Dịch giả: Vân Hương dịch

Nguyên tác: Together We Wandered

Năm 1928, vợ chồng tôi đã bán ngôi nhà ở nước Anh và chúng tôi quyết định đi ngao du thế giới một chuyến. Nhật Bản là mục tiêu đầu tiên. Tại cảng Kobé, khi đi ngang qua một cửa hàng đồ cũ, chúng tôi khám phá ra một pho tượng nhỏ bằng ngà, mà ngay đó đã kích thích lòng thèm muốn của chúng tôi. Đó là một bức tượng Nhật Bản nhỏ xíu, cao chừng ba hoặc bốn centimét, tạc cổ thần Ho-Tei, vị thần đem lại hạnh phúc cho người mang tượng như vật lấy khước.
Bộ mặt nhăn nheo, rạng rỡ trong một nụ cười sung sướng, thanh thản, vị thần ngồi xếp chân trên một tấm đệm bằng ngà. Bụng phệ của thần dựa lên trên tấm đệm đó, được trang trí bằng những cánh hoa rải và tấm áo kimono của ông thần có thêu những đoá hoa cúc.
Vợ chồng tôi vào tiệm hỏi giá. Không tin nổi nhưng lại là sự thật, bức tượng giá chưa tới năm shillings (đơn vị tiền tệ Anh, bằng 12 xu, bằng 1/2 đồng bảng). Bàng hoàng trước vận may, chúng tôi trở về tàu để quan sát bức tượng tận tường hơn, bởi vì chúng tôi thấy cái giá rẻ có che giấu một cái gì đó mờ ám.
Một cuộc khảo sát kỹ lưỡng cho thấy chúng tôi đã gặp vận may nhiều hơn là chúng tôi nghĩ. Bức tượng chắc chắn là rất cổ. Nó có lớp hoen màu kem của đồ ngà xưa và nghệ thuật điêu khắc thì thật là tuyệt mỹ. Chỉ có một chi tiết khiến cho chúng tôi phải suy nghĩ. Cứ theo mọi khả năng xác suất, nhà nghệ sĩ đã khắc cái ngà voi hơi thấp mất một vài milimét, bởi vì ở ngay chính giữa phần dưới của tấm đệm, chúng tôi phân biệt được cái lỗ mà đường chỉ gân của cái ngà voi quy vào. Tuy nhiên cái lỗ đã được bịt kín lại với một cái chốt bằng ngà và chúng tôi không còn gán cho nó bất cứ tầm quan trọng nào nữa. Chỉ mãi về sau chúng tôi mới có đủ lý do để mà bận tâm suy nghĩ về điểm đó.
Lúc đó, thần Ho-Tei, được bọc kỹ trong cái va-li của nhà tôi, chúng tôi lên tàu đi Manila (thủ đô nước Philippines). Ngày vượt biển thứ hai, nhà tôi bắt đầu bị đau răng hết chịu nổi. Ông y sĩ trên tàu cho nhà tôi một thứ thuốc trấn thống, nhưng chẳng có hiệu nghiệm gì. Nhà tôi trải qua mười hai ngày đau nhức ghê gớm. Đến được Manila, chúng tôi thật nhẹ hẳn người.
Bất hạnh là ngay khi tàu cặp bến, chúng tôi bị mắc bệnh cúm Dengue, chứng bệnh khó chịu nhất, có đặc tính bị sốt cao và các khớp bị đau nhức kinh khủng. Mất nhiều tuần trôi qua, nhà tôi còn lảo đảo vì yếu quá, mới đi tới nha sĩ được. Ông thầy thuốc thấy có bổn phận phải khoan một cái răng chạm tới dây thần kinh. Tôi những tưởng rằng do bị khoan răng đau quá đỗi, tiếp theo là những cơn nhức mình mẩy khốn khổ vốn là di chứng của bệnh cúm, nhà tôi phải đâm nổi cơn điên. Chúng tôi đi tới kết luận là quần đảo Philippines làm hại cho sức khỏe của chúng tôi và chúng tôi vội vã lên tàu, chết nhiều hơn sống, khi bắt gặp một chuyến sang Sydney.
Khi giở hành lý ra, tôi thấy bức tượng Ho-tei đã được chuyển sang va-li tôi. Lý đương nhiên, tôi chẳng bận tâm gì tới điều đó, nhưng ngày hôm sau tới lượt tôi bị đau răng dữ dội. Không có thầy thuốc trên tàu và gần như tôi chỉ sống bằng những viên aspirine. Tôi lướt qua nỗi tuyệt vọng khi tàu đỗ tại Cairns, hải cảng đầu tiên trên đất úc. Một nha sĩ địa phương mày mò thật kỹ hàm răng tôi và phán rằng ông không thấy có điều chi bất thường cả. Chỉ vài phút sau khi trở lại tàu, tôi lại bị đau răng cũng dữ dội như trước, đến nỗi mà hai ngày sau đó, tới trạm tàu đỗ kế tiếp, tôi lại đi gõ cửa một nha sĩ khác. Cả ông này nữa cũng không thấy gì khác lạ cả. Không vì thế mà răng lại tha không hành tôi đau nhức đến phát khóc ngay khi tôi vừa về ca-bin trên tàu.
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, tại Brisbane, tôi yêu cầu một nha sĩ hãy nhổ răng giùm tôi hết cái này tới cái khác cho tới khi nào tôi bảo ông ngưng lại. Cái răng thứ nhất được nhổ lên, và việc đó xảy ra mười phút sau khi tôi rời tàu, tôi cảm nhận một sự giảm đau đớn rõ rệt cho đến nỗi tôi không ngần ngại gán cho cái răng đó là thủ phạm gây ra tất cả những cơn đau răng khốn khổ. Cho dù ông nha sĩ có tốn công chứng minh cho tôi thấy cái răng đó là răng lành và không thể cáo giác nó được, tôi vẫn tin chắc rằng nỗi đau khổ của tôi đã dứt cho tới lúc mà, lại lên tàu, một lần nữa tôi lại bị buộc sống nhờ những viên aspirine.
Tới Sydney, chúng tôi gởi phần lớn hành lý lại bộ phận giữ hành lý và chúng tôi xa cách Ho-Tei trong nhiều tuần lễ. Sau khi đã tham quan xứ lạ và trải qua một chuyến lưu ngụ thích thú, không chút sợ sệt bị đau răng, chúng tôi thực hiện một chuyến vượt biển bốn ngày để tới New Zealand. Chúng tôi chỉ bị đau răng mỗi một lần, khi người ta đem những hành lý kềnh càng tới ca-bin để chúng tôi sắp xếp lại hành trang. Rồi Ho-tei trở về trong khoang tàu và răng lại để chúng tôi được yên thân. Chúng tôi trải qua sáu tuần lễ rất vui ở New Zealand, rồi chúng tôi xuống tàu đi Panama, từ đó chúng tôi đáp tàu phục vụ giao thông dọc bờ biển phía tây Nam Mỹ, và chúng tôi đi tới Chili để thăm mẹ tôi sống ở đó. Còn về răng, suốt chuyến đi, chúng tôi không bị đau lần nào, ngoại trừ cái ngày mà chúng tôi sắp xếp lại hành lý trong khoang tàu. Cho tới lúc đó, chưa bao giờ chúng tôi lại nghĩ vị thần bé nhỏ nọ lại là nguyên nhân gây ra những cơn đau đớn cách quãng của chúng tôi, và nếu ý nghĩ ấy có hiện đến ắt hẳn chúng tôi là những người đầu tiên phì cười.
Tuy nhiên, tôi ắt hẳn phải lo sợ bồn chồn khi tới nhà mẹ tôi, bởi vì mẹ tôi bỗng say mê Ho-Tei và nhà tôi đã biếu mẹ chồng bức tượng. Mẹ tôi có hai hàm răng rất tốt, vậy mà chỉ vài giờ sau chúng bắt đầu hành mẹ tôi đau nhức khốn khổ. Chúng tôi thật ngạc nhiên và có hơi mếch lòng khi thấy mẹ tôi đem trả lại bức tượng nhỏ và nghe bà tuyên bố là theo ý bà thì Ho-Tei là một 'thứ khó nuốt'. Chúng tôi lại giam hãm ông thần bé nhỏ vào trong cái va-li đem gởi dưới khoang tàu và rồi chúng tôi không nghĩ gì đến ông nữa cho tới ngày chúng tôi lại lên tàu trở về nước Anh.
Một bữa, chúng tôi tán tụng vẻ đẹp của Ho-Tei với những bằng hữu vốn ham thích đồ ngà. Nhà tôi xuống khoang tàu lấy bức tượng thần đem cho bà bạn ngỏ ý muốn đưa cho chồng bà coi. Trong ngày hôm đó, chúng tôi không gặp lại ông bà, điều mà chúng tôi thấy là kỳ dị; nhưng sáng ngày hôm sau, ông bà lên boong gặp chúng tôi. Họ tỏ vẻ rất ốm yếu. Hai vợ chồng ông bà đã bị đau nhức răng tới mức họ không thể rời ca-bin.
Đột nhiên, một ánh sáng loé trong tôi. Chúng tôi đối chiếu ngày tháng và triệu chứng kể từ lúc chúng tôi đi từ bên Nhật và tóc chúng tôi dựng đứng lên vì kinh hoàng quá đỗi. Chúng tôi không thể tin vào điều đó, ấy thế mà chúng tôi phải chịu nhận là đúng. Không thể nào một chuỗi những sự kiện tương tự lại có thể do nhiều sự trùng hợp mà sinh ra. Nhà tôi không còn muốn nghe nhắc đến con quỷ nhỏ đó và nàng ngỏ ý muốn liệng nó xuống biển cho rồi, nhưng tôi thì lại lo sợ các quyền lực của bức tượng, sẽ trả thù bằng cách làm hư hết răng của chúng tôi. Theo quan điểm tôi, cái quyết định khôn ngoan hơn cả là trả lại ông thần cho những đồng bào của ông ngay khi chúng tôi cặp bến và, trong lúc chờ đợi, phải cấm cửa không cho ông ta vào trong ca-bin.
Ít lâu sau khi trở về London, tôi tới một cửa hàng danh tiếng về mỹ thuật Nhật Bản trên đường Bond Street và đặt ông thần trước mặt người Nhật nhỏ bé nhu nhã là chủ cửa hàng. Ông ta quan sát bức tượng nhỏ và ngỏ ý rất vui thích được mua nó, bởi vì nét điêu khắc là một trong những nét đẹp tuyệt vời mà ông chưa được chiêm ngưỡng bao giờ.
Hơi lúng túng, tôi giải thích là tôi không nhận tiền để đổi lấy bức tượng thần và thuật lại một vài điều rủi ro đã xảy đến với chúng tôi trong chuyến du hành. Một nét kỳ lạ thoáng qua vẻ mặt ông ta. Ông ra lệnh ngắn bằng tiếng Nhật và lát sau một người làm công đưa vào một ông lão Nhật vận quốc phục.
Ngay khi vừa trông thấy Ho-Tei, ông lão há hốc miệng, giương hai bàn tay ra trong một cử chỉ van xin, đoạn ông cầm lấy bức tượng và ngay đó quan sát phía dưới tấm đệm.
Chẳng buồn quan tâm đến tôi, ba người chuyền tay nhau bức tượng nhỏ, xem xét cái đáy bệ tượng và trao đổi những lời bình luận ngắn bằng tiếng Nhật. Họ hoàn toàn bị cuốn hút vào những điều ám muội kỳ dị nào đó mà tôi chẳng hiểu mô tê gì cả. Về sau, những người đã từng sống ở Viễn Đông cho tôi hay là người ta đã chế tạo ra một 'linh hồn' cho một số những vị thần thờ trong các đền Nhật Bản. Người ta khắc một số chữ trên bức trạm nhỏ xíu và cái 'linh hồn' kỳ dị đó bị chôn kín trong thân thể vị thần. Sau đó, lỗ hổng được bít kín lại.
Dù sao đi nữa, ông già Nhật cũng thận trọng đặt bức tượng Ho-Tei tươi cười của chúng tôi vào trong một cái trang nhỏ bằng sơn mài được trang trí lộng lẫy đặt ở cuối tiệm rồi ông thắp dưới chân tượng một hàng những cây nhang. Trong lúc làn hương thơm nặng và dịu lan toả trong cửa tiệm, một sự yên lặng hoàn toàn ngự trị. Không một lời, ông chủ tiệm đưa tôi ra cửa và cúi lạy nhiều lần. Một biểu lộ lòng lo sợ gần như kinh hãi thấy rõ trên mặt ông. Khi gặp lại tiếng ì ầm của xe cộ giao thông trong thành London, tôi cảm nhận một cảm giác tự do sâu đậm.
Tôi không bao giờ trở lại cửa tiệm Bond Street đó nữa. Tôi cũng không biết là chẳng hay tiệm đó có còn không. Đôi lúc, tôi thầm hỏi điều gì đã xảy ra với bức tượng bằng ngà bé nhỏ, nhưng tôi thật tâm không ham muốn chút nào được biết về chuyện đó.
(Together We Wandered)
Vân Hương dịch

Xem Tiếp: ----