Đám cưới chúng tôi ở thành phố, khá đông, phần đa là khách của Mùi. Ông chủ hôn trường đọc một bài diễn văn, nghe quen quen. Cha tôi đại diện hai họ phát biểu, ông không được tự nhiên.
Ăn cơm tối xong, tôi pha trà, nằm trên đi văng xem thời sự. Sau khi rửa bát đĩa, Mùi đến ngồi ở chiếc ghế đối diện.
- Em có thai - Nàng nói, vẻ không tự tin như ngày thường.
- Cái gì cơ!? - Tôi vẫn nằm nguyên tư thế hỏi.
- Em có thai - Mùi nói - Bác sĩ bảo được hơn một tháng rồi.
Tôi ngồi thẳng dậy, rót trà ra chén, chậm rãi đưa lên miệng nhấp một ngụm. Sau khi nhận thức được vấn đề, tôi nói.
- Làm thế nào bây giờ!?
Mùi cầm lấy điều khiến tivi. Đám xe tăng của Israen đang tiến vào Gaza, cùng những thanh niên Arập cầm đá ném… biến phụt đi.
- Đề từ từ xem nào - Tôi khẽ cau mày nói. Tôi luôn quan tâm đến tình hình Trung Đông, nơi đất đai, chủ quyền, các thang bậc giá trị luôn là đề tài nóng bỏng.
- Thôi - Mùi nói - phải bàn cách giải quyết chứ.
Tôi châm điếu thuốc khác, nhả khói lên trần nhà.
- Mình tổ chức đám cưới anh nhé - Mùi nói.
Tôi vẫn nhả khói đều đều. Trước đây, mỗi khi gần gũi Mùi, tôi luôn dùng bao cao su. Về sau, Mùi chuyển sang dùng thuốc tránh thai.
- Sao tự dưng lại có chửa - Tôi lẩm bẩm trong đầu.
Tuy không thực sự quan tâm đến quá khứ của Mùi, nhưng tôi biết trước đây, cô ấy từng nạo thai không chỉ một lần. Bác sĩ bảo, nếu nạo nữa, màng dạ con sẽ mỏng dính, trứng không bám được vào đâu, cứ thế lăn lông lốc ra ngoài, dẫn đến vô sinh, thậm chí là vĩnh viễn.
- Phải cưới thôi - Giọng Mùi có phần gay gắt.
Hồi chưa về sống chung với Mùi, tiền kiếm được chưa bao giờ tôi đủ tiêu đến cuối tháng. Cái cảnh nhà thuê, cơm bụi, nợ nần đầm đìa ở quán hàng, cộng với cái danh trí thức khiến cuộc sống của tôi càng thêm chán chường, mệt mỏi…
Tuy kém tôi một tuổi, nhưng Mùi đã nhanh chân vào làm ở một công ty cổ phần nhà nước, rồi trở thành thư ký giám đốc. Căn hộ chung cư, đứng tên nàng.
Sống với nhau hơn một năm, nhưng tôi chưa một lần bước vào cơ quan Mùi, còn nàng cũng chưa bao giờ đến nơi làm việc của tôi. Sáng sáng, mỗi đứa mỗi nơi, đêm về chung mâm, chung giường…
- Ừ! Cưới cũng được - Tôi nói:
Mùi chợt hào hứng hẳn. Chúng tôi sống ở thành phố, nhưng hai đứa hai quê, nên ít nhất có 3 địa phương liên quan đến sự kiện này.
- Thể nào cũng phải tổ chức ở đây - Mùi lấy lại sự tự tin cố hữu của mình nói - Thứ nhất là quan hệ bạn bè, công việc của em, thứ nữa phải đòi mấy chục cái phong bì. Mình đi đưa cho người ta mãi rồi.
- Ừ - Tôi nói.
- Ở quê em thì làm tiệc vui, vài mâm, mời giới hạn trong nội tộc. Ta sẽ làm ghép, nhân dịp cha mẹ anh đến xin dâu luôn thể.
- Mọi chuyện, hình như đã được sắp xếp trong đầu nàng.
- Còn phía bên anh thế nào? - Mùi đột ngột hỏi.
- Tôi suy nghĩ một tý, rồi nói.
- Để anh gọi điện thoại, hỏi xem thế nào.
- Phải chủ động chứ - Mùi nói - Đám cưới của mình, anh còn hỏi ai.
- Tôi im lặng, chầm chậm nhìn nàng.
- Hay là cưới làm gì nữa. - Một lúc sau, tôi nói - Có khác gì đâu. Em cảm thấy vướng mắc điều gì, thì mình đi đăng ký cho đủ luật.
- Í, không được - Mùi nói - Phải cưới. Đời con gái chỉ có một lần.
Thấy nàng vẫn thiết tha với chuyện có một ông chồng, tôi chậm rãi đi lại góc phòng, gọi điện thoại về nhà. Khi hiểu chuyện, cha tôi rất mừng. Ông không kịp nghĩ ra điều gì cả. Mẹ tôi nói một lúc lâu nữa, nhưng chưa đâu vào đâu. Đặt ống nghe xuống, tôi nói với Mùi.
- Để từ từ rồi bàn cụ thể, nhưng kiểu gì cũng phải tổ chức ở quê.
- Thế cũng được - Mùi nói.
Sau khi bàn bạc với gia đình hai bên, cha tôi và mấy người trong họ đi ra quê nàng để xin cưới. Mùi đảm đang, tháo vát. Mọi chuyện đều suôn sẻ.
- Thế là xong bước thứ nhất - Mùi nói.
- Ừ - Tôi nói.
Đám cưới chúng tôi ở thành phố, khá đông, phần đa là khách của Mùi. Ông chủ hôn trường đọc một bài diễn văn, nghe quen quen. Cha tôi đại diện hai họ phát biểu, ông không được tự nhiên.
Người phục vụ mở sâm banh rót vào tháp cốc hình chóp. Tôi và Mùi đứng sát vào nhau để chụp ảnh. Mọi người vỗ tay tán thưởng, rồi cùng nâng cốc chúc mừng. Ca sĩ hát mấy bài. Tiếng nhạc rất to.
Tôi dắt Mùi đi một vòng cười chào mọi người. Chúng tôi đi đến đâu, mọi người đều cầm cốc bia đứng dậy. Tôi nghe họ nói câu được câu mất. Cỗ bàn dọn cũng khá, trị giá 300 nghìn một mâm sáu người. Mỗi mâm có 4 chai bia và 3 lon nước ngọt.
Lúc đang rộ tiệc, Mùi đột ngột kéo tôi ra sân để tiễn “sếp” của nàng. Ông ta béo nẫn, da bóng lộn, hỏi trụi một màng như bò liếm mất tóc ở giữa đầu. Ông bắt tay tôi rất chặt. Tôi cảm thấy tay ông mềm mềm, ghê ghê. Tôi không thích cái cách ông ta heo heo mắt nhìn Mùi.
Tôi thực sự khó chịu khi ông nắm tay Mùi hơi lâu, lại còn vỗ nhè nhẹ vào vai, bảo nàng yên tâm nghỉ, lo xong mọi chuyện, rồi mới chui vào xe, đóng cửa. Xe chạy một quãng, Mùi vẫn giữ tôi đứng nhìn theo.
- Vào thôi - Tôi nói.
Nụ cười của Mùi lịm dần, theo chiều xa với chiếc xe bóng lộn.
- Anh chẳng hiểu gì cả - Mùi nói.
- Khách khứa vãn dần. Một số người có vẻ muốn uống thêm một chút nữa, nhưng cả bia và bạn bia đều không có, nên họ ăn vài miếng, rồi đứng dậy chào về. Chúng tôi cười chào lại họ. Một số người đã bỏ phong bì từ trước, số còn lại đút nhanh vào chiếc hộp bọc giấy đỏ, đặt sát cửa, rồi mới ra bãi để xe…
- Thế là trọn vẹn cả - Ông chủ hôn trường nói - Việc của chị với anh xong. Chúng tôi phải dọn dẹp, lo cho một đám khác nữa - Ông ta thở dài, vẻ bận rộn, thỏa mãn - Mùa cưới mà, mệt lắm.
- Đêm đến, Mùi ngồi dạng chân trên giường bóc phong bì. Tiền ở trong đó, nàng xếp thành từng loại mệnh giá. Tôi giúp nàng biên tên vào máy vi tính xách tay.
- Giám đốc X, một triệu này - Nàng đọc.
Tôi gõ máy vi tính nhoay nhoáy.
- Con Tuyết “tồ” một trăm này - Nàng đọc.
Tôi gõ vi tính.
- Lão Trưởng phòng T, có mỗi 200 nghìn - Nàng nói - Hồi cưới con bạn em, con gái ông Z, bóc phong bì mà sướng.
Tôi gõ vi tính.
-...
Tôi bảo, không cần gõ những người bạn tôi, nhưng rồi vẫn phải gõ hết, vì quan hệ về lâu về dài - Lời của nàng.
Tôi gom nhặt đống phong bì rách, nằm ở ngơ ngác dưới nền nhà, đi bỏ vào hố rác. Khi tôi trở vào, Mùi đã đếm xong tiền.
- Không lỗ - Nàng nói.
Nhìn gương mặt chợt sáng lên của nàng, tôi hiểu đám cưới của chúng tôi còn hơn cả không lỗ. Nhưng liền đó, Mùi cau mày.
- Còn cái đám ở quê anh nữa - Nàng nói- Chúng mình chả nói với mọi người, ở quê mới là chính, còn ở đây là phụ còn gì.
- Ừ, vậy! - Tôi nói.
- Em chỉ xin nghỉ được mấy ngày - Mùi nói - Cần phải làm cho gọn.
- Sao không cắt phép, (Tôi thoáng nghĩ đến tuần trăng mật kiểu Tây) cắt hẳn hai cái phép, cho thoải mái - Tôi nói.
- Anh dớ dẩn thật - Mùi nói - Cắt phép, phải bàn giao công việc cho người khác. Cưới xong, mất vị trí, lấy gì mà sống. Căn hộ này, em cũng đã trả hết tiền đâu. Anh đừng có thần kinh.
Nghĩ đến cảnh tạm biệt ông “sếp” lúc trưa, tôi nói:
- Nghe nói, quan hệ của em với “sếp” tốt lắm cơ mà.
- Anh chẳng hiểu gì cả - Mùi nói - Thời buổi ngày nay, đến Bộ trưởng, còn tìm được người thay thế, huống hồ cái chân thư ký như em. Lại còn chuyện đẻ đái về sau nữa.
- Ừ vậy! - Tôi nói.
- Tôi nằm trên giường. Mùi sắp soạn đồ đạc một lúc nữa. Cô ấy xếp đi đếm lại mớ tiền trên hai tay. Sau rồi, Mùi quả quyết ấn tất cả vào sâu dưới túi du lịch. Trước khi tắt công tắc đèn, Mùi hỏi tôi.
- Anh đã chốt cửa chắc chắn, tắt điện nhà vệ sinh chưa?
- Rồi - Tôi nói.
- Ngủ thôi - Mùi nói - Lại còn chuyện về quê nữa.
- Trước khi nằm xuống, nàng thắc thỏm hỏi thêm một câu:
- Anh bàn bạc kỹ với cha rồi chứ?
- Ừ, - tôi nói - em yên tâm đi.
Một lát sau, tôi đã nghe tiếng nàng thở nặng nhọc, khò khè.
Khi chúng tôi về đến quê, trời hạn lâu ngày, đồng đất vai cày bạc trắng. Núi đồi như cũng nhũn ra dưới nắng. Một chiếc rạp được dựng trùm lên sân trước và một khoảnh vườn.
Mấy người anh em, bà con của tôi oang oang đi lại, sắp bàn, xếp ghế. Một đám các bà, các chị đang nạo đu đủ để làm nộm. Phía hồi nhà bếp, mấy chục con chó bị trói quặt chân ra sau, đang rên ư ử, rồi lợn, rồi gà…
Sau khi nắm tình hình, Mùi nói:
- Nhà quê mình hay nhỉ, Ai lại cưới bằng chó bao giờ.
- Tôi biết, nhà Mùi ở thị trấn dẫu sao còn có chút sành điệu, còn quê tôi là nông thôn xịn. Thịt chó là món khá xa xỉ, chỉ có trong các dịp lễ lạt, cưới hỏi (trước đây không có). Nhưng tôi chỉ nói:
- Cái tục nó thế. Thịt nào chẳng là thịt. Chó thì thôi bò.
- Nhưng em thấy có vẻ hơi nhiều - Mùi nói.
Cha tôi cầm con dao trong tay, từ ngoài sân bước vào nhà nói như quát:
- Chúng mày bảo ba mươi mâm, nhưng tao quyết làm năm mươi. “Dâu đầu, cháu sớm”, đám cưới nhà mình, phải sang nhất làng.
Gương mặt Mùi hơi khác đi.
- Cha ạ! - Tôi nói - Cưới vợ chứ có phải mời trả bữa đâu.
- Mày thì biết cái gì - Cha tôi nói - Việc ở thành phố mặc kệ chúng mày, đây là chuyện làng, không biết thì đừng có nói.
- Vâng! Năm mươi thì năm mươi. Cũng chẳng hết mấy đâu mà - Tôi nói và nhìn sang Mùi. Nàng im lặng.
- Chú tôi, ngần ngật hơi men đi vào nói:
- Tôi thấy cưới đâu họ Phan, họ Hồ có thắp hương nhà thờ, cúng xưng lầm rầm, cũng hay. Họ mình không có nhà thờ, làm thế nào cho đủ lễ?
- Ừ! Làm thế nào!? - Cha tôi ngẩn người ra một tý - Tao cũng không quen - Ông nói.
- Cha tôi là người vóc vạc, ngang tàng, lại là thương binh… Tôi nhớ, có lần cha bưng một hòn đá nơi cửa đền về kê chuồng, để khi cho lợn ăn, mẹ khỏi trượt chân. Ông nội tôi không đồng ý.
- Đền có còn đâu - Cha tôi nói - Còn bưng hòn đá thì có làm sao.
- Lũ chúng mày còn trẻ người non dạ lắm - Ông nội trợn mắt, chỉ vào mặt cha tôi nói - Chưa hiểu được lẽ đời đâu. Để về sau mà xem…
Một lần, cha tôi đi rừng chặt gỗ, bị sốt rét thừa sống, thiếu chết, người xanh như ngọn khoai, nằm run khừ khừ trong chăn. Ông nội bảo mẹ chùi rửa hòn đá sạch sẽ, vần lên xe kiên an, đưa trả thần, nhưng cha tôi cấm. Mẹ không biết nghe ai.
Suốt đời, mẹ luôn chỉ là cái bóng của những người đàn ông trong gia đình. Cha hơi lừ mắt, mẹ đã len lét lảng đi. Về sau, bệnh cha tôi phát nặng quá, mẹ đành lén nghe lời ông nội. Rồi bệnh của cha tôi khỏi. Cha bảo, chả phải thần thánh gì, đấy là do thuốc trạm xá. Ông định ra vần hòn đá đó về, nhưng sức yếu quá, nên thôi.
Cha đi cày nuôi chúng tôi ăn học.
Những chuyện ngày xưa, ngày nay, đan xen lẫn lộn, ẩn lấp trùng điệp trong đầu tôi, như núi xa mây bọc, rắn rỏi, buồn buồn. Nhiều vụ giáp hạt, buổi sáng chúng tôi ăn khoai lang, đến gần trưa, bụng đói cồn cào, veo vắt, thi thoảng lại ợ khan, ợ chua, nước dãi chảy dòng dòng nơi cửa miệng. Buổi tối ăn cơm chia, một phần cơm, bốn phần sắn, ngồi bên mâm, nhìn cái nồi sâu như cái hố…
Được chút điểm thương binh của cha, cộng thêm điểm khu vực vùng sâu vùng xa, tôi vào Đại học. Còn cha vẫn ở lại làng quê. Cha đã già thật rồi, da dẻ nhăn nheo, tóc ngả hai màu, người khét rình mùi thuốc lào, nhưng tính cách cụ vẫn “quân phiệt” vậy.
- Hay mời lão Điền “khàn” đến khấn hộ - Chú tôi nói.
- Chú mời bạn rượu của chú thì có - Cha tôi nói.
- Thế có khấn không? - Chú tôi hỏi.
- Cha nghĩ ngợi một lúc, rồi nhìn hai chúng tôi. Cha nói, giọng hơi run:
- Hai đứa ra nghĩa địa, thắp hương cho ông bà. Còn ở trong nhà, tao nói nôm đi cũng được. Hồi tao lấy mẹ mày, Chi đoàn làm cho hết. Chỉ có mỗi nồi chè xanh, gói thuốc lá Tam Đảo với mấy cái kẹo mềm Hoa Quả. Rồi tao vác ba lô vào Miền Nam đánh trận. Thống Nhất xong, mới đẻ mày…
- Tôi và Mùi đều muốn xong việc sớm, nên nhất nhất nghe theo lời các cụ.
- Ngày cưới, cha tôi ăn mặc chỉnh tề, thắp hương trên bàn thờ xong, ông lấy ra một tờ giấy đọc rất to:
- “Con là Cù Quang Trạch, hôm nay xin thông báo với tổ tiên, ông bà. Xin tổ tiên và ông bà cho con cưới con dâu mới, mà là dâu đầu, cho thằng cả nhà con, là thằng Thiệp…”.
- Lạy đi, lạy đi, lạy đi - Chú tôi nói nhanh và nhỏ.
- Tôi và Mùi nhìn nhau, vụng về cúi lạy ba lạy.
- Khoảng 11h giờ trưa thì rộ tiệc. Cha tôi có vẻ hể hả, mắt long lanh, mặt đỏ bừng. Dân quê ăn uống nhồm nhoàm. Mây ông già say nói năng nhịu nhọ, khen cha tôi hỏi được con dâu thành phố. Người bưng thức ăn đi lại tíu tít. Mùi gượng đứng cười một lúc, rôi kêu mệt, vào buồng đóng cửa nằm nghỉ. Không mấy khi gặp dịp tôi uống khá nhiều.
Mấy người bạn thuở chăn trâu, chăn bò của tôi, mới đầu còn rụt rè vì cái hố ngăn cách về thời gian, mức sống, trí tuệ, địa bàn cư trú… nhưng rồi, được rượu tăng nhuệ khí, họ hò nhau bảo tôi gọi Mùi ra, để chúc một chén. Tôi hăng lên, vào buồng lôi Mùi dậy nhưng cô ấy không chịu.
- Mẹ kéo tôi ra góc nhà, lấm lét nhìn quanh.
- Đàn bà nghén, cáu tính lắm - Mẹ thì thào - người làng đang ngồi đầy ở ngoài kia.
- Đảo điên hết cả, con chẳng hiểu ra sao - tôi nói, rồi trở ra sân.
- “Bản tin chiều” được truyền khắp làng rằng: “Đám cưới con ông Trạch to kinh khủng, có mấy người tham ăn, máu sặc ra cả đằng mũi”. Đêm đến, do rượu, thịt chó, tôi cảm thấy nóng bức, trằn trở không sao ngủ được. Cha tôi ngáy khò khò, chuyển cả ngôi nhà gỗ.
Tôi thò tay sang vợ (có thể gọi Mùi như thế được rồi), mồ hôi cô ấy ra nhớp nháp. Mùi chợt tỉnh, nằm dịch sâu hơn vào vách. Tôi ra giếng xối nước ào ào, rồi nằm luôn ở thềm. Đêm rất sạch. Con côn trùng nào đó kêu cành cạch một tràng khô khốc…
- Trở lại thành phố, chúng tôi ngủ li bì, để lấy lại sức.
- Sáng dậy, tôi và Mùi ra quán quen ăn phở. Có một anh chàng to tiếng với chủ quán, về chuyện tiền chẵn, tiền lẻ. Chủ quán cũng quát lại anh ta.
- Mặc kệ họ - Mùi nói.
- Tội nhặt thịt trong bát mình, bỏ vào bát Mùi.
- Mẹ khỏe, con khỏe - Tôi nói
- Anh làm gì thế! - Nàng hơi cao giọng - Nếu cần thì gọi thêm.
- Chúng tôi cúi xuống ăn. Được một lát, Mùi chợt ngửng lên nói:
- Quê anh chán chết!
- Thế vậy! - Tôi nói.
- Nhưng cái đoạn lạy lạy, vái vái ấy, em… hơi… cảm động - Nàng nói - sao mình không có nhà thờ họ?
- Chưa xây được - Tôi nói xong chuyện.
- Chúng tôi lấy giấy ăn lau mồm. Tôi rót nước. Uống xong, chúng tôi ra xe nổ máy, Dòng người đông kịt, luồn lượn chảy như sông. Một chiếc ô tô buýt to lớn trờ tới. Mùi khéo léo nhoàng lượn xe máy tránh nó. Bóng của Mùi dần khuất lẫn, mất hẳn. Tôi thở dài, phóng xe đi về hướng ngược lại

Xem Tiếp: ----