tôi cầm kheo khéo để khỏi làm gẫy nhánh hoa.
Mang được cây lan quý về nhà, ông liền trồng lên một khúc cây mục, lại sai tôi đi tìm rêu để đắp vào rễ cho giữ độ ẩm, rồi treo ngay trên tường trong phòng ngủ, cả ngày hôm đó ông say sưa ngắm nghía mãi không chán. Thế rồi từ đó Nhất Linh mê chơi lan. Mê đến độ quên ăn quên ngủ và quên luôn cả việc viết lách, vì dạo này tôi ít thấy ông thức khuya ngồi viết như trước.
Cái thú tản bộ của ông không còn mang mục đích tập thể dục buổi sáng hoặc để giúp ông thả hồn trong dòng suy tưởng nữa mà lúc này đã mang một mục đích mới: ông đi tầm lan, có khi đi suốt ngày, băng rừng lội suối, ông đi một mình hay đi cùng với những người bạn cùng mê lan như ông, để rồi chiều chiều về đến nhà mệt nhoài nhưng hí hửng với một hay hai đoá hoa lạ trên tay. Hôm nào không đi tìm lan thì ông đi tìm những những khúc rễ cây lớn có hình thù lạ mắt về nhà gọt dũa để gắn hoa phong lan lên trên hoặc ông lui cui xếp và đóng những thanh gỗ với nhau để làm rổ treo lan, mỗi rổ có một kiểu cọ khác nhau, rồi ông treo lan lên tường, treo cùng khắp gần như kín cả phòng. Mẹ tôi rất bận rộn buôn bán ở Sài Gòn ông cũng gọi lên Đà Lạt sống với ông ít ngày để cùng thưởng lan với ông. Cái nhiệt tình của Nhất Linh đã lây sang rất nhiều người khác làm sống dậy phong trào chơi lan và tầm lan của dân Đà Lạt những năm 1956-57. Riêng anh em chúng tôi thấy ông vui thì cũng tham dự với ông nhưng trong bụng không thấy hứng thú gì cho lắm, trái lại lắm lúc còn bực mình vì ông cứ hay sai chúng tôi đi gỡ từng mảnh rêu để mang về cho ông, một công việc mà chúng tôi rất ghét làm. Rêu đúng loại tiêu chuẩn mà ông mong muốn thì chỉ có thể tìm thấy dễ dàng ở vệ đường gần cách ống cống; giữa phố xá đông đúc người qua lại mà lại ngồi bệt xuống vỉa hè tẩn mẩn bóc gỡ từng mảng rêu xanh bỏ vào trong một cái rổ thì nom có vẻ kỳ quặc, khó coi quá.
Nhất Linh chơi lan công phu hơn những người khác vì ngoài việc tầm lan ông còn ra thư viện tra cứu hoặc đặt mua từ bên Pháp các sách ngoại quốc viết về hoa phong lan trên thế giới, rồi ông tỉ mỉ phân loại, so sánh với hoa ở địa phương; ông lại vẽ từng đóa hoa một, đặt tên hoa, ghi chú từng đặc tính, với dụng ý sau này làm tài liệu viết một cuốn sách về việc sưu tập hoa phong lan. Và chiều nào ông cũng thổi hắc tiêu, nói là thổi cho lan nghe. Ông thổi bản: "J’ai rêvé de vous", vous đây chính là đám hoa quấn quýt xúm lấy ông, nào là Nhất Điểm Hồng, Huyết Nhung Lan, Bạch Hạc, Tím Đồi Mồi, Hoa Cô Dâu, Bạch Ngọc, Thanh Ngọc, Văn Bao... thứ treo trên vách, thứ cắm trong chậu, thứ bầy trên bàn. Mỗi chiều thứ bẩy, ông lại tổ chức hòa nhạc tại gia, ngoài tiếng hắc tiêu của ông, lại có sự phụ họa lục huyền cầm của giáo sư Vĩnh Tường, khiến khách đi đường phải dừng chân trước trước khách sạn Du Paque, kẻ ngừng xe hơi, người ghếch xe đạp, để lắng nghe tiếng nhạc hòa tấu vẳng ra từ căn lầu nơi góc đường Yersin trong bầu không khí êm ả yên tĩnh của buổi chiều Đà Lạt.
Qua năm sau vì số lượng hoa sưu tập được mỗi ngày một nhiều, nhất là từ lúc Nhất Linh chuyển hướng đi tìm loại hoa đất là loại hoa do cụ Nghị Biên (em ruột bà nội tôi) khởi xướng thì căn lầu trên đường Yersin trở nên chật chội quá. Mấy bố con tôi dọn qua một căn nhà mới, số 19 đường Đặng Thái Thân, do ông chủ garage Lê Đình Gioãn, một người bạn lan của cha tôi, để lại. Từ đầu dốc đèo Prenn phải đi vào một con đường trải đá ngoằn ngoèo mới tới được căn biệt thự nằm biệt lập trên một triền đồi nhìn xuống một thung lũng thông trùng điệp. Tại đây Nhất Linh đã biến căn biệt thự thành một trại lan nhỏ với đủ các loại hoa trồng khắp từ trong ra đến tận ngoài nhà. Lúc này cha tôi đã lôi kéo được những người bạn của ông từ Sài Gòn lên tận Đà Lạt để cùng đi tầm lan với ông. Nhà văn Đỗ Tốn với chiếc xe hai ngựa và thi sĩ Tô Kiều Ngân với chiếc sáo trên tay vẫn thường đi tìm lan với chúng tôi; và vì có phương tiện xe hơi của Đỗ Tốn và của ông Gioãn nên vùng tầm lan cũng rộng hơn nhiều, trong phạm vi đến cả trăm cây số, từ đèo Ngoạn Mục xuống tới Phan Rang hay đèo Bảo Lộc xuống đến Định Quán. Một vài chính khách như ông Phan Huy Quát thỉnh thoảng cũng có mặt trong các chuyến đi của chúng tôi.
Một bữa nọ, trong lúc đi thơ thẩn trong khu rừng thông gần nhà, tôi ngạc nhiên thấy có dăm ba người lính đứng gác ở bìa rừng xung quanh nhà tôi. Lúc tôi về nhà thì được biết tướng Dương Văn Minh cũng vừa lên xe ra về. Tướng Minh có mang đến biếu cha tôi một chậu hoa phong lan và nói chuyện với cha tôi khoảng tiếng đồng hồ trong phòng khách. Anh tôi kể lại với tôi tướng Minh là người cũng mê chơi lan, nhưng ông đến thăm cha tôi hẳn là còn có mục đích khác ngoài việc xem lan không thôi. Nhưng cha tôi cứ vờ coi như người khách đến thăm chỉ để thưởng lan; trong một giờ đồng hồ ông cứ mải miết nói với tướng Minh về cách thức trồng hoa lan để hai người khỏi phải đả động đến các vấn đề khác. Một hôm khác chúng tôi đi săn lan ở đèo Bảo Lộc. Chúng tôi đi rất đông trên hai chiếc xe hơi. Trong đám người săn lan, ngoài các văn nghệ sĩ còn có một cựu bộ trưởng, một chính khách, một nhà cách mạng từng bôn ba hải ngoại, nhưng tất cả không ai nói chuyện thời sự, chính trị. Khi đoàn xe trở về Đà Lạt ngang Liên Khương thì bị chặn lại. Quốc lộ 20 bị kẹt xe đến cả cây số và chúng tôi phải đậu xe bên vệ đường chờ đợi đến cả hai tiếng đồng hồ. Không ai biết chuyện gì xẩy ra và đều rất bực mình vì phải chờ đợi quá lâu. Sau đó dò hỏi, chúng tôi được biết lý do kẹt xe vì tổng thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý trên Đà Lạt, chuyến bay chở tổng thống bị trễ và vì không biết lúc nào phi cơ đáp xuống phi trường Liên Khương nên tốt nhất là chặn tất cả xe cộ lại, bắt chúng tôi phải chờ đợi không biết đến lúc nào. Khi biết chuyện này Nhất Linh nói đùa với đám chúng tôi: "Nếu trong số đây mai sau có ai lên làm tổng thống thì nhớ đến cái ngày hôm nay phải chờ đợi bực mình như thế này nhé!".
Nhất Linh sống thanh bạch và giản dị. Ông giản dị mọi chuyện đến mức tối đa. Quần áo ông mặc hay quần áo của chúng tôi ông không cho ủi thẳng nếp, ông nói ủi quần áo mà làm gì, cốt nhất là giặt rũ luôn cho thật sạch sẽ là đủ. Ông lại càng không hiểu nổi khi thấy chúng tôi ủi cả quần áo lót là thứ mặc bên trong không ai nhìn thấy. Có lần tôi nhờ ông khai một lá đơn cho ông hiệu trưởng trường tôi để xin được nghỉ học một hai ngày vì hôm đó không biết tôi ăn phải cái gì mà cứ phải đi cầu hoài. Trong tờ đơn ông khai huỵch tẹt tôi xin nghỉ vì lý do "đau bụng ỉa chẩy". Tôi tức quá phản đối ông vì thấy trong một lá đơn trịnh trọng thế mà khai như vậy không văn vẻ tý nào mà lại có vẻ thô tục quá. Ông nói mình bị bệnh thế nào thì cứ đúng thế mà khai chứ có gì mà phải ngượng; nhưng sau đó ông cũng chiều tôi sửa lại với lý do "đau bụng tháo dạ" nghe có vẻ "văn chương" hơn. Nhất Linh không bao giờ in một tấm danh thiếp cho chính mình, ngay cả những khi ông đảm nhận các chức vụ lớn và ông rất ghét phải xưng hô chức tước. Trong các đơn từ, giấy tờ, hoặc có ai hỏi về nghề nghiệp, ông chỉ khai giản dị "nhà văn" thế thôi. Suốt đời ông sống thanh bạch không hề sở hữu một miếng đất hay một căn nhà của riêng mình mà chỉ đi ở đọ hay ở thuê. Vì thế năm 1957 khi ông quyết định mua một lô đất và dự tính xây một căn nhà cho chính ông thì chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng vì cho rằng đã đến lúc ông ổn định để bắt đầu nghĩ đến chuyện "an cư lạc nghiệp" rồi.
Lô đất Nhất Linh mua nằm ven quốc lộ 20 Sài Gòn – Đà Lạt, ngay cây số 27, khoảng hai cây số phía nam của làng Fim-Nôm. Rộng chừng vài mẫu, miếng đất của ông nằm giữa lô đất của cụ Nghị Biên và của bác sĩ Nguyễn Sĩ Dinh. Từ quốc lộ đi sâu vào khoảng nửa cây số thì giáp ranh với dòng suối Đa- Mê, nơi Nhất Linh bắt đầu cho xây móng dựng một căn nhà gỗ tranh đầu tiên của đời mình. Đó là căn nhà do chính ông tự tay vẽ họa đồ, xây cất bằng toàn vật liệu nhẹ, một kiểu nhà trông thoáng khoát, đơn giản và rẻ tiền, đúng tiêu chuẩn kiểu nhà của Hội Ánh Sáng mà chính Nhất Linh đã từng tích cực cổ xúy để xây dựng cho đồng bào ông vào năm 1937, tính đến nay đúng 20 năm về trước.
Trong thời gian xây nhà, Nhất Linh ở luôn dưới Fim-Nôm trong một căn nhà gỗ sơ sài trên lô đất của cụ Nghị Biên. Chúng tôi thì vẫn sống ở Đà Lạt, chỉ thỉnh thoảng dịp cuối tuần mới đón chuyến xe đò xuống đó thăm ông. Nhất Linh lúc này sống như trong thời trung cổ, đoạn tuyệt hẳn với đời sống văn minh, ông nói không đoạn tuyệt cũng chẳng được vì ở đây thiếu tất cả điện nước và các tiện nghi tối thiểu, cách tốt nhất là phải thích nghi với đời sống mới. Da ông rạm nắng trông ông càng phong sương hơn, ông mặc bộ đồ rừng bốn túi, đi ủng cao, hút thuốc lào, suốt ngày đôn đốc đám thợ khai quang rừng để làm một con lộ nhỏ đi từ quốc lộ vào đến suối Đa-Mê. Ông nói với chúng tôi là bây giờ ông không cần đến cả đồng hồ để xem giờ giấc nữa vì ông đã tìm ra được một cách riêng để biết được đại khái thời gian trong ngày. Trong lúc chúng tôi ngồi ăn trong rừng, Nhất Linh nghếch tai nghe ngóng một tiếng chim lạ kêu rồi nói: "Thế mà đã bốn giờ trưa rồi!". Chúng tôi so với đồng hồ thì thấy ông chỉ đoán sai có nửa tiếng. Sai xích nửa giờ là đủ chính xác rồi vì ở đây không cần chính xác hơn. Ông giải thích là từ ngày sống ở đây cứ mỗi sáng thức dậy cho đến lúc chiều tối là ông đều lắng nghe và quan sát tất cả các tiếng kêu của muông thú trong rừng rồi ghi vào một cuốn sổ tay. Sau một tuần lễ ông khám phá ra là mỗi tiếng kêu của muông thú thường ứng với một thời gian nhất định trong ngày, thế là ông tìm ra được một loại đồng hồ riêng cho mình mà không tốn kém gì cả.
Trước đây trong những giờ rảnh rỗi cha tôi thường dậy tôi thổi hắc tiêu và lúc này tôi cũng đã chơi được kha khá. Trong số các bản nhạc Việt thịnh hành hồi đó, Nhất Linh thích nhất là thổi bản Hẹn một ngày về của giáo sư Lê Hữu Mục. Một buổi sáng cuối tuần trong lúc tôi thổi hắc tiêu bản nhạc này thì có một người khách ghé Đà Lạt muốn đến gặp cha tôi, nhưng lúc ấy cha tôi lại ở dưới Fim-Nôm. Ông khách có vẻ ngạc nhiên thích thú nghe tôi thổi bản nhạc; sau này tôi mới biết ông ta chính là giáo sư Lê Hữu Mục, muốn gặp cha tôi để phỏng vấn và viết một cuốn sách "Thân thế và Sự nghiệp Nhất Linh". Ông Mục và tôi đáp xe xuống Fim-Nôm và khi chúng tôi đến trại lan thì cha tôi đang nằm trên võng bên bờ suối Đa-Mê say sưa viết lại toàn bộ cuốn trường thiên tiểu thuyết Xóm Cầu Mới.
Thời gian này cha tôi bắt đầu viết lại và viết rất hăng say. Ông sai tôi ra tiệm trên Đà Lạt đóng mấy cuốn sách bìa dầy trong toàn là giấy trắng không kẻ hàng. Mỗi lần ghé Fim-Nôm thăm ông tôi thấy những trang giấy trắng đã chứa đầy những dòng chữ nhỏ li ti, viết bằng cây bút parker 51; những dòng chữ bị dập xóa, viết chồng lên nhau chằng chịt như cuốn hút trong dòng tư tưởng dồn dập. Để theo kịp được những cảm xúc, hình ảnh, ý nghĩ xô dạt trong đầu, tay ông phải viết nhanh lắm; do đấy mà chữ viết cứ nhỏ dần đi như chân kiến. Đi xa hơn nữa, để cho viết được nhanh hơn hoặc để khỏi phải bận tâm đến cái mà ông cho là không cần thiết, ông đã bỏ hết những quy luật văn phạm, chính tả thông thường. Công việc sửa lỗi chính tả nhỏ nhặt đó thường là công việc của người khác khi bản thảo được đánh máy trước khi in thành sách.
Nhưng rồi một biến cố xẩy đến khiến bộ trường thiên Xóm Cầu Mới trở thành dang dở. Khoảng cuối thập niên 50, căn nhà bên dòng Đa-Mê của cha tôi còn đang được xây cất nửa chừng. Một đêm kia trời mưa dông bão lớn, sáng ra căn nhà bỗng nhiên bị sụp đổ tan hoang chỉ còn trơ lại nền móng. Nhất Linh buồn rầu đứng nhìn cái nền nhà trơ trọi, hẳn là ông nghĩ đế căn nhà trong mộng của mình, căn nhà mà ông đã nâng niu đặt tên Thanh Ngọc Đình để thưởng cho một loài hoa tiên cách nhất đối với ông, mới một sáng một chiều, đã tan hoang như mây khói. Ông nói với chúng tôi giấc mộng con của ông đã không thành, ông không nghĩ đến việc xây cất lại vì cho rằng sự sụp đổ này như một điềm lạ.
Thế rồi ông quyết định giã từ tất cả. Đà Lạt, Fim-Nôm, dòng Đa-Mê và cả trăm giỏ lan mà ông đã chăm sóc từ hai năm qua, để về ở luôn Sài Gòn, chấm dứt cái thời kỳ mà ông Lê Hữu Mục đã viết trong đoạn kết cuốn sách của ông là "một Nhất Linh nằm trùm chăn ở trên Đà Lạt". Đối với tôi, thật bụng tôi chỉ mong ông được nằm trùm chăn lâu hơn vì đây chính là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông mà tôi được biết. Nhất Linh "xuống núi" lăn vào cuộc đời làm báo, tham gia đảo chính, thất bại, đi trốn, bị đưa ra tòa, đưa đến cái tự vẫn của ông mấy năm sau, mở đầu một thời kỳ cuối cùng của đời ông với nhiều não nề, nhiều chán chường hơn.
Như đoạn văn kết trong cuốn truyện Đôi bạn của ông, hai câu thơ sau đây của Nhất Linh, đâu đó, vẫn còn vẳng về Đà Lạt như "một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần":
Người đi lâu chửa thấy về,
Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn...
Tacoma, tháng 6 năm 1985
Niềm vui chết yểu
Tôi nhìn đồng hồ: 5 giờ kém 15. Chiếc xe sao chạy chậm quá vậy? Người tôi nửa như xôn xao bồn chồn nửa như bị du sâu vào trong một giấc mơ. Tiếng động, tiếng sinh hoạt của thành phố nghe xa vút hẳn đi. Những âm thanh lao xao mơ hồ như thuộc về một thế giới khác. Đường phố quen thuộc của Sài Gòn, bỗng nhiên mặc một vẻ xa lạ, thỉnh thoảng một tiếng còi xe giật lại, tôi nghe ngắn và sắc hơn. Chiếc xe chạy qua rạp Olympic, tôi quay người ngó lơ đãng vào mấy tấm quảng cáo ở cửa rạp: “Cậu coi Jugement à Nuremberg chưa?” “Rồi” “Đấy, cậu chẳng cần nói gì cả, cứ im lặng như ông Bộ trưởng Đức mà hay. Cũng chẳng cần viện cớ bệnh không nói được ở tòa. Để tối con lại luật sư Đinh Trịnh Chính lấy lại mấy giấy bác sĩ. Con nghĩ mình chẳng cần phải dùng cách ấy. Mình vẫn khỏe mạnh như thường mà chả thèm nói gì cả, cũng chẳng cần trả lời những câu hỏi của tòa, cứ im lặng như hến thế mà hay.”
Chiếc taxi đến một khúc đường sửa bị xóc tôi thấy nặng ở đùi: đầu cha tôi còn gối trên đùi tôi, miệng ông hé mở, đầu ngã về sau, một ít nước bọt ở mép, cánh tay phải mềm xuội buông lỏng xuống sàn xe. Cách đây một giờ cha tôi đã uống thuốc độc tự tử. Cha tôi đã đồng ý với tôi ở một điểm: “Im như hến thế mà hay!”. Nhưng quả thật tôi không ngờ ông đã đi sâu đến như thế, không chỉ im lặng ở toà mà chọn sự im lặng trong cung cách ra đi vĩnh viễn.
Tôi thò tay vào túi áo ngủ của cha tôi lấy ra một tờ giấy mà lúc ở nhà tôi không kịp xem. Trên một vuông giấy, cha tôi để lại 72 chữ cuối cùng của đời ông. Đọc xong, gần như vô ý thức, miệng tôi cứ lặp đi lặp lại mãi câu: “Đời tôi để lịch sử xử...”.
Anh Triệu ngồi ở băng trước, giục tài xế chạy hết tốc lực để chóng đến bệnh viện, nhưng chiều chủ nhật đông xe, chiếc taxi bị nghẽn đường mấy lần và cuối cùng chỉ tới bệnh viện Grall lúc 5 giờ 10 phút. Chúng tôi xuống xe, trình giấy giới thiệu khẩn cấp của bác sĩ Phiếm cho viên quản lý thường trực của bệnh viện và khiêng cha tôi, lúc ấy đang thiêm thiếp trong chiếc chăn len dầy, xuống băng ca. Một lát sau, bác sĩ Gourillon tới, ông bảo mọi người lui ra ngoài rồi tiến vào phòng. Mười phút sau, trước sự chờ đợi nóng lòng của mẹ tôi, anh Triệu và tôi, viên bác sĩ Pháp đẩy cửa bước ra, ông nhìn mẹ tôi trước nhất, khẽ nhún vai, buông xuôi hai cánh tay xuống với một dáng điệu thất vọng rồi nói với bác sĩ Phiếm lúc ấy cũng vừa tới nơi: “C’est foutu!”.
Tôi nhìn lên mấy hàng cây của khu công viên bệnh viện. Bầu trời vẫn chưa lên cao sau một buổi chiều mưa rơi tầm tã. Những vũng nước nhỏ yên lặng như những mặt gương, soi ngược mấy dẫy nhà thương yên lặng, gác nhà thờ nhỏ im lìm ở phía bên phải, những lá cây ướt nước trở nên sẫm màu hơn và ở dưới những chiếc lá giọt nước mưa vẫn thi nhau giỏ xuống, không gây một tiếng động nhỏ.

°

Buổi sáng ngày hôm đó, cha tôi đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Tôi đoán có lẽ cha tôi đi họp ở đâu vì cũng đúng vào chủ nhật tuần trước ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt. Cha tôi có một thói quen dậy rất sớm, khoảng 5 giờ, rồi cùng mẹ tôi ngồi uống trà tàu. Ngay cả trong những buổi sáng giá buốt của Đà Lạt, thói quen đó cũng không bị bỏ. Nhiều lúc hứng chí cha tôi còn đánh thức chúng tôi dậy để cùng hưởng cái thú uống trà buổi sớm ấy. Nhưng thường thì chúng tôi phản đối để ngủ lại. Cũng chính vì thức dậy rất sớm nên đến chơi nhà ai cha tôi cũng đến vào lúc chủ nhân chưa ngủ dậy.
Khoảng gần 10 giờ, cha tôi về. Tôi đang ngồi ở đi-văng mở máy phát thanh nghe mấy bản tân nhạc trình diễn, cha tôi bước lên lầu, dáng hơi mệt mỏi. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần về nhà, cứ để nguyên quần áo tây ngồi xuống ghế xích đu, bên cạnh tôi. Trong suốt buổi sáng hôm ấy chỉ có cha tôi và tôi ở trên gác. Ông ngó quanh quất không thấy ai nữa, hỏi tôi: "Anh Triệu mấy giờ về?". Tôi trả lời: "Mọi tuần đêm thứ Bẩy đã ở Sài Gòn, không hiểu sao bây giờ vẫn chưa thấy về nhà?". Cha tôi lộ vẻ băn khoăn, chờ đợi, bứt rứt. Điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay. Ông mở bia, rót vào một cái cốc nhỏ. Ánh nắng lọt qua khe cửa chiếu vào thành cốc dầy lóe lên những ngôi sao sáng. Tự nhiên tôi nhớ đến một kỷ niệm cách đây bẩy năm, ở Đà Lạt. Năm 1956, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, cha tôi, chị Thoa và tôi tổ chức một buổi picnic ở hồ Than Thở. Chúng tôi tìm đến một chỗ thật vắng vẻ ở cuối hồ. Cha tôi và chị Thoa rải mấy tờ báo xuống đất, dưới mấy gốc thông, chỗ lá thông khô rụng phủ dầy làm cỏ không mọc được. Tôi nghĩ nơi này không có đường mòn dẫn tới chắc chẳng có ma nào đến, nhưng khi xách súng cao su đi bắn chim ở gần đó tôi thấy rải rác dưới đất có những hộp cá, một tờ báo cũ nát, mấy khúc cây cháy dang dở vết tích của một bữa ăn ngoài trời tôi thấy nơi này không còn quạnh hiu nữa. Cha tôi nghĩ ra một cách nướng lạp xường rất giản dị. Lấy bông đổ alcool vào rồi đốt, hơ khúc lạp xường cong queo lên trên ngọn lửa màu xanh nhạt. Cha tôi bầy biện thức ăn nom rất mỹ thuật, ngon mắt. Đặc biệt ông hay để ý đến màu sắc của đĩa làm nổi những thức ăn bầy ở trên, ông thường bảo đĩa màu vàng làm nổi những thức ăn hơn những đĩa màu khác. Trong bữa ăn có món trứng cá caviar cha tôi bảo ăn rất ngon nhưng chúng tôi chịu không ăn được. Dùng bữa trưa xong, cha tôi mở bia rót vào cái cốc nhỏ. Chúng tôi không quen uống bia nhất là lại không có nước đá, nhưng cha tôi không bao giờ cho đá vào bia, bảo uống như vậy nhạt. Tôi còn nhớ nắng hắt vào thành cốc vẫn cái cốc hôm nay ông dùng làm lóe lên những ngôi sao nhỏ. Một giờ sau đó, lúc tôi trở về mang theo một con chim bị bắn chết giơ khoe trước mặt cha tôi thì ông đang ngả người hút thuốc, lưng dựa vào một gốc thông. Những vệt ánh sáng yếu ớt lọt qua lá thông chạy lòa xòa trên mặt cha tôi, một tí nắng đậu yên ở trên sống mũi, gần chỗ những đường gân đỏ bóng ở cuối mũi như một viên cuội có những đường vân đẹp.
Cha tôi ho một tiếng ngắn. Tôi có cảm tưởng ông sửa soạn nói với tôi điều gì. Nhưng ông chỉ im lặng. Từ lúc nẫy một ban nhạc nào đó hát đi hát lại mãi bản nhạc "Mừng ngày Song Thất", tôi để ý thấy cha tôi chú ý nghe nhưng không để lộ một thái độ nào. Tôi đem vấn đề ra tòa ngày mai ra bàn, xem cha tôi đối phó ra sao. Nhưng ông chỉ ậm ừ như không muốn những câu hỏi của tôi có thể làm loãng những điều ông đang suy nghĩ. Thỉnh thoảng có tiếng chân ai lên gác, ông giật mình ngó về phía cửa. Tôi với tay lấp sấp ronéo để trước mặt ông. Đó là bản cáo trạng khá dầy, trong đó có lời khai của cha tôi ở sở cảnh sát. Ở trang cuối, tôi chú ý đến những lời kết tội như "phản quốc", "xâm phạm an ninh quốc gia". Trong suốt hơn một giờ, cha tôi vẫn giữ một thái độ im lặng, suy nghĩ. Ông uống bia rất chậm. Dường như lại không biết mình đang uống bia nữa. Khi để cốc rượu xuống bàn, chiếc ly rung rung lơ lửng vài giây sát mặt bàn rồi mới hạ hẳn xuống một cách khó khăn, như giữa ông và cái bàn có một khoảng cách đủ khiến ông phải gắng sức.
Khoảng 11 giờ, như vụt quyết định xong một điều gì, cha tôi có vẻ thảnh thơi hơn, ông bỏ hẳn thái độ băn khoăn, thay quần áo ngủ, rồi quay lại trả lời câu hỏi ban nẫy: "Phải đấy. Chẳng cần phải nói gì cả. Chiều nay con lại luật sư Chính lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?". Tôi gật đầu. Cha tôi kéo ghế ngồi đối diện tôi, nhìn tôi rất lâu. Tôi nói: "Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giầu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ coi như là một dịp đi nghỉ mát, biết đâu lại chẳng có những điều hay để viết, phải không cậu? Ra ngoài ấy lại gặp chú Sơn, anh Vinh, vui biết mấy! Sẵn dịp đó cậu viết tiếp quyển Xóm Cầu Mới hay là con nghĩ thế này tôi ngồi ngay lại trên ghế cậu có thể như Churchill về già viết lại quãng đời mình. Con nghĩ đó cũng là điều quý lắm!". Cha tôi nhìn ra cửa sổ đáp: "Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc. Còn cái việc viết hồi ký thì cậu đã nghĩ đến hồi 1958 ở Đà Lạt. Cậu dự tính viết ba quyển: cuộc đời làm báo và viết văn của Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu viết về hoa phong lan. Nhưng về đây cậu bận tờ Văn Hoá Ngày Nay nên chỉ viết được cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, sau đó lại dính vào những rắc rối chính trị, không có tâm đâu mà viết". Cha tôi cúi xuống đọc lại một lần nữa bản án kết tội mình. Khi ông ngửng lên, tôi ngập ngừng đưa ra một câu hỏi: "Bây giờ nghĩ lại tất cả những việc cậu đã làm, cậu thấy hãnh diện về những việc gì nhất?". Cha tôi cười: "Thật ra thì chẳng có việc gì đáng tự hào vì chẳng có việc nào cậu cho là đến nơi đến chốn. Nhưng cậu vừa lòng nhất là việc thành lập được Tự Lực Văn Đoàn. Đến bây giờ cậu vẫn tha thiết nhất về việc này. Chuyện chính trị nhiều khi cái không khí nó buộc mình phải tham gia, như cái tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu không đứng ra làm việc nước thì trong lòng áy náy chẳng làm được chuyện gì khác. Nhiều khi người ta bị đẩy tới guồng máy hoạt động một cách giản dị không ngờ, rồi như những bánh xe ăn khớp nhau, họ bị đẩy dần vào vòng trách nhiệm. Ngay cả hồi chơi hoa phong lan ở Đà Lạt, cậu vẫn thấy mình không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động lại ở Sài Gòn. Chính vì thế làm chính trị lúc tiến thì dễ lúc rút thì khó."
12 giờ trưa, cả nhà đông đủ, mẹ tôi ở dưới nhà lên, anh Triệu mới ở Biên Hòa về, chúng tôi dùng bữa trưa vui vẻ. Cơm xong, tôi ngủ trưa. Cha tôi, trái với thường lệ, không đi nghỉ. Trong giấc ngủ chập chờn tôi nghe hình như cha tôi và anh Triệu nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Đến 3 giờ trưa tỉnh giấc tôi vẫn thấy hai người còn đang nói chuyện, mẹ tôi đã xuống nhà dưới tự bao giờ. Tôi hơi ngạc nhiên thấy hai người uống Whisky, thứ rượu mà cha tôi đã bỏ từ nhiều năm nay. Nhưng xem dáng cha tôi vui vẻ. Ông sốt sắng hỏi tôi về chuyện học hành, chuyện đi dạy học của tôi. Nhân dịp này tôi hỏi ý kiến cha tôi về một số người lạ rủ tôi vào một đoàn thể thanh niên mưu chống chính quyền. Ông có vẻ lưu tâm đến vấn đề, khuyên tôi phải thận trọng, vì từ sau vụ đảo chính thất bại ngày 11-11-1960, có nhiều tổ chức được tung ra để gài bẫy những người chống đối. Trong câu chuyện ông vẫn bình tĩnh, vui vẻ, giảng giải khúc chiết khác hẳn thái độ của ông trong mấy ngày qua. Điều đó làm tôi vui lây, tưởng như câu chuyện ra tòa ngày mai không còn làm cha tôi bận tâm nữa. Uống xong ly rượu nhỏ cha tôi đề nghị mua thêm rượu mạnh nữa. Chúng tôi nghĩ có lẽ rượu làm ông quên được những thắc mắc khó chịu nên chúng tôi vui vẻ rủ nhau đi, hẹn cha tôi 15 phút sau trở lại ngay. Lúc tôi sắp bước xuống cầu thang, cha tôi gọi giật tôi lại. Tôi nghe ông gọi tên tôi bằng một giọng xúc động nhưng ngay lúc ấy tôi không để ý. Ông nhìn lâu vào mắt tôi, ngập ngừng đưa một cánh tay về phía trước như muốn nói điều gì lại thôi, chỉ hỏi: "Đi có 15 phút thôi à?". Đến bây giờ nghĩ lại tôi còn nhớ rõ cái nhìn của cha tôi lúc ấy. Ánh mắt như gửi đến tôi những điều mà ông không thể diễn tả bằng lời.
Tôi chở anh Triệu đến đường Đồng Khánh. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều. Trời âm u như muốn mưa. Chúng tôi vào mấy tiệm để lựa thứ rượu nào cha tôi ưa thích. Cuối cùng chọn được chai Johnnie Walker, vừa đi ra thì trời lại đổ cơn mưa to. Chúng tôi trú ở mái hiên nhà hàng Arc-en-Ciel. Trời tối xầm lại. Người đi đường chạy dạt vào hai bên trú mưa. Anh Triệu lộ vẻ băn khoăn, nóng nẩy. Tôi thấy anh đứng một chỗ như không yên. Một chiếc taxi vụt tới; những giọt nước mưa màu vàng sáng đan nhau trước hai vệt đèn pha. Tôi ngạc nhiên thấy anh Triệu chạy vụt ra đón chiếc taxi ấy, mặc dù đang lúc mưa rất nặng hạt, anh chỉ kịp nói với tôi một câu: "Mày ở lại đây, tao về trước!".
Tôi nhìn những giọt nước mưa bắn tóe bọt trắng ở trên mặt lộ, hơi nước phủ kín mặt nhựa, thỉnh thoảng một chiếc xe xẹt ngang rẽ nước sang hai bên. Bên cạnh tôi, dưới mái hiên, một cô bé chừng mười lăm tuổi đứng khép nép sát vào tường, cô ta căng cái ô ướt sũng về phía trước, nhưng những giọt nước mưa quái ác vẫn bắn tóe vào hai gót chân. Mái tóc của cô ta mềm phủ dài sau lưng, bụi nước mưa phủ trắng lấm tấm như những hạt sương nhỏ.
Tôi nghĩ miên man tới những chuyện riêng rồi cuối cùng trở lại chuyện cha tôi phải ra tòa, không biết gia đình có được vào xem xử án không. Dần dà tôi khám phá ra hình như thái độ gần đây của cha tôi có một cái gì khác thường, tất cả diễn ra như sắp xếp theo một trật tự nào đó. Mọi thái độ, lời nói, cử chỉ của cha tôi mấy hôm nay như có liên quan với nhau để âm thầm tiến tới một ý định duy nhất. Sự khám phá đó nở dần trong tôi một mối lo sợ. Đầu tiên chỉ là lo âu vẩn vơ có xen chút hoài nghi; nhưng sau đó kiểm điểm lại thấy quả thật mọi việc đều ăn khớp với nhau thì lý trí tôi đã tìm được lý do để thông đồng với nỗi lo âu của mình. Từ đó lo sợ biến thành cảm giác bàng hoàng xâm chiếm lấy tôi, mạnh mẽ và đột ngột, như cảm giác lan ran của người đang ở trong phòng lạnh bất thần mở cửa bước ra ngoài trời nắng.
Tôi bắt đầu đi vào giấc mơ. Trí óc tôi vẫn tỉnh suốt. Nhưng cảm giác lạc đi tê dại. Mưa vẫn quất xối xả. Tôi nhìn xuống mái tóc cô gái đứng trú mưa cạnh tôi rồi quay đi. Nhưng trong trí tôi vẫn còn vương lại hình ảnh những bụi nước nhỏ lấm tấm, những bụi nước ấy cứ lởn vởn ám ảnh một cách vô lý; chúng nở ra nhòa đi rung rinh trên một nền trắng: trong đó là hình ảnh của cha tôi buổi chiều ngày hôm trước, lúc ông đang nằm trên nệm trắng, vòng tay gối đầu, ngửa mặt lên trần. Hai mắt ông màu nâu đục, cái nhìn vừa xa xăm vừa buồn bã như suốt đời tìm kiếm mà chẳng bao giờ toại nguyện. Tôi tiến lại, đưa cho ông một tờ giấy tôi vừa nhận được, trên góc có đóng hai chữ "Thượng khẩn" màu đỏ. Người ta buộc cha tôi đúng 6 giờ chiều ngày hôm đó, ngày 6-7-1963, phải trình diện tại tiểu đội hiến binh số 635 đường Nguyễn Trãi vì "một lý do sẽ cho biết sau". Cha tôi nhỏm dậy, chống một khuỷu tay lên giường, ngước nhìn đồng hồ. Tiếng máy xe mô-tô của người quân cảnh nổ giòn ở dưới nhà, nhỏ dần, loãng đi rồi mất hẳn. Cha tôi đứng dậy, mở cửa sổ, trông xuống đường. Chập sau, suy nghĩ hồi lâu, ông quay về phía tôi, bảo: "Con mặc quần áo đi với cậu đến nhà chú Kiểm". Tôi hơi bực mình vì chiều thứ Bẩy nào tôi cũng có mục riêng, không đến chơi nhà mấy thằng bạn thì cũng chui vào rạp xi-nê, nhưng tôi không dám trái lời. Trên chiếc tắc-xi rời chợ An Đông hướng về phía Sài Gòn, tôi thấy cha tôi cứ chốc chốc lại ngoái về phía sau. Ông bảo tôi: "Con xem có xe nào theo không? Lúc nãy cậu có thấy mấy người lạ đứng bên kia đường nhìn vào nhà mình". Tôi ra hiệu cho tài xế quặt sang đường Trần Bình Trọng, chiếc xe hơi duy nhất chạy phía sau vẫn tiến thẳng đại lộ Thành Thái. Tôi đáp: "Không! Không có xe nào theo mình cả". Cha tôi ngồi bên cạnh, một tay chống lên má, cúi đầu nhìn xuống mũi giầy. Ông có vẻ thật buồn. Má ông tôi thấy hóp hơn. Cha tôi trở về thái độ đăm đăm khó hiểu có từ mấy ngày nay. Tóc ông bị rụng khá nhiều trong những ngày sau cùng nhiều suy nghĩ, nom xơ xác, mấy sợi bạc phất lơ phơ theo gió. Một lát, ông hơi giật mình ngửng lên nhìn ra ngoài rồi bảo tôi: "Sao không đi xe Vespa của con?" "Sợ cậu mệt, đi xe con xóc lắm!". Cha tôi nhăn mặt: "Ối dào! Cần gì!". Ông yên lặng một lúc khá lâu rồi nói tiếp, giọng thật nhỏ nghe như một tiếng thở dài: "Từ trước đến giờ cậu đã đi xe con lần nào đâu!".
Một chiếc taxi ở xa vụt tới. Cô gái đứng bên cạnh tôi giơ cao ô, bước ra khỏi hiên, tay ngoắc rối rít, nhưng chiếc xe trên có người. Tôi lắng nghe tiếng mưa rào rào. Để ý tiếng mưa đang reo to bỗng như hụt giọng, âm thanh trầm hẳn xuống kéo dài dật dờ từng đợt nhỏ dần về phía cuối đường. Ở đó, như vỡ ra, tiếng mưa lại ào ào ran lên từng chập. Tôi ngẩn ngơ nghe tiếng mưa trôi dạt rồi bỗng nhiên tôi bị hút trong những hình ảnh, những mẩu đối thoại hỗn độn, đồng thời cảm giác lo âu bàng hoàng lại trở về, rối loạn, mãnh liệt. "Người ta sẽ giữ tôi lại." Cha tôi bấm vào vai chú Kiểm, ra hiệu cho tài xế quay về nhà, lúc chiếc taxi đã gần tới tiểu đội hiến binh. Hình ảnh ban trưa cha tôi và anh Triệu rì rầm nói chuyện. Gương mặt của ông lúc gắt với chị Thoa tối qua: "Sắp chết rồi mà còn thế à?". "Từ biệt anh chị!" ì "Chết! Sao hôm nay anh nói gì lạ thế" "Ngày mai tôi ra tòa. Họ xử tôi không biết bao nhiêu năm, biết còn sống đến ngày về không?". Thái độ bỏ về hốt hoảng của anh Triệu đang lúc mưa rơi nặng hạt. "Không! Không ai xử được tôi đâu!". Ánh mắt kỳ dị của cha tôi nhìn tôi hồi nẫy: "Đi có 15 phút thôi à?".
Tôi không dám nghĩ tiếp. Tim tôi như đứng lại. Một cái gì ghê gớm đang chờ tôi ở nhà. Tôi quay sang bên. Người con gái có mái tóc dài đã bỏ đi từ hồi nào. Mưa vẫn chưa dứt. Nhưng tôi vẫn băng ngang đường, mở khóa xe.
Lúc tôi nhẩy hai bước một lên cầu thang nhìn vào phòng thì mọi chuyện đã xong xuôi cả rồi. Căn phòng đóng kín cửa tối mờ mờ. Một bầu không khí yên lặng trang nghiêm. Mùi hương đâu đây phảng phất. Cuối phòng, vẫn trên cái ghế xích đu buổi sáng ông ngồi nói chuyện với tôi, cha tôi ngồi gục đầu hơi ngoẹo về phía vai phải, một cánh tay buông lỏng thả xuống sàn nhà. Dáng điệu ấy thoạt trông thì khổ sở nhưng nhìn lên gương mặt thì tuyệt nhiên không một nét đau đớn. Ông như người ngủ gục. Gương mặt êm ả, bình thản. Để ý lắm mới thấy một ít nước bọt nhỉ ra ở khóe mép. Anh Triệu từ lúc nẫy vẫn ngồi cúi đầu im lặng tưởng như không có mặt anh trong phòng, ngửng lên, tôi thấy mắt anh đỏ hoe, anh nói thật nhỏ, thật buồn, nhưng câu nói không còn làm cho tôi ngạc nhiên nữa: "Cậu đã bỏ chúng ta thực rồi!". Mẹ tôi đang thắp hương lâm râm khấn trước bàn thờ, quay lại nhìn tôi, mắt bà cũng đỏ nhưng không khóc, cái nhìn của bà dại đi như không còn nhận ra tôi là ai nữa. Bà phác vài cử chỉ thừa thãi rồi như người miên du bà bỏ đi xuống nhà. Đèn cầu thang vẫn bật sáng từ trước nhưng theo một thói quen vô ý thức bà giơ tay bật đèn thành thử cầu thang lại bị tối om.
Trong suốt thời gian trú mưa dưới mái hiên nhà hàng Arc-en-Ciel, bàng hoàng và lo sợ đã xâm chiếm lấy tôi. Xúc cảm của tôi như bị giãn ra tê liệt. Tới nỗi bỗng giáp mặt cảnh tượng này tôi thấy giản dị quá. Tôi nghĩ: "Xong rồi!" và tự nhiên thấy tâm hồn trở nên bình tĩnh. Tôi hỏi anh Triệu: "Anh gọi bác sĩ chưa?" i "Chú Kiểm đi gọi bác Phiếm từ 15 phút rồi!". Tôi hỏi tiếp: "Chú Kiểm đến hồi nào vậy? Mà sao lại đến đúng lúc vậy nhỉ?". Không có tiếng trả lời câu hỏi của tôi.
Cha tôi vẫn ngồi đó, không ai đụng tới. Trên một bàn nhỏ trước mặt ông chai rượu đã vơi gần nửa. Quyển Wuthering Heights của Bronte còn mở trước mặt. Thời khắc trôi qua rất chậm. "Phải làm một cái gì chứ?". Tôi nghĩ. Nhưng không biết sao tôi vẫn ngồi bất động ở trên đi-văng. Căn phòng tự nhiên tối tăm và yên lặng quá. Tiếng quạt trần quay chậm rì rầm rì rầm. Căn nhà sát bên vọng sang một tiếng quát mắng: "Cho mày chết!". Rồi có tiếng guốc hấp tấp xuống cầu thang giận dữ. Im một lát. Tiếng một thằng bé òa lên khóc. Tiếng khóc kéo dài mãi không ngớt tôi nghe mà gần muốn hụt hơi. Tôi nghĩ thầm trong trí: "Thằng bé nào khóc dai vậy nhỉ?". Rồi tôi lắng tai chờ đợi xem người chị vừa bỏ xuống nhà khi nẫy có trở lên dỗ nó không. Khung cảnh ấy rất thường xẩy ra từ bao năm nay không bao giờ làm tôi để ý, bỗng dưng lúc này lại vô lý ám ảnh tôi quá đáng.
Mẹ tôi bắt đầu sụt sùi. Tiếng anh Triệu gắt nhưng vẫn cố đè giọng thật nhỏ: "Mợ khóc làm gì? Có ích gì đâu?". Anh đến sát bên nhấc cánh tay cha tôi lên bắt mạch. Lát sau anh nói: "Mạch yếu lắm! Khiêng cậu lên giường mau!". Chúng tôi choàng một cái khăn dầy lên người ông và phải khó khăn lắm mới mang nổi cha tôi lên giường. Thân thể ông mềm ra. Anh Triệu rút trong túi cha tôi một tờ giấy giơ tôi xem rồi nói: "Di ngôn của cậu đấy. Giấu thật kỹ. Đừng để tụi mật vụ nó cướp lấy!".
Có tiếng nói lao xao ở dưới nhà. Tôi thở ra khi nhận được giọng nói quen thuộc của bác Phiếm và của chú Kiểm. Bác Phiếm tay xách cặp da y sĩ bước vội lên lầu. Tiếng nói của bác rất lớn, tôi có cảm tưởng rõ rệt ông vừa mang sự sống cho căn phòng này: "Rõ khổ! Mới sáng nay anh Tam còn lại nhà tôi mà! Khổ quá!". Bác bước nhanh lại giường mở chăn áp sát tai vào ngực cha tôi nghe ngóng. Ông hấp tấp mở cặp da, cưa ống thuốc, chích cho cha tôi một mũi thuốc vào gân máu. Mẹ tôi lo lắng hỏi: "Thế nào?". Bác thu mũi kim về tra vào cặp lắc đầu trả lời: "Phải chở gấp anh vào Grall. Để lâu thuốc độc ngấm vào máu không chữa được đâu."

°

Cha tôi kể như đã mất lúc mang đến bệnh viện. Nhưng điều này ngay lúc ấy không ai dám nghĩ tới. Câu nói của bác sĩ Gourillon không làm chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Bác sĩ Phiếm khẩn khoản: "Faites quand même quelque chose pour lui". Chú Kiểm cũng tiến tới, xúc động còn in rõ trên nét mặt, giọng chú lạc hẳn, tới nỗi tôi tưởng đâu chú đang xúc phạm viên bác sĩ Pháp: "Fais l’impossible!". Người ta chở cha tôi lên lầu. Trong một căn phòng nhỏ gắn máy lạnh, y tá bơm dưỡng khí vào phổi cha tôi. Ngực ông thở nhấp nhô đều đều. Mãi sau này khi nghe bác sĩ Phiếm nói là bác sĩ Gourillon đã tính cho chở thi thể cha tôi vào phòng xác ngay sau cuộc khám xét sơ khởi ấy, tôi mới chịu tin rằng cha tôi đã bỏ đi từ buổi chiều ngày hôm ấy, ngày 7-7-1963, có lẽ vào lúc mà tôi ngước nhìn lên những hàng cây của khu công viên bệnh viện đứng rũ mình dưới bầu trời màu xám chì thảm đạm. Và tất cả những gì người ta đã làm theo sự khẩn nài của chúng tôi ệ từ sau đó cho đến nửa đêm với tất cả những phương tiện tối tân của bệnh viện là chỉ cốt gây cho cha tôi được một sự sống giả tạo, để kéo dài niềm hy vọng cho những người còn lại, cho những giọt nước mắt khoan chẩy trên gò má chúng tôi.
Khoảng 7 giờ hơn. Một màn tím thẫm phủ lên khu nhà thương. Cuối con đường lát sỏi của khu vườn hoa một cột đèn sắt gục đầu phả ánh néon lạnh lẽo. Giờ thăm bệnh đã hết từ lâu. Người gác cổng khom lưng đẩy hai cánh cổng sắt nặng nề. Chúng tôi vì trường hợp đặc biệt được phép suốt đêm ở lại bệnh viện. Trên một chiếc ghế dài ở hành lang anh Triệu và tôi từ lúc nẫy không ai nói một câu. Anh để hai tay lên đùi, nhìn xuống sàn. Lát sau, vẫn không ngửng lên, anh nói: "Liệu có qua được không?". Tôi nói: "Hy vọng lắm. Cậu mới uống chưa được một tiếng thì mình đã mang vào nhà thương rồi". Ở đầu kia một bác sĩ Pháp đẩy cửa phòng cha tôi bước ra, ánh đèn hắt ra ngoài một khoảng sáng trên nền hành lang dài và tối. Hai người thì thầm nói chuyện rất lâu. "Lúc anh bỏ về thì cậu đã uống chưa?" ộ "Rồi! Trong lúc tụi mình đi khỏi. Nhưng ông còn tỉnh lắm. Vừa thấy tao là ông hỏi ngay: Đi gì nhanh thế! Tao giơ chai Walker lên bảo ông: Rượu đây, cậu uống cho say rồi quên cái ý định tự tử tối nay đi, người ta chẳng đáng để cậu bận tâm đâu. Ông không nói gì cả, rót rượu vào cốc, uống một hơi cạn. Uống xong ông lại rót một ly nữa, rồi cũng uống một hơi cạn. Kể thì cũng hơi lạ. Nhưng thấy ông suốt buổi chiều nay vui quá, tao cũng không để ý...". Tôi giơ tay ngắt lời: "Sao anh biết tối nay cậu tự tử?" "Chính ông nói mà, vào buổi trưa lúc mày còn ngủ. Ông tin việc mình làm là phải nên không giấu. Ông bảo đêm nay 10 giờ cứ để ông ngủ như thường. Sáng mai đánh thức dậy là xong rồi, tha hồ để cho người ta xử. Ý ông đã quyết như thế, ông bảo nếu không xong tối nay, thì vào khám cũng chết. Tao có kế hoạch đối phó cả rồi nếu... tối nay ông mới tự tử". Anh Triệu dừng lại, di một ngón tay trên đùi, lát sau anh hạ giọng: "Nhưng không ngờ ông lại làm sớm thế...". Tôi bất thần quay hẳn sang phía anh tôi, hỏi: "Còn tờ di ngôn cậu viết hồi nào vậy?" "Có lẽ hồi sáng, tao cũng chả biết, ông uống hết cốc thứ ba thì thò tay vào túi rút ra cái tờ giấy ấy đưa cho tao xem. Đến lúc ấy tao mới tin là ông tính làm thật. Tao định chốc nữa ông ngủ sẽ lục túi ông lấy thuốc độc giấu đi. Ông dặn tao là tờ di ngôn này đưa cho ông Sung, bác sĩ Đặng Văn Sung, nhờ ông ấy chuyển ra ngoại quốc. Còn liệu có thể đưa cho ký giả Mỹ, Pháp được thì khỏi cần. Lúc ấy như sực nhớ ra điều gì, ông đi lại bàn viết. Tao thấy ông có vẻ mệt, ông ngồi trên ghế, tay run run viết bản thứ hai giống hệt bản thứ nhất. Bản này chữ xấu lắm, nét nguệch ngoạc như những dấu phẩy. Sau đó nhìn kỹ mới thấy hai bản khác nhau một chữ. Bản thứ nhất: Tôi không chịu để ai xử cả. Bản thứ nhì thì: Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Viết xong ông nói: Tý nữa thì quên, phải viết hai bản thế này nhỡ nó tóm được một thì còn bản kia chứ. Ông giơ tay che miệng ngáp một cái dài rồi nói: Gớm! Buổi trưa mải nói chuyện không ngủ bây giờ mệt quá. Ông nhìn qua cửa sổ, nhìn bầu trời ướt sũng nước mưa rồi nói rất nhỏ và nhẹ như hơi gió: Trời hôm nay đẹp quá... Tao quay lại thì ông đã ngủ rồi. Đó là câu nói cuối cùng của ông. Tao cứ để ông ngủ yên, bỏ xuống dưới nhà. Lát sau trở lên thì thấy ông nằm trên ghế có vẻ khác lạ, dáng điệu khổ sở quá. Tao nhìn chai rượu vơi gần nửa mới sực nhớ đến cử chỉ của ông hồi nẫy. Khi ông uống đến cốc thứ ba, ông như tọng rượu vào người chứ không có vẻ gì là ngon lành cả. Hình như có cái gì chặn tay ông lại khiến ông phải cố gắng lắm mới nâng nổi cốc lên miệng. Lấy làm lạ tao thử lay lay ông dậy thì thấy người ông mềm hẳn ra. Tao tái người vội vàng chạy xuống nhà gọi mợ lên. Tao nghĩ ngay đến việc gọi bác sĩ nhưng vừa mặc quần áo xong thì chú Kiểm cũng vừa đến nơi". Anh Triệu ngừng lại, nắm chặt tay đập lên đùi: "Tao không nghĩ là ông lại tự tử trước mặt mình, tao cứ nghĩ là phải đợi ban đêm. Từ lúc đi đến lúc về có đầy 15 phút đâu?".
10 giờ đêm. Bác Phiếm gọi riêng chúng tôi báo cho biết cha tôi khó qua khỏi đêm nay. Chúng tôi bàng hoàng sửng sốt cả người. Mẹ tôi bảo chúng tôi báo tin ấy cho những người thân. Trên chiếc xích lô máy rời bệnh viện, tôi hỏi anh Triệu: "Cậu uống thuốc gì mà lại có thể chết nhanh vậy nhỉ?". Anh đáp: "Không biết. Chắc phải mạnh lắm; rồi lại thêm rượu vào nên mới nhanh thế!".
Ở nhà bác tôi trở về bệnh viện chúng tôi đi trên hai chiếc xe hơi. Dự định là sẽ họp nhau lại tối nay để bàn kế hoạch đối phó và phân công. Nếu cha tôi mất đêm nay, ngày mai sẽ mở ra đầy bất trắc. Người ta có thể xông vào nhà tôi cướp tờ di ngôn ấy được không? Làm sao cho tờ ấy phổ biến trong và ngoài nước, thoát khỏi các bàn tay mật vụ đầy rẫy? Ngay cả xác cha tôi cũng có thể bị lợi dụng hay ít ra cái chết cũng có thể bị xuyên tạc. Lúc ấy là 11 giờ đêm, hai xe đi cách nhau 50 thước, lướt trên những con đường đêm vắng ngắt. Một hồi đến ngã tư Duy Tân - Hồng Thập Tự xe đi trước mất hút. Anh Lưu lầu nhầu: "Thằng Quý đi gì kỳ cục vậy?". Nhưng vòng một lát đến gần bệnh viện thì bắt gặp lại xe trước. Tôi thốt nhiên chú ý ngay tới một xe traction màu đen đi lủi theo bám sát xe của Quý. Xe này vừa quặt sang đường Nguyễn Du xe traction bám theo liền. Anh Lưu chỉ tay cho chúng tôi thấy kêu lên: "Xe mật vụ!". Rồi anh đập tay lên bánh lái giận dữ: "Tụi nó thính mũi như ruồi!".
Nửa đêm tôi đứng tựa lan can nhìn lên bầu trời lòng trĩu nặng. Các bác sĩ Grall vừa báo cho biết cha tôi chỉ còn sống không bao lâu nữa. Tất cả những căn phòng khác của mấy khu bệnh viện đều rơi vào bóng tối và im lặng; chỉ trừ phòng cha tôi đèn còn bật sáng. Người nữ y tá rời phòng đi ra, lặng lẽ cúi đầu bước xuống cầu thang. Chừng hơn mười người thân thuộc đứng nói chuyện nhỏ tiếng trước cửa phòng. Anh Bá ngồi lẻ loi trên một chiếc ghế dài, buồn bã. Đèn phòng hắt ra đổ dài bóng anh trên nền hành lang. Có tiếng vài người khóc. Tiếng mẹ tôi trong phòng lọt ra thảm thiết: "Anh Tam ơi! Anh bỏ...". Tôi há miệng ngăn chặn một xúc động đang dâng lên đầy ngực nhưng không kịp. Hình ảnh của cha tôi nhòe ra tươi cười, hình ảnh ấy của năm năm về trước, lúc ông vừa xem xong một truyện ngắn của tôi tả về cái chết của ông. Trong truyện đó tôi tả một buổi đi chơi núi, cha tôi với một nhánh Huyết Nhung Lan ở bờ vực, rồi hụt chân rơi xuống khe núi. Người ta vực ông về nhà nhưng đến bên dòng Đa-Mê thì ông tắt thở sau khi mỉm cười nhìn lần cuối vườn lan đầy hoa của mình. Ông ưa nhất truyện ấy. Mỗi lần đọc ông lại mỉm cười thích thú. Nhưng ông không đưa ai xem sợ người khác không hiểu cho tôi bất hiếu. Một lần tôi hỏi ông: "Chết rồi sẽ ra sao nhỉ?". Ông cười trả lời: "Hồi bà Trưng thì chưa có mình chứ gì. Thế mình ở đâu? Chết là trở về mình hồi ấy đó!".
Có tiếng xôn xao. Mọi người đổ dồn vào phòng. Khi tôi chạy lại bên giường thì vừa kịp thấy ngực cha tôi ngưng thở. Ngay lúc ấy một cái gì thoảng qua rất nhẹ trên nét mặt ông. Nhưng khi nhìn kỹ thấy không có gì đổi khác tôi biết là mình đã giầu tưởng tượng. Hai ba người hỏi lao xao: "Mấy giờ rồi? Mấy giờ rồi?". Không có ai trả lời. Mẹ tôi oà lên khóc ngất. Tôi bỏ ra ngoài. Gió từ phía sau nhà thương thổi gây gây lạnh. Một lần nữa tôi nghĩ thầm trong trí: "Xong rồi!" và chỉ còn thấy trong người một nỗi buồn man dại, một cái thú tê tái đau thương, như cái thú nuôi nấng một mối căm hờn.
Từ buổi sáng cha tôi vẫn bận quần áo ngủ. Mẹ tôi đòi thay quần áo tây cho ông trước khi đưa vào phòng xác. Cánh tay ông lỏng lẻo quá không thể nào bỏ được vào ống tay áo, trừ khi nhét thật mạnh vào, nhưng tôi lại sợ ông đau. Tôi phải cố nghĩ: Ông không còn biết đau là gì đâu, mới làm xong được việc ấy. Lát sau, trên chiếc xe hồng thập tự bít bưng của bệnh viện, mẹ tôi và chúng tôi ngồi trên hai dẫy ghế dài, yên lặng không nói một câu. Trên băng-ca đặt dưới sàn một mảnh vải trắng rộng phủ trên thi thể cha tôi. Chiếc xe lướt êm trên những con đường nhỏ của khu nhà thương. Đến trước cửa nhà xác chiếc xe ngừng lại. Người gác dan ngái ngủ dụi mắt phụ với tài xế khiêng băng-ca xuống. Tôi bước vào nhà xác, dừng mắt trước một cánh cửa sắt dầy kẻ hàng chữ đỏ: "Buồng lạnh. Triệt để cấm vào". Người gác dan tra khóa vào ổ, chiếc cửa nặng nề mở ra, có tiếng máy chạy ù ù. Bên trong một làn ánh sáng nhợt nhạt. Khí lạnh toát ra gai người. Mấy dẫy giường sắt khô khan. Một cái xác đã nằm sẵn trong góc trái. Tôi hơi ghê sợ với ý nghĩ tối nay cha tôi phải nằm đây một mình. Chúng tôi vén tấm vải lên nhìn vào gương mặt ông, ghi nhớ hình ảnh ông một lần cuối: mắt ông đã nhắm lại, từ nay chúng tôi không còn được thấy cái tật hay chớp mắt của ông, cái nhìn sâu thẳm buồn bã vô tận ấy nữa. Râu của ông lơ thơ màu muối tiêu, riêng đôi lông mày vẫn còn rậm rạp. Tóc ông lưa thưa như hói phía trên lộ cái trán rộng mênh mang.
Anh Triệu bỏ tấm vải che xuống. Tôi nhớ tới hình ảnh vui vẻ của ông mới hồi trưa, tới niềm vui bèo bọt của tôi hồi chiều lúc ông bảo tôi đi mua rượu, tới ánh mắt nhìn tôi rất lạ và câu nói sau cùng mà tôi được nghe thấy ở ông: "Đi có 15 phút thôi à?". Rồi quay sang phía mẹ tôi, tôi nói: "Thôi, cậu đã bỏ đi thật rồi!". Tôi chợt chú ý đến giọng nói của mình, âm thanh như đứng một chút ở cửa miệng, ngỡ ngàng như giọng nói của một người khác. Rồi bỗng tôi thấy câu nói của mình nghe tội nghiệp thảm thuơng quá. Chữ "bỏ đi" nhắc nhở tôi một cái gì mất đi hoàn toàn, một hình ảnh không còn nữa hay không bao giờ còn trở lại. Một mối xúc động lại dâng lên chặn lấy ngực tôi nặng như một khối đá. Tôi há miệng quyết chặn đứng một lần thứ hai không cho lên cổ nhưng không kịp nữa.
Tôi bước vội ra ngoài. Lúc ấy là một giờ ba mươi. Khi tôi ngửng lên các vì sao lấp lánh của bầu trời đã rung rinh nhòe nhoẹt cả rồi.
Sài Gòn, 1964