Ông Bàng cầm khẩu súng lên ngắm, khẩu súng rất vừa tay, mới lắm, còn thơm vùi vécni, mùi dầu. Ông Bàng nhờ một người lái buôn Pháp nhập súng về cùng với nhiều hộp đạn. Đây là khẩu súng Uynséttơ đờ luých 290 khẩu độ 22 (Winchester calip 22) một loại súng săn danh tiếng thế giới. Ông Bàng có thú săn bắn và sưu tập súng săn. Hiện tại trong nhà ông có khẩu Braoning otômaticlốt (Brơning automaticload) của Bỉ với khẩu Brugiơ 10/22 của Mỹ và một vài khẩu súng trường quân sự cải tiến làm súng săn. Ông thuê thợ chạm trổ ngà voi, ốp vào báng súng trông rất đẹp. Thế nhưng ông vẫn thích khẩu Uynséttơ vì cái vẻ quý phái pha chút cổ điển của nó. Phòng khách nhà ông ở Sài Gòn có đặt chiếc tủ lớn đánh vécni mầu cánh kiến chạm trổ công phu bên trong cái giá gác súng và nhiều dụng cụ săn bắn. Ngoài ra trong những dịp chuyện trò với giới kinh doanh ông luôn luôn đem chuyện săn bắn ra nói. Theo ông không có thứ thể thao nào tốt bằng đi săn, nó thú vị vì vừa nguy hiểm vừa hồi hộp, nó đòi hỏi sự can đảm, sức mạnh và nhẫn nại, nó biểu lộ nam tính mạnh mẽ nhất. Săn thú được thì chuyện săn đàn bà đẹp dễ dàng!
Ông Bàng là một thương gia giàu có ở Sài Gòn. Ông có đồn điền cà phê với ngôi biệt thự làm toàn bằng gỗ tẩm dầu đen ở Buôn Ma Thuột. Ông giao nhà và đồn điền cho một người cháu họ của vợ ông, hắn tên là Quán gọi vợ ông bằng dì. Hắn là tay thợ săn chuyên nghiệp. Hắn không dùng súng săn, hắn bắn súng trận chuyên tìm hạ thú dữ với loại đạn cưa đầu.
Hồi ấy ở Sài Gòn có vài cửa hiệu bán đầy đủ dụng cụ đi săn: súng đạn, dao găm, lều bạt dùng cho những tay săn tài tử hay chuyên nghiệp. Họ bán cả giáo mác cung nỏ của người Thượng cho Tây thực dân mua về nước làm quà kỷ niệm. Có những chiếc nỏ mà cánh làm bằng cây chà rang lâu năm, phải là người khỏe lắm mới giương cung nổi. Người ta bán theo súng những hộp đạn săn loại 24 viên, 48 viên, vỏ đạn bằng giấy mầu xanh đỏ trông đẹp như những thỏi son của quý cô. Bên trong giấy là những viên đạn chì với thứ thuốc đạn mầu đen lóng lánh như mảnh vụn than đá. Mỗi khi đạn nổ chín viên chì túa ra như bầy ong dữ, con thú khó thoát. Mấy tay thợ săn chuyên nghiệp bắn xong người ta lấy vỏ giấy và phần đế dồn làm lại viên đạn khác, họ cho loại thuốc đạn quân sự mầu xám tro có sức tống mạnh hơn, thay chì bằng những viên bi thép có sức công phá dữ dội hơn, hạt nổ đã nổ rồi người ta cậy ra lấy hạt nổ đạn súng garăng thế vào. Lúc này viên đạn chỉ có ba hoặc bốn viên bi thép nhưng có thể hạ những con thú dữ như hổ báo trâu rừng.
Chiều hôm kia được điện của Quán, ông Bàng và vợ là Phượng đáp máy bay bay lên Buôn Ma Thuột. Quán lái xe đến phi trường Phụng Dực đón. Sáng hôm nay họ chuẩn bị cuộc đi săn nhiều ngày trong rừng. Ông Bàng đứng ở nhà trên soi mình vào tấm gương lớn ngạo nghễ nhìn bóng dáng oai vệ, phì nộn, khỏe mạnh - dấu hiệu của người đàn ông giàu có và thành đạt. Ông thấy mình giống như Tây thuộc địa, mặc bộ kaki vàng, đầu đội nón cối bằng lie (điền điển) có gắn chiếc pha đèn săn, chân đi đôi ủng da cao cổ thắt dây dù, bụng thắt nịt da to bản, quanh nịt có chỗ dắt đạn, có bao da dắt con dao găm cán bằng ngà voi chạm trổ công phu, thêm một cái bi đông đựng nước. Vai ông khoác khẩu súng săn đặt trong cái bao bằng da bò non thuộc còn để lông trông vừa man dã vừa mỹ thuật. Cả người ông toát lên mùi da thuộc và mỗi bước đi đều phát ra tiếng kêu kin kít. Ông Bàng chỉ còn đợi lão I Đi đánh bóng cái sắc cốt nữa là lên đường.
I Đi, một lão già không biết cả tuổi mình, lão thuộc dân tộc Ê Đê, dân tộc đông người nhất ở Tây Nguyên. Lão I Đi ngồi trong xó nhà cạnh con béc giê đánh bóng túi da cho chủ. Ông Bàng dặn: "Xiarê" (đánh sáp) nhanh lên nhưng không được làm ẩu, đánh thế nào mặt da bóng lên như gương mới được. Lão I Đi có thời sống với Tây đồn điền lão nói tiếng Pháp sành hơn tiếng Việt. Trước nữa thì lão là tay săn tài ba của buôn làng. Nhờ lão mà thú dữ chẳng dám về làng bắt gia súc, bắt người. Lão thông thuộc mọi con đường rừng kể cả tính tình của từng loại thú. Giờ đây lão già rồi lại tật nguyền, bàn tay bên phải còn bốn ngón. Ngón tay bóp cò đã bị chặt đứt tiện sát gốc.
Từ khi người chủ đồn điền về Pháp lão xin tới ở giữ nhà cho ông Bàng và để cho người quản gia tên là Quán sai vặt. Mấy năm gần đây da lão càng ngày càng sần sùi. Người Thượng hay bị bệnh lác. Lúc đầu lão cũng tưởng mình bị bệnh này. Hóa ra không phải, mấy năm sau xượng sụn trong sống mũi lão sụp dần. Người ta nói lão bị "cam ăn" chắc là hít phải mùi hoa phấn bướm hay nấm độc ở trong rừng. Họ bày lão lấy lá cà dược (Benlladone) phơi héo quấn làm thuốc lá hút vào phì ra bằng mũi. Khói độc làm cho lão ngây ngất giống như người say sóng. Bệnh chẳng đỡ, xương mũi lão sụp hẳn. Mặt lão biến thành dị dạng. Ngón tay ngón chân của lão bắt đầu mất cảm giác, tê buốt, không thể duỗi ra được, hai vành tai nhỏ dần cong queo như tai chuột. Đúng là bệnh phong hủi. Lá cà dược gây ảo giác. Đêm lại, nằm xuống nhắm mắt lão thấy ma núi lôi lão vào rừng chặt hết mấy ngón chân tay. Lão quay về buôn hỏi già làng. Già làng nhìn mặt lão nói: "Con ma nó ăn thịt người nó gặm mũi, gặm tay chân, gặm hết thịt thì chết!" I Đi hỏi: "Con ma nó có đòi cúng không?" Già làng nói:
- Nó không ăn thịt heo gà dê trâu bò.
- Cúng nó ché ủ rượu với chiêng đồng được không?
- Nó không chịu đâu?
I Đi hỏi:
- Vậy con ma núi nó thích ăn cái gì?
- Ăn vàng!
Già làng nói tiếp:
- Mài vàng ra mà uống cho con ma nó ăn, nếu không thì chết! (Người ta cũng thường truyền tụng bệnh phong hủi uống vàng cầm nó lại được).
I Đi trở về buồn bã. Vàng ở đâu lấy mài cho con ma rừng nó ăn? Thế nhưng một hôm nhân súc bồn rửa mặt lão thấy trong ống nước có cái nhẫn vàng. Lão mừng lắm, như thế là "Giàng" đã cứu lão. Lão nghĩ vàng đây là của trời cho, không cần phải giấu giếm, lão đeo chiếc nhẫn vàng vào ngón tay trỏ bàn tay phải. Chiếc nhẫn rất chật, lão cố ấn vào. Đốt ngón tay lão sau đó sưng vù. Mấy ngày sau Phượng tri hô lên việc mất vàng. Lão bị buộc tội trộm. Phượng kêu lão lên gay gắt hỏi:
- Vàng ở đâu mà lão có?
- Của "Giàng" cho
Phượng nói:
- Nói láo! Đồ ăn trộm!
- Không, của Giàng cho thực mà, ở trong ống nước.
- Giàng cho lão vàng để làm gì?
Mài ra cho con ma rừng nó uống, nó tha không ăn thịt người...
Phượng thét:
- Vớ vẩn. Lôi hắn ra đồn cảnh sát người ta đánh cho một trận nhừ tử rồi bỏ tù.
Ông Bàng dùng tiếng Pháp giảng giải cho lão nghe, nghe xong lão hỏi một cách rất ngây thơ:
- Trả lại có bị tù không?
- Không.
Lão ngơ ngác nhìn ba người. Lão cố tháo chiếc nhẫn nhưng không được. Đốt tay lão sưng vù. Lão hỏi:
- Không tháo được thì làm sao?
Phượng lạnh lùng:
- Chặt ngón tay ra mà lấy!
Nghe xong, lão già không nói rằng, ra sau bếp kê ngón tay lên đầu cọc gỗ dùng rựa chặt phăng! Lão lượm chiếc nhẫn vấy máu đem đưa bà chủ. Từ đó ngón tay bóp cò của lão không còn nữa. Con hổ bị chặt móng vuốt rồi, lão trở thành con chó già bệnh hoạn tàn phế sống lẩn quẩn trong nhà nhờ cơm thừa canh cặn.
Quán đứng trong ga ra cưa đầu mấy viên đạn súng garăng. Hắn dùng êtô kẹp từng viên đạn. Cầm cưa sắt cưa bỏ mũi nhọn. Garăng là một loại súng trường cũ kỹ có từ thời thế chiến thứ nhất. Súng này trang bị cho bọn lính Lê dương. Khẩu súng rất dài và nặng. Đạn của nó mỗi băng chỉ có bốn viên, đầu đạn bằng thép bọc đồng. Nếu cưa bỏ đầu viên đạn không bay xa nhưng lại có sức công phá ghê gớm. Vết thương xương thịt vỡ ra toang hoác như cái mồm đầy máu. Bắn thú dữ phải có thứ đạn này. Nếu là con Min, một loại trâu rừng nguyên thủy rất khỏe và rất hung dữ bắn một phát không giết được nó, tất nó sẽ giết mình.
Kích cỡ khẩu súng garăng so với người thường trông to nặng, khó bắn, song đối với Quán lại chẳng to tý nào. Thằng này dáng bộ cao lớn dềnh dàng, mầu da ngăm đen hàm răng trắng trông chẳng khác gì lính Ma Rốc. Mấy mụ đàn bà thấy mẫu người dầy dạn phong trần đầy sinh lực và nam tính của hắn thì mê ngay. Hiện nay hắn là thợ săn chuyên nghiệp. Trước kia hắn là tên du thủ du thực, đi lính rồi trốn lính, tìm việc làm không có cuối cùng được dì Phượng cho về làm quản gia coi nhà và đồn điền cho ông Bàng ở Buôn Ma Thuột. Hắn với Phượng cùng một tuổi, có bà con xa. Dì Phượng và mẹ hắn chị em ra sao hắn không biết mà dì cũng chẳng rõ lắm. Trước mặt mọi người họ vẫn kêu nhau bằng dì cháu. Hồi nhỏ hai người ở chung một nhà. Hai đứa bé sống cạnh nhau chơi giỡn với nhau như hai đứa con trai, như hai con vật nhỏ. Dần dần lớn lên chúng vẫn chơi với nhau như thế ở trong nhà chẳng ai quan tâm ngăn cản trò đùa nguy hiểm này. Cho đến tuổi dậy thì, có sự đòi hỏi thì cũng có những cuộc thí nghiệm đầu tiên, chúng nó tự khám phá rồi dấn sâu mãi vào. Cho đến khi dì Phượng lấy ông Bàng cả hai vẫn tiếp tục đi lại với nhau. Quán muốn gặp Phượng cứ kiếm cớ gì đó điện cho ông Bàng lên đồn điền. Ông này đi săn đều có Phượng đi theo. Những chuyến săn ngủ lại trong rừng hàng tuần lễ hai người tìm cách ân ái với nhau trong rừng già. Những chỗ đó thì đừng hòng tìm thấy họ. Những cuộc chung đụng giữa thiên nhiên hoang dã kiểu thú rừng nầy có sức thu hút mãnh liệt hai con người tràn trề sinh lực.
Phượng từ phòng tắm trần truồng khoác hờ cái khăn tắm mầu hồng bước ra. Buổi mai Buôn Ma Thuột lạnh lắm phải tắm nước nóng, người nàng hơi nước bốc lên mờ mờ. Phượng ngồi trước bàn phấn nhìn bóng mình trong gương, buồn. Buồn nhất là chiếc cằm thanh tú chẽ đôi ngày trước nay thịt đã đầy lên, cổ xuất hiện thêm cái ngấn thịt thứ hai làm cho cổ trông như ngắn hơn. Gò má nàng càng đầy ra và nặng nề thêm. Dưới mắt xuất hiện hai túi thịt làm cho cái nhìn trở nên u ám. Phượng nhủ thầm: Mấy năm nay ít vận động lại ăn nhiều, béo quá, với lại cũng đã bốn mươi mốt tuổi rồi, cái tuổi bắt đầu rối loạn, phát phì là phải. Thôi cố gắng kéo dài cái nhan sắc với những trò vui được thêm năm nào hay năm ấy rồi tu tỉnh cũng vừa. Phượng tô kem tô phấn lên mặt một lớp thực dày. Lúc này trông mặt nàng chẳng khác chiếc mặt nạ trong những tuồng cổ Nhật Bản. Có tiếng chân rón rén sau lưng, không nhìn Phượng cũng biết. Hắn từ sau bịt mắt nàng hỏi:
- Đố biết ai?
Phượng nói:
- Tay chân đầy mùi dầu mỡ, đừng làm hư phấn người ta mới tô!
Hắn cúi xuống áp mặt mình vào chiếc mặt nạ Nhật Bản đó rồi mở hai tay ra nói:
- Trông "dì cháu" có xứng đôi không?
Phượng vùng vẫy trách yêu:
- Thằng cháu mất dạy dám làm càn, coi chừng lão, cửa đóng chưa?
- Chưa, đóng làm gì cho lão nghi. Sương nhiều lắm, đứng nhà trên nhìn xuống đây giống như biển mây.
Phượng hỏi:
- Lão ta đâu?
- Người hùng của dì đang sửa soạn súng ống đạn dược cho cuộc đi săn của nhà triệu phú quý tộc. Ông ta trang bị từ đầu đến chân toàn ba cái thứ vũ khí của đàn bà trẻ con.
Ngẫm nghĩ một lúc Phượng hỏi:
- Lão I Đi làm gì? Sau lần chặt tay đó hắn có thù mình không?
- Lâu rồi lão cũng đã quên. Người Thượng mộc mạc lắm, họ không biết oán hận dai đâu, với lại tôi đã nói tội trộm đưa vào tù người ta chặt cả bàn tay chứ không phải chỉ chặt một ngón, lão tin. Lão nói lão không ăn cắp, lão nhặt được trong ống nước lúc súc bồn rửa mặt.
- Có thể lão nói đúng. Chắc là năm đó tôi rửa tay xà phòng trơn làm cho chiếc nhẫn rơi ra. Tội nghiệp, nhưng thôi đã lỡ rồi...
Quán cúi xuống:
- Cho "thơm" một cái rồi chuồn ngay.
Hắn hít mùi phấn hương trên cặp má đầy chất kem nhờn. Hắn hất nhẹ, chiếc khăn lông mầu hồng phấn rơi ra để lộ một thân thể đẫy đà, bụng dưới tròn trịa mỡ màng, toàn thân nàng mát rượi.
Phượng thét:
- Đừng làm ẩu, vào trong rừng hãy hay, ra mau!
Hắn đi ra Phượng kêu giật lại:
- Vào rừng dụ cho lão đi thật xa, làm gì thì làm.
Quán lên nhà trên, cười thầm, một ý nghĩ nham hiểm chợt bùng lên: Lần này cho lão ta cơ hội thử khẩu súng săn mới mua với hung thần của rừng già. Khẩu Uynsettơ thứ đồ chơi của đàn bà trẻ con này mà gặp phải con Min, con trâu rừng nặng cả tấn, đang bị thương, hung dữ đã giết biết bao tay thợ săn lành nghề rồi, kể như lão ta nộp mạng cho nó. Mấy tháng nay con trâu rừng này là nỗi kinh hoàng của dân thợ săn. Chắc nó vẫn còn trú ngự ở chỗ ấy.
Quán đi ra ngoài rồi Phượng đứng lên nhìn vóc dáng mình trong gương, nghĩ: hơi có nặng nề, nhưng còn đẹp chán! Nàng mặc quần tây đi rừng, khoác áo sơmi mầu đỏ rực như tiết gà, xỏ chân vào đôi ủng, xô cửa trở ra.
Bốn người lên xe. Quán lái, ông Bàng ngồi ghế trước, I Đi và Phượng ngồi băng sau. Mới sáu giờ, thành phố đầy mây. Buôn Ma Thuột vào những năm đầu thập kỷ sau mươi thành phố còn nhỏ lắm, dân cư thưa thớt, đầy nét hoang sơ, rừng già áp sát thành phố. Giữa phố phường và rừng già nhiệt đới chẳng có ranh giới rõ ràng gì cả. Có nhiều con đường mà bên này là phố xá đông đúc bên kia là rừng già với tất cả vẻ hoang vu, cổ thụ tầng tầng lớp lớp, dây leo quấn quanh chằng chịt như những con trăn mốc. Thực là một thành phố đúng tên gọi phố núi. Ra khỏi phố trời sáng nhờ nhờ. Lạnh lắm, mặt trời lên hay chưa chẳng ai biết, sương đục như nước vo gạo. Sương mờ mịt đến nỗi ngồi trên xe Landrover một loại xe chuyên đi rừng, nhìn xuống đất không thấy mặt đường. Xe chạy như bay trong mây. Quán mở đen pha thực sáng, ánh đèn chỉ xé được màn sương vài mét rồi sương mù đặc quánh nuốt mất ánh sáng. Quán nói:
- Không thấy gì cả. Không biết con đường nằm đâu, làm sao đi? I Đi xuống xe cầm đèn pin đi trước dò đường cho tao!
I Đi xuống xe, bóng lão mờ mờ như ma quái. Lão bước trong sương cầm đèn dốc về sau, ánh sáng vàng vọt như ma trơi. Nhưng tới đây thời tiết lạnh lùng của phố núi một lần nữa làm ra sự lạ trong chớp mắt. Gió rừng bỗng nhiên nổi dậy ào ào xô tan mây mù, lúc đầu lùa chúng xuống những thung lũng rồi thổi tan biến đi đâu mất. Mặt trời đột ngột chói lòa. Một cánh rừng hoa hướng dương dại bạt ngàn sáng bừng lên mầu vàng tươi thắm trong sắc nắng ngọt lịm. Rừng hướng dương dại này có người còn gọi là dã quỳ mênh mông, đang lái xe trên con đường đất đỏ, Quán bẻ quặt tay lái. Chiếc xe càn lên những bụi dã quỳ, xe mở ra một lối đi làm cho cây ngã rạp hai bên. Quán hỏi:
- Dượng thích săn gì tôi đưa đến?
- Săn nai. Tôi có hứa với mấy người bạn đem ngạc nai về cho họ nấu cao ban long.
Quán cười thầm về hình ảnh cặp sừng. Hắn quay lại sau bắt gặp cái cười của Phượng cũng in hệt hắn. Quán nói:
- Được rồi, chúng ta sẽ tới đầm lầy cắm trại ven hồ. Mấy người Thượng có cho tôi biết nửa khuya, lúc gần sáng có hai con nai, chà to như con bò, cặp sừng giương lên như cả bụi cây nứt ra tới bảy nhánh thường đến đây uống nước. Dượng có cơ hội để thử súng.
Ông Bàng nói:
- Yên trí, loại này không nổ chứ nổ thì có thịt!
Quán là tay chuyên nghiệp, hắn rất sành địa thế vùng này. Đang lái xe trong rừng bạt ngàn hắn vẫn tìm ra cái đầm lầy khổng lồ, một nơi đất trũng, chung quanh đồi tranh bao bọc. Mùa mưa nơi đây đầy nước, vịt trời, chim nước rất nhiều. Mùa nắng, hồ cạn, giữa hồ còn đọng lại vài vũng nước là nơi thú rừng tìm đến giải khát và đầm mình. Cây cối chung quanh đấy lúc nào cũng xanh tươi. Cỏ trên mấy ngọn đồi quanh đầm chỉ mọc tốt trong mùa mưa, qua mầu nắng kéo dài tới sáu tháng không một giọt nước, tất cả đều héo hon. Một mồi lửa cũng có thể biến ngọn đồi thành biển lửa. Quán hiểu được vì sao trên những ngọn đồi thoai thoải ở cao nguyên chỉ có cỏ tranh ngoài ra không một loại cây nào mọc được. Thiên nhiên khắc nghiệt đào thải tất cả chỉ chừa lại loài cỏ tranh. Trong nửa năm khô hạn chúng sống tiềm sinh, chỉ có bộ rễ còn chứa mầm sống. Ngọn lửa mùa hạ đốt cháy phần lá để lại lớp tro tàn là lớp phân bón hảo hạng và khi mùa mưa tới đánh thức mầm sống dậy, đọt tranh trồi lên như những mũi kim nhọn. Nơi đây quyến rũ loài hươu nai, chúng ăn mầm tranh mới nhú và liếm chất tro có vị mặn, xong xuống hồ uống nước. Có khi chúng rủ nhau lội cả bầy sang bên kia hồ. Chỗ này thu hút những loài thú ăn thịt. Nơi đây là chỗ săn bắn lý tưởng. Thời đó ít ai bắn nai. Thịt nai nhiều lắm bán như cho cũng chẳng ai mua, họ chỉ mua để làm nai khô đem nơi khác bán. Người ta bắn nai chỉ cốt lấy sừng nấu cao.
Riêng bầy trâu rừng không ở đây. Vùng cư trú chính của chúng ta là Đức Lập nằm sát biên giới Việt Miên. Huyện Đức Lập là một khu rừng mưa nguyên sinh tiêu biểu nhất cho rừng nhiệt đới. Nơi đây có lẽ là địa phương lạnh lẽo nhất nước, nơi cư trú của loài Min. Người mình, người Thượng ít ai dám bắn chúng, chỉ có vài nhà săn người Pháp, nhưng đã có người bỏ mạng.
Quán không hiểu tại sao con Min hung dữ này lại bỏ Đức Lập xuống Buôn Ma Thuột. Đây là một hiện tượng lạ của núi rừng, hoặc nó bị thương, bị bệnh và bị bầy đàn xua đuổi hay là đi tìm kẻ thù gây thương tích cho mình. Những con thú kiểu này cực kỳ hung dữ và nguy hiểm. Hắn đã chuẩn bị hơn mười viên đạn thép cưa đầu để phòng thân. Nhưng viên đạn nguy hiểm đầu tiên hắn dành cho ông Bàng với khẩu súng sang trọng của ông ta.
Họ dừng xe hạ trại. Tây Nguyên có một thứ thời tiết rất lạ. Đêm nào trời rét, sáng dậy mây mù nhiều thì ngày hôm đó nắng gay gắt. Nắng và rét xen kẽ nhau cộng với thứ gió khô làm cho da dẻ đàn bà trẻ con lúc đầu hồng lên sau thì rạn nứt nẻ cả. Đi chuyến này họ mang theo nhiều đồ hộp, gạo thịt chuẩn bị cho một mùa săn lâu dài. Trong khi ông Bàng cho xem xét vũ khí, lão I Đi lo cơm nước thì Quán vào rừng tìm vết chân thú, kỳ thực hắn và Phượng hẹn hò nhau. ở trong rừng đừng hòng tìm ra họ. Họ yêu nhau trên thảm lá mục, trong bụi rậm mạnh bạo hoang rợ chẳng khác gì dã thú.
Quán hiểu rất rõ tập tính của từng loại thú rừng. Hắn biết loài Min chỉ xuống dầm mình vào lúc gần sáng khi mặt trời chưa lên, lúc này con vật cảm thấy an toàn nhất. Nó cần chuẩn bị toàn thân một chút bùn dầy để ngày hôm sau chống lại lũ côn trùng. Hắn phân công và dành cơ hội nguy hiểm chết người cho ông Bàng. Quán nói:
- Tôi thức canh từ đầu hôm tới nửa đêm, dượng từ nửa đêm về sáng.
Ông Bàng đồng ý. Hắn ôm súng ra cạnh bờ hồ. Đêm xuống, không khí ướt đẫm lạnh dần, muỗi rừng vo ve, hắn cóp sẵn thuốc thoa vào người chống muỗi. Hắn chợt nghĩ mọi thằng đàn ông, lão Bàng hay bất cứ thằng nào, hễ rơi vào khung cảnh lạ, nhất là những đêm trong rừng như thế này thế nào cũng nổi cơn thèm đàn bà. Sẵn có vợ lão đó thì giờ này thế nào cũng xảy ra chuyện ái ân. Thế nào lão Bàng cũng tống I Đi ra rừng ngủ. Tưởng tượng tới cảnh đó Quán phát điên. Sau hắn lại tự trách: Tại sao trưa qua mình không dặn Phượng trước, đàn bà chúng có trăm nghìn phương kế để thoái thác khi họ không thích. Song, hắn lại tự cười mình. Mình là thứ trộm cắp làm sao cấm chủ nhà dùng đồ đạc của nó?
Nai, heo rừng, chồn, cáo và rất nhiều con vật khác xuống hồ kiếm nước, có con chịu nhìn đèn, một số Quán đã nhận ra, một số không biết vì mỗi loài thú đều có cặp mắt ánh lên sắc mầu khác nhau trong ánh đèn săn. Quán không nổ một phát súng nào. Hắn sợ tiếng súng xua đuổi con Min. Hắn xem mặt đồng hồ dạ quang, đã ba giờ sáng. Hắn cúp súng trở về. Hắn vén mép lều lên thấy hai thân thể trần truồng quấn lấy nhau, hắn thấy mình nghĩ không sai. Hắn lui ra đánh tiếng:
- Ba giờ rồi, đến phiên dượng.
Ông Bàng hỏi:
- Có con gì không?
- Không, xui quá, chẳng có con gì. Tới phiên dượng chắc là có, vì ông bà ta có nói: "nhứt chạng vạng, nhì rạng đông" là giờ thú rừng hoạt động mạnh nhất. Sắp sáng rồi chúng thường tìm uống nước thật no dành cho một ngày hoạt động. Thôi, tôi ra rừng ngủ đây, dượng nhớ gặp con gì cũng bắn để ngày mai có thịt tươi.
Quán giả vờ ôm chăn gối ra rừng. Khi trông thấy ánh đèn săn của ông Bàng đã khuất xa hắn trở vào lều. Hắn tung chăn thấy Phượng vẫn còn trần truồng, người nàng rất ấm, hắn ghì lấy hôn tới tấp, Phượng la: "Mạnh quá làm người ta đau!". Hắn rít: "Đồ chó cái, bao nhiêu cũng không đủ, chiều nay no rồi tưởng thôi, tại sao lại còn chịu cho lão?". Phượng nói: "Làm sao từ chối được, từ chối lão nghi". Quán thấy ăn nằm với người đàn bà vừa trải qua cuộc yêu đương với thằng đàn ông khác lại có cái gì vừa nhờm tởm, vừa quyến rũ.
Gần sáng sương mù như rây bột xuống khu rừng mặt hồ. Sương mù càng lúc càng dày. Lão Bàng ngồi một lúc thấy lạnh và thèm thuốc nhưng không dám hút sợ khói thuốc xua đuổi thú rừng. Lão nghe có tiếng chân thình thịch, một thứ âm thanh rất nặng nề, rồi tiếng ọc ạch bàn chân cắm vào bùn, kế đó là tiếng bì bõm, lão biết con thú đã lội tới nước. Lão bật đèn săn đưa ánh sáng lướt qua lướt lại trên hồ, căng mắt ra nhìn, mặt hồ mờ sương như nước sôi bốc khói. Lão nghe tiếng con vật thở phì phò giống mấy con trâu tắm trong ao làng. Lão tập trung ánh sáng vào chỗ ấy chỉ thấy một vùng sương xao động. Thấp thoáng có mảng đen bóng hiện ra rồi mất đi, tiếng con vật khịt mũi thở phì phò. Ông Bàng hướng mũi súng vào nơi đó, nghĩ: Con gì thì con cũng bắn. Ai lại thức cả đêm trở về tay không? Với khẩu Uynséttơ này thì con gì mà không nộp mạng, trong một tích tắc lão thấy cặp sừng bóng loáng thoáng qua, lão bóp cò.
Trong sương lạnh, không khí đậm đặc hơn, tiếng nổ cũng đậm và nó như bị nén chặt lại vỡ tung xé màn đêm. Sau tiếng nổ có tiếng nước xao động. Một âm thanh có gì đó giống như tiếng hộc, tiếng con thú ngã xuống một cách nặng nề. Rồi tất cả yên lặng. Lão nghĩ, chết rồi, ngày mai dùng dây lôi lên. Thôi trở về ngủ thêm giấc nữa.
Quán và Phượng nghe tiếng nổ. Mỗi người nghĩ một cách. Quán nghĩ chỉ có một phát chắc chắn không giết được con thú, may ra nó không bị thương và đã bỏ chạy, còn rủi làm cho nó bị thương thì thế nào nó cũng đã trừng trị kẻ thù. Giờ này lão có thể trở thành đống thịt nát nhừ. Phượng lo sợ ông Bàng sắp về, nàng hối: "Thôi đủ rồi, cuốn gói ra ngoài nhanh lên đi, lão sắp về..." Vài phút sau Phượng rủ: "Anh với tôi đi xem đi?" Quán nói: "Không được, chưa biết sự thể ra sao, nguy hiểm lắm, đợi sáng". Có ánh đèn săn lấp lóa. Quán thất vọng, hóa ra lão ta còn sống. Ông Bàng mừng rỡ khoe: "Hạ rồi, nhưng không biết là con gì, chắc to lắm, trời sáng sai lão I Đi lội xuống nước dòng dây lôi vào. Thôi gần sáng rồi thức lão dậy nấu nước pha cà-phê".
Lúc này sáu giờ sáng, trời đầy sương, người đứng cách nhau ba bốn mét không thấy, tất cả núi rừng nhờ nhờ, một mầu sữa đục lạnh lẽo. Trong rừng có thứ sương lạ, mầu nó phớt xanh và hình như nặng hơn nên chìm xuống đất quấn quít trong từng bụi cây. Người đi rừng gọi là hơi đá. Hơi đá lạnh lẽo rờn xanh có mùi ngai ngái lá mục và mùi khó chịu của loài nấm chó. Người ta nói sơn lam chướng khí là thứ này đây.
Lão I Đi nhóm lửa, lão chợt dừng tay nghe ngóng. Lỗ tai người rừng của lão thính hơn, lão nghe thấy tiếng động bất thường, cả phút sau ba con người thành thị mới nhận ra tiếng nện chân thình thịch trên mặt đất. Gió rừng nổi lên và sương bắt đầu tan. Quán chạy vào rừng lấy súng lên đạn lách cách, hối:
- Dậy, nhanh lên, cầm lấy vũ khí!
- Chuyện gì?
- Không phải nai, dượng bắn nhầm con Min, hung thần của núi rừng, nó đang tìm tới đây. Gió đã thổi sương tan chắc chắn thế nào nó cũng tìm ra chúng mình.
Ông Bàng:
- Sợ gì, nó không chết cũng bị trọng thương.
Bây giờ Quán mới nói thật:
- Đạn chì không giết được nó đâu. Phải bắn vỡ xương sọ của nó bằng đạn thép cưa đầu. Mấy hòn đạn chì của dượng chạm vào cái sọ cứng như đá của con Min giống như đất sét nhồi nhão ném vào đá.
Ông Bàng vẫn nói giọng cả tin:
- Cứ để nó đó cho tôi, lên xe hết đi.
Quán nghĩ, à lão nầy tới số. Quán thét bảo I Đi dập tắt lửa, sợ con thú theo mùi khói. Quán lên xe, Phượng và I Đi theo bỏ lại tất cả đồ đạc. Ông Bàng không chịu lên xe. Ông cầm khẩu Uynséttơ tựa lưng vào thân cây dạng hai chân hướng mũi súng tới trước, tư thế người hùng, ra lệnh: "Các người sợ cứ lái xe chạy nhanh đi!". Xe chưa kịp chạy thì con thú xuất hiện. Trong sương mờ con Min hiện ra như một ác quỷ. Người nó bám đầy bùn đất rong rêu, máu và nước chảy ròng ròng. Con vật to kinh khủng, nó hiện ra bất ngờ như bóng ma. Đuôi nó dựng ngược, đầu ngước lên đánh hơi, nó đã thấy kẻ thù. Loài thú rừng có một tập tính, một nghi lễ thiêng liêng man dã trước cuộc chiến đấu sinh tử lần cuối, nó cúi mình, chân trước cào đất văng tung tóe ra sau uy hiếp kẻ thù. Ông Bàng nâng súng lên nhắm. Quán hét: "Bắn nhanh rồi chuồn!". Ông Bàng bóp cò. Mấy viên đạn chì chỉ làm cho con Min rùng mình lùi lại một bước rồi lao tới. Ông Bàng quăng súng bỏ chạy, nhờ sương mù, con trâu mất dấu. Nó quay lại chiếc xe. Quán sợ hãi cuống cuồng cho xe nổ máy nhưng vẫn không vào số được. Chiếc xe không chịu nhúc nhích. Con Min lao tới, sức mạnh khủng khiếp như tảng đá lăn xuống dốc hất tung chiếc xe, cả ba văng ra ngoài. Quán nhanh chân phóng vào rừng. Hai người hùng trong giây phút nguy ngập đã bỏ trốn cả; Phượng lồm cồm bò dậy. Cái áo sơ mi mà đỏ chói của nàng giờ đây như hút lấy cặp mắt con thú. Con Min đã khuỵu hai chân trước, vẫn cố lấy tàn lực đứng lên. Lão I Đi kịp vớ lấy khẩu garăng, không chậm một giây lão nhào tới che chắn cho Phượng. Lão run rẩy khó khăn lắm mới cho ngón tay giữa vào cò súng đúng lúc đó cặp sừng nhọn hoắt xô tới cùng với tiếng nổ nghẹn lại vì bắn như kề vào sát sọ con thú. Cái khối thịt đen đầy bùn đất bị viên đạn thép cưa đầu tống lui, chặn đứng, nhận chìm nó xuống. Con thú quỳ hai chân trước giống như phủ phục trước vị sơn thần. Đầu nó vỡ toang, xương sọ văng nhiều mảnh, óc trộn máu thành một thứ giống như bã đậu trộn với nước sốt cà chua văng đầy áo sơ mi mầu đỏ của Phượng. Nếu ngón tay bóp cò không bị chặt đứt có thể lão I Đi đã hạ con thú trước đó vài mét rồi...
Mặt trời lại mọc, gió rừng thức dậy xua tan sương mù, trời sáng rõ ràng. Lão I Đi bị xô ngã văng xa nằm sõng soài trên thảm lá khô. Cả ba người kéo lại. Quán quỳ xuống nghe tiếng tim lão và tiếng thở réo sôi trong lồng ngực. Quán cởi nút áo, trước ngực lão một lỗ sâu hoắm từ trong trào ra từng đợt từng đợt một thứ không phải là máu, nó giống như bọt xà phòng mầu hồng vương những dây máu. Người ta biết sừng con Min đâm thủng phổi lão, máu trộn với không khí thành bọt tuôn trào từng đợt theo nhịp thở. Lão muốn nói điều gì đó nhưng không mở miệng được. Lão còn sống. Lão sống và thở phòi phọp không phải bằng mũi mà là bằng cái lỗ trong ngực. Người ta đỡ lão lên xe. Khi xe chạy tới trước cửa phòng cấp cứu bệnh viện tỉnh thì chất bọt ngưng trào. Lão chết.
Hôm đem lão đi chôn, không hiểu nghe tin ở đâu già làng đã tới. Già làng tóc bạc phơ, ốm nhom, ở trần, đóng khố, da lưng mốc thếch nhăn nheo như da voi. Già làng ngồi xuống cạnh huyệt, móc trong người ra một khúc gỗ cà te nhỏ đẽo theo hình ngón tay rất giống. Ngón tay gỗ có ba đốt và cả móng. Già làng nói:
- Thằng I Đi nó không biết cầm cái rựa đốn cây phát rẫy, nó không biết chọc lỗ gieo hạt. Nó không biết xuống khe bắt cá, lên rừng hái trái, tuốt lúa giã gạo. "Giàng" sinh ra hắn để hắn lên rừng bắn con beo con cọp hung dữ xuống làng bắt trâu dê, bắt cả người. "Giàng" cho hắn cái ngón tay bóp cò bây giờ mất rồi hắn xuống dưới đất lấy gì mà sống? Lão cúng cho hắn cái ngón tay nầy...
Mấy người chuyền tay nhau ngón tay bóp cò bằng gỗ, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Người ta trao ngón tay cho Phượng. Nàng run rẩy cầm lấy và tháo chiếc nhẫn vàng đeo vào ngón tay gỗ ném xuống huyệt cùng với những nắm đất dần dần lấp đầy.

Xem Tiếp: ----