Dịch giả : Thích Tâm Quang
Chương 12
TÁI SANH NGAY TỨC KHẮC

 
Tuy nhiên, có một vai trò mà người thầy tu có thể áp dụng trong việc tụng kinh tang lễ. Ðó là cách chia sẻ công đức của Phật Giáo. Chia sẻ công đức hay hồi hướng công đức ảnh hưởng thế nào? Trước khi chúng ta có thể giảng nghĩa điều này, trước hết chúng ta phải hiểu cái gì xẩy ra vào lúc chết. Theo Ðức Phật, tái sinh xẩy ra lập tức sau khi chết, thức có tính chất sinh diệt không ngừng. Không có khoảng cách giữa cái chết và tái sinh kế tiếp.Vào lúc chúng ta chết thì lúc sau tái sinh xuất hiện, cả trên bình diện con người cũng như bình diện thú vật, bình diện ngạ quỷ, bình diện của A Tu La, bình diện địa ngục, hay bình diện thiên giới.
Ta tái sanh theo nghiệp của ta. Nếu ta sống một cuộc đời lương thiện, nói chung ta sẽ được sự tái sanh tốt. Tâm ở trong trạng thái thiện vào lúc chết làm cho tái sanh tốt đến. Ta có thể tái sinh làm người hay thần ở một trong nhiều cảnh giới cõi trời. Ðức Phật có thể nhìn thấy bằng năng lực tâm linh những cảnh giới khác nhau về kiếp sống, và cũng nhìn thấy chúng sinh chết ra sao và tái sinh ngay lập tức theo những hành vi của chúngï. Ðức Phật và nhiều các nhà sư ở thời đại của Ngài đã có thể nhớ lại được tiền kiếp.
Nếu ta sống một cuộc đời tội lỗi, thì tái sinh xấu sẽ đến – một trong bốn trạng thái thống khổ là địa ngục, ngã quỷ, súc sinh hay A Tu La. Nhưng dù tái sinh vào bất cứ nơi nào, ta cũng không ở đấy vĩnh viễn. Khi thọ mạng ở trong đó hết hạn, cái chết xảy ra và nó đi vào một tái sinh mới. Cho nên kiếp sống ở địa ngục hay ngã quỷ cũng không vĩnh viễn. Có hy vọng: sẽ có cơ hội, tuy có thể phải mất một thời gian không kể xiết để có cơ hội này. Cho nên tốt hơn là đừng để rơi vào những nơi thống khổ, một khi đã rơi vào đó không ai biết sẽ phải ở đó bao lâu. Có thể dường như vô tận!
Tương tự như vậy, kiếp sống ở cõi trời cũng không vĩnh viễn. Khi kiếp sống tại đó đã mãn, rất có thể rơi vào bình diện thấp hơn. Chỉ có các bậc A La Hán đã rũ bỏ tất cả ham muốn để tái sinh, đã loại bỏ được tất cả những ô nhiễm của tham, sân và si, sẽ không phải tái sinh. Lúc chết họ không còn phải sinh vào bất cứ một trong 31 bình diện kiếp sống. Họ không còn bị luân hồi, không còn bị vào vòng sinh tử. Họ đạt được vô dư niết bàn, tức là dập tắt được toàn bộ khổ đau của thân và tâm. Nhưng cho đến khi trở thành A La Hán, vẫn phải tái sinh.
 
CHIA SẺ CÔNG ÐỨC ẢNH HƯỞNG RA SAO
 
Bây giờ muốn hồi hướng công đức được hữu hiệu, điều cần thiết là người nhận công đức phải biết việc gì đang xẩy ra. Người đó phải có mặt và có thể chấp thuận những hành vi thiện được tiến hành bằng tên người ấy hay nhân danh người ấy. Nếu người ấy chấp thuận, thì sự chấp thuận hay trạng thái tâm vui vẻ là một trạng thái thiện trong tâm. Nói một cách khác, người ấy giành được công đức cho chính mình bằng cách vui mừng những hành vi lương thiện đã được làm vì người ấy. Bởi vậy không phải là chúng ta chuyển công đức của chúng ta cho người ấy. Việc đó theo nghĩa đen không thể làm được. Cái xẩy ra là người ấy vui mừng và sự vui mừng ấy là một hành vi công đức khiến cho sự khổ đau của người ấy có thể giảm đi và hạnh phúc của người ấy tăng lên.
Nếu sau khi chết, tái sinh xảy ra trong bình diện con người hay thú, chúng sinh sẽ không ở trong vị trí biết được điều gì xẩy ra – chẳng hạn vẫn còn là một bào thai trong dạ con người mẹ. Trong những hoàn cảnh như vậy, người ấy không thể vui hưởng hay chia sẻ trong việc làm công đức.
Nếu một người đã bị tái sinh vào địa ngục, người ấy cũng không thể biết cái gì sẽ xẩy ra trên thế giới này vì người ấy bị đau khổ ở địa ngục, đây là một bình diện khác của kiếp sống trong đó người ấy không hiểu biết về cái gì diễn ra nơi đây trên trái đất. Nếu người ấy được tái sinh làm người của cõi trời, cũng không hẳn là người ấy có thể tiếp xúc được với thế giới này. Người ta nói rằng vì quá sung sướng và quá bận rộn tìm hiểu những cái tuyệt vời của kiếp sống mới họ không thể quan tâm ngay đến cái gì đang xẩy ra trên trái đất. Thời gian chỉ là tương đối, và một ngày ở tầng trời Tavatimsa được nói rằng bằng 100 năm ở trái đất! Cho nên vào lúc mà người trời, ấy là nói vậy, nhìn xuống dưới này, chúng ta tất cả đều đã chết và đi rồi! Hơn thế nữa, chúng ta không thể nói chắc người trời tự động có thần thông tâm linh để nhớ lại tiền kiếp của mình, mặc dù kinh sách có ghi lại một số trường hợp người trời nhớ những gì họ đã làm ở tiền kiếp để được tái sinh vào cõi trời.
Cho nên trong kinh Tirokutta, Ðức Phật nói với một người Bà La Môn là chỉ có thần hồn bất hạnh (peta) mới có thể chia sẻ công đức. Những thần hồn này, tuy ở trong những cảnh giới riêng của họ, có thể quan sát bình diện của loài người bằng chính mắt của họ. Nếu họ nhận thức được những hành vi công đức được làm cho họ, và vui hưởng về điều này, thì họ có thể giành được công đức do sự vui mừng của họ. Ðương nhiên không ai muốn người thân của mình tái sinh làm thần hồn bất hạnh (peta). Người ta thích nghĩ là họ sẽ tái sinh làm người hay làm người ở cõi trời.
Vì thế người Bà La Môn hỏi Ðức Phật cái gì sẽ xẩy ra nếu người chết đã giành được sự tái sinh tốt. Ðức Phật trả lời, chia sẻ công đức vẫn là tốt, vì ta sẽ ít lạc hướng hơn luân hồi, lúc bắt đầu chắc chắn có một số thân quyến của chúng ta ở tiền kiếp đã có tái sinh không may thành petas. Vì tuổi thọ của peta rất dài, họ vẫn còn ở quanh quẩn đâu đó. Cho nên chúng ta chia sẻ công đức với thân quyến quá cố, và với tất cả chúng sinh. Ngoài ra, Ðức Phật nhấn mạnh, người làm hành vi tốt vì người đã ra đi chính mình cũng giành được công đức.
Chia sẻ công đức là một truyền thống Phật Giáo. Người Phật tử làm những hành vi tốt như cúng dường thực phẩm và những đồ cần thiết cho các thầy tu, bảo trợ in kinh và bố thí cho công cuộc từ thiện, như chỗ ở cho người già, bệnh viện từ thiện và cơ sở cho người tàn tật. Rồi người ấy mời những người đã ra đi và tất cả chúng hữu tình vui hưởng và chia sẻ công đức. Ðiều này tự nó là hành vi tốt, người làm không "mất" tý công đức nào mà còn được hưởng nhiều hơn bởi sự chia sẻ, vì hành động chia sẻ là một hành vi công đức khác. Cho nên người sống có hai công đức – thứ nhất là thực hiện hành vi tốt và thứ hai là chia sẻ công đức.
Sự có mặt của các nhà sư để tụng kinh Phật và nói Pháp cho những người thân bị mất mát vào lúc buồn phiền của họ, cũng là một sự hỗ trợ tinh thần to lớn. Nhà sư có thể nhắc nhở những thân nhân còn sống về giáo lý vô thường, khổ đau và vô ngã của Ðức Phật. Các nhà sư thuyết phục thân nhân chấp nhận sự khổ đau với trí tuệ, và phấn đấu chuyên cần hơn để dạt Niết Bàn, sự chấm dứt hoàn toàn tất cả khổ đau.
Nếu chúng ta hiểu và chấp nhận khái niệm Phật Giáo về tái sinh xẩy ra ngay lập tức, thì chúng ta sẽ hiểu được điều quan trọng là phải thực hành những hành vi tốt trong khi chúng ta đang sống. Bởi làm những hành vi tốt, chúng ta có nghiệp tốt. Nghiệp là di sản thực sự của chúng ta, vì chỉ có hành vi hay nghiệp mới có thể theo chúng ta. Sau khi chết, việc đốt vàng mã, nha cửa, xe cộ bằng giấy vân vân... không có lợi lộc gì cho người chết. Việc làm này đi ngược lại với cái hợp lý của nghiệp. Hơn thế nữa chúng ta có thể quyết định – làm sao có thể đốt cái gì ở nơi đây lại có thể biến thành cái gì ở bên kia thế giới hay ở bất cứ nơi nào. Cái gì được đốt thì chỉ là cháy; nó vẫn là cái bị cháy. Trong pham vi nghiệp luật, cũng vậy dâng cúng đồ ăn cho người chết cũng vô nghĩa. Khi tái sinh, chúng sinh mới sinh tồn bằng loại đồ ăn thích hợp với bình diện của kiếp sống. Bởi vậy chúng ta thấy Ðức Phật không bao giờ bảo chúng ta cúng đồ ăn cho người chết hay đốt vàng mã, vân vân...
Hiển nhiên, những nghi thức và nghi lễ về tang chế được truyền thừa từ thế hệ này đến thế hệ nọ không có một tư tưởng nào là căn bản và có nghĩa lý. Ðiều mà Ðức Phật dạy là, như đã giải thích trước đây, làm một số hành vi tốt vì hay để tưởng nhớ đến người chết và rồi chia sẻ công đức bằng cách tụng bằng tiếng Pali hay bằng ngôn ngữ chúng ta có thể hiểu được: Xin đem công đức này hướng về những người chết. Xin những người chết hoan hỉ và chia sẻ công đức đã được làm.