Tôi tên Chiến. Hành nghề bộ đội. Trung úy, thâm niên đủ để ăn thêm một sao. Cuộc đời tôi cực kỳ đơn giản, tức là được sinh ra, được ăn học, được sờ mó súng đạn, và sẽ được thêm một số nữa như nhiều người khác. Mẹ tôi bảo: "Thế hạnh phúc rồi". Tôi cũng tin là thế.
Nghề của tôi lương khá, áo quần cấp phát, đánh nhau khỏi biết bao giờ, vì xu hướng khu vực và thế giới đang từng ngày tiến tới chung sống. Có nghĩa tôi không cần phải băn khoăn và đau khổ, khát vọng của dân tộc mấy nghìn năm đã đạt được rồi, trong khi đó tinh thần và truyền thống vệ quốc thiêng liêng của cha ông vẫn được phát huy ở thế hệ bọn tôi. Người bằng lòng nhất là cha tôi. Ông là cựu binh đánh Mỹ, huân chương hạng nhì, thương tật loại bốn, theo giám định cho sự mất bàn tay hồi đánh nhau trước cửa ngõ Buôn Mê Thuột. Cha bảo: "Chỉ ở môi trường đó con người mới trưởng thành được", cha không tin nếu tôi làm bác sĩ hay công nhân gì đó thì tôi có thể đủ tư cách con người được, còn tôi đã xong phổ thông. Chị Loan thì lo lắng cho cái sự chạy việc khi tôi học nghề xong rồi. Đời đã dạy cho chị biết hoảng sợ. Hai năm trước mùa hè tôi vác bút thi vào Học viện quân sự, chị tốt nghiệp sư phạm không được bố trí công việc, vét hết vàng bạc của cha mẹ tôi, chạy rạc mặt, thêm năm nữa mới có một chỗ ở một trường cấp hai cách thị xã ba chục cây số, học sinh thạo trâu bò hơn viết chữ, tan mộng làm Prômêtê đi cứu vớt con người, và nỗi buồn đã xô đẩy chị đến với ông anh rể mà về sau này chị quyết định bỏ. Tôi cho là đương nhiên, vì nếu tôi đam mê một cái gì thì nhẽ khác, đằng này vấn đề của tôi rốt lại chỉ là một nghề để sống, một vị thế công dân, thế thôi.
Năm hăm ba tuổi, tôi ra khỏi học viện, được điều về ngay quân cảng Cam Ranh. Tại đây, tôi bắt đầu làm quen với biển, có dù đi tàu mấy chuyến, tạm gọi biết mùi sóng gió. Sau đó, xảy ra cái sự kiện, coi như một bước chuyển kha khá trong cuộc đời tôi. Tôi nhận lệnh về nhà nghỉ ngơi, thời hạn một tháng. Bọn sĩ quan lau nhau kiểu tôi kháo nhau: "Bước đệm ra đảo đấy!", đứa nào cũng toác miệng cười, vác ba lô về. Chẳng có gì bất ngờ, dù không được thông báo chính thức. Một tháng xả láng, thế đã hay quá rồi, thằng này tính chuyện tranh thủ yêu, thằng kia lấy vợ gấp, thằng nữa chủ yếu chơi, v.v... Tôi về như lẽ thường, như mấy năm còn ở học viện, đến nghỉ hè về, ăn ngủ chơi, lại đi, không phải băn khoăn gì.
Tin tôi đi Trường Sa chỉ làm mẹ và chị Loan hoảng chút đỉnh, đủ để dồn góp tình yêu thương mà cưng chiều cậu con giai, chăm từ miếng ăn đến giấc ngủ, cả sự nhăm nhắm cho một nường tình yêu, kết quả sau một tháng tôi tăng bốn cân, và ba lô vác trở lại Cam Ranh đầy đủ chục chai dầu gội, ít chục bánh xà bông, ký tem và phong bì, và khăn quàng khăn lau, và thuốc kháng sinh thuốc bổ, riêng món tình yêu hơi bị thất bát. Cha tôi nói giọng đầy tư tưởng: "Bổn phận nó thì nó làm. Một thằng trai sống ở đời không góp chút sức bảo vệ Tổ quốc thì coi như bỏ". Ông anh họ tôi tổ chức cuộc rượu, ép tôi uống và ăn dồi chó, ngà ngà say đập vai tôi đánh đét nói oang oang: "Chú cứ đi, đếch sợ! Chú nhìn thằng anh này - anh trỏ ngực - rừng biển biết hết, đâu cũng xông vào, nào thua thằng nào. Còn chết chưa biết, chú ạ!". Anh cười rưng rức, cười ngửa mặt, thêm dăm chén nữa thì ngồi bó gối, mặt úp giữa hai đầu gối, khóc cũng rưng rức, tôi không an ủi được.
°
Tôi lại thấy đời tôi sao đơn giản. Ngày qua ngày, kẻng báo thức kẻng ăn sáng, luyện tập chiến đấu, vui chơi ăn ngủ, ba tháng một lần đọc báo mới, thư nhà mẹ dặn thế này chị kể thế kia... Tôi sẽ không kể gì, vì thực ra chẳng có gì mà kể. ở quanh tôi, choán ngợp khi tôi thức khi tôi ngủ vĩnh hằng là trời nước, mênh mông, thăm thẳm. Một đôi lần tôi trèo lên mỏm Độc, đấy là mỏm đá cao và lớn nhất trong thế giới đá ở đảo chúng tôi, ngồi lặng rất lâu để nhìn ra mặt biển, nước biển thẩm vào buổi hoàng hôn, xanh lóng lánh buổi mặt trời mọc và chói chang nhức mắt buổi trưa bóng đứng, êm đềm và phẫn nộ, và đều đặn đến tủi thân. Tôi đã không ngồi được hơn mười lăm phút, gió làm tôi đơn độc, dù gió mát mẻ và dịu dàng biết bao, sự rộng rãi hào phóng của biển khiến tôi hoảng sợ, tôi sẽ nổi gai ốc lên, và từ đâu đó trong lòng nhấm nhẳng trào lên một nỗi hoang mang cùng tận. Giá như khóc được, phải không? Gần một năm nay tôi không thấy con gái, vì không thấy ai nên có thể tôi sẽ quên...,
Trong nhiều năm tôi ở học viện, rồi ở doanh trại, mở mắt cũng chỉ thấy đàn ông, nhưng thỉnh thoảng bước ra khỏi cổng, còn cơ may nhìn các em thấp thoáng. Tôi đã ước mơ, có thể nói hơi nhiều, vào thuở tôi mười tám, bắt đầu vào học viện, nhưng thời đó tôi rời làng, rời lớp học không mang cụ thể nỗi vương vấn nào, chỉ mơ hồ, nhiều nhiều bóng hình được thêu dệt nên một bóng hình chập chờn trong những cơn ngủ mơ. Rồi kỳ nghỉ hè ấy tôi về quê, chợt nhiên nhận ra Quỳnh đã lớn. Quỳnh chun qua cái...... rào dâm bụt, đứng trân trối nhìn tôi, hỏi: "Anh Chiến hả? Bây giờ trông oách ghê!". Tôi nhìn lại Quỳnh, áo ba lỗ hở hết vai và cổ, váy ngang bắp vế, tóc buộc cao, ngực nhỏ hằn lên dưới áo, da rám nắng, mắt tròn xoe. Mẹ tôi bảo Quỳnh đã lên cấp ba, học ngoài thị xã, ở trọ như tôi ngày xưa. Tôi nhớ lại hình ảnh cô gái tân thời, thì cũng giống rất nhiều những cô gái tôi đã gặp trên các phố, giống bọn con gái lớp tôi, chúng sẽ yêu chớp nhoáng, sẽ cặp bồ với các bố đứng tuổi, và sẽ khóc với các chàng trai trẻ, sẽ thề thốt yêu đương và sẽ đi lấy chồng, sẽ thở dài bảo: "phận em bạc vậy"...
Luôn nhiều ngày tôi trông ngõ nhà Quỳnh, thấy rõ hàng xe máy của con trai phố dựng bát nháo, biết cô nàng thuộc loại đắt giá. Tất nhiên tôi rủ Quỳnh đi chơi, làm như tất cả các thằng trai hiện đại. Quỳnh nắm tay tôi: "Đi ra sông nhen! Thoát khỏi mắt người đời đi. Tự do trên hết". Tôi nghe tim tôi đập, tôi nghe Quỳnh nói rất nhiều nhưng không hiểu gì lắm. Quỳnh hỏi: "Anh thích em không?". Tôi hôn Quỳnh, môi Quỳnh rất nóng. Cả hai chúng tôi đều cố gắng đạt đến một độ trơ trẽn nào đó, vì đấy là cách của con trai con gái thời nay, theo trang trải mớ kinh nghiệm của chúng tôi, nhưng không hiểu sao cả hai đều run, đều loay hoay không biết bằng cách nào, đến khi tôi rúc đầu vào Quỳnh thì Quỳnh khóc, người rúm ró như một con mèo nhỏ. Mãi sau này tôi mới hiểu rằng mọi sự không phải thế, rằng trong trò này chúng tôi không tân tiến được, độ trơ trẽn cần có cuối thế kỷ hai mươi hóa ra rất cổ lỗ...
Tôi sẽ không kể gì...
Vào ngày thứ ba trăm hai mươi hai trong nhiệm kỳ thứ nhất của tôi, Đảo trưởng thông báo: "Hình như sắp có tàu ra"... Liền sau đó tất cả các thằng trai lính thì thầm với nhau một cách mơ hồ: "Hình như sắp có tàu...". Một sự ngấm ngầm rằng đấy là tàu chở các em, các em xinh đẹp, các em yểu điệu của đất liền, các em là hạnh phúc là tủi cực của chúng tôi. Ngày ấy cũng giống rất nhiều ngày đã qua, chúng tôi luyện tập bắt mục tiêu trên biển nhưng lại là một ngày rất khác, không ai đạt yêu cầu. Thằng Cường loay hoay đánh rớt ống nhòm. Đảo trưởng cáu: "Chúng mày làm ăn đ. gì thế!". Buổi chiều chơi bóng đá, dây đứt, quả bóng vèo ra biển, cả bọn chóng nạnh nhìn, chẳng thấy thằng nào hăng máu nhào ra vớt. Cường bảo: "Sao em buồn quá anh Chiến!". Tôi cười méo mặt, điều này cũ quá, nói làm cóc khô gì.
Theo dự kiến, sau hai ngày rước tàu Biển Đông sẽ cập đảo chúng tôi. Trong thời gian ấy, cả đảo nháo lên, nào cạo râu cắt tóc, dọn vệ sinh... có nghĩa là đủ trò làm dáng phụ thuộc tính giới. Nhìn anh em thấy dường như ai cũng có một nỗi bâng khuâng khác lạ, lính trẻ đã đành, ngay đến người kín đáo như Đảo trưởng, kỳ cựu ở đảo đến năm thứ năm cũng bồn chồn. Văn công và sinh viên. Bất chợt lòng gợn một ao ước mơ hồ, giá mà được gặp Quỳnh... Đã bốn năm, kể từ hồi vào quân cảng tôi không gặp lại Quỳnh nữa, biết tin em chủ yếu qua mẹ tôi, đến bây giờ viết thư mẹ tôi còn nhắc, mẹ tưởng tôi sau nặng lắm với Quỳnh, mà Quỳnh thì nhố nhăng không ra thể thống gì theo con mắt của mẹ. Tôi không sâu nặng với Quỳnh, nhưng thử suy nghĩ nghiêm túc để xem suốt đời tôi tôi có sâu nặng với ai hơn em không, rõ tôi sẽ cam quả là không. Quỳnh ơi trong mơ tôi vẫn chỉ biết gọi tên Quỳnh. Suốt mấy đêm liền, tôi mơ rất nhiều, hễ chợp mắt là hiện lên lung linh nụ cười em, em cười hồn nhiên en nói hồn nhiên, rằng em có người yêu mới rồi, rằng em không thể chấp nhận được nghề của tôi, ai đời lại làm nghề bộ đội, suốt đời mà chỉ biết súng ống thì dã man lắm, rằng em sẽ đi thử giọng hát vì em có giọng, em sẽ lên sàn diễn và một ngàn một triệu đàn ông sẽ vì em mà xin chết. áo em ba lỗ váy em cộc. Em cứ thế hồn nhiên dày vò tôi, ôi em hạnh phúc, em tủi cực của chúng tôi...
Tôi phải kéo dài những giấc mơ của mình. Biển có một cơn động nhỏ, và tàu Biển Đông ba ngày sau mới rời bờ được. Đến hôm thứ sáu kể từ sau thông báo của Đảo trưởng, thằng Cường bỏ đài quan sát chạy như một kẻ cuồng ma gào: "Tàu! Tàu ra rồi!". Nó bảo nó là đứa nhìn thấy tàu đầu tiên, nhìn trong ống nhòm nó đã thấy các em mặc áo dài thướt tha. Nó nói láo, tất cả chúng tôi đều biết thế nhưng không ai nói ra, nó thường khoe rằng bất ngờ nó sẽ gặp cô nữ sinh đã viết thư cho nó, rằng nó sẽ tin tưởng một cách tuyệt đối vào hết thảy các mối tình - bưu điện.
Chúng tôi dồn hết ra cầu cảng, lính dày thâm niên, lính hăm như tôi, cơ bản là lính nghĩa vụ, chưa qua hăm, thậm chí chưa biết mùi con gái là gì. Lần đầu tiên suốt gần một năm ở đảo, bây giờ tôi mới thấy lính tươm tất và bồng bột vậy. Cường nhảy câng cẫng: "Sướng quá anh Chiến ơi! Em chết mất thôi!", rồi nó òa khóc, nước mắt long lanh trên gương mặt giãn nở vì cười, nó ôm lấy tôi mà hôn nồng nhiệt đến nỗi tâm can tôi dậy một nỗi hờn tủi, tôi phải tự nghĩ ngay cả với Quỳnh tôi cũng không bao giờ nồng nhiệt được như thế...
Tàu cập cảng trong chói lòa ánh nắng ban trưa, trong tiếng reo hò nổ trời của chúng tôi. Và các em hiện ra, không rực rỡ kiêu sa, các em xanh tái, lả đi vì sóng dồi và nắng gió. Nước lên, xuồng không cặp bờ được. Bọn chúng tôi để nguyên áo quần, mạnh ai nấy lội, ra đến sát xuồng, chìa lưng dành nhau cõng. Các em gái xấu hổ ư? Đành thế! Và đừng phụ chúng tôi, chúng tôi đã mong đã khao khát các em bao nhiêu, chúng tôi là những thằng trai trẻ...
°
Em tên là Mai Hương. Anh chàng trưởng đoàn có bộ râu con kiến giới thiệu rất kêu: "Mai Hương - ca sĩ đang nổi danh". Cường nhìn tôi xúc động: "Người yêu em cũng tên Mai Hương!". Tôi biết nó nói đến những cô nàng đang trao đổi thư với nó, kết quả của sự liều mình kết bạn qua báo Tiền Phong, nhưng không phải có một cô Mai Hương, tôi ngỡ rằng có đến vài cô Mai Hương, và cô nào đi nữa thư cũng viết kiểu cách Trần Hữu Trang. Em đứng trên bậc thềm nhà chỉ huy, tóc bay xòa, dạng chân nhảy, áo ba lỗ nhưng thay vì váy cộc em diện quần áo, hát tình ca lính đảo. Chúng tôi ngồi ở dưới, chớp ngớp nghe, và hoan hỉ và khóc. Em bảo: em cũng có bạn trai ở đảo, những người yêu em và em cảm mến qua mục kết bạn. "Đúng quá anh Chiến ơi!" - Cường vặn tay tôi, mắt đắm đuối. "Xong buổi diễn, em sẽ tìm cách gặp Mai Hương". Nhưng xong buổi diễn không phải mỗi Cường tìm Mai Hương mà hầu hết bọn trai trẻ chúng tôi vây lấy em, không vì gì cả, đơn giản chúng tôi mê em hát, mê gương mặt em, mê con người bốc lửa của em, nói chung là tất tật em. Không có hoa, quà tặng em là chuỗi vòng ốc đã nằm quá lâu dưới đáy ba lô, là nhành san hô, và nhẫn vàng đám lính chúng tôi tích cóp được bằng những ngày lặn ốc biển bán. Tất thảy những thằng trai cuồng nhiệt chúng tôi sán lại để bồng bế em, để tiếp xúc một khoảnh khắc làn da con gái, để nghe hương hơi thở em, và em ơi chúng tôi khao khát hôn môi em, em có mất gì đâu, vì sáng sớm mai em đã ra đi rồi, em sẽ về đất liền, sẽ hát sẽ yêu, sẽ lấy chồng sinh con, em sẽ để lại chúng tôi với đá đảo và mặt biển rộng rãi cô đơn. Vào giây phúc đó không có ai kiềm chế được, hình như có một ngọn lửa nào đang thiêu đốt, hướng rọi duy nhất một nỗi đam mê, làm bùng tỏa tất cả đơn đau và hạnh phúc. Tôi có nghe tiếng em kêu và em khóc thét lên, nhưng dù thế nào tôi cũng chỉ là một thằng trai, quá trẻ, và quá nhiều đạm và canxi trong máu. Bốp! Sững sờ. Trân trói. Một cái gì vừa sụp đổ, vụn nát ngay trong lòng từng ấy thằng trai. Kẻ lĩnh trọn cú tát là thằng Cường.
Nhiều năm sau tôi vẫn thường nhớ lại cảm giác ấy, và vẫn không thể nào diễn đạt hết nỗi bẽ bàng của ngần ấy thằng trai. Cường quì gục ngoài bãi đá, sóng táp lên người nó, tưởng như nó đã hóa đá biển mất rồi. Chúng tôi không an ủi được nó, cũng như vĩnh viễn không thể an ủi được chính mình. Ôi các em rẻ tiền, các em gửi cho chúng tôi ngàn lá thư, các em thêu khăn tay có đôi bô câu ngậm quả tim, các em hát hết lòng làm như các em đã yêu chúng tôi, yêu say đắm, yêu chết người, vậy mà trong một triệu các em có ai không, dám gắn bó cuộc đời với chúng tôi, có ai không, để đợi chờ để hôn cặp môi khô ráp muối biển của chúng tôi, để giúp chúng tôi giải thoat linh hồn và thể xác? Các em đã ứng xử đầy tính đạo đức, như Mai Hương, làm sao chúng tôi trách được, vì em là con gái, và vì em muốn giữ gìn em cho một thằng hoặc những thằng khác ngoài chúng tôi, vì em đã không chọn lựa Cường hoặc tôi. Em rẻ tiền như Quỳnh của tôi vậy, sao tôi vẫn đau, cho đến tận cùng kiếp người. Tôi bỗng nhớ ông anh họ, bấy giờ mới có tí chút gì để chia sẻ với anh. Anh tôi trước đây cũng ở đảo hai nhiệm kỳ, và trong khi anh tiết chế bản ngã mình tích lương lặn ốc biển đổi tiền vàng đã về củng cố hậu phương, người vợ hiền ngoan của anh đi tằng tịu với một kẻ khác. "Nhu cầu sinh lý, chuyện bình thường, đừng trách" - có lần nào anh nói thế, nhưng tôi đã không hiểu, không đau được cùng anh khi anh cười rưng rức khóc cũng rưng rức.
°
Tôi đã trót, đành kể tiếp cái sự kiện sau khi buổi sáng tàu Biển Đông rời đảo mà chúng tôi không dám nhìn. Đảo trưởng, con người ấy ngoại tứ tuần có một vợ và ba con tít tận đất Kinh Bắc, mặt kinh dị quát vỡ lồng ngực: "Tập họp!". Chúng tôi tập họp như những cái máy. "Tại sao chúng mày lại cúi mặt? Sao không ngẩng đầu lên? Chúng mày ngẩng đầu lên và nhìn thẳng xem phía trước có cái gì...".
Mặt trời. Mặt trời mọc lên vào buổi sáng là đương nhiên, nhưng sao bấy giờ tôi mới giật mình. Chói lòa đến nhức nhối là những luồng sáng hình rẽ quạt kia. Biển vẫn rộng rãi. Sóng vẫn đều đặn. Hoa muống biển, chút tinh thần của biển vẫn nở tím rưng rưng trên những bãi đá đen ngòm vô cảm. Đảo trưởng khóc: "Anh em, hãy hiểu, rằng chỉ điều này mới có nghĩa thôi...".
°
Tôi tên Chiến. Năm nay tôi hai mươi bảy. Tôi đã trót kể ra đây những gì thuộc về chúng tôi, vậy xin mọi người hãy quên đi, như đã quên rất nhiều trong cõi đời.
Trần Thanh Hà

Xem Tiếp: ----