Còn ông Tấn-sĩ Thái-Duy Càng, vưng theo lời chú dạy, nên cưới vợ bữa trước rồi bữa sáng sau vợ chồng ngồi xe hơi lên Ðà-lạt ở chơi cho thong-thả trí. Tuy là nói đi chơi, song lên Ðà-lạt, cô Minh-Nguyệt trong trí mắc lo nỗi cha, thương thân-phận cha cực khổ, còn ông Tấn-sĩ Càng muốn biết coi nguyên do làm sao mà cha vợ mình ngày trước làm Cai-Tổng rồi bây giờ lại làm thợ sơn. Ai cũng có chỗ lo riêng trong lòng, bởi vậy vợ chồng ngoài mặt thì giả cười, còn trong trí thì bối rối hết sức.Lên Ðà-lạt ở được ba bữa. Vì khí trời lạnh-lẽo, nên hễ ăn cơm tối rồi một lát thì khách ở nhà hàng ai rút vô phòng nấy mà ngủ. Vợ chồng ông Tấn-sĩ Càng cũng về phòng mình, song cô Minh-Nguyệt vô mùng liền, còn ông Tấn-sĩ thì cứ đi qua đi lại trong phòng trót mấy giờ đồng-hồ. Ðến 12 giờ khuya, ông mới thay đồ đi ngủ. Ông dở mùng lên, thấy vợ còn thức, ông lấy làm lạ, nên hỏi rằng:- Từ hồi hôm đến giờ em chưa ngủ hay sao?- Thưa chưa. Mấy đêm nay em nằm thao-thức hoài, ngủ không được.- Tại sao vậy? Nghe trong mình có sao hay không? Sao hổm nay không nói đặng qua rước Ðốc-tơ coi thử coi có bịnh hay không?Cô Minh-Nguyệt cười, rồi cô chỗi dậy ra ca-na-pê ngồi. Ông Tấn-sĩ Càng ngồi một bên, ông nắm tay vợ, kề sát mặt mà hỏi rằng:- Tại em không quen lạnh, nên em bịnh hay sao? Nếu ở trên nầy em ngủ không được, thôi sáng mai qua đem em về.Cô Minh-Nguyệt lắc đầu đáp rằng:- Em không có bịnh gì hết. Em ngủ không được là vì em lỡ nói dối anh một việc, em buồn rầu, em ăn-năn quá.- Em dối việc gì?- Em nói ra không biết anh vui hay không?- Chẳng có việc gì em nói mà qua không vui lòng. Em còn nghi bụng qua hay sao?Cô Minh-Nguyệt ngồi ngẫm-nghĩ dụ-dự. Ông Tấn-sĩ cười và thôi-thúc rằng:- Em có việc gì thì cứ nói ra, đừng ái-ngại chi hết. Vợ chồng thương nhau thì cứ lấy thiệt tình mà đãi nhau.- Việc em giấu anh là việc cha của em. Việc ấy mờ ám lắm, em không biết sao mà tỏ cho anh hiểu được. Em chỉ thú thiệt với anh rằng hôm trước em nói với anh cha em ở trên Battambang là lời dối. Cha em ở Sài-gòn, chớ không có ở đâu hết.- Tưởng việc gì, chớ việc đó qua hay rồi.- Hay thế nào? Ai nói với anh?- Qua biết cha ở trên chợ Xã Tài, ở một căn phố với anh Ba Sang, ở làm nghề thợ sơn mà ăn, người quen biết trong chợ họ kêu là “Ông Cử”. Qua có lên coi căn nhà của cha ở nữa.- Anh hay hôm nào?- Cách chừng ba bốn bữa rồi tới đám cưới đó.- Ai thèo-lẻo cho anh biết đó? Chắc anh Biện Huỡn chớ ai.- Vì việc tình cờ mà qua hay chớ không ai nói hết. Qua có việc muốn hỏi anh Biện Huỡn mà chưa có dịp hỏi được. Cha ở Phú-nhuận sao không nói thiệt lại bày nói ở Battambang chi vậy?- Nói dối đó là tại má. Má thấy cha hèn-hạ quá, sợ nói thiệt cho anh biết thì hổ-thẹn, nên phải bày nói như vậy mà che miệng thiên hạ.- Má chưa biết bụng qua. Thân cha như vậy qua còn thương nhiều hơn nữa, chớ qua chê cười gì mà sợ hổ-thẹn.- Thuở nay em cũng không biết cha ở đâu, chừng cha nài cho gặp anh rồi mới chịu cho phép em lấy chồng, má túng thế phải nói thiệt với em, em mới gặp được cha đó.- Té ra từ ngày cha mẹ ly-dị tới giờ em mới gặp mặt đó hay sao?- Chớ sao. Em nhớ trước khi anh đi nói em, thì em đã có tỏ việc ấy cho anh biết mà.- Ờ, phải.Ông Tấn-sĩ Càng bèn thuật hết cho vợ nghe cái việc tình-cờ ông gặp Ba Sang và được biết bề ăn ở của cha trên chợ Xã Tài. Cô Minh-Nguyệt nghe rồi cô cũng thuật lại cho chồng nghe tại sao cô gặp được cha, những lời cha nói với cô làm sao, tại sao cha chịu manh lốt giả-dối. Vợ chồng tỏ tâm-sự nhau rồi, tình càng dan-díu, nghĩa càng mặn nồng, càng thương cha, càng trọng cha nhiều hơn nữa.Ông Tấn-sĩ Càng kề vai với vợ mà hỏi rằng:- Em có biết tại sao hồi trước cha với má để bỏ nhau, rồi tại sao cha làm Cai-Tổng mà bây giờ phải làm nghề thợ sơn như vậy?- Khi cha với má xa nhau, em còn nhỏ quá, em không hiểu. Từ hồi đó tới giờ má có nói với em chuyện gì đâu mà em biết. Hôm em gặp cha, em có hỏi, mà cha không chịu nói. Cha nói việc xưa em không nên biết làm chi.- Hôm anh Ba Sang thuật chuyện cha ăn ở trên chợ Xã Tài cho qua nghe, thì qua có hỏi phăng ảnh tới chuyện đó. Ảnh cũng không hiểu. Ảnh lại biểu qua hỏi anh Biện Huỡn, vì hồi trước anh Biện Huỡn làm Biện cho cha, nên có lẽ anh biết. Hôm trước mắc lo đám cưới, qua chưa hỏi được.- Em muốn xin anh làm ơn hỏi dọ giùm cho ra cái việc đó, kẻo trong bụng em buồn-bực hoài.- Em để đó cho qua. Qua muốn chơi ít bữa rồi về đặng kiếm anh Biện Huỡn.- Anh muốn về chừng nào cũng đặng.- Nè, qua dặn em, hễ chừng về em phải đi kiếm cha mà an-ủi, đừng để cha buồn. Cha không dè qua hiểu việc của cha. Vậy em phải giấu, đừng ló mòi cho cha biết. Ðể qua liệu giờ nào qua nên ra mặt, thì qua sẽ nói trước cho em biết.Ông Hội-đồng Cư cho phép đi chơi một tháng mà lên Ðà-lạt ở có một tuần-lễ rồi vợ chồng ông Tấn-sĩ Càng dắt nhau trở về Sài-gòn. Ông Hội-đồng thấy cháu về ông bèn giao nhà cửa đặng ông xuống Bạc-liêu mà lo ruộng đất.Ông Tấn-sĩ Càng nhắc-nhở, nên chiều lại cô Minh-Nguyệt vào phòng sửa-soạn đặng đi thăm cha. Ông Tấn-sĩ đi theo vô phòng, ông chỉ cặp bình bông có khắc chữ “Ba Sang và nội bọn” mà cắt nghĩa tại sao ông có cặp bình bông đó cho vợ nghe.Cô Minh-Nguyệt rõ tình kẻ nghèo đối với cha của cô như vậy thì cô cảm hết sức. Trước khi lên xe mà đi thì ông Tấn-sĩ căn-dặn phải giấu luôn, đừng cho cha biết rằng ông đã rõ bề ăn ở của cha rồi.Cô Minh-Nguyệt lên gặp cha, thì cô khóc-lóc năn-nỉ xin cha đừng đi làm thợ sơn nữa mà cực khổ tấm thân, để cô mướn phố sạch-sẽ dọn cho cha ở đỡ ít ngày, rồi cô sẽ liệu bề nuôi dưỡng cha mà đền ơn sanh thành.Ông Cử lắc đầu nói rằng:- Chồng của con là một người đứng-đắn, tuy trí thức theo tân-học, nhưng mà tâm tánh còn giữ theo phong-hoá nước nhà. Người như vậy không phải dễ kiếm, con có chồng như vậy thì là có phước lắm. Vậy con phải hết lòng lo thờ chồng, đừng có lo cho phận cha. Trót 10 năm nay cha phải dày bừa gió bụi là vì cha thương con, chưa biết thân con ra thế nào, nên cha không đành dứt nợ trần. Nay cha được thấy rõ ràng con có người bảo-bọc rồi, lại người ấy là người rất xứng-đáng, nên cha vui lòng lắm, chẳng còn lo việc chi nữa. Bây giờ cha cũng chẳng biết hờn giận ai, mà cũng chẳng muốn ham việc chi hết, mong lên núi ở mà tu, tu đặng chuộc tội kiếp nầy, hoặc may kiếp sau qua khỏi biển khổ.- Cha đừng có tính kỳ như vậy, cha.- Cha tính như vậy hay đa con. Cha đi tu thì cha được an phận, mà con cũng khỏi lo hổ-thẹn cùng thiên-hạ nữa.Cô Minh-Nguyệt ngồi khóc. Ông Cử thấy tình con trìu-mến ông thì ông cũng động lòng. Cách một hồi, ông hỏi rằng:- Hổm nay chồng con có nghi chút gì về phận của cha hay không?- Thưa, hễ nhắc tới cha thì ảnh kính-phục thương yêu cha lắm, chớ có nghi việc gì đâu. Nhưng mà rồi đây con sẽ nói thiệt, chớ nếu vợ chồng mà giấu-giếm nhau thì thành giả-dối không tốt.- Cái đó con phải suy nghĩ lại, chớ nên vội. Chồng của con thì biết nhơn-nghĩa lắm, mà đời nầy là đời danh lợi … Cha nghĩ nếu cha đi tu thì các việc vẹn toàn.- Thưa cha, không được. Mười năm nay con không biết cha ở đâu, lại con còn ở dưới quyền của má, nên con buồn-rầu, mà không biết làm sao được. Bây giờ con có chồng, con thành-nhơn rồi, mà con lại được gặp cha. Vậy con nhứt-định con phải nuôi dưỡng cha mà trả nợ sanh thành, ví dầu chồng con có bỏ con thì bỏ, chớ con không thể bỏ cha được.Ông Cử nghe lời hiếu-nghĩa thì ông ứa nước mắt, song ông gượng mà khuyên con chẳng nên vì cha mà lỡ-dỡ căn-duyên, nhứt là chẳng nên tới lui nữa mà mang tiếng. Cô Minh-Nguyệt cũng xin cha đừng đi đâu, để thủng-thẳng cho cô tính. Bận-bịu gần 2 giờ đồng-hồ rồi mới từ mà về.Cô Minh-Nguyệt về thuật lại cho chồng hay rằng cha muốn đi tu, thì ông Tấn-sĩ lo lắm. Sáng bữa sau, vợ chồng lên xe hơi đi Mỹ-tho, tính kiếm Biện Huỡn hỏi cho biết tại sao hồi trước cha mẹ phân-rẽ nhau. Cô Minh-Nguyệt có đi với mẹ xuống Mỹ-tho một lần mà thăm vườn ruộng, cô biết nhà Biện Huỡn, ở bên phía Chợ Cũ dựa đường đi Bến Tranh.Sớm mơi Biện Huỡn đang bứng mấy cây cau con ương bên hè, đem trồng ra phía sau vườn. Thình-lình anh ta thấy xe hơi vợ chồng ông Tấn-sĩ ngừng ngay cửa thì anh ta chưng-hửng, lật-đật rửa tay, bận áo, chạy ra tiếp chào rồi mời vô nhà. Vợ mắc đi chợ bán chuối, mít, mảng cầu, còn con thì mắc đi học hết, anh ta ở nhà có một mình nên lính-quýnh, lấy chổi quét bàn ghế mời khách ngồi, lấy bình trà với tách ra, tính đi lấy nước.Ông Tấn-sĩ Càng kêu và nói rằng: “Anh Biện, xin anh đừng nấu nước mất công. Vợ chồng tôi hồi khuya đã uống cà-phê ở nhà rồi mới đi đây. Anh lại đây tôi hỏi thăm chuyện một chút”. Biện Huỡn bước lại; ông Tấn-sĩ biểu ngồi trên bộ ván, gần chỗ ông ngồi đó, rồi ông nói rằng:- Vợ chồng tôi xuống đây trước thăm anh cho biết nhà, sau nữa có một việc kín muốn hỏi anh. Việc của ông gia tôi thì tôi biết hết, tôi biết trước ngày đám cưới, mà chừng cưới rồi cô Hai cũng tỏ thiệt với tôi nữa. Có một chỗ tôi với cô Hai không hiểu được, là không biết tại sao hồi trước ông gia với bà gia tôi để bỏ nhau và tại sao ông gia tôi làm Cai-Tổng mà rồi bây giờ lại làm thợ sơn. Xin anh nói thiệt cho vợ chồng tôi hiểu một chút.- Chuyện của ngài hồi trước tôi có hiểu đâu. Thiệt tôi không biết.Cô Minh-Nguyệt thấy Biện Huỡn dụ-dự thì cô nói rằng:- Ông Tấn-sĩ thương-yêu kính-trọng cha tôi cũng như tôi vậy. Anh đừng ngại chi hết, anh Biện. Vợ chồng tôi muốn biết rõ việc xưa đặng lập thế khuyên giải cha tôi, chớ có chi đâu mà anh phải giấu-giếm.- Thiệt tôi không biết chớ.- Anh làm Biện cho cha tôi, có lẽ nào anh không biết. Tôi cho anh hay rằng, bây giờ cha tôi sòng-sòng đòi lên núi ở mà tu. Vợ chồng tôi năn-nỉ hết sức mà coi bộ cha tôi không xiêu lòng. Xin anh làm ơn nói giùm việc nhà của tôi cho tôi biết rồi bày biểu cách nào cho vợ chồng tôi cầm cha tôi lại. Anh không thương cha tôi sao? Anh đành để vợ chồng tôi an-hưởng giàu-sang, còn cha tôi thất chí buồn đời phải đi lên núi mà tu hay sao?- Ngài mà tôi không thương vậy chớ tôi thương ai? Ngặt cái việc cô hỏi đó tôi khó nói lắm.- Tại sao vậy?- Ngài thương tôi, mà thuở nay bà cũng tin cậy tôi. Bà thường dặn tôi đừng có nói việc xưa cho cô biết.- Hồi còn nhỏ, má tôi không muốn cho tôi biết thì phải. Bây giờ tôi đã khôn lớn, tôi đã có chồng rồi, còn giấu tôi làm chi.- Nếu ông với cô có lòng thương ngài Cai, thì tôi không nỡ giấu. Mà nếu tôi nói ra, thì xin ông với cô thương tôi, đừng có học lại với bà đa.Ông Tấn-sĩ cười mà đáp rằng:- Xin anh đừng lo.Biện Huỡn ngẫm-nghĩ một hời rồi nói rằng:- Hồi trước bà với ngài Cai đối-đãi với nhau làm sao tôi không hiểu. Chừng ngài làm Tổng, ngài kêu tôi làm Biện, thường ngày tôi ở trong nhà, thì tôi dòm thấy ý ngài tin cậy bà lắm, mà bà lại không mấy gì thương ngài. Bà ở nhà mà cứ lo làm tư làm riêng. Một lúc nọ ngài gần-gũi với một cô ca-nhi, cô ấy khôn-ngoan đúng-đắn lắm. Bà ghen-tương rầy rà, bà nói ngài chơi-bời đó khỏi làm hết sự-nghiệp rồi vợ con đói rách. Bà buộc ngài phải sang bộ ruộng, vườn cho bà đứng bộ, bà mới tin. Ông bà để ruộng đất cho ngài trên 300 mẫu. Ngài muốn lấy thiệt tình mà đãi bà, nên ngài làm tờ sang bộ ruộng đất 10 phần sang hết 8, 9 phần cho bà đứng bộ. Ðóng bách-phần cầu chứng cải bộ xong rồi, bà mới nói với ngài để bà vào đơn kiện xin phá hôn-thú, bởi vì ngài tranh Tổng và chơi-bời mắc nợ, nếu sang ruộng vườn cho bà đứng mà không phá hôn-thú, thì chủ nợ cũng thi-hành phát-mãi được vậy. Ngài tin bụng bà, nên để bà làm cho vừa lòng. Té ra bà được án Tòa cho phá hôn-thú rồi bà dắt cô Hai về cất nhà ở trên Bến Lức, bà không ngó-ngàng đến ngài nữa, tới mùa bà xuống giành thâu lúa ruộng hết. Ngài thất chí, bỏ phế việc nhà, xin thôi chức Cai-Tổng. Chủ nợ có lên kiện rồi thi-hành phát-mãi luôn tới nhà cửa nữa. Ngài buồn nên bỏ xứ mà đi từ hồi đó tới bây giờ. Chuyện như vậy đó, tôi nói lén cho ông với cô Hai biết, xin đừng học lại với bà, Nếu bà hay tôi thèo-lẻo, chắc chết tôi”.Cô Minh-Nguyệt chăm-chỉ nghe rõ đầu đuôi rồi cô nói rằng:- Nếu vậy thì má tôi ác quá!- Thưa, không phải bà ác. Bà thương cô, bà sợ ngài Cai làm tiêu sự-nghiệp, nên bà lập kế mà giữ của cho cô chớ.- Thương tôi mà hại cha tôi, để cho cha tôi phải chịu xấu-hổ, phải ra thân hèn-hạ, thương cái gì kỳ vậy? Thương tôi mà sao lấy chồng khác?Nãy giờ ông Tấn-sĩ Càng ngồi lặng thinh mà nghe, chừng ông nghe vợ nói mấy câu ấy thì ông can rằng: “Em không nên trách má. Ðạo làm con, dầu cha mẹ có lỗi đi nữa, mình cũng không phép đút miệng vô mà bình-phẩm”. Ông lại day qua mà hỏi Biện Huỡn rằng:- Có lẽ anh cũng hay má tôi gả cô Hai cho tôi má tôi muốn làm theo Phép người Pháp, nên có đến trước mặt Nô-Te mà làm tờ cho vợ chồng tôi 150 mẩu ruộng ở Mỹ-tho, sang bộ cho cô Hai đứng. Tôi có ruộng đất thiếu gì, tôi không chịu như vậy, song má tôi nói hoài, nên tôi phải để cho má tôi làm cho vừa ý. Có phải ruộng đó là ruộng của cha tôi hồi trước sang bộ cho má tôi ruộng đó hay không?- Phải đa. Mà bà cho cô Hai lại đó có phân nửa. Còn phân nửa nữa.Cô Minh-Nguyệt châu mày xụ mặt mà nói rằng:- Ruộng của cha tôi, chớ của ai đó mà cho!Ông Tấn-sĩ ngồi suy nghĩ rồi hỏi Biện Huỡn nữa rằng:- Cái nhà của cha tôi hồi trước đó Tòa phát-mãi rồi về ai mua, anh biết hay hhông?- Thưa biết chớ. Ông chủ Hùng mua, ổng mua về nhà về đất má có 3.000 đồng, rẻ quá!- Bây giờ cái nhà còn hay không?- Còn chớ. Ông chủ Hùng mua rồi ổng ở tới bây giờ đó.- Tôi muốn mua cái nhà và đất ấy lại, anh liệu coi họ bán hay không?- Mấy năm nay coi bộ ông chủ ổng suy, song không biết ổng bán hay không? Mà dầu ổng bán, tôi sợ ổng bán mắc.- Miễn là ổng bán thì tôi mua, mắc rẻ không cần. Anh làm ơn hỏi giùm rồi mai mốt tôi xuống. Cái nhà ấy ở chỗ nào?- Gần đây. Gần chùa Vĩnh-Tràng, đây bước lại đo một chút thì tới.- Anh dắt tôi lại coi đuợc hôn?- Ðược, ông muốn coi thì tôi dắt đi.Biện Huỡn cậy sớp-phơ ở ngoài xe coi chừng giùm nhà, rồi dắt hai vợ chồng ông Tấn-sĩ đi bộ lại đó. Ba người đứng ngoài dòm sơ cái nhà với miếng vườn rồi dắt nhau trở về. Ông Tấn-sĩ bèn nói với vợ, trước mặt Biện Huỡn rằng: „Bổn Phận của vợ chồng mình bây giờ phải lo mua cái nhà đó lại cho được mà rước cha về ở, rồi trả l50 mẫu ruộng của má cho đó lại cho cha, phải làm cho mau, song phải giấu đừng có cho cha hay là má biết trước. Anh Biện làm ơn hỏi mua nhà và đất giùm cho tôi, họ bán mắc cho mấy đi nữa cũng phải mua cho được. Vợ chồng tôi cậy anh rán hết lòng. Xin anh hỏi liền coi như họ chịu bán thì hỏi luôn giá cả rồi mai tội trở xuống”. Cô Minh-Nguyệt ngó chồng mà ứa nước mắt, rồi vợ chồng lên xe trở về Sài-gòn.Nội ngày hôm ấy Biện Huỡn lại nhà ông chủ Hùng nói chuyện vợ chồng cô Minh-Nguyệt muốn nua nhà lại cho cha ở. Ông chủ Hùng già rồi mà lại có nợ chút đỉnh, nên ông chịu bán, song nhà đã cũ, vườn bỏ u-tệ, mà ổng thị giá tới 4000 đồng. Bữa sau vợ chồng ông Tấn-sĩ Càng xuống nữa, Biện Huỡn dắt lại coi nhà cửa vườn tược, trả giá lên xuống với ông chủ Hùng, rồi hai đàng thuận ưng giá ba ngàn rưõi.Làm giấy tờ, chồng tiền bạc xong rồi, ông chủ Hùng dọn đồ lên Chợ Gạo, giao nhà liền. Ông Tẩn-sĩ Càng kêu thợ ở Sài-gòn xuống coi rồi mướn tu-bổ từ trong đến ngoài, từ nhà lớn đến nhà bếp cho hẳn-hòi, đặng coi cho sạch-sẽ, xinh-đẹp như nhà mới. Ông lại giao cho Biện Huỡn mướn người sửa soạn trước sân sau vườn cho đàng-hoàng, trước sân thì làm đường xe vô và trồng bông hoa kiểng vật coi cho đẹp mắt, còn sau vườn thì đào mương lên liếp, sửa cây trái cho phải lối ngay hàng. Ông còn mua chở xuống những bàn, ghế, ván, tủ, đèn, không thiếu vât gì hết, mà thứ nào cũng mới, cũng tốt.Trong thì thợ, ngoài thì nhơn-công, làm rần-rần mỗi ngày, nên trong một tháng thì thành một tòa nhà nguy-nga, ở ngoài coi vui, ở trong hực-hỡ.Một đêm nọ, lối 8 giờ, ông Cử đang nằm trên võng mà nói chuyện với Ba Sang. Thình-lình nghe xe hơi ngừng ngoài đường rồi có người bước vô gõ cửa cộp côp. Ba Sang mở cửa thì thấy Biện Huỡn.Ông Cử ngồi dậy hỏi Biện Hưỡn rằng:- Em lên đây có việc chi nữa hay sao?- Thưa ngài có ông chủ Hùng cậy tôi lên mời ngài xuống nhà đặng ông nói chuyện riêng. Ổng cũng biết ổng mượn tôi đi mời như vầy thì ổng lỗi với ngài, ngặt vì năm nay ổng già mà ổng lại có bịnh, ổng đi không đuợc, ổng hay tôi biết nhà ngài ở, nên ổng cậy tôi đi thế cho ổng.- Ổng muốn nói chuyện gì mà mời.- Thưa, cái đó tôi không hiểu.- Qua đi sao được. Em nghĩ coi, qua còn mặt mũi nào mà trở về cố-hương nữa, nhứt là vô nhà ổng là nhà của qua hồi trưóc.- Thưa, đi ban đêm có ai thấy đâu mà nghi-ngại. Có sẵn xe hơi, ngài xuống đó một lát rồi xe đưa ngài về liền.- Qua đi không đuợc. Qua không có chuyện gì mà nói với ông chủ Hùng hết.- Tôi xin thưa thiệt với ngài ông chủ có chuyện gì gấp lắm, ổng mưốn tỏ gì với ngài đó, tôi không biết, mà ổng cậy tôi mướn xe hơi đi rước ngài. Ổng có hứa như tôi rước đuợc thì ổng thưởng riêng tôi 10 đồng bạc. Xin ngài đi chơi coi ổng nói chuyện gì mà cần dữ vậy. Ngài đi xe hứng gió chơi ít giờ đồng-hồ. Tôi mời anh Ba đây đi theo chơi luôn thể.Ba Sang nghe Biện Huỡn mời đi xe hơi chơi thì khoái chí, hỏi ông chủ ở đâu, rồi đốc ông Cử đi. Ông Cử còn dục-dặc không chịu, Ba Sang nói rằng: “Mình đi chơi một chút mà anh Biện có 10 đồng bạc thường, làm ơn giùm cho ảnh, sao chú lại không chịu? Xuống coi người ta nói chuyện gì, như nói phải thì mình nghe, còn không phải thì thôi, có sao đâu mà sợ. Có lẽ nào anh Biện ảnh gạt chú hay sao? Nói cùng mà nghe, dầu ảnh muốn hại, có tôi đi theo, dễ gì ảnh hại được”.Ông Cử thấy Ba Sang theo đốc, mà Biện Huõn lại năn-nỉ quá, ông hhông nỡ từ hoài, nên biểu Ba Sang tắt đèn, khóa cửa, rồi dắt nhau ra đi. Ra lộ Ba Sang thấy cái xe mới tinh-hảo thì càng hhoái chí lên ngồi một bên ông Cử, còn Biện Huỡn thì ngồi trước với sớp-phơ.Bỏ xứ mà đi trót 10 năm, nay trở về, xe đến Mỹ-tho, chạy qua Chợ Cũ, thì ông Cử trong lòng thắt-thẻo cảm-động.Xe tới cái chỗ ông ở ngày trước, quanh vô sân rồi ngừng. Ông ngó vô nhà thấy đèn đốt sáng trưng, chưng dọn hực-hỡ, ông lấy làm lạ, Biện Hưõn nhảy xuống mở của xe, ông vừa bước ra, ngó thấy ỏng Tấn-sĩ Càng với cô Minh-Nguyệt đứng song-song mà xá ông, thì ông chưng-hửng. Biện Huõn nói rằng: „Thua ngài, vì cô Hai mà tôi mang tội giả-dối với ngài, xin ngài tha-thứ cho tôi”. Ông Tấn-sĩ Càng nói tiếp rằng: “Thưa cha, hai con sợ cha không đi nên bày chước như vậy. Xin mời cha vô nhà rồi sẽ nói chuyện. Mời anh Ba vô nữa, anh nhớ tôi hôn?”.Vô nhà đèn sáng, Ba Sang thấy rõ mặt ông Tấn-sĩ Càng, vùng la lên rằng: “Ủa! Thầy nầy mà!“ Tấn-sĩ Càng cười và nói rằng: “Phải, tôi đa anh Ba. Hai vợ chồng tôi cậy anh Biện đi rước cha tôi với rước anh, mà vì sợ cha tôi không chịu đi, nên phải dặn anh Biện nói dối như vậy đo, xin lỗi anh”.Ông Tấn-sĩ liền mời ông Cử ngồi cái ghế dài để phía trong có lót nệm, có gối dựa. Hai vợ chồng ông thì ngồi hai cái ghế nhỏ để hai bên gần đó, lại mời Ba Sang cũng ngồi luôn cái ghế ngoài. Biện Huỡn thì đi vô phía sau kêu gia-đinh biểu lo trà nưóc.Ông Tấn-sĩ liết mắt ngó vợ một cái, cô Minh-Nguyệt liền đứng dậy nói với cha rằng: “Thưa cha, việc nhà của mình hai vợ chồng con đều rõ hết. Vì vậy nên hai con mới mua cho đuợc cái nhà nầy mà trả lại cho cha ở. Hôm má gả con lấy chồng, má có làm tờ tại Nô-Te mà cho vợ chồng con 150 mẫu ruộng. Ruộng ấy con cũng trả lại cho cha hưởng. Vậy hai con cúi xin cha vui lòng ở luôn cái nhà nầy, thâu lúa ruộng đó mà dưỡng già”.Cô Minh-Nguyệt mủi lòng quá, hhông nói được nữa.Ông Cử rưng-rung nước mắt, day qua ngó rể mà nói rằng:- Con ở với cha vợ như vầy, thiệt cổ-kim ít có. Người thường họ thấy cái nầy họ tưởng cha vì lòng ngay hay là vì thương con, mà chịu nhục-nhã, cực khổ đau-đón trót 10 năm nay, bây gìờ Trời Phật muốn thưởng cái lòng của cha nên mới khiến cho cha được một người rể quí đặng sung-sướng lúc tuổi già. Còn theo cha, thì cha thấy như vầy cha càng thêm lo, lo là lo nợ trần chưa dứt, nên mới khiến cho hai con đã không khi-bạc cha, mà lại thương yêu cha, làm điều nhơn-nghĩa mà buộc chơn cha, không muốn cho cha thoát qua biển khổ. Hai con biết thương cha, biết trọng cha thì cha cảm tình lắm. Song từ ngày cha được thấy hai con phối-hiệp với nhau rồi, thì trí của cha thơ-thới, cha hết ham muốn việc chi mà cũng hết phiền giận ai nữa. Cái mục-đích của đời cha đã đạt được rồi, bây giờ sự sống của cha ở thế-gian chẳng còn nghĩa-lý gì nữa. Cha tính vào thâm-sơn cùng-cốc cạo đầu ăn chay mà tu-niệm hoặc may giải-thoát kiếp luân-hồi cho mau, chớ cha không muốn điều chi nữa hết.- Thưa cha, cho con xin phép con đáp lại với cha ít lời. Cha nói vợ của con có chồng rồi, thì sự sống của cha ở thế-gian không còn mục-đích gì nừa. Thưa cha: còn nhiều mục-đích nữa chớ hết sao được. Con xin cha nhớ lại hôm nọ, ngoài nhà hàng, cha có chỉ cho con mấy cái mục-đích đó, là những mục-đích chung của người đời nay. Sao hôm nọ cha khuyên con phải đuổi theo mấy mục-đích đó, mà bữa nay cha đành bỏ, rồi gọí sự sống không còn nghĩa-lý gì nữa?- Con còn trẻ tuổi, lòng danh-lợi con còn đầy, bước đường đời con còn dài, nợ trần gian con còn nặng, nên cha mới chỉ mấy cái mục-đích cao cho con làm chủ-hướng mà bước tới hăng-hái, chớ còn phận cha thì cha đã già rồi, lòng danh lợi đã khô, bước đường đời đã vắn, nợ trần gian đã dứt, tự-nhiên lánh tục, tầm đạo là chước hay, còn mục-đích nào cao hơa nữa đuợc.Cô Minh-Nguyệt thấy cha nóng-nảy, muốn đi tu thì cô khóc và nói rằng:- Tư nhỏ chí lớn cha con cách biệt nhau. Nay cha con được gần nhau mà cha lại tính bỏ con, cha không thương con hay sao?Ông Tấn-sĩ Càng cũng khóc mà than rằng:- Phận con côi-cút, tưởng cưới vợ đặng có một ông cha để chỉ-dẫn đường cho con. Nào dè đâu tìm được cha rồi, mà cha không thương nên cứ toan bề phân rẻ.Ông Cử thấy tình con rể dường ấy, ông bắt động lòng, nên lắc đầu thở ra, không biết nói sao nữa được. Ba Sang xen vô mà nói rằng: “Nãy giờ tôi ngồi tôi nghe, thì hai vợ chồng ông Tấn-sĩ nói phải quá sao chú không thương, lại đòi đi tu? Chú đi tu làm chi? Nếu chú có lòng từ-bi chú tu ở nhà cũng được, cần gì phải đi đâu. Mấy ông thầy chùa cạo đầu coi láng-lẩy, tụng kinh nghe giòn-giã mà họ lén ăn thịt, lén chọc gái, tu như vậy có nghĩa gì. Chú ở nhà mà chú làm lành lánh dữ, chú cứu giúp cho kẻ bần-cùng, chú dạy-dỗ người khờ dại, như chú làm mấy năm nay trên chợ Xã Tài đó vậy, thì được phưóc hơn là mấy ông thầy chùa nhiều. Xin chú đừng có nói chuyện đi tu nữa, mà vợ chồng ông Tấn-sĩ buồn tội-nghiệp“. Ông Cử thở dài mà than rằng: „Nợ trần chưa dứt!“.Cô Minh-Nguyệt thấy cha đã xiêu lòng thì cô mừng, nên chạy vô trong hối gia-đinh bưng bánh, bưng nước ra mà đãi cha. Cô đi lăng-xăng, ép cha ăn thứ nầy thứ kia, mời Biện Huỡn, Ba Sang cùng ngồi chung mà đùng bánh uống nước. Một nhà nói chuyện với nhau vui-vẻ, tha-thiết vô-cùng, chẳng còn giả-dối, giấu-giếm gì nữa. Có một điều lạ hơn hết là chẳng hề nghe ai nhắc tới bà Hội-đồng Cao-Xuân-Quỳnh.Ðến gần sáng, ông Tấn-sĩ Càng mới thưa với cha rằng: “Con xin thưa cho cha hay, nhà-nước mới cấp bằng cho con làm quan Tòa. Lẽ thì vợ chồng con phải ở đây với nhau ít bữa đặng vui chơi với cha, ngặt vì mốt đây con phải tựu chức nên chiều mai vợ chồng con phải về đặng sửa-soạn mà đi làm việc. Trong nhà đây vợ chồng con đã có sắp-đặt người nấu ăn, người quét phòng, người làm vườn sẵn-sàng rồi hết. Cái xe hơi đi rước cha hồi hôm đó là xe con mới mua cho cha đi chơi, con cũng mướn sớp-phơ sẵn. Áo quần của cha mặc hôm trước, vợ chong con cũng có đem đủ xuống đây rồi. Cha cứ ở đây mà hưởng chút thanh-nhàn cho khoẻ trí, đừng lo chi hết. Huê-lợi 150 mẫu ruộng đó cha dùng mà cứu giúp kẻ nghèo, cha muốn giứp cho ai tuỳ ý”.Ông Tấn-sĩ lại qua chỗ Ba Sang với Biện Huỡn ngồi mà nói rằng: “Em xin anh Ba ở luôn đây với cha em, chẳng cần phải mua hán làm chi cho nhọc. Còn anh Biện ở gần, xin cũng tới lui chơi cho cha tôi vui lòng. Tuy vợ chồng tôi ở Sài-gòn, song cũng lên xuống thường-thường, trước thăm cha tôi, sau chơi với hai anh”.Ba Sang hớn-hở đáp rằng: „Ông Cử tôi ở đâu thì tôi theo đó. Tôi sẵn lòng lắm. Mà phải cho tôi về chợ Xã Tài đặng dọn đồ trả phố cho người ta đã chớ”.Ông Tấn-sĩ gặc đầu nói rằng: „Ðể sáng rồi tôi cho xe hơi đưa anh về trả phố, và chở đồ-đạc xuống đây”. Cô Minh-Nguyệt xách cái hoa-ly áo quần hôm trước đem ra và xin cha thay mà mặc cho sạch-sẽ.Ông Tấn-sĩ Càng bưng giỏ đồ mua của Ba Sang hôm trước mà giao lại cho anh ta. Sáng bữa sau, Ba Sang ngồi xe hơi về chợ Xã Tài, khiêng ghế bàn, giường, chiếu mà cho chị Năm Tiền, trả Phố lại cho chủ, còn quần áo thì chở xuống Mỹ-tho.Ðến chiều, ăn cơm rồi, vợ chồng ông Tấn-sĩ mới từ-biệt cha mà trở về Sài-gòn đặng sửa-soạn đi làm quan. Xe chạy một hồi, cô Minh-Nguyệt cảm tình chồng quá, nên cô dựa đầu vô vai chồng mà nói nho-nhỏ rằng:„Cái nghĩa của mình nặng quá, tôi biết lấy chi đền-đáp cho vừa!” Ông Tấn-sĩ cười rồi cũng đáp nho-nhỏ rằng: „Mình thương tôi thì đủ rồi”.Ông cựu Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm suy-sụp, bỏ xứ mà đi hơn 10 năm nay, không ai biết ông đi đâu. Nay nghe ông nhờ rể hiền, con thảo gom sự-nghiệp ngày xưa lại cho ông hưởng, thì những người ông quen biết nườm-nượp tới mà thăm ông. Ông vui-vẻ mà tiếp rước mỗi người, song ông nói chuyện thì ông không tỏ ý buồn việc trước, mà cững không lộ sắc mừng việc nay.Thường-thường mỗi ngày nguời ta thấy ông sớm mơi thì đi dạo trong vườn, trồng hoa sửa kiểng, buổi chiều thì ngồi xe hơi đi chơi, tối thì ngồi bình-luận việc đời với Ba Sang, Biện Huỡn, coi thung-dung, an-nhan lắm. Ðã vậy mà chúa-nhựt lại thấy vợ chồng quan Tòa Càng ở trên Sài-gòn xuống, chở những trái ngon bánh lạ, rau Ðà-lạt, thịt trừu tươi, cha con ăn uống vui cười, ai cũng cho là một nhà có Phước.Ông Cai-Tổng Tâm được sung- sướng tấm thân, mà ông chẳng hề quên cái hồi ông lao-khổ. Ông dặn Ba Sang, Biện Huỡn cùng hết thảy gia-đinh cứ kêu ông là „Ông Cử”, chớ đừng có kêu là “Ông Tổng”. Ông nghe nhà nghèo nào có bịnh mà không tiền uống thuốc, hoặc con đông không đủ lúa mà ăn, thì ông đi với Ba Sang đến tận nơi mà an-ủi rồi cho tiền bạc, quần áo, gạo lúa, đặng giải bớt cái khổ cho mỗi người. Vì bề cư-xử của ông như vậy nên kẻ giàu-sang thì cho là người phong-lưu, còn hạng dân nghèo thì khen ông là người nhơn-đức.Ông hưỏng thanh-nhàn được ba tháng, bề ngoài thì ông vui-vẻ như thường, nhưng mà ban đêm lúc trong nhà ngủ hết, ngoài ngõ im-lìm, ông hay thức dậy chong đèn ngồi một mình mà suy nghĩ. Ðờí người là kiếp khổ, phải chịu khổ đáo-để đặng rửa sạch lòng trần, rồi mới mong về cực-lạc thế giới.Mình còn mê-mết mùi phú-quí như vầy, thì làm sao gỡ được lục trần mà qua khổ-hải?Ðêm rằm tháng 7, ông vẫn ngôi bình-tĩnh một mình mà suy-nghĩ cuộc đời. Thình-lình chùa Vĩnh-Tràng ở gần đó, dộng chuông tiếng nghe bon bon. Ðêm khuya vắng-vẻ, tiếng chuông thường hay khêu động lòng nguời. Ông Cai-Tổng Tâm ngao-ngán việc đời đương toan-tính lánh trần tìm đạo, thì những tiếng chuông một lát nghe môt cái bon ấy nó càng châm-chích lòng ông, làm cho ông càng xốn-xang trí não.Bữa sau nhằm chúa-nhựt. Vợ chồng quan Tòa Càng ở trên Sài Gòn cũng xuống mà vui bề sum-hiệp với cha.Ăn uống xong rồi, cha con ngồi nói chuyện, ông ngó con nhìn rể rồi nói rằng: “Cái ngày gia-đình tan rã, sự-nghiệp điêu-tàn, cha chắc Phật Trời muốn độ mạng cha, nên mới khiến cho cha chịu khổ kiếp nầy đặng kiếp sau hưởng cực-lạc thế-giới. Lúc ấy cha đã muốn lánh lục tìm đạo vào chùa mà tu-niệm cho rồi. Ngặt vì cha có một chút con, nợ trần còn vấn-vít, cha không nỡ dứt đường đời, nên cha phải nấn-ná chịu nhục, chịu khổ, đợi cho con lớn khôn, coi thân-phận con ra thể nào rồi cha sẽ toan-tính. Nay con có chồng, lại gặp được người chồng tuy thuộc bực giàu sang, song lòng đầy nhơn-nghĩa, cha thấy như vậy thì cha rất an lòng, nên ngày cưới gả xong rồi thì chí quyết lên núi mà tu đặng lo kiếp khác. Chẳng dè hai con tríu-mến, không muốn cho cha đi, lại còn lập cái cuộc an-nhàn cho cha hưởng. Trong mấy tháng nay cha ở đây, thân thì là khoẻ thiệt, rnà còn trí thì không an chút nào hết. Cha suy-xét đã kỹ-lưỡng rồi, theo phận cha bây giờ thì chẳng có cái mục-đích nào cao cho bằng cái mục-đích lánh tục tìm đạo, chịu khổ đặng rửa lục trần, mà giải-thoát cái vòng sanh, bịnh, lão, tử. Hôm nay có đủ mặt hai con, vậy cha xin giao nhà cửa cho hai con đặng cha đi tu. Nếu hai con thiệt thương cha, thì hai con hãy vui lòng để cho cha đi, đừng có khuyên-lơn ngăn cản nữa, mà hư cái chí của cha“.Cô Minh-Nguyệt nhìn cha, cô ứa nước mắt. Quan Tòa Càng thấy vậy bèn hói rằng:- Hai con muốn đền-đáp ơn sanh-thành, nghĩa tri-ngộ, nên hai con lo tính hết sức đặng làm cho cha hưởng chút phú-quí thanh-nhàn với hai con. Nay cha đã nói như vậy thì hai con đâu dám đút miệng vô mà can-gián nữa. Nhưng mà con cúi xin cha nghĩ lại, cha đi tu dầu cha đắc-đạo thì cha hưởng phước riêng có một mình cha mà thôi. Còn nếu cha ở thế-gian, mà cha thi-ân bố đức, cha cứu giúp, an-ủi dạy-dỗ mọi người, thì thiên-hạ đều được phước. Vì vậy đó nên con sợ e cha đi tu, cha phải mang tiếng „vị-kỷ” chăng?- Con luận như vậy thì sai lắm, ở thế-gian mà lo bố-thí thì cũng tốt, nhưng mà làm như vậy bất quá mình cúu vớt ít chục, hoặc ít trăm người ở chung-quanh mình đó mà thôi chớ làm sao mà cứu vớt hết thảy chúng-sanh cho được. Còn xuất thân đi tu, hễ mình đắc-đạo, thì chẳng những là mình giải thoát cho phận mình, mà mình còn phổ-độ cả và chúng-sanh nào phải “vị-kỷ” đâu.- Con nghe nói xưa nay có nhiều vị cư-sĩ ở nhà tu cũng đắc-đạo, chẳng cần phải vô chùa. Vậy cha tu như mấy vị cư-sĩ đó không được hay sao?- không được. Làm người phải chịu khổ-hạnh mới gỡ được lục trần. Ở thế-gian, nhứt là cha đây, ăn ở sung-sướng quá, lục căn vun-quén, tự-nhiên lục trần lẫy-lừng, dầu chí-quyết cũng khó đắc đạo. Ðã vậy mà tu thì phải luyện, có tịnh tâm mới dịch, có luyện thì đạo mới thành, tịnh và luyện cho dày công thì mới mong giác được. Cha đã suy xét rồi, nên cha khuyên hai con đừng ngăn-cản cha nữa. Cha đã nhứt định sáng mai cha tháp tàu lên Châu đốc rồi vô núi ẩn thân mà tu. Cha khuyên hai con ở lại thế-gian phải thương nhau, nhứt là phải nhớ ở đời màu phú-quí là màu giả, kiếp con người là kiếp khổ, bởi vậy dầu được phú-quí cũng chẳng nên mừng, dầu gặp khổ-não cũng chẳng nên buồn, vui hưởng phú-quí ắt đọa thân mình, có chịu khổ-não mới giải-thoát được. Hai con lại cũng phải nhớ “sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Cha mà tính biệt-ly là ý cha muốn gây cái sum-hiệp, chớ nếu bây giờ ham vui sum-hiệp thì sau ắt phải biệt-ly. Vậy hai con phải vui mà để cho cha đi tu, chớ đừng có buồn.Vợ chồng Quan Tòa Càng thấy cha thành-tâm quá, thì thương mà lại kỉnh, nên không dám khuyên-giải nữa. Ba Sang với Biện Huỡn nghe ông giảng-dạy hai người cũng cảm-động. Ba Sang vùng nói rằng: „Chú được như vậy mà chú không thèm, chú còn bỏ đi tu. Phần tôi ra gì, mà tôi còn mê trần-tục. Vậy chú đi, xin cho tôi theo mà tu vói chú”. Ông Cử gặc đầu, rồi biểu Ba Sang sửa-soạn hành-lý đặng sáng mai hhởi-hành.Vợ chồng Quan Tòa Càng ở lại vui chơi với cha cho đến giờ chót. Sáng bữa sau, hai vợ chồng giao hết nhà cửa cho Biện Huỡn coi gìn-giữ, rồi hiệp nhau đưa cha xuống tàu. Ðến giờ tàu xúp-lê rồi mở dây, hai vợ chồng không thế dằn lòng được, nên ngó cha mà rơi lụy, tàu chạy đã xa rồi mà còn đứng chần-ngần ngó theo.Mới đây có người đi Thất Sơn về nói bây giờ ông Cử làm Hòa-Thượng ở chùa Minh-tâm Tự, tại núi Ông Tô, có Ba Sang ở đó làm đệ-tử cho ông. Vì ông tu đắc-đạo, nên chùa ông tín-đồ đông lắm.Sài-gòn, Mai-Juin 1935Hết