Mặt trời đã gần đứng bóng mà hắn còn bò ra viết. Xung quanh hắn la liệt những chữ là chữ, cái đã ráo mực, cái còn nhoè nhoẹt. Chữ Tín, một bên là bộ Nhân đứng, một bên là bộ Ngôn như nhắn nhủ người ta phải giữ lời hứa, chữ Tâm ôm ấp, quấn quít như tình mẹ con, chữ Nhẫn bình thản như hắn vẫn bình thản với đứa con gái chưa đầy tuổi, mặt mũi lem luốc đang lê la gặm củ khoai lang sống đầy đất cát. Toàn bộ con người hắn đang tập trung cho những giây phút thăng hoa, thoát khỏi ràng buộc của sự đời. Vẻ mặt hắn thật đắc ý, mãn nguyện, đôi mắt sáng lên lấp lánh màu mực nho trên những con chữ dưới ánh mặt trời. Thỉnh thoảng, hắn lại giơ tay lên làm vài động tác như viết vào không trung, những động tác viết nét phẩy, nét mác thật dứt khoát, mạnh mẽ, rồi lại cắm cúi tiếp tục viết. Cứ thế, viết xong chữ này hắn viết tiếp chữ khác, mặc con bé sau bữa ăn giữa buổi gặm mòn gần nửa củ khoai đang nằm sấp mà ngủ. Đầu con bé ngoẹo sang một bên, đôi má bầu bĩnh giống mẹ nó đỏ ửng lên dưới ánh nắng mùa đông. Con bé ngủ thật ngon, đôi mắt khép nhẹ nhàng. Nó dường như đang mơ thấy mẹ nó về, miệng tóp tép như muốn bú, thỉnh thoảng lại như cười, như mếu. Đã định bế con vào nhà cho nó ngủ nhưng rồi lại thôi. Hắn nghĩ, con bé cũng cần phải được rèn luyện như mình hồi nhỏ mới mong nên người được. Tuổi thơ đầy vất vả, cực nhọc của hắn không lúc nào hắn có thể quên được. Mới năm, sáu tuổi gì đó hắn đã phải gò lưng mày mò tập đan lát giúp mẹ hắn có tiền đong gạo. Bảy tuổi hắn đã phải theo bọn trẻ con trong xóm đi mót khoai, những củ khoai gầy guộc, khẳng khiu như hắn. Da lưng hắn đen cháy như đít nồi rang mà mẹ hắn vẫn thường rang ngô cho anh em hắn ăn bữa sáng. Cũng nhiều hôm, khi những hạt ngô cuối cùng đã hết, sáng ngủ dậy, không nghe tiếng loẹc quẹc rang ngô của mẹ, hắn biết hôm đó đành ôm bụng đói đến trường. Dẫu sao đó cũng là những năm tháng dù khổ sở nhưng còn yên hàn. Rồi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chiến tranh gõ cửa từng nhà, đang học lớp 10, hắn cùng chín đứa bạn trốn học nhập ngũ mặc cho mẹ hắn khóc lóc. Chiến trường loạn xạ và khủng khiếp, hắn cùng chín đứa bạn may mắn được ở cùng đơn vị và cũng may mắn hơn bao đồng đội khác được trở về, mặc đầu chẳng đứa nào nguyên vẹn. Dẫu sao được trở về vẫn là phúc đức nhất trần đời. Vậy thì việc con bé nằm ngủ giữa sân trong nắng ấm mùa đông này có gì là khổ sở. Nó cứ việc ngủ ngon trong không khí yên bình. Bên cạnh con bé, hắn đang hành xác để truyền lại cho đời với những con chữ gợi nhiều tâm sự như hiến dâng, như nhắn nhủ. Hắn nhẩm tính, từ nay đến 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Táo của năm con ngựa bất kham này chỉ còn một phiên chợ nữa. Hắn có chín đứa bạn, để có đủ mỗi đứa ba chữ, hắn phải hoàn thành cho được hai mươi bảy chữ. Đáng lẽ ra, tuỳ từng đứa mà biếu một chữ cho phù hợp. Nhưng bạn hắn, những chữ như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trung, Hiếu, đứa nào cũng có thừa. Không thừa, làm sao trong chiến tranh chúng nó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lại còn có được ngày đeo huân chương chiến công đầy ngực. Không thừa, làm sao gần 30 năm sau chiến tranh, chúng nó còn ân tình, ân nghĩa với nhau đến thế. Còn Phúc, Lộc,Thọ, Khang, Ninh những chữ mà người đời say sưa ước mơ, say sưa giành giật thì đám bạn hắn dẫu ngủ cả đời để mơ, cũng không thể nào có được. Chúng nó mang được cái thân hình thương tích đầy người về rập đầu trước cha mẹ dù còn sống hay ngồi sau bát hương đã là phúc lắm rồi. Chín đứa bạn hắn, đứa thì không có vợ, đứa có vợ thì không con, đứa có con thì con bị mang di chứng chất độc da cam nặng nề. Chỉ có hắn, may hơn, sau ba lần vợ đẻ non không nuôi được, lần thứ tư mới được con bé này. Con bé giống mẹ nó như đúc, không chỉ ở khuôn mặt thánh thiện, bao dung mà còn ở cả tính nết. Nhà có trẻ con mà nếu không phải hàng xóm láng giềng thì không thể biết. Cứ bú no là nó ngủ. Nhưng thật tội nghiệp, mới được ba tháng mẹ nó đã bắt đầu ít sữa, bốn tháng không còn giọt nào. Bạn hắn cũng lo lắng không kém. Chín đứa ở chín làng quê khác nhau mang đến nhà hắn bao là đồ ăn thức uống để mong vợ hắn lại có sữa cho con hắn bú. Vậy mà, rốt cuộc đành chịu. Con bé phải ăn dặm sớm. Hắn và vợ hắn lại phải vất vả hơn. Lo cho miệng ăn của nó còn khó nhọc hơn lo cho miệng ăn của cả hai vợ chồng. Có cái gì bán được là hắn lần lượt bán. Của cải trong nhà hắn lần lượt đội nón ra đi. Giờ thì con bé đã như dây lang bén rễ, mà nhà hắn thì chẳng còn gì ngoài ba đại tự: Tâm, Tín, Nhẫn ông nội hắn để lại. Ba đại tự này, ông tổ năm đời trước của hắn đã hết sức công phu thuê thợ chạm lộng trên gỗ mít rồi sơn son thiếp vàng. Cố can hắn giữ gìn hơn bất cứ gia bảo nào khác. Hồi xảy ra nạn đói Ất Dậu (1945), ông nội hắn còn sống, có người lặn lội từ ngoài Bắc vào xin được mua với giá tương đương ba tấn thóc nhưng ông hắn đã nhất quyết không bán. Sau cải cách ruộng đất, mặc dầu được sửa sai, nhưng ba đại tự của nhà hắn đã bị chắt Tàm đem về che chuồng gà vẫn không được trả. Đến đời hắn, hắn có lần nghe cha hắn nhắc đến nhưng cuộc sống cứ thế cuốn đi, có lúc hắn cũng quên. Năm 1979, sau khi phục viên, hắn được cử làm đội trưởng sản xuất. Chắt Tàm chết không có con cháu. Cùng với chi bộ lo chôn cất lão xong, hắn mới đem được ba đại tự về, đưa xuống sông kỳ cọ thật sạch, đặt lên bàn thờ, thành kính thắp ba nén hương, cáo yết tổ tiên, ông bà, cha mẹ rồi trang trọng treo lên như hôm nay. Hắn nghĩ thế là hắn đã thực hiện được ý nguyện của cha hắn khi hắn vuốt mắt cho Người. Cha ơi! Lúc sống cha đã chẳng được thấy những đại tự truyền gia còn được thờ trong nhà thì nay con đã đem được về đây. Không phải con không lấy được chúng khi chắt Tàm còn sống. Chắt Tàm cũng đã có lần bảo con đem về khi con mang cháo đến cho lão. Nhưng con thấy lão nghĩ được như thế là quí lắm rồi. Cả đời lão là đã khổ quá rồi. Một con chữ bẻ đôi không biết. Vậy mà người ta lại chia quả thực cho lão những đại tự ấy. Không che chuồng gà thì lão cũng chỉ có mà đun. May mà lão đã không đun. Con không muốn tước đi, dù là một chút cái khấp khởi của lão mấy chục năm về trước, khi được đội cải cách chia cho đại tự nhà ta. Mấy chục năm đại tự nằm đấy che chắn cho những con gà của chắt Tàm còn được huống hồ giờ lão đã sắp chết. Mà lão đã bảo con đem về, cũng có nghĩa là những điều tiền nhân ta gửi gắm cũng có ích lắm chứ, dù muộn màng, phải không cha. Nghĩ đến đó, hắn đứng lặng giữa nhà để mặc nước mắt trào. Hắn quên cả việc cắm hương vào bát, vợ hắn hốt hoảng giằng ra hắn mới tỉnh. Rồi cuộc sống mỗi ngày một khó khăn, hắn cũng chẳng còn thì giờ nghiền ngẫm về ý nghĩa sâu xa mà tiền nhân đã gửi gắm vào ba đại tự. Cho đến giờ, khi trong nhà chẳng còn gì nữa thì ba đại tự lại càng tôn sự chú ý của hắn cũng như mọi người, đặc biệt là chín đứa bạn của hắn. Mỗi khi đến nhà hắn, chúng đều như những nhà hiền triết. Không ồn ào tranh luận, bạn bè hắn thuộc phái vô ngôn. Chúng lặng lẽ ngồi, lặng lẽ ngắm nghía ba đại tự, rồi lại lặng lẽ ra về sau khi đã để lại cái gì đó cho con bé. Chẳng lạ gì chuyện đó nên việc đến hay đi của đám bạn dường như cũng không làm hắn mấy bận tâm. Nhà hắn như một cái quán trọ. Thích thì chúng ở, không thích thì chúng đi. Chúng đến lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ. Những đại tự kia hớp hồn chúng. Cứ thế chúng nó đến, chúng nó đi như ma rằm tháng bảy. Và rồi hắn cũng nhiễm phải cốt cách vô ngôn của đám bạn. Càng ngày, hắn càng trở nên lầm lì. Vợ hắn ban đầu phát hoảng nhưng sau không thấy hắn có thêm biểu hiện bệnh lý gì nữa, thị cũng chẳng buồn bận tâm. Cái mà thị bận tâm là ngày nào thị cũng phải ra chợ, mua đầu chợ, bán cuối chợ để có cái ăn cho hai vợ chồng, đường sữa, thuốc men cho con bé. Hôm nay, thị cũng đi chợ, nhưng là chợ phiên, thị đi sớm hơn chợ thường. Thị đã không kịp bắc xoong nấu cháo cho con. Thị chỉ kịp lay hắn dậy, nhắc hắn nhớ nấu cháo cho con, còn hắn chịu khó rang lại cơm nguội mà ăn. ấy vậy mà hắn đã không làm được như lời vợ dặn. Cả đêm hắn không ngủ vì thương cho đám bạn. Chúng nó đã vất vả vì vợ chồng hắn. Đời chúng không gặp may. Chúng lấy hạnh phúc nhỏ nhoi của vợ chồng hắn làm hạnh phúc cho chúng. Vì vậy, mặc dù có nghe thị nói nhưng sáng ra hắn cũng chẳng muốn dậy. Tới khi con bé đòi ăn, hắn đành trệu trạo nhai cơm nguội nhá cho con, còn hắn, ba bát chè xanh điểm tâm, chờ thị. Ngồi uống nước chè xanh, hắn lại nhớ đến đám bạn. Hồi chiến tranh, ở trong rừng, bữa nào gặp được cây chè rừng là bữa đó đơn vị hắn sướng hơn ăn Tết, nhất là hắn và chín đứa bạn thân. Mà quả sướng hơn ăn Tết thật. Với một đơn vị trinh sát như đơn vị của hắn, không một nơi nào có thể dùng làm nơi đứng chân được quá mươi ngày. Di chuyển liên miên, việc tiếp tế đảm bảo hậu cần cũng căng thẳng, ác liệt chẳng kém gì việc sờ được vào lô cốt giặc. Những gói chè Lao Bảo, 3/2 từ hậu phương đến được đơn vị hắn, khi pha uống, nhiều đứa bạn hắn có cảm giác như uống phải máu đồng đội. Mà máu thật. Cái bữa trung đội trưởng của hắn dính phải mìn, cái còn lại mà chúng nhặt nhạnh được trong ba lô là gói chè dính đầy máu. Chôn cất người chỉ huy xấu số lại bên đường, cạnh miếng lương khô tiễn biệt là chén trà pha ra từ gói chè ấy. Cả đơn vị hắn thằng nào cũng gắng nhấp một chút. Chén nước có vị tanh của máu nhưng chẳng đứa nào cảm thấy lợm giọng. Đã quá quen với máu đồng đội nhưng đây là lần đầu tiên những tế bào máu của đứa nằm lại tiếp tục được hồi sinh trong cơ thể của những đứa còn phải tiếp tục chiến đấu. Bữa đó, hắn và các bạn hắn có cảm giác như đang thực hiện nghi thức tôn giáo thiêng liêng của một tộc người sống theo tục thực táng. Kể từ bữa đó, mỗi khi gặp chè rừng, chén nước đầu tiên, đồng đội hắn đều thành kính rót xuống đất mời trung đội trưởng cũ. Cũng từ đó, mỗi khi uống nước chè đầu óc hắn lại tỉnh táo hơn, cái tỉnh táo mà trừ đồng đội hắn, thiên hạ không thể đọc được từ sách báo nói về tác dụng của việc uống chè. Chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu hắn. À, có lẽ đám bạn mình nó thích những đại tự này chăng? Đúng rồi! Chúng nó đã chẳng say sưa ngắm nghía, ngẫm nghĩ đó sao! Không biết chúng đã lĩnh hội được ý gì của tiền nhân đây. Nghĩ đến đó, hắn thật sự vui mừng. Vậy thì hắn sẽ viết, cố viết cho thật đẹp những đại tự kia để biếu chúng. Vốn là đứa sớm phải chịu khổ, lại thêm chút hoa tay, hắn nghĩ hắn sẽ làm được. Hớn hở như được của, hắn bồng con bé sang nhà chắt Đạm gửi rồi chạy ù ra chợ mua hai mươi bảy tờ bìa đỏ. Hắn định tìm vợ khoe với thị cái ý nghĩ loé sáng như phát minh của mình nhưng giữa cái chợ quê đông đúc thế này, chắc khó tìm lắm. Giành sự bất ngờ cho thị có khi lại hay hơn. Nghĩ thế lại thôi, hắn trở về tìm mực. Mực thì khỏi lo, hắn đi một vòng quanh xóm, nhặt về một rổ pin đèn. Hì hục đập đập tán tán đến hơn chín giờ hắn đã có mực. Giờ mới nghĩ đến chuyện bút. Đã viết chữ nho thì phải có bút lông. Ngày xưa hắn đã được ông nội cho tập cầm bút viết. Tuy chẳng được mấy chữ nhưng những nét cơ bản hắn nhớ như in trong đầu. Nhưng đào đâu ra bút lông giữa cái xứ này. Hắn lại bắt chước mấy ông thầy cúng làm bút viết hiệu bụt mỗi khi trong làng có người chết. Phải rồi, hóp đá ngoài bờ nương hắn thiếu gì. Nhoáng một cái, hắn đã có trong tay gần chục cái bút với đủ kích cỡ to nhỏ, dài ngắn. Hắn còn nhớ khi ông nội hắn viết, để các chữ được cân đối, ngay ngắn, ông hắn đã dùng cơi, hoặc dùng khay oản, vẽ nhứ các vòng tròn. Cơi thì nay chẳng có, hắn dùng cái nắp hộp đựng bia lạnh thằng em con chú ở Sài Gòn đem về cho. Cái thằng thiếu thực tế, ở quê hắn, ai có bia bao giờ mà uống, mà uống thì cũng làm gì có bia lạnh kia chứ. Hắn vẽ lên trên giấy một vòng tròn mờ rồi bắt đầu nhe nhắm, viết. Được cái ngày xưa, ông nội hắn rất nghiêm khắc khi dạy hắn viết, hơn nữa nhờ có ba đại tự làm mẫu nên chữ của hắn cũng có hồn ra phết. Cái hồn chữ đâu phải tự thân nó mà chính là hồn con người thổi cả vào cho nó. Vậy thì việc viết bằng bút lông hay bút tre có hề hấn gì. Thế là hắn viết, một chữ, hai chữ,... năm chữ, bảy chữ... Hắn bò ra giữa sân mà viết. Chắt Đạm đã bế con bé sang trả. Bà ta chẳng hiểu gì, cứ trố mắt nhìn như một chuyện lạ của thế kỷ trước rồi bỏ về. Con bé đói, khóc nhè, hắn tìm được một củ khoai đưa cho, thế là ổn. Hắn lại tiếp tục viết.
Giờ thì con bé đã ngủ say lắm rồi. Vợ hắn vẫn chưa về. Hắn vẫn say sưa viết. Muốn nấu bữa trưa cũng chẳng có gì để nấu. Như mọi hôm hắn đã sang hàng xóm vay gạo. Nhưng hôm nay khác. Hắn đang dành tâm huyết cho những con chữ mà bạn bè hắn chắc là đã "ngộ" ra được. Những Tín, những Tâm, những Nhẫn cả đời chúng đã phấn đấu, đã đeo đẳng, và cả phải chịu đựng. Hắn không có lý gì để không thoát khỏi những cái tầm thường của con người. Hắn say sưa với những ý nghĩ như vậy. Hắn tưởng tượng những khuôn mặt bạn bè sẽ ngời lên như thế nào khi hắn đem biếu những sản phẩm văn hoá tinh thần vô giá này. Hắn sung sướng rên rỉ, những tiếng rên sung sướng như lần đầu tiên được người yêu cho ăn trái cấm. Ôi bạn bè ta! Các bạn mới là những kẻ xứng đáng được treo những đại tự này. Phẩm giá của các bạn sẽ được lưu giữ, sẽ được gửi gắm qua những con chữ này! Nghĩ đến đó, khuôn mặt hắn đỏ bừng lên. Hắn nghĩ đến vợ. Giờ này thị cũng sắp sửa về đây. Chắc thị cũng sẽ sung sướng lắm khi nghe hắn trình bày ý tưởng của mình. Hắn cảm thấy lâng lâng, đôi mắt lim dim như đắc đạo. Bỗng tiếng the thé của vợ hắn thét lên. (Mỗi khi có cái gì hốt hoảng thị đều thét lên như thế). Hắn như kẻ ngoại tình bị bắt quả tang, không kịp phản ứng gì, ngớ người ra, nhìn vợ. Còn thị, chẳng nói chẳng rằng, quăng vội đôi quang gióng, kệ những rau, những gạo...đổ ra đấy, nhảy xổ tới, thị bế xốc con bé lên, khóc rống. Thị vừa xót cho con vừa uất cái thằng hắn quá đáng. Ai lại vô tâm đến thế không biết. Con thị đứt ruột đẻ ra cũng chính là con hắn chứ có phải của thằng cha hàng xóm nào kia chứ. Từ lâu thị đã cắn răng chịu đựng những cái vô tích sự của hắn. Thị đã lầm lũi như con chó cái để mong nuôi được con bé cho có da có thịt. Vậy mà hắn nỡ hành hạ con như thế này. Hắn còn có là cha của con bé nữa hay không. Càng nghĩ, thị càng rống to lên. Càng rống, giọng thị càng lạc đi. Đầu còn nghe như bò mẹ rống tìm con, chẳng mấy chốc, khản giọng, tiếng rống khàn như tiếng tru của chó sói. Thế rồi, như một người điên, thị vừa rống, vừa hờ con; hết vung chân đá lại chuầy choà lên trên những con chữ hắn đã đổ ra bao công sức tâm huyết mới có. Những chữ Nhẫn, chữ Tâm, chữ Tín bị thị giày lên, xoa xuống run rẩy như người mắc lỗi, chúng co rúm cả lại. Còn hắn, sau những phút giây bàng hoàng, bất ngờ, đứng đực ra như trò không thuộc bài đã kịp trấn tĩnh. Không thể để những con chữ mà tổ tiên hắn, cha ông hắn thà chết đói vẫn để thờ, những con chữ mà hắn và đồng đội hắn đã phải đánh đổi cả cuộc đời mới "ngộ"ra được phần nào bị hạ nhục. Hắn lao vào giành giật với vợ chẳng khác gì ăn mày cướp cháo. Nhưng không kịp nữa rồi. Những con chữ giờ trông thật thảm hại. Chúng nhăn nhúm, tả tơi, tung toé khắp mảnh sân bé nhỏ. Bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu công sức của hắn cả sáng nay, bỗng chốc đổ xuống sông xuống biển. Thế là hắn cũng kêu rống lên nghe như tiếng bò bị chọc tiết. Hắn nghĩ đến đám bạn mà càng cảm thấy chúng thiệt thòi hơn bao giờ hết. Chúng nó đã mất mát quá nhiều, giờ một cái chữ để đánh giá, để ghi nhận, chúng cũng không được hưởng hay sao. Nghĩ đến đó, hắn không sao kìm lòng được nữa. Một cái tát giáng thẳng vào mặt thị, cái tát mà chưa bao giờ hắn dám nghĩ tới chứ đừng nói có thể làm được. Cả nhà hắn, từ đời ông, đời cha hắn đều ăn ở hiền lành, chưa một ai đánh vợ. Vậy mà giờ đây hắn đã đánh và đánh bằng tất cả sức lực của một thằng đàn ông. Mặt thị đỏ bầm, hằn rõ năm ngón tay của hắn. Thị không khóc được nữa, mặc dầu thị chưa bao giờ bị hắn đối xử như thế cả. Vốn con nhà gia giáo, thị đã kịp hiểu mình làm tổn hại đến hắn như thế nào. Ôm cả con bé, thị đổ nhào vào hắn mà không nghĩ rằng hắn có giang tay ôm lấy mẹ con thị hay không. Rất may là hắn phản xạ rất nhanh, cái phản xạ được tôi luyện nhiều năm ở chiến trường đã kịp mách hắn giang tay ra ôm lấy mẹ con thị. Hắn khóc, vợ hắn cũng khóc. Con bé cũng đã tỉnh giấc. Nó khóc ré lên khi thấy cả bố lẫn mẹ đều khóc. Những giọt nước mắt âm ấm lã chã rơi xuống người nó. Giờ thì hắn càng hiểu ra rằng, để viết được những con chữ kia không hề đơn giản. Sáng nay hắn đã không thực hiện đúng lời vợ dặn, đã vô tâm để con bị hành hạ. Đã không nhịn được thị thì những con chữ kia dẫu có đến tay bạn bè cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Mà không nhịn đươc thị thì nhịn được ai cơ chứ. Cả đời thị cũng đã chẳng lặng lẽ sướng, lặng lẽ khổ cùng hắn. Mà sướng thì thị ít thấy, chỉ độc thấy khổ là khổ, những cái khổ người đời khó biết. Hắn cảm thấy thật xấu hổ. Hắn thực không xứng với thị. Trái tim hắn rên lên. Hắn cố rặn một nụ cười mếu máo nịnh vợ. Con bé chẳng biết gì cũng nhoẻn miệng cười theo.Vợ hắn trề môi: Rõ khéo, nỡm ạ! À mà, năm nay, các bác sẽ cùng ăn tết tiễn ông Táo với vợ chồng mình đấy! Hắn cảm thấy nghẹn ứ nơi cổ họng./
Rằm tháng Chạp- Nhâm Ngọ
Phan Bá Tiến
Truyện đã được đăng trên báo Văn Nghệ. Tết Quý Mùi
Được bình chọn truyện ngắn hay nhất quý I/ 2003

Xem Tiếp: ----