Em ngửa mặt nhìn lên, Thác Bạc như dải lụa trắng lấp lóa thả từ trời cao xuống, nước ào ạt ôm lấy tấm thân con gái mảnh mai. Cuồng nhiệt, dữ dội.
 
Em nghĩ đến vòng tay rắn chắc, bờ ngực vạm vỡ của anh trong lần gặp đầu tiên, làm em suýt ngất vì ấn tượng. Hai bên là núi cao thăm thẳm, đằng sau là vách đá cao vút, vững chắc.
Em dựa lưng vào đá, hai bàn tay nhỏ như tay trẻ lên mười vò nhàu mái tóc mềm của anh. Nụ hôn mát lem như nước đá, quá dài làm em ngộp thở. “Tham thế?”. Em hét to nhưng giọng bị chìm đi bởi tiếng thác nước ầm ầm.
“Em thấy sao?” “Thích lắm! Biết thế này em bỏ biển lên rừng với lão từ lâu rồi”. Cứ phải ghé sát vào tai nhau những lời tâm sự. Em lọt thỏm trong vòng tay anh, cả hai ôm chặt lấy nhau, mặc cho nước từ trên trời xối xả dội xuống. Hai tấm thân nóng dần lên, hầm hập như bị sốt.
Chủ nhật tuần trước, em gọi điện lên rừng. “Rừng thế nào rồi?” “Biển thế nào?” anh chất chưởng hỏi lại. “Biển vẫn sóng gió thế, nhưng mấy hôm nay bị cắt điện, nóng không chịu được”.
“Người bé như cái kẹo nóng gì mà nóng?” “Nóng ở bên trong ấy. Hiểu chưa? Lão tưởng nặng hơn em hai chục kilô mà ghê lắm à? Thường thôi!” “Em bắt chước câu cửa miệng của một nhân vật trong chương trình hài.
Tiếng cười con gái biển phóng khoáng, ào ạt. Hồi đầu mùa hè anh trốn việc xuống biển tìm em. Đây là lần đầu hai đứa hò hẹn. Qua điện thoại thấy giọng em vỡ òa vì mừng, run run vì bất ngờ”. “Lão nói thậy đấy chứ?” “Thật! Anh trốn đi với em đấy”.
“Cố lo tiền xe đò, còn xuống đây đã có em”. “Cô coi thường nhà báo quá. Chẳng lẽ không có quỹ đen?”. “Cả hai nói vậy là tránh nhắc đến một người. Không phải vì sợ mà đều nể phục. Người đàn bà ấy quá hiền lành, chân thật. Đó là vợ anh.
Biển không xanh ngắt, phẳng lặng như hồi cuối năm ngoái. Những con sóng màu trắng đục hăm hở lao vào bờ, xô vào lưng nhau nhảy vọt lên. Em cũng ào đến như một con sóng, đánh đu trên cổ anh.
“Thế nào cô bé. Vẫn nhẹ như sợi bấc thế này à?” “Đúng thế! Đang chết khô, chết héo vì chờ đợi lão đấy!”. Em vẫn gọi anh là lão, có lần anh cự nự, em cười khanh khách. “Gọi lão cho có vẻ người nhà. Lão già! Ha ha ha…! Với lại hơn người ta hai chục tuổi, gọi lão còn oan ức gì?”.
Em kiễng hai bàn chân, cọ cái mũi hếch vào cằm anh. “Ngứa quá! Như là bàn chải giặt”. Vừa dắt tay anh lôi đi em vừa hỏi: “Thích ăn gì em chiêu đãi!” “Rau dưa thôi! Còn để đòi cái khác”. “Giời ơi! Lão đòi ăn rau là chết người rồi đấy.
Hai nghìn một bó rau muống bằng chét tay, đắt hơn cả mực tươi”. “Thế thì ăn cá, tôm gì cũng được. Sao lông mày lại cắt đi thế này?”. Em nhíu mắt nhìn anh, cặp lông mày ngắn không đen rậm như trước nữa. “Tại con Uyên đấy. Nó rủ đi săm lông mày, đau quá nên em bỏ dở”.
“Lông mày để tự nhiên mới đẹp. Sao lại săm?”. Nghe anh hỏi như quát, bàn tay trẻ con che vội cái trán dô bướng bỉnh “Nó bảo phải tỉa bớt, săm cho dài một tí mới đẹp. Em muốn lão nhà báo mê mình hơn”. Anh tát yêu lên má em.
“Dở hơi! Cứ để tự nhiên thế, cấm son phấn tỉa tót gì cả. Lúc nào anh cũng thấy em đẹp!”. “Điêu!”. Em đỏ mặt. Biết mình không đẹp, nhưng nhiều người bảo nhìn lâu thấy em có duyên. Riêng anh, ở với em thời gian mới phát hiện đằng sau cái tính thẳng băng như “mực tàu kẻ chỉ” là tính hay thương người, biết chiều chuộng và khéo lo toan.
Em tự trách mình đã xấu còn hay kén, nên hai lăm, hai sáu tuổi đầu chưa có chồng. Kể ra cũng có mấy đám đến cặp kè, nhưng chỉ dăm bữa, nửa tháng là em bỏ của chạy lấy người. Số em gặp toàn những đám dở hơi hoặc tiểu nhân, không chịu nổi.
Em gặp anh như một định mệnh. Trong hội nghị tổng kết trao giải cho cuộc vận động viết về du lịch biển, anh “tên đàn ông ở rừng” lại đoạt giải nhất. Nghe đọc tên anh, em giật mình vì đã gặp khá nhiều lần trên các trang báo. Đọc những bài phóng sự hấp dẫn ấy, em vẫn khen con mẹ nhà báo nào mà sắc sảo thế. Hóa ra là anh, một đàn ông trung niên.
Khi anh bước lên nhận giải, em bị choáng vì bất ngờ gặp lại một khuôn mặt rất thân thương. Anh cao lớn, chắc đậm. Mái tóc lòa xòa trước trán, cái miệng rộng với nụ cười “chết người”, hai cánh mũi to, cặp mắt trũng sâu mơ ngủ.
Tất cả đều giống in mẹ em. Nếu mẹ là bố, em đã nghi ngờ ngày xưa ông có mối tình nào đó trên rừng. Em cuống lên đến không tự chủ nổi mình, vội giật phắt bó hoa trên tay người ngồi cạnh, chạy lên tặng anh, hấp tấp vướng chân vào dây micro, suýt ngã chúi về phía trước.
Cả hội trường cười ồ. Anh kịp đưa tay ra đỡ. “Bình tĩnh cô bé. Tặng hoa tôi? Cám ơn!”. Lúc tan cuộc em cố chen đi tìm gặp anh. “Xin lỗi anh, em cứ tưởng anh là con gái. Em biết anh từ lâu…
Qua các bài báo ấy mà!”. Câu nhận xét này anh đã nghe nhiều lần. Rất nhiều người đọc báo, tưởng anh là phụ nữ, đến khi gặp mới ngạc nhiên. Đàn ông gì mà tên như tên con gái? Anh chỉ cười “Cha mẹ đặt tên thế mà…”.
Em chẳng biết giải thích thế nào. Chỉ biết sau khi tặng hoa cho anh, em đinh ninh đã gặp được người đàn ông của đời mình và quyết chiếm bằng được. Tính em cực đoan và bảo thủ, muốn làm gì là làm bằng được, không ai ngăn cản nổi.
Trong nhà bố còn ngại đối đầu với em cơ mà. Các anh chị thì gọi em là “công nông đầu ngang”. Em hợp với mẹ hơn bởi mẹ biết an ủi, chiều chuộng mà tính em lại thích được chiều. Mẹ bị bệnh ung thư mất ba năm nay.
Lúc sắp đi, mẹ còn cố giơ bàn tay khô gầy vuốt mái tóc ngắn ngủ của em. “Thương… quá! Mãi… con chẳng… lấy chồng”. Mẹ mất, em như phát điên, đến không nhỏ nổi một giọt nước mắt. Nên nhìn thấy anh là lòng em nhói lên nỗi nhớ mẹ.
Ba tháng sau lần gặp ấy, em liên tục điện cho anh. Cả hai trò chuyện, tâm sự và quyết định yêu nhau trên máy điện thoại. Con gái miền biển “ăn sóng, nói gió”, lúc nào cũng ào ào, nên làm anh ngại. Lần ấy qua điện thoại giọng em chợt mềm như gió thu: “Anh! Đừng lẩn tránh nữa. Em yêu anh!”.
Đầu dây phía rừng lặng đi một lúc, làm em hốt hoảng, gào lên: “Anh còn nghe em nói không đấy?”. Tiếng anh luống cuống: “Còn… còn! Sao em liều thế? Em đã hiểu gì anh đâu…”.
“Hiểu rồi! Một vợ hai con. Vợ trước là công nhân dệt, không hợp nhau nên ly dị, vợ hai là giáo viên. Hồi còn ở lính anh hay lý sự với cấp trên nên bị kỷ luật hạ hai cấp liền. Đủ chưa?”.
Anh cáu: “Biết thế còn đâm mặt vào?”. “Này nhà báo ăn nói hơi mất lịch sự đấy. Em chấp nhận vì thấy chẳng tên đàn ông nào bằng anh. Tiếc rằng gặp anh muộn quá, không anh đã là của riêng em rồi!”. “Đừng liên thiên cô ạ. Lúc tôi lấy vợ, khéo cô còn chưa đẻ!”.
“Thì bây giờ em lớn rồi. Anh! Thế nào?”. Lúc làm nũng em hay kéo dài tiếng gọi anh, thật dễ mềm lòng. “Anh rất quý em, nhưng yêu thì tuổi tác chênh lệch quá”. “Mặc kệ! Không yêu em nhảy xuống biển chết luôn đây này”. “Được rồi, không phải liều thế. Đã yêu, khổ cố mà chịu”. Em reo lên như hát: Ô kê!
Bố em sắp về hưu, nghe đâu cụ còn định lấy vợ. Em chẳng có ý kiến gì, còn các anh chị thì làm loạn cả nhà lên. Bố buồn, em biết thế nên rất thương ông, nhưng tính em khắc bố, ngồi nói chuyện ba câu, sáu điều là hai bố con lại vùng vằng.
Em lo bố và anh khó tiếp xúc, hòa hợp. Dễ ai chấp nhận cho con gái mình yêu một người đàn ông đã có vợ và lớn gấp đôi tuổi. Nhưng em mừng vì hai người đàn ông của mình thân thiện với nhau đến không ngờ.
Bố nói với anh: “Con bé này tính ngang bướng, nhưng đã yêu quý ai thì tin tưởng người ấy lắm. Anh cố giúp em trong mọi việc sao cho thuận tình, hợp lý”.
Anh là người từng trải, nghe thế là biết bố dặn dò bên trong rất nhiều. Em rủ anh ra thăm mẹ. Hàng dương vi vút gió, cát trắng rắc lấp lánh trên mộ mẹ như dát bạc. Chiều nhuộm vàng rực chân trời biển, phản quang lên bó hoa cúc vàng anh đặt lên nấm mộ nhỏ.
Khói hương bay quẩn lên làm cay khóe mắt. Anh nghĩ gì? Chắc chỉ vong linh mẹ hiểu. Trong căn nhà nhỏ của em trên bàn chỉ có chiếc máy vi tính và điện thoại, phía trên treo ảnh nhỏ lồng khung gỗ thông.
Mẹ để lại nhiều di ảnh nhưng em chỉ chọn tấm ảnh này. mẹ đứng trước biển, vai khoác túi nhỏ, mắt đăm đăm nhìn về phía bờ. Lần xem ảnh đầu tiên, anh đã có cảm giác đôi mắt trong ảnh đầy yêu thương, lưu luyến của một người sắp từ giã cõi đời để bước xuống, đi sâu vào lòng biển.
Em xin bố căn nhà nhỏ này vì thích tự lập không muốn ở chung với các anh chị. Em là kẻ lập dị phải không? Em muốn được tự do. Anh đã sống trong căn nhà ấy ba ngày, hai đêm và được em chăm sóc như ông hoàng.
Mỗi ngày một lần gội đầu, mỗi lần cả nửa giờ, hai bàn tay trẻ con cào gãi mãi sắp bật máu da đầu anh. Ba ngày hai lần sửa móng tay, cắt móng chân. Ba ngày ba lần giặt quần áo, là ủi, kể cả quần áo lót. Hết việc em đè ngửa anh ra nhổ râu.
Ngày thứ ba em bỗng ngồi thừ, rồi bật khóc. Anh sạch sẽ nhẵn nhụi từ đầu đến chân em chẳng biết làm gì để chăm sóc anh nữa. Anh hiền lành “Thì ôm anh mà ngủ” em lăn vào anh, nhạt nhòa nước mắt “Anh! Yêu em đi”.
Lúc đưa anh chiếc ba lô, em dặn đi dặn lại. “Về nhớ giữ gìn sức khỏe. Không được tệ bạc với vợ con”. Có lần anh đã nói với em rằng anh rất yêu vợ con. Vợ anh là người đàn bà tuyệt vời thượng đế đã ban tặng cho anh. Anh yêu em nhưng không thể bỏ gia đình. Em đỏ hoe mắt.
“Thế mới là người đàn ông chân chính anh ạ. Em càng yêu anh hơn. Anh còn hơn khối thằng đàn ông, cứ gặp gái là nhem nhẻm chê bai vợ. Nghề du lịch của em tiếp xúc với bao nhiêu hạng người, loại người, nên em quý trọng tính thật thà, hơi quê mùa của anh”.
Không phải tại sự cố mất điện một tuần mà em đòi lên rừng. Biển vẫn lồng lộng gió, nhưng lòng em thì khô khát vì nhớ. Nên khi anh nói đùa: “Mất điện lên rừng mà ở”. Em vồ ngay lấy. “Thứ 6 em lên!”. Máy phía biển cúp luôn làm anh không kịp dặn dò, hỏi han.
Em không kìm lòng được, ôm choàng lấy anh ở ngay bến xe, phì cười vì một bà già ca cẩm. “Hai người này lãng mạn quá”. Mấy tháng không gặp, thấy anh đen hơn, râu tóc lởm chởm. “Sao lão ăn mặc nhếch nhác thế này?”. Em nhăn nhó.
Anh cười trừ. Từ đầu tháng tới giờ suốt ngày lông nhông xe máy ngoài trời, chạy bài cho kịp ngày Nhà báo Việt Nam 21/6, chẳng nhếch nhác mới là cái lạ. Về nhà anh đã nhé? Em cũng muốn biết nhà anh nhưng ngại quá, biết nói với chị ấy thế nào? Anh trấn an.
“Cánh nhà báo nữ tuần nào chả ăn chực cơm nhà anh”. Em ngỡ ngàng trước khung cảnh rừng núi quê anh. Rừng vây xung quanh xanh thẫm bàng bạc. Em như chim chích lạc giữa đại ngàn, lạc giữa cảnh đầm ấm gia đình anh. Những đứa con anh đứa nào cũng ngoan, cũng xinh, làm em ao ước.
Đúng như anh đã kể, vợ anh hiền và thông minh. Anh giới thiệu: “Cô Huệ mới ở báo N về công tác”. ánh mắt người đàn bà thật bao dung: “Tôi cũng đoán thế. Các cô nhà báo tỉnh tôi đều biết mặt”.
Bữa cơm nhà anh lúc đầu thì vui, sau em cảm thấy bức bối, ngẹn đắng vì mình không phải là người được chăm sóc anh. Ôi! Lòng dạ đàn bà, ghen tuông là vốn dĩ. Em kẻ đến sau mà còn ghen ngược. Cảm giác ấy làm máu dồn lên mặt, em muốn vùng dậy bỏ đi.
Chiều ấy, mãi khi đến khu thác Bạc, ở với anh trong nhà nghỉ xuyềnh xoàng, lòng em mới nhẹ đi phần nào. Em lại cuốn vào anh, ngấu nghiến như trả thù. Cảm giác ở rừng như được che chở, bao bọc, còn ở biển, đêm đêm tiếng sóng rì rầm, thúc giục.
Biển lúc nào cũng lộng gió mằn mặn. Rừng phảng phất mây phủ và ngan ngát hương cây lá. Nửa đêm em choàng dậy bởi tiếng chim lạc bầy. “Anh! Mình ở rừng hay ở biển?”.
Em dán mắt vào khuôn mặt mệt mỏi của anh qua ánh đèn ngủ nhợt nhạt. “Thế em thích ở đâu?”. “Em thích ở rừng!”. “Còn anh lại thích biển”. Em thở dài: “Khỉ ạ! Thế thì mùa hè lão xuống biển với em. Mùa đông em lên rừng với lão. Đêm rừng có bếp củi gỗ cháy rừng rực, thích lắm”.
“Em có buồn không?”. “Chẳng việc gì phải buồn! Có anh là em hạnh phúc. Trời cho đến đâu em nhận đến đấy. Có thể lúc nào đấy, em sẽ lấy chồng, lấy ai cũng được, cho xong trách nhiệm với gia đình”.
Anh đau nhói trong lòng. “Anh thương em lắm. Hay là chúng mình…”. “Không! Thế là đủ rồi anh ạ! Em muốn có một đứa con với anh, nhưng… thôi! Trời ơi! Cái lão này! Sao em lại yêu anh cơ chứ?”.
Mấy ngày cuối tháng, anh vươn vai thở phào. Tờ giấy ghi chi chít những đề mục đã bị gạch bỏ hết. Một tuần làm việc hiệu quả. Nỗi nhớ biển bất thần ập đến như cơn sóng thần. Anh quyết định vượt hơn ba trăm cây số xuống biển.
Náo nức, bồn chồn, mới đi được hơn trăm cây số mà gió đã mang vị mặn của biển, thoang thoảng lùa vào xe. Hôm nào trên bãi biển môi em cũng có vị mặn chát, sau thì mặn ngọt giống vị kẹo bimbim. Vị mặn ngọt ấy thấm lâu, đến khi em nhắm mắt, môi dưới trễ xuống như sắp khóc.
Đó là lúc sóng lòng em cuồn cuộn đòi yêu. Lần này sẽ là sự bất ngờ. Anh tưởng tượng khi anh gõ cửa, em hiện ra với bộ mặt hoảng hốt, hay ngơ ngác? Từ bến xe đến nhà em những 8 cây số, đành phải đi xe ôm thôi. Không nén được sự sốt ruột, anh bấm máy.
Có giọng đàn ông trả lời ở đầu dây: “Xin lỗi! Có phải số máy nhà cô Huệ, công ty du lịch?”. “Đúng rồi! Anh là ai?”. Anh vội tắt máy, mắt tối sầm. Tạt vào một quán nước, anh ngửa cổ tu một hơi chai bia lạnh vỏ màu xanh, không kịp nhìn xem là hãng bia nào.
Bia lạnh làm anh trấn tĩnh lại. Nếu đó là bố em? Hay anh trai? Thế thì vào đó không tiện chút nào. Gọi vào số di động, tiếng em như hát: “Lão gia à? Có khỏe không? Nhớ biển à! Thì xuống đây, em đang bận không lên rừng được. Sao? Xuống rồi à?
Anh đang ở đâu? Giời ạ! Sao không báo trước. Em đang dẫn khách ra đảo mai mới về được. Anh về nhà trước đi, chờ em”. Anh dè dặt: “Có ai đó đang ở trong nhà”. “à! Quên mất. Anh bạn em mới ở Thanh Hóa ra. Hai anh em làm quen với nhau trước đi nhé! Anh ấy cũng hay lắm”.
Anh tắt máy, quay ra hỏi một người xe ôm “Chiều nay có xe ngược không?”. “Có sếp ạ! 3 giờ xe chạy, sếp có ra bến em chở”. Nhìn đồng hồ còn nửa giờ nữa, anh ngồi lên yên xe, không hỏi giá.
Hôm sau, em gọi điện lên rừng. Giọng gay gắt “Tại sao anh không chờ em?”. “Điều đó cô còn phải hỏi”. Em kêu lên. “Đàn ông các người ích kỷ quá. Đấy là anh bạn thân hồi đại học mới lên ở nhờ nửa tháng nay, gia đình có chuyện chẳng hợp nhau, anh ấy ra tìm việc làm. Anh ghen à?”.
Lại một câu hỏi xóc óc. Anh càng giận sôi lên khi em tỉnh queo rằng nửa tháng nay anh bạn ăn nghỉ tại nhà cùng em. Hai người bạn thân khác giới lại ở chung dưới một mái nhà. Không nói thì ai cũng có thể nghĩ ra đủ thứ chuyện. “Anh đừng nghĩ linh tinh, bọn em chỉ là bạn.
Ngày trước cũng định yêu nhưng không hợp. Bây giờ người ta hoạn nạn em phải giúp chứ?”. Thật là… đến nói dối cũng không biết nữa, cứ tông tốc thế “Giúp đỡ gì? Em có là kẻ bệnh hoạn không đấy?”. Máy phía biển dập mạnh, như lời nguyền rủa đập vào màng nhĩ.
Chuyện không đâu vào đâu làm cả hai mất ăn mất ngủ. Anh cảm thấy mình bị xỏ mũi, những bức thư qua điện thoại di động gửi cho em toàn những lời ngoa ngoắt, thậm tệ như một mụ đàn bà lắm lời, lăng loàn. Em sinh ra bẳn gắt, nặng tay, nặng chân làm anh bạn ở nhờ hốt hoảng, không dám nói to.
Một tháng tự hành hạ và tra tấn tinh thần lẫn nhau, anh lăn ra ốm. Thôi. Cắt đứt. Ai bảo ham gái trẻ, nó cho leo cây nhục chưa? Em đột ngột xuất hiện, một túi quà và thuốc bổ. Em biết anh ốm qua một người bạn.
Bàn tay nhỏ bé mát rượi xoa nhẹ trên trán anh đang nóng hầm hập “Anh! Đừng giận em nữa. Em biết mình sai rồi”. Anh nắm bàn tay trẻ con khóe mắt rớm ướt. Một tuần sau anh khỏi ốm. Cú điện thoại sau hơn một tháng giận dỗi.
“Dạ”, “Anh bạn của em có việc làm chưa?” “Cũng sắp rồi anh ạ. Em chạy đôn, chạy đáo mãi mới tìm được công việc thích hợp cho anh ấy”. “Thế hai người vẫn ở chung à?” “Vâng!”. Anh phũ phàng dập máy. Thôi không cố đấm ăn xôi nữa. Cô ấy có quyền như thế. Mình đi lạc vào thế giới của cô ấy bấy nhiêu đủ rồi.
Lại mất mấy ngày buồn bực, thơ thẩn. Vợ anh ý tứ “Khéo lại nhớ cô em gái dưới biển rồi. Không phải nhà báo hả, chẳng thấy nói chuyện bài vở như các cô nhà báo trên này, chỉ chăm chăm nhìn anh… Nhớ thì đi thăm!”. Anh phát cáu, ném vèo điếu thuốc ra sân.
Nửa đêm điện thoại rung bần bật, màn hình hiện lên tên Huệ. Anh tắt máy. Nửa phút sau điện thoại lại rung. Lại tắt. Chiếc máy còn vật vã rung lên mấy lần nữa. Cuối cùng là hai tiếng tít tít mệt mỏi của tin nhắn. Anh cũng không chịu đựng nổi nữa, mở máy đọc tin.
Từng dòng chữ điện tử chạy ròng như nước mắt em. “Bao nhiêu thời gian bên nhau anh không hiểu em sao? Chưa ai dám sỉ nhục, hành hạ em như thế. Em tha thứ vì vẫn yêu anh, nhưng em biết mình không giữ được anh. Vĩnh biệt anh yêu. Nếu nhớ biển anh cứ về nhé, dù không có em”.

Xem Tiếp: ----