Ông Khôi chìa gói thuốc lá ra và cười hài lòng khi Nguyễn rút một điếu: - Không phải chú khuyến khích, nhưng chuyến đi Lâm Đồng vừa rồi chú chỉ đem về có ít trà và mấy gói thuốc này về thôi. Nguyễn hút với chú cho vui thôi. Cúi người bật quẹt cho ông, anh cười: - Cháu cũng mới hút lại đây thôi. rít một hơi thuốc dài và thở khói một cách khoan khoái, ông Khôi trở lại câu chuyện đang dở dang. - Vậy đó, hai năm đó với cháu chắc là chẳng chút áy náy lo lắng, nhưng đối với con bé lại là cả một đoạn đường mưu sinh khó nhọc, chú và mấy người bạn cũ muốn giúp nó, nó nhất định không chịu, bảo là muốn sống tự lập, huống chi chúng tôi không là diễn viên thì cũng là họa sĩ, đâu có dư dả gì hơn nó. Ông lắc đầu: - Duy nó thật giống như Xuân, tuy yếu đuối nhưng khi cần cũng sẽ cố hết sức kiên cường, không thua gì đàn ông con trai. Nguyễn hỏi ông điều mà anh thấp thỏm: - Hôm trước con có đến nhà Duy, và gặp ở đó một người đàn ông cau có và quạu quọ lắm. Ông Khôi cười: - À, hắn tên là Mẫn, một thằng có tay nghề nhưng là đứa vô lại. - Hắn ta là gì mà ở nhà Duy hả chú? - Là người mướn nhà đó mà - Ông Khôi đáp - Duy cũng cố tìm việc nào là trông trẻ, nào là bán hàng mùa hội chợ, nhưng vẫn khó khăn, nên cho Mẫn mướn tầng dưới làm tiệm uốn tóc nhỏ. Thằng đó nghề khá, khách hàng cũng đến nhiều dù là trong hẻm. Nhưng cứ tưởng là tốt đẹp, ai dè nó trở tán tỉnh con nhỏ Duy. Duy nó càng thinh thì thằng nọ càng lấn tới, cho tới một bữa chẳng biết nó viện cớ gì mà lò mò lên căn gác lửng, chỗ con bé ở, bị Duy nó tống một đạp xuống cầu thang. Nguyễn kinh ngạc còn ông Khôi thì cười ha hả khi nhớ lại cảnh đó: - Thật sao chú Khôi? - Anh hỏi. - Chứ sao nữa, khi cộc con nhỏ dữ lắm chứ không vừa đâu. - Vậy tên Mẫn đó...? Ông Khôi nháy mắt cười: - Trẹo xương cổ, trặc xương tay gì đó, phải đưa đi bệnh viện, vừa đau vừa bị thiên hạ đệ tử cười mà phải chịu, nghĩ cũng tội cho cái thằng khùng như hắn. Ông tặc lưỡi: - Nhưng từ sau đó, nó cứ móc mỉa phá con bé hoài, nó kiếm chuyện và phá hoại nhà cửa khiến con bé nhiều lúc hết chịu nổi tính đuổi hắn đi, nhưng hợp đồng đã ký phải đến cuối tháng trước mới hết hạn, nên con nhỏ phải cố chịu đựng. Ông nhìn Nguyễn. - Hôm con đến là ngày nó phải dọn nên nó càng tức tối quạu quọ đó mà. Nguyễn thầm thở phào nhẹ nhõm. Cử chỉ của anh không qua được mắt của ông Khôi, ông vỗ vai mỉm cười: - Nè Nguyễn, chú như hiểu một chút về tình ý cháu dành cho con bé đấy. Duy là một đứa bé nhạy cảm nhưng cũng còn khờ dại lắm. Nó là viên ngọc quí của Xuân, nếu cháu thật sự yêu thương nó thì chú ủng hộ cháu. Nhưng nếu cháu làm nó bị tổn thương như Phong hay lại như cái chuyện vô duyên, vô lý hôm nào, là chú không tha cho cháu đâu. Nguyễn nghiêm mặt lại, anh nói giọng quả quyết: - Mặc dù hiện tại cháu chưa có được Duy, nhưng cháu thành thật yêu Duy và muốn Duy hiểu. Không bao giờ cháu muốn tổn thương đến Duy. Ông Khôi im lặng gật gù, như chờ đợi nhìn thấy anh thực hiện lời hứa nghiêm chỉnh của mình. Nguyễn hít một hơi mạnh. Phải, bây giờ anh hiểu rõ điều con tim mình cần và lên tiếng, bây giờ anh biết rõ điều anh sẽ làm. Anh sẽ làm tất cả để có được cô, cô gái nhỏ có vẻ mặt lạnh lùng nhưng anh vẫn tin rằng con tim cô thì mềm.. như bún. Đã mấy hôm rồi, lúc Duy chạy bộ đến Nhà Văn Hóa thì một người giống như chờ đợi sẵn ở đầu hẻm chạy kèm theo cô. Suốt quãng đường dài, gã đàn ông ấy chẳng nói chẳng rằng cứ giữ một khoảng cách nhất định bên cô mà chạy. Cô chạy mau, gã chạy mau, cô chạy chậm, gã ta cũng dậm chân tại chỗ theo. Ấy thế mà cũng galant ra phết, chạy ra đường vào sáu giờ sáng thê này thì xe cộ cũng đâu mấy chiếc, gã cũng dành phần chạy ngoài để cô an toàn hơn bên trong. Có lúc cô vô ý vấp ổ gà đến chuệnh choạng, gã hào phóng đưa cánh tay mạnh khỏe đỡ lấy cô. Cô thăng bằng lại được, gỡ tay gã ra, gã cũng không phiền gì lại tiếp tục làm cận vệ bên cô tiếp. Đến nhà văn hóa, cô vào trong nghỉ một chút trong khi chờ đợi học viên đến để cô hướng dẫn lớp Aerobic, thỉnh thoảng tò mò nhìn ra, cô thấy gã không đứng vẫn vơ phía ngoài xem người qua lại, thì cũng dựa cột ngắm trời mà đoán khí hậu trong ngày ra sao. Bảy giờ rưỡi cô xong lớp, trở ra đã thấy gã hờm sẵn. Cô đi bộ về, hắn cũng thế, y như đôi vợ chồng có thì giờ nhàn rỗi tản bộ buổi sáng, đi cạnh nhau chỉ cách có cánh tay, nhưng lại giận dỗi không thèm nhìn nhau vậy. Sự việc cứ thế xảy ra đều đặn liên tục. Thoạt đầu Duy bực, chỉ cười nhạt cho qua. Dần dần về sau, mỗi sáng ra hẻm, cô lại tò mò không biết có lại gặp gã không. Chủ nhật đến, Duy nghĩ được một buổi sáng. Tối đến vào Tonight, thấy gã ngồi ngay trước phòng D.J uống nước khoáng yên lặng nhìn cô. Đến sáng thứ Hai, hết chịu nổi, cô đang chạy bỗng dưng đứng lại. Gã lỡ trớn mấy bước nên phải dậm chân chờ cô. Không thấy cô chạy tiếp, gã giật mình đứng lại và quay người nhìn cô. Duy một tay chống nạnh, một tay đè lên ngực thở dồn. Gã ngần ngừ rồi tiến lại lo lắng hỏi han: - Có sao không Duy? Mệt à? Duy ngẩng lên như bắt tại trận kẻ trộm, cô mím môi gằn giọng: - Tôi sao. Chỉ có anh mới là "có sao" thôi. Nguyễn cười cười: - Em không sao thì anh cũng không sao? Duy trợn mắt. Ở đâu mà "anh em" ngọt xớt vậy trời. Cô châm biếm hỏi: - Này, tai tôi có nghe lầm không vậy? Nguyễn tỉnh bơ: - Em không nghe lầm đâu, có muốn anh lặp lại không? Duy đột nhiên... rùng mình: - Thấy mà ớn - Cô lẩm bẩm. Hất mặt về phía anh, cô hỏi gặng: - Anh theo tôi làm gì? Tôi chạy bộ thôi làm gì theo đuôi tôi hoài vậy? Nguyễn nhướng mày ngạc nhiên: - Đường lộ chung mà. Em chạy bộ, anh cũng chạy bộ. Duy nhăn nhó: - Anh phiền tôi quá xá rồi Nguyễn. Cho tôi xin đi, sao cứ giở trò như khủng bố vậy. Sáng nào anh cũng kè kè một bên. Tối nào cũng chui vô đó coi tôi nhảy. Anh là tôi có cảm tưởng tôi là tội phạm còn anh là mậ thám vậy. Thật ra anh muốn gì? Nguyễn nhìn cô không đáp. Không phải là anh không có lời đáp cho câu hỏi dễ ẹc của cô, nhưng anh sợ nói ra không chừng anh bị cô... tống một đạp lăn quay ra đường. Cho nên thôi thì không đáp cho chắc ăn. Thế nhưng anh không trả lời thẳng thì ánh mắt của anh lại ẩn chứa điều gì đó làm cho trái tim nhạy cảm của Duy muốn sai nhịp đập. Cô nhìn nơi khác: - Đừng quẩn quanh bên tôi nữa anh Nguyễn. Tôi biết từ Pháp về, công việc của anh thế nào cũng bận rộn lắm, anh đừng phí thời gian bày trò nữa, tôi không có cười đâu, không có vỗ tay khen đâu. Nguyễn cười cười: - Anh không biết rõ trò của anh có được em hưởng ứng hay không, nhưng nếu em không chạy tiếp mà trách cứ anh hoài ở đây thì chút nữa đến trễ à. Duy giật mình liếc vội xuống đồng hồ tay rồi không thèm nghe anh nói tiếp, cô phóng mình chạy như bay, cũng mặc kệ cái dáng quen thuộc bên cạnh cô. Cũng may cô đến cũng vừa kịp giờ, chỉ có điều là cô mệt đến thở ra khói. Hết giờ, lại vẫn Nguyễn thả bộ bên cô bền bỉ và thầm lặng. Cô rẽ vào chợ, anh cũng theo sát. Cô rảo một vòng rồi đến trước một hàng rau quả, anh lảng vảng gần đó. Sờ tay lên mấy bông cải, mấy trái bí ngon mắt, cô phân vân một chút, rồi quyết định lại gần anh. Anh ngạc nhiên nhưng đứng yên chờ đợi. - Trưa nay anh muốn ăn món gì? - Cô khẽ hỏi. Nguyễn sửng sốt, tưởng mình nghe lầm, đến khi cô hỏi lại lần thứ hai, anh mới biết tai mình còn thính chán. Anh ngẫm nghĩ trả lời tỉnh queo: - Tôm kho tàu, canh bông bí. Duy tròn mắt nhìn anh. Trời đất, tưởng cô là đầu bếp nhà hàng chắc, cô đâu có biết làm mấy món này. Cô bĩu môi: - Thực đơn của... tôi không có mấy món đó. Anh cười dễ dãi: - Vậy em làm món gì em thích đi. Gì anh cũng ăn được. Duy gật gù quay trở lại hàng rau, cô mua hai trái dưa leo. Nguyễn ngẩn người ra nhìn cô. Trả tiền dưa leo xong, y như suy đoán của anh, cô lại đến hàng hột vịt. Theo chân cô trở ra, chịu hết nổi, anh đành lên tiếng hỏi: - Duy này, sao em lại vẫn mấy món đó. - Thì... thực đơn của tôi hôm nay là như vậy đó mà - Cô đáp. - Nhưng... em chịu khó hỏi anh làm chi rồi lại vẫn dưa leo và trứng vịt? Cô quay lại anh mím môi nhìn: - Thì cũng là trứng chiên và canh trứng đó, anh chịu ăn không? Nguyễn trố mắt nhìn ngạc nhiên rồi chợt sực tỉnh gật đầu lia lịa: - Ăn mà, ăn. Anh ăn được mà. Em nấu món gì cũng được. Cô gật đầu hài lòng. Vê đến cửa nhà cô, anh hơi bối rối: - Duy à, sáng nay... anh có một cuộc họp cũng khá quan trọng, cho nên... Cô ngạc nhiên: - Thì anh cứ đi đi. Tôi đâu có bắt anh phụ bếp. - Nhưng mà anh... rủi em... Chợt hiểu, cô phì cười: - Trời đất, ông bác sĩ ơi. Tôi mời ông ăn cơm trưa mà, xin nhắc lại là "cơm trưa", tất nhiên là trưa mới có mà ăn. Có muốn đi đâu thì ông đi phức cho rồi, còn lấn cấn mãi. Nguyễn ngơ ngác thấy sao hôm nay mình lú lẩn quá, hay tại hôm nay vận hên đến nên anh mừng quá mà hóa... khờ rồi.