Nước đi đi mãi không về cùng non... (Tản Đà)San rũ người trên sofa. Cuộc khám nghiệm tử thi của cô rốt cuộc chẳng đem lại kết quả gì. Phía cơ quan điều tra vẫn chưa khám phá được bí ẩn cái chết của cô gái trẻ. Nạn nhân bằng tuổi San. Cô gái có gương mặt thánh thiện, vóc hình cân đối, nõn nà. Khi cơ thể cô phơi bày trước mặt San, người nữ pháp y rùng mình cảm thấy như mình sắp mổ cho một nữ thần! Một cô gái mỹ miều và (có lẽ) ngoan hiền dường ấy lại có thể qua đời một cách bất thường! San tưởng chừng con dao mổ trên tay mình cũng khóc. Có tiếng đẩy cửa, nhưng San đuối lả đến nỗi không thể cất người lên. Đứa con trai nhỏ của anh cô nhè nhẹ đi vào. Thằng bé thường hay sang nhà cô út chơi. San để mặc nó muốn làm gì thì làm. Dường như tâm tưởng con người là một dòng sông, sẵn sàng xô dạt vào bờ hiện tại những mảnh trôi của ký ức, một cách tình cờ, vào bất cứ lúc nào. Sáng nay, khi bước xuống giường trong cơn ngái ngủ, rất phi lý, một hình ảnh của hơn hai mươi năm về trước hiện về trong trí nhớ San. Đó là một xác chết trương sình bên dưới và bên trên bị phỏng rộp, có lẽ là do nắng. San nhìn thấy xác chết ấy khi mới năm tuổi đầu, lúc đang dạo chơi trên dòng sông quê nhà. Lúc ấy là xế trưa. San khóc nức nở về kể với gia đình. Chiều hôm đó, khi người lớn đã an táng cho kẻ bạc phận xa lạ, cô bé con thắp nhang dọc dòng sông. "Chú ơi!", cô bé thảng thốt gọi, nước mắt chảy vào cái miệng trẻ thơ mếu xệch. Năm tuổi đầu, San đã thấm thía câu hát buồn của Trịnh Công Sơn: "Người ôm lấy muôn loài/nằm trong tiếng bi ai". Hơn hai mươi năm trôi qua, khói nhang trên dòng sông hôm ấy và cái chết đau đớn của người đàn ông xa lạ vẫn còn làm thổn thức lòng San. Ký ức ám ảnh cả bữa điểm tâm. Khi cắm nĩa vào tròng đỏ hột gà ốp la, San có cảm giác mình đang chọc thẳng nĩa vào đồng tử mắt. Buốt run. Sau đó là những nỗ lực không kết quả tại phòng khám nghiệm. San cảm thấy mình quá mệt mỏi nên nhắn tin cho Hợp, bạn gái thân nhất của cô. Hai đứa vào Thư Giãn quán, chơi trò jenga của Hàn Quốc. Khi Hợp xếp những thanh gỗ jenga thành 18 tầng tháp để trò chơi bắt đầu, San vẫn rùng mình liên tưởng mỗi thanh gỗ đồ chơi nhỏ nhắn là những chiếc hộc đựng tử thi trong nhà xác. 18 tầng jenga đầy những xác người! 18 tầng tháp như một điều bí mật chưa bao giờ được khám phá, như bao nỗi niềm chưa một lần phơi tỏ, như tiếng bi ai hóa thạch, như mưu toan tăm tối, như tuyệt vọng rã rời... trong xã hội hiện đại. Luật là như thế này: những người chơi tìm cách lấy những thanh gỗ ra và đặt lên cao, sao cho thật cẩn trọng để tòa tháp không sụp đổ. Nhưng San nhận ra rằng, chính khi tòa tháp sụp xuống, tất cả người chơi mới bật cười giòn giã. Hằng ngày, San gặp những xác chết còn rất trẻ, những đôi mắt ngây thơ mở to như tiếc nuối cuộc đời. Cô luôn nhắc nhở mình rằng hãy quý từng giây cuộc sống, hãy nói tất cả những gì mình cần nói, làm tất cả những gì mình cần làm. Bởi những tử thi nằm dưới dao mổ của cô có lẽ đang khát khao được sống lại một giây để nói với kẻ thù: "Thật đáng buồn là tôi chết đi mà giận hờn giữa bạn và tôi còn chưa kịp giải tỏa", để nói với người yêu: "Từ nay, khi đi trên phố, khi băng qua đường, hãy cho em được nắm lấy tay anh. Phố rộng, người đông, quá yếu mềm, em cứ e mình lạc mất. Em đã thèm khát điều đó từ lâu lắm rồi mà chưa một lần bày tỏ"... Dù vô cùng yêu thương và kính nể Trịnh Công Sơn, cô vẫn muốn cuộc đời hãy hát ca những lời hân hoan nhất, muốn tin muôn loài không hề nằm trong tiếng bi ai! Những buồn đau chỉ là lữ khách, dừng lại bên lòng đôi chút rồi đi. Cuộc đời là một chuỗi yêu thương và tha thứ. - Cô ơi, nhìn nè!San gượng ngồi dậy khi đứa cháu gọi. Cô rú lên kinh hoàng. Trời ơi! Con cá vàng trong bể kiếng! Thằng bé mới bảy tuổi đầu đang cắt vụn con cá vàng vừa bơi trong nước như cắt một tờ giấy thủ công! Chân cô khuỵu xuống, thằng bé òa khóc vì tiếng thét kỳ dị của San. Cô đi đến bên nó, ôm cháu vào lòng, nước mắt ròng ròng chảy trong im lặng rồi buông nó ra. "Con về đi!". Đứa trẻ lấm lét, thút thít đi ra cửa. Còn lại một mình, cô nhặt xác con cá vàng, bỏ vào giỏ rác mà như thấy vừa rứt đi một phần cơ thể của mình. Xã hội hiện đại này giết chết những đứa trẻ mất thôi! Cô vặn Cát-sét thật to, cố trấn tĩnh lại. Những tin tức làm ù tai cô. Giá vàng và giá xăng dầu tăng không cách gì kềm giữ, những thương lượng hòa bình về cuộc chiến ở Trung Đông tiếp tục bất thành... Cô hình dung lại giấc mơ của mình mấy ngày trước đây. Cô thấy mình và trăm ngàn người khác ngồi trên một chiếc máy bay khổng lồ. Khi cất cánh, chiếc máy bay đồ sộ ấy chỉ là một chấm đen nhỏ xíu giữa vũ trụ ngút ngát đến rợn người. Lúc máy bay băng qua một vùng trời, bỗng một đôi tay vĩ đại buông thõng giữa không gian. Đôi tay buông thõng ấy như một bất lực kiệt cùng trong vũ trụ. Tỉnh dậy sau giấc mơ, San cảm thấy riết róng thương mình, thương bạn bè, thương những nỗ lực nhiều khi như dã tràng xe cát. Điện thoại rung báo rằng cô có tin nhắn. Là Giang. Giang hỏi cô khỏe không, công việc thế nào và đã hết buồn chưa. Hết buồn chưa? Sao Giang lại hỏi cô câu đó? Giang thừa biết điều Giang gieo vào lòng cô đâu chỉ giản đơn là một nỗi buồn... Cô ba lần tỏ tình cùng Giang và ba lần anh từ chối. Đi qua tuổi thơ nghiệt ngã của mình, San trở thành một cô gái quá nghiêm trang, khép kín. Lầm lũi và quyết liệt như một dòng suối chảy xuyên bao vách đá cheo leo, San một mình trườn qua những khó khăn trong đời sống, trở thành một nữ pháp y trẻ tuổi có chút tiếng tăm. Những tưởng cuộc đời San rồi sẽ mãi là một khung cửa khép, nhưng tất cả đã đổi thay từ cuộc gặp gỡ tình cờ. Giang là một tình cờ rắc rối của San. Ngày đầu gặp San, chàng phóng viên trẻ trông rất mong manh, cả San lẫn Giang đều biết hai người bằng tuổi nhau, thế mà Giang vẫn cúi đầu: "Em chào chị!" một cách rất ư là lễ phép. Làm việc cùng nhau, San thêm quý thêm thương tinh thần trách nhiệm và cầu tiến ở Giang. Mà chàng phóng viên lại hay buồn. Có những buổi chiều, Giang đến tìm San chẳng để làm gì cả. Hai đứa ngồi im lặng bên nhau. Sốt ruột San hỏi: "Có chuyện gì không em?". Giang lắc đầu bảo không. San nói: "Vậy để chị đi làm". Giang "dạ" rồi đứng lên "Chào chị". E-mail Giang gởi bao giờ cũng làm San xúc động: "Chị San đã quen với công việc chưa?", "Chị San đừng làm việc quá sức", "Em sống ở đây cực quá, mà về quê lại không biết làm gì. Nếu không có chị, chắc là em không thể sống được ở đất Sài Gòn này!"... Giang đâu biết rằng đôi khi San vừa khóc vừa trả lời e-mail cho Giang, an ủi Giang bởi xót xa cho người bạn trai cùng tuổi, một người tài chưa gặp vận. Đọc những truyện ngắn, tản văn viết về mẹ của chàng nhà báo trẻ, cô pháp y nức nở. Bỗng dưng khát khao được chia sẻ những vất vả của anh, được kể anh nghe bao vấp váp của mình và nhận lấy những lời cảm thông, khuyến khích. Thèm được cùng anh đền ơn người mẹ đã suốt đời lặng lẽ hy sinh. Một lần cà phê, Giang đột ngột nói bằng giọng rất nghiêm trang và cũng rất... đàn anh: "Chị như thần công lý cho những người chết, hãy luôn nhớ là phải thật công tâm, minh bạch". Rồi hai đứa cùng kể cho nhau những chuyện vui. Giang bật cười thật lớn. Ai chưa từng nhìn thấy Giang buồn sẽ không thể hiểu hết sự bất ngờ thú vị của San khi nhìn nụ cười quá đỗi hồn nhiên của chàng trai này. Giang còn đưa tay xoay xoay chiếc túi đeo chéo trước ngực trong khi kể chuyện bằng một giọng hào hứng, say sưa và môi cười tươi tắn. Giang luôn dành cho San những bất ngờ. Anh tặng cô một bài hát qua điện thoại không vào một ngày đặc biệt nào cả. Ngày lễ ở cơ quan San, Giang ghé qua chúc mừng, rồi về, chẳng nói gì. Đến khi về nhà, San hết sức bất ngờ nhìn giỏ hoa Giang gửi. Có lần, nhân một ngày lễ khá đặc biệt, mới hơn 6 giờ sáng, Giang gửi tin nhắn chúc mừng San. San làm việc suốt, đến cuối giờ chiều mới trở về bàn. Điện thoại báo có hai cuộc gọi nhỡ từ Giang và một tấm thiệp của anh trên bàn cô. Phải đến lúc đó, San mới hiểu được lời khuyên: "Cho tốt nhất là cho hai lần". Chính xác là từ giây phút nào San chẳng biết, nhưng cô cảm thấy bình yên, tin cậy khi ở cạnh Giang. Từ rất lâu rồi, chưa từng có ai cho San sự quan tâm như thế. Cô nhận ra Giang có một tâm hồn mẫn cảm, sáng trong và khiêm tốn hiếm có. Ba lần từ chối, Giang đều lúng túng. Giang đi uống rượu dù không biết uống rượu trước khi nói lời từ chối thứ nhất. Giang vò nát ống hút trong bữa hai đứa uống nước với nhau, sau lần từ chối thứ hai. Sau lần từ chối thứ ba, Giang gọi điện cho San hai lần, hai lần cùng im lặng dù San đã "a lô" rất nhiều. Đến lần thứ ba, Giang mới trò chuyện cùng San. Gần đây, Giang không còn gọi San là "chị". Hình như có một điều gì đó giữa hai đứa, có thể chưa phải là tình yêu nhưng không giản đơn là tình bạn.Điện thoại nằm im lìm trong tay San. Biết trả lời thế nào đây? Để tìm nguyên nhân cho những cái chết bí ẩn, San cần lách sâu con dao mổ. Nhưng con dao nào giúp San tìm bí mật của tình yêu. Giang ơi! Đến cả sỏi đá cũng nôn nao đội vòng hoa mừng hôn lễ của chúng ta, cớ sao anh lại bao lần "xòe tay phủ mặt"... Cát-sét đang đưa tin về một cuộc đảo chính trên thế giới và các lời đe dọa từ những kẻ khủng bố. Giá thế giới là chiếc áo, San sẽ giũ mạnh một lần, không còn mưu toan, tuyệt vọng, hận thù và tâm tình không thể sẻ chia. Tử thi trong nhà xác, trong nghĩa trang sẽ khiêu vũ và hát cho những người còn sống rằng hãy gấp gáp yêu thương và chần chờ thù hận để một mai, những lóng xương, những tro than của chính mình trong lòng đất lạnh, trong những hũ sành không còn phải sụt sùi tiếc nuối. Bao vách ngăn khô cứng giữa lòng người sẽ vỡ tan. Như 18 tầng tháp jenga sụp đổ!