Nồi nước xúp reo sôi, lẫn trong tiếng máy hút hơi chạy vù vù với tốc độ số 3, song vẫn không hảm được mùi thơm tổng hợp ngào ngạt căn bếp khá rộng, vuông vắn, ngăn nắp. Ánh đèn néon trắng ngà toả xuống hai mái tóc đàn bà đang đối diện nhau trước cái bàn hình chữ nhật, mặt bàn lót gạch bông màu lửa, lỉnh kỉnh rau xanh, chai lọ đồ gia vị. Họ chuẩn bị bữa cơm tối. Mái tóc à la garçonne là cô con gái xinh đẹp, mới kết hôn năm ngoái, (nên còn chăm chỉ nhớ) cùng chồng về thăm gia đình cha mẹ ruột hầu như mỗi chiều thứ bảy. Mái tóc kẹp ngược sau ót – nếu xoả xuống, chắc tóc thề – là bà mẹ, sắc diện có thể chấm điểm trên trung bình chút đỉnh. Nhìn bà, người lạ khó tin con đầu lòng của bà đã 29 tuổi: Năm mười chín tuổi, mẹ về với cha. Cô con gái vừa nói chuyện với mẹ vừa chăm chú thái mỏng búp hoa chuối tim tím không-có-không-được cho món Bún bò Huế mà ông bố Bắc kỳ cục của cô thích nhất. - Sáng qua trong Métro, con có đọc một ô nhỏ trong mấy tờ truyền đơn của "SOS Racistes" (hội chống kỳ thị chủng tộc) như sau: "Có người nêu thắc mắc với nhà văn người Pháp gốc Bỉ, Félicien Marceau (°): - Ông là một nhà văn Bỉ? Nhà văn sửa lại: - Tóm lại, tôi sanh ra tại ngoại ô thuộc Paris - Ngoại ô lớn chỉ cách Paris có 300 cây số." mà con chẳng hiểu gì cả. Tay lặt liền liền mớ rau, bà mẹ trả lời: - Mẹ dẫn thêm một trích đoạn khác, con sẽ hiểu rõ ngay: Trong một cuộc phỏng vấn trên Radio d'Asie (Đài Á châu) năm 1992, phóng viên Tô Vũ hỏi nhà thơ Ngân Đoài: - Ông sanh ra và lớn lên tại hải ngoại mà sao thích viết bằng chữ việt? - Đứng trên phương diện chữ nghĩa mà nói – Nhà thơ NĐ trả lời, tôi sanh và sống ở ngoại ô nhỏ của nước Việt; chín tại ngoại ô lớn của nước Việt!" - Ông nói rõ hơn được không? - Ngoại ô nhỏ cách Việt Nam mỗi một làn ranh. Ngoại ô lớn cách Việt Nam độ nửa vòng trái đất!" Cô trưởng nữ ngắt lời: - Ngụ ý của hai mẩu đối thoại này phải chăng muốn nói rằng qua trung gian ngôn ngữ: không gian to nhỏ, ngắn dài là tùy tâm tưởng, ý niệm? - Chỉ đúng phân nửa thôi Bê. Bà mẹ vui vẻ trả lời. Félicien Marceau là người Bỉ thuộc vùng Wallonie (nói tiếng Pháp) thì chuyện ông cụ viết và thành công bằng tiếng Pháp là lẽ thường tình. Ý trong "SOS Racistes" là đừng kỳ thị địa phương, nghĩa là chauvin đó con. Còn câu trả lời của bác Ngân Đoài, ngoài phần chơi chữ, là nhắm vào văn tự, vì chữ Việt theo mẹ hiểu ý bác là phương tiện, là cái thuyền chẳng hạn để chở ngôn ngữ Việt tấp lên bờ sông Việt. Tâm tưởng, ý niệm Việt mà được chuyên chở bằng con thuyền Anh, con thuyền Pháp này nọ thì thường chỉ lơ lững giữa dòng hay lay hoay ở mép sông nhưng khó lên được bờ vì thiếu mùi nước mắm, thừa mùi phô-ma (fromage). - Con đã hiểu, cám ơn mẹ. Nhưng mẹ sous-entend (hàm ý) đến là buồn cười. Như chúng con..., xin lỗi mẹ, on est tous nés et adultes ici donc on pense à la française, c'est l'évidence, non? (chúng con sinh ra và lớn lên ở đây do đó chúng con suy tư theo lối Pháp, là lẽ đương nhiên chứ?, bà mẹ dịch lại cho cô con gái). - Dĩ nhiên, dĩ nhiên. - Ben, si on pense à la française donc on réagit ainsi aussi! (Vậy, nếu chúng con suy tư theo lối Pháp thì chúng con cũng phản ứng theo lối Pháp thôi.). - Tất nhiên, tất nhiên. Bà mẹ gục gặc đầu. Cho nên bản thân mẹ, mẹ tập viết bằng chữ Việt là để giữ cách suy nghĩ theo lối Việt hầu may ra gửi gắm chút tâm tư bé mọn của mình lên được bờ sông Việt. Có tiếng bấm chuông. Bà mẹ ngừng tay, ngưng nói, ngước lên. Cuộc đối thoại bị gián đoạn. Cô con gái tự động ra mở cửa. "Đông cung Thái tử" của bố đi chơi thể thao về. Mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, áo quần lấm lem. Hai chị em ôm chào nhau, qua lại mấy cái hôn hai bên má, trao đổi gọn bằng tiếng Pháp. Theo nhau vào bếp. Chào mẹ bằng tiếng Việt xong, "Đông cung Thái tử" mở tủ lạnh tìm nước uống. Năm nay "Đông cung Thái tử" 24 tuổi, cao lớn như tây con, bô như ca sĩ Lam Trường. Hè năm tới là xong đại học ngành Tự Động Hoá cho xe hơi, mà trông như "còn bú tí". Và y như người ta bấm nút đổi đài: Đối thoại giữa ba mẹ con chuyển hẳn qua tiếng mẹ đẻ. Đấy là nguyên tắc bất thành văn do ông ngoại Bắc kỳ cục bày ra chẳng khác gì gia quy từ 10.000 ngày trước: Con cháu trong gia đình phải dùng tiếng Việt, ít ra mỗi khi có sự hiện diện của người lớn! Gì chứ nghe nói tới chuyện văn chương chữ nghĩa Made in Việt Nam rẻ như bèo là "Đông cung Thái tử" tủm tỉm né, lỉnh đi tắm ngay. Chẳng là hồi còn nhỏ "ngài" là dịch giả xuất sắc của một lô câu nói dễ thương để đời, như "coi chừng cái ly nó té" (attention le verre va tomber), "con đã ngửi được mình gần đến nhà cậu Tuệ rồi" (j'ai senti qu'on arrive bientôt chez oncle Tuệ), "bài toán này cứng quá" (cet exercice est trop dur)... Mấy tiền bối dịch thật cỡ Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần, Phan Huy Đường, Dương Tường... Xin lỗi, quí vị còn thua xa! ° - Nếu phải so sánh giữa chuyện các con đây được chào đời và chuyện viết của mẹ thì mẹ trả lời ra sao? - Rất đơn giản. Các con là tuyệt phẩm của bố và mẹ. Còn những gì mẹ viết ra hoặc là thành quả nhỏ nhoi của cá nhân mẹ, hoặc là của mẹ với... người khác! - Mẹ viết cho ai và theo mẹ viết là gì? - Trước nhất, mẹ viết cho mẹ, kế đến viết đại để là cách tâm sự với những người ở xa, đa phần không quen biết, rằng họ không cô độc. - Thế người viết là ai? - Người viết theo mẹ là "người xây nhà. Độc giả là người thuê ngôi nhà đó. Nhà xuất bản và phát hành là người thâu tiền nhà". Nay trên Internet, nói tổng quát là ba thành phần này đều phải chi nhiều ít, trực tiếp hay gián tiếp... - Thế nào là trực tiếp hay gián tiếp? - À, câu hỏi nầy khá đa. Trực tiếp là phóng tâm tài trợ mạng phí thường xuyên.Gián tiếp là trường hợp của độc giả, tuyệt đại đa số chỉ phải đóng thêm tí tiền điện trong nhà họ hay tiền café-internet ngoài phố. - Nghĩa là họ đọc chùa! - Chứ còn gì nữa. Đặc biệt thành-viên-tác-giả thì ủng hộ tùy tâm, tùy hỉ như... khi cúng dàng vậy... - M...ẹ...! Cô con gái kêu lên. - Chậc..., xin lỗi, xin lỗi Bê, mẹ lỡ "quẹo" bậy. Bà mẹ ngưng đường dao, đưa tay trái lên tự tát khẻ vài cái vào cái miệng hay trật rầy, tiếp: - Hẳn con cũng biết. Có khá nhiều trang Web Việt như Trinh Nữ, Đặc Trưng, Việt Nam Thư Quán, Thư Viện Việt Nam, Bến Sông Mây, Diễn Đàn Lê Văn Duyệt,... vì không có quảng cáo nên trên nguyên tắc mấy bác, mấy cô vừa là chủ nhiệm, chủ bút, kỹ thuật viên vừa là thành-viên-tác-giả chủ lực... và kiêm hầm bà lằng "trọng trách không tên", phải gồng mình chi trả cho Host Mỹ, Host Tây...v.v... - Mẹ này, sao mẹ không concentrer (tập trung) vào một thể loại? - Mẹ tập viết nhiều thể loại, nói trắng ra là thích gì viết nấy vì đối với mẹ, đó là những trò chơi khác nhau, giống hệt em trai con chơi nhiều môn thể thao vậy! - Nghĩa là sao? - Nghĩa là khi chán hay bí ở thể loại này mẹ xàng qua thể loại khác. - Có người hỏi con, mẹ cũng đi làm như mọi người, vậy mẹ lấy thời giờ đâu để viết? - Chủ yếu mẹ viết trong đầu, trong Méro khi đi làm. Trong lúc các con chơi games, nghe nhạc, hay đang yên giấc... mẹ ôm máy gõ gõ xoá xoá..., bỏ mặc bố con chèo queo ôm gối! - Vậy chẳng lẽ bố không cự nự sao? - Tránh sao khỏi nắng. Đàn ông mà. Song, yêu nhau là yêu luôn cái tật của nhau. Bố yêu mẹ nên chiều mọi sở thích của mẹ, cũng như mẹ yêu bố nên yêu luôn khói thuốc lá và sự luộm thuộm mang tên "nghệ sĩ" của bố. Bê à, con mới có chồng nên còn non kinh nghiệm. Chứ mẹ thấy, đàn ông người mình tuy khác cha khác mẹ, sao tâm tánh họ giống nhau lạ lùng. Chẳng khác gì mấy lần qua Mỹ, mẹ có mặc cảm lạc loài vì thấy mình hết còn giống các bà các cô đồng bào ruột thịt bên đó: Nghe nói cũng khác cha khác mẹ mà sao mặt mày họ giống nhau đáo để! - Ha ha ha... - Qua tài ứng dụng Silicon, qua các bàn tay tiên Âu Cơ, huyền thoại đồng bào dù sao cũng đã được xác minh với cơ sở vững chắc hẳn hoi - xác minh từng bước một, ít ra là một phần nhỏ của cái bọc trăm trứng chia đôi tức phần giới tính như mẹ. Tiếc rằng, thành tựu xác minh đó lại nằm ở Bolsa, nước Mỹ! - Há há há...Thôi đi bà ngoại, trở lại đề chính đi: Mục đích viết là gì hả mẹ? - Thế mục đích của chơi games và nghe nhạc là gì? - Là tiêu khiển. - Thì viết tài tử như mẹ cũng vậy thôi. - Có điều, những gì mẹ viết ra hầu hết đều đã được người xưa viết cả rồi. - Quá đúng, nhưng vì chẳng còn mấy người nhớ lời người xưa nên cần phải làm lại dưới một hình thức, một văn phong khác. Tư tưởng của cổ nhân là vốn quí nhưng không vì quí mà ta cam chịu làm nô lệ cho tư tưởng cổ nhân. Mỗi thời mỗi thế. Hơn nữa tất cả các chữ đều nằm trong tự điển bách khoa. Thay vì đọc bách khoa tự điển, người ta đọc sách báo nói chung, vì có cốt truyện, do đó mới có chuyện mỗi chữ mỗi khác qua mỗi người viết. Có người móc nó ra từ trong bụng, có người lấy nó từ túi áo, túi quần... -... còn mẹ móc nó ra từ đâu? - Từ trong sách cổ nhân, rồi "ứng tấu, ứng tác" như cụ ông Trần Văn Khê thường nói với bố. - "Ứng tấu, ứng tác" là thế nào? - Là...là như nồi xúp trên bếp đó. Đấy. Thịt thà, xương xẩu, rau cỏ, ớt iếc; rồi bún, rồi mắm tôm, mắm tiếc... ai chẳng biết, đâu chẳng có. Vậy mà chỉ cần chút khéo "ứng tấu, ứng tác", khi thì thành Bún bò Huế, lúc là Bún Sáo Măng, Bún Thang, thậm chí, à hèm: Bún Xuông! Và u ê các món phi-bún khác. Tất cả là tùy "tác giả" chọn, quyết định và chịu trách nhiệm chuyện ngon dở và, quan trọng nhất, tùy khẩu vị của mỗi người xơi. Trừ nhúm "lưỡi gỗ anh hùng, có hai con mắt chỉ dùng một con" ra thì chẳng ai hơi đâu dọi lúp, phân chất xem "tác phẩm bún" của mình có hiện thực, có thiếu tính mặn, thừa tính chua không! - Con chẳng biết mẹ muốn dẫn con đi tận đâu. Nhưng mục đích "ứng tấu, ứng tác" của riêng mẹ là gì? - Khuây khoả, nhẹ bớt cái đầu. Hì hì... và biết đâu chẳng vớ được tí danh hảo, đặc biệt thời gian sau này trên thế giới ảo Internet! - Nghĩa là sao, thưa mẹ? - Nghĩa là người chê cũng nhiều, người khen cũng lắm; duy người thông cảm và hiểu mình thì chưa có. Vả lại cá nhân mẹ chưa nhận được xu-teng tác quyền nào để hùn vào tiền vốn đi chợ Tàu mua bó ngò! Người nói, người nghe cùng sặc sụa cười tuông xu-pắp, át cả tiếng vù vù của cái máy hút hơi. - Tiện thể mẹ nói thêm là từ ngày Internet bùng nổ, nó đã tạo ra vô vàn cơ hội cho vô vàn cây viết mới, mẹ là một, mà vài năm trước đó "sân chơi" trên giấy hầu như chỉ dành riêng cho một số "văn tài" chiếu trên chiếu dưới. - Con không hiểu hết những gì mẹ viết, cô con gái tiếp. Nhưng con cảm thấy mẹ có lối viết "giương...tây, chích đông" entre deux lignes (giữa hai dòng chữ), đọc nhiều khi ngớ cả người, khó chịu dễ sợ. Vậy mà mẹ cứ dạy con khi làm luận văn, luận án phải nghĩ gì viết nấy. - Nghĩ gì viết nấy theo mẹ là đúng, là dễ nhất, là thật nhất. Không ai có thể viết, nói ngoài tầm suy tưởng hay tưởng tượng của mình. Bà mẹ nhấn mạnh. Nhưng Bê đừng nhầm với nói sao viết vậy à. Vì nếu viết y chang như ứng khẩu thì dẫu ứng khẩu như sông như biển, bài tốc ký đó, theo mẹ, cùng lắm cũng chỉ là suối thôi. Ngược lại, có người viết thật hay mà chẳng mấy khi nói trước đám đông, có thể do họ bị khớp, như cụ Balzac, cụ Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn. Dừng một lúc, bà mẹ tiếp: Về chuyện "giương tây, chích đông" này nọ, cái đó con phải thắp nhang hỏi ông ngoại, người đã chích con vi-rút đó vô bà ngoại, mới ra cớ sự là mẹ đó con! Thời buổi này là thời buổi "lộng giả thành chân", chuộng cái giả hơn cái thật, thí dụ như... ờ... ờ, bà mẹ ngập ngừng, như cái mũi Estelle, cặp môi Loanna của... mẹ chồng con đó! - Ố là, lại "bẻ lái" nữa rồi – cô trưởng nữ cười híc híc. Bà mẹ bậm môi cười khục khục. Thôi, thôi...cho con xin, cho con xin. Méchante, va (mẹ xấu lắm), cô con gái nguýt yêu bà mẹ ưa ngoắt ngoéo. Mẹ thì... Ai lại chích bà xui như thế. Xuỵt, coi chừng ông con rể đi mua bia cho bố vợ về đó. Thế mẹ định viết đến bao giờ? - Đến khi các con để tang mẹ! Hàn Lệ Nhân (tào lao từ những gì đọc & mang máng nhớ được) (°) Félicien Marceau, tên thật là Louis Carette, sinh ngày 16/09/1913 tại Cortenberg / Kortenberg, gần thủ đô Bruxelles, Vưong quốc Bỉ. Viết nhiều thể loại, nhập Pháp tịch năm 1936. Nhận được nhiều giải thưởng văn học: Giải Fondation Del Duca (1952), giải des Quatres Jurys (1953), giải Pellman cho vở kịch "Caterina" (1954), giải Interallié cho cuốn "les Élans du coeur" (1955), giải Goncourt cho cuốn "Creezy" (1969), giải Le Prince Pierre de Monaco cho toàn bộ tác phẩm (1974); giải Le Grand prix de la Société des auteurs cho toàn bộ tác phẩm kịch (1975), giải Jean Giono cho cuốn "La Terrasse de Lucrezia" (1993), giải Le Prix de Vendée và giải Le Prix Jacques Audiberti cho toàn bộ tác phẩm (1994)... Đặc biệt đắc cử vào Hàn Lâm Viện Pháp ngày 27/09/1975, thay thế ông hàn Marcel Achard (1899-1974). Năm 1979, vở kịch "l'Oeuf" (quả trứng) của ông đã được chính thức ghi vào mục lục của Hý Viện Pháp quốc (Comédie-Française).