Cho nên nếu chúng ta để tâm lời Phật dạy, chúng ta có thể giữ bình tĩnh trước phiền não. Ở đây chúng ta phải nhấn mạnh là chúng ta không nói là chúng ta phải triệt bỏ phiền não bằng sức mạnh, lờ đi, hay phủ nhận sự tồn tại của nó. Không, đó là cách giải quyết không khéo léo.Cách giải quyết của chúng ta là thừa nhận và quan sát trạng thái phiền não của tâm. Qua chánh niệm và suy ngẫm khôn ngoan, chúng ta có thể ngăn chặn phiền não và trở nên bình tĩnh. Chánh niệm và hiểu biết là con đường trung đạo và là con đường tốt nhất – nó cũng không liên quan đến việc triệt bỏ và cũng chẳng phải cho lối thoát chồ những cảm xúc tiêu cực và thiếu xây dựng. Chánh niệm là thừa nhận và quan sát, từ đó, hiểu biết, chấp nhận, hòa hợp và trí tuệ nẩy sinh. Chúng ta không thể phủ nhận hay triệt bỏ những cảm xúc. Chúng ta thừa nhận và quan sát chúng. Trong sự thừa nhận và quan sát đó, chúng ta có thể đối phó tốt hơn với sự xáo trộn và xung đột có thể xẩy ra trong tâm chúng ta. Chúng ta có thể sử dụng cách suy nghĩ khôn ngoan về tính chất của vô thường, khổ đau và vô ngã. Chúng ta có thể rút ra những bài học từ trí tuệ của người xưa và bằng cách đi đến thừa nhận phiền não của chúng ta. Nói một cách khác, trí tuệ có thể nẩy sinh. Chúng ta có thể hiểu và chấp nhận phiền não. Và phiền não sẽ không thể chi phối tâm của chúng ta hay áp đảo chúng ta. Ðây là ý mà chúng ta muốn nói khi chúng ta nói áp dụng cẩn thận chánh niệm dẫn đến sự hiểu biết và tự tại. Bằng cách này chúng ta sẽ không than van. Chúng ta có thể quan sát xúc cảm của phiền não trong chúng ta, và nó có thể bị ngăn chặn khá tự nhiên, không cần chúng ta phải biểu lộ thái độ thô lỗ về việc đó. Sẽ có bình tĩnh, chấp nhận và hiểu biết. Cho dù chúng ta không kiềm chế nổi và phải khóc, chúng ta vẫn có thể hạn chế. Cuối cùng chúng ta có thể giành lại được sự kiềm chế và lắng dịu. Chánh niệm sẽ tới giúp chúng ta và giúp chúng ta hòa hợp với phiền não. Chúng ta sẽ hiểu sự thật của khổ đau, chân lý mà Ðức Phật và các đạo sư khôn ngoan khác đã dạy, và chúng ta có thể lại cười. Trở lại với đề tài than khóc, chúng ta có thể thấy trong phạm vi trí tuệ và không-phiền não, việc mặc đồ tang chế là không cần thiết. Nó không có nghĩa là chúng ta không hiếu thảo, hay chúng ta thương yêu người thân ít hơn, nếu chúng ta không mặc đồ tang chế. Không, chúng ta vẫn hết sức kính trọng người thân nhưng chúng ta không thấy công đức gì khi phơi bày công khai và không cần thiết phiền não của chúng ta. Tôn kính và phiền não ở đây là vấn đề rất riêng tư. Chúng được cảm thấy trong tâm của chúng ta và không cần phải phô bày ra trước công chúng. Thay vì nhấn mạnh những hình thức thương tiếc bề ngoài không cần thiết, lòng hiếu thảo phải kết hợp với những hành động hướng về người già khi họ còn sống. Những hành vi tự chúng sẽ nói lên. Quả là hết sức bất hạnh nếu một số người nghĩ rằng những nghi thức và nghi lễ cầu kỳ trong tang lễ và việc mặc quần áo tang chế sẽ bù đắp được cho những hành vi thương yêu và quan tâm không được bầy tỏ khi người chết còn sống.Tuy nhiên, với sự đúng mức trong dịp trọng thể, có thể mặc quần áo "lễ nghi". Ta có thể chọn bộ đồ mầu sẫm, trắng hay một mầu thích hợp hơn trong tủ áo của mình. Như vậy đối với tâm tôi thế là đủ dù người chết, nếu đã là một người Phật tử vui vẻ và hiểu biết, có thể không muốn chúng ta mặc những quần áo "tang chế" mà vui mừng là đã sống một cuộc đời lương hảo và đã đi tới một tái sinh tốt đẹp hơn. Cho nên trước khi chết, người ta có thể yêu cầu không đi theo thói dị doan hay than khóc mà chỉ cầu một tang lễ đơn giản. Người ta có thể ủy thác cho một người có trách nhiệm xem xét tất cả những ước nguyện của mình có được thi hành không. Người ta có thể viết trên giấy và ký trước sự hiện diện của nhân chứng để tất cả người liên quan đều biết và tuân theo lời ước nguyện của mình. Bầu không khí chung trong nhà và suốt cả tang lễ phải là một bầu không khí thanh tịnh và hiểu biết. Những hoạt động không thích hợp như rượu chè, cờ bạc tuyệt đối không được phép. Tất cả phải là kính cẩn và cư xử bằng sự đúng mức thích đáng. Những đoạn có ý nghĩa trong Kinh Phật có thể thinh thoảng được đọc lên và được suy ngẫm bởi thân quyến trong gia đình và những người có mặt. Một người có thể đứng đầu trong sự suy nghĩ. Nếu tất cả những người liên quan đều có sự hiểu biết tốt về Phật Pháp, họ có thể ngăn chặn phiền não. Người nhiều cứng rắn hơn có thể an ủi người phiền muộn. Bằng cách ấy, sẽ có bầu không khí an lạc và hiểu biết trong toàn bộ nghi thức. Và những người có mặt cảm thấy quyết tâm và có động cơ hơn để phấn đấu hăng hái hơn trong việc tìm kiếm tinh thần, và sống với tình thương yêu và từ bi hơn. Một khóa lễ cho người chết có thể được cử hành tại nhà. Những thân quyến lớn tuổi trong gia đình có thể hướng dẫn cuộc lễ, trong đó đời và những hành vi thiện của người chết được kể lại. Con cái nhắc lại lòng khả ái và tình thương to lớn của cha mẹ và quyết tâm sống một cuộc đời gương mẫu trong sự hồi tưởng của họ. (Về phương diện này, cha mẹ đã để tâm đến thực tế là các hành vi vượt qua đời sống thể chất. Một đời sống lương thiện là một di sản tốt nhất để lại cho con cái. Một di sản vừa thôi thúc vừa để lại phẩm giá cho người thừa kế. Hương thơm của những hành vi và đời sống gương mẫu sẽ còn mãi sau khi cha mẹ đã ra đi)Có thể mời một vị sư để hướng dẫn một thời Pháp thích đáng. Khóa thiền có thể tổ chức ở phòng lớn. Ðiều đó có thể là hành vi công đức và vừa là sự biểu hiện lòng tôn kính đối với người quá cố. Người quá cố, nếu là một thiền gia vững vàng, chắc chắn sẽ rất sung sướng nếu biết được mọi người ngồi chung quanh quan tài và thiền định. Nếu được tái sinh lên cõi trời, và có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra, và tôi chắc chắn người ấy sẽ rất thích thú. Chắc chắn tôi sẽ rất thích thú nếu tôi nhìn xuống và thấy mọi người đang thiền chung quanh cái quan tài của tôi. Niềm vui của tôi sẽ bất tận. Và nếu có thể tôi sẽ xuống và vui vẻ ngồi thiền với mọi người, nhưng, đương nhiên, bạn phải thứ lỗi cho tôi: Tôi biết tôi đang thả lỏng trí tưởng tượng của mình. Vào ngày thiêu, tất cả những công đức đã đạt được lại được chia sẻ. Một danh sách những tổ chức thiện nhận được tiền tặng cũng được đem ra đọc. Một khóa lễ có ý nghĩa có thể được cử hành tại nhà thiêu ngay trước khi quan tài được đưa vào lò thiêu. Những đoạn kinh có ý nghĩa từ các bộ kinh có thể được tụng. Những đoạn kinh này nói về cái vô thường của đời sống, cái chết không tránh được và sự cần thiết sống một cuộc đời lương thiện, hành thiền và phục vụ đồng loại. Việc này có thể giúp mở mang trí tuệ nhiều hơn nếu khóa lễ này được đặc biệt biên soạn và được đọc lên vào dịp này. Nếu một vị sư hướng dẫn toàn bộ khóa lễ thì rất tốt nhưng nếu không thể được thì một người lớn trong gia đình, thân quyến hay bạn bè có thể đúng ra. Sau khi thiêu xong, chúng ta phải làm gì với tro cốt? Ở xứ Phật Giáo Miến Ðiện, tôi được biết thường thường xác thiêu thành tro để lại tại nhà thiêu. Thân nhân không thu thập tro vì tin rằng người quá cố ngay sau khi chết đã có cuộc tái sinh mới, và xác thân để lại chỉ là một cái vỏ rỗng. Tuy nhiên thói quen của người Trung Hoa tại Mã Lai lại giữ tro cốt để ở chùa hay ở những nơi giữ tro cốt với chi phí đáng kể. Cảm nghĩ riêng của tôi là không có mục đích nào để giữ tro cốt vì nó không phục vụ cho nhiều mục tiêu, không cần thiết phải dâng cúng hay cử hành một khóa lễ nào trước tro cốt. Vì, như chúng ta biết về Pháp, tro cốt chỉ là những thành phần của vật vô tri trong khi thức đã đi vào một tái sinh mới, một xác thân mới trong một kiếp sống mới nào đó. Cho nên tôi nhất trí với cách để lại tro cốt của người Phật Tử Miến Ðiện. Nếu chúng ta muốn tưởng nhớ và tôn kính người quá cố, chúng ta nên sống một cuộc đời lương hảo và làm những hành vi thiện để tưởng nhớ. Vào ngày giỗ người quá cố, chúng ta có thể cúng dường (thực phẩm và tặng phẩm) tại chùa hay quyên góp cho những cơ sở từ thiện. Tất cả những đề xuất về phương diện tang lễ mà tôi đã trình bày trên đây, có ý nghĩa và đáng chú ý hơn những lề thói hiện nay. Nhưng đương nhiên điều đó là tùy độc giả quyết định cho chính mình. Ðây chỉ là cảm nghĩ của tôi, cách tôi nhìn vào điều đó. Tôi hiểu rằng nhiều người cảm nghĩ khác hẳn. Họ có thể không đồng ý với tôi, và họ có quyền làm như vậy. Vì tôi bao giờ cũng có niềm tin dứt khoát là không ai có thể áp đặt quan điểm của mình lên trên một quan điểm của người khác. Chúng ta tất cả đều có tâm riêng của chúng ta và phải được phép suy nghĩ và quyết định cho chính chúng ta. Cho nên tôi xin nói rõ ràng nơi đây tôi không áp đặt quan điểm của tôi lên bất cứ ai. Thay vì tôi chỉ là bầy tỏ và chia sẻ chúng. Và tôi xin để cho mỗi người tự quyết định cho chính mình điều mình muốn tin tưởng và theo. Mỗi người phải cảm thấy tự do làm điều mà mình nghĩ rằng thích hợp. Hơn nữa, quyết định một tang lễ sau khi có người chết, phải có sự bàn thảo và đồng thuận giữa những người trong gia đình. Cho nên tốt nhất là trước khi chết hãy làm cho rõ ràng loại tang lễ mà mình muốn. Và việc này nên làm bằng cách viết ra, ký tên và có nhân chứng. Sẽ không có ý kiến phản đối sau khi người ấy chết. Thân nhân gia đình nên tôn trọng và làm theo những ước muốn của người ấy. Ðương nhiên, những đề xuất của tôi không toàn diện. Chúng không bao gồm tất cả những chi tiết và khía cạnh của một tang lễ. Chúng chỉ là một khuôn khổ thô sơ, chỉ là một món ăn nào đó cho tư tưởng. Có thể có những biến thể khác. Cho nên nó sẽ rất tốt nếu một nhóm Phật tử có cùng tâm ý và được tôn trọng ngồi bàn với nhau để hình thành một tang lễ Phật Giáo đơn giản bao gồm tất cả các khía cạnh và chi tiết, và trả lời tất cả những câu hỏi có thể nảy sinh. Trước tiên là những điều cần được xem xét là những lề thói hiện tại. Chúng như thế nào? Chúng có ý nghĩa gì? Chúng ta có biết và hiểu những gì chúng ta đang làm không? Tại sao chúng ta thực hành chúng? Chúng có ý nghĩa không? Chúng có phù hợp với Phật Pháp không? Hay chúng là những lề thói dị đoan hay những thói quen không thể hòa hợp với sự hiểu biết của chúng ta về Pháp đã được thuyết giảng bởi Ðức Phật. Từ những gì tôi có thể nhìn thấy nhiều thói quen trong một gia đình Trung Hoa tự nhận là có lối sống Phật Giáo về đời sống, không thể hòa hợp với Pháp. Dường như nhiều người chỉ làm theo những nghi thức tang lễ mà không có ý niệm chúng là gì. Họ chỉ làm theo những chỉ dẫn mà không hỏi han hay hiểu biết. Vào lúc tang lễ, họ quả thật rất bối rối và quẫn trí. Họ chỉ bàn theo những điều được bảo vì đó là truyền thống và họ không thể đi ngược lại mà không bị chê trách và bị kết tội là bất hiếu vân vân... Cho nên sự tham gia thực sự vô nghĩa. Ðối với tôi, tất cả dường như khá cảm động. Vô minh và cam chịu trước bất cứ điều gì được thực hiện dường như là chương trình làm việc. Cho nên một nhóm Phật tử đáng kính nhìn vào tất cả những lề thói này có thể đi đến một sự lựa chọn có ý nghĩa phù hợp với Phật Pháp. Chi tiết về tang lễ được đề xuất với nhiều lựa chọn khác nhau sẽ được soạn thảo sau khi đã thực hiện một cuộc nghiên cứu tình hình địa phương. Một cuốn sách toàn diện cung cấp tất cả những lựa chọn về tang lễ khác nhau và những thông tin cần thiết có thể được biên soạn và phổ biến. Một đề án như thế sẽ là một sự phục vụ lớn lao cho Cộng Ðồng Phật Giáo thường bị bối rối không biết cái gì cấu thành một tang lễ Phật Giáo thích hợp.