Tôi run rẩy ngồi xuống bên anh, xa xa một tí. Nín thở. Lần đầu tiên trong đời đi chơi với người con trai. Anh bảo đến Vườn Địa Đàng hay lắm. Ở đó có gì? Anh chỉ mỉm cười. Ví như lúc nãy mình hỏi anh vì sao ai cũng im lặng dưới gốc cây mà không nói gì thì anh cũng mỉm cười bí hiểm như thế.
Hình như là đêm giữa tháng, trăng treo lơ lửng giữa trời. Trời cao đến choáng ngợp. Những đêm như thế này, hai mẹ con thường ngồi trước bậc thềm nhìn hun hút ra dãy núi mờ sương trăng. Quê tôi đầy những con dốc. Mỗi độ chiều về, gió mải miết, cuốn tung vầng bụi đỏ. Cho trâu ăn rồi cùng tụi bạn ngồi trên đỉnh đồi thi nhau hát, thả cho gió âm vang cả buổi chiều.
Mấy tháng trước, tôi từ giã những thửa ruộng bậc thang - nơi lầm lũi dáng mẹ bước thấp bước cao - xuống thành phố học. Tạm biệt những cụm hoa mua sắc tím. Đêm đó trăng cũng sáng, gió về khe khẽ mang theo mùi hoa dủ dẻ, cả tiếng tĩnh mịch của xóm núi. Hai mẹ con nói chuyện đến khuya. Mẹ bảo thân con gái mười hai bến nước. Cả đời mẹ là quãng chờ đợi và thất vọng. Đừng tin con trai. Tôi không nói gì. Mẹ bó gối nhìn những con dốc chập chùng dưới trăng, nghèo nàn, cô độc. Dáng ngồi và cái nhìn của mẹ thật bơ vơ...
Trong phòng, tụi nó gọi tôi là con nai trên núi chạy xuống đây. Chỉ còn mình tôi chưa có người yêu. Những tối thứ bảy quẩn quanh rồi lấy sách ra đọc. Căn phòng vốn chật chội bỗng buồn tênh. Nội trú có ai cùng cảnh mình mà hát tình ca nghêu ngao. Khuya, tụi nó về. Sau những hẹn hò, đứa vui, đứa cáu kỉnh. Con Lan tuyên bố sẽ làm mai cho tôi một người.
Quả thật, ba ngày sau, anh ngập ngừng trước phòng.
Những ngày sau đó tôi quên mất mẹ với bến đục bến trong. Những ngày sau đó, tôi thấy nhớ anh. Nhớ lắm. Nhà không có đàn ông, chưa bao giờ tôi gần gũi cái mùi mồ hôi kỳ lạ. Và, nhất là bàn tay ấm nóng của anh.
Nhưng tôi không nghĩ mình đã yêu. Tôi không định hình được tình yêu. Bây giờ thì tôi ngồi đây, bên anh. Anh hứa vào đây sẽ nói những gì nhưng chẳng nói. Vườn Địa Đàng là gì? Sao ai vào Vườn Địa Đàng cũng loay hoay mà không nói? Anh mỉm cười nhẹ nhàng kéo tôi sát lại. Vẫn cái hơi ấm của bàn tay anh...
Anh cúi xuống... Tôi chết lặng. Hóa ra thế. Chắc là thứ tình yêu truy lĩnh như bọn nó nói đây. Những bài học luân lý của mẹ chập chờn rồi nhạt nhòa hẳn. Tôi nhắm mắt nhưng thấy mình đi trên mây với anh. Tôi nhìn xuống mỗi gốc cây, những đôi yêu nhau câm lặng. Tôi thấy cả xóm núi bạt ngàn hoa mua, mẹ đang làm gì đó. Nghe nhột nhạt ở ngực. Một luồng lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi lại thấy mẹ với mười hai bến nước. Cảm giác nhột nhạt ở ngực lan dần. “Không!”. Tôi hét lên và đẩy anh ra. Cả hai nhìn nhau sững sờ. Vườn Địa Đàng xôn xao như mùa trái rụng. Những đôi mắt lườm nguýt, rồi lại chìm vào nốt lặng. Anh thì thầm: “Đừng sợ. Đôi mắt anh lúc nào cũng có lửa, lúc này lửa đang nghi ngút. Tôi khóc. Sao anh không nói với tôi lời yêu thương, dù anh ít nói. Tôi gạt anh ra, miệng khóc ư ư. Chạy khỏi Vườn Địa Đàng.
2. Một tháng sau.
Tôi chống cằm nhìn hai đứa trẻ trước mặt. Hai đứa học lớp hai, một đứa lưu ban. Chúng đều rất sợ những con số. Cảm giác tội nghiệp tụi nó trong tôi đã mất, tình thương dành cho nó tôi không hiểu được, thênh thang như gió núi ngọt ngào hương dủ dẻ. Buổi dạy đầu tiên, hai đứa đứng nhìn tôi chòng chọc, con bé lớn có cái nhìn sâu hút. “Ba đâu cháu?”. “Ba đi làm tối về”. “Mẹ đâu?”. “Mẹ bỏ đi rồi”. Có tiếng vỡ ngân lên đâu đây. “Thôi vô học đi. Cô được ba...”. Con bé cắt ngang: “Biết rồi. Ba dặn cô dạy xong, ăn cơm rồi về”. Tôi thành gia sư.
Sau đêm bỏ chạy đó, anh không đến nữa. Tôi ốm ba ngày. Chuyện của mình được tụi trong phòng thưởng cho mấy trận cười nghiêng ngả. Tôi lại khóc. Sao lời anh không ấm nóng như bàn tay? Sao anh chỉ mỉm cười mà không nói? Sao mắt anh là lửa mà không phải là nước để tôi vùng vẫy, đắm mình trong đó?
Tụi nó diễn lại cảnh tôi bỏ chạy, rồi ôm mặt cười rũ. Rồi con Lan chẳng thèm hỏi tôi nửa câu. Rồi nó tuyên bố anh đã có con bé khác, chẳng “hâm” như tôi. Tôi cắn môi, thấy sự vô nghĩa đến tận cùng. Hương hoa trong gió có người ngửi thấy, có người không. Nhưng ai mà nhìn thấy được. Trong tôi vẫn còn hơi ấm nơi bàn tay anh. Lúc gượng dậy thì nhận được thư mẹ. Tôi lại rũ xuống giường. Cái nghèo lâu nay kìm nén, bây giờ nổ tung. Mẹ đau mà chẳng thể nhập viện, nhưng mẹ bảo đừng về, chẳng giải quyết được gì cả. Tôi không về. Tôi nhớ hoa mua, mảnh mai thế mà cũng tím ngát được trên sỏi đá. Ba của hai đứa trẻ cho tôi tạm ứng tháng đầu gởi về cho mẹ. “Em ở đây nấu ăn trưa. Chiều, cô cháu đi học. Tối anh mới về”. “Dạ”. Tôi khép nép nhìn anh. Gương mặt cương nghị. Mái tóc chớm tai phủ màu nắng gió. Duy đôi mắt là không phải của anh. Nó u buồn, sâu thẳm của đôi mắt ấy là sự mất mát, đớn đau.
3. Tôi mệt mỏi ngồi tiếp anh - người có bàn tay ấm nóng. Một ngày vừa làm gia sư kiêm bảo mẫu, vừa làm sinh viên khiến tôi rã rượi. Anh đang nhảy múa bằng lời trước mặt. Cố kìm cái ngáp bất lịch sự. Bất ngờ anh nắm lấy tay tôi. Bàn tay lạnh ngắt - giống như sự dối trá. Tôi rụt tay lại: “Anh đừng đến đây nữa”. “Em yêu anh ta rồi, phải không?”. “Ai?”. “Anh chàng đã có hai con”. Tự dưng tôi thấy đời vô nghĩa. “Anh đừng đến đây nữa”. Đóng “sầm” cửa lại, tôi vùi mặt vào gối. Chẳng trách tụi trong phòng mấy hôm nay xì xầm giống như anh nói. Một lần nữa khẳng định cái “hâm” của tôi. Tôi cười khinh bỉ, nhận ra cái nhìn hẹp hòi của thế gian. Nhưng sau đó lại giật mình, thấy đôi mắt anh cứ ám ảnh mình trong giấc ngủ. Anh bốc vác ở cảng cả ngày, tối mịt mới về. Có khi tôi giặt quần áo cho anh nữa. Tôi làm mà không hiểu nổi mình. Khi chiều tắt, anh tất tả đạp xe về để tôi về ký túc xá. Những lúc như thế, mấy đứa con anh đã ngồi vào bàn học, tôi cũng ngồi đọc cuốn sách gì đấy. Anh đứng lặng không nói gì. Cơm canh đã chờ sẵn trên bàn. Anh vẫn nhìn tôi với đôi mắt tôi luôn nhớ và không bao giờ hiểu nổi. Tôi chỉ biết lí nhí: “Em về”. Tôi nhất định không ăn bữa tối nhà anh. Anh theo tôi ra cổng, tôi im lặng đạp xe. Dù không ngoảnh lại cũng biết anh đứng nhìn theo xa lắc...
Có một dịp nào đó, tôi ở lại ăn cơm cùng anh. “Em có người yêu chưa?”. Lúc còn hai người ngồi ăn, anh hỏi. “Dạ... chưa”. “Có bao giờ em nghĩ đến không?”. “Dạ... không”. Anh và tôi rơi vào khoảng trống. Ngoài trời rì rào một cơn mưa, căn phòng chật chội như dịu lại. “Anh mang ơn em nhiều lắm”. “Anh đừng nói thế”. Tôi cố không nghĩ đến bản hợp đồng mưu sinh giữa tôi và anh. “Hay là em đừng đến đây làm nữa”. Hình như tôi hỏi anh vì sao, nghe như giọng của ai vọng lại. “Em khổ quá. Em có thấy vô lý không?”. Im lặng. “Em đã nói với anh rồi... Nhưng mà tháng sau anh đừng trả thêm tiền cho em...”. Anh cắt ngang: “Bỏ đi. Những ngày qua đối với anh, tiền nào mua được”. Im lặng. Cả hai đều như muốn nói: Chúng mình vứt nỗi buồn ra ngoài mưa đi nhé!
“Em thấy anh già chưa?”. “Đâu có”. Tôi cố cười cho không khí khác đi. Anh nhìn tôi: “Em có biết, nhờ em mà mắt anh bớt sâu không?”. Câu nói cắt ngang tiếng cười của tôi. Cả hai lại rơi vào khoảng trống mênh mông. Tôi cúi xuống chén cơm. Anh lỡ lời hay sao mà bâng quơ nhìn ra cửa sổ. Cửa sổ khóc, từng sợi mưa.
4. “Sáng nay ba đi làm mang theo xách áo quần. Ba khóc, bảo con ở nhà nghe lời cô, vài bữa ba về. Hồi tối ba cũng khóc”. Con bé lớn chùi nước mắt rồi đưa tôi mảnh giấy. Có điều gì như cơn bão qua tôi. Tôi biết mình không chịu nổi những xót xa.
“Em!
Anh có lỗi vì đi mà không nói trước. Thời gian ngắn thôi. Anh vào Sài Gòn để gặp mẹ hai đứa. Ngược xuôi mãi rồi mới biết cái mình cần. Cuộc sống nhọc nhằn quá, không thể u buồn hay hận thù mãi được. Không hình dung được những ngày tới không có em, anh sẽ thế nào. Nhưng yêu em là có tội... Hy vọng vài ngày nữa, anh lại đưa mẹ hai đứa trẻ về. Em chăm sóc hai đứa cho anh. Tiền ăn và tiền lương trong tủ”.
Tôi buông mình xuống ghế. Ngoài hiên nắng đã lên. Có gì vui mà nhảy nhót trên từng phiến lá? Sao tĩnh lặng đến ghê người? Con chim gì sao sáng này không hót? Tôi không khóc nhưng nước mắt tôi chảy dài. Phải vui mừng cho anh ấy chứ. Tôi ngồi bất động, thấy đất dưới chân mình nứt ra, tôi rơi xuống cái vùng tối đen tối thẫm. Đất lấp lại. Đất nén chặt quá. Tôi nghẹt thở. Tôi cảm giác mình sắp chết. Đâu đây văng vẳäng tiếng chuông lễ nhà thờ. Đúng rồi, sáng nay chủ nhật. Tôi cố vùng vẫy và hét lên: “Không!”.
Tiếng mình lạc đi, lẫn trong tiếng chuông ngân nga đồng vọng.
Tôi thấy nước mắt mình chảy thành dòng sông. Tôi cố chèo chống chiếc thuyền chở hai đứa bé ngược dòng sông đó. Sông vẫn chảy...
Sông đỏ màu phù sa cuồn cuộn. Xa xa, ở một bến nước, hình như bóng mẹ lặng lờ...

Xem Tiếp: ----