Lan còn nhớ ngày nào ba năm về trước, hăm hở dắt chiếc xe máy đến công ty buổi đầu tiên. Đón chào nó là bác bảo vệ với bộ quân phục nhàu nát và lấp lánh đôi mắt hơi nhoèn ướt, hấp ha hấp háy… - Chào công chúa, chắc mới đến nhận việc hay sao mà trông hớn hở thế. Lấy vé rồi để xe đó anh dắt giúp vào cho! Lan hơi sững người vì cái mác “công chúa” vừa được gọi từ miệng một người chưa quen bao giờ. Chưa kể đến câu anh, em, ngọt xớt, nghe hơi là lạ từ một người lớn tuổi, già nua và hom hem nữa. Ở lớp phổ thông có ít con gái nên các bạn nam cũng hay đùa gọi Lan là “công chúa”, chứ cái mặt khô không khốc của một đứa con gái học toán như nó chẳng có vẻ gì là công chúa cả! Cái gì cứ nhắc đi nhắc lại rồi cũng thành quen, chứ những ai không ở trong lớp thấy các bạn gọi như thế, thể nào cũng lầm bầm “ xấu mà khô như củi” Ngày đi làm chỉ số với má, mặt mũi khó đăm đăm lại được cái đức không thèm quan tâm đến thời trang ấy vậy mà chỉ sau độ hai tháng một anh khá quậy ở cơ quan suốt ngày kể chuyện tiếu lâm đã đặt ngay cho Lan cái biệt danh này. Có lần sếp nước ngoài hỏi anh ấy:” Tôi biết mọi người đều có biệt danh vậy tên của chị ấy là gì? Anh ta cười cợt vã lả rồi trả lời “ công chúa”. Sếp tròn mắt “ công chúa?” cứ như là Lan với công chúa là cái gì phản nghịch, nghĩ cũng bực. Vì mới quen nên Lan lúng túng cảm ơn bác bảo vệ rồi đi vào làm việc. Thực lòng nó không thích cái vẻ vồ vập thái quá. Ngày đầu tiên rồi cũng qua đi, vốn bản tính rắn rỏi trong công việc Lan dần dần vững chãi trong cương vị mới của mình. Mọi người cũng cẩn trọng hơn khi nói năng với Lan với chức danh là một thành viên trong Ban Giám Đốc. Ấy là mọi người cứ e dè vậy thôi, biết đâu tai bay vạ gió, Lan có nói câu gì với sếp mà một lệnh mới được ban ra ảnh hưởng đến cơm áo của họ như chơi. Còn bác bảo vệ thì hôm nào cũng vậy, buổi sáng đón Lan với nụ cười và đưa đẩy vài câu bâng quơ. Buổi tối đón Lan với câu chào: - Sao công chúa giờ này mới về?. Anh chờ mãi chả thấy ra… Lúc đầu Lan không thích lắm với kiểu “giả lả” đó nhưng lâu dần cũng quên và đôi khi đùa lại theo kiểu xã giao. Bác bảo vệ làm ở công ty bên cạnh, vì hai công ty cùng đi một cổng vào nên công ty Lan thuê luôn đội bảo vệ của công ty bên cạnh cho tiện, vừa lấy lòng được phía đối tác vừa tiết kiệm được chi phí cho cả hai bên. Lan hay rời cơ quan về muộn, đầu óc mệt mỏi, bước chân rã rời, đôi khi không chú ý mình là ai nữa. Một đêm khá muộn, Lan lê lết đi ra cổng, cơ quan vắng lặng không một bóng người. Một tiếng nói cất lên từ trong bóng tối: - Sao về muộn thế em? Mai lại đi ăn sáng cùng anh nhé! Vẫn cái giọng thường ngày của bác bảo vệ. Nhưng lần này Lan nghe âm điệu gì ấm áp hơn, hình như một sự quan tâm và nó thấy mình vui vui với ý nghĩ: - Ồ kìa công chúa, sao bệ rạc vậy? Đi thẳng người lên xem nào! Mùa hè nắng nóng đến khô người, sông Đà cạn kiệt nước. Mức nước dưới mực chuẩn. Lệnh báo cắt điện luân phiên từ Điện Lực Thành phố mỗi ngày một vài tiếng làm đẩy cái nóng thêm vài độ. Ai cũng lo không có quạt, trẻ con khóc ré vì nóng. Đến người lớn cũng nóng bức rừng rực. Mùa hè dịch bệnh nhiều, thuốc sản xuất ra không đủ bán. Cứ mỗi lần cắt điện các bệnh viên kêu ời ời. Kinh doanh thua thiệt là chuyện nhỏ, thuốc cho bệnh nhân là chuyện Lan lo! Đến gặp giám đốc công ty điện, mặt mũi béo phúng phính cái cằm trễ xuống mỡ là mỡ, trông rõ phản cảm! Vậy mà Lan vẫn phải xun xoe, thôi thì hàng ngàn bệnh nhân nằm trong bệnh viện đang chờ thuốc, các anh xem chế độ ưu tiên. Khéo là khéo vậy thôi chứ cái khoản “ động viên kịp thời” vẫn phải đi kèm trong phong bì công văn. Thôi thì em là xin hạn chế dùng điện tối đa, cấm dùng quạt, điều hoà chỉ chạy máy tính và ưu tiên sản xuất. Ông Giám đốc kẻ cả: - Cô mới về à, sao bây giờ tôi mới được biết. Ừ thì người nước ngoài thì bảo bất đồng ngôn ngữ chứ người Việt với nhau, làm ăn trên một địa bàn mà hôm nay tôi mới biết mặt cô. Thôi được để rồi tôi tính, nhưng vẫn phải cắt… Cái mặt bí xị, cái miệng méo xẹo…Lan dắt xe uể oải về văn phòng, thôi thì giảm được nửa số lần cắt là may rồi. - Hôm nay lại mất điện công chúa à? Chắc bọn em không có điều hoà nóng lắm! Giọng người bảo vệ hỏi han. Lan sững người, giữa cái trưa nắng gắt như đổ lửa mái tôn nóng như rang mà người bảo vệ già lại lo cho nó và những đứa suốt ngày ngồi trong điều hoà. Còn nó đã bao giờ nó nghĩ rằng thay một mái tôn mới, chống nóng và lắp thêm quạt trần cho cái nhà bảo vệ mà mức độ xuống cấp thật khó mà tả nổi. Mỗi lần chê cơm nhà bếp rủ nhau ra ngoài ăn tiệm, chúng tôi cho đội bảo vệ những cái phiếu ăn với vẻ kẻ cả lắm. Một chút sững người vì xấu hổ Lan đứng lại mỉm cười với bác. Có lẽ nụ cười chân thành lắm nên bác cũng cười và cái đuôi mắt nhăn nheo lấp la lấp lánh…Hình như lần đầu tiên Lan gửi lại người công nhân già một niềm vui nhỏ nhoi! Cái cười đó đã khiến Lan bỏ ra khỏi đầu bộ mặt phì nộn của ông giám đốc điện lực và cái nóng sốt vì thiếu hàng, mất điện. Về đến văn phòng nhận được báo cáo của đội bảo vệ, lại một vụ ăn cắp ny lông phế thải, một công nhân cuộn ny lông nhét vào trong người đưa ra ngoài. Trời ơi đến là phức tạp, 3kg ny lông được bó gọn đến mức sành điệu, chắc bán cũng cỡ được ba chục ngàn vì giá dầu thô thế giới lên cao, giá nhựa lên, giá phế thải cũng lên. Lương công nhân thì thấp, thôi thì nghĩ ra trò ăn quẩn, lấy phế liệu thì còn đỡ đằng này công nhân còn tương luôn cả nguyên liệu nhựa. Hàng xuất khẩu, phụ kiện nhập theo đơn hàng, mất một lố nguyên liệu là toi đời rồi. Đặt mới, tăng chi phí, chậm tiến độ, phá hợp đồng. Những cái hợp đồng mà Lan và phòng Kế hoạch phải tính toán tranh cướp từng tí một. Hạ giá thành sản phẩm đến mức tối đa, quơ cả những đơn hàng rẻ! Công nhân thì chỉ việc tiện tay bỏ vào túi về quy ra mấy chục ngàn bạc, còn lũ văn phòng thì méo mặt. Trông thì tưởng kênh kếch ngồi điều hoà, nhưng miếng cơm manh áo của bao nhiêu người…thật điên cả đầu! Công ty đã lắp đặt camera, có quy chế hẳn hoi. Ăn cắp là đuổi việc khỏi bàn cãi… Lan về phòng, xem lại các biên bản, tang vật. Cậu Phó Chủ tịch công đoàn hôm nay cứ lấm la lấm lét liếc về phía sếp. Xin xỏ cái nỗi gì, chứng cớ rành rành ra đấy, nóng nực như thế này, thật điên hết cả người. Chuông điện thoại reo, giọng người bảo vệ: - Công chúa à, sáng nay bên anh gửi cho em báo cáo vệ vụ của chị Nga, em đã xem chưa? - Vâng em đang xem ạ - Cũng nan giải đấy em ạ, chả lẽ bọn anh không bắt thì sự việc cứ tiếp tục. Nhưng hoàn cảnh cô ấy cũng tội, chồng đi làm việc ở Đài loan, bị bệnh chết 6 tháng trước đây, hai đứa con còn nhỏ quá! … - Thôi em cứ xem xét, anh biết việc này khó cho em mà… Nó nhìn đống hồ sơ ngán ngẩm, người bảo vệ chẳng xin xỏ cũng chẳng nói năng chỉ cho nó thêm một thông tin không có trong biên bản. Trong cả nhà máy ngần nấy con người nó làm sao biết được những thông tin kiểu này. Nhưng biết được rồi thì làm sao? Người nước ngoài vốn dị ứng với việc ăn cắp vặt kiểu này! Vụ này đến tay nó thì cũng đồn thổi tới gần 200 con người trong cùng một ca, làm sao ém nhẹm. Nó vứt hồ sơ sang một bên viết vào tờ giấy yêu cầu cho phòng kỹ sư “ làm chống nóng cho nhà bảo vệ” rồi lượn một vòng dưới kho cho đỡ bức bối. Trở về phòng thay vì viết một cái phiếu chuyển phòng nhân sự “ làm thủ tục nghỉ việc ” nó chuyển cho cậu Phó Chủ tịch công đoàn với dòng chữ ngoáy “ công đoàn cho ý kiến”. Bà Chủ tịch Công Đoàn mắt đỏ hoe vì vừa làm ca ba mếu máo chạy lên “ thôi em xem có cách nào?” Có cách nào bây giờ, cái mặt của người đàn bà phạm tội vẫn câng câng. Thoả ước lao đông tập thể, nội quy của công ty đều có chữ ký của Lan…đuổi việc là rảnh nợ nhất! Cái ánh mắt hấp háy toét nhoèn của bác bảo vệ lại quay lại với nó. Người bắt trộm cũng là người cho nó thông tin thương tâm của kẻ ăn trộm… Chắc bác ấy đã phải đấu tranh xem liệu có nên bắt hay không?°