Nóng hầm hập. Nóng như nung như nấu. Đến giông bão mất thôi. Cô gái đẩy cửa kính của tòa nhà bưu điện tỉnh, uể oải đi tới ngồi xuống chiếc ghế mềm đặt ở góc nhà. Trong nhà mát lạnh vì lắp máy điều hòa nhiệt độ. Người đến mỗi lúc một đông, đa phần là tránh nóng. Cô gái nhìn ra ngoài. Phía trước là tòa báo tỉnh H, nơi cô sẽ xin vào làm, kề bên là Ban tổ chức chính quyền. “Mày xin việc thì quá dễ. Đã xinh đẹp lại có hai bằng đại học”. Bạn cô bảo vậy. Cô mỉm cười, không đáp. Người ngoài đâu có hiểu nỗi éo le cay đắng của cô. Sáng qua ông ta đến đây. Đây là lần thứ tư hay thứ năm gì đấy trong tháng này, ông đã tới. Cảm giác đó có thể do người mẹ truyền cho qua bao năm tháng và cũng có thể tại ông ta có đôi mắt ti hí với bộ mặt nhẵn nhụi và nụ cười nhạt nhẽo. Người đàn ông ấy cô phải gọi là bố. Đã bao lần cô chứng kiến những cuộc cãi cọ om sòm giữa mẹ và ông ta. Cuộc cãi vã ấy diễn ra khoan nhặt đã trên chục năm. Thời gian đầu ông ta khăng khăng với mẹ, cô không phải là con mình, về sau đã phải thừa nhận – mà một chứng lý không thể cãi là cô giống bố như lột - nhưng ông lại đổ cho mẹ cô nhăng nhít với nhiều gã đàn ông khi ông đi biệt phái công tác ở một nơi xa tít tắp những mấy chục năm trời. Mới cách đây hai hôm vào tầm xế trưa, hai người lại ầm ĩ làm cô đang ngủ trên gác xép phải thức giấc. Mẹ cô sồn sồn: - Bây giờ ông phải lo việc cho cái Phượng. Hai mươi lăm năm, ông đã bỏ rơi nó. Vậy lần này ông nên sám hối, làm việc lương thiện để sau này có nhắm mắt xuôi tay còn có người khóc. - Không phải to mồm mà gào lên như thế. Bây giờ, tôi chả là gì cả, còn lo được cho ai. - Tôi đã nói rồi, không nhờ cậy ông giúp việc to tát gì mà chỉ cần ông viết cho mấy chữ chứng thực là bố đẻ ra nó. Chuyển họ Trần của tôi sang họ Nguyễn của ông. Ông lo cho nó hộ tịch ở trên ấy để nó đi làm. Chỉ có vậy thôi. Nào, ông có làm được không? Im lặng. Nghe rõ tiếng khóc thút thít, tiếng bước chân nặng trịch. - Hồ sơ của nó đâu? Để tôi còn xem thế nào đã. - Không phải xem xét gì nữa! Mai nó lên chỗ ông, và ông phải lo việc cho xong. - Này, tôi không quen nghe lệnh của người khác. - Đấy là ngày xưa còn bây giờ không thế đâu. Phượng thừa nhận, mẹ cô là người ghê gớm, sắc sảo, ăn nói đâu ra đấy. Nhiều lần cô chứng kiến mẹ cô luôn chiến thắng trong các cuộc tranh luận tại cuộc họp dân phố và kể cả đấu khẩu trong chợ hay ngoài đường. Vậy mà người ta bảo ngày xưa mẹ là người đàn bà đẹp và rất dịu dàng. Phải chăng cuộc đời mẹ cay đắng quá, bị đẩy vào thế cùng nên đã đổi thay tính nết? Chẳng lẽ đây là một cách tồn tại, một cách phòng vệ trong cuộc sống? Đôi lúc Phượng hoảng sợ khi thấy mình nhiều khi cũng giống tính mẹ. Tiếng cười ồn ào của nhóm người vào lĩnh bưu phẩm làm cô trở về với thực tại. Một gã đàn ông to béo chừng bốn chục tuổi để ria mép rậm rì đặt thùng thư khoan thai đi đến, ngồi xuống bên cô, tay giở tờ báo ra miệng hỏi: - Xin lỗi em, anh ngồi đây có được không? Phượng điềm nhiên: - Ghế chung, ai ngồi chả được. Gã nhoẻn cười: - Ghê gớm quá đấy. Dẫu sao cũng xin cảm ơn vì được ngồi cạnh người đẹp. Phượng quay mặt ra phía cửa. Có nên đến nhà ông ấy không nhỉ? Suốt từ tám giờ sáng đến giờ, Phượng đã lượn lờ mấy lượt ở ngã tư đường Cầu Mẻ nhưng vẫn phân vân có nên vào nhà ông bố mình không. Nhà ông ấy là một gian hẹp trong khu tập thể rộng của một cơ quan đang chờ sáp nhập. Cô chẳng lạ gì cơ quan này vì đã vài ba lần tới chơi với người bạn cùng khoa. Ông ta ở một mình, không vợ con, không nhà cửa riêng. Đúng ra ông ấy có một gia đình ở làng quê, cách tỉnh lỵ trên chục cây số. Nhà ông rộng ba gian hai chái – lại có hơn một sào vườn với ao kề bên. Vợ ông làm ruộng, vẫn ở quê cùng cô con gái út ngây ngô đã quá lứa nhỡ thì. Mấy đứa lớn con ông – cả trai lẫn gái – đều làm ăn phiêu bạt trong Nam ngoài Bắc. Vậy mà ông không về nhà, cứ ở lì trong khu tập thể hoang vắng này. Ai cũng lạ. Người ta bàn ra tán vào chuyện này. Có người bảo: “Ông ta xấu hổ không dám vác mặt về quê. Mấy chục năm trời đằng đẵng mặc xác vợ con – kể cả khi biết tin vợ ốm, con què do tai nạn, cả nhà đói triền miên – trong khi mình đương quyền chức, có bồ bịch nơi nọ nơi kia”. Lại có người quả quyết: “Ông là hiện thân của chủ nghĩa sống gấp. Suốt ngày ông ta lang thang các quán xá với em út. Lắm đêm còn chẳng về nhà ngủ”. Nhà nước cho ông ta lương hưu, ông trời cho ông sức khỏe hơn người. Bạn xưa cho ông ta chiếc xe máy, bạn nay - một giám đốc Sở đầy quyền lực - cho ông mượn gian nhà ở khu tập thể vài ba năm. Những điều kiện vật chất thiết yếu đều có cả, tất ông được thỏa ý mình. Gã đàn ông ngồi bên nhăn nhở: - Em có điều gì phiền muộn mà rầu rĩ thế? Có thể ngỏ cùng anh cho vơi. Nỗi buồn nên san sẻ cho nhẹ gánh. Nào, em có cần gì không? - Thưa ông, tôi đang cần yên lặng. Gã cau có đứng dậy. “Đến ư? Dứt khoát phải đến ư?”. “Cũng phải cắn răng mà chịu con ạ. Tao biết, ông ấy không xứng đáng là một người bố của con nhưng hoàn cảnh này biết cậy nhờ vào ai”. Mẹ cô rầu rĩ bảo vậy. Bây giờ không có ông ta lo liệu hồ sơ, Phượng sẽ không xin vào làm được trong khi cơ quan báo sẵn sàng tiếp nhận. Giá không tách tỉnh chắc chắn cô chẳng khó khăn thế này. Ở tỉnh Y – nơi mà mẹ con cô sinh sống – rất hiếm việc làm cho một người tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ – tiếng Anh. Thứ tiếng ấy ở đây đã bão hòa. Được người mách, mẹ cô biết ở tỉnh H – nơi trước đây mình công tác – cơ quan báo đang tuyển người biết tiếng Anh. Phượng đã qua sát hạch và trúng tuyển với điểm cao nhất. Nhưng ở đấy họ đòi hỏi phải có hộ khẩu của tỉnh. Vậy là mẹ cô phải lên nhờ cậy ông Phong – cha đẻ của Phượng, người đã bỏ rơi mình suốt mấy chục năm trời. Chuyện về ông Phong, Phượng đã thuộc lòng vì mẹ cô rỉ rả suốt bao năm tháng. Hồi đó mẹ cô và ông Phong cùng cơ quan. Ông ấy là Phó giám đốc, trước kia gọi là Phó ty, mẹ cô là y sĩ phụ trách y tế của cơ quan. “Tao đã quá dại khờ, bỏ vàng mà nhặt chì. Có một anh ở trạm khí tượng thủy văn theo đuổi tao suốt mấy năm trời. Anh ấy quê Thanh Hóa, rất hiền lành chăm chỉ, chỉ tội ít nói. Lão Phong ra sức phá. Cứ thấy anh ta đến là vặn vẹo đủ điều. Có khi bắt tao làm việc này việc nọ để tránh gặp gỡ với anh ấy. Sau này tao được biết lão còn nói xấu tao trước mặt anh đó, vu cho là lẳng lơ, yêu mấy người một lúc. Khi anh ấy chán nản bỏ đi thì lão ta đêm ngày tán tỉnh tao. Lão kể về người vợ dở hơi, sống không hạnh phúc. Lão ước mong tìm được người vợ mới để đến một nơi xa lắc, sống chết có nhau. Rồi một đêm vắng vẻ, tao trao thân cho lão. Khi tao có mang ba tháng, lão nhận quyết định vào Nam. Ông trưởng phòng tổ chức bảo, lão ta xung phong, lên tận Bộ để đề nghị. Đó là năm 1978. Khi lão đi, có một cô dẫn con đến tận cơ quan chửi lão. Sau đó lại có cô nhận là vợ lão đến báo cáo với ông Trưởng ty. Tao đã viết hơn chục lá thư gửi lão, cho cả đứa cháu họ đang công tác ở Sài Gòn đến gặp để kể hết sự tình, nhưng lão cứ chối bai bải. Rồi tao bị kỷ luật, buộc thôi việc. Vậy là một mình vượt cạn nhẫn nhục nuôi con...”. “Vào trong ấy, lão được đề bạt làm Trưởng ty. Công tác đâu độ hơn năm, lão bị giáng xuống Phó ty vì đến chung sống với vợ của một sĩ quan ngụy di tản sang Mỹ. Rồi cô ta cũng tống khứ lão ra khỏi cửa khi biết lão chỉ biết đẽo túi mình trong khi vẫn cặp bồ với nhiều cô khác, dù đã sinh cho lão một đứa con trai bụ bẫm. Cơ quan cho lão nghỉ hưu trước tuổi. Không chốn nương thân, lão đành trở ra Bắc...”. Gã đàn ông to béo quay lại: - Anh biết em đang có điều gì đó chán nản, bực dọc. Anh cũng có một nỗi buồn, nên rất thông cảm với em. Anh có một gia đình tan vỡ. Vợ bị tù vì cờ bạc. Đã thế lại còn chủ động làm đơn ly dị chồng. Cô ta chê anh cổ hủ, lạc hậu, không biết kiếm tiền. Có đứa con duy nhất lại bỏ nhà đi bụi hơn năm nay, vẫn chưa tìm thấy. “Qua sông thì phải lụy đò. Con không lụy lão thì sẽ không có việc làm. Rồi sau này con cũng phải lấy chồng. Chẳng lẽ con là con hoang? Đừng có kiêu kỳ làm gì. Dù trong lòng không trọng nhưng bên ngoài vẫn tỏ ra vui vẻ, tôn vinh. Này, ở trong Nam – vùng Đồng bằng sông Cửu Long – người ta phải sống chung với lũ vì năm nào cũng lũ thì ở đâu?”. Phượng bặm môi. “Phải đến với ông ấy thôi. Đành vậy”. Bỗng nhiên gió ào ào dữ dội, những đám mây đen lê lết kéo tới. Mưa sầm sập. Mưa như trút. Những ngọn gió gào rú, quất ngang quất dọc xuống mặt đất. - Mưa to thế này sẽ chóng tạnh – Gã to béo khoanh tay trước ngực, nói bâng quơ khe khẽ. Mưa vẫn không ngớt, gió lùa vào trong nhà, khi lọt qua khe cửa. Nhà đông chật người. Tiếng nói cười ầm ĩ. Gã đàn ông lặng lẽ ngồi sát bên Phượng. Hẳn là vì nhiều người mới ngồi vào ghế. Phượng cố thu người vào một góc. Được thể, gã lại ngồi dịch vào. - Nếu ông lấn nữa, tôi sẽ đứng dậy! – Cô xẵng giọng. Mưa ngót dần rồi tạnh. Nắng yếu ớt lóe lên. Phượng vội vã chạy ra sân để đến nơi gửi xe. Một đứa bé chừng chục tuổi, mặc quần áo che mưa, từ ngoài đường phóng xe đạp tới. Vào tới sân, nó giơ tay hét toáng lên: - Bố! Mẹ bảo con mang cho bố áo mưa. Phượng ngoái cổ lại. Từ trong hiên, gã đàn ông to béo rậm rì ria mép tươi cười giơ tay đáp lại đứa bé gái.