Trong vài năm tiếp đó, nhân dân ở vùng Gò Công từ Chợ Gạo xuống Vàm Láng cũng như từ Bao Ngược vô Cửa Tiểu, già trẻ đều sống trong khoảng đời khi mừng, khi sợ, khi giận, khi buồn.Binh đội Pháp nhờ có súng lớn súng nhỏ, nên chiếm lại địa đầu. Nhưng nghĩa quân của cụ Trương Công Định có những vị đốc binh đàng hoàng là các cụ Đốc Là, Đốc Lựa, Đốc Tòng gây cảm tình giữa dân gian nên phân binh tản mác trong xóm trong làng, nay ẩn chỗ nầy, mai ẩn chỗ khác khuấy phá khắp nơi, không để cho người Pháp bình yên mà sắp đặt cuộc cai trị được. Binh Pháp rần rộ kéo đi tảo thanh thì bị dân chúng gạt gẫm cho lọt vào mấy ổ phục kích đặng lâm nguy thọ hại. Tức giận đốt nhà cửa, giết thường dân, thì gây nên oán hờn chớ không gì.Cụ Trương Công Định với Đốc Tòng, Đốc Lựa, Đốc Là gây nỗi lo cho binh đội xâm lăng trót mấy năm, làm cho nhiều chiến trường như Cột Cờ, Lá Tối Trời, Vàm Láng, Gia Thuận, Giồng Tháp, Sơn Qui, Truông Cóc nổi danh trong lịch sử.Sau người cầm binh Pháp dùng âm mưu xuất bạc mua lòng phản quốc của Đội Tấn, Đội Ngôn, chúng chỉ chổ ẩn núp của cụ Trương. Binh Pháp đến vây chặt, cụ Trương không thể thoát thân, cụ phải dùng dao mà tự sát cho toàn danh quốc sĩ.Nhân dân hay tin ấy đều rơi lụy.Nghĩa binh rút chí tan rã. Bộ tướng để cho giặc bắt, nhưng cả thảy 18 người chịu bắn chết, chớ không chịu đầu hàng.Huỳnh Công Tấn được phong chức lãnh binh được thưởng Bắc Đẩu bội tinh, lại được nhập tịch theo dân Pháp.Trong khoảng đó nhân dân xóm Tre chỉ có năm bảy tên cường tráng nhập theo nghĩa binh của cụ Trương, còn bao nhiêu thì lo làm ruộng làm vườn và lo bắt tôm bắt cá đặng nuôi sống. Chỉ lóng nghe tin tức, nghe nghĩa binh thắng thì mừng rỡ, còn nghe thất thì than van vậy thôi.Ông Thuận tuy tối hai con mắt song ông mò đi trong nhà được, lại nhờ có cô Quyên vô ở luôn mà lo cơm nước cho ông Thuận, nên duy trì sức khỏe của ông không đến nỗi suy giảm cho lắm. Mọi việc trong nhà có cô Quyên lo lắng hết cũng như con gái của ông. Cha chồng với nàng dâu thuận thảo cùng nhau, chẳng khác nào cha con ruột thịt.Còn việc ngoài đồng thì ông Bá hộ đã có cậy chú Hợi về ở chung với ông đặng lo cày cấy cùng đốn củi đi câu. Chú Hợi gần 50 tuổi mà không có vợ con. Chú làm chung ăn chung cũng như anh em trong nhà, nhờ cậy nhau giúp đỡ nhau, đồng sướng đồng khổ với nhau. Chú nhâm nhẹ, vui vẻ, siêng năng, mạnh dạn. Chú thấy ông Thuận tật nguyền nên chú chiều chuộng, thấy cô Quyên quyết thủ nghĩa nên chú mến yêu, bởi vậy ở trong nhà đầm ấm hiệp hòa, trên dạy dưới vâng lời, dưới làm trên vừa ý.Từ ngày Lê Hữu Hào ra đi đến nay đã gần 6 năm, không ai nghe tin tức chi hết.Ông Thuận đã mỏn chí đợi chờ, ông kể chắc con ông đã chết trong trận Chí Hòa, nên ông không nhắc nhở tới con nữa. Ông Bá hộ cũng như bà con trong xóm, ai cứ tới thăm ông Thuận thì kiếm chuyện vui mà nói sợ ông buồn nên không ai dám nhắc tới Hữu Hào.Còn cô Quyên thì cô cứ tin chồng mình sẽ về, nhưng cô không nói ra, vì cô không có chứng cớ nào để trưng ra mà nói Hào còn sống được. Mai chiều gì cô vẫn cặm cụi lo săn sóc phụng sự cha chồng cho khỏi lỗi lời cô hứa năm xưa. Cô vẫn một mực quyết thủ tiết với chồng, dầu chồng về hay không về cũng vậy.Một bữa chú Hợi dậy sớm nấu cơm ăn trước rồi hồi khuya, rồi trời mới đâm mây ngang thì chú đã đi ra đồng vần công nhổ mạ với người trong xóm.Chừng mặt trời mọc ông Thuận mới thức dậy. Cô Quyên múc một tô nước bưng ra cho ông rữa mặt, rồi cô lăng xăng đi ra phía sau mà thả bầy vịt đẻ và lượm trứng đem vô cất trong buồng. Con heo đen lẩn quẩn đi theo cô ịch ịch đòi ăn. Con gà mái vàng dắt bầy con xẩn bẩn chung quanh đóng rơm, bơi kiếm trùng rồi túc túc kêu con xúm lại mà mổ ăn.Làm việc trong nhà xong rồi, cô Quyên tiếp lo bữa cơm cho cha chồng. Nồi cơm của chú Hợi nấu ăn hồi khuya còn ấm ấm, khỏi nấu nồi khác, cô bèn bắt vài con cá bống dừa mà làm, rồi với lấy nắm rau dền cô hái hồi chiều hôm qua, cô nấu một tô canh cho cha chồng ăn, chớ cá kho với tép rang khô sợ cha ăn không được.Nấu dọn một mâm cô bưng ra để trên ván rồi mời cha qua ăn. Cô cũng ngồi lại đặng mà gắp cá chan canh cho cha.Cha con ăn được một chén mới bắt đầu ăn chén thứ nhì, cô Quyên bỗng nghe ngoài rạch có tiếng người nói chuyện, rồi một lát cô ngó ra trước bến có thấy một chiếc ghe bảng lồng đang ghé lại, người chèo đang lấy chèo mà cặp nên khua lộp cộp. Trong xóm không có ai có chiếc ghe như vầy, cô Quyên lấy làm lạ, không biết ghe ở đâu lại đây, mà ghé đến bến mình làm chi, bởi vậy cô chống đũa ngó trân trân.Nước lớn đầy nên ghe đậu sát mé sân. Một người đàn ông tay vịn cây sào, chưn bước lên sân, bộ ốm yếu nên chậm chạp. Đứng vững rồi mới day lại vói đỡ một đứa nhỏ chừng vài tuổi đem lên để đứng một bên.Một thiếu phụ bước lên bờ nữa. Bước gọn gàng tay xách một gói lớn. Hai bên nói tiếng người còn ở dưới ghe, rồi cùng nhau đi ngay vô cửa. Người đàn ông đi trước, chân đi nhút nhát nên không mau, lại tay dắt đứa nhỏ bặm trợn. Người thiếu phụ xách gói đi sau dơ dác ngó vô nhà, ngó hai bên, bợ ngợ với cảnh lạ.Cô Quyên chăm chú ngó rồi buông đũa mà nói lớn:- Ý! Anh Hào về cha à!Ông Thuận để chén cơm xuống ván mà hỏi.- Về ở đâu?Cô Quyên vừa bước xuống đất vừa đáp:- Ảnh về ghe. Ảnh vô tới giữa sân kìa kìa.Cô hân hoan bước ra cửa đứng đón.Ông Thuận hỏi tiếp:'>
Ông Bá hộ dụ dự không đành bỏ nhà cửa nhưng ông không tìm ra kế nào khác để giữ của mà khỏi chết, bởi vậy ông phải lặng thinh mà chịu.Bây giờ phải cắt người thay phiên nhau mà canh chừng tàu luôn ngày đêm, hễ thấy tàu thì đánh mõ cho hay đặng kéo nhau vô rừng vô Truông.Canh cả tháng mà không thấy tàu bè chi hết, dân canh tự nhiên vãi đãi. Một bữa, lúc gần sáng có hai chiếc tàu chạy vô mà người canh ngủ quên không hay. Chừng tàu chạy khỏi xóm Tre rồi có người thức dậy sớm thấy mới la lên. Nhưng nghĩ tàu không ngừng mà đổ bộ nên không cho người canh đánh mỏ báo động. Tuy vậy mà nghe sạo sực trong xóm ai cũng hay hết, nhưng hay rồi kéo nhau ra mé sông ngó 2 chiếc tàu vẫn chạy luôn bởi vậy không có người nào tính rút vô rừng.Ngày đó dân trong xóm Tre cứ dụm năm dụm bảy mà bàn luận, không ra ruộng, không đi câu, song cũng không nghe có việc chi hết.Cách hai ngày mới hay hai chiếc tàu đó chở binh Pháp vào Vàm sông Tra và chiếm huyện lỵ Gò Công. Lính đóng mấy đồn Gò Gừa và Sơn Qui không chống cự, nên giặc không có bắn một phát súng.Nhân dân xóm Tre nghe như vậy tức quá, tiếc giặc không đổ bộ xóm mình đặng gây ra trận Truông Cóc cho giặc ghi nhớ phải chết sống mới đoạt nguồn Khổng Tước được.Tuy vậy mà bắt đầu mọi người chán nản. Mà trong ít ngày sau càng chán nản hơn nữa, và lần lượt nghe huyện Cần Guộc bị giặc chiếm rồi phủ Tân An cũng mất nữa, sau hết lại hay phủ Định Tường cũng không còn.Ông Bá hộ ngồi khanh tay rầu rỉ tối ngày. Ông Thuận với Phó Tha bực tức mà đau, tức không biết Triều đình ở đâu, quan quyền làm việc gì để cho ngoại bang hống hách hoành hành mà chiếm đất đoạt thành như vào nhà không chủ.Ông Thuận còn đau khổ về nỗi con; đại đồn đã thất thủ, đại binh đã tan hoang mà Hào ở đâu sao không thấy trở về, còn sống xót mà tản lạc theo đám đại binh để lập thế phục thù hay là chốn sa trường đã ngả gục, phơi thây chiến sĩ.Cô Quyên vô thăm cha chồng thấy ông buồn rầu lại bịnh hoạn, cô phải lo cơm cháu cho ông. Ông Thuận thấy dâu, ông càng thêm nhớ con. Mặc dầu Quyên kiếm lời an ủi đủ cách, cô cũng không làm cho ông nguôi được.Bữa nào Tư Cầu cũng phải ra ruộng hoặc đi câu, Quyên không nỡ để cho cha chồng bịnh mà nằm hiu quạnh một mình, nên cô thưa cho cha mẹ hay rồi mỗi ngày cô vô mà săn sóc giúp đỡ ông Thuận.Ông Bá hộ hay ông Thuận bịnh ông lật đật vô thăm, rồi về sai người nhà đi kiếm thuốc cho ông Thuận uống. Phó Tha lại thăm ông Thuận thường thường, kiếm lời an ủi cho ông bớt buồn và chạy thuốc giùm cho ông uống.Ông Thuận đau cả tháng, nhờ dâu chăm nom săn sóc và nhờ bạn tìm kiếm thuốc men, nên ông đã hết nóng lạnh nhức đầu. Nhưng vì tuổi lớn, lại hôi cơm tanh cá ăn uống không được, nên ông giảm sức rất nhiều. Ông đã ốm mà bây giờ cặp mắt của ông lại đỏ. Anh em trong xóm đi kiếm thuốc mắt cho ông xức con mắt. Thiệt nhờ có thuốc nên hết xốn và bớt đỏ. Nhưng nhãn quang của ông càng bữa càng thêm lu lờ, ban ngày mà ông thấy mờ mờ như ban đêm, ai vô nhà ông không nhìn mặt được, phải nói ra tiếng ông mới biết; còn đến bữa ăn cô Quyên phải ngồi gắp cá bỏ vào chén cho ông ăn, vì ông không thấy mà ăn một mình được.Đó là một nỗi lo lắng và cực nhọc thêm cho cô Quyên nữa, thế mà cô không buồn, không than, cứ một mực chăm nuôi cha chồng, mặc dầu chưa cưới mà lại bặt tin tức.Ông Bá hộ nghe trong Rạch Băng có một thầy thuốc trị con mắt. Ông cậy người chèo ghe vô rước thầy ra coi mà cho thuốc. Thầy vạch cặp mắt ông Thuận mà coi rồi nói mây kéo gần bít con ngươi, trong ít tháng nữa mây kéo giáp rồi ông Thuận không còn phân biệt ngày đêm gì nữa được. Bây giờ phải làm sao có thuốc xức tan đám mây đó mới thấy. Ngặt thầy không biết thuốc đó, nên thầy không dám lãnh mà trị.Thế thì ông Thuận phải đành chịu mang tật đui, không biết đêm ngày, hết thấy trời đất, chớ không làm sao được.Mà cô Quyên cũng phải đành chịu mang cực nhọc lo phục dịch một cha chồng mù quáng, để vẹn lời hứa với người chồng chưa cưới mà cha mẹ đã định hôn, dầu cực nhọc đến chừng nào cô cũng phải cam lòng, không được phép lẳng lơ lỗi đạo.