Dịch giả: Đoàn Dự

 Sau khi từ Tacna trở về, Carmelo Maquera để ý thấy vợ chàng có điều gì đó hơi khác lạ. Lúc đi, chàng đã để lại nàng, một phụ nữ siêng năng thì bây giờ nàng có vẻ lười biếng. Chiếc trục kéo sợi không còn quay trong tay nàng như thường lệ. Món thịt hầm nàng thường chuẩn bị cho chồng vào mỗi buổi sáng trong khi chàng làm các công việc lặt vặt thì bây giờ không còn bốc mùi thơm đầy hương vị như trước. Nàng hay thở dài và thường lơ đãng khi nghe chàng nói. Nàng làm việc chậm chạp, uể oải những khi phụ chàng xén lông cừu, do đó hiển nhiên Carmelo bị trễ hẹn không đi giao sợi len được theo đúng kỳ hạn.
Chuyện gì đã xảy ra với Isidora? Và đó không phải là điều duy nhất làm anh chàng Da đỏ buồn bực. Vợ chàng thậm chí còn từ chối không trải tấm da bên cạnh tấm của chàng lúc đi ngủ nữa. Nàng làm như thế này từ đúng một hôm trước bữa hắn mới trở về: cài chặt cửa buồng phía bên trong, nhất định không chịu mở cho hắn mặc dầu hắn đe dọa sẽ phá cửa. Điều đó thực sự là rất nghiêm trọng đối với hắn.
Suốt ba năm nay trong cuộc sống vợ chồng, những tấm da hai người dùng làm giường không bao giờ trải xa nhau, ngay cả khi họ cãi cọ hoặc đau yếu. Không, vị trưởng giáo đã làm phép ban phúc, không phải để họ ngủ cách xa nhau mà là để nằm chung với nhau, luôn luôn có đôi, đặc biệt là về ban đêm, và đó chính là mục đích của hôn nhân.
Vậy thì bây giờ tại sao Isidora lại từ chối ngủ với hắn? Tại sao nàng lại thích cài chặt cửa bỏ mặc hắn bên ngoài, phải chịu đựng cái giá lạnh nằm co quắp với đám chó đầy bọ chét của hắn? Vấn đề này đòi hỏi phải bàn bạc thật kỹ, có lẽ hắn nên tới Tarata trình bày tất cả với vị trưởng giáo, người đã làm lễ cưới cho hai vợ chồng hắn, và trình bày với Callata, bố đỡ đầu của hắn, người hắn có thể bày tỏ dễ dàng.
Cũng có thể do con chim bù cắt đã bay ngang qua và rít trên chòi nhà hắn? Hay có con cáo nào đã đánh hơi vào chiếc đĩa của hắn – chiếc đĩa đền thờ đã cấp riêng cho hắn dùng để cúng vào đấy những đồng soleo bằng bạc? Hay tại nó đã liếm vào chiếc đĩa rồi cũng chưa biết chừng!
Những câu hỏi cứ lởn vởn trong trí óc khiến hắn không còn thiết trông coi, chăn dắt đàn gia súc ngoài đồng đặng lấy nguyên liệu được nữa. Một bữa hắn bất chợt nổi nóng.
Không cần chờ đến hoàng hôn xua đàn gia súc vào chuồng và đóng cửa lán, hắn bỏ mặc cả gia súc lẫn cánh đồng cỏ, trở về trại thì thấy vợ hắn đang sụt sịt khóc và chùi nước mắt bằng gấu chiếc váy.
- Nàng đang khóc?... Chuyện gì xấu làm trông nàng như có sương mù trong mắt? Hay có ai chết khiến nàng thương cảm nhiều hơn thương tôi?
- Đấy là khói trong chiếc nồi đun. Nó khói nhiều lắm.
- Trước đây chẳng bao giờ tôi thấy nàng khóc vì chiếc nồi.
Có lẽ nàng đã hóa yểu điệu giống như mấy cô tiểu thơ trong các thành phố. Nàng đang có chuyện gì buồn phiền chăng?
- Đúng vậy.
- Tôi có thể can thiệp giùm nàng không?
- Chẳng bao giờ! Vì đó không phải một cái cắt bằng con dao, một cái đánh bằng một cục đá hay một bàn tay...
- Vậy thì nó là cái gì?
- Em không dám nói với anh, Carmelo.
- Có thằng cáo nào quanh quẩn đâu đây chòng ghẹo nàng chăng?
- Còn hơn thế nữa. Y đã gặp em ngoài cánh đồng.
- Rồi nàng đã làm gì?
- Em không thể làm một điều gì bởi vì em chỉ có một mình. Và em đã không ngăn cản được việc không trung thành với anh xảy ra.
Người đàn ông Da đỏ nghiến răng ken két với cái miệng ngậm chặt. Chàng liệng lên nền nhà chiếc bao chàng đang mang trên vai. Mặt chàng méo đi vì giận dữ. Chàng chồm tới trước mặt vợ, cho đến khi mũi chàng gần như đụng vào mũi vợ và chàng rít lên từng tiếng:
- Mi...mi...gian dâm hả? Với thằng nào?
Nàng cố gỡ ra: - Để em kể cho anh nghe tất cả, Carmelo.
Và người phụ nữ dường như bị những cái nhìn đe dọa của chồng khơi dậy sự can đảm nhiều hơn khiếp sợ, nàng bắt đầu kể lại toàn bộ những gì đã xảy ra khiến cuộc sống của họ trở nên u ám.
Sự việc diễn ra trong khu vực cánh đồng trại Capujo cô lập của họ vào buổi chiều chủ nhật trước hôm Carmelo trở về. Hoàng hôn buông dần trong khi nàng đang đắp lại một bờ mương dẫn nước. Bỗng, nàng cảm thấy ở phía sau lưng có điều gì đó bất ổn khiến nàng quay lại. Giữa những thân cây ngô ở phía đằng kia, nàng trông thấy một cặp mắt xấu xa đang theo dõi nàng. Đó là cặp mắt Leoncio Quelopana, người láng giềng. Nàng sợ, định liệng chiếc xẻng mà chạy. Nhưng nàng xấu hổ, cho dẫu là một phụ nữ nàng cũng không thể hành động hoảng hốt như một con thỏ khi trông thấy người.
Bởi vậy nàng mỉm cười che giấu lo lắng rồi hỏi thăm về vợ của Leoncio. Lúc ấy gã đàn ông đã ra khỏi ruộng ngô, đi trên bờ mương chỗ nàng đang lúi húi. Không nói với nàng một tiếng, hắn nhảy chồm vào nàng như một con báo. Hắn chụp lấy nàng. Rồi hắn đè nàng xuống. Một cuộc chiến đấu chống lại hắn diễn ra. Những miếng cắn để hắn bỏ đi(?- Những miếng cắn đã buộc hắn bỏ đi(?)).
Những tiếng la lớn không ai nghe thấy, bởi vì chẳng có ai ở đấy. Ông mặt trời, nhân chứng duy nhất thì lại đang vội vã lặn xuống làm như không muốn trông thấy cảnh xấu xa do tên đàn ông gây ra. Rồi việc gì phải đến thì nó đã đến. Nhưng nàng không muốn như thế. Nàng có thể thề độc điều đó. Nàng vẫn còn cảm thấy nhục nhã bởi việc y đã làm đối với nàng chiều hôm ấy, nàng nguyền rủa Leoncio cho nó bị quỷ tha ma bắt cho rồi.
Nàng chấm dứt câu chuyện: - Khi Leoncio đã xong, rời em, em định chạy ngay tới nhà bố đỡ đầu Callata để kể với bố mọi việc. Nhưng sợ y bắt gặp lại làm như thế nữa nên em lại thôi. Thay vào đó, em về nhà lấy róng cài chặt cửa để đề phòng y quen mùi sẽ đến ban đêm. Ở nhà một mình, em cầu trời cho anh mau về. Và Ngài đã nghe lời em cầu khẩn, Carmelo. Bởi vì anh đã về trong tuần lễ.
Câu chuyện của nàng rất rõ rệt, không sự thật nào thô kệch vào đáng buồn hơn. Tuy vậy anh chàng Da đỏ Carmelo quen leo trèo núi và hoàn toàn không thượng lưu này vẫn không thoả mãn. Phải chăng bằng cách này hay cách khác Isidora đã đồng loã với tên Leoncio? Nàng rất có sức lực, lại sẵn chiếc xẻng trong tay, tại sao lại không tự vệ? Hắn – Carmelo, chồng nàng - chẳng bao giờ hắn xoay xở tìm cách làm cái điều mà tên Da đỏ xâm phạm phụ nữ đã làm. Một khi y hắn đã dám làm, chàng phải ra mặt can thiệp bằng cách rửa nhục.
Một cơn thịnh nộ ghê gớm làm ánh mắt hắn loé lên ngọn lửa căm hờn. Hắn liếc nhìn con dao treo trên vách và giọng gầm lên căm tức:
- Hừ, vậy ra chồng của chị gái tôi đã ăn cắp danh dự của tôi! Việc đó còn xấu xa gấp hai lần bình thường, và tôi sẽ phải đâm vào đúng trái tim y hai lần!
- Không, đừng làm như vậy, Carmelo. Nếu anh giết y, em sẽ vẫn phải ở lại đây. Một người đàn bà cô độc, bị từ bỏ, lúc ấy sẽ có nhiều người đàn ông khác ăn hiếp em. Đó là lý do tại sao em không dám nói với anh mà đành phải cắn răng cam chịu một mình.
- Nếu anh không ra tay, Leoncio sẽ cho là anh sợ. Y sẽ không coi trọng anh và sẽ không để em yên. Anh sẽ không thể đi xa bán hoa màu hoặc len được nữa.
- Anh đừng nghĩ như thế, Carmelo. Nếu y trở lại, chính em là người sẽ đâm con dao vào tim y. Anh có thấy con dao của anh treo trên vách kia không? Nếu lấy nó xuống anh sẽ thấy em đã mài nó rất bén, sẽ đem theo khi phải ra ngoài một mình.
Anh chàng Da đỏ dường như dịu đi với lời can ngăn của vợ. Nhưng một giọng nói nào đó bên trong cho hắn biết rằng mặc dầu vợ hắn nói đúng, nhưng hắn vẫn phải làm một trong hai trường hợp: hoặc nuốt hận, hoặc giết. Nếu nuốt hận, không ra tay, suốt đời hắn sẽ phải cúi mặt sống những ngày còn lại bằng một cuộc sống giả dối làm như không biết gì về một hành động xấu xa mà rồi cả làng Cairani sẽ biết.
Làm sao chàng có thể nhắm mắt làm ngơ như vậy được? Giao dịch với người da trắng người ta có thể giả vờ - thực tế là cần phải giả vờ - bởi vì mưu mô là loại võ khí tốt nhất người Da đỏ phải dùng để chống lại họ. Đó là cái luật thuộc về nòi giống. Nhưng khi giao thiệp giữa người Da đỏ với nhau, che giấu như vậy lại là một hành động hèn nhát không thể biện minh được; nó bị coi như một căn bệnh nhiễm độc tinh thần mà kẻ mắc bệnh không được quyền thở nữa. Bởi lẽ ấy, giữa những người Da đỏ với nhau, sự trừng phạt nghiêm khắc phải được đặt ra. Đúng thế, làm bộ ngây ngô với người da trắng, lừa dối họ, nói gạt họ, dùng thủ đoạn với họ, muốn bao nhiêu cũng được nhưng với người anh em Da đỏ thì không, tuyệt đối không. Nợ phải đòi nợ, hoàn toàn sòng phẳng như một người đàn ông với người đàn ông, không có cách nào khác.
Vậy tại sao chàng không đến nhà Leoncio đòi y món nợ mà y đã tạo nên trong khi chàng đi vắng? Kẻ nào phạm tội kẻ đó phải đền bù. Từ nhỏ chàng đã nghe đi nghe lại hàng bao nhiêu lượt nguyên tắc này. Nó là một trong những trụ cột chống đỡ tòa nhà đạo lý, kinh tế, xã hội của người Da đỏ Ayllo. Nó đã được củng cố bởi các luật sư ranh mãnh và các tay thư ký ưa lý sự mỗi lần chàng lui tới nộp giấy tờ hợp pháp để bênh vực quyền lợi của mình trước những kẻ xâm nhập trái phép.
Quelopana đã chẳng ăn cướp danh dự của chàng đó sao? Vậy thì y sẽ phải trả giá cho chuyện đó. Ý nghĩ này có vẻ thích hợp với chàng hơn việc phục thù. Tại sao chàng lại làm thân xác kẻ khác bị thương tổn trong khi chàng có thể khiến y đau khổ về cái túi tiền? Phải bồi thường tiền bạc là niềm đau đớn lớn nhất, và nó sẽ không dẫn đến hậu quả tai hại là sẽ phải kết thúc đời mình trong tù hoặc trở thành người Da đỏ trốn tránh, không nhà không cửa.
Trí tưởng tượng của Carmelo bắt đầu bị kích động. Chàng thấy mình đang kiện cáo trước vị chánh án; rồi kẻ đối nghịch với chàng phải thú nhận tội lỗi, khúm núm trước những lời phán quyết và những giọt nước mắt của Isidora. Rồi giấy tờ được ghi chép với sự xác nhận của các nhân chứng, rồi cuối cùng tới việc trừng phạt, bắt phải bồi thường. Sự bồi thường! Một số tiền rất lớn mà tổng số của nó Leoncio không thể trả được. Y sẽ bị siết nợ tài sản. Toà sẽ tịch biên trang trại, trâu bò, lợn gà, nói chung tất cả các thứ mà Quelopana đã có. Về phần chàng, Carmelo, chàng sẽ không bằng lòng với bất cứ cái gì mà Quelopana có thể lo được. Nếu việc đó xảy ra, chàng có vô số bạn bè ở Cairani và Tarata, họ sẽ bênh vực chàng, đứng sau lưng chàng. Trời đã ban cho chàng cách thức để biện bạch lẽ phải của mình.
Tin vào sự sáng suốt đó, nhưng đồng thời cũng bị ràng buộc bởi phong tục tập quán, Carmelo quyết định đưa Quelopana ra cuộc phán xét trong làng trước đã. Đầu tiên, chàng phải tới nhà bố đỡ đầu Callata và cũng vị chủ hôn của chàng, người sẽ chủ trì cuộc phân xử.
°
Tại nhà bố đỡ đầu, sau vài ba ly rượu mạnh do chàng tự ý mang theo để đạt được kết quả, Macquera lập lại tất cả những lời vợ chàng đã thú nhận không sót một chi tiết. Chàng nói với giọng nghiêm trọng nhưng vừa phải, bởi vì một cuộc viếng thăm theo nghi thức không cho phép bất cứ sự thân mật nào, kể cả việc chàng trở thành huênh hoang.
Chàng sẵn sàng thề rằng trong khi Isidora kể câu chuyện với chàng, con dao của chàng dường như im lặng lắng nghe và thậm chí, nó có vẻ cầu xin chàng hãy rút nó ra khỏi vỏ. Nhưng chàng muốn nó hãy cứ nằm yên đấy đã, cho đến khi bố đỡ đầu quyết định cách tốt nhất để chàng hành động.
Callata gãi đầu, đưa ly cho chàng rót thêm một ly đầy nữa, uống ực một hớp xuống cổ họng, và, sau khi nhìn lên trần nhà với cái nhìn khôn ngoan sâu sắc của một vị phù thủy, ông khạc ầm ĩ và nhổ đánh phì một bãi nước bọt:
- Rất tốt, Carmelo! Ta đã lắng nghe lời con rất kỹ, bởi vì phong tục của tổ tiên ta đòi hỏi rằng một đứa con đỡ đầu thì phải được nghe những lời khôn ngoan khi nó đến kể với ta về sự thương tổn nó phải gánh chịu và yêu cầu nơi ta những lời khuyên nhủ. Con đã làm đúng khi không nghe lời xúi giục của con dao. Nhưng sự xúc phạm Leoncio đã gây ra cho con còn thiếu một yếu tố buộc tội.
Macquera nhảy nhổm vì lời phê bình, đụng vào chiếc bàn có chai rượu mạnh của chàng, và rất ngạc nhiên, chàng ngắt lời bố đỡ đầu:
- Sao, thưa bố Callata, còn thiếu một yếu tố?
- Đúng, ta muốn nói rằng sự sái quấy chỉ do một mình Quelopana gây ra, không có sự đồng loã của Isidora. Và khi Isidora không đồng lõa, tội xúc phạm của Quelopana chỉ có một nửa.
Carmelo rất kinh ngạc về lối lý luận này. Bố già Callata nói tiếp:
- Tại sao Isidora không thể chống cự được? Bởi vì nàng chỉ có một mình, đơn giản có vậy thôi. Liệu một con gà mái có thể chống cự được không khi con cáo vồ nó bất ngờ và chụp cổ nó trong khi con gà trống chồng nó đang mắc ngủ hoặc đang mắc gáy ở sân nhà khác? Người Da trắng có câu nói: “Dịp may tạo nên kẻ trộm”, và đối với ta, câu đó dường như rất đúng. Hãy đừng quên, con trai đỡ đầu Carmelo của ta ơi, rằng con phải luôn giữ vợ giống như giữ tiền ở trong bụng áo, đặng thằng kẻ trộm không thể đến vồ lấy được. Ta hỏi con: tại sao con đã không cho Isidora đi theo khi lên Tacna?
- Bởi vì không có ai ở nhà trông coi trang trại và đàn gia súc.
- Đúng vậy, trang trại và đàn gia súc rất đáng giá, có khi còn hơn một người vợ. Nhưng đằng này, theo ta nghĩ, vợ con lại có giá trị hơn trang trại và tất cả các gia súc của con. Đáng lẽ con không nên để nó ở nhà một mình. Carmelo, ta bắt đầu nghĩ rằng chuyện Isidora ở nhà do con cố ý sắp xếp như vậy khi đi Tacna. Ta nghe nói ở Tacna người ta có thể có những con gà mái nho nhỏ xinh xinh cho đủ mọi loại con cáo với các giá tiền khác nhau. Có đúng như thế không?
Carmelo mặc dầu đang bị đè nặng bởi hoàn cảnh nhưng cũng mỉm cười tinh quái:
- Bố hiểu biết rộng lắm, thưa bố đỡ đầu Callata. Xin bố hãy chỉ dạy con cách đối phó với Leoncio, bởi vì cả bố lẫn Isidora đều không muốn con dùng tới con dao.
- Nếu nó bồi thường cho con một cách xứng đáng thì đã được coi là đủ chưa hay còn phải điều gì hơn nữa? Con nhận của nó hai trăm soleo được không?
- Quá ít! Isidora không phải là một bà già. Gia đình Leoncio rất khá giả, tại sao lại không phải là năm trăm?
- Mày điên hả, Macquera? Cái thằng tốc váy phụ nữ đó sẽ móc đâu ra một số tiền lớn như vậy? Được, để sau sẽ liệu. Bây giờ mày chịu khó đến thăm các vị khác sẽ hiện diện trong buổi xét xử đêm nay, mọi việc để đấy tao lo. Tao mong thằng Quelopana và vợ nó sẽ không đến trễ.
Có thể nói là không ai được quyền đến trễ hoặc vắng mặt trong cuộc phân xử mặc dầu nó diễn ra vào giờ rất sớm và trong ban đêm gió thổi ầm ầm. Người văn minh gọi lúc ấy là vào khoảng bốn giờ sáng. Theo luật Ayllo, những việc xấu xa thuộc loại này phải được hoàn tất trước khi mặt trời mọc để những người trong làng sẽ không hay biết tí gì về cuộc phân xử, và ông mặt trời sẽ không bị “sốc” vì nó. Ông mặt trời không thích các vụ có bản chất như vậy. Ông ta sẽ nổi giận, đất đai cao nguyên và mùa màng sẽ bị phá hủy. Việc giải quyết phải được thực hiện trước lúc mặt trời thức dậy và phải lên những khoảng đất cao ở gần đỉnh đồi.
Callata, ăn mặc với vẻ quan trọng và nghiêm trang, đưa mắt nhìn khắp chung quanh để tin chắc những người được triệu tập đã có mặt. Hội đồng đã đầy đủ. Kia, ngồi thành một vòng với ông – nhiều người đang cố nén những cái ngáp hoặc đang kín đáo bắt rận - là Manuel Mamani, Inocencio Cahuana, Narciso López, Tomás Condori, và tất nhiên có cả bố mẹ của bên bị cáo, rồi cuối cùng tới Quelopana với hai vị phụ nữ đáng kính của hắn: Isidora và Carlota - chị ruột của Macquera. Như vậy Quelopana tình cờ lại là anh rể của Carmelo, và điều này lại càng thêm phần nghiêm trọng thuộc trường hợp “tố tụng thân quyến” như người ta vẫn dùng trong ngôn ngữ luật pháp. Kẻ phạm tội không kiềm chế được sự vô ý thức của hắn nên đã xúc phạm tới cả người quen.
Các thân nhân của Quelopana bị sốc mạnh trước quan điểm của Callata về đạo lý. Rõ ràng là ông ta cố ý làm nặng thêm, quả tốt cho những gì ông ta sắp đề nghị.
Trong khi mọi người đang quỳ thành một vòng rất tròn chung quanh ông và cảm thấy ăn năn hối lỗi như họ vẫn quỳ trong đền thờ, Callata chỉ tay vào Isidora:
- Isidora Coahila, vợ của Carmelo Macquera, hãy đi làm bổn phận!
Ngay lập tức, người phụ nữ thuộc dòng họ Coahila bắt đầu đi phân phát những nắm lá coca mà nàng đã mang theo trong chiếc túi xách giấu kín dưới chiếc áo khoác cho tới lúc ấy. Bắt đầu từ Callata, nàng cầu xin hãy chấp nhận nắm lá coca khi đối diện với từng người:
- Xin hãy tha thứ cho tôi về tội gian dâm, đây là lần đầu.
Rồi vị trưởng lão Cahuana – bởi vì ông là người già nhất hiện diện – hỏi:
- Leoncio Quelopana! Những lời Isidora nói có đúng sự thật không?
Người bị tra vấn cúi gầm mặt như một tội nhân đối diện với chiếc máy chém. Hắn im lặng một lúc lâu rồi trả lời:
- Thưa đúng sự thật! Thưa đúng sự thật! Xin hãy tha thứ cho tôi tội gian dâm lần đầu.
Callata mắng: - Anh không còn gì để nói thêm nữa sao?
- Dạ, thưa hãy để Carmelo quyết định tiền bồi thường.
Carmelo lên tiếng:
- Tiền tôi tốn công đi tới đi lui lên Tamara ít nhất cũng đáng hơn trăm soleo. Ông thầy cãi của tôi tên Calisaya lại còn đòi rất mắc cho dịch vụ của ông ta nữa. Xin bắt Quelopana phải bồi thường tôi năm trăm soleo!
- Giá đó quá mắc, giá đó quá mắc, tôi tin như vậy! Những mảnh đất nhỏ xíu của tôi đã bị thế nợ hết cả rồi. Trâu bò, lợn gà của tôi đang chết. Năm nay việc gặt hái của tôi thất bát, Carlota đã phải bán nhẫn, bông tai và các nữ trang của nàng để trả cho vị trưởng giáo về tiền bữa tiệc lễ Đức thánh Quan thầy của chúng tôi vừa rồi. Tôi lấy đâu ra mà nhiều như vậy?
Callata nghĩ đây là dịp tốt để can thiệp: - Leoncio! Kẻ nào gây thiệt hại thì kẻ ấy phải bồi thường, và khi tội lỗi đã phạm lớn như tội ngươi, không nên mất thì giờ thắt chặt cái miệng túi tiền của ngươi nữa. Ai bảo ngươi uống nước trong cái giếng thuộc về kẻ khác? Ngươi đã làm bẩn nó thì phải trả nó sạch lại như chủ của nó đòi hỏi.
Quelopana do dự:
- Ngài thấy ba trăm soleo thế nào, thưa papa Callata?
Callata không trấn áp nổi một cử chỉ ngạc nhiên, nhưng cử chỉ đó quá nhẹ đến nỗi chỉ một mình Carmelo, người luôn luôn không rời mắt khỏi ông là có thể thấy. Hai người nhìn nhau chòng chọc và ngầm ưng thuận.
- Được - Callata nói với giọng tự cao tự đại - về nhà lấy  ra đây ngay lập tức.
- Tôi không thể, thưa papa Callata, bởi vì tôi không có sẵn. Sáng mai tôi lên Tarata xem có thể mượn ai được không.
- Không cần. Chính ta sẽ cho ngươi mượn tất cả. Để Cahuana  làm giấy tờ, ngươi ký tên rồi ta có ngay.
Quelopana tự nhiên bị mắc trong chiếc bẫy của mình nên không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận và ký tên. Trong khi đó, vợ hắn, người buồn phiền nhất về cuộc phân xử, rên rỉ:
- Quá lớn! Quá lớn! Quá lớn cho một vụ gian dâm!
Những người khác vẫn còn đang quỳ và người nọ cầu xin người kia tha thứ.
Cuộc lễ đã hoàn tất, mọi người chạm ly với Carmelo và mỗi người lại nhận được một nắm lá coca nữa từ tay Macquera phu nhân. Nàng sẵn sàng mỉm cười, thậm chí còn dám để mắt nhìn Leoncio một cách bình thường. Sau đó mọi người lần lượt ra về, không quên chia tay trước nhất với người phụ nữ và nói:
- Bạn có người chồng rất bảnh, Isidora. Coi chừng lại bị hiếp nữa.
Với Quelopana, họ nói:
- Đừng giữ việc đó trong đầu và đừng làm bất cứ một trò khỉ nào khác đối với vợ tôi, anh bạn tội lỗi! Tôi có con dao hạng nhất trong nhà, xài tuyệt như một khẩu súng.
Khi đã tới lúc vợ chồng Carmelo cũng phải về nghỉ, Callata tạm gác sang bên những lời tiên tri đao to búa lớn của mình, ban cho mỗi người được hân hạnh ôm ghì ông một cái thật chặt. Rồi ông phê bình và nhấn mạnh câu nói của mình với một nụ cười:
- Việc giải quyết thật đẹp. Còn phần chia của ta ra sao?
- Bất cứ bố muốn thế nào, thưa bố đỡ đầu Callata.
- Con nghĩ gì nếu nó là năm mươi soleo?
- Dạ được, rất tốt. Bố giữ năm mươi còn cho lại con số còn lại.
Bây giờ trên đường về trại trên cánh đồng rộng, Carmelo gần như say mê với niềm vui có số tiền quá lớn trong tay, một sự kiện chưa từng xảy ra trong đời, bèn đột ngột dừng lại và nói với vợ một cách khoái trá:
- Coi này, Isidora. Nếu mỗi tháng lại có một vụ gian dâm như vậy thì tụi mình sẽ giàu to, chẳng bao lâu sẽ đủ tiền mua hết đất chung quanh vùng Cairani.
Isidora hỏi: - Vậy thì anh không còn muốn em giữ con dao khi anh đi xa một mình lên Capuja nữa phải không, Carmelo?
(Đòan Dự dịch)

Xem Tiếp: ----