Cuộc đời bên ngoài sách vở đôi khi trở nên quá nặng vì bao nhiêu nỗi buồn, lo âu, mất mát, những câu hỏi không biết trả lời sao nhưng không thể ngừng tìm kiếm câu trả lời...
Cảm giác Tết có lẽ là cảm giác có thật nhất trong đời. Hình như nó bắt đầu mọc thành tóc rồi tróc thành gầu vào khoảng đầu tháng Chạp. Tôi nhìn đâu cũng thấy Tết. Hiệu sách và hàng quán bán báo gọi Tết bằng những tờ lịch. Các cô người mẫu hở một nửa đùi với một phần ba, phần tư ngực được treo khắp nơi.Tết hiện hữu bởi dáng vẻ nửa như mời chào, nửa như thách thức ấy.
Trên các đường phố là những gương mặt trĩu nặng lo âu của người lớn, người già. Họ lo để ăn Tết. Thế nhưng chắc chắn rằng không đâu và không nơi nào mong Tết bằng chúng tôi - những sinh viên năm thứ nhất. Hầu hết lũ chúng tôi đều vừa trải qua lần xa nhà đầu tiên, lần xa nhà dài nhất trong đời. Chúng tôi sắp được trở về sau một chuyến đi xa đầy hãnh diện, trở về với vòng tay rộng mở, ánh mắt rạng rỡ của cha mẹ...
Chúng tôi vừa học vừa nuốt nước bọt vì nghĩ đến các món ăn mà sắp sửa đây ở nhà sẽ ưu tiên cho những cái dạ dày đói khát của mình. Còn mỗi giờ nghỉ hết tiết thì lớp đúng là một cái chợ giời thông tin về giá vé tàu, xe!
Trong cái ồn ào rộn rã của giờ nghỉ hết tiết 2 hôm đó, đột nhiên, tôi nghe thấy một âm thanh hình như là một tiếng nấc cố ghìm. Tôi nhìn quanh. Ơ bàn cuối, góc phải của lớp học, cái Uyên đang gục đầu trên mặt bàn, đôi vai hơi rung lên như kiểu một người bị khó thở. Tôi xuống chỗ Uyên, ngồi sát bên nó. Uyên chẳng thèm nhúc nhích. Thật ra Uyên và tôi chưa biết nhau nhiều. 4 tháng học cùng lớp chưa đủ để hiểu nhau chứ đừng nói đến chuyện chia buồn sẻ khổ. Tôi lay nhẹ vai Uyên: "Này. Không thèm ngẩng mặt lên để nhìn Sa một chút sao?". Uyên lúc lắc đầu như có vẻ xin lỗi nhưng vẫn gục mặt xuống bàn. Nó không muốn tôi và chúng bạn thấy nó vừa khóc? Tôi vỗ nhè nhẹ lên vai Uyên rồi đứng dậy đi về chỗ của mình. Chuông vào lớp đã reo lên rồi.
Suốt cả giờ học tôi cứ liếc mắt về phía Uyên nhưng chẳng hề phát hiện ra điều gì. Gương mặt xinh xắn của nó chỉ biểu lộ một "tình cảm" duy nhất: Sự bình thản đến mức vô hồn. Tan học, tôi vội vàng gấp sách vở rồi đi theo nó. Uyên đi thật nhanh, như bị ma đuổi. Thầy Hiệp nói, nữ sinh viên không được phép đi quá nhanh mà cũng không nên đi quá chậm. Hình như cái Uyên chả nhớ đến lời thầy. Mà cả tôi cũng quên luôn lời thầy khi phải đi gần như chạy mới theo kịp nó.
- Uyên làm mình theo hết cả hơi! - Tôi nói trong hơi thở hổn hển.
Uyên dừng bước, nó tránh nhìn vào mắt tôi, lạnh lùng hỏi:
- Sa tìm tớ có việc gì?
Tôi bối rối rồi cười:
- Cậu tra bài mình à? Mình cảm thấy cậu đang có chuyện gì đó thật buồn. Mình nghĩ nếu cậu có thể chia sẻ với ai đó, có thể cậu sẽ thấy ổn hơn...
Sa cười buồn:
- Mình xin lỗi. Thật ra... Thật ra thì... - Uyên nhìn thẳng vào mắt tôi - Sa ạ, có những điều khó nói lắm. Nó luôn có ở đâu đó trong đời, nhưng để chỉ ra thật rõ ràng lại là chuyện khác.
Cái âm sắc lạnh ngắt trong câu trả lời của bạn tôi không phải là giọng nói của nó thường ngày. Uyên là người vui tính, nó vẫn có thể cười khi lớp trưởng báo tin nó bị điểm 3 lúc kiểm tra giữa học trình mà. Tôi giả vờ như không để ý đến vẻ sốt ruột của nó, nói:
- Mình muốn nói chuyện với Uyên. Tại sao cậu không cho mình biết chuyện gì đã xảy ra? Mình biết chắc có một cái gì đó đang làm cậu phải buồn.
Uyên nhìn xuống đôi giày đã cũ bọc ngoài hai bàn chân mà tôi biết chắc rất ưa nhìn. Người Trung Hoa nói đôi bàn chân của người con gái là bộ phận đầy dục tính. Vì thế, hàng ngàn năm, họ phải bó chân để làm vui lòng đàn ông. Thế nhưng vào lúc ấy tôi cho rằng tôi đang thương cái đầu của Uyên hơn hai bàn chân.
Uyên nói như thảng thốt:
- Mình lên văn phòng khoa để nhận thư trắng. Sa hài lòng chưa?
Trong ngôn từ của lũ sinh viên chúng tôi, thư trắng là giấy mời lĩnh tiền của bưu điện. Đứa nào nhận thư trắng nhìn mặt là biết ngay, vì nụ cười còn hạnh phúc rạng ngời hơn cả lúc nhận thư người yêu. Nhất là vào những thời điểm... hết tiền. Uyên nhận được thư trắng mà sao lạ thế, dứt khoát là nó có chuyện gì rồi. Tôi cười, ra vẻ không nhận thấy sự khác thường ấy của Uyên:
- Khiếp, thế mà giọng cậu nhọn hoắt như cái răng khểnh đầy khiêu khích. Còn câu hỏi thì u tối hơn cả mấy cái chữ cậu xăm trên cánh tay. Mình đi cùng nhé, được không?
Uyên kéo tay áo trái xuống, che đi mấy chữ xăm N.P.A.U.. Tôi định bụng lúc nào có thể sẽ hỏi nó vì sao lại xăm một hàng chữ đen như thế trên một cánh tay trắng và đẹp đến thế.
- Nếu Sa thích.
Chữ "thích" được phát ra đồng thời với cái quay lưng. Uyên rảo bước. Còn nhanh hơn cả chạy. Tôi chỉ còn cắm đầu chạy đuổi theo Uyên.
Trước cửa văn phòng khoa không một bóng người. Tôi nhìn nhanh về phía ô đựng thư từ của lớp tôi - S. K.27. Nơi đó có một xấp phong bì nhưng hình như chẳng có cái nào màu trắng! Tôi liếc nhanh qua Uyên. Tôi biết chắc là nó đang nghĩ giống tôi bởi nỗi thất vọng vương đầy trên mí mắt của nó. Uyên cầm lấy tập thư như thể muốn lôi tuột mọi nỗi buồn ra khỏi cuộc đời. Nó lật nhanh từng chiếc rồi thảng thốt:
- Khô... ông có. Làm sao mình có thể về Tết đây?
Uyên quê ở Hưng Yên. Đó là miền đất tôi nghe nói nhãn lồng rất ngon. Xa và chắc chắn phải có nhiều tiền mới về được. Tôi kéo tay Uyên:
- Tụi mình lên căngtin uống chút gì đi.
Bây giờ thì không phải tôi mà chính cái Uyên mới là người đi theo như một cái bóng thẫn thờ. Phải đến lúc ngồi xong xuôi, trước hai ly nước, tôi mới mở miệng:
- Chắc bố mẹ cậu chưa có đủ để gửi vào. Uyên đừng lo nghĩ quá.
Uyên sững nhìn tôi hồi lâu rồi bảo:
- Bố mẹ mình mất sớm. Mình sống với bác. Bác mình đông con mà nghèo lắm...
Uyên bật khóc. Hai hàng nước mắt lặng lẽ hướng về phía sân trường. Ngoài sân thật đông người lại qua, trông dáng ai cũng náo nức với dáng đi của Tết. Hình như chẳng có ai buồn?
Tôi bối rối:
- Nếu vậy thì biết làm cách nào? Đành phải đợi thôi. Thế nào cũng phải về ăn Tết chứ...
Uyên cười gượng trong tiếng nấc:
- Đã lâu rồi, Tết với mình chỉ là những nỗi buồn. Mình ghen tỵ với những người xung quanh đang vui vẻ đón tết. Đó là một tình cảm xấu. Sa đừng nhướng mắt lên thế. Mình hiểu rõ mà. Tuy thế, có những lúc Uyên chẳng biết đi đâu và về đâu nữa...
Sau buổi nói chuyện đó, tôi cũng chẳng có dịp nói chuyện với Uyên nữa. Tôi vội vàng về quê ăn tết. Trên suốt chặng đường dài về nhà tôi cứ băn khoăn rằng, không phải tôi đã quan tâm tới bạn mà thật ra tôi hỏi, biết nỗi buồn của cái Uyên chỉ để thoả mãn tính tò mò ích kỷ của mình. Dường như có cái gì đấy giống với nỗi ân hận đã chảy qua trái tim kém cỏi của tôi. Nhưng chỉ một thoáng mà thôi. Rồi tôi chặc lưỡi: Cuộc sống là vậy. C'est la vie mà! Chẳng ai có thể mang nổi những hoàn cảnh, những tâm trạng đầy khúc mắc của tất cả mọi người xung quanh mình. Lòng tốt và sự cảm thông không có nghĩa gì hết ngoài một tiếng thở dài rồi, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...
Ra tết, tôi không gặp Uyên. Một vài ngày rồi vài tuần trôi qua cũng không thấy nó đến lớp. Ai cũng thắc mắc tại sao nó bỏ học dễ dàng như thế. Để vào được trường đại học khó biết chừng nào.
Riêng tôi, biết rõ nguyên do mà không dám kể với ai. Tôi bị mặc cảm là mình có lỗi. Tôi muốn gào to lên rằng: "Giá như tất cả đều cùng góp lại một khoản tiền cho Uyên về ăn Tết. Giá như tôi không nghe với sự thờ ơ". Ôi trời... Biết bao cái "giá như" đứng ngây ngô trước sự hững hờ của con người.
Đến ngày sinh nhật, tôi ước ao "giá như" có tiền để mời mấy đứa bạn đi ăn chè. Lớp tặng cho tôi một bông hồng và cuốn sổ nhỏ. Cái đó thuộc về "tiêu chuẩn" mà ai cũng có. Một niềm vui nhỏ bên cạnh nỗi buồn thầm lặng của đời sinh viên. Bất ngờ tay lớp trưởng giơ ra trước mặt tôi một chiếc phong bì màu trắng. Tôi mà lại được nhận thư trắng? Bố mẹ thường gửi tiền cho tôi qua người quen, hàng tháng họ vẫn chuyển cho tôi mà. Ai vậy nhỉ? Tôi vừa phân vân, vừa náo nức, kéo mấy đứa bạn thân cùng lớp đi nhanh ra bưu điện.
Đó là giấy mời lĩnh tiền của Uyên gửi. Trên chỗ ô chữ nhỏ xíu dành để viết thư là mấy dòng chữ ngắn ngủi: "Mình đã có việc làm. Mừng sinh nhật bạn. Mình chỉ có thể mời bạn ăn mấy ly chè. Chúc Sa và các bạn trong lớp học tốt".
Tôi thấy mắt mình hơi cay cay khi đọc những dòng chữ ấy. Tôi đưa nó cho cái Hoà. Hoà vừa đọc vừa khóc. Nó là đứa "mít ướt" nhất trong lớp mà. Hoà đưa trả thư cho tôi với đôi mắt đỏ hoe: "Tội nghiệp cho Uyên quá".
Sau lần ấy, tôi luôn cố hỏi tìm địa chỉ của Uyên. Tôi đến bất kỳ lớp nào, miễn là có người quê ở Hưng Yên để dò hỏi, nhưng tất cả đều vô ích. Tại sao Uyên không hề cho tôi biết nó làm việc ở đâu? Nó đang làm gì, đang sống ra sao nhỉ?
Hôm nay tôi lại nhận được một chiếc phong bì màu trắng. Nó không phải là thư trắng. Nhưng đấy là lá thư từ một người mà tôi đang mong tin nhất trên đời. Thư của Uyên. Tôi bóc thư bằng những ngón tay run rẩy, bằng cả hơi thở đứt đoạn.
"Sa ơi!
Mình đang ở một nơi rất xa. Xa đến mức Sa không thể tưởng tượng nổi đâu. Hôm qua mình có đến thăm nấm mồ nhỏ bé của Phan Thanh Giản - người đã phải bước vào lịch sử với tên gọi "mãi quốc". Hồi ở trường, lên thư viện tìm đọc những sách sử hồi xưa viết về ông, mình cứ băn khoăn mãi là Phan Thanh Giản có thể là một kẻ "bán nước" thật không khi ông và họ hàng của ông nghèo đến thế? Tại sao bán rẻ dân tộc rồi ngay sau đó kết thúc cuộc đời của chính mình bằng một liều thuốc độc? Sự thật là như thế nào nhỉ? Ngày xưa, hồi đi học, mình đã hoang mang trước không ít điều được ghi trong sách sử. Còn giờ đây, bị giật ra khỏi sách vở, những hoang mang ấy trở nên xa xôi và to tát với mình quá, vì mình hàng ngày phải đối mặt với những trắc trở của cuộc đời, cuộc đời nhỏ bé của mình. Và mình đã bất lực, Sa ơi.
Chắc chắn Sa và những bạn bè trong lớp S.K.27 "của ngày xưa" sẽ coi khinh mình lắm khi biết dù chỉ một phần thôi của cái gọi là sự thật trong cuộc sống tồi tệ của Uyên. "Việc làm" mà có lần Uyên đã nói, thực ra chỉ là mở bia, bóc khăn lạnh, lau mặt cho khách rồi phải gồng mình ra mà chịu đựng những hành động không hề khác nhau của mọi con đực trên trái đất này. Vậy mà mình vẫn phải cười với những kẻ ấy. Ngược lại sẽ là mất việc. Sẽ là không biết đi về đâu, bấu víu vào đâu, thậm chí là không biết ăn gì để sống. Mình cũng không hiểu tại sao mà mình đã trượt nhanh đến thế, và rồi cứ thế này, mình sẽ trượt tiếp đi đâu? Mình không thể kể hết với Uyên những khổ sở của cuộc đời mình từ nhỏ đến giờ, mà mình cũng chưa kể được với ai cả. Nhiều lúc chỉ ước có một người ngồi xuống bên mình, hay được trở lại cái giây phút mà Uyên đã ngồi xuống bên mình hôm trong lớp ấy, để mình được gục mặt vào một hơi ấm mà khóc. Chỉ cần một lần không phải khóc một mình thôi. Không kể lể kêu ca gì hết.
Mỗi ngày, ngày ngày, mình bán đi từng chút một nhân cách và phẩm giá. Mình đã không còn biết đỏ mặt có nghĩa là gì. Mình thường xuyên phải sử dụng cái màu đỏ của son môi để tô trát cho hai gò má không bao giờ còn biết xấu hổ nữa. Ôi chao! Đôi khi mình cho rằng Honoré de Balzac đã trở nên tội nghiệp biết bao khi ông không thể nhìn thấy những giả trá của "Tấn trò đời" sau ông...
Sa ơi! Mình phải làm gì đây trước những đau đớn của cuộc đời?...".
Chiều nay, tôi đến thư viện. Trong khi chờ cô thủ thư lấy sách, tôi giở qua mấy tờ báo. Tôi không dám tin vào mắt mình khi ở trang 24 giờ qua, tôi thấy mẩu thông báo: "Hôm qua ở khúc sông Z, cư dân địa phương vớt được xác của một nạn nhân nữ tuổi khoảng từ 18-20. Nhận dạng: da trắng, mặt trái xoan, có một nốt ruồi đen ở đuôi lông mày phải. Răng số 3 bên phải là răng khểnh. Cánh tay trái có xăm 4 chữ N.P.A.U.. Ai biết nạn nhân xin gọi về số điện thoại...".
Tôi bàng hoàng. Nơi Uyên mắc nạn cách Hưng Yên hàng ngàn cây số. Tay tôi run rẩy khi lật xem ngày của tờ báo. Ngày báo phát hành cách đây gần nửa tháng. Tôi ghi lại số điện thoại in trên tờ báo, số điện thoại mà tôi sẽ không bao giờ gọi. Tôi sợ. Tôi sợ phải nghe một lời khẳng định của sự thật không thể tin kia... Tôi cũng muốn lờ đi những cảm nhận và suy đoán kinh khủng của chính mình. Tôi muốn tin Uyên vẫn còn đâu đó trên trái đất này. Ở đâu cũng được, cái đó không quan trọng. Miễn là vẫn còn. Để tôi vẫn còn hy vọng một khi nào đó, tôi có thể trao cho Uyên một hơi ấm, ngồi nghe Uyên kể câu chuyện của đời Uyên, cuộc đời giờ đây đã thành một bí mật vĩnh viễn với tôi. Mà câu hỏi của Uyên, tôi vẫn chưa biết trả lời sao mà. Tôi muốn cùng Uyên tìm lời giải đáp...
° "Cuộc đời là thế!" - Thành ngữ của Pháp
 

Xem Tiếp: ----