Phà vẫn chưa sang. Hai ông cháu nằm trong cái bóng rợp từ bờ sông dốc đứng hắt xuống và im lặng nhìn mãi dòng nước đục ngầu của sông Kubăng đang chảy xiết dưới chân. Liônka thiu thiu ngủ, còn lão Arkhip thì ngực cứ đang tức âm ỉ không sao chợp đi được. Trên nền đất màu nâu hẫm, hai bóng dáng rách rưới và co ro chỉ nổi lên mờ mờ như hai mô đất thảm hại, một to một nhỏ, hai khuôn mặt phờ phạc, đen đủi và đầy bụi hoàn toàn ăn màu với những manh áo rách màu hung hung.
Cái thân hình xương xẩu dài thườn thượt của lão Arkhip nằm chắn ngang một dải cát hẹp chạy dọc ven bờ, giữa vách đất và dòng sông; thằng Liônka nằm ngủ thiu thiu bên sườn ông nó, người co quắp như con tôm. Liônka người nhỏ bé, mảnh khảnh: trong bộ quần áo rách tả tơi trông nó như một nhánh cây khô cong queo, bị gãy lìa ra khỏi thân cây là ông nó -một thân cây già cỗi khô héo đã bị dòng sông cuốn theo và tấp lên dải cát này.
Ông lão nằm chống khuỷu tay gối đầu, nhìn sang bờ bên kia tràn ngập ánh nắng và lác đác viền một dãy phong đại thưa thớt; sau mấy bụi cây thấp thoáng cái thành phà đen xỉn. Ở đấy trống trải và tẻ ngắt. Cái dải xam xám của con đường cái từ bờ sông đi sâu vào thảo nguyên; nó thẳng tắp, khô khan, trông như có một cái gì tàn nhẫn, gieo niềm ngán ngẩm vào lòng người.
Đôi mắt đục nhờ nhờ và chạy đầy những tia máu của ông già giữa đôi mi đỏ và sưng húp, luôn bứt rứt hấp háy, và khuôn mặt nhăn nheo đờ đẫn đi, biểu hiện một nỗi phiền muồn da diết. Ông lão thỉnh thoảng lại ho húng hắng như cố nín lại, rồi đưa mắt nhìn sang đứa cháu và lấy tay che miệng.Tiếng ho nghe khản đặc, và cơn ho tức tối ngột ngạt buộc ông già phải ngồi nhồm người lên khỏi mặt đất, và nặn từ hai mắt ông ra những giọt nước mắt lớn.
Ngoài tiếng ho của ông già và tiếng sóng khẽ rì rào trên cát, trên thảo nguyên không còn một âm thanh nào nữa…Thảo nguyên chạy dài hai bên bờ sông, rộng mênh mông một màu hung hung đỏ, cháy xém dưới ánh nắng, và mãi tít phía chân trời, nơi đôi mắt già nua chỉ trông thấy lờ mờ, mới có một biển lúa mì vàng óng, lộng lẫy đang gợn sóng nhấp nhô, và đến nơi ấy, vòm trời xanh chói đâm thẳng xuống đất. Trên nền trời nổi lên bóng dáng dong dong của ba cây phong xa xa; trông như thể lúc cao lên, lúc lại thấp xuống, và nền trời với biển lúa ở phía sau cũng như dao động, nâng lên hạ xuống không chừng. Rồi đột nhiên tất cả đều khuất đi sau cái màn óng ánh như bạc của hơi đất thảo nguyên.
Làn hơi ấy, di động từng luồng, sáng ngời và hư ảo, đôi khi từ chân trời tràn đến gần sát bờ sông, và những khi ấy bản thân nó cũng dường như là một dòng sông đâu từ trên trời đột nhiên chảy xuống -từ một khoảng trời cũng trong trẻo ca thanh bình như nó.
Lúc bấy giờ, ông lão Arkhip, vốn chưa quen với hiện tượng này, dụi mắt, và buồn rầu nghĩ rằng cái nóng thiêu đốt và cảnh thảo nguyên này đang cướp mất thị giác của mình, cũng như nó đã làm tiêu tan những tàn lực cuối cùng của đôi chân.
Hôm nay ông thấy trong người khó chịu hơn hết thảy mọi hôm trong thời gian gần đây. Ông cảm thấy mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, và tuy ông hoàn toàn dửng dưng trước cái chết đang đứng gần, không hề suy nghĩ lôi thôi, coi đó như một thứ sưu dịch không sao tránh khỏi, song ông cũng muốn chết xa nơi này, chết ở quê hương, và hơn nữa, nghĩ đến đứa cháu, ông lại thấy rối bời ruột gan. Rồi đây Liônka biết nương tựa vào ai?…
Ông lão tự hỏi câu này mỗi ngày đến mấy bận, và mỗi lần như thế trong lòng ông lại có cái gì thắt lại, lạnh buốt đi, và ông thấy chán ngán đến nỗi chỉ muốn trở về nhà, trở về xứ Nga ngay tức khắc…
Nhưng đường về Nga xa lắm…Đằng nào thì cũng chẳng về được đến nơi, sẽ chết rấp đâu ở dọc đường. Ở vùng Kubăng này, người ta rộng lòng bố thí, dân ở đây sống khá giả, tuy khó tính và hay ngạo nghễ. Họ không ưa bọn ăn mày, bởi vì họ giàu có…
Đôi mắt đẫm lệ của ông lão dừng lại trên đứa cháu, và ông thận trọng đưa bàn tay sần sùi vuốt lên tóc nó.
Thằng bé cựa mình và ngước đôi mắt màu xanh nhạt, to và sâu có cái vẻ đăm chiêu chẳng hợp với tuổi nó chút nào, và trông lại càng to trên khuôn mặt gầy gò và rõ với đôi môi mỏng nhợt nhạt và cái mũi nhọn hoắt.
- Phà sang hở ông? –nó hỏi, đoạn giơ tay lên che mắt, nó nhìn xuống dòng sông loang loáng ánh nắng.
- Chưa, chưa sang đâu cháu ạ. Nó vẫn đứng đấy. Nó sang đây làm gì kia chứ? Chẳng có ai gọi thì nó vẫn đứng đấy…-Ông lão Arkhip nói chầm chậm, tay vẫn vuốt tóc thằng bé- Cháu vừa ngủ đấy à?
Liônka quay quay cái đầu không rõ định gật hay lắc, rồi vươn vai trên cát. Hai ông cháu im lặng một lát.
- Giá biết bơi thì cháu tắm cái. –Liônka tuyên bố, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng sông- Sông chảy xiết ghê quá! Ở ta chẳng có sông nào thế này. Sao nó cứ cuồn cuộn lên thế ông nhỉ? Nó chạy nhanh như thể nó sợ chậm trễ việc gì…
Và Liônka quay mặt đi không nhìn dòng nước nữa, vẻ bất bình.
Ông già nghĩ một lát rồi nói:
- Thế này nhé, bây giờ ta nới thắt lưng ra, nối hai cái lại, ông sẽ buộc vào chân cháu, cháu cứ xuống mà tắm…
- Thế-ế-ế thì…-Liônka dài giọng ra, vẻ thạo đời- Ông nghĩ thế nào đấy nhỉ? Ông tưởng nó không kéo nổi chắc? Rồi đến chết đuối cả hai mất.
- Thật đấy! Nó kéo tuột đi mất. Chà, chảy xiết thật…Chắc mùa xuân nước lũ to lắm. Úi chà!…Cỏ ở đây tha hồ tốt! Cỏ sẽ mọc mênh mông!
Liônka đang lúc không muốn nói chuyện, nó không trả lời ông, bốc nắm đất sét khô, lấy tay nghiền nát thành bụi, vẻ mặt nghiêm nghị và đăm chiêu.
Ông lão nhìn cháu, nghĩ ngợi điều gì, đôi mắt nheo nheo lại.
- Đây nhé…-Liônka nói khẽ, giọng đều đều vừa nói vừa rây cho bụi rơi xuống- Bây giờ hòn đất này…Cháu cầm nó lên, xát nó ra, thế là thành bụi…chỉ còn những hạt nhỏ li ti, phải nhìn kỹ lắm mới trông thấy…
- Ừ, thế thì sao? –Ông lão Arkhip hỏi, rồi ho sù sụ, và qua làn nước mắt vừa úa ra, ông nhìn vào đôi mắt to, ráo hoảnh của thằng cháu đang sáng long lanh- Cháu nói thế là thế nào? –ông hỏi thêm khi cơn ho đã qua.
Thế đấy…-Liônka lúc lắc cái đầu- Là vì đất ở kia bao nhiêu! –Nó hất bàn tay chỉ sang bên kia sông- Trên mặt đất họ dựng bao nhiêu là nhà. Ông với cháu đã đi qua bao nhiêu là thành phố. Ghê thật! Mà đâu đâu cũng đầy những là người!
Rồi không nắm bắt được dòng tư duy của mình, Liônka lại im lặng ngẫm nghĩ và nhìn quanh quẩn bốn phía.
Người ông cũng im lặng một lát rồi ngồi sát lại cạnh cháu, âu yếm nói với nó:
- Cháu tôi không ngoan thật! Cháu nói đúng, tất cả chẳng qua chỉ là bụi, những thành phố, những con người, cả hai ông cháu ta cũng thế, toàn là bụi cả. Chao, Liônka, Liônka!... Cháu mà biết chữ nhỉ!…Cháu sẽ khá biết mấy nhưng rồi đây cháu sẽ ra sao?…
Ông lão ôm lấy đầu cháu áo vào ngực mà hôn.
- Khoan…-Liônka hơi linh hoạt lên một chút, vừa nói vừa né mái tóc vàng như chất lanh ra khỏi những ngón tay sù sì, run rẩy của ông- Ông bảo sao? Bụi à? Thành phố cũng thế, cái gì cũng thế à?
- Thì Chúa đã sắp đặt như thế, cháu ạ. Tất cả đều là bùn đất, mà đất tức là bụi. Và trên mặt đất, cái gì cũng có lúc chết…Thế đấy “cho nên con người ta phải sống vất vả và nhẫn nhục. Như ông đây cũng chẳng còn bao lâu nữa là chết –ông lão chuyển đề tài và buồn bã nói thêm- Không có ông rồi cháu biết đi đâu?
Liônka vẫn nghe ông nó hỏi câu này luôn, nó đã chán ngấy cái trò ngồi suy tính đến cái chết. Nó im lặng quay mặt đi, bứt một cây cỏ gà cho vào mồm và thong thả nhai.
Nhưng đối với ông lão thì đây là một vấn đề luôn ám ảnh ông.
- Sao cháu cứ im thin thít thế? Không có ông bên cạnh nữa, cháu sẽ làm thế nào? –ông cúi sát xuống đứa cháu hỏi khe khẽ, rồi lại ho sù sụ.
- Cháu đã nói rồi…-Liônka nói giọng lơ đãng và có ý bực mình, mắt nguýt ông.
Nó không thích những cuộc chuyện trò như thế này cũng tại vì nó thường kết thúc bằng một cuộc cãi vã. Ông nó thường nói rất dài dòng về cái chết sắp tới. Lúc đầu Liônka còn chăm chú nghe. Sợ hãi trước cái tình cảnh mới lạ sẽ đến với nó, Liônka đã khóc. Nhưng dần dần nó đâm chán và không nghe ông nói nữa, quay ra nghĩ chuyện khác, và thấy thế, ông nó nổi giận, phàn nàn là nó không thương ông, không biết quý những nỗi lo âu của ông, và cuối cùng trách Liônka mong cho ông chóng chết cho rảnh.
- Sao cháu nói rồi à? Cháu còn dại lắm, cháu không hiểu đời là thế nào đâu. Cháu được mấy tuổi nào? Mới mười một tuổi thôi. Lại mảnh khảnh thế kia, chẳng làm lụng gì được. Cháu biết đi đâu? Cháu tưởng sẽ có những người tốt họ giúp cháu? Nếu cháu có tiền ấy, thì họ sẽ giúp cháu tiêu, thế đấy. Còn đi xin thì ông đây, già cả thế này, cũng chẳng sung sướng gì. Bạ ai cũng phải cúi chào, van xin. Rồi người ta lại chửi mắng, có khi lại đánh đập nữa, người ta xua đuổi…Cháu tưởng họ coi kẻ ăn xin là con người chắc? Không bao giờ! Ông đã đi ăn mày mười năm nay, ông biết. Mỗi miếng bánh mì bố thí họ đánh giá đến nghìn đồng. Cho một cái là đã nghĩ ngay rằng cửa thiên đường đang mở rộng đón mình! Cháu có biết họ bố thí để làm gì không? Để cho cái lương tâm nó đỡ cắn rứt; để thấy đấy, anh bạn ạ, chứ không phải vì thương người đâu! Dúi cho nó một miếng, ấy là để bản thân mình ăn cho khỏi xấu hổ. Kẻ no đủ là một con thú.Và không bao giờ hắn biết thương kẻ đói nghèo. Kẻ nó người đói vốn là hai kẻ thù, và suốt đời họ là cái gai trước mắt. Cho nên họ không thể nào thương nhau, hiểu nhau được.
Tủi giận và lo phiền đã làm cho ông lão hoạt bát hẳn lên. Một ông lão rung rung, đôi mắt già nua mờ đục đảo lia lịa giữa đôi mi đỏ, và những nếp nhăn trên khuôn mặt đen xạm sâu hẳn xuống.
Liônka không thích những lúc ông nó như thế và thấy lo sợ một điều gì không rõ.
- Cho nên ông mới hỏi, cháu sẽ làm gì trong cuộc đời này. Cháu ốm yếu thế kia mà cuộc đời thì như con thú dữ. Nó sẽ ăn thịt cháu ngay thôi. Mà ông thì không muốn thế…ông thương cháu lắm, bé ạ!…Ông chỉ còn mỗi mình cháu và cháu cũng chỉ còn mỗi mình ông…Ông làm sao mà đành tâm nhắm mắt được? Ông không thể bỏ cháu lại một mình mà chết được…Bỏ cháu cho ai?…Lạy Chúa!…vì đâu Chúa không rủ lòng thương hại kẻ bầy tôi của Chúa? Sống cũng không nổi, mà chết cũng chẳng đành, vì còn phải che chở cho thằng cháu nhỏ. Đôi cánh tay già này đã bồng bế nó suốt bảy năm nay…Lạy chúa, xin Chúa cứu giúp con!…
Ông lão ngồi xuống và khóc òa lên, đầu gục xuống hai đầu gối run rẩy.
Con sông vội vã trôi về phía xa, sóng vỗ vào bờ rì rào như muốn dùng âm thanh đó át những tiếng nấc của ông già. Bầu trời không gợn bóng mây mỉm một nụ cười rực rỡ, rơi xuống một hơi nóng thiêu đốt, bình thản lắng nghe những đợt sông đục vỗ vào bờ.
- Thôi, ông đừng khóc nữa ông ạ, -mắt nhìn đi nơi khác, Liônka nói giọng nghiêm nghị, rồi ngoảnh mặt về phía ông, nó nói thêm:- Ông với cháu đã bàn hết mọi chuyện còn gì. Cháu sẽ có cách. Cháu sẽ vào làm cho một quán hàng nào đấy.
- Họ sẽ đánh đập cháu đến chết mất –ông lão rên rỉ qua nước mắt.
- Cũng có thể họ chẳng đánh đập gì đâu. Mà họ chẳng đánh đập được cháu đâu! –Liônka quát lên, vẻ bướng bỉnh- thế thì sao nào? Cháu không chịu để cho bạ ai muốn đánh đập gì cũng được đâu!
Nhưng đến đây chẳng hiểu tại sao Liônka im bặt một lát, rồi nói khe khẽ:
- Không thì cháu vào nhà tu…
- Vào nhà tu được thì còn nói gì! –Ông lão thở dài, gương mặt hoạt bát lên, rồi lại lên cơn ho tức co rúm cả người người lại.
Phía trên đầu hai ông cháu có tiếng quát tháo và tiếng bánh xe cót két.
- Phà-à-à đâu cho sang với nà-à-ào! - một cái họng lực lưỡng nào đấy làm rung chuyển không khí.
Cả hai ông cháu vớ bị gậy đứng phắt dậy.
Một chiếc xe giàn bốn bánh đang đi xuống bờ cát, bánh xe kêu cót két nhức cả tai. Đứng trên xe là một người cô-dắc đôi chiếc mũ lông xù lệch hẳn sang một bên tai, đầu hất ra phía sau, đang há to mồm lấy hơi để gọi nữa, thành thử bọ ngực rộng và nở nang ưỡn hẳn ra phía trước. Hàm răng trắng bóng lấp lánh trong cái khung lụa của bộ râu đen mọc từ đôi mắt ran tia máu trở xuống. Sau chiếc áo sơ mi phanh ngực và chiếc áo ngoài khoác hở trên vai có thể trông thấy cái thân hình lông lá và rám nắng của hắn. Và từ cả cái bóng dáng to lớn chắc nịch của hắn cũng như từ con ngựa lang béo tốt và cũng to lớn lạ kỳ, từ bốn chiếc bánh xe cao nẹp vành sắt dày, đều toát ra một cảm giác no đủ, lực lưỡng, khỏe khoắn.
- Ê, ê! Phà-à-à!
Hai ông cháu cất mũ cúi rạp xuống chào.
- Chào các người! -người mới đến nói oang oang, đoạn nhìn sang bờ bên kia, nơi cái phà đang chậm chạp và vụng về ngoi ra từ đám bụi lau, rồi bắt đầu chăm chú ngắm hai người ăn xin- Ở Nga sang phải không?
- Thưa ngài vâng ạ! -Ông lão Arkhip nghiêng mình đáp.
- Ở bên ấy đói lắm phải không?
Hắn nhảy xuống xe và bắt đầu nắm riết cái gì trong bộ dây thắng.
- Đến gián cũng chết đói.
- Hơ hơ! Cả gián cũng chết đói à? Thế tức là chẳng còn lại mẩu bánh vụn nào, các người chén sạch hết chứ gì? Ăn thì tài lắm. Nhưng làm thì chắc chẳng ra gì. Vì làm ra trò thì đói thế nào được.
- Thưa ông, đây cái chính là tại đất ạ. Đất nó không sinh sản được nữa. Chúng tôi hút hết màu mỡ rồi.
- Đất à? -người cô-dắc lắc đầu- Đất bao giờ cũng phải sinh sản chứ. Trời sinh ra đất là để sản sinh cho người ăn. Đừng có nói là tại đất, đây là tại hai cánh tay đấy. Tay tồi quá. Phải tay khá thì đá cũng mọc màu.
Phà cập bến.
Hai người côdăc khỏe mạnh, mặt đỏ ửng, đôi chân vạm vỡ tân vững trên sàn phà, chống mạnh phà vào bờ đánh sầm một tiếng. Phà va mạnh khiến họ lảo đảo. Họ ném dây thừng lên buộc phà, rồi nhìn nhau thở dốc ra.
- Nóng nhỉ? -người mới đến chạm tay lên mũ hỏi, miệng tươi cười để lộ hàng răng trắng.
- Ồ! -một trong hai người đưa phà đáp, hai tay thọc sâu vào túi quần, rồi đến cạnh chiếc xe giàn nhìn vào xe và nghếch mũi lên hít rõ mạnh.
Người kia ngồi bệt xuống sàn, vừa hấm hứ trong mồm vừa cởi ủng.
Hai ông cháu Liônka xuống phà và dựa người vào thành phà nhìn mấy người cô-dắc
- Nào, cho sang thôi! -người có chiếc xe giàn ra lệnh.
- Thế trong xe không có món gì uống à? -người lúc nãy đến xem xét chiếc xe hỏi. Bạn hắn đã cởi xong một chiếc ủng, đang nheo mắt dòm vào trong ống.
- Chả có món gì đâu. Sao, sông Kubăng thiếu gì nước?
- Nước thì…ai nói chuyện nước?
-Thế thì chất cay hả? Đây không chở chât cay.
- Sao bác không mang theo một ít? -Hắn hỏi, vẻ nghĩ ngợi, mắt nhìn xuống sàn phà.
- Nào thôi, cho sang đi chứ?
Người cô-dắc nhổ nước bọt vào tay và cầm lấy dây chão. Người có chiếc xe giàn cũng đến giúp một tay.
- Thế còn ông lão, ông không đỡ hộ tí à? -Người chở phà đang loay hoay với chiếc ủng quay sang bảo Arkhip.
- Tôi thì sao nổi hở anh? –ông lão lắc đầu, nói giọng thê thảm.
- Mà cũng chẳng cần. Họ thừa sức kéo.
Và như để thuyết phục cho ông lão thấy rõ lời mình mới nói là đúng, hắn nặng nề buông phịch người xuống và nằm dài ra sàn phà.
Bạn hắn uể oải chửi hắn một câu, rồi không thấy hắn trả lời gì, bắt đầu giẫm chân bước ầm ầm trên sàn, lấy sức đẩy phà đi.
Chiếc phà rung chuyển, lắc lư và từ từ lướt trên dòng nước. Sóng vỗ vào mạn phà khe khẽ róc rách.
Nhìn xuống nước, Liônka thấy chóng mặt một cách dễ chịu, và đôi mắt mỏi vì nhìn mãi luồng nước trôi nhanh, cứ buồn ngủ ríu lại. Tiếng thì thầm khe khẽ của ông nó, tiếng dây chão kêu kĩu kịt và tiếng nước róc rách ru nó; nó muốn gục xuống thành phà mà ngủ, nhưng bỗng có cái gì giật mạnh làm nó ngã xuống.
Nó giương to mắt nhìn quanh. Hai người cô-dắc đang buộc phà vào một gốc cây bị cháy cụt trên bờ, nhìn nó cười ha hả.
- Sao, ngủ gật à? Thằng này yếu lắm. Ngồi lên xe tao đưa đến làng. Cả ông nữa, ngồi lên đi ông lão.
Ông lão lấy giọng mũi cảm ơn người cô-dắc, rồi vừa rên hừ hự vừa leo lên xe. Liônka cũng nhảy lên, và chiếc xe chuyển bánh trong một đám bụi đen và mịn khiến cho ông lão ho đến nghẹt thở.
Người cô-dắc cất tiếng hát. Bài hát có những âm thanh kỳ dị, những tiếng bị ngắt ở giữa chừng và kết thúc bằng một tiếng huýt. Nghe có cảm giác như người hát tháo các âm thanh ra từ một cái guồng như tháo chỉ và mỗi khi gặp phải gút lại giật đứt luôn.
Bánh xe kêu kút kít, nghe thê thảm, bụi quay cuồng từng đám, ông lão gục mái đầu ho liên tiếp, còn Liônka thì nghĩ đến chuyện chốc nữa vào làng lại phải đứng dưới các cửa sổ cất cái giọng mũi nghêu ngao: “Lạy Chúa Giê-su cơ đốc…”…Rồi bọn trẻ trong làng lại trêu nó, rồi mấy mụ đàn bà lại hỏi han đến là lôi thôi về chuyện ở Nga. Những lúc như vậy nhìn ông nó cũng chán lắm: ông nó ho dữ hơn, người còng thấp hơn, làm cho chính Liônka cũng thấy đau và khó chịu, và ông nó nói bằng một giọng thật là thê thảm, chốc chốc lại sụt sịt khóc, kể lể những chuyện chưa bao giờ xảy ra ở đâu cả…Ông nó bảo là ở Nga người chết đói lăn lóc ở các ngã đường mà chẳng ai nhặt xác đem chôn, vì ai cũng đói lả ra…Thật ra hai ông cháu chưa hề gặp cảnh ấy ở đâu bao giờ. Chẳng qua nói như thế là để họ cho nhiều hơn. Nhưng ở đây thì của bố thí biết nhét vào đâu? Ở bên phía quê còn có thể đem bán lúa mì xin được, mỗi pút bốn mươi cô-pếch hay nửa rúp là đằng khác chứ ở đây thì ai người ta mua cho? Đã nhiều khi phải đem những miếng rất ngon xin được bỏ trong bị vứt ra đồng.
- Hai ông cháu định vào xin ở cái làng này chứ? -người cô-dắc vừa hỏi vừa nhìn qua vai hai cái bóng dáng co to ngồi sau xe.
- Đành phải thế thôi ông ạ! –ông lão Arkhip thở dài đáp.
- Ông đứng lên tôi chỉ chỗ tôi ở cho mà vào ngủ lại.
Ông lão cố đứng dậy nhưng lại khuỵu xuống, sườn va vào thành xe. Ông khẽ rên lên một tiếng.
- Chao ôi, già khom rom thế kia thì…-người cô-dắc lẩm bẩm có ý thương hại- Thôi không cần, hễ đến lúc cần tìm chỗ ngủ lại thì ông cứ hỏi Tsorny, Anđrây Tsorny, tức là tôi ấy. Bây giờ thì ông cháu xuống đi. Chào nhé!
Hai ông cháu đang đứng trước một lùm cây bạch dương và phong dương thấp thoáng sau các hàng dậu, và ở khắp nơi, bên trái cũng như bên phải, đều có những lùm cây tương tự mọc vút lên cao. Những khóm lá xanh đều phủ một lớp bụi xám, và trên những thân cây mập mạp và thẳng tắp vỏ cây cứ nứt ra từng mảng mỏng vì nóng.
Thẳng tắp trước mặt hai ông cháu, giữa hai dãy hàng rào đan, chạy dài một lối đi hẹp. Họ bèn đi vào lối đó, với dáng đi thất thểu của những người đã đi bộ quá nhiều.
- Bây giờ ta đi thế nào Liônka nhỉ, cùng đi, hay mỗi người một ngả?- ông lão hỏi, và không đợi câu trả lời, ông lại nói thêm- cùng đi có lẽ hay hơn, cháu thì chả biết xin, họ cho ít lắm…
- Thì xin nhiều làm gì? Đằng nào cũng có ăn được hết đâu mà…-Liônka đáp, giọng càu nhàu, mắt lơ đãng nhìn quanh.
- Xin làm gì à? Thằng này gàn thật!…Nhỡ có người mua thì sao? Còn để làm gì nữa! …Để có tiền. Mà tiền thì to chuyện đấy cháu ạ; có tiền thì đến khi ông chết cháu chẳng đến nỗi nào.
Rồi ông lão cười âu yếm vuốt tóc cháu.
- Cháu có biết dọc đường ông để dành lại bao nhiêu không hả?
- Bao nhiêu? –Liônka thờ ơ hỏi.
- Mười một rúp rưỡi!…Cháu thấy chưa?
Nhưng món tiền cũng như cái giọng hân hoan của ông lão chẳng gây được ấn tượng gì đáng kể trong tâm trí Liônka.
- Chao! Thằng bé này! Ông lão thở dài- Thôi thế ta đi riêng vậy nhé?
- Đi riêng?
- Ừ…xong đến chỗ nhà thờ chờ ông nhé?
- Vâng.
Ông lão rẽ sang một cái ngõ ở bên trái, còn Liônka đi thẳng. Đi được mươi bước nó đã nghe tiếng kêu rên của ông nó: “Lạy ông lạy bà đi qua đi lại…”. Tiếng kêu run rẩy, lạc điệu, nghe như thể có ai lấy bàn tay cào lên một phía đàn ghzti lên sai dây, chạm từ sợi to nhất đến sợi mảnh nhất. Liônka giật mình và rảo bước thêm. Bao giờ cũng vậy, hễ nghe tiếng ông nó xin là nó có cảm giác buồn buồn, khó chịu thế nào ấy, và những khi người ta không cho, thậm chí nó lại còn lặng người đi, chỉ lo ông nó khóc òa lên.
Bên tai nó còn văng vẳng những cung bậc run rẩy thảm hại của giọng ông nó đang van xin, hòa tan trong bầu không khí nóng nực và uể oải trùm lên xóm làng cô-dắc. Xung quanh im phăng phắc như thể đêm khuya. Liônka đến cạnh một dãy hàng rào và ngồi xuống dưới bóng rợp của một cây anh đào cành lá tỏa rộng ra đến ngoài đường. Đâu đây có tiếng của một con ong hay vù vù…
Bỏ cái bị trên vai xuống, Liônka gối đầu lên đấy và nhìn một lát trên trời qua đám lá rồi ngủ thiếp đi, được những bụi cây rậm mát và bóng của dãy hàng rào đan mắt cáo che khỏi mặt người qua đường.
Nó bừng tỉnh vì những âm thanh kỳ lạ rung lên trong bầu không khí đã dần đàn mát dịu của buổi chiều tà. Có ai đang khóc cách nó không xa. Đây là một tiếng khóc của trẻ con, lì lợm dai dẳng. Những tiếng nức nở tắt dần ở một cung bậc tỉ tê, ảm đạm, rồi lại cất cao lên, to rống lên, mỗi lúc một gần. Nó ngẩng đầu lên và nhìn ra đường qua đám bụi cây.
Trên đường có một đứa con gái đang đi lại, khoảng chừng lên bảy, ăn mặc sạch sẽ, mặt đỏ ửng vì sưng húp lên vì khóc, chốc chốc lại lấy vạt váy trắng lau nước mắt. Nó bước đi chầm chậm, đôi chân không giầy kéo lê trên mặt đường tung lên một lớp bụi dày đặc. Rõ ràng là nó không biết nó đang đi đâu, và để làm gì. Đôi mắt to và đen của nó lúc bấy giờ ướt nhòe nước mắt, trông buồn rầu và giận dỗi, đôi tai nhỏ, mỏng và hồng nhô ra một cách láu lỉnh từ những mái tóc xoăn màu hạt dẻ rũ xuống lòa xòa trên trán, trên má và trên vai nó…
Liônka thấy con bé rất ngộ nghĩnh: tuy nó đang khóc, trông nó vẫn buồn cười và rất vui vẻ…Chắc cũng là một tay nghịch ngợm chẳng vừa!…
- Sao mày khóc thế? –Nó vừa đứng dậy vừa hỏi khi con bé đến ngang tầm.
Con bé giật mình dừng lại và lập tức im tiếng khóc, tuy vẫn còn thút thít khe khẽ. Nhưng rồi sau khi nhìn rõ Liônka vài giây, môi nó lại run lên, mặt nó lại mếu máo, ngực nó phập phồng và nó lại vừa khóc rất to vừa bỏ đi.
Liônka cảm thấy trong lòng có cái gì thắt lại, và đột nhiên nó cũng đi theo con bé.
- Thôi đừng khóc nữa. Nhớn rồi còn gì, xấu lắm! –chưa đuổi kịp con bé nó đã lên tiếng, và đến khi đi ngang hàng với con bé, nó nhìn vào mặt con bé và lại hỏi: -Sao, tại sao mày lại khóc hu hu lên thế?
- Phả-ả-ải –con bé nhè giọng ra- Mày thì biết gì? -rồi bỗng ngồi sụp xuống đường giơ hai tay bưng mặt và khóc thét lên.
- Dề! –Liônka khoát tay tỏ ý khinh bỉ- Đồ đàn bà. Đúng là đồ đàn bà. Mày thật!...
Nhưng điều đó chẳng giúp gì được cho ai, Liônka nhìn những giọt nước mắt nối đuôi nhau chảy qua mấy ngón tay thon nhỏ, hồng hào của con bé và cũng thấy buồn, cũng muốn khóc. Nó cúi xuống con bé, thận trọng giơ tay lên khẽ chạm vào tóc nó, nhưng lại lập tức sợ hãi vì thấy mình bạo quá, và rụt tay lại. Con bé vẫn khóc và không nói gì.
- Này!…Liônka im lặng một lát rồi nói, lòng không sao cưỡng nổi ý thiết tha muốn giúp đỡ con bé – Sao mày khóc thế hả? Bị đánh phải không? Rồi sẽ qua thôi!…Hay có chuyện gì khác? Nói đi! Em bé bói đi nào!
Con bé, hai tay vẫn bưng lấy mặt, buồn bã lắc lư cái đầu, rồi cuối cùng qua những tiếng nấc, nó chậm rãi trả lời Liônka, đôi vai rung rung lên từng đợt.
- Cái khăn…đánh mất rồi!…Bố tớ đi chợ mua về…khăn màu xanh da trời có hoa, tớ trùm xong đánh rơi mất –nói đoạn nó lại òa khóc to hơn trước, mũi xụt xịt, miệng phát ra những tiếng “ố, ố, ố” nghe rất lạ.
Liônka cảm thấy mình bất lực, không có cách gì giúp nó, bèn rụt rè ra một quãng và buồn rầu đưa mắt nhìn lên bầu trời đang tối dần, vẻ trầm ngâm. Nó thấy phiền lòng và rất thương cho con bé.
- Thôi đừng khóc nữa!…Có lẽ rồi sẽ tìm thấy thôi…-nó khẽ thì thầm, nhưng nhận thấy con bé không nghe những lời an ủi của nó, nó lại lùi xa hơn nữa, nghĩ rằng con bé thế nào cũng sẽ bị bố cho một trận nên thân vì cái tội đánh mất khăn này. Và nó lập tức tưởng tượng ra cái ông bố đó, một ông cô-dắc to lớn, râu tóc đen thui, đang đánh con bé, còn con bé thì khóc sặc sụa, người rung lên vì đau và sợ, đang vật vã dưới chân bố…
Nó đứng dậy bỏ đi, nhưng được dăm bước nó lại quay phắt trở lại đứng bên con bé, nép người vào dãy rào và cố nhớ ra một câu nói gì thật ôn tồn, âu yếm…
Nó bắt đầu nói mấy câu này khe khẽ, giọng khích lệ nhiệt thành, và rất mừng khi thấy con bé đứng dậy.
- Đấy, có thế chứ!…-Nó mỉm cười hăng hái nói tiếp- cứ thế mà đi về nhé. Có muốn tớ đi theo về, kể đầu đuôi cho ở nhà nghe không? Tớ sẽ bênh cho, đừng sợ!
Và Liônka kiêu hãnh so đôi vai, đưa mắt nhìn quanh.
- Thôi đừng!…-con bé vừa thì thầm, vừa thong thả phủi bụi trên áo. Nó vẫn còn nấc.
- Tớ đi với nhé? –Liônka nói to, vẻ hoàn toàn sẵn sàng, và kéo chiếc mũ lưỡi trai lệch xuống mang tai.
Bây giờ nó đang đứng trước mặt con bé, hai chân chạng ra, khiến cho những mảnh giẻ rách trên người nó xù ra, trông như thể có một cái gì rất ngang tàng. Nó lấy gậy gõ xuống đất một cách cương quyết và nhìn đăm đăm vào con bé, đôi mắt lo và buồn ánh lên một cảm xúc tự hào và quả cảm.
Con bé gườm gườm nhìn Liônka, lấy tay quệt nước mắt trên mặt, rồi lại thở dài nói:
- Thôi đừng đi!…Mẹ tớ không thích ăn mày đâu.
Đoạn nó bỏ đi, dọc đường có quay lại nhìn hai lần.
Liônka thấy chán quá. Bằng những động tác rất chậm, nó dần dần thay đổi cái tư thế quả quyết đầy vẻ thách thức của nó ban nãy, người lại co ro lù gù, và vác cái bị vẫn xách trên tay lên vai, nó gọi với theo khi con bé đã khuất sau đoạn đường rẽ ngoặt:
- Thôi về nhé!
Con bé vừa đi vừa quay lại nhìn, rồi đi mất hút.
Chiều đang xuống dần và trong không khí lơ lửng cái cảm giác ngột ngạt nặng nề thường báo trước một cơn dông. Mặt trời đã xế bóng, và ngọn những cây phong nhuộm một màu hồng phơn phớn. Nhưng do những bóng sẫm của buổi chiều phủ trên lá cành những cây phong im lìm trông như có vẻ rậm hơn và cao hơn. Bầu trời cũng đã sẫm màu lại, nha làm bằng nhung, và trông như đã hạ thấp xuống gần mặt đất hơn. Xa xa có tiếng người nói xôn xao, và xa hơn nữa, ở phía bên kia lại có tiếng hát. Những âm thanh ấy, khẽ nhưng tròn trịa, dường như cũng thấm đượm một cái gì ngột ngạt.
Liônka càng thấy buồn chán hơn, và có cái cảm giác lo sợ mơ hồ. Nó muốn đi tìm ông nó, nó nhìn quanh một lát rồi rảo bước đi trên ngõ hẹp. Nó không muốn đi xin. Nó có cảm giác tim nó đập mau, rất mau trong lồng ngực, và không hiểu sao nó thấy đặc biệt ngại đi, ngại suy nghĩ. Nhưng hình ảnh con bé vẫn lởn vởn trong tâm trí nó, nó cứ nghĩ bụng: “Bây giờ con bé ra sao? Nếu là con nhà giàu thì nó sẽ bị đánh: bọn nhà giàu làm điều ác cả; nhưng nếu nó là con nhà nghèo thì có lẽ không sao…Nhà nghèo quý trẻ con hơn, vì còn mong chúng làm đỡ cho…” Hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác lần lượt diễn ra trong trí nó, và cái cảm giác buồn nhớ da diết, ê ẩm, như một cái bóng dõi theo những ý nghĩ của nó mỗi lúc một nặng nề hơn khống chế nó một cách tàn nhẫn hơn.
Và bóng hoàng hôn cũng mỗi lúc một thêm dày đặc và ngột ngạt. Có mấy người cô-dắc, đàn ông có, đàn bà có, đi về phía Liônka. Họ đi ngang, không chú ý gì đến nó, vì đã quen những đợt người đói rách ở bên Nga kéo sang.Nó cũng thờ ơ đưa đôi mắt đờ đẫn nhìn những bóng đáng to béo, no đủ của họ và bước nhanh về phía nhà thờ, cây thập tự trên tháp chuông đang lấp lánh sau lùm cây trước mặt nó.
Có tiếng xôn xao của một đàn gia súc đi ăn về từ phía trước vẳng lại.Và đây là ngôi nhà thờ, thấp và rộng, có năm chóp sơn màu xanh nhạt, xung quanh trồng một vòng cây phong, ngọn cao hơn cả mấy cây thập tự trên các chóp đang phản chiếu ánh tà dương, sáng lấp lánh moọt màu vàng diệp phơn phớt hồng qua đám lá xanh.
Và đây, ông nó đang đi về phía nhà thờ, lưng còng xuống dưới sức nặng của cái bị, tay giơ lên che trán nhớn nhác nhìn quanh.
Phía sau ông nó có một người cô-dắc đội mũ sùm sụp che cả trán, chống chiếc gậy bước nặng nề từng bước dài.
- Sao, về bị không hả? –ông lão hỏi trong khi bước về phía thằng cháu đã dừng lại đợi ông bên hàng rào nhà thờ- Còn ông thì xem đây này, vô khối! -Đoạn ông lão vừa rên hừ hừ vừa bỏ cái bị vải thô đầy ăm ắp xuống. Chà, ở đây họ cho hậu lắm! Bở thật cơ!…Ấy, sao trông cháu phụng phịu thế kia?
- Cháu đau đầu…-Liônka vừa đáp khẽ vừa buông mình ngồi xuống cạnh ông.
- Sao?…Mệt hả…Kiệt sức rồi sao?…Ta sẽ đi kiếm chỗ nghỉ đêm ngay bây giờ. Cái ông cô-dắc ban chiều tên là gì ấy nhỉ?
- Anđrây Tsorny.
- Ta cứ thế mà hỏi thăm: đây có nhà ông Anđrây Tsorny ở chỗ nào ấy nhỉ? Có người đang đi lại đây kia kìa…Đúng…dân ở đây tốt thật, họ no đủ lắm! Mà toàn là bánh bột mì trắng. Xin chào ông ạ!
Người cô-dắc đến sát hai ông cháu và chậm rãi buông một tiếng “Chào!” đáp lại lời chào của ông lão.
Rồi hai chân đứng chạng ra, người ấy chằm chằm nhìn hai ông cháu ăn mày bằng đôi mắt to không hề biểu lộ một cảm xúc nào hết, và im lặng đứng gãi.
Liônka tò mò nhìn hắn, ông lão nhấp nháy đôi mắt già nua như muốn dò hỏi, nhưng người cô-dắc vẫn im lặng, rồi cuối cùng, hắn thè lưỡi ra đếm một nửa, lấy đầu lưỡi cố với cho được cái đầu ria mép. Sau khi đã hoàn thành cái kỳ công này, hắn lại dùng lưỡi lôi đầu ria mép vào mồm, nhai nhai một lát, rồi lại dùng lưỡi đẩy đầu ria mép ra và cuối cùng chấm dứt sự im lặng đã trở nên nặng nề, uể oải buông mấy tiếng:
- Thôi, ta đi về đồn đi!
- Sao lại thế? –ông lão giật mình.
Liônka cảm thấy có cái gì run bắn lên trong người.
- Phải về…Có lệnh. Thôi, đi!
Hắn quay lưng trở lại và toan bỏ đi, nhưng khi ngoảnh lại thấy cả hai ông cháu đều không nhúc nhích, hắn lại nói, nhưng lần này nói to như quát và giọng giận dữ:
- Còn đợi cái gì nữa hả?
Lúc bấy giờ hai ông cháu mới hấp tấp đi theo hắn.
Liônka chăm chăm nhìn ông. Thấy hai môi ông nó rung rung, cái đầu giật giật, hai mắt sợ sệt đảo quanh và nhanh nhẹn cho tay vào bụng sờ sờ cái gì trong áo. Liônka linh cảm thấy ống nó đã lại làm chuyện gì bậy bạ như hồi nào ở Taman. Liônka hồi tưởng cái vụ Taman mà bủn rủn cả người. Hồi ấy ông nó vào sân nhà người ra lấy cắp mấy thứ quần áo lót và bị người ta bắt được, trong người còn mang các thứ đó. Người ta chế giễu, chửi bới, đánh đập cho nữa, và cuối cùng đang đêm họ đuổi thẳng ra khỏi làng. Hai ông cháu nghỉ đêm đầu trên một bãi cát ở bở eo biển, và suốt đêm hôm ấy biển động gầm gừ như dọa nạt…Cát kêu lên ken két dưới những lớp sóng dồn…ông nó suốt đêm rên rỉ và thầm thì cầu nguyện Chúa, tự xỉ vả là đồ trộm cắp, và xin Chúa tha tội cho.
- Liônka…
Liônka giật mình vì một cái huých nhẹ vào sườn và ngước mặt nhìn ông. Mặt ông nó dài thuỗn ra, khô đét, xám xịt và cứ run bần bật.
Người cô-dắc đi trước khoảng năm bước, hút tẩu thuốc, luôn tay lấy cái cây gậy quất đứt đầu những ngọn ngưu bàng ở bên đường và không hề ngoảnh lại nhìn.
- Này, cầm lấy cái này!…Ném vào bụi…mà phải nhớ chỗ đấy…sau còn quay lại tìm…-ông lão thì thầm rất khẽ vừa đủ nghe và vừa đi vừa nhích sát vào thằng cháu, dúi vào tay nó một cái gì bằng vải vo tròn lại.
Liônka tránh ra, nó run bắn lên vì sợ, người lạnh toát đi và nhích sát dãy rào bên cạnh dưới đường nơi bụi bờ mọc rậm rạp. Hai mắt dán chặt vào lưng người cô-dắc đi áp giải, nó đưa tay về phía vệ đường, nhìn cuộn vải một cái rồi ném nó vào bụi rậm.
Cái cuộn vải rơi xuống mở tung ra, và trong khoảnh khắc, Liônka thoáng thấy cái khăn trùm hoa màu xanh da trời, rồi hình ảnh này lập tức nhường chỗ cho bóng dáng con bé vừa đi vừa khóc hồi nãy. Nó hiện ra trước mắt Liônka như người thật, che mờ cả người cô-dắc, cả ông nó lẫn mọi vật xung quanh. Những tiếng nức nở của con bé lại vang lên rõ mồn một bên tai Liônka, và nó ngỡ chừng như trước mặt nó những giọt nước mắt trong vắt của con bé đang thi nhau rơi xuống đất.
Trong cái trạng thái gần như mê đó, nó theo sau ông nó vào đồn gác, nó nghe những tiếng xì xồ mà nó không thể và không muốn phân biệt ra là tiếng của ai, đang nói gì; như qua một màn sương mù, nó trong thấy những mẩu bánh mì và thức ăn trong bị ông nó đổ ra chiếc bàn lớn, chạm vào mặt bàn kêu lịch bịch…Rồi có những cái đầu đội mũ chụp cao cúi trên những mẩu thức ăn ấy; đầu và mũ đều có vẻ cau có, lầm lì, và qua lớp sương mù bao phủ xung quanh, nó gật gù, lắc lư như đe dọa một điều gì khủng khiếp…Rồi bỗng dưng ông nó giọng khàn khàn lẩm bẩm cái gì không rõ, quay tít đi như con quay trong hai gã cô-dắc lực lưỡng.
- Oan cho tôi lắm, bà con chính giáo ạ!…Quả tôi oan, có đức Chúa trời chứng giám ạ!…Ông nó kêu thét lên.
Liônka khóc òa và ngồi sụp xuống sàn.
Thế là họ lại quay sang nó. Họ xách nó lên, đặt nó ngồi vào chiếc ghế dài đặt sát vách và lục lọi khắp những tấm giẻ rách mặc trên tấm thân nhỏ bé gầy gò của nó.
- Cái mụ Đamilovna lại nói nhảm chứ gì! –có ai quát lên, cái giọng ồ ồ gắt gỏng như tát vào tai Liônka.
- Nhỡ chúng nó giấu ở chỗ khác thì sao? –có người quát lại giọng còn to hơn nữa.
Liônka có cảm giác như tất cả những âm thanh ấy đánh tới tấp vào đầu nó, nó sợ quá ngất đi, tưởng chừng như lao xuống một cái vực đen ngòm không đáy.
Khi nó tỉnh dậy, đầu nó đặt trên đùi ông nó, thảm hại và nhăn nheo hơn bao giờ hết, và từ đôi mắt hấp ha hấp háy một cách sợ sệt của ông nó nhỏ xuống trán nó những giọt nước mắt nho nhỏ đùng đục lăn qua má nó, tuôn xuống cổ nó, gây một cảm giác buồn buồn…
- Tỉnh chưa cháu? Ta đi khỏi nơi này thôi. Ta đi đi, chúng nó thả cho đi rồi, cái quân đáng nguyền rủa ấy!
Liônka nhỏm dậy. Nó có cảm giác như có ai đã đổ một chất chì rất nặng vào đầu nó và cái đầu chỉ chực rời cổ rụng xuống…Nó giơ hai tay lên ôm lấy đầu và lảo đảo hết xiêu sang bên này lại chúi sang bên nọ, mồm rên khe khẽ.
- Đau đầu lắm hả cháu? Cháu yêu của ông!…Chúng nó hành hạ ông cháu mình đến tàn tệ…Đồ thú vật! Đấy cháu xem, có ai đánh mất một con dao găm, với lại con bé đánh mất một chiếc khăn trùm, ấy thế là chúng nó đổ lên đầu ông cháu mình!…Ôi, lạy Chúa!…Chúng con có tội tình gì mà phải chịu trừng phạt như vậy?
Cái giọng rè rè của ông lão như cứa vào Liônka, và nó có cảm giác như trong người nó đang nhóm lên một tia lửa rát bỏng khiến nó phải tránh xa ông nó. Nó dịch ra và đưa mắt nhìn quanh.
Hai ông cháu đang ngồi ở lối vào làng, dưới bóng tối dày đặc của một cây đà dương xù xì. Đêm đã xuống, trời sáng trăng, và ánh trăng màu sữa long lanh tia bạc tràn ngập cánh thảo nguyên bằng phẳng, dường như thu nhỏ nó lại so với lúc ban ngày, làm cho nó đẹp hơn, và vắng hơn, buồn hơn nữa. Từ nơi thảo nguyên hòa lẫn với vòm trời, những đám mây đen ùn lên và im lặng tỏa dần trên thảo nguyên, che lấn mặt trăng và chiếu bóng mây nằm dán chặt xuống đất, chậm rãi và tư lự trườn đi rồi bỗng mất hút, như thể chui xuống lòng đất qua những khe ràn nứt của cánh đồng bị nắng thiêu đốt…Từ phía làng văng vẳng đưa lại những tiếng nói, và đây đó lập lòe những ánh đèn như thể đang nháy nhau với những vì sao xanh biếc.
- Đi thôi cháu ạ!…Phải đi thôi –ông lão lại nói.
- Ngồi thêm chút nữa đã! Liônka đáp khẽ.
Nó rất thích thảo nguyên. Ban ngày, đi trên thảo nguyên, nó thích nhìn về phía trước, về nơi vòm trời tựa vào tấm ngực mênh mông của thảo nguyên. Nơi ấy, nó tưởng tượng ra những thành phố lớn kỳ diệu, dân toàn là những người tốt bụng chưa từng thấy, chẳng cần ngửa tay van xin gì…Và khi thảo nguyên, mỗi lúc một mở rộng ra trước mắt nó, bỗng nhiên để lộ ra một thôn cô-dắc mà nó đã quen thuộc vì nhà cửa cũng như người đều giống hệt như thôn nó đã từng đi qua, thì nó lại thấy buồn buồn và giận vì đã mắc lừa như vậy.
Và giờ đây nó cũng trầm ngâm nhìn về phía xa, nơi những đám mây đen đang từ từ ùn lên. Nó tưởng tượng đó là những đám khói bốc lên từ hàng ngàn chiếc ống khói của thành phố mà nó hằng mong ước đến…Một cơn ho khàn của người ông cắt ngang dòng suy nghĩ của nó.
Liônka nhìn đăm đăm vào gương mặt ướt đẫm nước mắt của ông nó đang cố hớp lấy không khí.
Ánh trăng chiếu lên gương mặt ấy những cái bóng lốm đốm kỳ dỵ hắt từ vành mũ, hắt ra từ đôi lông mày và bộ râu xơ xác, với cái miệng đang mếu máo trong cơn ho và đôi mắt mở rộng sáng long lanh một nỗi hân hoan thầm kín nào đây, -gương mặt trông thật khủng khiếp, thảm hại, gợi lên trong lòng Liônka một cảm giác mới lạ, khiến nó nhích xa ông hơn nữa.
- Ngồi thì ngồi!…-ông lão lẩm bẩm, rồi thò tay moi trong vạt áo, miệng nở một nụ cười ngu độn.
Liônka ngoảnh đi và lại bắt đầu nhìn về phía xa.
- Liônka!…Xem đây này!…-ông nó bỗng nói, giọng hoan hỉ, và người gập hẳn lại vì cơn ho nghẹt thở, chìa ra cho nó xem một vật gì dài dài, sáng loáng.
- Cán bạc đấy cháu ạ! Bạc cơ chứ! Phải đến năm mươi rúp chứ chẳng chơi!…
Tay và môi ông lão run bắn lên vì lòng tham và vì cơn ho đau nhói và cả khuôn mặt ông cứ giật giật lên từng đợt.
Liônka giật mình, đẩy tay ông ra:
- Cất đi ông! Cất nhanh đi! –Nó thì thào van lơn, mắt hớt hải nhìn quanh.
- Thì cháu sợ cái gì nào? Sợ gì cháu? Thằng này ngốc quá!…Ban chiều ông nhìn vào một cửa sổ, thấy treo đấy, thế là ông vớ luôn cho vào áo…xong đem giấu vào bụi. Lúc ra khỏi làng, ông giả vờ đánh rơi cái mũ, cúi xuống nhặt và lấy luôn…Chúng nó ngu lắm!…Cả cái khăn ông cũng lấy được rồi, nó đây này!…
Ông lão đưa hai bàn tay run run vào bụng moi cái khăn nhét trong mớ giẻ rách và rũ rũ trước mặt Liônka.
Màn sương mù trước mặt Liônka rách toang ra, và trước mặt nó hiện lên cái cảnh hai ông cháu đi thật nhanh trên đường làng, tránh những khóe mắt những người qua lại, đi một cách sợ sệt, và Liônka có cảm giác là bất cứ ai muốn cũng đều có quyền đánh đập hai ông cháu, nhổ nước bọt vào mặt, chửi bới…Mọi vật xung quanh những dãy rào, những ngôi nhà, những cây cối đều lảo đảo ngả nghiêng trong một lớp sương mù kỳ dị, như thể bị gió lay…và văng vẳng nghe những giọng nói giận dữ, gắt gỏng…Con đường khổ ải ấy dài vô tận, và sau cái khối nhà lảo đảo ấy không thấy đâu là lối ra khỏi làng. Cái khối nhà ấy khi thì nhích lại gần như muốn đè bẹp hai ông cháu nó, khi thì lại lùi ra xa đến tận đâu đâu, những khung cửa sổ đen ngòm như cười vào mặt ông cháu nó…Và từ một cửa sổ bỗng có tiếng nói lanh lảnh: “Quân ăn cắp! Hai thằng ăn cắp! Thằng bé ăn cắp!…” Liônka lấm lét liếc nhìn sang thấy trong khung cửa sổ ấy có cái con bé mà ban chiều nó đã gặp và muốn bênh vực. Con bé bắt gặp nó nhìn trộm liền thè lưỡi ra trêu nó, và đôi mắt xanh của con bé sáng lên một cách giận dữ và đanh ác, nó xói vào tim Liônka như một mũi kim.
Cái cảnh ấy sống lại trong trí nhớ của Liônka rồi lại biến đi trong phút chốc, để lại trên môi một nụ cười cay độc mà nó ném vào mặt ông nó.
Ông lão vẫn lúng búng vừa nói vừa ho, hai tay khua khua, lắc đầu và quệt mồ hôi đang toát ra từng giọt lớn trên nếp nhăn sâu hằn lên trên khuôn mặt.
Một đám mây đen nặng nề, rách rưới và bờm xờm che khuất mặt trăng, và Liônka hầu như không trông thấy mặt ông nó nữa…Nhưng trong tưởng tượng nó đặt con bé mất khăn bên cạnh ông nó gợi hình ảnh con bé lên trước mặt như để so đo với hình ảnh của ông nó. Ông lão khọm rọm già yếu, tham lam và rách rưới, bên cạnh đứa con gái bị ông xúc phạm, ràn rụa nước mắt nhưng khỏe mạnh, tươi mát, xinh đẹp, nó trông ra thật là thừa và cũng gần độc ác và bẩn thỉu như lão Kôsây trong truyện cổ tích. Làm sao lại có thể như thế? Tại sao ông nó lại được xúc phạm đến con bé? Ông nó có phải là người thân thuộc gì với con bé đâu?
Trong khi ông lão vẫn the thé:
- Giá để giành được trăm rúp, thì ông chết cũng yên lòng…
- Thôi đi!…-trong lòng Liônka bỗng có cái gì bùng lên- Ông im đi! Chết với chả chết mãi…Ông có chịu chết cho đâu…Ông đi ăn cắp!…-Liônka thét lên và bỗng đứng phắt dậy, người run bần bật- Lão già ăn cắp!…Ối dào! -rồi nắm chặt bàn tay nhỏ bé khô khan lại, nó lay lay quả đấm trước mũi ông lão đã im bặt, và lại buông mình rơi phịch xuống đất, rồi nói tiếp qua kẽ răng- Đi ăn cắp của trẻ con…Chao ôi, thật là giỏi giang!…Giá đời mà cũng thế…Xuống địa ngục rồi ông sẽ phải đền tội này!…
Bỗng nhiên cả cảnh thảo nguyên rung chuyển và rực lên một ánh sáng xanh lè chói chang, rộng hẳn ra…Màn đêm bao phủ lên thảo nguyên giật mình và biến đi trong chốc lát…Một tiếng sấm nổ rồi chuyển đi ầm ầm trên thảo nguyên, lay chuyển cả mặt đất lẫn bầu trời phủ đầy những đám mây đen đang bay nhanh, dìm hẳn cả mặt trăng.
Trời tối mịt. Xa xa có một tia chớp lóe lên, im lặng nhưng vẫn dữ dội, rồi một giây sau lại có tiếng sấm yếu ớt rên rỉ. Rồi cảnh vật lại chìm trong im lặng, một cõi im lặng tưởng chừng như vô tận.
Liônka làm dấu. Ông nó ngồi im lặng không nhúc nhích như thể đã gấu chặt vào thân cây đang dựa.
- Ông ơi!…Liônka thì thào sợ hãi chờ đợi một tiếng sấm sắp tới- Ta vào trong làng đi!
Bầu trời lại rung chuyển và lóe sáng xanh lè, ném xuống mặt đất một tiếng nổ dữ dội như một vật kim khí giáng mạnh xuống, ngỡ chừng như hàng ngàn tấm sắt xô vào nhau, đổ ào xuống đất…
- Ông ơi!…Liônka kêu lên.
Tiếng kêu của nó bị tiếng sấm dội át đi, nghe như tiếng ai đánh vào một cái chuông nhỏ đã rạn vỡ.
- Ông ơi!…-Liônka kêu lên.
- Sao đấy…Sợ hả…-ông lão nói giọng khàn khàn, người không nhích nhích.
Những hạt mưa lớn bắt đầu rơi xuống và rào rào nghe huyền bí như thể đang cảnh cáo một điều gì. Phía xa nó đã lớn lên thành một âm thanh dày đặc, bao la, như tiếng một bàn chải khổng lồ chà lên mặt đất khô ran, còn ở đây, chỗ hai ông cháu đang ngồi, mỗi giọt mưa rơi xuống đất phát ra một tiếng động ngắn và gọn, tắt đi không một tiếng vang. Những tiếng sấm mỗi lúc một gần và những tia chớp lóe lên mau hơn.
- Tao không vào làng đâu! Cứ để cho con chó già này, thằng ăn cắp này ngồi đây cho mưa nó dìm, cho sét nó đánh chết đi!…-ông lão vừa thở hổn hển vừa nói- Tao không vào!.. Mày cứ vào một mình đi!…Nó ngay thôi…Đi đi!…Tao không muốn mày ngồi đây…Đi đi…Đi đi!…
Ông lão lúc này đã quát lên, giọng khản đặc.
- Ông ơi!…Ông tha lỗi cho cháu! –Liônka nhích lại gần ông van lơn.
- Tao không đi…Tao không tha thứ…Tao nâng niu mày suốt bảy năm trời! Cái gì cũng vì mày, sống vì mày. Tao có cần gì đâu?… Tao chết đến nơi rồi…Tao chết đây. Thế mà mày bảo tao là đồ ăn cắp…Vì sao tao phải ăn cắp? Vì sao mày…bấy nhiêu cũng chỉ vì mày cả…Đây mày cầm lấy…cầm lấy…Tao cố góp nhặt để nuôi mày…để mày có tiền mà sống…cho nên tao phải ăn cắp…Chúa biết hết…Chúa biết…tao ăn cắp…Chúa sẽ phạt tao. Chúa chẳng tha tội cho con chó già này đâu…cái tội ăn cắp. Và Chúa đã trừng phạt tao rồi…Lạy Chúa!…Chúa đã trừng phạt con rồi! Phải không? Đã trừng phạt rồi…Chúa đã dùng bàn tay một thằng bé để giết chết con!…Như thế là đúng! Lạy Chúa!…Đáng đời rồi…Chúa công bằng lắm! Chúa hãy vớt lấy hồn con…Ôi!
Tiếng ông lão cao dần lên thành tiếng rít the thé, gieo kinh hãi vào lòng Liônka.
Những tiếng sấm đang lay chuyển bầu trời và thảo nguyên bây giờ vang lên tới tấp và vang động như thế, mỗi tiếng đều muốn nói với đất một điều gì cấp thiết vô cùng, cứ thi nhau gầm không ngớt. Bầu trời bị những tia chớp xâu xé rung chuyển lên, thảo nguyên cũng rung chuyển khi thì cháy rực lên trong ánh lửa xanh lè, khi thì chìm trong bóng tối lạnh lẽo, nặng nề và chật chội làm cho nó thu hẹp lại một cách kỳ dị. Thỉnh thoảng một ánh chớp chiếu sáng chân trời. Có thể tưởng chừng như cái chân trời ấy vội vã chạy trốn cho xa tiếng ồn ào gầm rít của cơn dông.
Mưa trút xuống, và những giọt mưa sáng loáng như thép dưới ánh chớp, che lấp hẳn những ánh đèn đang nhấp nháy một cách niềm nở trong thôn.
Liônka lặng người đi vì sợ hãi, vì lạnh và vì một cảm giác da diết là mình có lỗi, cái cảm giác nảy ra từ tiếng thét của ông nó. Nó giương to đôi mắt nhìn trừng trừng phía trước mặt, không dám chớp mắt ngay, cả khi những giọt nước mưa chảy từ mái đầu ướt sủng của nó lọt vào mắt nó. Nó lắng nghe tiếng nói của ông nó đang ngập ngụa trong cái biển âm thanh dữ dội này.
Liônka biết rằng ông nó đang ngồi im không nhúc nhích, nhưng nó lại cảm thấy rằng ông nó rồi sẽ biến mất, sẽ bỏ đi tận đâu để nó ở lại đây một mình. Nó cứ nhích dần về phía ông nó từ lúc nào chính nó cũng không biết và đến khi chạm khuỷu tay vào người ông nó, nó mới giật mình, chờ đợi một cái gì khủng khiếp.
Xé rách bầu trời, một ánh chớp chiếu sáng hai ông cháu đang ngồi cạnh nhau, co ro, nhỏ bé, ướt đầm đìa vì những dòng nước mưa từ trên các cành cây dội xuống.
Ông lão khua cánh tay trong khoảng không và lảm nhảm những gì không rõ, tuy đã mệt lắm, thỏ không ra hơi nữa.
Nhìn kỹ vào mặt ông, Liônka thét lên vì kinh hãi -Dưới ánh chớp xanh lè, trông nó như khuôn mặt của một xác chết, và đôi mắt mờ đục đang đảo trông là đôi mắt của một đôi mắt của một người điên.
- Ông ơi!…Ta đi đi!…-nó thét lên, đầu gục vào gối ông nó.
Ông lão cúi xuống ôm đứa cháu trong hai cánh tay gầy gò xương xẩu, xiết chặt nó vào lòng rồi bỗng cất tiếng rú thất thanh như một con sói mắc bẫy.
Nghe tiếng rú đó, Liônka như điên như dại vùng ra, nhảy phắt dậy cắm đầu lao thẳng như tên bắn vế phía trước mặt, hai mắt mở to lóa đi vì những ánh chớp, ngã xuống rồi lại chồm dậy, mỗi lúc một đi sâu vào cái bóng tối chập chờn khi thì bị ánh chớp xua tan, khi thì lại trùm lên dầy đặc quanh đứa trẻ đã phát điên lên vì sợ.
Và tiếng mưa rơi vẫn lạnh lùng, đơn điệu, buồn bã. Và có thể tưởng chừng như trên cánh thảo nguyên này xưa nay chưa từng có một cái gì ngoài tiếng mưa, ánh chớp và tiếng sấm rền giận dữ.
Sáng hôm sau, những đứa trẻ con trong thôn cô-dắc chạy ra thảo nguyên đã lập tức quay trở về hô hoán lên rằng chúng trông thấy lão ăn mày hôm qua ngồi dưới gốc đà dương, hình như bị ai đâm chết vì bên cạnh thấy vứt một con dao găm.
Nhưng khi những người huynh trưởng cô-dắc trong thôn ra xem thử sự tình ra sao, thì té ra không phải như thế nào. Lão già hãy còn sống. Khi thấy có người đến, lão cố nhổm dậy, nhưng không được. Lão đã bị cấm khẩu, chỉ giương đôi mắt giàn giụa van xin mọi người một điều gì không rõ và cứ nhớn nhác tìm trong đám đông, nhưng rồi chẳng tìm thấy gì và không được ai trả lời một câu nào.
Đến chiều lão tắt thở. Người ta chôn lão ngay ở chỗ tìm thấy lão, dưới gốc cây đà dương, vì cho rằng đem chôn vào nghĩa địa thì không thích hợp lệ: trước hết vì lão là người xứ khác, thứ hai vì lão là hạng kẻ cắp, và thứ ba, vì lão đã chết đi mà chưa được sám hối. Bên cạnh lão, giữa đất bùn, người ta tìm thấy con dao găm và cái khăn trùm.
Vài ba hôm sau, người ta lại tìm thấy cả Liônka nữa.
Trên một cái hố ngoài thảo nguyên, cách làng không xa, thấy có đám quạ lượn vòng, và khi đến xem, người ta thấy thằng bé nằm sấp dưới hố, hai tay giang rộng, mặt úp vào lớp bùn sền sệt đọng lại dưới đáy hố sau trận mưa.
Lúc đầu, người ta đã định chôn nó trong nghĩa địa, vì nó hãy còn bé, nhưng rồi nghĩ thế nào người ta lại đem chôn cạnh ông nó, dưới cây đà dương. Người ta đắp một nắm đất nhỏ và cắm lên đấy một cây thập ác bằng đá đẽo sơ sài.
(1893)

Xem Tiếp: ----