-1-
Ông luật sư rời khỏi văn phòng vào đúng năm giờ chiều như thường lệ. Ánh nắng hiu hắt rọi qua mành cửa hẹp chạy ngang qua tập hồ sơ cao chồng chất ngổn ngang trên cái bàn giấy bằng sắt cũ, làm sáng lên dòng chữ đậm "Tai nạn xe cộ". Móc túi lấy ra chùm chìa khóa, ông nghĩ vẩn vơ theo kiểu một người già ngăn nắp về việc đám hồ sơ này lúc nào cũng có vẻ bụi bặm dù ông đụng đến chúng nhiều lần một ngày.
Bên kia đường, ánh nắng buổi chiều đang đi xuống phía góc xa của công viên đối diện văn phòng. Dưới những cây bạch dương, lũ trẻ con đang chạy đuổi nhau chung quanh một bà già ngồi đan áo. Đã qua rồi cái thời hình ảnh vui đùa gợi lên cho ông những cảm nghĩ sinh động, trong sáng. Bây giờ chúng còn đem lại một nỗi buồn man mác, có lẽ vì những tiếng cười văng vẳng từ xa, khi rõ khi tắt làm ông già 60 tuổi cảm giác đó là hình ảnh từ một quá khứ xa xôi nào đó vọng về, lạc lõng giữa những ngôi nhà xám trong bóng chiều đang tắt.
Ông yêu những cây bạch dương từ 30 năm nay, khi mới dọn về căn phòng này. Có cái gì nhân hậu, gần gũi như của một ẩn sỹ lặng lẽ trong dáng đứng xương xẩu, chơ vơ và trong những chiếc lá trắng của thứ cây này. 30 năm nay, ông luôn đóng cửa vào đúng 5 giờ chiều và ngắm bóng lá bạch dương trong ánh nắng tàn tạ. Chỉ tiếng kèn của người hát rong rách rưới lúc trưa đứng bóng là đạt đến sự rung động bồi hồi sánh được với sự rung động của bóng lá bạch dương, dù một là âm thanh, còn một là hình ảnh. Đó là âm thanh và hình ảnh gắn liền với từng ngày của quãng cuối đời ông, khi nhịp tim trẻ trung năm xưa chỉ còn gõ đều đặn theo nhịp điệu của quả lắc đồng hồ.
Không hiểu sao ông luôn tưởng tượng mình sẽ ra đi vào lúc 5 giờ chiều một ngày như ngày hôm nay. Với cuộc đời đều đặn như của ông, cái chết không thể có gì khác biệt và trái tự nhiên hơn so với sự kết thúc một ngày làm việc. Duy nhất một điều còn lâu lâu khuấy lên vài đợt sóng nhỏ nhoi nhưng âm ỉ trong sự bình lặng tẻ nhạt đó. Đó là những khi ông vô tình nhìn vào tiệm sách cũ bên kia đường, gần công viên và nhà ông (nơi ông sống từ bấy đến giờ, không vướng víu vì vợ con hay thậm chí một người bạn). Phải, tiệm sách cũ ấy là nơi mọi sự đã bắt đầu.
Ông gặp nàng vào khoảng 5 giờ chiều hơn 30 năm trước, khi ấy ông chỉ mới bắt đầu trường luật. Nàng không đẹp lắm, nhưng đôi mắt ấy có cái gì như luôn luôn thách đố sự vững vàng của người đối diện, và thu hút tất cả sự chú ý vào nét duyên dáng của nàng. Ông nhớ rõ, ngày ấy, nàng đang đọc quyển "Rosmersholm" của Henrik Ibsen. Ông nhớ rõ ánh lửa của sự say mê làm khuôn mặt nàng sáng bừng lên như thế nào, mái tóc chấm vai hơi rối vì gió tạo thành nét viền phóng khoáng cho gương mặt nàng như thế nào và ông đã say mê nàng ra sao. Vô tình "Rosmersholm" cũng chính là tác phẩm đã thay đổi cuộc đời sinh viên của ông, và nàng, trước con mắt sững sờ của ông, là sự sống động của tất cả niềm say mê bi tráng và cao vọng mà Ibsen đã thể hiện bằng nghệ thuật của mình.
Đó không phải là cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên và bình thường. Đôi lúc ông thầm mong trong cuộc đời mình có những điều ngẫu nhiên và bình thường nhưng không bao giờ có. (Kể cả nếp sống mòn mỏi bao năm qua được ông coi như cuộc tự tử mất thời giờ nhất thế giới). Nàng đợi ông ở nơi đó để bàn chuyện của một tổ chức chính trị những người lưu vong mà hai người đều là thành viên. Đó là một quãng đời mà ông thường nhớ lại với niềm tự hào xen lẫn với chua xót sâu xa. Nàng và ông đã dành trọn tuổi trẻ cho cuộc đấu tranh vì dân tộc mình, với cả niềm tin mãnh liệt vào bản thân và cuộc sống. Vậy mà bây giờ, năm tháng đã để ông tụt lại phía sau, bên chồng hồ sơ tai nạn xe cộ bụi bặm và những kỷ niệm thiêng liêng ngày càng ít trở về.
Dù nàng giờ ở nơi đâu, ông tin rằng cuộc sống đã đền đáp nàng trọn vẹn cho những gì nàng đã tạo nên. Ông không rõ bao nhiêu người -chắc đã lên con số hàng ngàn- đã cảm nhận được sự đụng chạm kỳ diệu của nàng vào những mảnh vụn vặt trong đời sống của họ, làm cho thế giới đột nhiên đầy ý nghĩa và vẻ đẹp. Ông vẫn nhớ ánh mắt người hát rong trên góc phố ngỡ ngàng trước sự trân trọng mà đã bao năm qua anh ta không nhớ nổi một người thứ hai dành cho mình. Nàng đã tìm được và thể hiện lại những vẻ đẹp thiêng liêng nguyên nghĩa của hai chữ "con người", nàng yêu cuộc sống một cách vô tư không phân biệt. Và đó là điều làm ông phiền muộn trong suốt bao nhiêu năm trời vì trái tim của nàng không dành chỗ riêng biệt cho bất cứ con người nào. Ông cảm giác như không con người nào đủ xứng đáng với điều ấy.
Nàng đã từ bỏ ông mà đi rất xa, đi về nơi nào đó ông không bao giờ tìm hiểu. Dường như nàng tìm thấy hạnh phúc với sự lựa chọn này, khi tìm ra một con đường thực hiện cao vọng và niềm tin của nàng. Có lẽ ở nơi đó, nàng đã tìm ra một con người thứ hai thuộc về chủng loại đặc biệt của nàng, chủng loại của những anh hùng và những nữ thần săn bắn. Ông đã chọn ở lại nơi này, nơi lần đầu tiên đặt chân đến, ông đã gặp nàng và sau đó đã mất nàng mãi mãi. Có những lúc ông đã muốn làm như nàng và bỏ lại tất cả sau lưng, nhưng lại do dự. Ông đã đánh mất tình yêu tha thiết nhất của đời mình, trên cả dân tộc và cả giấc mơ mà ông ôm ấp bao nhiêu năm trời. Ông tự cảm thấy xấu hổ về sự hèn nhát của mình, nhưng ông không tìm thấy được sức mạnh đã thôi thúc từng bước chân mình như trước nữa. Luật sư già đã quyết định vào cái ngày định mệnh khi ông tốt nghiệp trường luật để ở lại nơi này, chọn cuộc sống mòn mà ông vẫn luôn khiếp sợ và gìn giữ những ngóc ngách kỷ niệm của thời gian ngắn ngủi ông làm việc bên cạnh người con gái đã đi xa. Trong tiềm thức, ông luôn hồi hộp chờ đợi ngày nàng sẽ trở về hay ít nhất cũng nhắn về điều gì đó. Suốt 30 năm trời ông rất ít khi đi xa, vì cảm giác phấp phổng khi phải lìa bỏ nơi chốn duy nhất ông có thể nhận được tin tức của nàng...
Bao nhiêu năm qua, cảnh vật gần như không có gì biến đổi. Hình như người hát rong vẫn còn là người hát rong năm xưa, với tiếng kèn run rẩy. Chỉ có luật sư đã biến đổi rất nhiều từ người thanh niên cách mạng ngày nào. Bây giờ ông đã là một ông già cằn cỗi, cử chỉ cáu kỉnh, nóng nẩy như bị thôi thúc bởi những cảm giác đè nén sâu thẳm. Ông đã bỏ thói quen ghé nhà bưu điện hàng ngày trên đường về đã lâu, có lẽ vì sức khỏe. Nhưng ông không bao giờ bỏ qua việc đóng cửa văn phòng vào đúng 5 giờ chiều để nhìn cảnh mặt trời lặn xuống bên kia công viên. Luật sư già thường đứng lặng rất lâu như chiêm ngưỡng quang cảnh đẹp nhất trên đời, và trong đôi mắt nhòa lệ của ông, thời gian len lén trở ngược về 30 năm...
-2-
Nàng bước xuống khỏi chuyến tàu cuối khi trời đã bắt đầu tối. Ánh nắng yếu ớt trên những con phố quanh co làm nàng bước rảo nhanh hơn vì sợ không đến nơi kịp. Kia rồi, chính là tiệm sách cũ bên cạnh công viên. Nàng không tin ở mắt mình khi nhìn thấy cái tên quen thuộc trên tấm bảng văn phòng luật sư. Dù đã biết trước, nàng vẫn ngỡ ngàng tự hỏi con người này đã làm gì với cuộc đời mình sau khi tự chôn vùi nó một cách đáng tiếc như thế này.
Chùm chìa khóa rơi xuống khỏi tay luật sư già. Cánh cửa đang hé mở đứng sững lại
-Em đã về.
-Chính là tôi đây. Nghe nói anh còn ở chỗ cũ nên tôi về thăm anh. Bao nhiêu năm qua anh sống ra sao?
Luật sư vẫn còn sững sờ không nói nên lờị Mãi một lúc ông mới cất tiếng lại được, và cũng chính khoảng khắc ấy, bao tình cảm đè nén 30 năm trời ùn ùn tràn về:
-Em đã về thật rồi. Đã lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn đợi vì tôi biết sớm hay muộn gì em cũng phải trở về thôi. Nơi này đã là một mảnh đời em rồi còn gì.
Nàng cười buồn- vẫn đẹp như ngày nào:
-Phải, tất cả chúng ta rồi sẽ phải trở về thôi. Tôi không ngờ anh vẫn còn ở lại đây và vẫn trung thành với kỷ niệm ngày nào. Ngoài ra mọi vật đều thay đổi...
-Thật sao? Vậy mà tôi cứ nghĩ mọi vật đều giữ nguyên như cũ. Nhất là nay em đã về, và em cũng không có gì khác.
Nàng khẽ nói, đôi mắt nhìn ra xa thẳm- cả về không gian lẫn thời gian, về hướng bóng chiều đang tắt nắng:
-Có lẽ tôi có cái nhìn của một người đi xa về nên dễ nhìn thẳng vào sự thật, không làm quá khứ và hiện tại lẫn lộn. Người hát rong đã chết hơn 10 năm qua và đã được chôn cất ngoài nghĩa địa. Người hát rong hiện giờ là con của anh ta. Những cây bạch dương, anh có nhớ không, ngày ấy còn nhỏ lắm. Nếu không cái dáng buồn bã của chúng đã làm u ám những kỷ niệm đẹp của anh. Và tôi cũng vậy. Anh vẫn nhìn tôi bằng cặp mắt của dĩ vãng.
Luật sư ngậm ngùi:
-Bao nhiêu năm qua em đã sống ra sao?
Nàng cười nhẹ:
- Đáng lý ra anh chưa trả lời câu hỏi của tôi trước. Nhưng thôi, tôi có thể cho anh biết là tôi đã sống một cuộc đời đầy đủ ý nghĩa. Tôi đã thực hiện những giấc mơ mà chúng ta vẫn trao đổi một cách say mê lúc trẻ. Còn anh? Anh đã già đi quá nhiều.
Cả hai người cùng im lặng. Ánh nắng chiều yếu dần đi trên chồng hồ sơ. Chưa khi nào ông luật sư già cảm thấy các đồ đạc trong văn phòng mình cũ kỹ và câm lặng hơn giờ này. Nhất là khi ông so sánh với sự trẻ trung đầy sức sống của người đối diện.
Nàng phá tan sự im lặng bằng cách lập lại câu hỏi:
-Thế nào? Anh không muốn cho người bạn cũ biết anh sống ra sao 30 năm qua hay sao? Anh đã kết hôn với ai? Còn con cái anh nữa? Chẳng lẽ anh không muốn kể về họ sao?
Luật sư già không biết phải bắt đầu ra sao. Ông cầm cái khung hình trống không trên bàn giấy mân mê trong tay. Một lúc sau, ông mới bắt đầu:
- Có lẽ dưới mắt em tôi đã "sống" kể từ lần gặp gỡ cuối cùng, kể từ cái lần mà...mà em từ giã tôi để ra đi. Nhưng thực ra tôi không thực sự sống, theo cái nghĩa là tồn tại như một con người hoàn toàn. Một phần rất lớn của tôi đã chết đi và đã chôn cất nơi nghĩa địa, đúng vậy, ở gần nơi chôn người hát rong mà em đã nhận thấy. Chỉ còn một phần rất nhỏ nhoi, một "bộ maý", tương tự như bộ máy chiếc đồng hồ quả lắc kia, vẫn còn đây để thở và đi lại, để hằng ngày mở và đóng cửa văn phòng luật... Tôi không còn tìm thấy ở bất cứ nơi đâu niềm vui, tình yêu hay sự tự kính trọng mình vì em đã mang đi cả rồi. Một con người sau khi được chôn cất thì còn có thể nào đi đâu được nữa, còn có thể nào có cảm giác gì trừ nhận thấy thời gian đang hủy hoại mình dần mòn. Tôi chỉ xin thượng đế cho giữ lại được một báu vật mà thôi: đó là tình yêu em và sự đợi chờ. Rốt cuộc rồi em cũng phải trở về. Nhưng tôi đã không còn gì giống như tôi 30 năm trước nữạ Món quà số phận đền bù cho tôi, có lẽ đã quá trễ rồi.
Bóng nàng mờ dần đi vì ánh nắng đang tắt. Nhưng giọng nàng lại ấm áp và gần gũi hơn, như trong một ảo ảnh thân thiết. Luật sư già cảm thấy chưa bao giờ ông gần gũi nàng hơn lúc này. Ông không thể nhớ lại một lời nào của nàng, nhưng ông nhớ rõ những điều nàng đã nói với ông. Những điều đó đẹp đẽ đến nỗi ông không thể nào thể hiện bằng ngôn ngữ. Nàng nhắc ông về một ngày hai người còn bên nhau, ông đã chỉ một con chim xanh ở cuối phố và nói rằng nếu hạnh phúc và ước mơ có hình ảnh, chúng sẽ hiện ra giống như là con chim xanh kia. Ông yêu sự trong sáng và bay bổng của con chim xanh ấy biết bao! Nàng kể về con đường nàng đã trải qua, về niềm vui thấy mình đang đi tới phía trước dù có nhiều sóng gió. Nàng mong ông hãy vớt vát những gì còn lại, sau khi đã đánh mất gần như tất cả vì tình yêu, để có thể bỏ lại 30 năm chồng chất sau lưng và ra đi theo cánh chim ấy như nàng đã làm. Và nàng nhắc lại câu thơ của Goethe mà ông đã quên lãng đi từ lâu:
 "Chỉ những người này xứng đáng với hạnh phúc và tự do,
 Vì chinh phục chúng mỗi ngày bằng tranh đấu."
Luật sư già bỗng nhiên cảm thấy trong tâm hồn tràn ngập cảm giác kỳ lạ, khi những niềm vui từ xa thẳm dồn dập đổ về. Ông nhìn thấy mình lại trở về giữa những đồng chí cũ, đã qua đời tự khi nào... Những lời nói cương quyết, những tiếng hát hào hùng. Nơi họ và ông đang đứng không có bóng giáng của buổi chiều già nua, mà tràn ngập màu nắng sớm mai, như ngày ông nhìn thấy con chim xanh duy nhất trong thành phố. Một nỗi lo sợ thoáng qua óc ông, rằng mọi chuyện sẽ biến đi rất mau và cả nàng nữa. Ông không thể lại mất nàng...
Chiếc đồng hồ quả lắc cũ kỹ trên tường điểm một hồi chuông yếu ớt. Ông luật sư già mơ hồ nhận thấy đã đúng 5 giờ chiều.
-3-
BỨC THƯ VÀNG ÚA BỎ QUÊN TRONG KẸT TỦ
Em yêu dấu,
 
Đã từ lâu anh muốn kể lại cho em tất cả những gì đã xảy ra giữa chúng ta, dù em đã ở bên anh và cùng chứng kiến mọi việc. Nhưng không hiểu sao câu chuyện của anh luôn mơ hồ và rời rạc, như khi ta thuật lại một giấc mơ dài lãng đãng. Có lẽ anh không phải là một nhà văn giỏi, có lẽ anh thực sự không muốn nhớ lại câu chuyện, và cũng có lẽ tình cảm và ngòi bút của anh quá run rẩy đến nỗi làm mọi hình ảnh nhòe đi dưới mỗi đụng chạm vụng về.
 
Dù sao anh cũng muốn kể lại câu chuyện kèm thêm những niềm vui, nỗi buồn của riêng anh mà có lẽ em chưa bao giờ hiểu. Anh không vì thế mà trách em, những tình cảm của anh không khi nào thoát ra được khỏi thế giới riêng mà anh đã tạo dựng nên để khép kín chúng vào trong. Em còn nhớ những lời em nói với anh khi xưa không, "hãy mở rộng trái tim mình, thế giới còn vô số điều để yêu, để căm giận, để mơ ước bằng hết ngọn lửa nóng rực của tuổi trẻ". Anh đã hiểu rằng cuộc đời không thể trọn vẹn bằng một tình yêu, dù anh tự hào rằng đó đã là một tình yêu đẹp đẽ.
 
Sẽ có rất nhiều người yêu em vì họ cần em để thực hiện giấc mơ nào đó của họ. Anh hy vọng sẽ có ít nhất một người yêu em vì giấc mơ của em. Như thế, để anh yên tâm rằng những điều cao đẹp còn có thể tồn tại trên đời, nhất là khi anh đã đánh mất sự dũng cảm của mình và quay lưng bỏ cuộc.
 
Khi chúng ta gặp nhau, anh mới hiểu rõ tại sao anh đã chọn con đường tranh đấu cho dân tộc chúng ta. Đó là cách anh đi tìm một chứng minh hùng hồn cho sự tồn tại của lòng tự tin, của nghị lực và trái tim trong sáng. Em đã giúp cho anh nhìn ra tất cả những điều ấy trong con người, để anh có thể yêu thương và hy vọng. Anh chưa bao giờ sống như anh đã sống qua những tháng ngày ngắn ngủi chúng ta làm việc bên nhau.
 
Suốt thời gian quen em, khi em luôn nói đến anh như một người bạn, đó đã là một niềm tự hào của anh, dù ngày ngày niềm mong muốn âm ỉ càng mãnh liệt là em sẽ dành cho anh những gì khác hơn ngoài tình bạn. Nhưng anh hiểu điều đó là vô vọng. Anh sẽ trở thành tầm thường như những người kia khi yêu em và đòi hỏi em cho riêng anh....
 
Anh sẽ trở về nơi chúng ta gặp nhau. Có lẽ cũng cần có một người trân trọng gìn giữ những kỷ niệm của chúng ta. Dù ở nơi đâu, xin chúc em hạnh phúc.
 
Bức thư đã không bao giờ được gửi đi. Người giúp việc của ông luật sư già, sau tang lễ đã tìm thấy bức thư này. Cô gái này lại có quen biết với người hát rong trên góc phố, nên trao bức thư cho ông ta. Nghe nói người hát rong đã viết hẳn một bản nhạc dựa trên câu chuyện trên, và từ đó về sau, tiếng kèn của ông ta nghe ngậm ngùi và tha thiết hơn, nhưng tràn ngập một niềm tin trong sáng vào cuộc sống.
 

Xem Tiếp: ----