Cô giáo dạy các môn học thường ngày bước ra khỏi lớp nhường một giờ chót cho môn nữ công chiều thứ năm của tuần lễ. Tôi cũng như các bạn dọn dẹp tập vở cất vào cặp, lôi tập giấy dùng gắn mẫu thêu với hộp đồ may ra để lên mặt bàn. Tiếng sột soạt, tiếng kéo khua lụp cụp, phát ra chỗ này chỗ kia, lớp học thường xuyên yên lặng nổi lên một chút chộn rộn.
Bên ngoài, trận mưa mùa dai dẳng từ nửa giờ trước, giọt vắn giọt dài đan nhau mù mịt vùng không gian trước mắt che khuất ven cây bên con lộ đá. Màn nước dầy bịt cuốn hút bởi cánh gió trời quật từng làn xối xuống rào rào. Nước ngập tràn mênh mông sân trường như thữa ruộng khô ngập nước, lều bều rác rến và những xác lá chết trôi nghiêng ngửa lặn lờ tấp vô mé như những chiếc xuồng nhỏ xíu trên bến sông, chen lẫn vô số bong bóng phập phồng, hợp tan trên mặt nước dưới hiên trường.
Hơi lạnh ùa vô lớp học, một chút se sắt mơn man da thịt, tôi co người, một tay khoanh trước ngực, một tay giở những trang giấy, đọc lầm thầm vu vơ để qua đi thời gian chờ đợi. Những hàng chỉ nhỏ rức hiện trước mắt: mũi nhỏ (couture à petits points), mũi đột (point arrière), mũi chữ thập (points croisés), mũi mạng (points de reprise), tôi ngắm nghía đường chỉ thêu đỏ thắm nổi bật trên miếng vải vuông vắn trắng muốt.
Cô giáo nữ công bước vào lớp, nghiêng cây dù nhểu nước ròng ròng trên nền gạch tàu đỏ trước khi dựng dù phơi phía sau tấm bảng đen. Chúng tôi đứng dậy chào như thường lệ và tự ngồi xuống. Cô ra lệnh góp bài đã làm tuần trước. Cô viết và vẽ mẫu thêu mới. Dưới hàng đề ngày tháng, chữ couture lớn nằm giữa bảng, mũi đặc (point de passé plat), dưới nữa cô vẽ một hình vuông rồi viết: chiều ngang mười phân, chiều dọc mười hai phân. Giữa hình vuông cô vẽ một lá cây với những đường gân sóng lá chạy ngoằn ngoèo, tua tủa khắp cùng mặt lá. Các bạn mở hộp đồ thêu lấy viết chì, kéo, giấy mỏng, vẽ vời, cắt xén... Lại một lần nữa tiếng khua động khô khan nổi lên mọi chỗ.
Tôi trải dài miếng vải lớn trước mặt, đo đúng ni tấc, lấy viết chì chấm làm dấu, cẩn thận rút chỉ và cắt theo đường chỉ rút một miếng vải ngay ngắn. Tôi chuốc lại cây viết chì, cắm cúi vẽ lá cây lên giấy giống in trên bảng rồi can (calquer) lên miếng vải vừa cắt, tất cả xong xuôi sẵn sàng đợi cô giáo bắt đầu mũi mới cho từng đứa.
Chị Trang ơi can dùm em cái lá cây của chị vào vải cho em đi. Em vẽ hoài không được. Chị Trang làm mau mau cho em.
Tiếng Nhã thúc hối, tôi chòm lên bàn trên tính la nó, lần nào cũng vậy mỗi lần cô giáo cho bài thêu mới, nó đều nhờ tôi thêu dùm, đôi khi tôi còn đưa luôn miếng vải đã thêu rồi cho nó kết vào tập, tôi thêu miếng khác. Bây giờ thành thói quen mỗi khi làm không được nó lại réo tôi như réo đò. Nhiều khi tôi cũng bực mình nhưng ngó cái lưng gầy gò còm cõi cúi gập xuống nắn nót vẽ vời, cong cong trước mắt, thương Nhã, tôi lại làm giùm. Cô giáo thường nói:
Hai đứa là chị em song sinh nhưng thật tương phản, đứa mạnh khỏe, lanh lợi, đứa èo uột ốm yếu, chậm lụt, mà lại mặt mày cũng không giống nhau.
Hai tên Trần Thị Thanh Trang, Trần Thị Thanh Nhã nằm kế bên trong sổ điểm danh, Trang, Nhã từ kép đi đôi có ý nghĩa rất đẹp đẽ. Hai đứa đi từ nhà tới trường từ trường về nhà bốn lượt, mưa nắng hai mùa, sự gần gũi đã trở nên đậm đà thân thiết. Đôi khi thầm nghĩ có điều bất trắc nào đó đã xảy ra trong gia đình tôi lúc chúng tôi mới lọt lòng. Tôi mơ hồ cảm thấy đối với hai đứa tình yêu thương mẹ tôi ban phát không đồng đều lơ là với đứa con mà ba tôi đã nói với mọi người vì "xấu háy" nên phải gởi cho bà nội nuôi.
Mưa bên ngoài vẫn dai dẳng. Tiếng uềnh oang của ểnh ương rời rạc, buồn bã nổi lên phía sau sân trường. Hồi trống tan học đưa tôi tới sự lo lắng cho đứa em cùng đi cùng về với mình. Nhã quay lại ấp úng nói với tôi:
Chị Trang! Em quên đem theo áo mưa rồi.
Gió thổi mạnh, hắt những phiến nước nhỏ tạt vào cửa, bay thốc tới bàn học, Nhã lạnh run héo hắt gập người nhảy mũi, mặt tai tái, nước mắt tràn đầy khóe mắt. Ngó lên khoảng trời xám tôi lôi cái áo mưa trong cặp đưa cho Nhã mặc đỡ lạnh, hai chị em cùng ra đứng ngoài hàng ba lớp, lóng nhóng chờ mưa tạnh.
Các lớp, từng lũ học trò ồ ạt kéo nhau ra khỏi cửa. Luồng người đầy ấp sân trường chảy ra phía cổng, ngoài đường. Rừng áo mưa và rừng dù xanh đỏ lô nhô bắt trí nhớ tôi hiện lại lờ mờ trước mắt hình ảnh hai cây dù nhỏ năm nào xa xưa...
Bảy tuổi, ba mẹ sửa soạn cho tôi vào trường. Trước hôm nhập học, bà nội dắt một đứa con gái nhỏ đến nhà để cùng đi học với tôi. Người nó nhỏ xíu gầy nhom, tay chưn quều quào như nhánh củi khô, hai mảnh xương vai trồi lên cao dưới làn áo vải trắng mới tinh. Nó e ấp níu tay bà nội cứng ngắt, đứng sát vào bà như hoảng sợ trước cái dòm của người trong nhà. Ba tôi biểu:
Trang dắt em đi chơi với con! Cho bà nội nghỉ một chút
Tôi ngoắc, nó lắc đầu, cúi dòm xuống đất. Bà nội khoát tay:
Thây nó... để nó đứng đây với bà, đừng làm nó khóc.
Nhưng chưa chi nước mắt nó đã trào ra, miệng nó méo xẹo. Bà nội vội vàng dỗ dành:
Đừng khóc, mai con đi học với chị Trang vui lắm, bà nội cho con cây dù mới, che nắng mưa khi đi học.
Bà lấy trong bao giấy ra hai cây dù nhỏ, một đỏ một xanh để lên ván gần chỗ đứa con gái nhỏ đứng. Nó vội vàng chụp lấy cây dù đỏ, còn lại cây dù màu xanh, bà nội lấy đưa cho tôi cũng nói:
Bà cho con cây dù nầy để che mưa nắng khi đi học.
Từ lâu tôi ao ước được mẹ mua cho cây dù màu đỏ, bây giờ bà nội cho dù mà cái màu đỏ ưa thích đã bị đứa con gái xa lạ dành mất. Tôi không cầm, rưng rưng nước mắt. Bà nội hiểu ý, nhưng không biết phải xử sao cho êm đẹp, hai đứa cháu cùng thích cây dù đỏ, nên đưa mắt cầu cứu ba tôi. Ba ra lệnh:
Con Trang cầm cây dù xanh cất vô cặp, mai đem theo đi học.
Ánh mắt sáng hoắc của ba chiếu thẳng vào mắt tôi, khiến tôi cúi đầu và ngoan ngoãn cầm cây dù đi vào nhà trong. Qua khỏi ánh mắt nghiêm khắc của cha, tôi ném cây dù vào hóc kẹt trong phòng, mặt chừ bự đi ra phía sau bếp nắm áo mẹ khóc ồ. Lòng tức bực ước mơ không toại nguyện, cảm thấy bị bỏ rơi. Ba nghiêm khắc, bà nội cũng không thương, bao nhiêu yêu chiều trước kia bị đứa con gái xa lạ cướp hết.
Mấy ngày học trôi qua, lòng tôi vẫn không nguôi hậm hực. Nỗi ganh ghét nảy sanh hiểm ác, như bà mẹ ghẻ trong chuyện Tấm Cám, tìm dịp hủy diệt đồ vật mình không chiếm được. Tôi chợt nhớ trong rổ may của mẹ, có cây kéo thật bén, lập tâm thừa lúc mọi người không để ý, tôi lôi cây dù đỏ của con nhỏ ra cắt nát áo dù rồi cất vào chỗ cũ. Chuyện vỡ lở tôi bị ba đánh đòn và phạt quì gối, bà nội xin ba tha, không thôi, phải quì tàn cây nhang. Con nhỏ đứng dựa cột khóc thút thít. Dầu đã được tha nhưng trong lòng vẫn âm thầm nhớ lúc bà nội vội vàng đi mua cây dù khác đền cho nó...
Tiếng sét trên không đưa tôi trở lại hiện tại, liếc mắt ngó Nhã, đôi mắt dại khờ của nó xa vắng dòm màn mưa láy pháy, mặt xanh xao lẫn khuất trong mũ áo mưa trùm phủ. Lòng rạt rào trào dâng niềm yêu mến. Thương em tôi vô vàn, đứa em gái yếu đuối, mỗi lần thời tiết đổi thay và những trận mưa dầm, dập dùi triền miên với bệnh hoạn...
Mệt mỏi, chóng chỏi cái đau lâm râm âm ỉ trong bụng suốt hai ngày liên tiếp, Nhạn ngủ quên trong nỗi đọa đày thể xác, bỗng giựt mình thức giấc, cơn đau xé ruột trở dậy hành hạ, cắn chặt răng ngăn tiếng rên siếc. Cơn đau càng lúc càng nhặt thêm, từng hồi liên tiếp dữ dội. Một mình lăn lộn giữa bóng tối bao phủ căn buồng, Nhạn nắm cứng thành giường, kêu thầm bây giờ không ai tới với mình, và mình cũng không thể tới với ai. Cõi âm u địa ngục chực chờ, cái chết cận kề gang tấc. Đời ở ngoài mình, và mình ở ngoài đời rồi. Trời ơi, hỡi trời! Tiếng kêu đấng thiêng liêng hòa tan theo hai hàng nước mắt. Đêm tối đen, trên nền trời khuya những ngôi sao âm thầm dày đặt như thưở nào, Nhạn từ nỗi mê tỉnh vật vờ đến niềm lo sợ sự sống và cái chết cận kề lan tràn như thác nước trong lòng.
Mẹ đã bơi ghe đi đâu từ chập tối, căn dặn coi chừng nhà. Hai chú làm công ngủ ngoài chòi lúa. Trong nhà không còn ai. Ngồi dậy, Nhạn lần tay tháo gở lớp vải nịt bụng, mở từng vòng, mớ vải suốt sáu tháng trời không rời khỏi bụng bốc mùi hôi thúi. Vòng bụng được nới lỏng thong thả dễ chịu thì cơn đau oằn oại tới tấp thúc hối sự lâm bồn. Nhạn chộp cây đèn cầy và hộp quẹt lửa đã thủ sẵn bước ra khỏi nhà, mặc kệ bỏ nhà không người canh giữ, lần dò bước với cơn đau điếng đến đỗi cong người đi không nổi. Ngồi xuống, đứng lên, xiêu vẹo như bóng ma giữa màn sương khuya.
Căn chòi hoang ẫ bên con sông dài rộng, giòng nước thầm lặng chảy lên, xuống ẫ leo lét ngọn đèn cầy khi mờ khi tỏ. Tiếng nức nở của Nhạn lan nhẹ hòa cùng tiếng dế. Chửa hoang đẻ lạnh trong căn chòi, cái đau thôi thúc, lết lê khắp cùng mặt đất, lăn lộn, ngửa bên này, quay bên kia bấn loạn. Thân thể Nhạn dày xéo nát nghiến thảm cỏ dại của nền chòi. Nơi đây không người, Nhạn tự do rên siếc. Trán vã mồ hôi oằn oại với đớn đau, hai tay bấu chặt hai bụi cỏ mọc xỉa bên mé vách, trân mình mê sảng. Đứa nhỏ đỏ hỏn bực ra khỏi lòng mẹ với tiếng khóc è è khàn đục. Đôi mắt mù mờ nhòa nhoẹt, chỉ kịp dòm xuống thấy lờ mờ đứa bé gái lầy lụa như con mèo con ướt nước ngo ngoe, khúc ruột lòng thòng chỗ rún. Nhạn kinh hoàng rồi mê man trong vũng máu. Lúc tỉnh dậy trơ trọi trong chòi, bốn bề im vắng, đứa bé đỏ hỏn đã biến mất. Nhạn ngỡ mình chiêm bao, đảo mắt dòm quanh: màu đen dày đặt, xa xa tiếng gà gáy rộ tan canh. Nhạn gượng gạo nương thheo bóng tối sắp tàn lủi thủi đi về, lẻn vô nhà với thân xác tả tơi và dấu máu còn hoen tràn bê bết...
Ngồi trước thềm nhà canh chừng những đệm lúa đang phơi, Nhạn ngước mắt dòm trời, đám mây trắng xám khói nhang đùn về một phía, chờn vờn như muốn giăng kín khoảnh trời xanh. Trong cụm cây phía xa đàn cò đậu nghỉ chơn trên cành, rút đầu vào cánh rỉa lông, trên thinh không từng đàn bay về lán. Cánh cò trắng xóa nhấp nhô khắp vùng rợp bóng, liệng đi, bay về, kiếm ăn trên những đám ruộng biền cạnh những con kinh nước bạc. Làng Lán Cò đìu hiu trong sinh hoạt thầm lặng hằng ngày bên những rừng tràm dày bịt. Nắng tháng Tám hanh vàng trôi trên những chòm cây, lan nhẹ xuống những đệm lúa sớm còn ướt nước trên sân. Mùi lúa thơm thoang thoảng giữa vùng không khí mát mẻ sau những trận mưa mùa chợt tới. Hai công ruộng dành lại tự mình làm lấy, gặt hôm qua độ non chục giạ, công kỹ làm riêng, bao nhiêu lúa nâng niu trên mấy chiếc đệm bàng. Nhạn lội vô đệm lúa, xốc lên bằng hai chân, tiếng rào rào rập rờn rẽ lúa thành từng luống, như những đường cày ngoằn ngoèo, Nhạn nhăn mặt mỗi khi những hột lúa xanh vàng đầu nhọn bén, chỉa thẳng vào da đau điếng. Xốc hết đệm lúa nầy đến đệm lúa khác, xong xuôi, bước ra khỏi đệm, Nhạn giậm giậm, giũ giũ cho từng hột lúa dính kẽ chơn rớt ra rồi mới trở lại thềm nhà ngồi như cũ. Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng Nhạn cảm thấy thật nặng nề, uể oải. Sự hăng hái lúc đầu tan biến, bao nhiêu náo nức từ hôm nhận ruộng làm thử đã lùi xa để lại sự chán chường mệt mỏi. Khoảnh ruộng nhỏ đã được chú Hai người lực điền trong nhà cày, bừa, trục và kiếm mớ mạ ba tháng để sẵn, việc còn lại chỉ là cấy, nhổ cỏ, săn sóc từng cây đến khi lúa trổ bông, chín, gặt đem về nhà phơi phong. Phần việc Nhạn làm tuy ít ỏi nhưng cũng có chút công sức và chút ít mồ hôi. Những phiến lúa ao ước lúc đầu đã hiển hiện ra trước mắt vậy mà bây giờ Nhạn lại ngao ngán, thờ ơ, một nỗi buồn không tên len nhẹ vào hồn. Ước mơ gây dựng cho mình có chút vốn liếng để dành mai hậu... khi hai đứa ra riêng. Hướng mắt qua căn nhà phía bên kia hàng rào như ngóng chờ đón đợi, Nhạn thở dài... Những giây mồng tơi xanh dờn pha lẫn ngọn tim tím chạy dọc ngang, khơi dậy những ngày hai đứa bên này bên kia, mặt đối mặt, mắt chiếu mắt. Hoài công ấp ủ, trân trọng hứa hẹn là người tình, là vợ hiền dâu thảo. Ngót hai tháng qua bặt tin nhàn cá, bầu trời xanh trước mặt như sụp đổ, cuộc đời đã đi vào sa mù, mưa bão. Sự ra đi đột ngột của người con trai hàng xóm, không một tiếng giã từ, không để lại vết tích, không lời nhắn gởi... Mỏi mòn trông ngóng tin thư, gặp lại chỉ là ảo vọng. Nói rằng đi theo một hoài bảo, hoài bảo gì khi tuổi còn non trẻ? Nói rằng đi theo tiếng gọi của non sông, non sông gì trong khi chưa hiểu hết những danh từ quá lớn lao vĩ đại? Bây giờ có miệng như người câm, không thể nói lên lời oán trách, không thể giải bày với ai ngay chính người thân nhứt. Sự thương yêu thầm lặng, đầu mày cuối mắt của người đó, người con trai gần sân xó cửa, gặp nhau ngoài đồng ruộng, bên hàng rào, hay những đêm trăng đập lúa dần công, những khi mẹ vắng nhà nhờ qua ngủ giúp. Nỗi vui sướng choáng ngợp của niềm yêu thương òa vỡ trong nụ cười hồng, không kềm giữ nổi, đã mù quáng trao thân, đã điên cuồng liều lĩnh với tất cả tình yêu đầu, buông trôi cuộc đời không chút đắn đọ Giờ đây trong khoảng không vòng tay nỗi thất vọng, nỗi ê chề đã làm người Nhạn như xác một con vật chết đuối, mục rữa nổi trôi trên giòng kinh nước đục. Tủi hờn trào dâng, chạy cùng mạch máu làm thân thể chín mùi trong nỗi đau đớn tột cùng. Ứa nước mắt ngậm ngùi, cúi đầu khóc thầm cho cuộc tình bị phụ. Vừa mới đứng rột dậy đuổi đàn gà con bươi lúa, bỗng Nhạn ụa và ói thốc tháo chất nước loãng từ trong ruột. Nước mắt nước mũi choàm ngoàm, nước miếng cuồn cuộn tuôn tràn ra khỏi cổ, Nhạn chạy mau đến góc hè cấm đầu gục xuống. Hai ba ngày trước xây xẩm chóng mặt, nhộn nhạo trong người khó chịu, mẹ cạo gió và bắt uống mấy viên thuốc cảm. Nhưng căn bệnh không phải là một căn bệnh thông thường. Nhạn đã run rẩy, tái xanh mặt mày gần muốn xỉu, khi so sánh triệu chứng của căn bệnh giống hịt như những người đàn bà đang cấn thai trong xóm. Nhạn lén uống những chén nước rau răm cay xé họng, cháy bức ruột gan, ăn những trái đu đủ non tươm mủ đắng chằn, đắng nghét nuốt không trôi được xuống cổ. Những buổi sáng lang thang bên bờ sông, ngoài vườn, ruộng, tránh né mọi người, tránh luôn mẹ, rất sợ ánh mắt kinh nghiệm của người lớn. Không khoan dung nào tha thứ cho đứa con gái hoang thai. Nhạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cho giòng máu đang tượng hình tuôn chảy, vỡ vụn ra. Giọt máu vô thừa nhận, không danh chánh ngôn thuận đang nẩy mầm trong cơ thể. Có khi muốn tự tử, đâm đầu xuống nước chết đi cho xác thân tan biến. Mình ngồi cả ngày bên giòng sông vắng, nhưng không đủ can đảm thực hành ý định. Lang mang suy nghĩ trong khi cơn mửa hoành hành, trong người không còn chút sinh lực, sức sống như đã lụi tàn, chân tay thôi cựa quậy, Nhạn bơ phờ, hờ hững dựa lưng vào vách nhà, những đóm đen lan tràn mênh mông trong đôi mắt võ vàng khép kín.
Ngồi trên bộ ván chưn quỳ phía đầu cháy dưới, bà ba Chưởng đổ các thứ lỉnh kỉnh trong khay ra ván, chùi khay, chùi ống nhổ, sắp lại mớ cau trầu bừa bộn nằm ngổn ngang không đầu đuôi. Vừa nhai trầu đôi mắt bà vừa theo dõi cử chỉ của con gái. Đôi chân thon nhỏ rẽ đường cày trong đệm lúa, thân người mảnh mai uyển chuyển di động giữa ánh nắng vàng nhẹ của buổi sáng muộn. Từ nào tới giờ ít khi đau yếu, con gái mười bảy, mười tám bẻ gãy sừng trâu, mới bị đau vài bữa mà dường như da nó đã xanh xao. Bà nói một mình: mẹ nó, bày đặt làm để của riêng. Bà mỉm cười nhớ thưở thiếu thời, cũng tập làm, cũng để dành tiền, như con gái bây giờ. Dòm con với đôi mắt thương yêu bao la, rưng rưng cám cảnh mình đơn chiếc thui thủi với đứa con gái út. Hai mẹ con trong căn nhà rộng thinh thang với hai người đàn ông sồn sồn lẫ hai người giúp việc từ khi chồng còn sanh tiền ẫ phụ trách việc nhà cửa ruộng vườn và chèo ghe thâu lúa ruộng. Mặc dầu góa bụa, đơn độc chống chỏi với đời, bà cũng đã gầy dựng cho thằng con trai có căn cơ trên tỉnh, đứa con gái kế đã gả đi xa, tới con út nhứt quyết gả bắt rễ. Cuộc đời còn lại sống hủ hỉ hôm sớm với con với cháu. Ước mơ đám cháu ngoại sau này ở gần mình cho đến khi theo ông bà về dưới vùng đất mới.
Têm trầu, chẻ trái cau tươi, nạy hột, ăn miếng trầu cho ngon, bỗng nghe con gái ụa oẹ dai dẳng phía vách hè, bà Ba buông xụi miếng trầu, chạy ra đỡ con vô nhà, đẩy nằm trên võng. Nhạn nhắm mắt thiêm thiếp mệt lả, kệ mẹ xức dầu, rờ trán, nắn bóp chân taỵ Bà ba Chưởng lo ngay ngáy căn bệnh lạ lùng của con gái. Hồi nãy còn chong chỏi, giờ như người bịnh nặng. Hai, ba ngày không hột cơm trong bụng, chắc kiệt sức bị nuỗng sanh ra ụa mửa. Bà ba Chưởng nhai vội miếng trầu, lật đật đi lẹ xuống bếp bắt nồi cháo. Bẻ mấy nhánh chà bỏ vào lò, nhè nhẹ gát chéo thêm mấy cây củi trên nhánh chà cháy dở dang, cử động chầm chậm, ưu tự Chiều qua còn ngồi chơi với bà trên hàng đá trước nhà, đâu có đau yếu gì. Bà mường tượng như mình đoán không đúng căn bệnh của con. Tiếng chà khô nổ lách chách êm êm. Đẫy củi vô lò, bà ngóng ra sân dòm chừng mấy đệm lúa. Cơn gió nhẹ lắc lay nhành ổi, bắt bà ba nhớ lại gần đây Nhạn thường leo vắt vỏng trên cây, lặt hết trái chua, trái chát, lặt luôn mớ khế sau vườn, thậm chí thọc thêm những trái bần ổi ven rạch sau nhà, ý nghĩ đó làm bà nhớ thêm cử chỉ lạ lùng của Nhạn. Sáng sớm không hề thấy mặt như mọi hôm, đi mất biệt cho tới trưa trờ trưa trật mới ló về, thường hay tránh mặt mình, không còn chà lết nhỏng nhẻo mỗi khi bà ngồi ăn trầu trên bộ ván. Nghi ngờ vẫn vơ, bà ba Chưởng bỏ nồi cháo đang sôi ọc ạch trên bếp, đi ra phía võng ngó Nhạn trân trân, bất ngờ bắt gặp chỗ hóp cổ, dưới khoảnh da mềm mạch nơi đó giựt giựt, nhảy lên xuống soi sói. Mặt biến sắc, bà đứng chết sửng như trời trồng phía trên đầu võng. Tự dưng bà chóng mặt ngang, hồi lâu bà vói tay chỏi vào cột nhà, mắt nháy nháy ngăn ngấn nước sắp trào. Mối nghi ngờ sự hư hỏng của con gái hiển hiện trước mặt. Tức giận bừng bừng trong lòng, bà đập đập đầu võng dặt mạnh tay, với ý định dựng Nhạn dậy tra hỏi cho ra ngọn nguồn, lôi thôi đánh nó một trận. Nhạn cựa mình mở mắt ngác ngơ ngước dòm mẹ bối rối. Làn da xanh xao, hốc hác, thiểu não, mớ tóc rối phủ trán, lòa xòa nửa mặt bê bết mồ hôi, lòng bà trổi dậy nỗi thương xót con vô cùng. Cơn giận cành hông lắng xuống như cái bong bóng lủng lỗ xì hơi. Bà chợt nghĩ đến một điều bất lợi và tự nhận phần lỗi về mình, không để ý dòm chừng Nhạn, lơ là bỏ mặc nó thường đêm ở nhà một mình, để tự do và còn nhờ vả con trai hàng xóm ngủ giúp. Bây giờ chuyện động trời xảy ra, hễ "mũi dại thì lái chịu đòn." Cam lòng đón nhận nỗi bất hạnh giáng xuống đầu mình.
Bà ba Chưởng trở lại bộ ván, chụp ống nhổ nhả bã trầu, vói tay kéo khay trầu, têm miếng khác. Ăn trầu là thú tiêu khiển, nhẩn nha, nhai trầu thú vị, vậy mà hôm nay bà nhai trầu như nhai đá sạn, không còn biết mùi vị của miếng cau tươi, miếng trầu xanh bôi vôi đỏ. Bà cứ ăn, cứ nhai tới tấp, nhả miếng nọ lại nhai tiếp miếng kia, không biết bao nhiêu lần bửa cau, bao nhiêu lần têm trầu, nhả xác trầu gần đầy cái ống nhổ mà bà chưa biết phương cách nào giải quyết, tránh khỏi tiếng tai dị nghị của người đời. Điều sỉ nhục, nhuốc nhơ, bại hoại gia phong, theo luật ngày trước thì øđóng bè chuối thả trôi sông. Xấu hổ biết mấy khi bụng nó một ngày một lớn. Suy nghĩ lung tung cuối cùng nhứt quyết không hạch hỏi, không cần biết tận nơi tận gốc. Biết rồi không lẽ biểu con làm điều thất đức, biết rồi để vậy coi như nhìn nhận sự xấu xạ Chuyện đã lỡ làng, rầy rà đánh đập ồn ào như kêu người mét thót, vỡ xóm vỡ làng họ cười chê xấu hổ. Bà nhổ nước cốt trầu, để ống nhổ xuống ván, trầm ngâm, ngồi trơ trơ không nhúc nhích. Nỗi xót xa ngậm ngùi lắng xuống, cay đắng nỗi dại khờ của con làm nhục nhã tông đường. Bao nhiêu dự liệu tính toan đời mình đời con đi vào đường bế tắc, nông nỗi nầy không thể phơi bày, không thể than thở, đành làm ngơ trước cảnh tình chờ đợi những biến thiên. Bà Ba ngóng ra sân cất tiếng nghèn nghẹn đuổi diều đang xà quần trên không chực đáp xuống cấp đám gà con bươi lúa.
Tảng sáng nay bà Ba Chưởng trở về với đứa nhỏ mới sanh còn đỏ hỏn, đặt nằm trên bộ ván chỗ khai trầu. Đứa trẻ ngủ vùi trong lớp khăn lông dày bịt. Cười hềnh hệch bà ba nói nựng:
Để Nội cho uống chút nước cam thảo nhe.
Tiếng muỗng lanh canh va thành tách dội vào buồng trong giữa sự ngỡ ngàng kinh ngạc của Nhạn. Lắng nghe tiếng mẹ xưng "bà nội"û với con mình mà hai hàng nước mắt thương cảm chảy tràn khỏi khóe. Mẹ đã biết và đã cứu khổ, tế độ rửa mối nhớp nhợ Cứu mình, cứu đứa trẻ thơ xấu số. Nhạn khóc ngất một mình trong buồng gói. Tức tưởi ai hoài với mối tình mẫu tử, nỗi cực nhục của mẹ già từ bấy lâu nay, nỗi bạc phước của mình vật vã vừa thoát qua cái chết trong đường tơ kẽ tóc.

*

Pháo nổ đùng đùng một tràng dài vang vọng bên bến sông. Hai chiếc ghe rước dâu, đưa dâu đã rời xa bến đậu, tiếng máy nổ bình bịch còn ngân đọng trên mặt nước tràn đầy. Chú Hai gỡ tấm bảng vu qui và dọn dẹp theo như lời chủ dặn dò. Vừa làm chú vừa tự hỏi: Không biết tại sao bà Ba Chưởng gả con gái út cho người lái lúa, người đàn ông góa vợ già cằn, ở miệt øThầy Yến Kiếng Vàng ở Cao Lãnh. Chú Hai lắc đầu thở dài áy náy cho thân phận của người con gái tuổi nhỏ chịu cảnh xa nhà làm dâu con nơi khỉ ho cò gáy, sẽ không mấy khi được về thăm mẹ già thui thủi sống một mình với đứa cháu Nội vừa mới lên năm.
 
 

Xem Tiếp: ----