Cảm nhận về mùa thu bao giờ cũng mang lại cho người ta sự mát dịu trong tâm hồn. Ai đã một lần ngắm mùa thu Nga lại càng thấy man mác và mê say.
Hai nhăm năm trước đây khi còn là một cô bé ngồi trên chiếc xe khách từ sân bay Quốc tế Mockva về ngoại vi thành phố, tôi như được lạc vào thế giới thần tiên. Những hàng phong đỏ rực, những cánh rừng bạch dương, khẳng khiu thân trắng…
Đường phố rộng sạch tinh và những chiếc lá vàng rơi lao xao.
Đó là cái cảm nhận đầu tiên của một cô bé từ luỹ tre xanh Việt nam với một mùa thu đầy sắc màu lộng lấy.
Từ độ đấy mỗi bận thu về lại xôn xao nỗi nhớ, nhớ một xứ sở diệu kỳ, nơi tôi đã có những ngày tháng thời sinh viên thơ mộng nhất. Những buổi chiều mùa thu cùng người yêu nắm tay tung tăng chạy trong công viên tự nhiên, đắm say đến tận bây giờ.
Có lần tôi nói với đám bạn, giá mình được trở lại Nga lần nữa. Bạn tôi bảo thôi đừng quay lại, ngày xưa xa rồi, mọi thứ đều khác. Không quay lại may ra còn giữ lại những kỷ niệm đẹp…
Một đứa lại bảo dù đất nước Nga bây giờ không còn như xưa nữa nhưng có hai thứ không bao giờ thay đổi đó là “ thiên nhiên Nga và gái Nga”. Cả lũ cùng cười!
Và mùa thu Nga nữa, không nơi nào đẹp như vậy. Chả thế mà có bức tranh Mùa thu vàng của Levitan quyến rũ mê hồn.
Năm cuối cùng trước khi về nước lang thang trong rừng thu nhặt lên một chiếc lá tôi đã viết bài thơ này
Gửi anh chiếc là thu Nga
Chiếc lá cuối mùa em gửi thư nhanh
Vẫn còn có màu xanh mùa Hạ
Dù chẳng thể dấu vết thời gian tàn phá
Mùa thu Nga những chiếc lá vàng bay
Bông tuyết đầu mùa đậu mái tóc Em
Cùng nỗi nhớ bàn chân Em tê lạnh
Những hạt tuyết tan thành nước mắt
Một mình em run rẩy lá vàng ơi...
Năm năm rồi như một giấc mơ
Bao sóng gió tưởng chừng tan lặng lẽ
Kỷ niêm bộn bề mà sao mới mẻ
Một tình yêu và Anh của riêng Em
Một đêm nào Anh đã ngủ yên
Em sẽ về bên, trăng khuya bé nhỏ
Và Tình Yêu tự nói lời của nó
Nỗi nhớ nào cùng Em thức đêm nay...
Anh có nhớ mùa thu vàng lá bay
Nhớ mùa Đông Nga tuyết trắng dầy
Nhớ một lần chúng mình giận dỗi
Lặng nhìn Anh chân di tuyết đến là thương
Nỗi nhớ và Em thao thức đêm trường
Đắp hai lần chăn bông vẫn lạnh
Quà sang bên chỉ có màn đêm vắng
Thèm đến rạo rực người hơi ấm của riêng Anh!
Chiếc lá vàng ơi hãy bay nhanh
Trốn đi cái lạnh lùng của tuyết
Và cơn gió đến nao lòng ơi có biết
Một vùng trời rất ấm ở trong tim
Và đêm nào Em sẽ ở bên Anh...
Thu 1985
Hơn hai mươi năm sau đọc lại ЗОЛОТАЯ ОСЕНЬ của Борис Пастернак cảm xúc trong tôi lại tràn trề.
Bài thơ hay quá, cả một cánh rừng Nga tĩnh lặng như một cung điện thần tiên, không một bóng người chỉ có cảnh thiên nhiên là rực rỡ diệu kỳ.
Tĩnh lặng đến mức chỉ có bước nhẹ trong rừng cũng nghe tiếng sào sạo của lá cây dưới chân ta. Hai mươi năm trôi qua tiếng Nga trong tôi đã mai một nhiều nhưng vẫn đủ để cho ta cảm nhận bài thơ bằng cả tâm hồn mình.
Mùa thu cũng là mùa hôn lễ nhưng trong cả bài thơ tác giả không cần dùng đến từ đó một lần nào. Chỉ bằng vài nét phác thảo thiên nhiên, những vòm lá như chiếc vương miện của cô dâu đội vào ngày cưới, bạch dương trong sương mờ như được phủ bằng voan…cho ta cảm nhận về một mùa uyên ương.
Cái tài của nhà thơ là thế, giá từ hôn lễ được cho vào chắc hỏng cả bài thơ. Vì người đọc đâu có cần cảm nhận điều gì.
Hà nội hôm nay cũng vào thu, se lạnh. Nhớ mùa thu Nga tôi dịch bài thơ này với tất cả cảm nhận của mình để tặng riêng tôi.
Mùa thu vàng
Boris Pasternak
Thu. Cung điện thần tiên
Mở toang thoả ngắm nhìn
Trong rừng con đường vắng
Ven hồ soi nước êm
Tựa triển lãm thiên nhiên
Bao phòng tranh kiều diễm
Tần bì, du, rừng liễu
Ánh vàng lên diệu kỳ
Vòm phong lữ ơ kìa
Như mũ hoa cô dâu
Bạch dương dưới voan phủ
Tinh khôi thủa ban đầu
Mặt đất dày lá đổ,
Phủ cả rãnh, hố sâu
Hàng phong bên nhà nhỏ,
tựa bức tranh khung vàng.
Tinh sương thu tháng chín
Cây rừng đứng sánh đôi
Hoàng hôn về nhuộm vỏ
Màu hổ phách rạng ngời
Đừng đi vào khe suối
Sẽ bị lộ mất thôi
Sào sạo, dù nhón nhẹ
Thảm lá dày dưới chân
Vang từ cuối con đường
Tiếng vọng xa hắt lại.
Ban mai trên anh đào
Giọt nhựa vàng sóng sánh
Thu. Góc rừng thần tiên,
tập ảnh từng trang quý
sách cũ, áo, súng trường
đón lạnh đang tràn đến…
21.08.2006

Xem Tiếp: ----