Dịch gia : Đoàn Dự

Mọi người đều ngạc nhiên về việc nghệ sĩ xiếc trẻ tuổi người Nhật gốc Hoa tên Hán, chuyên biểu diễn phóng dao trên sân khấu, đã không may phóng trúng người vợ trong khi đang trình diễn, làm đứt động mạch cổ. Thiếu phụ trẻ đẹp gục xuống chết ngay tại chỗ. Lập tức Hán bị bắt.
Buổi trình diễn hôm ấy có sự hiện diện của ông giám đốc nhà hát; viên phụ tá vẫn làm việc chung với Hán, cũng người Nhật gốc Hoa; người xướng ngôn chương trình kiêm hoạt náo viên; một số nghệ sĩ trong hậu trường, và khoảng hơn ba trăm khán giả ngồi phía bên dưới. Cũng có một cảnh sát viên giữ gìn an ninh trật tự ở trong rạp. Mặc dầu đông đảo như vậy nhưng mọi người không hiểu Hán lỡ tay hay cố ý gây tai nạn.
Tiết mục biểu diễn của Hán thường như thế này: Người phụ nữ - vợ Hán - đứng trước tấm bảng gỗ hình chữ nhật, lưng dựa sát vào tấm bảng, mặt quay xuống phía khán giả. Hán đứng cách tấm bảng chừng bốn mét, lần lượt phóng những lưỡi dao lớn, nhọn và bén ngót về phía vợ, cắm sâu vào tấm bảng làm thành một vòng chung quanh và sát với thân hình nàng. Trước khi phóng mỗi mũi dao, chàng la lên một tiếng thật lớn để khán giả chú ý và làm tăng thêm cảm giác rùng rợn.
Cuộc thẩm vấn của ông Dự thẩm bắt đầu với viên giám đốc nhà hát.
- Ông nghĩ rằng biểu diễn phóng dao là một tiết mục rất khó?
- Không, thưa ngài Dự thẩm, nó không khó đối với một nghệ sĩ đã thạo nghề và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, muốn biểu diễn được như thế, người ta phải có bộ óc thật vững và hết sức chú ý vào công việc.
- Tôi hiểu. Nhưng nếu nghĩ đây là chuyện rủi ro, nó phải là một việc rủi ro rất bất thường?
- Vâng, thưa ngài Dự thẩm, quả thật là rất bất thường. Bởi vì nếu nó không bất thường, luôn luôn xảy ra gây tai nạn chết người thì chắc chắn chúng tôi đã không cho phép biểu diễn tại rạp chúng tôi.
- Ông cho rằng đó là một tai nạn hay sự cố sát nhằm một mục đích nào đó?
- Thưa không, tôi không dám đề quyết như vậy. Theo tôi hiểu, với một khoảng cách gần bốn mét, nói chính xác ra là 3 mét 65 phân, người nghệ sĩ chẳng những phải có tài mà còn có trực giác nhạy bén. Tôi tin tưởng ở tài năng và trực giác của anh Hán nhưng cũng không loại trừ trường hợp lỡ tay gây tai nạn.
- Tôi muốn biết đây là trường hợp cố sát hay lỡ tay gây tai nạn?
- Thưa ngài Dự thẩm, điều đó quả thật ngoài sức phán đoán của tôi. Tôi không căn cứ vào đâu để kết luận được một việc quan trọng như vậy.
Ngài Dự thẩm khẽ thở dài:
- Thôi được, xin cám ơn ông giám đốc. Mời ông về nghỉ.
- Đa tạ ngài Dự thẩm.
Ông giám đốc cúi chào và đi ra. Còn lại một mình, ngài Dự thẩm rất khó nghĩ. Đây là trường hợp làm chết người nhưng cố sát hay tai nạn? Khó kết luận được. Nếu cố sát, kẻ sát nhân đã rất khôn khéo, biết cách che mắt cả công lý.
Tiếp theo, ông ra lệnh cho nhân viên cảnh sát tư pháp mời người phụ tá trình diễn vào. Theo hồ sơ, ông biết người này đã làm việc chung với Hán từ nhiều năm nay.
- Ông quen lâu với Hán, xin cho biết tư cách của anh ta thế nào?
- Rất mẫu mực, thưa ngài Dự thẩm. Anh ta không cờ bạc, rượu chè, nghĩa là không có các thói xấu thường tình. Ngoài ra, anh ta còn là một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo. Tôi thường thấy anh ta coi sách kinh Thánh và nghiên cứu những cuốn Phúc âm, đại loại như vậy. Lúc rảnh anh ta rất chịu khó học tiếng Anh.
- Còn vợ anh ta?
- Cũng rất nghiêm túc. Chắc ngài biết anh em nghệ sĩ quen sống nay đây mai đó như chúng tôi không phải là những người gương mẫu nhất. Chị Hán vừa trẻ vừa đẹp, lại được ái mộ, tất nhiên có nhiều người ve vãn nhưng chị ấy vẫn nghiêm trang, không để ý tới chuyện đó.
- Cách cư xử hàng ngày của họ đối với mọi người như thế nào?
- Rất lịch sự, không bao giờ làm phật lòng người khác. Tuy nhiên...
- Xin cứ nói tiếp!
- Tôi e rằng những chi tiết sau đây có thể bất lợi cho Hán, bạn tôi.
- Không, chúng ta chỉ muốn tìm ra sự thật. Tôi cũng như ông vậy thôi, có bổn phận tìm ra chân lý. Một người cầm cán cân công lý không có nghĩa là có ác cảm đối với người bị nghi ngờ. Làm như thế là sai. Cái lỗi muốn nhân danh pháp luật để khép tội người khác thì cũng nặng như tha lầm một kẻ có tội. Ông cũng như tôi, chúng ta làm theo lương tâm.
- Vâng, thưa ngài Dự thẩm, phải nói rằng giữa hai vợ chồng với nhau, họ quan hệ không được tốt đẹp. Nhiều khi tôi thấy họ gây lộn dữ dội, gần như thù hằn, căm ghét lẫn nhau.
- Tại sao vậy?
- Tôi không hiểu rõ nguyên nhân, thưa ngài.
Vị Dự thẩm nhíu mày suy nghĩ.
- Những cuộc gây lộn như vậy đã xảy ra từ lâu hay chỉ mới đây?
- Thưa từ lâu cũng có, mới đây cũng có. Cách đây khoảng chừng hai năm, chị Hán có thai, đứa trẻ sanh thiếu tháng, ba ngày sau thì chết. Từ đấy quan hệ vợ chồng của họ không được tốt đẹp. Họ thường hay gây lộn một cách khủng khiếp với những lý do hết sức lặt vặt. Những lúc như thế anh Hán có vẻ rất căm giận, mặt trắng bệch như tờ giấy. Rồi cứ đang cãi lộn tự nhiên anh ấy nín bặt, nhường nhịn không nói một tiếng nào nữa mặc dầu ánh mắt gần như tóe lửa. Một lần tâm sự với Hán, tôi hỏi tại sao đã căm ghét nhau như vậy hai người lại không ly dị? Anh Hán trả lời rằng tôn giáo của anh ấy không cho phép ly dị, hơn nữa cũng không có lý do chính đáng để xin ly dị.
- Thế còn chị Hán?
- Chị ấy là một phụ nữ rất đáng thương hại. Lấy chồng được ba năm nay, luôn luôn theo chồng đi trình diễn khắp nơi. Theo tôi hiểu, nếu ly dị chị Hán sẽ không biết sống vào đâu được nữa. Người theo đuổi thì nhiều nhưng không ai muốn hỏi cưới đàng hoàng một phụ nữ vừa mới ly dị và đã quen sống cuộc đời nghệ sĩ.
- Theo ông nhận xét, cái chết đó ra sao? Tai nạn hay cố ý?
- Thưa ngài Dự thẩm, việc đó tôi không dám chắc. Tôi nhìn theo cái nhìn chủ quan của tôi, có thể lầm lẫn. Tôi có nói chuyện với anh điều khiển chương trình thì chính anh ấy cũng không biết rõ.
- Tôi hiểu. Nhưng tôi muốn hỏi một điều như thế này: lúc ấy ông cũng có mặt ở đấy, ông đã nghĩ như thế nào ngay khi sự việc vừa xảy ra?
- Thưa ngài, ngay khi xảy ra sự việc, đầu óc tôi thoáng nghĩ - xin lỗi - tôi thoáng nghĩ: "Ồ, quả đúng như vậy, hắn đã ra tay giết nàng!"
- Nghĩa là ông nghĩ Hán đã mưu sát, có phải vậy không?
- Vâng, chính thế, nhưng anh bạn tôi lại nghĩ khác, anh ta cho rằng Hán lỡ tay gây tai nạn.
- Có thể do người bạn không biết rõ sự xích mích giữa hai vợ chồng Hán.
- Bởi vậy nên tôi nói rằng tôi có cái nhìn chủ quan, có thể sai lầm chứ không khách quan như cái nhìn của người bạn.
Ông Dự thẩm nhắm mắt, khe khẽ gật đầu tỏ ý hiểu.
- Vậy ngay sau khi xảy ra tai nạn, phản ứng của Hán thế nào?
- Anh ta kêu "Ối"! một tiếng thật lớn, tôi giật mình ngửng lên thì thấy lưỡi dao đã cắm phập bên cổ chị Hán sát với cuống họng. Máu phun có vòi. Một vài giây chị ấy còn đứng vững, cặp mắt thất thần. Sau, hai đầu gối chị ấy từ từ khuỵu xuống rồi thân hình ngã vật ra phía đằng trước, con dao văng xuống sàn. Tất cả chúng tôi đều như hóa đá, giương mắt trân trối nhìn người bị nạn. Tôi chợt hiểu đã có chuyện không hay xảy ra và đầu óc thoáng nghĩ: "Ồ, hắn đã; ra tay giết nàng!" Anh điều khiển chương trình nhanh trí cho hạ màn hay chính anh ấy hạ tôi cũng không biết nữa. Tôi liếc mắt nhìn Hán thì thấy mặt mũi anh ấy trắng bệch, hai mắt nhắm nghiền. Chúng tôi chạy tới nâng chị Hán dậy, chị ấy đã tắt thở. Anh Hán quỳ gục dưới chân chị Hán. Chúng tôi đem chị ấy đi, anh Hán vẫn quỳ như người cầu nguyện theo tính cách riêng của tôn giáo anh ấy.
- Chắc anh ta bị xúc động?
- Vâng, hết sức xúc động, thiểu não như người chết rồi.
- Tốt lắm. Nếu có gì cần tôi sẽ cho mời ông sau. Xin cám ơn ông.
- Vâng, không dám, xin cáo từ ngài Dự thẩm.
Người phụ tá ra xong, vị Dự thẩm quyết định cho gọi nhân vật chính.
Hán được hai nhân viên cảnh sát tư pháp dẫn vào. Nét mặt thông minh, sáng sủa của anh ta trông ủ rũ, xanh xao và rất kiệt quệ.
Vị Dự thẩm chỉ chiếc ghế trước mặt bảo anh ta ngồi. Hai viên cảnh sát đứng phía sau lưng bị cáo.
- Tôi đã hỏi những người khác, bây giờ tới lượt anh.
Hán cúi mặt, lễ phép nhưng nhanh nhẹn:
- Thưa vâng.
- Hãy cho tôi biết anh có yêu vợ anh không? Nên nhớ tất cả các lời khai của các bị cáo đều được Lục sự ghi vào biên bản.
- Vâng. Thưa từ lúc làm đám cưới đến khi sanh đứa con trai đầu lòng, tôi yêu vợ tôi còn hơn chính bản thân tôi nữa.
Vị Dự thẩm rất ngạc nhiên về câu trả lời khúc chiết của Hán. Nó chứng tỏ anh ta là một người có học.
- Tại sao sau khi sinh đứa con trai, quan hệ giữa hai người lại thay đổi?
- Thưa ngài Dự thẩm, bởi vì tôi biết chắc nó không phải là con của tôi.
Vị Dự thẩm nhíu mày:
- Vậy chắc anh biết rõ ai là cha nó?
- Vâng, rất rõ. Đó là người anh họ của vợ tôi.
- Anh quen biết với người này?
- Vâng, rất quen. Chính anh ta đã giới thiệu cho chúng tôi lấy nhau và luôn luôn thúc giục tôi cưới nàng.
- Nếu vậy, theo tôi hiểu, có lẽ họ đã liên hệ với nhau từ trước?
- Thưa vâng, chúng tôi lấy nhau được tám tháng thì vợ tôi sanh.
- Người ta nói vợ anh sanh non?
- Không, thưa ngài Dự thẩm, đó chính là điều tôi giải thích với mọi người. Tôi không muốn bạn bè biết rõ việc ô nhục trong gia đình tôi.
- Đứa trẻ chết rất gần sau khi sinh, có đúng vậy không?
- Thưa vâng.
- Chắc nó chết bệnh?
- Thưa không, do chính mẹ nó ấn vú vào mũi và vào miệng nó khiến nó chết ngạt.
- Tại sao nàng làm như vậy?
- Nàng giải thích với tôi đó là sự rủi ro, do nàng còn thiếu kinh nghiệm trong việc nuôi con.
Vị Dự thẩm nhíu mày suy nghĩ, cặp mắt theo dõi những biến chuyển trên nét mặt Hán. Trong khi đó dường như Hán không để ý, vẫn chờ đợi những câu hỏi tiếp.
- Vợ anh có thú nhận với anh về câu chuyện cũ hay không?
- Thưa không, nàng không thú nhận mà tôi cũng không muốn hỏi. Tôi tự an ủi rằng cái chết của đứa trẻ đã là một sự trừng phạt đối với nàng rồi. Bởi vậy tôi quyết định đối xử với nàng một cách bao dung. Thế nhưng...
- Nhưng anh không thể tha thứ?
- Vâng, tôi không thể tha thứ bởi vì nàng vẫn tiếp tục lừa dối tôi. Hơn nữa tôi nghĩ rằng cái chết đó do nàng cố ý gây ra. Nó không phải là một sự trừng phạt khi nàng chủ mưu.
Tôi chán ghét nàng, căm hận nàng vì bị nàng lừa dối.
- Tại sao hai người không ly dị? Vì lý do tôn giáo?
- Thưa không, tôn giáo là linh hồn, cuộc sống là thể xác. Linh hồn và thể xác tôi bị đày đọa, tôi muốn xin ly dị nhưng nàng không chịu. Nàng nói nếu tôi bỏ nàng, nàng sẽ tự vẫn.
- Nàng còn yêu anh?
- Thưa không, tuyệt đối không, nàng không yêu tôi.
- Nếu vậy tại sao nàng không chấp nhận?
- Theo tôi hiểu, việc đó hoàn toàn tùy thuộc vấn đề kinh tế. Nàng mồ côi từ nhỏ, cả cha lẫn mẹ, gia sản còn lại đã bị người anh phá tán nên không còn nơi nương tựa. Nếu bị tôi bỏ, nàng sẽ không thể sống tự lập vì đã quen nhàn hạ, đôi chân quá nhỏ để đủ kiên nhẫn làm những công việc tầm thường.
- Xin lỗi, vợ chồng anh có hay liên hệ xác thịt với nhau không?
- Có, lúc mới lấy nhau. Còn sau này thị không bởi vì tôi biết nàng không yêu tôi, luôn luôn tỏ thái độ căm ghét và khinh bỉ tôi.
- Anh đã làm gì để nàng khinh bỉ?
- Thưa ngài, tôi là người chồng. Một phụ nữ khi đã yêu một người khác mà phải lấy một người khác, họ thường khinh bỉ dù người đó có lỗi hay không có lỗi. Cái khổ của cả hai chúng tôi là người nọ căm ghét người kia song vẫn phải chung sống với nhau, không thể làm khác hơn được.
- Đã có khi nào anh nghĩ tới chuyện giết nàng chưa?
Hán im lặng không trả lời khiến vị Dự thẩm phải hỏi tới lần thứ hai. Anh ta giật mình:
- Thưa có. Tôi thường mong cho nàng chết. Tôi tưởng tượng nếu nàng chết chắc chắn tôi sẽ sung sướng lắm, sẽ thoát khỏi cảnh đọa đầy.
- Mong cho nàng chết chưa phải là nghĩ đến giết. Có lẽ anh sợ pháp luật?
- Thưa không, tôi không nghĩ đến phương diện pháp luật. Gần hôm xảy ra sự việc, tôi bỗng nghĩ đến việc giết nàng.
- "Bỗng nghĩ" sau đó bỏ qua hay từ đó luôn luôn để ý tính toán kế hoạch?
- Thưa có lẽ tôi nghĩ đến nhưng không xếp đặt kế hoạch. Bởi vì tôi đã suy nghĩ rất lâu, gần trọn một ngày và một đêm.
- Chính xác là khi nào?
- Thưa, đêm hôm trước và cả ngày hôm sau, trước khi trình diễn.
- Chắc hai người lại gây lộn?
- Vâng.
- Nguyên nhân?
- Một việc hết sức lặt vặt rất không đáng nói. Lỗi cũng chẳng phải tại tôi hay tại nàng.
- Không, cứ cho tôi biết. Tôi sẵn sàng nghe.
- Thưa vâng, câu chuyện về việc ăn uống. Tôi có thói xấu là rất háu đói, hoặc nếu chưa đói giờ giấc ăn uống cũng phải nghiêm túc. Những người làm xiếc chúng tôi thường hay ăn nhẹ vào lúc buổi chiều để giữ cho đầu óc được tỉnh táo, rồi đến ban đêm, khi trình diễn xong, nghỉ ngơi, tắm rửa sau đó mới ăn bữa chính. Đêm hôm trước, khi trình diễn xong, vợ tôi bỏ đi đâu không chuẩn bị gì cả khiến tôi tức bực. Lúc nàng về, tôi hậm hực, rầy la nàng và nàng cãi lại, chỉ trích tôi bằng những lời lẽ thậm tệ. Tôi giận dữ gần như phát điên, cũng dùng lời lẽ độc ác để chửi lại rồi bỏ đi ngủ. Nhưng đầu óc tôi chán nản không sao ngủ nổi. Tôi nằm trằn trọc, tự nghĩ: "Chỉ trừ khi vợ ta chết! Chỉ trừ khi vợ ta chết"! Tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao lại không nghĩ đến việc giết nàng. Giết nàng quá dễ, chỉ cần phóng trật một lưỡi dao, chẳng ai bắt tội được tôi. Nhưng tôi lại không muốn thế, tôi mong nàng chết tự nhiên có lẽ do tính quen nhu nhược. Tôi biết rõ nếu phóng dao giết nàng, luật pháp không có bằng chứng bắt tội được tôi, nhưng tôi cũng biết rõ nếu làm như vậy, tâm hồn tôi không thoải mái, sẽ chỉ là chuyển từ trạng thái đau khổ này sang trạng thái đau khổ khác mà thôi.
- Rồi sao nữa?
- Cho đến sáng tôi vẫn không sao ngủ được, cứ hễ chợp mắt một lát tôi lại tỉnh và nằm thao thức, miên man nghĩ đến giải pháp này giải pháp nọ. Từ trong thâm tâm, tôi tự hiểu rằng con người tôi giằng co giữa hai thái cực, dù nghĩ đến mấy tôi cũng không thực hiện được. Ở giường phía góc, vợ tôi cũng đang trằn trọc, lâu lâu lại thở dài. Thì ra nàng cũng không ngủ nổi, sáng dậy nét mặt bơ phờ, buồn bực.
- Rồi hai người làm lành với nhau?
- Thưa không, chúng tôi không ai nói với ai một tiếng nào cả, vì có một cái hố ngăn cách chẳng ai muốn bước qua. Buổi sáng hôm ấy tôi lang thang tại những nơi vắng vẻ trong thành phố, không thiết đến ăn uống. Lỗi này tại ai? Chẳng tại ai cả, chung quy chỉ do sự không thông cảm, không thể hòa hợp với nhau. Tôi mệt mỏi, chán ngán, ý nghĩ giết vợ tan dần mà cũng chẳng thiết tới việc biểu diễn. Nghề của chúng tôi rất cần đầu óc minh mẫn, nếu nghỉ, gánh xiếc rất tôn trọng, sẽ thay thế tiết mục khác. Vậy mà không hiểu tại sao tôi không xin nghỉ, khi tiết mục tới lại xuất hiện trên sân khấu. Người tôi mụ mẫm, mệt mỏi rã rời. Suốt từ chiều hôm qua tới tối hôm nay tôi chưa ăn uống một miếng nào cả. Hình như nàng cũng vậy, nàng mặc bộ đồ bó sát thân hình, tươi cười làm những cử chỉ nhanh nhẹn, cúi đầu chào khán giả với tiếng vỗ tay vang dội, nhưng bên trong đó là một con người hoàn toàn khác hẳn, đau khổ, chịu đựng, vượt quá nỗi buồn của một con người.
Khi nhắm đích phóng lần đầu tiên, tôi chợt cảm thấy là rất nguy hiểm: đêm nay cơ thể tôi mệt mỏi, tinh thần bạc nhược không được bình thường như những lần trước. Thật là dại, lẽ ra tôi phải xin nghỉ hoặc đổi một tiết mục khác như thẩy các trái banh nhỏ chẳng hạn, đỡ nguy hiểm hơn.
Đã lỡ không thể rút lui được nữa, tôi phải nhắm kỹ tới lần thứ hai. Tôi biết rằng tay tôi hơi run, việc đó chưa hề bao giờ xảy ra. Vút, tôi la lớn, lưỡi dao phóng đi. Trật, cách xa đầu nàng tới hơn hai phân so với bình thường. Vợ tôi sửng sốt, thoáng chút ngạc nhiên. Nàng giang rộng hai cánh tay. Tôi phóng một mũi phía trên, một mũi phía dưới, lại trật. Người tôi toát mồ hôi lạnh, tay tôi không còn phải là của tôi nữa, tôi chỉ mong cho chóng xong để được nghỉ.
Trong khi đó vợ tôi nghiêng đầu. Tôi phải phóng mỗi bên một mũi sát với cổ nàng. Mũi dao vút di, vẫn thiếu chính xác. Tới mũi thứ hai, tôi vung tay, thật kỳ lạ, nàng hơi giật mình, ánh mắt dường như sợ hãi khủng khiếp, không phải nàng sợ tôi mà sợ sự vụng về thô kệch khác thường của tôi. Vậy là chết! Tôi khẽ kêu "Ôi!" một tiếng, đầu óc quay cuồng đảo lộn. Nếu nhanh trí tôi đã có thể hướng mũi dao ra được bên ngoài!...
- Người ta nói sau khi nàng chết, anh đã quỳ gục dưới chân nàng, âm thầm cầu nguyện?
Người đàn ông trẻ im lặng suy nghĩ, ánh mắt rất buồn, sau đó khe khẽ lắc đầu:
- Thưa không, tôi giả bộ như vậy chứ không phải tôi cầu nguyện. Tôi biết rằng làm bộ đau khổ mọi người sẽ thông cảm, coi đó là một tai nạn.
- Và anh tin rằng anh đã thành công trong việc tạo cho mọi người cảm giác tai nạn?
- Không, lúc đầu tôi nghĩ là cần phải tạo cho mọi người cảm giác rằng tôi rất đau đớn. Nhưng sau tôi không để ý đến nữa, bởi vì một câu hỏi lớn đến với tôi: quả thật ta đã giết nàng hay không giết nàng? Tôi băn khoăn, thắc mắc không hiểu mình chủ tâm mưu sát hay không mưu sát. Cuối cùng, một ý nghĩ chợt đến khiến tôi sung sướng muốn hét to lên như đã tìm ra chân lý, không còn bị đau khổ, dằn vặt nữa.
- Chắc anh tìm ra đó là ngộ sát?
- Thưa không, tôi nghĩ tốt nhất hãy trình bày tất cả sự thực trước công lý, không hề giấu diếm một chi tiết nào rồi tùy công lý phán xét. Nếu tôi có tội, pháp luật trừng trị cách nào tôi cũng chấp nhận kể cả việc bị tử hình, vì khi ấy tôi sẽ hoàn toàn thoải mái, không còn thắc mắc, cắn rứt trong lương tâm. Tôi biết nàng không có lỗi đến nỗi bị giết...
"Vị Dự thẩm im lặng một lát, sau đó khe khẽ gật đầu:
- Tôi tin những điều anh trình bày đều là sự thật.
Bây giờ tôi muốn hỏi anh một câu cuối cùng: sau khi người vợ chết, chắc anh buồn lắm?
- Thưa không, nói ra có vẻ bạc miệng nhưng sự thật ngay lúc đang quỳ làm bộ cầu nguyện, tôi cũng rất sung sướng, hoàn toàn thoải mái. Tôi thấy nhẹ nhõm như người vừa thoát khỏi một địa ngục. Mặc dầu ngoài mặt làm ra vẻ buồn rầu, đau khổ nhưng trong lòng tôi rất thơ thới, hân hoan. Tôi sẵn sàng nói đến cái chết của nàng một cách chi tiết.
- Thôi được, anh có thể ra ngoài. Mọi thủ tục sẽ tiến hành sau.
Hắn ngạc nhiên nhìn ông Dự thẩm. Sau đó, chợt hiểu, anh ta sung sướng cúi đầu thật thấp cảm tạ rồi theo hai người cảnh sát đi ra khỏi phòng.
Còn lại một mình, vị đại diện pháp luật ngồi im lặng suy nghĩ, cặp mắt nhìn trân trối vào bức tường trước mặt nhưng không để ý tới nó. Một lúc lâu sau, ngài với tay lấy cây bút, ghi hai chữ "Vô tội" vào lề tập hồ sơ đang thụ lý, rồi đề ngày tháng và ký tên người chịu trách nhiệm ở bên dưới.
Đoàn Dự dịch

Xem Tiếp: ----