Cái thuở mơ màng ấy đã trôi qua lâu lắm rồi, thế nhưng sao tôi vẫn còn vương vương, nhớ nhớ… Vào thuở chớm lớn, tôi rất mê đọc sách, viết văn. Viết truyện gởi đăng báo, đợi hoài, chẳng thấy tăm hơi, tôi bèn chuyển sang mục tìm bạn bốn phương. Thời may, tôi được kết bạn với một cô nàng ở tận miền cát trắng Nha Trang. Chúng tôi rất tâm đầu ý hợp vì nhỏ ta cũng thích múa bút trửng giỡn như tôi. Một hôm, tôi bỗng nhận được một phong thơ với nét chữ nhỏ nhắn trông rất lạ. Nôn nóng mở ra xem, tôi mới vở lẽ ra là cánh thơ mà tôi gởi cho nhỏ bạn bốn phương đã bị bác phát thơ hơ hỏng đánh rơi trên vĩa hè. Vô tình, chàng lính trẻ trông thấy, vội nhặt nó lên, tò mò tìm tên người gởi. Ồ, cái tên nghe là lạ, hay hay, còn nét chữ trông hiền lành, chơn chất quá! Thế là không thể dằn lòng, anh gởi ngay lá thơ làm quen. Và tôi không ngần ngại hồi đáp trên những trang giấy học trò trắng tinh với bao xúc cảm dạt dào của một “nữ văn sĩ đang chờ thời”. Thơ qua rồi thơ lại chẳng bao lâu, anh ân cần gởi tặng tôi tập thơ Nguyên Sa. Tôi mê mẫn học thuộc lòng những vần thơ vô cùng dễ thương ấy: Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc, Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường. Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương, Anh pha mực cho vừa màu áo tím. Thế nhưng, khi anh chép tặng tôi đoạn thơ phổ nhạc: Anh đến thăm em đêm ba mươi, Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi, Anh nói với người phu quét đường, Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em. thì tôi lại đâm hoảng! Sao mà “yêu em” nhanh thế, liệu có thật lòng chăng? Thế là tôi rụt rè đề nghị anh hãy xem nhau như bạn trước đi, xin đừng làm tôi sợ! Chẳng hiểu nghĩ sao, anh vội thoái lui. Có lẽ người lính trẻ ấy thất vọng não nề trước những lời lẽ quá ư thật thà, chẳng ướt át, vương ý thơ như chàng hằng mong đợi. Chừng lớn lên thêm một vài tuổi, tôi mới nghiệm ra rằng: “Thì cứ để người ta tự do yêu cho nhiều nhiều vào đi, người ta ở xa lắc xa lơ, có đụng tới mình tí ti nào đâu mà đã rộng miệng la làng rồi. Thất ngốc nghếch quá đi thôi!” Đã ngần ấy năm trôi qua nhưng sao tôi vẫn chưa nguôi nỗi niềm tiếc nuối: Anh là ai, anh hỡi? Có khi nào tôi được một lần diện kiến người xưa chăng? Thụy Khanh