Nói ra chắc hẳn bà con sẽ cho tôi là đứa con bất hiếu. Nhưng dù không nói thì tôi cũng đã là đứa con bất hiếu rồi! Tôi là con gái út trong gia đình có bốn anh chị em. Dĩ nhiên út thì bao giờ cũng được cưng nhất. Dựa hơi đó, tôi nhõng nhẽo nhất nhà. Cho đến năm mười một tuổi tôi vẫn còn ngủ với má. Tôi có tính xấu là hay dành đồ chơi và phần ăn cuả anh chị. Tệ nhất là mỗi khi làm hỏng cái gì tôi lại tìm cách đổ lỗi cho anh chị. Bị anh chị đánh, dù thật nhẹ tôi cũng vật vã kêu khóc như sắp chết đến nơi và khóc đến khi nào má phạt anh chị tôi mới vừa lòng. Cho đến năm mười hai tuổi, tôi bỗng cảm thấy mình đã trở thành người lớn nên không chịu ngủ với má nữa. Tôi bắt đầu chú ý đến quần áo, trang sức hơn là đồ chơi. Chưa biết trang điểm, nhưng tôi hay dòm ngó, săm soi mỹ phẩm của chị Hai. Một hôm chị Hai đi vắng, tôi rủ nhỏ bạn gái vào phòng chị chơi trò "trang điểm". Không biết trang điểm cách nào mà hai đứa làm tiêu tan cả một phần ba hộp kem thoa mặt và gãy cụp cả cây son thoa môi. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn -khoảng năm 1986- chừng đó mỹ phẩm là một gia tài khá lớn đối với khoản lương công nhân viên cuả chị. Về nhà, phát giác ra sự phá phách của tôi chị nổi giận lôi tôi đến trước mặt má nhờ phân xử. Tội trạng rành rành không chối cãi được, tôi đã bị má đánh đòn và phạt một tuần không được đi chơi sau giờ học. Đây là lần đầu tiên tôi bị đòn nên giận và ghét má vô cùng. Ba tôi bị đưa đi cải tạo từ khi tôi vừa chào đời. Tôi được má đưa đi thăm ba vào năm mười hai tuổi. Tôi nhớ như in dáng người gầy gò cuả ba trong chiếc áo tù bạc màu, vá víu khắp nơi. Nhớ những giọt nước mắt cuả ba rơi trên cổ tôi khi ba ôm tôi vào lòng dặn dò: -Ở nhà con phải nghe lời má, ráng học hành giỏi, đừng đua đòi theo bạn bè xấu làm buồn lòng má nghe. Tôi khóc và hứa với ba một cách chắc chắn, nhưng về nhà không bao lâu thì quên mất. Má tôi có một sạp bán bún tại chợ Trương Minh Giảng với sự phụ giúp cuả chị Ba- chị học đến lớp 10 thì phải bỏ học để giúp gia đình. Chị Hai vừa tốt nghiệp trung học thì xin được việc làm ở sở điện lực (nhờ sự giới thiệu của bác Thông là anh họ của mẹ, một cán bộ cao cấp) với đồng lương tạm đủ để giúp má trang trải những chi phí trong gia đình. Chỉ có anh Tư và tôi được đi học. Nhưng với hoàn cảnh gia đình như thế nên so với bạn bè cùng lứa tuổi tôi thua kém nhiều. Trong lúc tụi bạn mặc toàn quần áo "xịn", có tiền ăn hàng thoải mái, đi học có người nhà đưa đón bằng xe hơi hay tự lái xe cúp thì tôi, một chiếc xe đạp cũng không có. Cha mẹ chúng là cán bộ cao cấp hoặc giám đốc hãng nầy hãng nọ hoặc chạy "áp phe" nên nhiều tiền lắm bạc. Tôi thật nể nang và thán phục họ, nhìn lại má tôi là người đàn bà suốt ngày lam lũ với gánh bún mộc, tôi bỗng nảy sinh mặc cảm. Tôi dấu biệt tông tích, trừ một đứa bạn thân, không ai biết má tôi làm gì. Một hôm tan học tôi cùng hai đứa bạn quá giang xe của Thu về nhà. Trên đường đi, ngang chợ Trương Minh Giảng, Thu bảo tài xế dừng xe và nói: -Hôm nay là sinh nhật của mình. Mình đãi các bạn một chầu bún mộc nhé. Bối rối vì sợ gặp má ở chợ, tôi thoái thác: -Thu à, bún mộc ở đây không ngon đâu. Vã lại, con gái mà ngồi ăn giữa chợ, kỳ lắm!!! Thu cười vô tư: -Tại bồ không biết chứ mình rất thích bún mộc cuả bà Tư ở góc chợ nầy, bồ vào ăn thử một lần sẽ biết! Nước súp ngon hết ý. Tôi nghe như trời sập... Nếu tụi bạn biết bà Tư bún mộc là má tôi thì xấu hổ biết chừng nào. Khi chiếc xe đã dừng ngay góc chợ, tôi biết không cản Thu được, nên cáo bệnh, đổ thưà đi xe muốn ói, không ăn được, xin đượïc ngồi chờ trên xe. Thu bảo: -Nếu không ăn thì uống nước chanh đường sẽ khoẻ ngay. Vưà nói Thu và hai nhỏ bạn vưà kéo tôi đi. Đến gần sạp bún cuả má, mặt mày tôi sượng sùng, ngượng nghịu. Làm sao để chúng đừng biết bà Tư là mẹ tôi đây? Chị Ba nhìn thấy tôi thoáng ngạc nhiên nói lớn với má: -Ủa, con Vân đến kià. Quay lại, nhìn nét mặt tái mét cuả tôi má hốt hoảng hỏi lớn: -Vân à! Con làm sao vậy? Thu và hai nhỏ bạn ngạc nhiên kéo tôi ngồi xuống rồi hỏi: -Bác Tư cũng biết Vân hả? vậy mà con mời đến đây ăn, nó lại khăng khăng từ chối. Nói xong Thu quay lại kiù đầu tôi: -À há! nhỏ nầy biết chỗ ăn ngon mà muốn dấu, ai ngờ cô nương đây đã ăn nhiều lần rồi. Nghe Thu nói và nhìn hai đứa bạn mặc quần Jean mới toanh, áo thun đắt tiền, có lẽ má đoán biết tâm trạng xấu hổ về thân phận của tôi, nên nói: -Bác có quen với gia đình Vân. Chị Ba nhìn tôi nét mặt đanh lại không dấu được vẻ bất mãn và giận dữ. Má cúi đầu cười gượng gạo trong khi Thu nhanh nhẫu và thân mật: -Bác Tư cho mỗi đứa một tô bún mộc đặc biệt. Tô của nhỏ Vân bác nhớ cho nhiều chả quế nhé, con nhỏ này kén ăn lắm. Tôi ngồi lặng yên với tâm trạng bất an. Nhận mẹ thì "quê" với bạn, không nhận thì lòng dạ xốn xang. Thôi thì... lỡ rồi!!! đành phải lặng thinh với bao câu hỏi miên man trong đầu óc. Tại sao má không sang trọng như mẹ của Thu? Tại sao má chỉ là bà bán bún mộc? Tại sao má không giỏi như mẹ cuả Nga, lo chạy "áp phe" để có xe cúp, có nhà cửa khang trang. Vậy mà má còn khoe rằng, trước 75, má có bằng cử nhân, làm việc ở viện đại học Sài Gòn và dạy học ở các trường tư. Có thật không? Sao bây giờ má ngồi đây bán bún mộc cho con phải tủi hổ với chúng bạn? Con... oán má lắm!! Má múc nước lèo chan vào tô bún, chị Ba bưng lại chỗ tôi ngồi, lặng lẽ để xuống không quên liếc tôi bằng con mắt sắc như dao. Cúi mặt không dám nhìn má và chị, lòng tôi rối bời, nửa oán nửa thương. Thu quay sang giục: -Ê! Vân, sao không ăn mà lại thờ người ra vậy? Ăn đi... bác Tư ơi! bún hôm nay ngon tuyệt! Tôi gượng cười cầm đũa... Trong tô bún của tôi hình như có giọt nước mắt cuả má... nên cái hương vị mằn mặn của nước súp làm tê buốt đầu lưỡi và xót xa cả cõi lòng tôi. Ăn xong, Thu vừa hỏi giá tiền má đã đỡ lời: - Tô của Vân bác không tính tiền đâu, vì ba má Vân là bạn của bác, bác xem Vân như con gái của bác vậy. Thu khoát tay phân bua: -Không được bác phải lấy tiền. Hôm nay sinh nhật con, con đãi các bạn... bác đừng lo, con có nhiều tiền lắm. Vừa mở ví, Thu vừa cười cởi mở: -Khi nào bác Tư có nhận con nuôi thì nhớ cho con biết. Có mẹ nuôi nấu bún mộc cho con ăn mỗi ngày là con sung sướng lắm. Rồi Thu chắc lưỡi tâm sự: -Mẹ con không biết nấu món gì cả, cái gì cũng do người giúp việc làm không hà. Con thì thích ăn món cuả mẹ nấu. Má tôi cười buồn, ôn tồn nói: -Cám ơn cháu có lòng tốt, nhưng bác nghèo quá làm mẹ cuả cháu sao được, cháu sẽ mắc cở với chúng bạn lắm! Nga xen vào: -Bác nói vậy chứ tụi con đâu có nghĩ vậy. Bán bún cũng là một nghề lương thiện, cao quí nưã là đằng khác, vì tô bún cuả bác làm người ta ăn ngon, sảng khoái, yêu đời hơn. Mỗi ngày bác đã đem niềm vui đến cho biết bao người. Còn hơn làm nghề... chạy chọt gì đó, có tiền thiệt, nhưng con cảm thấy làm sao... Tự dưng nước mắt tôi trào ra. Hôm đó về nhà, chị Ba giận và mắng tôi thậm tệ. Má không rày la tôi một tiếng, chỉ ôm tôi và nói trong nghẹn ngào: -Má không trách con, tại cái số má nghèo, không lo cho con bằng người khác, má cũng buồn lắm, giá mà ba con không bị ở tù! Một năm sau, ba tôi được thả về, gia đình tôi tiến hành thủ tục để sang Hoa Kỳ theo diện H.O và được định cư tại Dallas. Trong lúc ba tôi xin được công việc "clean up" ở trường học thì mẹ tôi được người bạn giới thiệu lãnh hàng về nhà may. Tôi tiếp tục đi học và sau giờ học tôi phải phụ má vắt sổ - một công việc đối với tôi chẳng có gì thích thú. Những hôm có nhiều bài tập má thường bảo tôi "Con lo học đi để má làm cho". Vậy là tôi thường viện cớ học bài -nhưng thực ra là lên computer, "chat" với bạn- để trốn việc. Khi xong trung học, tôi chuyển đến Houston để theo học ngành Dược. Ba má thương tôi phải xa nhà nên khi tôi đòi chiếc xe Honda mới, ba má cũng vui vẻ chiều ý tôi. Dĩ nhiên má phải làm việc nhiều hơn mới có đủ tiền trả nợ xe hàng tháng. Tôi biết, nhưng tự biện minh rằng "sau nầy tốt nghiệp, làm việc có tiền mình sẽ nuôi má, không để má làm việc cực nhọc nữa". Ở Houston được tự do tôi thích lắm nên không muốn về nhà thường xuyên trừ những khi cần tiền. Vì thế, hầu như mỗi ngày má đều gọi điện thoại nhắc nhở tôi đủ chuyện, nào là không được thức khuya, không được đi chơi nhiều, phải lo học hành, giữ gìn thân con gái. Bao nhiêu điều đó má cứ nói đi nói lại khiến tôi phát chán. Tôi thường hay cắt lời má bằng câu nói quen thuộc "con biết rồi, con phải đi làm bài đây". Nếu không bận việc thì cứ hai tuần ba má tôi lại lái xe xuống. Lần nào má cũng khệ nệ mang theo thịt kho, tép rang, canh súp đông lạnh. Nhỏ bạn người Đại Hàn ở chung phòng hay trêu tôi là "Baby của má". Thật ra, tôi nào có thích những món ăn nhàm chán ấy, tôi chỉ muốn ăn fast Food như tụi bạn, vưà nóng sốt lại vừa có vẻ "văn minh". Phải chi má chu cấp tiền bạc rộng rãi cho tôi... đằng này má hà tiện quá, cứ nấu những món ăn rẻ tiền... Đã vậy, mỗi lần xuống thăm tôi, má thường mặc những bộ đồ cũ, lỗi thời (hình như mua ở garage sale), không chút phấn son trông quê muà làm sao. Còn mẹ của nhỏ bạn Đại Hàn thì lúc nào cũng lộng lẫy, sang trọng. Khi nghe tôi nói điều đó, má tươi cười trả lời: -Má già rồi, ăn mặc loè lẹt, phấn son người ta cười chết. Má chỉ mong sao làm có đủ tiền để lo lắng cho các con học hành thành tài. Cuộc đời ba má coi như bỏ đi, chỉ kỳ vọng tương lai sáng sủa cho các con. Tôi nói sao má cũng không hiểu ý, chẳng lẽ lại nói trắng ra rằng, má ăn mặc làm con xấu hổ!! Thắm thoát bảy năm trôi qua, tôi tốt nghiệp Dược sĩ, rồi lập gia đình và theo chồng định cư ở Atlanta. Mỗi năm, vào dịp Thanksgiving hay Christmas mới về thăm má một lần. Bận rộn với công việc và cuộc sống gia đình, tôi quên mất lời hưá "khi ra trường sẽ nuôi dưỡng ba má". Nhìn dáng má gầy gò với mái tóc bạc trắng đôi lúc tôi cũng nghe lòng xốn xang, nhưng rồi lại tự biện minh rằng "bây giờ không lo cho mình và các anh chị, má đã hết gánh nặng. Vã lại đồng lương cuả ba má không đến nỗi thiếu thốn. Khi nào ba má không còn làm việc nữa mình lo cũng không muộn". Nghĩ vậy nên tôi vẫn an nhiên tự tại, chăm chút gia đình riêng tư không hề bận tâm nhiều đến cuộc sống ba má. Rồi một ngày, khi được tin má ra đi đột ngột vì chứng đau tim, tôi chỉ còn kịp nhìn má nằm trong quan tài lạnh lẽo với nét mặt bình thản, phúc hậu. Ba tôi vừa khóc, vừa trao cho tôi bức thư đã cũ và nói rằng má đã đọc đi đọc lại lá thư nầy cuả tôi rất nhiều lần. Lần nào đọc, má cũng mỉm cười sung sướng. Cầm lá thư trong mắt lệ nhạt nhoà, tôi đến bên quan tài, vuốt hai bàn tay nhăn nheo buốt giá của má lẩm nhẩm đọc: "Má tha lỗi cho con, lần nầy con hứa sẽ chăm lo học hành, không se sua cùng bạn nữa, con sẽ tốt nghiệp dược sĩ như má mong muốn. Ra trường, có việc làm con sẽ rước ba má về ở chung với con. Con sẽ săn sóc tuổi già của ba má... Con nhớ má lắm. Con sẽ thu xếp để về thăm má. Con không muốn ba má phải cực khổ vượt đường xa đến thăm con hoài... ". Đây là bức thư duy nhất tôi viết cho má khi còn học ở Houston. Bức thư chứa đựng những lời thương yêu, nhung nhớ, nhưng thật ra là tôi không muốn má đến quấy rầy cuộc sống riêng tư của tôi. Bây giờ nhìn má nằm đó lặng yên như chờ đợi ngày thân xác sẽ vùi chôn dưới lòng đất, lòng tôi đau buốt và ân hận mãi không thôi! "Má ơi xin tha lỗi cho con! Má đã hy sinh cả cuộc đời cho con mà con vẫn quay lưng hờ hững để bây giờ con mới hiểu được một điều... dù có đánh đổi hết đời sống nầy, má cũng chẳng bao giờ trở về với con được
" Bạn thân mến, Khi đọc tâm sự cuả cô Vân trên đây, bạn có cảm thấy một chút xót xa? Hầu như tôi, bạn, và nhiều người nữa, ai cũng có một thời muốn thoát khỏi vòng cương kỷ cuả cha mẹ. Chúng ta buồn bực, bất mãn vì bị "chăm sóc kỹ lưỡng" và vì thế chúng ta đã tạo ra nhiều lầm lỗi. Nhưng khi cha mẹ còn sống, cho dù có lỗi lầm bao nhiêu ta cũng cảm thấy... chẳng có gì phải băn khoăn... cho đến khi cha mẹ không còn nữa thì dù một lầm lỗi rất nhỏ, mỗi khi nhớ lại ta cũng nghe lòng tràn đầy nỗi ân hận. Bởi thế, hai câu thơ tuyệt tác cuả Trần Trung Đạo đã từng làm ngậm ngùi trái tim của những người con trót mang trong lòng "một niềm tâm sự": Ví mà con đổi thời gian được Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.(Tạp chí Ca Dao số 109)