Ông Trường Xuân nghe tiếng dưới nhà ồn ào thì thầm nghĩ: lại thằng Bi rồi... Và ông cười thầm một mình. Thằng bé con, thằng cún con, thằng Bi...Chắc là nó đang giở trò cười nhạt... "Cười nhạt đi nào", thằng bé nhe hàm răng tám chiếc, và nó "cười nhạt", cả nhà vỗ tay cười theo nó, như dàn đồng ca hoà theo cây gậy vàng của một nhạc trưởng bé tí hin.Thằng Bi là cháu đích tôn của ông, nhưng là con của anh con trai thứ nhì. Anh con trai cả là kỹ sư, có biệt danh từ bé là anh Ba Ba, bây giờ đã nhớn tướng, phải thời xưa thì đã sắp lên lão, nhưng anh chàng đến giờ vẫn chưa lập gia đình. Rồi còn anh thứ ba biệt danh là Cún lớn, vì cái tật thích nuôi chó, vợ con cũng chưa có. Và giời thương cho ông Trường Xuân một cô út, ông lấy hẳn một mảnh tên mình đặt cho con gái là Xuân Lan, nhưng vợ ông thì đoán ý, xem chừng ông còn nhăm nhe một Thu Cúc nữa biết đâu...Ông lắng nghe tiếng ồn dưới nhà. Tối nay hình như không phải mọi người đang cười vui với thằng Bi. Có tiếng gì ồn ào như cãi nhau. Ông đang định gọi to xuống dưới nhà để can thiệp, thì chuông điện thoại reo. Ông Trường Xuân nhấc ống nghe. Nhưng ông không tài nào nghe nổi người trong máy nói gì. Ông bảo người đầu dây đằng kia: "Chờ tôi tí nhé, để tôi dẹp loạn gia đình đã, ồn quá nghe không được, năm phút nữa gọi lại nhé...". Rồi ông thò đầu ra khỏi cửa phòng mình, gọi vọng xuống nhà dưới, nơi đang có loạn: "Quái đản... quái đản... gì thế chúng mày?".Không ai trả lời ông. Chỉ thấy loáng thoáng: Con Lan... Một người nào đó quát to lên cho ông như để báo cáo vắn tắt tình hình: Con Lan lại nhắn không về ngủ nhà... Ông thở dài, quay vào. Rồi chuông cũng reo. Ông nhấc ống nghe, chậm rãi, trang trọng. Chắc là bọn nó lại hỏi ý kiến... "Bọn nó" thật. Đầu dây đằng kia: "Bác Xuân... Báo cáo bác, số báo đặc biệt đã ra...". "Ơ, giỏi lắm..."."Chúng em làm đúng như bác chỉ đạo". "Tớ chỉ đạo cái mách gì!". "Không ạ, ý kiến bác vô cùng quan trọng. Chúng em ra đúng hẹn, theo đúng ý bác là cứ làm như năm ngoái...". "ƠÂ, thế là an toàn hả?"... Rồi ông đặt máy xuống. Ông thở dài. Dạo này khi chỉ có một mình, ông hay thở dài. Biết vậy, nhưng ông lại thở dài, ngồi thừ ra một lát. Rồi ông lục trong đống sổ tay đã ghi đều đặn bốn chục năm qua, nhặt bất chợt những trang ghi chép, và ông ngồi thưởng thức văn chương của chính mình...Một thời nào đó... Ông đọc... Và ông nhớ lại...2. Ngôi nhà được dựng lên dần dần. Nhà nằm cạnh một cái ao to của một làng ven đô thành. Mái nhà khi đó lợp bằng những lớp caosu xẻ mỏng từ lốp ôtô. Vách là bùn trộn rơm. Nhân công là bạn bè, có cả một hoạ sĩ cả đời kêu đói, có hẳn một nhà thơ cả đời say chỉ một chén nhỏ cũng bằng người ta uống một hũ, có thêm một nhân công nữa là một anh nhà văn cả đời nghĩ không ra một cách viết đúng với lòng mình... Chủ nhà cùng người vợ xăng xái nấu cơm thợ, gồm một nồi cơm to đùng và một nồi dưa chua nấu với cá, sẽ ăn kèm với rau ghém đựng trong một rổ xề. Thế rồi cũng xong cái nhà... Đêm đầu tiên chàng nằm cạnh vợ trên chiếc giường kê sát vách, ngay bên cạnh có tiếng cá quẫy mặt ao. Chàng nhỏm dậy, ghi vào sổ tay "... 1960..., ta đang nằm trên một chiếc thuyền bềnh bồng".Đến một hồi, ngôi nhà bị coi là không xứng đáng với tình hình mới, vì nhân khẩu của gia đình đã tăng thành sáu bảy mống, ngoài hai vợ chồng và một mẹ già còn có hẳn ba cậu con trai và một cô út, hoặc cũng có thể vì chủ nhân đã tiết kiệm được vài ba chục đồng, nên có thể nghĩ đến chuyện bành trướng. Ngôi nhà được kéo dài thêm một gian nữa về phía cái ao làng, chiếm lấy cái mảnh đất mười năm qua đã hào phóng cho bà con đổ rác. Vả chăng ngôi nhà cũng to tát gì! Vẫn cái mái kéo dài thêm và vẫn lợp lốp caosu xé mỏng, vẫn cái vách bên trong được kéo dãn chiều dài ra... Bữa cơm thợ cũng vẫn như xưa, có thêm nồi ba ba nấu chuối, con ba ba đêm qua thằng con trai lớn đang học bài bên trong liếp, nghe tiếng tăm sủi, đã kịp bước ra và nhảy xuống ao làng hụp xuống lôi cu cậu lên. Thế rồi, đêm đầu tiên chàng lại nằm cạnh vợ trên chiếc giường kê sát vách, ngay bên cạnh vẫn là tiếng cá quẫy trên mặt nước ao. Chàng nhỏm dậy, tìm cuốn sổ tay mới, viết thêm ở một trang mới, "... 1970... ta vẫn đang nằm trên một chiếc thuyền bềnh bồng".Rồi lại đến một hồi... Nó là cái nhà bây giờ... Tầng dưới tầng trên, mái bằng, mỗi tầng có hẳn ba gian, đủ cho các con hôm nay và mai sau... Chưa hết... Bây giờ ông Trường Xuân đã thành một nhà văn hoá có tên tuổi. Ba cuốn tiểu thuyết đã in, thì hai cuốn được giải thưởng. Lại còn vài ba bản thảo còn găm trong tủ. Cũng bõ cái công những ngày đêm vợ nằm một bên và cá quẫy dưới ao một bên.3. Khi ở nhà dưới có tiếng ồn rần rần thì ông Trường Xuân khó chịu. Bây giờ nhà vắng lặng thì ông lại thấy lo lo bồn chồn trong ruột ra sao ấy. Ông lò dò xuống thang gác. Dưới nhà, thấy vợ và hai đứa con trai ngồi im. Anh cả Ba Ba thì đọc sách. Anh Cún lớn thì ôm con chó ngồi thù lù trên chiếc ghế đệm bọc da. Ông hỏi mọi người: "Sao không bật tivi cho vui nhà?". Bà vợ ông phán lại: "Hỏi thăm hỏi nom mà cứ như quát tháo ấy! Ngày mai đi bệnh viện khám cái tai đi. Nghễnh ngãng quá rồi đấy ông lão ạ". "Thế thằng Bi đâu?". "Lại quát!... Thằng Bi bố mẹ nó bế ra ngoài để ba mẹ con tôi còn cãi nhau". "Sao không cãi nhau tiếp đi cho vui nhà?". "Cãi chán rồi! Con giai ông lại bỏ việc ạ!". "Không thích làm thì thôi, nghỉ nhà ít lâu, có việc lại đi làm"."Nhưng ba năm đi làm thì ba lần không thích làm rồi ông lão ạ! Làm ở đâu cũng chóng chán!". Đó là hai vợ chồng ông Trường Xuân đang bàn đến chuyện của anh cả. Bây giờ anh cả ngồi đó, đọc sách một mình, chẳng nói chẳng rằng. Ông Trường Xuân ghé mắt như thể xem con trai đọc sách gì, rồi ông nói, cố nhẹ giọng để khỏi bị phê phán là anh điếc hay quát tháo: "Lần này lại bỏ việc vì chuyện gì vậy hả con?". "Chuyện làm việc dưới quyền đứa ngu". "Lần trước thì tham nhũng...". "Lần này thì ngu...". "Cũng phải quen với tham nhũng và ngu thôi con ạ". "Bố khuyên thêm con câu nữa đi, rồi bố lên gác ghi nhật ký".Ông Trường Xuân cười khơ khớ một mình. Ông có một tiếng cười đôn hậu, như thể chỉ để mình cười với mình, mình ngẫm nghĩ một mình, không cần chia sẻ với ai. Một tiếng cười không buồn không vui. Một tiếng cười như để đánh dấu chấm cho việc chợt tỉnh ngộ ra một điều gì đó cho riêng mình. Nhưng cả nhà ai ai cũng nói rằng thằng Bi được nhận di truyền tiếng cười của ông. Mọi người đặt tên đó là cười nhạt, nhạt thế thôi nhưng lại làm cho mọi người vui.Ông Trường Xuân nhìn kỹ một lần nữa xem anh cả Ba Ba đọc gì. Mắt không có kính, chịu! Chỉ thấy tập giấy dày cộp. Ông đành hỏi con trai vậy: "Con đang đọc gì thế?". Anh con trai úp tập tài liệu vào ngực, ngập ngừng một lát, rồi nói với nhà văn Trường Xuân: "Thơ con làm". "Thơ á?". Ông Trường Xuân trợn tròn mắt lên. Hoá ra con trai đầu lòng của mình lại làm thơ! Mình quan liêu thật! "Con định xuất bản à?". "Không, xuất bản làm gì? Làm thơ không phải là để xuất bản". "ƠÂ... có thể lắm... Thế tại sao bây giờ ta lại có thơ Đường mà đọc?". "Bọn thơ Đường nó làm thơ xong thì ghi lại như vẽ tranh. Chữ của nó đẹp như tranh. Đó là vô tình mà xuất bản. Không cố tình". "Thế bọn Tây? Cũng có xuất bản đấy chứ?". "Tây nó có truyền thống làm thơ và phổ nhạc, đó là xuất bản mồm lối du ca". "Không phải tất cả đều là nhạc sĩ...". "Thì khi đói quá đem bán thơ, và có khi chết được bạn bè vợ con đem in lấy tiền trả nợ". "Có thể lắm... Thế bố có nên in sách nữa không?". "Sao lại không? Tiểu thuyết của bố một nửa là ngọn lửa một nửa là lý lẽ. Cái đó thì cần phơi bày". "Bố cảm ơn ý tưởng của con". "Bảy mươi lăm tuổi bố mới biết nói cảm ơn chúng con à? Bố đẻ chúng con ra, bố điên điên khùng khùng chỉ thích viết văn, bố để chúng con ăn thiếu mặc rách, bố tưởng tự nhiên mà con thành thằng Ba Ba à? Không đói thì làm sao biết chỗ nào có tăm ba ba đang sủi? Rồi những bận bố sắp vào tù nữa... bố còn nhớ không?".Nhà văn Trường Xuân ngồi lim dim mắt. Nếu bây giờ ông đang ở trên gác, ông sẽ mở ngay nhật ký để ghi lại những ý tưởng của thằng con trai mình. Có thể ông còn bồi thêm những ý nghĩ của riêng ông nữa. Thế nhỉ? Làm thơ là lộn trái tấm lòng mình ra... Lộn ra cho ai coi?... Chả cho ai coi hết... Cho riêng mình thôi... Chỉ cho riêng mình thôi... Anh Dần đã nói gì nhỉ? A, "mưa rơi không cần phiên dịch". Mình có quyền thêm không nhỉ? Mây bay không cần biểu diễn... Tiếng gà trưa không cần dàn nhạc đệm... Và biết lấy gì minh hoạ cho những giọt nước mắt lặn vào trong lòng từng con người riêng rẽ?Ông bỗng thấy thương anh chàng kỹ sư nhà mình. Đời nó rồi sẽ ra sao?4. Đang mải nghĩ, ông Trường Xuân giật mình vì Cún lớn lẳng lặng đem đặt con chó vào lòng ông. Rồi anh ta ra mở chốt cửa, kéo toang hai cảnh cửa và dang rộng hai cánh tay để đón thằng Bi vào lòng. Bà nội, vợ nhà văn Trường Xuân, định tranh bế thằng bé. Nó quẫy ra ôm chặt lấy cổ chú Cún lớn. Bác cả Ba Ba vỗ hai bàn tay vào nhau để thằng Bi chú ý, rồi ra lệnh: "Cười nhạt nào!". Thằng bé quay ngoắt đầu đi, không chịu cười nhạt. Bác cả ra lệnh tiếp: "Cười nhạt đi, Cún con!". Bà nội cũng tham gia vào trò chơi buổi tối của gia đình: "Cười nhạt đi, Cún con! Cười nhạt đi rồi bà bế!". Thằng bé vẫn không chịu cười nhạt. Thế mới tức! Có phải cười nhạt là chuyện dễ đâu? Thế nhưng đến khi cả nhà đã chịu thua nó, thôi không ra lệnh cười nhạt nữa, đúng lúc đó nó lại nhe tám chiếc răng ra và cười rất nhạt "hơ hơ... hơ hơ...". Thế là cả nhà lại được dịp bò lăn ra mà thi nhau cười.Trận cười kéo dài không lâu vì bị tiếng chuông điện thoại ngắt quãng. Chú Cún lớn nghe rồi thông báo cho cả nhà: "Con Lan...". Ông Trường Xuân ngắt lời Cún lớn: "Em có tên đàng hoàng tử tế mà anh lại cứ gọi em con nọ con kia... Gọi em là Xuân Lan!". "Vâng, con Xuân Lan...". "Em Xuân Lan" - ông Trường Xuân nhấn mạnh ra lệnh. "Gọi em cho tử tế, không cả nhà lại cãi nhau ầm lên bây giờ" - bà nội nhắc nhở. "Vâng, thì em Xuân Lan, em gọi điện về đề nghị cả nhà cho nó dẫn bạn giai về chào gia đình và cho thằng ấy nghỉ nhờ nhà ta đêm nay...".Bây giờ thì dù có gọi đầy đủ cả tên lẫn họ lẫn đệm lẫn huý thì cũng không sao ngăn nổi chiến tranh bằng lời bùng phát. Lời lẽ như đặc quánh lại trong ngôi nhà bêtông mái bằng xây trên nền của cái ao xưa oạp oạp tiếng người vớt bèo về nuôi lợn và tiếng cá đớp nước téc téc. Anh hai, bố của thằng Bi: "Cho chúng nó về, rồi đuổi thằng kia đi, giữ con này ở nhà...". Anh cả Ba Ba: "Mày là thằng dã man mang cái vỏ bọc văn minh". Chú Cún lớn: "Việc của chúng nó chứ việc của mình à?". Vợ anh hai, mẹ của thằng cu Bi: "Thì cứ để cô chú ấy về, xem người ngợm ra sao đã nào...". Thế là không ai chịu ai nữa, mỗi người một ý, cứ nói văng tê: "Rồi ễnh bụng ra nữa thì người ngợm ra sao cũng đành chịu à?". "Mình can thiệp sao nổi?". "Không can thiệp, nhưng phải xem nó người Hà Nội hay người nhà quê...". "Thế là can thiệp chứ còn gì nữa?". "Khối nhà quê còn hơn Hà Nội...". "Thanh niên bây giờ...". "Bây giờ cái gì?".Phải đợi nhà văn Trường Xuân lên tiếng thì cuộc tranh cãi mới đến hồi bỏ phiếu. Ông nhà văn già giơ tay, không phải để xin có ý kiến, nhưng để ra hiệu mọi người im lặng. Cả nhà chờ ông lên tiếng. Nhưng đúng lúc đó tiếng thằng Bi khóc thét lên. Ông nhà văn già nhảy chồm một cái đã tới bên chiếc máng ở đó thằng Bi đang bò bốn chân lồm ngồm bị con chó của chú Cún lớn nghi nó tới ăn tranh. Đúng tầm mõm nó, con chó hặc luôn vào má thằng Bi. Ông Trường Xuân ôm chặt thằng Bi vào lòng, ông xé vạt áo mình đắp vào chỗ má đang chảy máu, hệt như ngày xưa khi ông làm y tá đại đội ông cũng từng phải dùng vạt áo thay băng như thế chùi máu cho bạn mình. Rồi ông dùng nước muối rửa má cho thằng cháu nội. Ông xem xét kỹ một hồi rồi nói làm cả nhà thở phào: "Không có vết răng, nó chỉ hặc vào má thằng bé thôi...". "Hặc là gì hả bố?". "Hặc là hặc chứ còn là gì nữa...". "Bố là nhà văn, rồ chữ!".Ông Trường Xuân chỉ cười, ông không giận con cái nói hỗn với mình bao giờ. Đúng lúc ấy lại có tiếng chuông điện thoại reo. Chú Cún lớn lại nghe điện. Rồi chú đặt máy xuống, giọng trịnh trọng: "Em Xuân Lan con gái út xinh đẹp của nhà văn nổi tiếng Trường Xuân lại xin phép đêm nay không về. Báo cáo hết!". Ông Trường Xuân nói để giải tán cả nhà: "Thằng Bi với con chó đã giải quyết xong vụ gia đình cãi cọ. Cả nhà đi ngủ thôi. Bố buồn ngủ lắm rồi. Ông thơm thằng Bi một cái, ông đi ngủ đây, hết đau chưa con?". Thằng Bi không nói gì, vì nó chưa biết nói, nó chỉ đáp lại ông nội nhà văn già nổi tiếng bằng tiếng cười nhạt "hơ hơ... hơ hơ... hơ hơ...".Kỳ này nó "hơ hơ" những ba lần.Thế mà chẳng ai còn bụng dạ nào mà cười theo nó nữa. Nhưng bây giờ thì gia đình hết cãi cọ thật!Cho đến tối mai...