Dịch giả: Hoàng Ngọc Biên

Nguyên tác: l'Expulsé

Thềm nhà không cao. Tôi đã đếm các bực đến cả ngàn lần, lúc đi lên cũng như lúc đi xuống, nhưng bây giờ trong trí không còn nhớ được con số nữa. Tôi chưa bao giờ biết được là có phải nói một khi bàn chân để trên lề, nói hai khi bàn chân sau để trên bực thứ nhất, và cứ tiếp tục mãi như vậy, hay trên lề không phải kể. Lên đến những bực trên cao, tôi lại vấp phải cùng một nỗi khó nghĩ như vậy. Khi bước ngược chiều, tôi muốn nói khi bước từ trên xuống dưới, lại cũng y như vậy, nói thế không có gì là quá đáng. Tôi không biết bắt đầu ở đâu, mà cũng chẳng biết chấm dứt ở đâu, sự vật ra sao ta cứ bảo vậy thôi. Vậy nên đếm đến ba số hoàn toàn khác nhau mà tôi chẳng hề biết được số nào là đúng. Và khi bảo rằng tôi không còn nhớ được con số trong trí nữa, tôi muốn nói là trong trí tôi không còn nhớ được một con số nào trong ba con số cả. Thật tình là khi tìm lại được trong trí nhớ một số thôi trong ba số, mà chắc chắn là nó nằm trong trí rồi, tôi cũng chỉ tìm ra được có mỗi số đó thôi, mà không thể suy ra hai số kia được. Và dù tôi có nhớ ra được hai số, tôi cũng sẽ không biết được con số thứ ba. Không, tôi phải tìm nhớ lại cả ba số, để biết được chúng, cả ba số. Ký ức thật là mệt nhọc. Vậy thì ta không được nghĩ tới một số sự vật, những chuyện mà ta vẫn ghi trong lòng, hay đúng hơn ta phải nghĩ đến chúng, vì nếu không nghĩ đến chúng vô tình ta lại dễ có thể gặp lại chúng dần dần trong trí nhớ. Nghĩa là ta phải nghĩ đến chúng trong một lúc, một lúc nào thuận tiện, ngày nào cũng vậy và nhiều lần trong mỗi ngày, cho đến khi nào bùn lầy phủ lấp chúng, bằng một lớp mỏng ở ngoài không gì qua thấu được. Đó là một mệnh lệnh.
Dù sao thì con số các bực thềm cũng chẳng làm gì trong chuyện này cả. Việc phải ghi nhớ, chính là việc cái thềm nhà không cao, và việc đó thì tôi đã nhớ rồi. Ngay với trẻ em nó cũng không cao, đối với những thềm nhà khác mà nó đã biết, vì mãi nhìn thấy chúng mỗi ngày, vì đã từng đi lên đi xuống ở đó, đã từng chơi đùa trên các bực thềm, chơi trò xương bàn chân cừu và những trò khác mà ngay cả tên trò chơi nó cũng đã quên mất rồi. Vậy thì bực thềm đâu có nghĩa gì đối với một người trưởng thành, một người còn hơn trưởng thành nữa?
Vậy nên té xuống cũng không nặng lắm. Trong khi té tôi nghe cánh cửa đập, là điều an ủi cho tôi, ngay giữa lúc tôi bị té. Vì như vậy có nghĩa là người ta không đuổi theo tôi ra tận ngoài đường, với một chiếc gậy, để đập cho tôi mấy gậy, trước mắt những người qua lại. Vì nếu họ có ý định như vậy thì họ đã không đóng cửa lại, mà lại để cửa mở ra, để những người tụ lại ở phòng trước có thể thưởng thức sự trừng phạt và rút ở đó ra một bài học. Như vậy là lần này họ chỉ ném tôi ra ngoài, không làm gì hơn. Trước khi giữ thăng bằng được trong cái rãnh này, tôi đã có thì giờ để lý luận được như vậy.
Trong trường hợp này không có gì bắt buộc tôi phải đứng dậy liền cả. Tôi chống cùi chỏ trên lề, kỷ niệm thật lạ lùng, đặt lỗ tai tôi nằm gọn trong lòng bàn tay và tôi bắt đầu suy nghĩ về hoàn cảnh của tôi, dù nó cũng đã quen thuộc rồi. Tuy nhiên tiếng động của cánh cửa đang đập lại lần nữa, nhỏ hơn nhưng chắc chắn rõ ràng hơn, kéo tôi ra khỏi giấc mơ trong đó cả một khung cảnh đẹp đẽ đã được sắp xếp rồi, cả một khung cảnh với hoa bụp và hoa hồng hoang dã, rất là mộng mị, và tiếng động đó làm tôi ngẩng đầu lên, hai bàn tay để nằm xòe trên lề và hai nhượng chân căng thẳng ra. Nhưng đó chỉ là chiếc nón của tôi, đang bay lượn trên không về phía tôi, vừa bay vừa quay tròn. Tôi chụp được nó và đội lên đầu. Theo Chúa của họ thì như vậy là họ rất đứng đắn. Họ có thể giữ lại chiếc nón này, nhưng vì nó không phải của họ, mà là của tôi, vậy nên họ trả lại cho tôi. Nhưng niềm hân hoan kia đã tan mất.
Làm sao tả chiếc nón kia? Và tại sao? Khi đầu tôi lớn dần lên đến cái kích thước của nó mà tôi không nghĩ sẽ là kích thước nhất định, nhưng là tối đa, cha tôi bảo tôi, Đến đây, con ạ, ta sẽ mua nón con cho con, tựa như chiếc nón ấy đã có sẵn trước từ đời nào rồi, ở một nơi đã định. Ông đi thẳng đến chiếc nón. Tôi thì tôi chẳng có quyền phát biểu ý kiến gì cả, người bán nón cũng vậy. Tôi vẫn thường tự hỏi không hiểu cha tôi có ý định làm nhục tôi hay không, không hiểu ông có ganh với tôi vì tôi còn trẻ và đẹp, tóm lại, vì tôi tươi trẻ, trong khi ông đã già rồi và người thì phì nộn và tím ngắt. Bắt đầu từ ngày đó, ra đường tôi không còn được phép để đầu trần nữa, không còn được để những sợi tóc đẹp màu hạt dẻ của tôi bay theo gió nữa. Đôi khi đang đi trên một con đường khuất xa, tôi bỏ nón ra và cầm ở tay, nhưng vẫn run run. Tôi phải chải nón mỗi sáng và mỗi tối. Những thanh niên đồng lứa tuổi tôi, những kẻ thỉnh thoảng dù sao tôi cũng bắt buộc phải giao thiệp chế nhạo tôi. Nhưng tôi tự nhủ, cái nón đâu có gì đáng kể, chẳng qua chúng chỉ móc vào những câu nói đùa mà thôi, cũng như đối với một thằng lố bịch rõ rệt nhất, vì chúng không tế nhị thôi. Tôi vẫn luôn luôn ngạc nhiên về sự thiếu tế nhị của những người đồng lứa tuổi tôi, tôi với một tâm hồn quặn thắt tối ngày chỉ vì cứ mãi tìm hiểu mình. Nhưng có thể đó là sự tử tế, thuộc loại tử tế mà người ta đem chế giễu một người gù về chiếc mũi to của hắn. Khi cha tôi mất tôi có thể giải thoát mình được khỏi chiếc nón, không gì còn cản trở được nữa, thì tôi đã không làm gì hết. Nhưng làm sao tả chiếc nón? Để một lần khác vậy, một lần khác vậy.
Tôi lại đứng dậy và bắt đầu bước đi. Tôi chẳng biết được lúc đó tôi có thể bao nhiêu tuổi. Việc vừa xảy ra cho tôi cũng chẳng có gì để phải đánh dấu ngày tháng trong cuộc sống của tôi. Đó chẳng phải là cái nôi cũng chẳng phải là ngôi mộ của bất cứ cái gì. Đúng hơn nó giống như nhiều cái nôi khác, nhiều ngôi mộ khác đến nỗi tôi bị lạc trong đó. Nhưng tôi không nghĩ đã nói quá khi bảo rằng lúc đó tôi đang ở tuổi tráng niên, tuổi mà tôi nghĩ người ta gọi là có đầy đủ các năng khiếu. Đúng vậy, có đủ năng khiếu thì tôi có đủ đấy. Tôi đi qua đường và quay lại nhìn ngôi nhà vừa tống khứ tôi ra, tôi xưa nay khi bước đi lại không hề quay đầu lại bao giờ cả. Ngôi nhà đẹp biết bao! Trên các cửa sổ có những cây phong lữ. Suốt mấy năm nay tôi vẫn nghiêng mình trên những cây phong lữ đó. Chúng thật là tinh quái, mấy cây phong lữ kia, nhưng rốt cuộc tôi cũng thu xếp được theo ý tôi. Cửa lớn của ngôi nhà này, tuốt trên cao thềm nhà, tôi vẫn thường hay say sưa chiêm ngưỡng nó. Làm sao tả nó? Nó rất là đồ sộ, sơn màu xanh lá cây, và vào mùa hè người ta bọc cho nó một thứ vải bọc có sọc xanh lá cây và trắng với một cái lỗ có ló ra một cái búa kinh khủng bằng sắt luyện và một khe hở tương đương với khe hở của thùng thư với một tấm đồng có lò xo dùng để che bụi, sâu bọ và chim bạc má. Như vậy đó. Bên cạnh cửa có hai cột trụ cùng một màu, trụ bên phải có gắn chuông bấm. Các bức màn cửa thì thật là đẹp. Ngay làn khói tỏa lên từ một ống khói, ống khói ở nhà bếp, cũng dường như duỗi mình dài ra và tan biến đi với một vẻ buồn hơn khói những ngôi nhà lân cận, và xanh hơn nữa. Tôi nhìn cánh cửa sổ tôi ở tầng lầu ba, và là tầng chót, đang mở toang ra. Người ta đang lau chùi náo nhiệt ở bên trong. Trong vài giờ nữa người ta sẽ đóng cửa sổ lại, sẽ kéo màn xuống và người ta sẽ cho xịt formol. Tôi biết họ mà. Tôi sẵn sàng chết trong ngôi nhà này. Như trong một cơn ảo tưởng, tôi thấy cánh cửa lớn mở và hai chân tôi bước ra.
Tôi nhìn không chút ngại ngùng, vì tôi biết họ không rình tôi sau những bức màn cửa, như họ vẫn có thể rình nếu họ muốn. Nhưng tôi biết họ mà. Họ đã trở vào hết trong lỗ tổ ong của họ và mỗi người đang làm công việc của mình.
Thế tuy nhiên tôi có làm gì họ đâu.
Tôi không biết rõ thành phố, nơi sinh của tôi và nơi tôi đã bước những bước đầu tiên trong đời, và cả những bước chân khác nay đã xóa mờ dấu bước của tôi. Tôi ít ra đường quá! Thỉnh thoảng tôi đến chỗ cửa sổ, tôi vén màn lên và tôi nhìn ra ngoài. Nhưng liền sau đó tôi lại trở về phía cuối phòng, nơi có để chiếc giường. Tôi cảm thấy lúng túng, ở sâu trong bầu không khí đó, và lạc lõng bên lề những viễn ảnh vô số và mơ hồ. Nhưng hồi đó, tôi vẫn còn biết hành động, khi tuyệt đối cần thiết. Nhưng trước hết tôi đưa mắt nhìn lên trời, ở đó có sự cứu rỗi phi thường đến với ta, ở đó người ta không đánh dấu các đường đi, người ta đi dạo thênh thang tự do, như giữa một sa mạc. Ở đó dù nhìn về phía nào đi nữa cũng không có gì ngăn cản ta thấy, trừ giới hạn của tầm mắt. Cũng vì vậy nên khi nào mọi việc đều hỏng, tôi hay ngước mắt lên, thật ra thì điều này cũng tẻ nhạt thật nhưng tôi chẳng làm gì được, tôi hay ngước mắt lên nhìn cái bầu trời đang ngơi nghỉ kia, dù nó có mây, dù nó tối sẫm, dù nó bị che mờ bởi cơn mưa, bởi cái hỗn độn và mù tối của thành phố, của đồng quê, của mặt đất. Hồi còn trẻ tôi nghĩ là sống ở giữa đồng quê vẫn tốt, tôi đến miền đồng hoang Lunebourg. Tôi đến miền đồng hoang đó đầu óc đầy dẫy cả đồng quê. Cũng có những miền đồng hoang khác gần hơn nhiều, nhưng có một giọng nói nói với tôi, Chính Lunebourg là miền đồng hoang cần thiết cho ông, tôi vẫn không hay gọi xưng mình bằng anh anh tôi tôi. Phần tử lune chắc hẳn cũng có ý nghĩa gì đó. Vậy mà, miền đồng hoang Lunebourg chẳng có gì thích thú cả. Tôi từ đó trở về lòng đầy thất vọng và đồng thời cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Vâng, tôi không biết vì sao, chứ tôi không bao giờ thất vọng, và lúc ban đầu tôi đã thường hay bị thất vọng, chưa bao giờ tôi bị thất vọng mà không cảm thấy đồng thời, hay một lúc sau đó, một sự nhẹ nhõm hiển nhiên.
Tôi bèn bước đi. dáng đi thật lạ lùng. Đôi chân cứng nhắc, tựa như là thiên nhiên đã từ chối không cho tôi hai đầu gối, hai bàn chân cách khoảng nhau một cách lạ lùng hai bên trục bước. Thân mình, trái lại, thì như do một lối cấu tạo bù trừ, nó mềm dẻo như một cái bao chứa đầy ngổn ngang những thứ vải xấu và nó đu đưa cuống cuồng theo những cái giật mạnh bất ngờ từng hồi ở mông. Tôi vẫn thường cố chữa những tật nói trên, cố duỗi thẳng ngực ra, bẻ gập đầu gối lại và kéo những bàn chân này ra trước những bàn chân kia, vì tôi có ít nhất là năm hay sáu bàn chân, nhưng lúc nào rốt cuộc cũng vẫn vậy, tôi muốn nói là bị mất thăng bằng, rồi sau đó bị ngã xuống. Ta phải bước đi mà không nghĩ đến điều ta đang làm, như ta thở dài, vậy mà khi tôi bước đi không suy nghĩ đến điều tôi đang làm thì tôi bước đi như tôi vừa mới nói ở trên, và khi tôi bắt đầu thận trọng giữ gìn thì tôi bước được vài bước khá chững chạc và rồi tôi lại ngã. Vậy nên tôi quyết định buông trôi. Theo ý tôi, cái dáng điệu đó, ít nhất cũng có một phần, là do một khuynh hướng mà tôi không bao giờ hoàn toàn thoát ra được, khuynh hướng mà những năm dễ cảm xúc của tôi, những năm đã hướng dẫn việc chế định tính tình, dĩ nhiên đã hết lòng đóng góp, tôi muốn nói đến thời kỳ kéo dài xa tít mù, giữa những bước sẩy chân, đàng sau một chiếc ghế, và lớp đệ tứ, lớp cuối cùng ban cổ điển của tôi. Vậy thì chính khi đái vãi hay ỉa đùn ra trong quần, là việc vẫn thường xẩy ra với tôi đều đều khoảng bắt đầu buổi sáng, vào mười giờ hay mười rưỡi, tôi đã có cái thói quen đáng buồn, là nhất quyết muốn tiếp tục và kết thúc ngày đó, như không có gì xẩy ra cả. Chỉ ý nghĩ thay áo quần, hay thổ lộ cho mẹ biết, mà mẹ thì lại vẫn chỉ muốn giúp tôi, tôi cũng đã không chịu nổi rồi, tôi không biết tại sao, và cho đến khi đi ngủ tôi vẫn kéo lê mình đi với cái kết quả sự phóng uế của tôi, ở giữa hai bắp vế nhỏ thó, hoặc dát vào hai mông, nóng bỏng, dòn rúm, hôi hám. Do đó mới có những động tác thận trọng kia, cứng nhắc và dang rộng hai chân và có sự đu đưa tuyệt vọng của cái ngực, chắc hẳn là để lừa phỉnh người khác, để làm cho người ta tin rằng tôi không có điều gì lo lắng, tôi vô cùng vui vẻ và linh hoạt, và cũng để làm cho hợp lý hơn những lời giải thích của tôi về sự cứng đơ vốn có cũa tôi mà tôi đã gán cho bệnh phong thấp gia truyền. Sự hăng hái trẻ trung của tôi, trong phạm vi mà tôi có được, vì thế đã tiêu hao đi, tôi trở nên chua cay, đa nghi, hơi sớm một tí, chỉ ham mê lủi trốn và nằm dài. Những cách giải quyết vụng kém của tuổi trẻ thật chẳng giải quyết được gì cả. Vậy nên ta chẵng có gì phải ngại ngùng. Chúng ta hãy cứ suy luận đừng có sợ hãi, sương mù sẽ vẫn không tan đâu.
Trời hôm ấy đẹp. Tôi tiến đi giữa đường phố, cố hết sức để đi sát lề đường. Cái lề đường lớn nhất không bao giờ lớn đủ đối với tôi, khi tôi hoạt động, và tôi sợ kinh khủng phải làm khó chịu những người lạ. Một viên cảnh binh chận tôi lại và bảo, Mặt đường dành cho xe cộ, lề đường dành cho bộ hành. Nghe vậy người có thể sẽ bảo là một câu trong kinh cựu ước. Vậy thì tôi lên lề đường, và gần như xin lỗi, và trên lề, giữa một cuộc xô lấn không làm sao tả được, tôi giữ mình được chừng hai mươi bước, cho đến lúc tôi phải ngã xuống đất, để khỏi đè bẹp một đứa bé. Nó mang một bộ yên cương nhỏ, tôi nhớ như vậy, với những quả chuông bé tí, chắc hẳn nó tưởng mình là một con ngựa con, hay một con ngựa xứ Perche,[1] tại sao không thể được. Lẽ ra tôi đã thích thú đè bẹp nó rồi, tôi ghét thậm tệ trẻ con, vả lại như vậy cũng để giúp ích cho nó, nhưng tôi sợ trả thù. Mọi người đều là họ hàng bà con, chính điều đó đã cấm không cho ta hy vọng. Trên các đường phố có nhiều người qua lại, ta phải đặt những lối đi dành riêng cho lũ trẻ con khốn nạn đó, cho những chiếc xe của chúng, những vòng lăn, những kẹo mút, những chiếc xe hai bánh, bàn đạp có bánh, ba, má, vú em, những quả bóng, cả cái hạnh phúc khốn nạn bé nhỏ của chúng ấy mà. Vậy thì tôi ngã xuống và đã kéo ngã theo một bà già mặc áo kết đầy ren và kim tuyến, chắc hẳn cân cũng vào khoảng hai trăm cân. Những tiếng la thất thanh của bà chẳng mấy chốc đã gây ra được một nhóm người tụ lại. Tôi hy vọng bà ta bị gãy xương đùi, những bà già thì vẫn thường hay dễ bị gãy xương đùi, nhưng mong không nặng lắm, không nặng lắm. Tôi lợi dụng sự hỗn độn để bỏ trốn, miệng thốt ra những lời nguyền rủa khó hiểu, làm như chính tôi là nạn nhân, và tôi là nạn nhân thật đấy, nhưng lại không thể chứng tỏ điều đó. Không bao giờ người ta lại xử tại trận tụi con nít, những em bé, dù chúng có làm gì chăng nữa chúng cũng được minh oan trước rồi. Tôi thì tôi muốn treo cổ chúng chết một cách vui thú, tôi không muốn bảo là tôi sẽ bắt tay vào việc đâu, không, tôi không phải là một thằng hung hăng, nhưng tôi sẽ khuyến khích những người khác và tôi sẽ đãi họ một chầu khi xong xuôi. Nhưng vừa mới bắt đầu lại cuộc chạy bọc hậu vờn qua vờn lại thì tôi bị chận lại ngay bởi một viên cảnh sát thứ nhì, hoàn toàn giống viên cảnh sát thứ nhất, đến nỗi tôi đã tự hỏi phải chăng ông này cũng chính là ông kia. Ông ta lưu ý tôi rằng lề đường dành cho mọi người, làm như dĩ nhiên là tôi không thể được đồng hoá với loại này vậy. Thế, tôi nói mà không hề nghĩ một phút nào đến Héraclite, chắc ông muốn tôi xuống dưới mương mà đi? Ông muốn xuống đâu thì xuống, ông ta bảo, nhưng đừng có đi khắp cùng cả như vậy. Tôi nhắm môi trên của ông ta, môi có ít nhất là ba phân bề dày, và tôi thổi vào. Tôi làm như vậy một cách tự nhiên, tôi nghĩ thế, cũng như một người bị những biến cố dồn ép dữ dội thốt ra một tiếng thở dài não nuột. Nhưng ông ta không nhúc nhích. Chắc hẳn ông đã quen với những vụ mổ khám tử thi, hay những vụ khai quật. Nếu ông bất cần đi lại như mọi người, ông ta bảo, thì tốt hơn ông nên ở nhà. Chính Ċó cũng là ý kiến của tôi. Và việc ông ta thêm cho tôi một ý kiến như vậy chẳng có gì làm phật lòng tôi. Vừa lúc đó có một đoàn xe tang đi qua, như thỉnh thoảng ta vẫn thấy. Những chiếc nón đảo lên đảo xuống náo động đồng thời với muôn ngàn ngón tay nhấp nhánh. Riêng tôi, nếu tôi phải làm dấu thánh giá thì tôi sẽ cố làm dấu một cách đúng đắn, phía trên mũi, rốn, vú bên trái, và bên phải. Nhưng họ, với những cái lướt qua vội vàng và mơ hồ của họ, họ làm dấu bằng một loại thánh giá hình cầu, chẳng giữ ý một tí nào cả, đầu gối để dưới cằm và hai bàn tay đưa lung tung. Những người hăm hở nhất đứng bất động và thốt ra những tiếng lầm bầm trong miệng. Còn viên cảnh sát, ông ta đứng đông cóng lại, mắt nhắm nghiền, bàn tay để trên nón képi. Trong các cỗ xe ngựa của đoàn xe tang, tôi thoàng thấy người ta đang nói chuyện náo nhiệt, chắc hẳn họ đang gợi lại những đoạn đời của ông hay bà gì đã chết đó. Dường như tôi có nghe nói rằng yên ngựa cỗ xe tang không được sửa soạn cùng giống nhau trong hai trường hợp, nhưng tôi chưa bao giờ biết là khác nhau ở chỗ nào. Những con ngựa đánh rắm và vấy đầy phân như chúng ỉa chảy vậy. Tôi chẳng thấy ai quỳ gối cả.
Nhưng ở đây chuyến đi cuối cùng mau lắm, ta có bước vội cũng vô ích, chiếc xe ngựa cuối cùng, chiếc dành cho gia nhân, bỏ ta lại một mình, không còn chuyện nghỉ ngơi nữa, mọi người trở lại cuộc sống, ta lại phải lo chừng mọi thứ. Thế là tôi lại dừng lại một lần thứ ba, hoàn toàn theo ý tôi, và lên một chiếc xe ngựa. Những xe tôi vừa thấy đi qua, chở đầy những người đang bàn luận sôi nổi, chắc hẳn đã làm tôi khích động mạnh. Chiếc xe là một cái hộp lớn màu đen, nhún nhẩy trên những chiếc lò xo, những cửa sổ thì nhỏ, người ta ngồi co quắp trong một góc, nó có mùi hôi mốc. Tôi cảm thấy cái nón tôi chạm nhẹ trên mui xe. Một lúc sau, tôi cúi mình về phía trước và đóng các cửa kính lại. Rồi tôi lại về chỗ cũ, quay lưng ra hướng xe đi. Tôi sắp thiu thiu ngủ thì một giọng nói làm tôi giật nẩy mình, giọng của tên đánh xe ngựa. Hắn đã mở cửa rồi, chắc hắn đã thất vọng vì qua cửa kính không làm sao nói cho tôi nghe được. Tôi chỉ thấy được bộ râu mép của hắn. Đi đâu? hắn hỏi. Hắn đã xuống khỏi chỗ ngồi của hắn cốt ý để hỏi tôi như vậy. Thế mà tôi lại cứ tưởng là đã đi xa rồi chứ! Tôi suy nghĩ, cố tìm trong trí nhớ tên một con đường, hay một đền đài nào đó. Xe ông có bán không? tôi hỏi. Tôi nói thêm, Không kể con ngựa ấy. Tôi sẽ làm gì với một con ngựa? Nhưng tôi sẽ làm gì với một chiếc xe ngựa chứ? Hay tôi chỉ có thể nằm dài trong đó thôi? Ai sẽ mang đồ ăn đến cho tôi? Đến Sở thú, tôi bảo. Ít khi trong những thành phố chính mà lại không có Sở thú. Tôi nói thêm, Ông đừng đi nhanh quá đấy. Hắn cười. Gợi ra nơi hắn cái ý nghĩ là hắn có thể đi nhanh đến Sở thú chắc đã làm hắn thích thú. Trừ phi hắn thấy trước rằng sẽ không có xe. Trừ phi đó chỉ là tôi, là chính con người tôi, mà sự hiện diện trong chiếc xe ngựa chắc đã biến hoá nó, đến độ khi trông thấy tôi, cái đầu nằm trong bóng tối của mui xe và hai đầu gối để sát nơi cửa kính, tên đánh xe có lẽ đã tự hỏi phải chăng đó thật là chiếc xe ngựa của mình, phải chăng đó thật là một chiếc xe ngựa. Hắn nhìn ngay con ngựa, yên tâm. Nhưng có bao giờ người ta biết được tại sao chính mình cười không? Cái cười của hắn dù sao cũng ngắn, là điều dường như đã làm tôi không bàn cãi nữa. Hắn đóng cửa lại và bước lên chỗ ngồi. Một lúc sau, con ngựa chuyển động.
Vâng, hồi đó tôi còn một ít tiền. Số tiền nho nhỏ mà cha tôi đã để lại cho tôi, như một món quà, không điều kiện, hồi ông mất, bây giờ tôi tự hỏi không hiểu người ta có đánh cắp của tôi không. Sau đó tôi không còn tiền nữa. Đời sống tôi không vì vậy mà bớt kéo dài, và nó lại còn kéo dài theo như ý tôi, nghĩa là đến một điểm. Cái bất tiện lớn của tình trạng nói trên, mà người ta có thể định nghĩa như sự tuyệt đối không thể mua gì được, là nó bắt ta vận động. Tỉ dụ, khi ta thật không có tiền, ít khi ta có thể bảo người khác thỉnh thoảng mang đồ ăn lại cho ta đến tận nơi ta ẩn náu. Vậy thì ta bắt buộc phải đi ra ngoài và vận động, ít nhất là mỗi tuần một ngày. Trong trường hợp đó, ta chẳng có một chút gì khéo léo cả, vì bị bắt buộc. Bởi vậy nên tôi đã biết hơi trễ một tí là người ta đang kiếm tôi, về một việc liên quan đến tôi. Tôi không biết là do đường nào nữa. Tôi không đọc báo và tôi cũng không nhớ đã có nói chuyện với bất cứ ai, trong những năm đó, có lẽ trừ ba hay bốn lần, về vấn đề thức ăn. Rốt cuộc chắc tôi đã phong phanh biết được chuyện đó, bằng cách này hay cách khác, nếu không tôi đã không đến có mặt ở văn phòng Luật sư Nidder, có nhiều tên mà người ta không thể quên được kể cũng lạ, và ông ta cũng đã không bao giờ tiếp tôi. Ông ta coi kỹ lý lịch tôi. Cũng khá lâu. Tôi chỉ cho ông xem những chữ đầu tên tôi bằng kim loại bên trong chiếc nón tôi, chúng chẳng chứng tỏ được gì hết, song cũng làm mạnh thêm những gì có thể tin là đúng. Ông ký vào đi, ông ta bảo. Ông đùa nghịch trên tay một cái thước hình trụ người ta có thể dùng đập chết một con bò. Ông đếm đi, ông ta bảo. Một người đàn bà còn trẻ, có lẽ thuộc loại kiếm tiền, đã có tham dự cuộc nói chuyện này, chắc hẳn với tư cách là người chứng. Tôi nhét đống giấy vào túi. Ông lầm đấy, ông ta bảo. Tôi nghĩ lẽ ra ông ta nên bảo tôi đếm trước khi bảo tôi ký, như vậy chắc là đúng hơn. Khi cần, ông ta bảo, tôi có thể tìm gặp ông ở đâu? Khi xuống dưới cầu thang tôi chợt nghĩ đến một điều. Một lúc sau tôi trở lên hỏi ông ta tiền này do đâu mà đến tay tôi, và nói thêm là tôi có quyền biết điều này. Ông ta nói một tên đàn bà mà tôi đã quên mất. Có lẽ bà ta đã từng đặt tôi ngồi lên đùi khi tôi hãy còn bọc tã và có lẽ tôi cũng đã từng vuốt ve bà ta. Có khi như thế cũng đã đủ. Tôi nói rõ, là còn bọc tã, vì sau đó thì những chuyện vuốt ve cũng đã chậm trễ quá rồi. Vậy thì nhờ có số tiền đó mà tôi còn lại được một ít. Rất ít. Đem chia cho những năm sắp tới của đời tôi, thì số tiền chẳng có gì cả, trừ phi những dự đoán của tôi vì bi quan mà đi quá xa. Tôi đập vào miếng ván ngăn bên cạnh chiếc nón tôi, ngay sau lưng tên đánh xe ngựa nếu như tôi đã tính đúng. Một đám bụi từ trong đệm nhồi bông bay ra. Tôi lấy trong túi một hòn đá và tôi cầm nó đập cho đến khi chiếc xe ngựa dừng lại. Tôi để ý thấy chiếc xe không đi chậm từ từ lại, như phần đông các xe cộ ta vẫn thấy, trước khi đứng bất động. Không, chúng tôi dừng lại ngay. Tôi chờ đợi. Chiếc xe ngựa rung rung. Trên chỗ ngồi cao của mình, chắc hẳn tên đánh xe đang lắng tai nghe. Tôi trông thấy con ngựa như là thấy bằng mắt trần của mình. Con vật không có cái dáng điệu phờ phạc của những lúc nghỉ chân ngắn ngủi nhất, nó vẫn chăm chú, hai tai dựng đứng. Tôi nhìn qua cửa sổ, chúng tôi lại chuyển động. Tôi lại đập vào tấm ván ngăn, cho đến khi chiếc xe ngựa ngừng lại lần nữa. Tên đánh xe vừa bước xuống khỏi chỗ ngồi vừa nguyền rủa. Tôi hạ kính xuống để hắn khỏi nghĩ đến việc mở cửa ra. Nhanh hơn nữa, nhanh hơn nữa. Mặt hắn đỏ hơn, bảo rằng tím thì cũng thế. Vì cơn giận, hay vì gió tạt khi xe chạy. Tôi bảo hắn là tôi thuê hắn nguyên ngày. Hắn trả lời rằng hắn phải đưa một đám ma đi vào ba giờ. Ôi những người chết. Tôi bảo hắn là tôi không muốn đến Sở thú nữa. Thôi ta đừng đến Sở thú nữa, tôi bảo vậy. Hắn trả lời đi đâu đối với hắn cũng vậy thôi, miễn là đừng xa quá, vì sợ con vật của hắn không đi được. Và thế là hắn ta ba hoa với tôi về đặc tính của ngôn ngữ của những người cổ lỗ. Tôi hỏi hắn có biết một tiệm ăn nào không. Tôi nói thêm. Ông sẽ ăn với tôi. Tôi cũng thích ngồi ăn với một khách quen, ở những nơi như thế. Có một cái bàn dài nằm giữa hai chiếc băng nhỏ cùng y chiều dài. Qua chiếc bàn hắn kể cho tôi nghe về cuộc đời hắn, về vợ hắn, về con vật, rồi lại về cuộc đời hắn, cuộc đời tàn bạo của hắn, cái chính là do tính tình của hắn. Hắn hỏi tôi có biết câu này nghĩa là gì không, mưa nắng gì cũng ở ngoài đường. Tôi biết được là còn có những tên đánh xe ngựa khác cả ngày chỉ ủ thân trong chiếc xe ngựa ngồi bến, đợi có khách đến lay dậy. Ngày xưa có thể làm như vậy, nhưng bây giờ phải có những phương pháp khác nếu ta còn muốn sống đến ngày cuối cuộc đời. Tôi phác hoạ cho hắn biết hoàn cảnh của tôi, những gì tôi đã mất và những gì tôi đang tìm kiếm. Cả hai chúng tôi đã cố hết sức để hiểu, để giải thích. Hắn hiểu được là tôi đã mất căn phòng và tôi cần có một căn phòng khác, nhưng phần còn lại thì hắn chẳng hiểu gì cả. Hắn đinh ninh trong trí, và không gì có thể làm hắn bỏ được ý nghĩ đó, là tôi đang kiếm một căn phòng có cả đồ đạc. Hắn móc trong túi ra một tờ báo chiều hôm trước, hay có lẽ hôm kia nữa, và cho mình có bổn phận phải đọc khắp hết các mục rao vặt mà hắn lấy một cây bút chì nhỏ xíu gạch dưới năm hay sáu mục, cũng cây bút chì mà hắn vẫn run run gạch tên những người sẽ thắng cuộc. Chắc hẳn hắn gạch dưới những mục mà nếu ở địa vị tôi hắn cũng sẽ gạch, hay có lẽ những mục đưa chúng tôi trở lại cùng khu phố này, vì con vật của hắn không đi xa được. Chắc tôi chỉ làm hắn bối rối khi bảo với hắn rằng, về đồ đạc trong phòng tôi, tôi chỉ chấp nhận có mỗi cái giường và trước khi tôi thuận đặt chân vào đó, những đồ khác phải được đem ra hết, cho đến cái bàn nhỏ đầu giường cũng vậy. Vào khoảng ba giờ, chúng tôi đánh thức con ngựa dậy và lại lên đường. Tên đánh xe đề nghị tôi lên ngồi trên chỗ bên cạnh hắn, nhưng từ nãy đến giờ tôi đã nghĩ đến chỗ bên trong chiếc xe ngựa rồi và tôi lại vào ngồi chỗ cũ. Chúng tôi đi viếng hết chỗ này đến chỗ khác, một cách có phương pháp, tôi hy vọng thế, những địa chỉ mà hắn có gạch ở dưới. Một ngày đông ngắn ngủi đã sắp tàn. Thỉnh thoảng tôi thấy dường như chỉ có nhữ g ngày đó là những ngày mà tôi biết đến, và nhất là những giây phút êm đẹp này, phút giây đến trước lúc tàn đêm. Những địa chỉ mà hắn đã gạch ở dưới hay nói đúng hơn hắn đã đánh dấu chữ thập, như những người bình dân vẫn thường làm, hắn tuần tự đem gạch chéo một đường mỗi khi thấy không vừa ý. Hắn đưa tờ báo cho tôi sau đó, và bảo tôi giữ nó cho tôi để chắc chắn khỏi tìm lần nữa đến những nơi mà tôi đã phí công tìm đến rồi. Dù những cửa kính đã đóng, dù có những tiếng kẽo kẹt của chiếc xe và tiếng ồn ào của xe cộ qua lại, tôi vẫn nghe hắn hát một mình trên cao nơi chỗ ngồi của hắn. Hắn thích đưa tôi đi hơn đi đưa một đám ma, đó là một sự kiện sẽ vĩnh viễn kéo dài. Hắn vẫn hát. Nàng ở xa miền đất mà chàng thanh niên oai hùng của nàng đang an nghỉ, lời ca tôi chỉ nhớ có bấy nhiêu đó thôi. Mỗi khi dừng xe hắn bước xuống khỏi chỗ ngồi hắn và giúp tôi bước xuống khỏi chỗ ngồi tôi. Tôi bấm chuông ở chỗ cửa hắn chỉ cho tôi và đôi khi tôi biến mất phía trong nhà. Lại đứng giữa một ngôi nhà bao quanh mình, sau một thời gian quá lâu như thế, tôi còn nhớ, cảm giác tôi bấy giờ thật là kỳ cục. Hắn đợi tôi trên lề đường và giúp tôi bước lên xe lại. Tôi bắt đầu thấy mệt vì tên đánh xe này rồi. Hắn lại trèo lên chỗ ngồi và chúng tôi lại đi. Có một lần nào đó một chuyện đã xảy ra như thế này. Hắn ngừng lại. Tôi giật mình tỉnh dậy và sửa soạn cách bước xuống. Nhưng hắn không đến mở cửa và đưa cánh tay cho tôi, nên tôi bắt buộc phải bước xuống xe một mình. Hắn thắp các cây đèn treo. Tôi thích những ngọn đèn dầu lửa, dù cùng với những ngọn nến đó là những thứ ánh sáng đầu tiên mà tôi đã được biết, nếu tôi không kể đến những ngôi sao. Tôi hỏi hắn tôi có thể thắp ngọn đèn thứ hai không, vì ngọn đén thứ nhất chính hắn đã thắp rồi. Hắn đưa cho tôi bao diêm của hắn, tôi mở tấm kính nhỏ mặt lồi đặt trên đường bản lề, tôi thắp đèn và tôi đóng lại liền, để cho bấc đèn cháy êm thắm và xán lạn ấm áp trong căn nhà nhỏ tí của nó, nằm kín gió. Tôi có được niềm vui đó. Dưới ánh sáng những ngọn đèn treo, chúng tôi chẳng trông thấy gì cả, chỉ mơ hồ thấy hình dáng hai bên con ngựa, nhưng đứng từ xa người ta cũng thấy được, hai vệt vàng cách nhau lả lướt di động một cách chậm chạp. Khi con vật trước xe quẹo, người tay thấy một con mắt, đỏ hay xanh tuỳ trường hợp, con mắt hình thoi mặt lồi trong sáng và sắc sảo như trong một cánh cửa sổ lớn có lắp kính màu.
Sau khi kiểm xét địa chỉ cuối cùng, tên đánh xe đề nghị giới thiệu tôi vào một khách sạn quen của hắn, ở đó tôi sẽ được dễ chịu. Như vậy là vững rồi, tên đánh xe, khách sạn, y như có thật vậy. Được hắn gửi gắm tôi sẽ không thiếu gì cả. Có đủ mọi tiện nghi, hắn vừa nói vừa nháy mắt. Tôi định vị trí cuộc nói chuyện này trên lề đường, trước ngôi nhà mà tôi vừa bỏ đi ra. Tôi còn nhớ, dưới ngọn đèn treo, cái sườn hũng sâu và hơi ẩm của con ngựa và bàn tay của tên đánh xe đeo găng len trên chỗ nắm cánh cửa xe. Tôi cao hơn mui chiếc xe ngựa hẳn một cái đầu. Tôi đề nghị hắn vào uống một ly. Con ngựa suốt cả ngày nay chưa ăn uống gì cả. Tôi lưu ý tên đánh xe điều đó và hắn trả lời ngựa hắn chỉ ăn nghỉ lại sức một khi trở về chuồng thôi. Nếu nó ăn một cái gì, dù là một trái táo hay một miếng đường, trong khi kéo xe, nó sẽ bị đau bụng và ỉa chảy làm nó không thể đi xa hơn và còn có thể giết chết nó nữa. Vậy nên hắn buộc phải thắt hai hàm con vật bằng một sợi dây đai da, mỗi khi vì lý do này hay vì lý do nọ hắn ở xa không nhìn thấy con vật, để hắn khỏi bị hại bởi lòng tốt của những người qua lại. Sau vài ly, tên đánh xe yêu cầu tôi cho hắn và vợ hắn cái hân hạnh được mời tôi đến nghỉ đêm tại nhà hắn. Nhà không xa. Khi suy nghĩ lại, bằng cái lợi thế tính ngược về trước mà ai cũng biết, tôi cho rằng ngày hôm đó hắn chỉ đi quanh quẩn quanh nhà hắn. Gia đình hắn sống bên trên một căn nhà để xe ở phía cuối một cái sân. Chỗ rất tốt, đối với tôi như vậy là được rồi đấy. Sau khi giới thiệu tôi với vợ hắn, một người đàn bà mông lớn kinh khủng, hắn bỏ chúng tôi lại đó. Một mình với tôi, bà ta không có vẻ tự nhiên. Tôi hiểu bà ta, trong những trường hợp đó tôi không lúng túng. Không có lý do gì để cảnh này chấm dứt hay kéo dài cả. Vậy thì cần phải chấm dứt. Tôi bảo là tôi đi xuống nhà để xe và ngủ. Tên đánh xe ngựa phản đối. Tôi vẫn cố nài. Hắn lưu ý vợ hắn xem một cái nhọt của tôi trên chóp đầu, vì do lịch sự tôi đã bỏ nón ra. Phải đem mổ đi, bà ta bảo. Tên đánh xe nêu tên một vị bác sĩ mà hắn ta rất kính phục và đã từng chữa cho hắn hết bón. Nếu ông ta muốn ngủ trong nhà để xe, bà ta nói, thì ông ta cứ việc ngủ trong nhà để xe. Tên đánh xe lấy cây đèn trên bàn và đi trước dẫn tôi đến cầu thang đi xuống nhà để xe, đúng hơn đó là một cái thang, bỏ mặc vợ hắn đứng trong bóng tối. Hắn trải một tấm vải phủ ngựa trong một góc dưới đất, trên đống rạ, và để lại cho tôi một bao diêm, trong trường hợp tôi cần thấy rõ trong đêm tối. Tôi không còn nhớ con ngựa đã làm gì trong suốt thời gian đó. Nằm dài trong bóng tối, tôi nghe tiếng động nó gây ra khi nó uống nước, tiếng động rất đặc biệt, tiếng những con chuột đột ngột chạy vụt ra và phía trên đầu tôi những tiếng nói bị nghẽn giọng của tên đánh xe và vợ hắn đang còn phê bình tôi. Tôi cầm bao diêm ở tay, một bao diêm Thuỵ điển lớn. Nửa đêm tôi thức dậy và quẹt một que. Ngọn lửa ngắn ngủi của que diêm cho phép tôi định chỗ chiếc xe ngựa. Đột nhiên tôi thấy muốn đốt căn nhà để xe, rồi ý muốn lại biến đi liền. Tôi tìm thấy chiếc xe ngựa trong bóng tối, tôi mở cửa, những con chuột Ị trong chạy ra, tôi bước vào. Khi nằm xuống tôi để ý thấy liền là chiếc xe ngựa không còn thăng bằng nữa, chắc chắn nó phải như vậy thôi, khi càng xe dựng xuống đất. Như vậy càng tốt, tôi có thể nằm ngả người, chân để cao hơn đầu bên chiếc băng kia. Nhiều lần trong đêm tôi cảm thấy con ngựa nhìn tôi qua cửa sổ xe, và hai mũi nó thở phì phì. Dây cương tháo hết chắc hẳn nó thấy sự hiện diện của tôi trong xe là lạ lùng lắm. Tôi lạnh, vì tôi quên không cầm theo tấm vải phủ, nhưng không lạnh lắm để có thể đi kiếm để đem lại đây. Từ cửa sổ chiếc xe ngựa, tôi trông thấy cửa sổ căn nhà để xe, mỗi lúc một rõ hơn. Tôi đi ra khỏi xe. Nhà xe giờ đây ít tối hơn, tôi thoáng thấy cái máng chứa đồ ăn, máng cỏ, bộ yên cương được treo lên, còn gì nữa, những cái thùng và những cái bàn chải. Tôi đi đến cánh cửa lớn nhưng không mở ra được. Con ngựa đưa mắt nhìn theo tôi. Vậy chẳng lẽ những con ngựa, chúng không bao giờ ngủ sao? Tôi thấy dường như lẽ ra tên đánh xe nên buộc nó lại, trước máng đồ ăn chẳng hạn. Vậy nên tôi bắt buộc phải trèo cửa sổ ra. Không phải dễ đâu. Nhưng có gì mà lại dễ? Tôi đưa đầu ra trước, bàn tay tôi đã để xoè trên mặt đất ngoài sân mà hai hông tôi hãy còn quằn quại, bị kẹt giữa khung cửa. Tôi còn nhớ những cụm cỏ mà tôi đã đưa hai tay kéo bứt để thoát ra được. Đáng lẽ tôi nên bỏ áo choàng ra và vứt nó qua cửa sổ, nhưng phải nghĩ ra trước mới được. Vừa mới ra khỏi sân thì tôi chợt nghĩ đến một điều gì đó. Cơn mệt. Tôi nhét một tờ giấy bạc trong bao diêm, tôi trở vào trong sân và tôi để bao diêm lên thành cửa sổ mà tôi vừa mới leo qua. Con ngựa đứng ngay nơi cửa sổ. Nhưng mới bước được vài bước ngoài đường, tôi quay trở vào trong sân và lấy lại tờ giấy bạc. Diêm thì tôi để lại, không phải của tôi. Con ngựa vẫn còn đứng ở cửa sổ. Tôi thấy rõ cả cái lưng con ngựa này. Bình minh hơi ló dạng. Tôi không biết tôi đang ở đâu nữa. Tôi theo phía mặt trời mọc đi tới, nhắm chừng qua loa thôi, để mau được sáng rõ. Tôi muốn thấy chân trời ngoài khơi hay trong sa mạc hơn. Buổi sáng, khi tôi ở ngoài trời, tôi ra đón mặt trời, và buổi chiều, khi tôi ở ngoài trời, tôi đi theo nó, và theo đến tận thế giới của người chết. Tôi không hiểu tại sao tôi đã kể câu chuyện này. Tôi cũng có thể kể một chuyện khác được lắm chứ. Có lẽ một lần khác tôi sẽ có thể kể một câu chuyện khác. Hỡi các người sống trên trần gian, các người sẽ thấy là chuyện nào cũng giống nhau cả.
Hoàng Ngọc Biên dịch
Trích từ "Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại"

Xem Tiếp: ----