Những đồ vặt vãnh cuối cùng của bác chủ hiệu quan tài Ađrian Prôkhôrôp đã chất đầy trên chiếc xe đòn và cặp ngựa gầy còm ì ạch kéo lê chuyến xe thứ tư từphố Baxmannaia sang phố Nikitxcaia(1), nơi bác chủ hiệu quan tài mới dọn nhà đến. Bác đóng cửa hiệu xong, dán lên cửa một tờ yết thị nói rõ nhà bán và cho thuê, rồi đi bộ về nhà mới. Đi gần đến ngôi nhà nhỏ màu vàng từ lâu lôi cuốn trí tưởng tượng của bác và cuối cùng thì bác đã tậu được với một món tiền khá lớn bác chủ hiệu già ngạc nhiên khi thấy lòng mình lại không vui. Bước qua ngưỡng cửa còn lạ lẫm đi vào nơi ở mới bác thấy ngay cảnh lộn xộn, bác lại tiếc căn nhà cũ nát bác ở mười tám năm, mọi thứ vẫn xếp đặt theo một trật tự nghiêm ngặt nhất. Bác mắng hai cô con gái và chị đầy tớ vì họ chậm chạp, bác bắt tay vào làm giúp họ. Chẳng mấy chốc mọi thứ đã xếp đặt đâu ra đấy, tủ bầy tượng thánh, tủ chén bát, bàn, đi văng và giường đã kê vào những góc nhất định ở phòng trong, còn ở bếp và ở phòng khách xếp sản phẩm của chủ nhân là những quan tài đủ màu sắc, đủ các cỡ, và kê những tủ đựng mũ áo tang và những cây đuốc. Trên cửa hàng có treo rấm biển vẽ thần ái tình béo tốt, tay cầm cây đuốc chúc ngược xuống (2) và có đề dòng chữ: “Ở đây bán và bọc quan tài mộc và quan tài sơn, cũng cho thuê và sữa chữa cái cũ”.(3) Các cô gái đã về phòng riêng. Ađrian dạo quanh nhà rồi đến ngồi bên cửa sổ và sai đặt ấm xamôva. Độc giả có học đều biết rằng Sêcxpia và Oantơ Xcôt đều tả những phu đào huyệt là những người vui tính, thích bông đùa, định dùng sự tương phản ấy tác động mạnh mẽ hơn vào trí tưởng tượng của chúng ta. Vì tôn trọng sự thật chúng tôi không thể noi gương các vị đó được mà bắt buộc phải thừa nhận rằng tính tình bác chủ hiệu quan tài của chúng ta hoàn toàn phù hợp với cái nghề rầu rĩ của bác ấy. Ađrian Prôkhôrốp thường hay buồn phiền và tư lự. Bác chỉ lên tiếng hoặc quở mắng mấy cô congái khi bác bắt được họ trong lúc rỗi rãi đang tò mò nhìn khách qua đường bên ngoài cửa sổ, hoặc để đòi tăng giá hàng của mình với những người bất hạnh (hoặc có khi vui mừng) cần đến thứ hàng ấy. Vậy là Ađrian ngồi bên cửa sổ đã uống đến chén trà thứ bẩy và vẫn như thường lệ đang chìm đắm với những ý nghĩ buồn rầu của mình. Bác nhớ đến trận mưa rào cách đây một tuần lễ đã đổ xuống đám tang viên chuẩn tướng về hưu ngay chỗ trạm kiểm soát. Nước mưa làm cho nhiều áo tang nhăn nhúm, nhiều mũ tang cong vênh. Bác nhìn thấy trước những khoản chi không sao tránh khỏi vì những áo mũ tang lễ dự trữ lâu ngày của bác đã ở trong tình trạng thảm hại. Bác hy vọng bù lại chỗ thiệt hại nhờ vào mụ nhà buôn già Tơriukhina, mụ này ốm nằm gần một năm nay chỉ còn chờ chết. Nhưng mụ Tơriukhina sẽ chết ở Radơgulai (4) và Prôkhôrốp lo rằng những kẻ thừa kế gia tài của mụ mặc dầu đã hứa hẹn nhưng sẽ ngại đi xa như thế này để tìm bác và họ sẽ thuê ngay nhà thầu ờ gần đó. Bỗng nhiên ba tiếng gõ cửa theo kiểu hội Tam điểm (5) vang lên làm gián đoạn những suy nghĩ của bác, “Ai đó?”-bác chủ hiệu quan tài hỏi. Cửa mở, một người bước vào, chỉ mới thoáng nhìn cũng nhận ra bác thợ thủ công người Đức. Bác ta vui vẻ đến bên bác chủ hiệu quan tài: “Xin lỗi bác láng giềng thân mến,-bác ta nói thứ tiếng Nga mà cho đến nay ai nghe cũng phải bật cười,- xin lỗi, tôi làm phiền bác…tôi nóng lòng muốn làm quen với bác. Tôi là thợ giầy, tên là Gôtlip Sunsơ, tôi ở bên kia đường, ngôi nhà nhỏ kia kìa, đối diện với cửa sổ nhà bác. Ngày mai tôi làm lễ mừng đám cưới bạc (6), xin mời bác và hai cô sang nhà tôi dự bữa thân mật”. Lời mời được tiếp nhận vui vẻ. Bác chủ hiệu quan tài mời bác thợ giầy ngồi chơi uống nước, nhờ tính tình cởi mở của Gôtlip Sunsơ nên chẳng mấy chốc họ đã chuyện trò thân mật.”Bác buôn bán ra sao?”-Ađrian hỏi. “Chà chà,-Sunsơ đáp,-cũng tàm tạm. Chẳng có điều gì phàn nàn! Nhưng cố nhiên là hàng của tôi không bì với hàng của bác được, người sống không có giầy đi thì cũng chẳng sao, chứ người chết thiếu quan tài là không được”. “Hiển nhiên là như vậy,-Ađrian nói,- nói bác bỏ quá, người sống không có tiền mua giầy thì họ đi chân đất vậy, chứ người chết có khốn cùng đi nữa cũng được người ta cho một chiếc quan tài”. Cứ đà ấy câu chuyện của họ kéo dài thêm hồi lâu nữa, cuối cùng bác thợ giầy đứng dậy, chia tay bác chủ hiệu quan tài và nhắc lại lời mời. Ngày hôm sau đúng mười hai giờ trưa bác chủ hiệu quan tài và hai cô gái bước ra khỏi cửa ngôi nhà mới tậu và đi sang nhà láng giềng. Tôi sẽ không miêu tả chiếc áo caphơtan Nga của Ađrian Prôkhôrôp và trang phục kiểu Âu của cô Aculina và cô Đarya, vậy là tôi đã vi phạm một thói quen của các tiểu thuyết gia thời nay. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sẽ không thừa nếu nói rằng hai cô gái đều đội mũ màu vàng và đi giầy màu đỏ là những thứ hai cô chỉ dùng trong những dịp long trọng mà thôi.Căn hộ chật hẹp của bác thợ giầy đã đầy khách, phần đông là thợ thủ công người Đức cùng với vợ họ và những thợ phụ. Trong số các viên chức người Nga thì chỉ có viên cảnh sát coi trạm kiểm soát vốn người Phần Lan tên là Iurơcô, mặc dầu chức tước nhỏ mọn vẫn được chủ nhân đón tiếp đặc biệt. Hai mươi lăm năm nay với chức tước ấy bác đã một lòng một dạ phục vụ, giống như bác phu trạm của Pogôrenxki(7). Khói lửa năm mười hai(8) đã thiêu hủy cố đô(9) và triệt hạ cả cái trạm gác màu vàng của bác. Nhưng liền ngay sau khi quét sạch kẻ thù, trên địa điểm cũ lại xuất hiện một trạm gác mới màu xám với những cây cột trắng theo kiểu kiến trúc Hy lạp cổ và Iurơcô lại đi đi lại lại cạnh trạm ấy, tay cầm ngọn giáo, mình mặc áo giáp. Phần lớn người Đức sống gần cửa ô Nikitxki đều quen biết bác, một số người thậm chí còn nghỉ đêm lại ở nhà bác từ tối chủ nhật đến sáng thứ hai. Ađrian làm quen ngay với bác vì bác là người mà sớm hay muộn rồi cũng có lúc phải cần đến, và khi khách ngồi vào bàn ăn thì hai người đã ngồi cạnh nhau. Ông bà Sunsơ và cô con gái của ông bà là cô Lôtkhen mười bảy tuổi, cùng dự tiệc với khách, họ vừa tiếp khách vừa giúp chị bếp phục vụ. Bia rót tràn trề, Iurơcô ăn bằng bốn người; Ađrian cũng không chịu thua nhưng hai cô con gái của bác thì e lệ giữ gìn. Chuyện trò bằng tiếng Đức mỗi lúc càng thêm ồn ào. Đột nhiên chủ nhân đề nghị mọi người chú ý lắng nghe và vừa mở nút một chai rượu gắn xi vừa nói to bằng tiếng Nga "Chúc sức khỏe Luyda hiền dịu của tôi!".Rượu trào bọt. Chủ nhân âu yếm hôn lên khuôn mặt tươi cười của bà vợ bốn mươi tuổi và khách khứa lại ồn ào uống mừng sức khỏe bà Luyda hiền dịu. "Chúc sức khỏe các vị khách quí mến của tôi!"-Chủ nhân nói và mở tiếp chai rượu thứ hai. Các vị khách cảm tạ chủ nhân và lại cạn cốc lần nữa. Thế là bắt đầu chúc sức khỏe lần lượt không dứt: uống chúc sức khỏe từng người riêng biệt, uống chúc sức khỏe thành phố Maxcova và cả một tá thành phố nhỏ ở Đức, uống chúc sức khỏe tất cả các phường hội nói chung, và từng phường hội nói riêng, uống chúc sức khỏe các thợ cả và các thợ phụ. Ađrian uống nhiều và vui vẻ cuồng nhiệt cũng đề nghị nâng cốc chúc một câu bông đùa. Bồng dưng một người trong đám khách là bác hàng bánh mì to béo nâng cốc lên và nói to: "Chúc sức khỏe tất cả những người mà chúng ta làm việc vì họ, unserer Kundleute(10)". Lời đề nghị này cũng như mọi lời đề nghị khác đều được hưởng ứng vui vẻ và nhất trí. Các vị khách bắt đầu chúc lẫn nhau, bác thợ may chúc bác thợ giầy, bác thợ giầy chúc bác thợ may, bác hàng bánh mì chúc cả hai người, tất cả mọi người chúc bác hàng bánh mì và cứ thế tiếp diễn. Đang giữa lúc chúc tụng lẫn nhau như thế thì Iurơcô quay sang ông bạn ngồi cạnh mà hét to: "Thế nào ông bạn, cũng phải uống chúc sức khỏe người chết của bác chứ". Mọi người cười phá lên, nhưng bác chủ hiệu quan tài phật lòng, và sa sầm nét mặt. Chẳng ai đế ý thấy điều đó, khách khứa vẫn tiếp tục uống rượu, đến khi họ đứng dậy rời khỏi bàn ăn thì hồi chuông lễ chiều đã vang. Khách khứa ra về thì lúc đó đã muộn và phần lớn đều chếnh choáng hơi men. Bác hàng bánh mì to béo và bác thợ đóng sách có khuôn mặt trông như một bìa da màu hồng khoác tay dìu Iurơcô về trạm kiểm soát của bác đúng như câu tục ngữ Nga ơn đền ơn oán báo oán. Bác chủ hiệu quan tài về đến nhà vừa say vừa bực tức. "Thực ra là như thế nào,-bác to tiếng lý sự-nghề của mình không lương thiện bằng các nghề khác hay sao? Chẳng lẽ chủ hiệu quan tài là anh em của đao phủ à? Bọn ngoại bang ấy cười cái gì mới được? Chẳng lẽ chủ hiệu quan tài là thằng hề của ngày lễ Nôen chắc? Mình đã định mời bọn họ đến ăn mừng nhà mới, thết tiệc linh đình, nhưng đã vậy thì thôi. Mình sẽ mời những người mà mình làm việc vì họ, sẽ mời những người chết theo chính giáo-" Sao thế thưa ông?-chị đầy tớ lúc đó đang cởi giầy cho bác vội hỏi-Ông nói nhảm nhí gì vậy? Ông làm dấu đi đã!Mời người chết về ăn mừng nhà mới ư? Khiếp quá đi mất!" –"Thế đấy, tôi sẽ mời-Ađrian nói tiếp-mà ngay ngày mai đây thôi!Xin mời các vị, những ân nhân của tôi, mời đến dự tiệc ở nhà tôi vào chiều ngày mai, nhà có gì tôi sẽ thết đãi tất". Nói xong bác chủ hiệu quan tài vào giường nằm và một lát sau đã ngáy vang. Ngoài sân hãy còn tối mịt nhưng Ađrian đã bị đánh thức dậy. Mụ lái buôn Tơriukhina đã chết đúng hồi đêm vừa rồi và lão quản lý của mụ cho người phi ngựa đến tìm Ađrian báo tin này. Bác chủ hiệu quan tài đãi người báo tin mười côpếch uống rượu và vội vã mặc quần áo, thuê xe ngựa đi ngay đến Radơgulai. Trước cửa nhà đám cảnh sát đã túc trực, bọn lái buôn như bầy quạ lượn đi lượn lại đánh hơi xác chết. Người chết nằm trên bàn, trông vàng như sáp nhưng chưa bốc mùi. Bà con, hàng xóm, người nhà xúm xít quanh người chết. Cửa sổ đều để ngỏ, nến thắp sáng trưng, các linh mục đang đọc kinh cầu nguyện. Ađrian lại gần người cháu của Tơriukhina, một chàng lái buôn trẻ tuổi, mặc chiếc áo lễ hợp thời trang, nói với chàng ta rằng quan tài, nến, vải phủ ngoài, và các đồ tang lễ khác sẽ đưa đến ngay, mọi cái đều hoàn hảo. Chàng trai thừa kế ấy lơ đãng cảm ơn bác, còn về giá tiền thì không mặc cả, hoàn toàn để tùy lương tâm của bác. Bác chủ hiệu quan tài theo thói quen thề rằng sẽ không lấy thêm tiền và trao đổi với viên quản lý một cái nhìn đầy ý nghĩa rồi đi lo liệu công việc. Suốt cả một ngày, bác cứ xe đi xe về giữa Radơgulai và cửa ô Nikitxki, mãi đến tối mọi việc mới ổn thỏa, bác đi bộ về nhà, không dùng xe ngựa nữa. Đêm sáng trăng. Bác chủ hiệu quan tài đi về đến cửa ô Nikitxki một cách yên ổn. Đến gần nhà thờ "Chúa thăng thiên" bác Iurơcô quen biết của chúng ta cất tiếng hỏi, nhưng nhận ra bác chủ hiệu quan tài liền chúc bác ngủ ngon giấc. Đếm về khuya. Bác chủ hiệu quan tài về gần đến nhà thì bỗng dưng thấy hình như có ai đi lại cổng nhà bác, hắn ta mở cổng và lẩn biến vào trong-"Thế là thế nào nhỉ?-Ađrian nghĩ-Ai lại có việc cần đến mình chăng? Hay một tên trộm vào nhà mình khoắng cái gì? Hay bọn thanh niên tìm mấy con bé ngốc nhà mình?Không hay rồi!" Bác chủ hiệu quan tài đã nghĩ đến việc kêu ông bạn Iurơcô đến hộ một tay. Đúng lúc này lại có một người nữa đi lại gần cổng và sắp bước vào thì nhìn thấy chủ nhà đang chạy lại, liền dừng chân, ngả chiếc mũ ba góc ra chào. Ađrian nhìn mặt người này thấy quen quen nhưng vì đang vội nên không kịp nhìn kỹ "Ông đến nhà tôi à,-Ađrian vừa thở hổn hển vừa nói-xin mời ông vào chơi"-" Đừng khách sáo bác ạ,-người đó đáp giọng ồ ồ-mời bác đi trước dẫn đường cho khách!" Ađrian chưa bao giờ khách sáo. Cửa đã mở, bác đi lên cầu thang và người đó đi theo bác. Ađrian nghe như có tiếng nhiều người đi lại trong phòng…và ngay lúc đó đôi chân bác khụyu xuống. Người chết đứng đầy cả phòng. Ánh trăng xuyên qua cửa sổ chiếu lên những bộ mặt vàng bệch và xanh nhợt của họ, những cái mồm sâu hóm, những đôi mắt đục ngầu hé mở và những cái mũi thòi lòi ra…Ađrian khiếp hãi nhận ra bọn họ là những người mà bác đã chăm chỉ chôn cất và vị khách vừa đi vào cùng với bác chính là viên chuẩn tướng bác đưa đi chôn cất hôm có trận mưa rào. Tất cả bọn họ, đàn bà cũng như đàn ông đều vây quanh bác chủ hiệu quan tài, chào hỏi và chúc mừng, trừ có một kẻ nghèo hèn vừa mới được chôn bố thí là không dám lại gần, ngượng ngùng xấu hổ vì ăn mặc rách rưới nên đành cứ đứng y nguyên trong góc phòng. Tất cả những người khác đều ăn mặc chững chạc: các bà đội mũ có giải, các ông quan chức mặc lễ phục nhưng râu ria không cạo, cánh lái buôn mặc áo caphơtan ngày hội. "Bác thấy đấy, bác Prôkhôrốp,-viên chuẩn tướng nói, thay mặt cho tất cả đám người lương thiện,- tất ảc chúng tôi đều trỗi dậy theo lời mời của bác; ở lại nhà chỉ còn những kẻ không thể nào đi được, những kẻ đã hoàn toàn bị hủy hoại, chỉ còn độc bộ xương không có da. Nhưng kìa, vẫn có một người không cầm lòng được đến vì anh ta muốn lại thăm bác quá mà… "Đúng lúc ấy một bộ xương nhỏ bé lách qua đám đông tiến lại gần Ađrian. Cái đầu lâu của anh ta mỉm cười thân thiết với bác chủ hiệu quan tài. Những mảnh dạ nát xanh xanh, đo đỏ và những mảnh giẻ rách treo trên người anh ta như treo trên một cái sào, cặp xương chân va đập lộc cộc trong đôi ủng rộng như cặp chày khua trong cối. "Bác không nhận ra tôi à, bác Prôkhôrốp-bộ xương nói-bác không nhớ trung sĩ cận vệ hưu trí Piốt Pêtơrôvit Curinkin, chính là người được bác bán cho chiếc quan tài đầu tiên vào năm 1799-chiếc quan tài gỗ thông nhưng bác bảo là gỗ sồi ấy mà?" Dứt lời người chết dang hai cánh tay toàn là xương định ôm lấy bác nhưng Ađrian cố hết sức hét lên và đẩy anh ta ra. Piốt Pêtơrôvit loạng choạng ngã sấp xuống, vỡ tan thành những mảnh vụn. Tiếng rì rấm phẫn uất nổi lên trong đám người chết, tất cả đều bảo vệ danh dự cho người bạn của họ, họ xông lại mắng nhiếc, đe dọa Ađrian. Bác chủ nhà tội nghiệp ù tai vì những tiếng la hét của họ và gần như tắt thở, hết cả hồn vía ngã gục xuống đám xương tàn của viên trung sĩ cận vệ hưu trí và ngất đi.Mặt trời chiếu vào giường bác chủ hiệu quan tài nằm từ lâu. Cuối cùng bác cũng mở mắt ra và nhìn thấy trước mặt mình là chị đầy tớ đang thổi ấm xamôva. Ađrian sợ hãi nhớ lại mọi biến cố hôm qua. Mụ Tơriukhina, viên chuẩn tướng và trung sĩ Curinkin lờ mờ hiện ra trong đầu bác. Bác yên lặng chờ chị đầy tớ mở đầu câu chuyện với bác và kể ra những hậu quả của các biến cố hồi đêm. -Sao mà ông ngủ say thế ông Ađrian Prôkhôrôvít-Acxinhya nói trong lúc đưa áo khoác cho bác-Ông thợ may bên hàng xóm có ghé thăm ông, còn ông gác trạm đến bảo với ông rằng hôm nay là sinh nhật của ông quận trưởng cảnh sát, nhưng ông ngủ say quá nên chúng tôi không muốn đánh thức ông dậy. -Có ai đến tìm tôi về việc bà Tơriukhina mất không? -Bà ấy mất ư, lẽ nào lại như vậy được? -Rõ là ngốc!Hôm qua chính chị chả giúp tôi lo liệu ma chay cho bà ta là gì? -Ông nói gì thế. Ông điên sao vậy hay say rượu từ hôm qua còn chưa tỉnh. Đám ma nào hôm qua? Suốt ngày hôm qua ông tiệc tùng bên nhà ông người Đức, lúc về thì say rượu ông lăn ra giường ngủ mãi đến giờ, quá cả buổi cầu kinh rồi đấy. -Thật thế chứ!-bác chủ hiệu quan tài vui mừng nói. -Thật chứ sao nữa!-chị đầy tớ đáp -Nếu vậy thì pha trà mau lên nào, rồi đi mời các cô lại nhé. Chú thích: (1) Hai thành phố của Maxcova ở cách xa nhau (2) Tay cầm cây đuốc chúc ngược xuống là tượng trưng cho cái chết (3) Puskin dẫn ra một tấm biển viết sai. Người viết kém chữ nghĩa, lẽ ra viết cho thuê và sửa chữa áo mũ và các đồ tang lễ khác thì lại viết cho thuê và sửa chữa cái cũ. Cố nhiên không ai cho thuê hoặc sữa chữa quan tài cũ. (4) Radơgulai: một quảng trường ở Maxcơva, gần phố Baxmannaia cũ. (5) Hội tam điểm: một tổ chức bí mật có tính chất xã hội và tôn giáo ra đời từ thế kỷ XVIII. Các hội viên gõ cửa như vậy để nhận nhau. Ở đây tác giả sử dụng với ý ngiã bông đùa. (6) Đám cưới bạc:lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành hôn. (7) Nhân vật trong truyện của Pôgôrenxki A., nhà văn Nga, tên thật là Pêrôpxki A.A(1787-1836) (8) 1812 (9) Maxcơva (10) Các vị khách hàng của chúng ta (tiếng Đức) Puskin( Đỗ Hồng Chung dịch )