Massud Farzan sinh năm 1936 ở Iran; tốt nghiệp Đại học Tabriz (Iran) và có đến học ở Mỹ. Ông giảng dạy Anh ngữ và văn chương ở Iran, Mỹ và Bỉ.Chúng tôi sống ở số 23 đường Sadness. Thế nhưng do đường này hẹp, xe hơi không vào được, nên tôi bảo tài xế taxi cho xuống ở góc đường Sadness - Pomegranate Blossoms. Tôi trả tiền xe đã được thương lượng trước ở sân bay, có boa một ít. Tài xế đòi thêm, giọng nói chậm chạp, điệu bộ buồn cười, tôi không cho, nói sao kỳ nèo, tôi đâu phải là người nước ngoài, tôi cũng chỉ là người Iran như anh. Anh ta nghe ngượng ngập và rồi tôi cho thêm anh ta một ít nữa. Thế rồi anh ta giúp tôi mang cái vali nặng trịch đến 23 đường Sadness.Tôi gõ vào búa gõ cửa hình móng ngựa đang lúc lắc trong gió chiều nhẹ thổi. Một phụ nữ già mở hé cửa, dặt dè nhìn ra rồi chạy vụt vào nhà. “Cô ơi! Điềm may! Cậu Morad về!”. Tôi nhận ra giọng của bà vú già và nhớ lại những lúc lén nghe bà lẩm bẩm một mình. Tôi bước vào phòng ngoài tối om, đầu chạm vào đố cửa và chợt hiểu ra rằng kể từ ngày tôi lần cuối cùng bước qua căn phòng, tôi chắc đã cao hơn thật nhiều. Cái sân nhỏ lát gạch có tường dày bao quanh bốn phía được rưới nước làm mát. Trước sân có hai chậu nhỏ trồng bông màu sặc sỡ cùng nhiều loại rau khác nhau. Giữa sân có một hồ nhỏ. Cá vàng bơi lên mặt hồ đớp bọt nước.Mẹ tôi chạy nhào qua cửa phòng khách ra sân, áo choàng cầu nguyện phủ kín cằm. “Con trai! Cảm ơn Thánh Allah!”. Bà mở rộng vòng tay. Tôi cúi đầu, thấy hai vai bà run lên. Tôi đứng im không nói một lời, cũng không khóc vì hạnh phúc. Tôi không thấy hạnh phúc. “Con có bị sút ký không? Con nhìn khác quá. Vô phòng đi. Không sao, con không cần cởi giày đâu.Khắp sàn phòng khách được phủ thảm nội. Trong phòng không có đồ đạc gì ngoài chiếc ghế trong góc. Trên tường đối diện với sân và chậu bông có hai tấm màn. Giữa phòng trải rộng tấm thảm cầu nguyện của mẹ tôi.- Mẹ, mẹ cầu nguyện chưa xong. Mẹ đến cầu nguyện cho xong đã.- Mẹ sắp sửa đây. Nhưng trước tiên mẹ làm cho con ly nước sharbat, nó tốt cho tim. Sao con ngồi bệt trên nền? Mọi người đặt cái ghế kia cho con đó.- Mẹ à, con không cần phải ngồi ghế. Con thấy ngồi duỗi chân trên tấm thảm dày này thoải mái hơn.- Uống ly sharbat cho đỡ mệt đi con.- Mẹ để con. Mẹ đến cầu nguyện cho xong đi!Bà đến đứng trước tấm thảm cầu nguyện quay mặt về Mecca và bắt đầu mấp máy môi. Tôi thấy bà cầu nguyện chậm rãi, chăm chú, áo choàng thả xuống đụng nền, phủ kín bàn chân. Tôi nhớ trước đây, mẹ tôi thường không mặc áo choàng cầu nguyện lâu, tràng chuỗi cũng không lớn lắm. Mẹ chắc đã già.Ngoài đường, có người đang bán kem và từ xa vọng lại tiếng rao: “Tối nay! Sẽ mở lúc 8 giờ tối nay!Tôi hớp ly sharbat rồi ngắm khoảng sân. Bồn hoa nhất định là tác phẩm của bố tôi và tuy được vun trồng cẩn thận nhưng lại leo mọc tràn lan. Có quá nhiều thứ hoa trong cái bồn độ chừng 10 feet 15. Màu hoa đỏ vàng, hồng và xanh da trời lốm đốm trên màu lá rói xanh. Rau diếp vây lấy hồng nhung. Violet mảnh mai quấn lấy gốc phi yến. Dã yên thảo mọc khắp bồn.Bốn bức tường cao và dày bao quanh khoảng sân, kín kẽ che chắn những tia hoàng hôn chiếu rọi vào.Nằm bẹp dí, lưng quay vào cái góc sân phía bên kia hai bồn hoa là một cái hộp nhỏ mái lợp bằng đất sét. Đó là toilet. Không có dụng cụ, không bàn ngồi. Bạn chỉ ngồi chồm hỗm trên một cái hố hình phễu sâu hoắm, đen ngòm. Bạn có thể để cửa mở, nếu muốn, để nhìn ngắm hoa, nóc nhà và bầu trời. Hoạ hoằn ngoài cặp chim én hoặc một con bồ câu bay lẻ thì không ai thấy bạn. Tôi nhớ đến chuyện ba tôi vẫn thường ngồi trong ấy ra sao, thỉnh thoảng ông ngồi đến nửa tiếng đồng hồ hoặc hơn. Mẹ tôi thế là đến hồ nước rửa tay và gọi, “Ông vẫn chưa xong hả?” hoặc “Ông có biết ông ngồi trong đó 40 phút rồi không?”. Ba tôi thì không nói gì. Tôi biết ông chẳng muốn ra. Ông rất thích được suy nghĩ, trầm tư mà không bị quấy rầy. Mẹ tôi thế nào cũng sẽ có những nhận xét cạnh khoé bất cứ khi nào bà bắt gặp ông đang trầm ngâm. “Lại có phát minh nữa hả?”, bà móc méo và quấy phá suy nghĩ của ông.Ba tôi là nhà phát minh. Ông đã phát minh ra rất nhiều thứ mặc dù không có thứ nào nên hình. Với mỗi phát minh, ông nghĩ rằng ông sẽ kiếm được nhiều tiền. Ông không bao giờ nói với ai những gì ông sẽ làm một khi ông trở nên giàu có. Ông sẽ mua một ngôi nhà có sân rộng hơn, có thể là một cái vườn với hồ lớn có rất nhiều cá vàng; trồng rất nhiều loại hoa, rau khác nhau. Ông sẽ hành hương đến Mecca và bố thí cho người nghèo. Ông sẽ trút bỏ sự tôn kính đối với những điều ông không thích. Ông sẽ thôi không lo lắng gì về tương lai của mình ở thế giới này và thế giới bên kia. Thế nhưng khi mỗi phát minh có chi đó trục trặc vào phút chót, ông sẽ từ bỏ nó để bắt đầu nghĩ ra cái khác. Điều đó làm cho mẹ tôi thêm ngượng ngùng và nghi ngại. Bà nghĩ rằng bất cứ khi nào ba tôi lặng thinh, nhìn đăm đăm vào khoảng không thì đó là lúc ông đang mường tượng về một phát minh mới. Bởi vậy, bà luôn theo dõi, đề phòng những khoảnh khắc ấy.Ngày nọ, ba tôi trở về nhà với một cái hộp lớn kẹp dưới cánh tay. Ông vừa mua một cái radio. Chúng tôi tất cả đều thích. Mỗi chiều tối, chúng tôi ngồi trên thảm và nghe đài. Ba tôi lắng nghe có vẻ chăm chú hơn mọi người, nhưng cái cách ông nghe đài đó diễn ra không bao lâu trước lúc mẹ tôi khám phá ra điều ông thật sự đang làm. Tôi nghĩ điều vô tình để lộ ra dự tính của ông là cái nhìn xa xăm trong mắt và nụ cười vô cảm trên khuôn mặt. Mẹ tôi gọi ông là kẻ mách lẻo, kẻ mộng mơ hão huyền và nhiều thứ tên khác. Ba tôi nhìn có chút bối rối. Từ đó về sau, ông thường hay ngồi lâu hơn trong cái toilet ở góc sân.Đó là chuyện của nhiều năm trước. Mẹ tôi giờ đã già;ba tôi chắc phải già hơn. Có thể họ giờ đã hiểu được số mệnh tầm thường của họ và tha thứ cho nhau các nhược điểm.Tiếng rao ngoài đường lại vang lên: “Sẽ mở lúc 8 giờ tối nay!”Mẹ tôi cầu kinh đã xong. Bà cẩn thận cuộn tấm thảm cầu kinh lại và cất vào kệ, bên cạnh cái radio.- Nói mẹ nghe, con muốn ăn gì, mẹ nấu cho con. Con nhìn đen đủi và ốm quá.Tôi không biết trả lời mẹ ra làm sao.- Con đó hả mẹ? Chắc là do con giờ cao hơn lúc con đi đó.- Lúc nhỏ con khá điển trai, - bà tiếp tục - cả nhà đều nghĩ con từ Mỹ về chắc trắng và mập.Tôi bất chợt nhận ra là mẹ tôi đang trách cứ tôi.- Con nhìn tấm ảnh anh con ở trên đầu. Thử nghĩ con có nên đội ơn Thượng đế không? Đó không là chuyện đáng nói sao? Nó đã lấy vợ, đúng vậy. Có lẽ ấy là điều đáng nói. Mẹ nhớ là con chưa lấy vợ, phải không con?- Dạ chưa, con chưa có vợ mẹ à. Thật tình con có khi sẽ lấy vợ ở đây.- Phải lắm. Mẹ sẽ đi nói với mọi người con là đứa con trai khôn ngoan nhất. Mà có phải vì chuyện đó mà con về lại nhà không?- Dạ, cũng không thật là vì vậy. Thật ra, con về để xem có thể làm được gì, con muốn được tận mắt nhìn thấy ba mẹ và biết chắc rằng ba mẹ sống với nhau đầm ấm. Giờ mẹ hãy nói với con là ba mẹ sống có hạnh phúc không? Ba thế nào?- Đừng lo cho ông ấy. Tục ngữ nói “chén tồi dễ vỡ” mà con.Mẹ tôi quay ra cửa.- Nếu con muốn biết chuyện phát minh của ổng thì ổng giờ chẳng còn phát minh, phát miết gì nữa. Ổng đã chuyển sang làm chuyện khác.Tôi lắng nghe.- Ổng giờ mỗi tuần đều mua vé số. Ổng cũng có làm thơ. Ổng nghĩ là…Vừa lúc ấy, cửa mở và ba tôi bước vào, khuỷu tay ôm một trái dưa hấu, cổ đeo một giỏ đầy tạp phẩm. Trái dưa bị ba tôi thả lăn tròn trên sàn; chúng tôi cúi chào rồi ôm nhau.- Ba vẫn còn nhiều phong độ, - tôi đưa đẩy, - Ba trông khoẻ quá.- Ba vậy thật sao?Ba tôi cười, tỏ ra không tin tưởng và liếc nhìn mẹ tôi.- Con thấy cái nhà nhỏ này của mình thế nào? Ba muốn con so với nhà cửa ở Mỹ. Tân tiến hơn chứ hả?- Con chưa bao giờ thấy ở đâu có mấy cái chậu hoa như kia cả, - tôi nói.Ba tôi cười với chút mãn nguyện.- Morad, nếu được ngắm nó tháng rồi, con đã được thấy hoa hồng to như hoa hướng dương.Ông bước về phía cửa sổ và nhẹ quẳng trái dưa hấu vào hồ để làm lạnh.Tối nay, lúc 8 giờ! Giọng rao giờ nghe rất gần, to và rõ.- Ai rao gì vậy ba?- tôi thắc mắc.Khuôn mặt ba tôi ngời sáng, mẹ tôi nhìn ông trách móc.- Anh ta bán vé số, cuối cùng ba tôi đáp, vé sẽ xổ 8 giờ tối. - Ông trộm nhìn đồng hồ trên radio.Mẹ tôi đi xuống nhà bếp. Tôi nghĩ đây là lúc để hỏi xem ông có hạnh phúc với công việc, với cuộc sống ở nhà, ông với mẹ có tâm đầu ý hợp không. Tôi vừa định hỏi thì ông đã cầm cái gạt tàn và tấm nệm đến ngồi cạnh tôi.- Có cái này ba muốn nói với con, - ông đã bắt đầu bằng một giọng nhỏ, vẻ kín đáo, ba mong con sẽ không khó chịu - Điều ba muốn nói là, Morad, con thấy đó, có thể là con quên bẵng không còn nhớ đến khi con sống ở nước người nhưng ở đất nước này, người ta sẽ nhìn vào vẻ bề ngoài để đánh giá con; như một nhà thơ nói: Hãy vân vê vỏ quả dưa/ Trước khi bạn mua dưa. Con biết đó, nếu như con mập và trắng, nếu con có cái cằm chẻ dễ thương, có cái bụng phệ thì đã chẳng có chuyện gì và ba cũng chẳng đã mất công nói những chuyện này. Ba muốn nói là người ta sẽ nghĩ con giàu có; con sẽ được trọng vọng ở bất cứ nơi đâu con tới trên đất nước này. Nhưng chẳng may, con và ba đều có tạng người gầy và hơi đen. Phàn nàn về điều đó là bổ báng. Thánh Allah chắc muốn vậy và chúng ta không thể làm khác đi. Nhưng có một điều chúng ta có thể làm được.Ông nghiêng người và thì thào:- Con hãy mua một bộ complê mới cho tử tế và thay đi cà vạt. Con đang mang cà vạt loại nào vậy? Một nhà thơ nói: Điều gì chất chứa trong con tim rã rời/ Rằng khi tôi lặng yên, tim vẫn xao động. Có lẽ đó chưa phải là một bài thơ thích hợp, có một bài thích hợp hơn trong “Vườn hồng” của Sadi. Ba giờ không nhớ được, nhưng chẳng sao. Điều ba đang cố nói với con, Morad, ba thật xấu hổ khi nói tới những ông thợ cạo ở góc đường Pomegranate đeo cái cà vạt đẹp hơn cái của con. Ba luôn kề sát nhìn khi ông cắt tóc cho ba, ông ta đeo cà vạt loại silka chính hiệu, ba không nói dối con đâu. Còn giày ông ta thì luôn bóng mướt. Ba không đủ khả năng để ăn vận đẹp nhưng ít ra quần áo ba cũng có cái li, ba có khả năng gọi một người đánh giày. Quỷ tha ma bắt ba nếu ba có thể nói được lần gần đây nhất con gọi người đánh giày là khi nào.Mặt ba tôi hơi sậm lại. Rõ ràng là ông không hài lòng chút nào với sự trở về của đứa con trai so với mẹ tôi. Tại sao họ cứ giữ cái ý muốn tôi trở về? Điều gì làm cho họ tin rằng tôi sẽ thành một ai đó mà không phải là tôi, mập hơn và trắng hơn tôi, trẻ như tôi mười năm trước. Một điều sáng rõ là họ đã ảo tưởng về một người đã biến đổi. Nhưng tôi không giận gì. Chỉ cần tôi biết chắc rằng họ sống bên nhau êm ấm, họ hạnh phúc hơn một chút những gì tôi nhớ được.Ba tôi đặt điếu thuốc còn một nửa lên cái gạt tàn.- Đó là tất cả những gì ba muốn nói, Mord. Ba không phải là một ông già đầu óc hẹp hòi. Con tất nhiên sẽ làm theo tất cả những gì con chọn lựa, nói như một nhà thơ: Tôi khuyên bất cứ điều chi tôi cho là có lý/ Bạn hoặc làm theo hoặc giận ghét nó.Vừa lúc ấy, mẹ tôi lên, tay bưng mâm đồng đựng bữa tối.- Hai cha con thì thào chuyện gì vậy? - mẹ tôi hỏi.- Tôi vừa bảo với thằng Morad là nó sẽ nhìn giống như một người lịch thiệp ra sao nếu như giày nó được đánh bóng.Mẹ tôi nói là bà đồng ý với ba tôi về chuyện đó. Tôi ra lấy trái dưa hấu từ hồ lên. Sau bữa tối, mẹ tôi xuống bếp rửa chén bát. Ba tôi lấy một cây bút chì và một mẩu giấy rồi mở radio.- Ba có một tờ vé số, Morad, ai biết được con có khi đã đem vận may về nhà tối nay.Tám giờ tối, radio điểm tám tiếng, tiếp theo là một phút yên lặng. Sau đó, phát thanh viên xướng rằng buổi xổ số đang được truyền thanh trực tiếp từ Horizon Hall. Ba tôi lấy tờ vé số ra và đặt lộn ngược trên nền nhà, bên cạnh gói thuốc lá và bàn tính. Ông bắt đầu ghi nhanh những con số trúng thưởng vào tờ giấy.Mẹ tôi đã rửa xong chén bát khi buổi xổ số vẫn còn đang tiếp diễn. Mẹ bưng lên một mâm nhỏ đựng đậu côve và ngồi tước xơ. Tôi để ý thấy mẹ liếc nhìn ba tôi.Ghi xong tất cả các số trúng thưởng, ba tôi quay ngược tờ vé số lại và bắt đầu dò theo. Ông khởi dò từ giải cao nhất trở xuống, tay ông lướt qua mỗi số trúng một giây trước lúc lướt đến số kế tiếp. Cây bút chì trong tay ông hơi run. Mẹ tôi cầm một trái đậu và quên bẵng chuyện tước xơ. Tôi liếc mắt qua nhìn ba, nhìn mẹ rồi lại nhìn ba.Bỗng ba tôi tung cây bút chì lên trời.- Mười tumans! Trúng 10 tumans.Tôi lập tức nhẩm tính: 1 đô la 25 xu. Mẹ tôi bấy giờ cúi chồm xuống mâm đậu, tay liên tục tước xơ; bà không muốn cho ba nhìn thấy nụ cười rạng rỡ đang lan toả trên khắp khuôn mặt.Tôi lẩn thẩn ra ngoài sân. Trời đã tối. Tôi phải suy nghĩ. Tôi ngồi trên cái phễu trong toilet, để cửa mở. Đêm có vầng trăng tròn, có tiếng dế kêu. Tôi ngồi ở đó thật lâu, tay chống cằm. Tôi muốn ngồi nữa nhưng nghĩ ba mẹ có thể sẽ thắc mắc không biết tôi ở đâu và lo lắng. Tôi vô lại phòng khách. Ba tôi lúc ấy đang ngồi cạnh mẹ, giúp bà tước vỏ đậu. Tôi lên phim cái máy ảnh Agfa và chớp ngay một tấm. Họ cười. Tôi nhanh chân bước trở ra sân. Cá vàng nằm yên ắng giữa hồ. Hương dã yên thảo toả trong đêm. Tôi lại đến ngồi trên cái hố toilet. Tôi nghĩ, bức ảnh vừa chớp sẽ đẹp làm sao: Cùng nhau tước vỏ đậu trong thuận hoà, êm ấm!Sáng hôm sau, tôi cho đánh bóng giày, mua một ít cá vàng cho hồ nước và đặt vé máy bay.Trần Ngọc Biên dịch