“Giây phút ban đầu, ngày ta gặp nhau, mắt ta thầm trao biết bao nhiêu lời âu yếm...’’ °
Mấy ai nắm bắt được giây phút ban đầu say đắm như thế với người tình đầu tiên. Một tia chớp nháng lửa, hai trái tim choáng váng.
Tia chớp đi qua đời Hân từ vài giòng tìm bạn trên tờ Tuần báo văn nghệ thứ bảy. Kẻ chủ mưu không ai khác hơn là Kim Sa. Chính Kim Sa cắt mẫu tin ấy trên báo, dấm dúi đem vào lớp, nháy mắt ra dấu cho Hân: đến điểm hẹn ở thư viện vào giờ ra chơi.
Sợ bẩn áo dài với quần trắng, hai đứa ngồi thu lu kiểu nước lụt trên bậc thềm khuất sau lưng thư viện, trông như hai chú bồ câu trắng đang rình mồi. Kim Sa trịnh trọng mở cuốn sách Sử trong có kẹp mẫu giấy nhỏ. Hân xem qua, thất vọng:
- Cái này cũ mốc rồi, không thấy ngày đăng tin là tháng 3 sao, giờ đã là tháng 4 rồi, ngố ơi!
- Thì đã sao, nếu có duyên với nhau thì sớm muộn đâu là vấn đề.
- Có một anh rao hàng mà chắc đến hàng trăm em gửi thư xin làm em hờ, thôi tao chả chơi.
- Hàng hiếm mới quí, nên nhớ đây là hàng ngoại nghe, made in Germany chính hiệu, chứ hàng
nội địa thiếu gì, đầy cả trang báo. Lâu lâu mới xuất hiện một Romeo du học nước ngoài. Tao có
anh Diễm bên Mỹ rồi, thương mày cô đơn nên ráng lo cho mày, vậy mà còn õng ẹo.
Có tiếng dép đi ngoài hàng lang, cô quản thủ thư viện xuất hiện:
- Hai em làm gì ngồi ngoài này, coi bộ khả nghi quá?
Sa đứng dậy ra vẻ khép nép, hiền lành:
- Tụi em bàn chuyện đời mà cô, có gì khả nghi đâu.
Cô cười: - Hai đứa nhóc, biết khỉ gì chuyện đời mà bàn, về lớp đi.
Hai đứa líu ríu đi ra hành lang, Kim Sa dúi mẫu giấy vào tay Hân:
- Nè, giữ đi, thư đầu làm quen viết ngắn thôi, ráng viết cho mùi nghe.
- Mày định bài luận văn này bao nhiêu chữ, 100 hay 200 chữ? Tao viết đúng y như vậy.
Sa ra giá:
- Lấy trung bình, 150 chữ là vừa phải, nhưng đừng biến thành Madam Very.
Hai đứa phá ra cười. Madam Very là biệt hiệu của Hoa Dung trong lớp, nhỏ này vừa lười vừa
dốt Anh văn, nhưng có nụ cười với cái răng khểnh duyên ơi là duyên. Thầy Văn ra bài luận Anh
văn 400 chữ. Vốn liếng Vocabulary chỉ đếm đủ hai bàn tay, Dung không biết làm sao kéo bài dài
ra cho đủ số chữ. Nó kể: “Cái khó ló cái khôn, tụi mày ạ. Tao bí quá, không lẽ đem tự điển ra ghép chữ, tự nhiên Giời cho sáng kiến vọt ra, cứ mỗi cái tĩnh từ, trạng từ tao ghép vô một, hai chữ very, thế là bài luận tao chẵn chòi 400 chữ, ngon ơ!’’
Khi trả lại bài, thầy Văn tuyên bố:
- Có một bài văn làm tim tôi vô cùng xao xuyến vì trong bài sử dụng hơi nhiều chữ “very’’ thí dụ mấy câu: I am very very happy. This house is very very beautiful. Thậm chí có câu: He ran very very very quickly. Tôi cũng đủ thông minh để hiểu chữ very rồi, thêm 2, 3 cái very vô mần chi vậy, thưa nữ sĩ Hoa Dung?
Trong khi cả lớp lăn ra cười, Dung đứng lên tỉnh bơ nói:
- Thưa thầy, đó là vì em muốn emphasize, nhấn mạnh, để thầy không hiểu lầm tư tưởng của em.
- Ra thế, từ nay tôi xin mạn phép cả lớp đặt cho nữ sĩ bút hiệu: Madam Very-Very, có được không?
- Cái tên nghe cũng được, tuy hơi bí hiểm, nhưng một chữ Very đủ rồi thầy.
- Thì tôi cũng muốn nhấn mạnh, để nobody hiểu lầm tư tưởng của tôi mà.
Hoa Dung chết danh với cái tên Madam Very-Very từ đó.
&
Gửi vài dòng tự giới thiệu mình, nhưng không hy vọng nhận được thư trả lời, cả Sa với Hân xem như trò chơi, quên luôn mẫu tin tìm bạn. Hơn tháng sau, khi hoa phượng đỏ nở rộ và đám ve sầu reo vang trên đường Tú Xương, con đường hai đứa hằng ngày cuốc bộ đến trường, Hân giật mình nhận được lá thư với tên người gửi lạ lùng: Lê thị Hạnh Phúc. Sa nhanh nhẩu nói:
- Để tao mở thư cho, có gì tao sẽ vì mày hy sinh, nhớ lấy ngày này làm đám giỗ tao nghe.
Lá thư từ nước Đức xa xôi, lời thư dịu dàng chân tình, làm Hân ngẩn ngơ: “Cám ơn Hân đã viết thư cho anh, ở đây xứ lạnh mà đọc thư Hân anh thấy ấm lòng. Anh nhận được rất nhiều thư làm quen, chỉ riêng có thư Hân viết tự nhiên, chân thật làm anh bồi hồi, quí mến...’’
- Mới quen mà hắn xưng anh nghe ngọt hơn nước dừa đường Duy Tân, trúng số rồi, nhỏ ơi! Trả lời liền đi.
Hân thận trọng:
- Đâu còn có đó, để tao nghiên cứu kỹ hơn rồi trả lời, rủi đó là tên bóng nào đóng kịch trêu tao, làm tao bể giấc mộng lớn, mộng con thì sao.
- Mày thật đa nghi hơn Tào Tháo, chính hắn đăng báo tìm bạn mà, hay nhất là nói hắn gửi hình để hai bên biết mặt nhau.
- Mới có thư đầu, yêu cầu tùm lum, hắn ta coi thường mình.
Không cần Hân gợi ý, lá thư thứ hai, Phúc gửi kèm tấm hình đang ngồi ở bàn làm việc, anh viết: “Anh thêm chữ “thị’’ vào tên người gửi ngoài bì thư, để ba mẹ em khỏi nghi ngờ, chịu không? Anh rất mong được biết mặt Hân, để tránh trường hợp sau này anh về nước, đi đường rủi ro có đụng xe nhau thì không phải choảng nhau...’’.
Kim Sa khoái từ ngữ của Romeo da vàng từ nước Đức, nói:
- Tay này phát ngôn rất hiện đại, hợp với tao, chả bù cho me-sừ Diễm của tao, lúc nào cũng đạo mạo nên khô khan, phát ngán.
- Hay mày nhào dzô chơi chung đi.
- Thôi đi, có một anh Romeo mà tới hai em Juliette, mất trật tự. Tao chỉ khoái đọc ké thư, làm quân sư cho mày thôi.
Thư sau có hai tấm hình: Phúc mặc áo mantel mùa đông ngồi trên tuyết, và Phúc ngồi trên ghế dựa ở quán cafe, áo sơ mi vàng, tóc dài, gương mặt vuông, đôi mắt dịu buồn.
Sa cho điểm:
- Tạm được, 5 điểm, so với mày thì Romeo hơi già, không đẹp giai như Alain Delon. Nhưng thôi, có còn hơn không, chàng ta ngó bộ hiền lành.
Hân gửi lại những tấm ảnh chụp cô trước cổng trường và cổng chùa Xá Lợi. Từ một trang viết ban đầu đến 5, 6 trang ở những thư sau, hai người kể nhau nghe đủ thứ chuyện mưa nắng, bạn bè, đường phố ở xứ người và bên nhà. Những lá thư phương xa xuất hiện đều đặn mỗi tháng hai lần khiến ba cô ngạc nhiên, nghi ngờ:
- Đứa bạn nào mà chịu khó bỏ thì giờ viết thư, lại tốn tiền tem gửi thư thế nhỉ?
Hân lặng im, tránh né. Cô đánh số thứ tự từng lá thư, gạch dưới những chữ, những câu đầy nghĩa yêu thương, trân trọng cất dấu mối tình đầu thơ mộng, khiến đôi lúc Sa phải nổi giận vì không được đọc ké thư.
- Tên Romeo ấy viết cái cóc khô gì mà mày không cho tao kiểm duyệt? Nên nhớ, phi chị mày ra thì làm sao hai đứa mày quen nhau được? Coi chừng rơi vô vực thẳm đấy, ngố ơi!
Tính Sa xốc nổi, thực tế, nó coi cái love story này như một vở kịch vui, ngồ ngộ, làm sao Sa hiểu nổi mối tình thầm lặng ấy. Tia chớp không nháng lửa đột ngột, nhưng những lời bông đùa ý nhị, kể chuyện tình tứ của Phúc từ từ thấm vào trái tim Hân một tình yêu nồng nàn, sâu lắng. Phúc dường như cũng không đùa, anh gửi về cho Hân quà bánh, những tấm thiệp đẹp chúc sinh nhật cô, mừng Năm mới, cả băng cassette có tiếng đàn guitar và giọng hát trầm ấm của anh với bài Hoài cảm.
“Tình yêu mình đẹp như giấc mộng đêm hè, em có thấy vậy không...’’ Phúc viết đầy hứa hẹn,
“sẽ chẳng bao giờ anh quên Hân cho dù chuyện mình có gì trắc trở. Có đi khắp nơi, không bao giờ anh tìm được đôi mắt nào, mái tóc nào đẹp như của Hân. Em yên tâm, vài năm nữa học xong anh sẽ về, chúng mình sẽ gặp nhau.’’
Trả lời thư anh, Hân chép lại mấy câu thơ tình học thuộc từ trên báo:
Tình dẫu phai trong chiều nắng nhạt
Tình dẫu phai trong khúc nhạc buồn
Em yêu anh một đời cô độc
Đợi chờ người biết có hoài công…°°
Cuộc đời thường ẩn chứa nhiều sự bất ngờ đẩy con người rơi vào định mệnh cay nghiệt.
Hai năm, ba năm đi qua, Hân lên năm thứ hai Đại học, Phúc báo tin chuẩn bị về nước, thì cơn lốc đổi đời năm 1975 ập tới.
Những lá thư phương xa thưa dần theo thời gian, Phúc viết “Hân ơi, anh vẫn yêu em, nhưng anh không thể trở về. Nếu em muốn ra đi thì báo anh biết, anh sẽ làm giấy bảo lãnh và cho em biết rõ điều kiện hơn, em nghĩ sao...’’
Làm sao Hân cắt đứt tất cả để đi tìm một tình yêu mộng tưởng, trong khi mạng sống của ba Hân lúc đó đang tính từng ngày, ông mất vì cơn bệnh ung thư gan trong khi gia đình sa sút vì thời thế, thiếu cả tiền ăn lẫn tiền mua thuốc. Ông can đảm ra đi không tiếng than van đau đớn tránh nỗi đau khổ cho vợ con. Đám tang cha, Hân phải thay mẹ chạy vạy khắp nơi mượn tiền không có thì giờ để khóc, nhưng về đêm mỗi khi nghĩ đến cha, gương mặt Hân dàn dụa nước mắt. Những nỗi tang thương của gia đình Hân lại không thể kể hết cho Phúc biết được.
Lá thư cuối cùng của Phúc không một dòng chữ, chỉ có cuộn băng cassette, anh hát: “Nhớ em nhiều, nhưng chẳng nói, nói ra nhiều cũng vậy thôi...’’ Cô hiểu ý nghĩa của Bài không tên cuối cùng, gửi lại Phúc một bài thơ ngắn, như một lời chia tay nhau, mãi mãi:
Biết ngưòi xưa ấy
đã khói sương che
biết tình xưa ấy
đã cách bến bờ
biết lòng không đậu
trông chi thuyền về
người như thiên cổ
trăm năm lỗi thề…°°
Không phải chỉ đánh mất mối tình đầu lãng mạn, Hân mất dấu cả Kim Sa, cô bạn yêu dấu thuở nhỏ khi Sa không kịp chia tay với Hân, lặng lẽ xuống tàu cùng mấy chị em vượt biên.
&
Trời mùa hè, đêm tối đến muộn, Hân ngồi nán lại ở văn phòng du lịch, dán mắt vào màn hình computer đầy ký hiệu và con số. Một cặp vợ chồng ghé đến, gõ vào cửa kính:
- Xin lỗi chúng tôi đến hơi muộn, muốn hỏi thăm vé máy bay về Việt Nam.
Hân nở nụ cười nghề nghiệp tiếp khách. Chỉ năm phút sau Hân đoán hiểu khách quí thuộc loại nào. Trái với bộ cánh sang trọng đắt tiền, điệu bộ kiểu cách, người đàn ông đặt nhiều câu hỏi chi li, vặt vãnh:
- Tháng nào có giá vé rẻ nhất? Có giá vé cho học sinh không, tôi có đứa con trai 14 tuổi. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi về Việt Nam, cũng là lần đầu tôi đến văn phòng cô, có giá đặc biệt làm quen không?
Hân ngán ngẫm, có những ông với vẻ hào hoa bên ngoài, nhưng khi mua bán còn kỳ kèo giá cả hơn cả đàn bà. Kinh nghiệm vài năm trong nghề giúp cô mài dũa tính nhẫn nhục với khách hàng, nhất là với các Thượng đế đồng hương.
- Ở đây chúng tôi có Ethnic Fare là giá vé đặc biệt cho người Việt và người châu Á, luôn luôn rẻ hơn vé bán cho người Đức, ông bà yên tâm.
Hân kín đáo ngắm ông khách, tóc đã nhiều sợi bạc, vầng trán và đuôi mắt nhiều nếp nhăn, đôi chân mày dấu â, dường như quen quen, đã gặp đâu đó, lần nào đó trong đời. Vừa tiếp chuyện, Hân vừa lục lọi trí nhớ với khuôn mặt người đàn ông, nhưng đành chịu thua. Cô gắng hỏi dò:
- Hồi xưa ở Việt Nam hình như ông học ở Văn khoa, ban Anh văn?
Ông khách cười, nói vô tư:
- Tôi học ở Lasan Taberd, xong trung học thì đi du học liền, có biết Đại học Văn khoa ở đâu?
- Hay ông có đến văn phòng tôi hỏi vé một lần rồi thì phải?
- Đến đây thì chưa, có lẽ cô gặp tôi trên chùa, khi cô đến đó phân phát quảng cáo Tour du lịch Việt Nam. Tôi xem quảng cáo, thấy giá vé máy bay với các Tour của cô được lắm.
Bà vợ, người thấp béo, bấy giờ mới lên tiếng:
- Chúng tôi có hỏi qua mấy nơi rồi mới đến văn phòng của cô đấy chứ. Chúng tôi còn tính đi Tour từ Hànôi vô tới Saigon nữa, cô tính giá tình cảm cho tụi tôi đi.
Hai bàn tay người đàn bà đặt trên cạnh bàn, sáng chói 4 cái nhẫn kim cương, cả trên cổ và hai tai cũng lóng lánh như ánh đèn, vậy mà vẫn cò kè thêm bớt năm, mười đồng bạc.
Thật là xứng đôi, Hân nghĩ thầm, vợ chồng cùng nết bủn xỉn như nhau, thế mới mau giàu.
Trong khi có những người Việt đồng hương, sang đây vất vả làm thuê, công nhân hay bồi bàn, đến văn phòng chỉ một lần, trao đủ tiền, lấy vé ngay, không một lời trả giá, thật dễ chịu.
Sau gần một tiếng tìm hiểu đủ các hãng Airlines, hai người lấy mấy bộ quảng cáo để “về nhà suy nghĩ cân nhắc thêm’’, hứa sẽ trở lại. Hân không mong ngày trở lại của họ, cô thở ra: “Thoát nạn, thứ này mà bán được mấy cái vé máy bay cho họ chắc khô cả cổ’’.
&
- Giá mà họ đi mất tăm cho rồi, tao thà mất khách hàng còn hơn rơi xuống vực thẳm.
Hân than thở. Kim Sa giở giọng triết lý:
- Đó là tấn trò đời đấy, có những kẻ mình tha thiết, ao ước được gặp, đến khi gặp rồi, biết mặt thật nhau rồi, mới vỡ mộng, hối tiếc. Thà không gặp còn hơn, mình ít bị đau khổ hơn.
Hai người bạn thuở mái tóc còn xanh, nay gặp lại nhau “hai mái đầu chớm bạc’’ nhưng vẫn còn nhìn ra nhau thật bất ngờ ở buổi họp mặt cựu học sinh của trường ở San Jose. Kim Sa lấy vacation một tháng, bay qua Đức thăm Hân cùng nhau giang hồ vặt qua mấy thành phố ở Đức.
Từ Berlin, Hamburg, đến Köln thăm nhà thờ lớn nổi tiếng, đi tàu dọc theo sông Rhein thăm các lâu đài cổ xây trên núi từ thế kỷ 14, xuống Darmstadt thăm khu nhà do kiến trúc sư Hundert-wasser xây dựng, nên thơ như lâu đài cổ tích, đến tận biên giới phía nam Đức, đi thuyền trên hồ Bodensee thơ mộng.
- Sao hồi đó mày âm thầm ra đi, không nói với tao một tiếng vậy Sa?
- Tao đâu có biết trước, bất ngờ chú tao báo có chuyến tàu sắp đi, mẹ tao vội vàng đẩy tụi tao đi ngay, đi bán chính thức. Đúng là chuyến đi kinh hoàng, họ nhét người như cá hộp đến hơn 200 người, tàu lại bị chết máy, ai nấy gần như điên loạn vì tranh giành chút nước cặn từ mấy can nước, tưởng chết trên biển rồi, còn sống là phép lạ đấy. Tụi tao phải ở trên đảo đến 4 năm, qua mấy lần thanh lọc, mới đến được nước Mỹ. Ban đầu vừa lo học, vừa đi làm, nếm đủ mùi khổ nhục, khi có việc làm đàng hoàng, rủng rỉnh tí tiền, nghĩ tới mày, viết thư về tìm mày thì mày biến đâu mất.
- Thì tao cũng biến như mày. Sau khi ly dị, tao nhất quyết đưa con ra đi, đâu có định đến đây. Chẳng biết là may hay rủi, tàu ra biển có 5 ngày thì được tàu Cap Anamur cứu vớt nên phải đến nước Đức.
- Thế từ khi đến đây, mày có chủ ý tìm lại Romeo ngày xưa không? Giấc mộng đêm hè của mày đấy?
Không trả lời bạn, Hân nhìn ra sóng nước trên hồ Bodensee, sóng dâng lên rồi tan ngay, không để lại vết tích. Tiền bạc, tình yêu, danh tiếng trong đời này cũng thế thôi, như bọt nước. Có gì khiến con người phải bôn ba khắp nơi, phí phạm cả cuộc đời đề giành giật, bám víu, chiếm giữ.
Hai người im lặng, ngã lưng trên con thuyền trôi bồng bềnh. Xa xa là rặng núi ở biên giới với rừng thông xanh ngút ngàn, nơi đây cô tịch thanh thoát quá. Giá có tiếng chuông chùa ấm áp cho lòng vơi đi bao nỗi ưu tư trong đời. Hân muốn khóc nhưng nước mắt đã khô cạn từ lâu.
18 năm sống trên xứ người, trong túi nhỏ của cô luôn có mấy tấm hình của Phúc, mỗi khi đến họp mặt đồng hương ở thành phố nào ở Đức, cô hay đưa ra dò hỏi để tìm người xưa ấy.
Những lá thư của Phúc thường thay đổi địa chỉ, khi hỏi đến đều chỉ có câu trả lời: “ Đã dời chỗ từ lâu, không biết đi đâu.’’ Thật lạ lùng, chả ai hay biết con người đó, khuôn mặt đó. “Hay anh ta không có thật trên đời này, mấy tấm ảnh chỉ là giả mạo thôi. Hay anh ấy đã di tản qua nước khác sinh sống?’’ Hơn 60 lá thư trong phong bì xanh với số thứ tự cô còn giữ nguyên vẹn. Hân thấy tuyệt vọng theo thời gian, không ra sức tìm kiếm nữa. Nhưng vẫn có đêm thao thức, thầm khấn nguyện: “Hãy cho tôi gặp người đó một lần, chỉ một lần, rồi ra sao cũng cam lòng, để tôi biết tình yêu đó không phải là mộng ảo’’.
- Nhưng thật ra mày có yêu hắn không hay mày chỉ yêu cái mối tình đẹp như giấc mộng đó thôi. Mày thử hỏi lại lòng mình xem.
Tiếng Kim Sa vang lên âm u giữa biển trời mây nước. Có phải sự thật là thế không? Hân nuốt nước mắt vào lòng. Cô thấy cay đắng cho mối tình lãng mạn thời xuân trẻ.
&
Hai tuần sau khách quí trở lại đặt mua vé, chỉ một mình ông ta. Hân cười thầm, chắc đi dọ giá cả chục nơi mới trở lại đây. Cô giữ lịch thiệp tiếp khách, giữ nguyên giá ban đầu vì không bao giờ cô nói thách giá, nhưng ông khách vẫn cố kéo nài, giở mánh nói khéo:
- Tôi sống ở nước Đức hơn 30 năm, quen biết rộng lắm, họ hàng tôi cũng đông, nếu cô tính bớt nữa, thì tôi sẽ giới thiệu cho cô nhiều khách hơn đấy.
Hân im lặng, kiên quyết, yêu cầu khách nếu đồng ý thì cho biết tên họ cả gia đình để cô xuất vé. Người khách đưa ra thẻ chứng minh cá nhân.
Trời đang nắng chợt đổ cơn sấm sét. Một tia chớp nháng lửa, Hân choáng váng. Đó là cái tên Lê Hạnh Phúc! Giấc mộng đêm hè của chúng mình!
Cô thu hết can đảm ngước lên, chăm chú nhìn vào khuôn mặt người khách, tìm kiếm.
Phải, đúng là khuôn mặt đó. Hình như có vẻ xị ra vì béo quá, da mặt xạm đen, cái mũi to ra nên thô hơn, đôi mắt dài dưới hàng lông mày dấu â, nhưng ánh mắt tinh ranh, láu lỉnh. Biến mất rồi ánh mắt dịu buồn trong những tấm hình năm xưa. Hân cười buồn, nói khẽ:
- Tên ông hay quá, chắc ông luôn được nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời.
Vị khách lém lỉnh, đối đáp rất nhanh:
- Có lẽ vậy, như gặp cô ở đây cũng là một hạnh phúc cho tôi.
“Nhưng cho tôi thì không, ai đã giết hạnh phúc của tôi, giấc mơ của tôi, ông có biết không?’’
Có ai đang gào lên trong lòng Hân câu thê thiết đó.
Cô tiễn người khách ra về. Ông khách đứng lên, khó khăn chống đôi nạng lịch kịch ra cửa.
Bỗng dưng Hân tỉnh người, tim cô sắt lại, phải tìm cho ra sự thật, dù có phải giáng xuống nhát chém cuối cùng, cắt đứt tuyệt tận “giấc mộng đêm hè’’ xa xưa.
- Xin lỗi, tôi có câu hỏi xin ông đừng phiền, ông mang tật vì tai nạn xe hơi phải không?
Người khách trả lời, giọng nói tràn đầy tự mãn:
- Không, tôi bị bệnh bại liệt nên mang tật từ nhỏ đấy chứ, nhưng không sao, vẫn có hạnh phúc mà. Cô thấy đó, nhờ có tiền, cha mẹ tôi chạy cho tôi qua Đức du học, vì hồi xưa du học ở Đức dễ hơn so với nước khác. Đến nay tôi có đủ thứ mà ngay người lành lặn cũng còn lâu mới với tới, tiền bạc, nhà rộng, xe sang, địa vị, gia đình, vợ con...Bà vợ tôi qua đây theo diện du lịch thăm thân nhân, tôi bảo lãnh, đồng ý lấy tôi mới được ở lại nước Đức đó chứ, có dễ đâu!
Hân nhớ đến những tấm ảnh thuở xưa, người trong ảnh luôn luôn ngồi trên ghế hay chỉ là ảnh chụp nửa người. Một bí mật được cố ý che dấu, tận đến hôm nay!
Ông khách chủ động bắt tay Hân từ biệt. Bàn tay dầy, ẩm mồ hôi. Bàn tay của một người tự mãn no nê hạnh phúc. Không biết bàn tay đó đã tạo ra đến mấy giấc mộng đêm hè?
Hân muốn chảy nước mắt. Phải chi Juliette đừng sống lại. Nàng nên chết đi từ giấc ngủ ban đầu. Đừng bao giờ tỉnh lại, để đau khổ hơn. Đừng bao giờ biết đến một Romeo trong đời thật, để cay đắng hơn.
Nghe như trái tim cô nức nở: “...Nhưng mối duyên đầu vì đâu dở dang, lòng khóc thầm... Người dẫu xa xôi người có thấu chăng...tình tôi...’’ °
Minh Thùy
° Lời dịch từ nhạc phẩm Romeo and Juliette
°° Thơ trích quên tựa, quên tên tác giả.

Xem Tiếp: ----