Nàng tên Xíu. Nom vừa đủ để bất kỳ ai vào quá uống ly cà phê cảm thấy ngon. Hắn là người đầu tiên phát ngôn chân lý đó với một tay thợ chạm rặt hàng bia mộ, có cái đầu tựa quả dứa bị người ta bẻ cồi sớm. Hắn vẫn đến quán thuộc hạng sớm nhất, ngồi lâu nhất và nghĩ về nàng nhiều nhất. Cha nàng đã đổ mồ hôi sôi nước mắt mới gây dựng lên quán từ ngày có nhà máy sợi chỉ trăm công nhân. Gần hai mươi năm, ngoài một việc lớn đã lo xong là nuôi con ăn học tử tế, ông còn vốn để dựng ngôi nhà có gác chưa được ở bao lâu thì lìa đời. Nàng khóc như mưa cuối đông và mi mắt ướt mãi cho tới bây chừ. Chưa bao giờ hắn thấy nàng dùng đến phấn son. Thượng đế đã kiến tạo nên một khuôn mặt không cần đến phấn son vẫn đẹp là nàng. Thanh niên là lớp người tới quán nhiều nhất. Phần lớn đều ngắm nàng với ánh mắt chân tình. Cái đẹp và sự nghiêm túc nơi nàng luôn khiến cho kẻ xấc xược nhất cũng biết xử sự lịch lãm vậy. Hắn thích nhất nhìn những ngón tay búp măng của nàng rút từng điếu thuốc một đặt lên đĩa. Mỗi lần như thế nàng không quá khom lưng mà chỉ hơi chùn gối, trông rất thùy mị và con nhà lành. Đôi lúc hắn còn ước: giá nàng bận chiếc quần jean sít sịt, điểm chút phấn cho thế giới đàn ông có thêm một lần đảo lộn; chỉ một lần như thế thôi rồi xếp vào tráp vĩnh viễn. Kể từ đấy nàng là của hắn, không xê dịch. Hay ngồi uống cà phê cùng bàn với hắn, ngoài gã chạm bia mộ ra còn có ông giáo dạy văn. Ban đầu thì đàm luận nghệ thuật, về sau thưa bớt chuyển qua thời sự, để rồi có những hôm ba người như ba cái ghế đá lạnh băng. Sáng nay ông giáo nhổ đít sớm. Nàng dắt xe đi chợ lúc quán chỉ còn dăm người. Mình hắn ngồi lặng, nhìn theo đôi gót trắng mịn như đá thạch cao nhấp nhô dưới gấu chiếc quần tây hơi cũ. Gã chạm sao vắng bóng? Chiều qua hắn có làm mấy ly với gã, nhưng đâu đến nỗi dậy không nổi. Hắn bồn chồn. Từ sáng giờ uống cà phê, mọi bộ phận cấu tạo nên hắn đều bồn chồn. Bực gớm cái thằng ngồi cạnh bên mang cả bánh mì và nước đậu vào ăn uống, gọi cà phê sữa mà mắt thì tia nàng đến lồi cả ra. Cái đồ mặc quần lụa. Cái đồ... tương tư! Nàng nữa. Ai biểu nàng cười làm chi. Khuôn mặt nàng chỉ hợp với buồn thôi! Cứ để nó buồn rũ rục ra. Và nàng cứ đi qua đời hắn... Hắn bỏ mặc bài Đôi bờ ưa thích còn phát dở, ngược bước. Trong nhà gã chạm, đáng chú ý nhất là cái máy photocopy giao cho vợ chạy rò rò cả ngày. Gã đang chạm. Cũng có ngày người ta tới đặt hàng giục gã làm gấp. Hắn bấm bụng bước vào. Gã nhìn hắn cười hì hì, tay vẫn múa trên bia những đường cong muôn thuở. Độ mươi phút gã mới chịu đi pha trà, rồi lại tiếp tục chạm. - Có làm vài ly không? Hắn khoát tay lấy lòng vợ gã chạm: - Thôi, để khi khác. Làm đi cho xong kẻo có tội... - Không sao cả. Rồi thì gã chạm vào trong múc ra một cốc rượu như muốn chọc tức vợ. Chả biết gã ngâm loại gì mà có màu tươi xanh như rượu bìm bịp thượng hạng. - Cứ uống đi! Không sao cả. - Ờ, thì uống. Hắn làm ngụm lớn. - Ái chà, rượu nồng đến teo cả lưỡi! - Teo lưỡi chứ không teo cái kia đâu mà sợ. Loại này có tên “Trường thọ cho thằng cu”. Cậu đã từng nghe chưa, có hiểu nghĩa của nó là gì không? - Chả cần. - Hà... Thế thì hỏi cậu: ông giáo nhà mình lâu lâu lại có bài thơ đăng báo, cậu thấy như thế có vui không? - Tất nhiên rồi. - Có đáng sống không? - Anh hỏi lạ... - Rất tiếc... Ông giáo nhà mình lại chẳng sống được bao lâu nữa! - Anh thì cứ tam thiên chi địa! Hắn chặn vặn luôn sau lời quở chồng của vợ gã chạm: - Sao anh lại nói thế?! - Này - gã chạm đâm đầu về phía hắn - chiều qua ổng tới đây chọn một cái bia trơn. Thoáng một thiếu nữ qua đường, hắn ngó ra, tạt ngang lời gã chạm: - Chao ôi, con bé... Con nhà ai mà xinh! - Bình tĩnh. Cậu cứ ngồi đó, chốc lại có má hồng lướt qua thôi, tha hồ ngắm. Mà cậu nói con bé vừa mới đạp xe qua đây phải không? Con bé Xíu chỗ mình hay uống cà phê chứ ai. - Không phải!- hắn đập đùi - Trời ơi, bác cứ lo chạm, có nhìn ngó gì đâu. Con Xíu chả nhẽ tôi lại nhầm. Gã chạm phá lên cười: - Tưởng chỉ ông giáo lẩm cẩm. Này cậu, giả thử con bé Xíu mai mốt nó thuộc về cậu, khi đó cậu uống ly cà phê có ngon nữa không? Cậu mang tiếng là một đứa con của nghệ thuật mà chẳng dễ thương chút nào cả. Bông tala chỉ đẹp giữa vùng đồi Ximlê - câu đó là của cậu đấy nha. Hắn chùi mắt. Quả là rượu của gã chạm chỉ dùng để nhâm nhi chứ không nhậu được thật. - Mà chẳng sao, cậu cứ tương tư đi. Cậu biết cây tương tư chứ? - Biết. Hạt nó hình trái tim, đỏ như trái tim Đankô lỡ yêu. - Đấy - gã chạm nấc ngược, nom thật xấu - như thế là cậu đã và đang nhận thức được sự yêu rồi đấy. - Hư... Gần hai năm qua, hắn chỉ biết đến cái quán bé tẹo của lão già cọm rọm có tới sáu ả vịt giời, chỉ dăm chục bước chân là tới. Mỗi sáng ông ta bán không quá hai chục ly cà phê và trà đá. Khách, xích lô xe thồ có, thợ xây có, nhà giáo có. Ông giáo hắn quen chuyên uống cà phê sáng ở quán nàng từ thời bao cấp cho tới khi cha nàng chết vì tai nạn trong một lần đi xay cà phê... Quán nàng nghỉ bán một thời gian, ông giáo tới uống cà phê chỗ hắn; rồi quen hắn, sáng nào cũng có thơ mới đưa hắn xem. Thơ ông giáo phần nhiều áp dụng phép tính nhẩm của các cháu lớp 1. Báo chí giờ kể ra cũng bình dân đối với thơ. Thành ra ông giáo mới có cớ để in thơ thành tập. In ra tức thì có kẻ chặn ngay ngưỡng nhà xuất bản mời vào dịch vụ điểm sách. Hắn đã được đọc bài bình tập thơ của ông giáo trên tờ Cuối tuần hẳn hoi. Xong hắn đưa cho gã chạm. Gã chạm mê tít thò lò, cái đầu quả dứa như hói đi một ít tóc, thắc mắc sao ông giáo không đề tặng gã một cuốn. Hắn phát tấu liền: - Khỏi cần. Toàn bộ tập thơ của ông giáo chỉ được có mấy câu người ta trích ra trong bài đó thôi! - Chà... - gã chạm chặc lưỡi - thế thì tay viết bài này tinh tường thật đấy, nhở. Hắn thấy thương ông giáo. Hắn không trách thơ ông giáo dở, bởi năng lực thơ phú của ông giáo chỉ dừng lại trên mặt những tờ báo địa phương. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để ông hư hao mình đi gấp nhiều lần nếu so với hàng tháng trời ông thức khuya dậy sớm soạn giáo án, chấm bài thi cử. Đúng vậy, cả sáng ông giáo ngồi bên hắn nom già đi mấy tuổi. Ông mách với hắn là có bài thơ đăng ở số báo xuân của tỉnh sắp phát hành; ông hứa sẽ kiếm cho hắn một tờ. Hắn vui nhưng chỉ ậm ự khi thấy nàng. Ông giáo chỉ theo: - Cha nó là bạn thân của mình. - Thế à... - hắn có vẻ ngạc nhiên. - Nó đến nhà mình chơi suốt đấy chứ. Nó học cùng với con bé nhà mình mà. Con bé nhà mình cũng được tính được nết lắm. - À... Hắn châm điếu thuốc vội vàng. Nếu chỉ có gã chạm ngồi cùng, dứt khoát hắn sẽ bình phẩm đôi câu về gái gú. Gã chạm nom thế chứ cũng tơ lơ mơ lắm. Uống vô vài ly là xách xe chạy tứ tung thành phố. Chắc chắn trong mươi lần gã chạm bảo với vợ tới nhà ông giáo chơi thì có ít nhất một vài lần gã tạt vào hiệu gội đầu - mát xa nào đấy. Nhà hắn nằm khoảng giữa nhà ông giáo và gã chạm theo chiều quốc lộ. Từ chỗ hắn xuống nhà gã chạm chỉ có một địa chỉ đáng chú ý là quán cà phê nàng. Còn từ nhà hắn tới ông giáo thì có khá nhiều địa chỉ. Tính sơ sơ cũng đã năm hiệu cắt tóc trá hình. Ban văn hóa xã kể cũng nhu nhược trong vấn đề quản lý bằng cách cắt điện tất cả các hiệu cắt tóc đó. Không có điện thì đã sao? Chúng nó thắp nến, nom vào lại lãng mạn, lại dễ bề bưng bít mọi chuyện. Gã chạm thì chả bàn làm gì; điều hắn băn khoăn là mỗi lần qua đoạn đường này, ông giáo có vào mấy bận để lấy cảm hứng yêu thơ? Nhà ông giáo nằm trên khu đất thuê của nhà thờ họ Nguyễn Thanh từ trước giải phóng, mỗi tháng độ trăm ngàn. Đến nay giá đất đã tăng lên, nhưng họ muốn lấy lại cũng khó, muốn tăng giá cho thuê cũng khó nốt. Mà họ không thương lấy con cháu thì thương ai đây? Nhất là con cháu có hiếu đạo; nhất là ông giáo - người chuyên trách làm văn tế, thảo đề cương lễ lạt cho họ thường niên. Họ có trở mặt cũng phải đợi ngày ông giáo đi xa. Cứ nghĩ đến thế là hắn lại thương ông giáo. Đời người có hạn. Cứ cho ông giáo sống thêm vài chục năm nữa thì sau vài chục năm ấy, vợ và đứa con gái ông giáo vốn là bạn thân thiết của nàng vẫn ngay ngáy lo. Họ lấy lại lô đất đã lòi mặt tiền. Thất thế là chỗ đó: giá đứa con gái ông cũng biết chút văn vẻ để thảo đề cương lễ lạt cho họ. Chả trách dạo này ngồi uống cà phê với hắn, sáng nào ông giáo cũng dò số, mua số. Những hôm thấy ông giáo mua vài ba vé trở lên, hắn biết chắc ông có thơ đăng báo. Nhưng mà vé số chẳng như những bài thơ ông giáo gửi báo và hi vọng được đăng, thế nên mặt ông giáo cứ thế mà sọp đi theo từng ngày. Chưa khi nào hắn nhìn ông giáo dò số để khám phá những nét quằn quại trên khuôn mặt vốn dĩ đã âm u ấy, mà người trong cuộc cứ ngỡ hồn thơ của ông sắp chết! Hắn đứng trước gương tủ, thử ướm mình bên một bóng giai nhân ảo. Hình như lần nào đó hắn có nghe nàng gọi hắn bằng chú thì phải. Ờ... - Không sao đâu! - gã chạm tưởng khù khờ mà biết rành rành tâm lý của hắn - Già hay trẻ chỉ phụ thuộc vào sinh lực khí thôi. Mà cái đó thì chỉ vợ chồng mới biết được của nhau. - Tào lao quá. Em thấy vợ anh cũng giỏi chịu đựng đấy. - Chú nói thế là sai bét. Vợ ông giáo nhà mình biết chi đến thơ. Có dạo bà còn sai con lên tòa soạn chẹn tiền nhuận bút của chồng cơ đấy. Nhưng gia đình ông giáo vẫn sống êm thuận, có sao đâu. Hà... Đùa tí cho vui thế thôi, chứ thực tế ông giáo nhà mình tội thật đấy. Hôm trước ông tới mình chọn một cái bia trơ... À này, hay là cậu làm quách rể ông giáo đi. Đứa con gái ông giáo cũng khá ra phết đấy! Mùa xuân rây mưa bụi giữa khoảng không, tưởng chừng như chẳng thể chạm tới mặt đất. Mưa tung tẩy vào thi ca những nốt nhạc tháng năm, gọi ngày xưa dạt về bến vắng. Quán cà phê nàng nhộn nhịp khách lạ. Bây giờ mới rõ, đa phần số khách vào uống cà phê mỗi sáng ở quán nàng là công nhân nhà máy sợi. Cuối năm, nhiều người đã khăn gói về quê cũ. Hắn thương người mẹ gầy khô mong ngóng con về ăn hột cơm từ bàn thờ hạ xuống chiều 30. Cũng vì chuyện về hay ở mà hắn đã nạt nộ thằng bạn. Nó giận, về từ chiều 25. Căn nhà càng trở nên lạnh lẽo, thâm u. Hắn nhớ hồi chưa biết tới quán nàng, sáng nào hai thằng cũng ra ngồi ở cái quán chỉ đặt hai bộ bàn ghế mà đến nay ông chủ của sáu ả vịt giời kia vẫn nhắn hắn hoài. Thế rồi từ ngày hắn theo ông giáo đến với nàng... - Ừ thì mày về. Về gặp ai cứ bảo là mày với tao, hai đứa đã lâu không gặp nhau. Còn ai có hỏi đến việc làm thì phiền mày nói hộ rằng tao đã đi làm, lương đủ nuôi sống bản thân. Thật tội, trước lúc về thằng bạn hắn có mua cho hắn hai lít rượu ngon, một mớ cá rô phi thả vào cái chậu lớn, một gói thuốc Jet. Hắn trở về chừng chập choạng, chân nam đá chân chiêu nhưng vẫn nhận ra mọi nhẽ. Mắt hắn bỗng đục ngầu như thú dữ... Hắn buồn lắm. Đã tỉnh mà chẳng muốn dậy, chẳng muốn đi uống cà phê. Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ sao cũng thấy mình như người vừa phạm một sai lầm lớn. Nàng... Thì ra quán nàng ngồi vậy. Ngồi mà ngẫm sự đời, quên phiền muộn. Ai lại đi lệch hướng với mùa xuân bao giờ. Hắn tự ai ủi mình trong tư thế của kẻ vừa thực hiện xong nghĩa cử của một người chồng đối với vợ trẻ. Gã chạm đã tới ngồi chỗ hắn thường khi. Gã cười tươi như một bông hồng đã nở xòe hết cánh. - Hôm qua không thấy cậu, mình cứ tưởng cậu đã về quê. Thế cậu không định về à? - Chưa. - Vậy thì hơi liều đấy. Mình thấy chuyến xe nào cũng chật cứng người rồi. Hắn tự dưng phát cáu: - Không có xe thì ở lại! Gã chạm nhìn hắn bằng con mắt ti hí, cứ như hắn đang tạm trú trong nhà của gã vậy. - Xíu ơi, lấy cho chú mấy điếu thuốc. Đấy, rõ ràng gã chạm không muốn mời hắn tới tất niên, và đương nhiên là không muốn đón hắn vào những ngày mùng... Nàng bước ra. Tay trái cầm cái đĩa đựng năm điếu thuốc. Vẫn đôi mắt đen hun hút cõi tình. Mà sao như là có cái gì đó đang rung rinh, lã ngã trong bộ đồ quen thuộc. Hắn chuyển hướng sang gã chạm. Gã đang cười với nàng. Nụ cười sao mà lẳng lơ, sao mà coi thường khuôn mặt Thượng đế đã dày công kiến tạo. Ôi Trời, nếu như không có ông giáo lếch thếch trong bộ đồ ngủ bước vào thì hắn đã nhổm đít, và rất có thể là tếch lên chuyến tốc hành nào đó. Hắn sẽ quên mảnh đất này, quên gã chạm, quên nàng... - Chiều đến chơi nghe! - ông giáo đặt ghế, mời hắn thân thiện. - Dạ... có gì vui thế ạ? - Ờ, thì ta làm vài ly, gọi là tất niên. Cả chú nữa - ông giáo chỉ tay qua gã chạm - đến nghe! Nhớ đến nghe! Hắn thả khói thuốc đậm đặc, che khuất một phần cổng nhà máy sợi. Mắt hắn cứ chòng chọc về nơi đó, nơi mà công nhân đã ra vào thưa thớt. Nơi chân dung nàng hiện hữu với đầy đủ sự toàn bích thượng tầng. Đấy là khoảnh khắc mờ sáng một ngày cuối năm hai ngàn linh ba. Lúc đồng loạt có dăm bảy chiếc xe máy rồ ga vào quán, đèn còn đỏ rọi vào hàng ghế trong cùng.