Mục lục -Những vụ tống tiền khó hiểu

1. Những vụ tống tiền khó hiểu (Ý).
2. Người bán xà bông (Nga).
3. Mẹo thám tử tư (Úc).
4. Chuột sa bẫy (Mỹ).
5. Mẹ người bị tù oan (Mỹ).
6. Trước ngã ba đường (Mỹ).
7. Cuộc chơi xả láng (Mỹ).
8. Hai cha con (Pháp).
9. Chứng cứ nắm trong tay (Anh).
10. Bông cẩm chướng đỏ (Mỹ).
11. Những rặng cây biết ăn thịt (Achentina).
12. Ông già gác đền thờ (Jerusalem).
13. Sự ra đời một tội danh mới (Mỹ).
14. Bà cố vấn về tai nạn giao thông (Pháp).
15. Kẻ hèn nhát (Mỹ).
16. Một cuộc đời hai kiếp sống (Đức).
17. Đoạn kết một cuộc tình vương giả (Thái Lan).
18. Người vượt biên sống sót (Pháp).
19. Người tình của Kennedy thú nhận... (Mỹ).
20. Cô gái trên đoàn tàu tốc hành (Đan Mạch).
21. "Chó ngao" Nhân viên FBI (Mỹ).
 
 Những vụ tống tiền khó hiểu.
 Truyện ngắn Ý.
Tối mùng 10 tháng sáu năm 1960, ông chủ trại giầu có Giorogio Canetto ở thị trấn Marazini trên đảo Sicile vừa dùng xong bữa tối cùng với vợ và con trai thì có tiếng đập cửa dồn dập. Cậu con đứng lên, trước khi ra mở cửa chính, cậu tới ngó qua cửa sổ coi thử vị khách nào tới nhà vào lúc trời tối này... Cậu trở lại bên bố:
- Bố ơi, có vị tu sĩ dòng Thánh Françoise!
Giorgio ngạc nhiên, đứng lên ra mở cửa. Người tu sĩ này muốn gì mà tới đây khi đêm đang xuống?
Người vừa hiện ra trên bục của choàng chiếc áo dài nâu sồng bằng vải len thô, chiếc mũ trùm nhọn đầu sụp tận mặt. Tuy thế, Giorgio vẫn nhận ra đây là cha Vicenzo, bề trên trong nhà thờ gần Marazini. Cha lật mũ, để lộ khuôn mặt nghiêm nghị dưới mái tóc trắng phau.
- Ông Giorgio này, tôi tới đây vì một công việc… tế nhị. Yêu cầu ông đưa tôi một số tiền… một số tiền lớn: 2 triệu lia.
Giorgio há hốc mồm kinh ngạc, lát sau mới cười ồ lên.
- Thì ra là cha… Cha quyên tiền kiểu gì lạ vậy? Nét mặt tu sĩ sa sầm:
- Đâu phải cho nhà thờ, mà cho… xã hội đáng kính. Họ tới kiếm Antonio Bronzini, anh làm vườn cho nhà thờ, bảo rằng các tu sĩ phải làm trung gian thu tiền của con chiên trong vùng, nếu không tu viện sẽ bị đốt cháy và tất cả các tu sĩ sẽ bị giết chết. Thoạt tiên cha đâu có tin, nhưng chỉ ba ngày sau đó, cha Beppino bị một phát đạn. Các cha chẳng còn cách nào khác, đành tuân theo họ. Họ bắt cha phải tới kiếm ông để lấy số tiền này.
Giorgio phản ứng quyết liệt:
- Chuyện này không liên quan gì tới con. Cha đi báo cảnh sát mới đúng. Vị tu sĩ buồn bã lắc đầu.
- Ông thừa biết thế là không thể được.
Đúng, Giorgio biết rõ như vậy. Ngay chuyện gọi đích danh chúng là mafia còn chẳng dám, cứ phải gọi trệch đi là "xã hội đáng kính”, huống hồ đi báo cảnh sát. Có mà chết đầu nước! Chủ trại quyết định chấm dứt câu chuyện.
- Con rất tiếc, thưa cha. Xưa nay con chưa bao giờ lùi bước trước những lời hù dạo. Vả lại, có lẽ không có gì nghiêm trọng đâu. Họ chỉ thử làm cha hoảng thôi. Cha hãy làm như con: không chịu và rồi đâu vào đấy.
Tu sĩ biết nói nữa cũng vô ích. Đành thở dài, trùm mũ lên rồi đi thẳng…
Cha Vicenzo đi giữa bóng đêm, lưng còng xuống như đeo một gánh nặng vô hình. Những điều cha vừa nói với người chủ trại giầu có là sự thực trăm phần trăm. Cách đây một tuần, Antonio Bronzini đã tới gặp cha. Anh ta ba mươi tuổi, rất tốt, hoàn toàn mù chữ. Bố mẹ chết hết trong chiến tranh, anh được tu viện mang về, trở thành người làm vườn cho tập thể. Tận tụy với công việc, sống độc thân trong căn nhà nhỏ gần tu viện. Cha Vicenzo rất thương, coi gần như con đẻ. Thành ra khi nghe Antonio báo tin, cha thực sự choáng váng.
- Thưa cha, bữa qua có hai ông tới kiếm con. Họ tự giới thiệu là người của xã hội đáng kính. Và bảo: "Này Antonio, mày tới bảo cha Vicenzo rằng từ nay các tu sĩ của viện Marazini phải quyên tiền cho bọn tao. Các tu sĩ đưa tiền cho mày, bọn tao sẽ tới nhận. Nếu các tu sĩ không chịu, tụi tao sẽ đốt cháy tu viện và giết mày".
Antonio kể lại như vậy, mặt cắt không còn giọt máu. Cha Vicenzo thì bực, cho là có những kẻ đùa dai với anh chàng chất phác này. Cha cố trấn an Antonio, nhưng ba ngày sau xảy ra vụ cha Beppino bị bắn trúng lưng trên đường đi cầu nguyện. Viên đạn chỉ sượt qua da, tuy kẻ nổ súng ở vị trí rất thuận tiện có thể dễ dàng bắn hạ cha nếu nó muốn. Rõ ràng đây chỉ là đòn cảnh cáo. Chính Antonio Bronzini xác nhận ngay sáng bữa sau:
- Hai ông đó bữa qua vừa trở lại, bảo: "Tụi tao chỉ xin cha Beppino tí tiết thôi. Lần sau sẽ cho đi đứt luôn”. Họ cho biết tên người đứng đầu danh sách: Giorgio Canetto, số tiền: 2 triệu lia.
Đó là những sự kiện làm cuộc sống trong tu viện đảo lộn. Bọn Mafia liều lĩnh và trắng trọn tới mức dám biến cả một tập thể tu sĩ thành những kẻ tống tiền… Về tới tu viện, cha Vicenzo báo cho Antonio biết cha trở về tay không. Anh chàng khốn khổ hết sức lo sợ, khóc nức nở và lạy van:
- Cha ơi, chúng sẽ giết con mất thôi! Chúng có những con dao to đùng, cả súng nữa. Xin cha quay lại gặp ngài Canetto lần nữa. Nhân danh Đức Mẹ Nhân từ!
Giorgio Canetto không coi cuộc viếng thăm bữa đó của cha Vicenzo là chuyện nghiêm túc. Sáng sau, ông đi kể cho cả làng nghe. Và chế nhạo cái cách các tu sĩ dòng Thánh Françoise quyên góp… Nhưng dân làng không ai dám cười. Khi dính dáng tới Mafia thì đứng có đùa, rất có thể xảy ra những chuyện tày đình. Ngay tối đó cha Vicenzo trở lại gặp chủ trại Giorgio. Lần này, chủ trại chẳng thèm mở cửa, chỉ nói qua cửa sổ:
- Tôi đã nói không là không. Cha không hiểu à?
Tu sĩ cố nài:
- Chúng sẽ giết Antonio! Giết ông!
Chủ trại không phải loại người thích tranh cãi. Ông ta cố nghĩ một câu trả lời quyết định, hét thẳng vào mặt tu sĩ già:
- Đi với ma quỷ cho rồi!
Cha Vicenzo trùm mũ che mặt, nói bằng giọng khàn khàn:
- Chúa phù hộ cho con, Giorgio…
7 giờ tối hôm sau, những tá điền làm thuê ăn công thấy Giorgio nằm thõng thượt, mắt trợn ngược trên rìa con đường dẫn tới đồi trồng nho. Trên ngực có hai vết đạn… Sự kiện gây hoảng loạn khắp làng. Không ai còn nghi ngờ gì nữa, tất cả đều biết mình phải giữ mồm giữ miệng: Không thể tính chuyện đi báo cảnh sát. Coi như Giorgio bị tử thương trong “tai nạn săn bắn”. Khá đông dân làng đi trong đám tang chủ trại, nhưng không ai nói với ai một câu, thậm chí không dám nhìn mặt nhau. Tên sát nhân có thể trà trộn đâu đây… Làng Marazini chìm trong khiếp sợ, trong thời gian khá dài…
Bữa sau khi mai táng Giorgio, dân làng thấy tu sĩ già dòng Thánh Françoise đi về phía ngôi nhà Giorgio Canetto, mũ trùm kín mặt. Mọi người đoán biết cha mang tới đây thông điệp gì. Cái chết của người chồng không thay đổi tình thế: cha tới đòi góa phụ nộp tiền. Quả nhiên, cha Vicenzo rầu rĩ bảo Carmela Canetto:
- Bữa qua chúng lại tới gặp Antonio. Bảo nếu con không giao nộp 2 triệu lia, nạn nhân thứ hai phải trả giá sẽ là con trai của con…
Camela đã biết thế từ trước. Bà chuẩn bị đủ số tiền gói trong mảnh vải. Bà đưa cho tu sĩ… Người làng Marazini đã nộp khoản tiền chuộc mạng đầu tiên. Cỗ máy đã khởi động. Ngày 18 tháng Sáu năm 1960. Trời vừa chạng vạng tối, một bóng người choàng áo len vải thô đi qua làng, dừng lại trước ngôi nhà bề thế. Nhà của dược sĩ Bartolo Cordl, giầu thứ nhì trong vùng, chỉ thua nhà Giorgio. Cha Vicenzo gõ cửa, vào nhà… Dược sĩ sống một mình trong ngôi nhà mênh mông. Ông góa vợ từ nhiều năm nay. Tu sĩ đi ngay vào việc.
- Con chắc biết cha tới có chuyện gì chứ?
Bartolo biết. Và không coi đây là chuyện có thể coi thường. Mồ hôi chảy đầm đìa trên bộ mặt xám ngoét chứng tỏ như vậy. Khốn nỗi, bản tính con người này rất keo kiệt… Cha Vicenzo nói tiếp:
- Chúng ấn định số tiền là 2 triệu.
Con số làm dược sĩ nhăn mặt đau xót. Ông la lên:
- Không có đâu! Nếu có, con sẵng sàng nộp cho chúng, nhưng đào đâu ra bây giờ!
Tu sĩ cố thuyết phục:
- Cha biết con có đủ mà. Đủ 2 triệu lia. Đừng chống cự vô ích. Chúng dám làm mọi chuyện, không biết ghê tay là gì. Hãy nghĩ tới Giorgio.
- Không có! Nhờ cha nhắn lại cho chúng.
- Thôi được, cha sẽ nhắn. Cha cầu nguyện cho con.
Đêm hôm sau, cả làng Marazini choàng dậy: cửa hàng dược bốc cháy… Khi lính cứu hỏa tới thì đã muộn. Ngọn lửa hung hãn từ những can xăng phụt ra hết sức dữ dội, chẳng mấy chốc cơ ngơi nhà Bartolo biến thành tro. Ngay bữa đó, đêm vừa buông xuống, đúng giờ đã thành lệ, mọi người lại thấy bóng đen khoác áo chùng đội mũ trùm đầu tới gõ cửa nhà Bartolo. Như trường hợp đã xảy ra với Giorgio, đòn trừng phạt không thay thế khoản tiền phải cống nộp. Mafia vẫn đòi bằng đủ. Người mở cửa cho tu sĩ gần như kiệt sức.
- Con mất hết rồi cha ơi. Nhưng phải cố giữ mạng sống… Ông ta đưa một bọc tròn gói giấy.
- Con cất được ít vàng. Chỗ này vừa đủ 2 triệu lia. Đáng lẽ nghe cha từ bữa qua. Giờ đây chẳng còn hy vọng gì nữa.
Hỏa hoạn tại hiệu dược phẩm Bartolo như trái bom nổ giữa Marazini. Cả làng kinh khiếp tột độ, không nghĩ tới gì khác được nữa, chỉ nơm nớp chờ xem tu sĩ sẽ gõ cửa nhà ai. Lúc này, càng không một ai nghĩ tới việc báo cảnh sát. Các tu sĩ trở lại làng. Bây giờ không chỉ một mình Vicenzo như trước, nhiều tu sĩ khác cũng phải nhận làm trung gian cho bọn Mafia, mỗi tuần hai hoặc ba lần vào làng lúc trời tối. Dân làng Marazini vừa thấy mặt trời lặn là nín thở, chờ các tu sĩ tới "quyên góp" như Giorgio bất hạnh đã gọi hành động tống tiền như vậy.
Nhiều tuần lễ trôi qua, bóng đen choàng áo vải thô lần lượt gõ cửa các nhà, bất kể giàu nghèo. Không một ai được miễn, tất cả dân làng lần lượt bị tống tiền. Bọn Mafia tỏ ra nắm rất chắc khả năng từng nhà, chúng ấn định số tiền phải nộp theo tỷ lệ gia sản từng hộ. Những nhà nghèo nhất chỉ phải nộp khoảng vài ngàn lia. Càng ngày Marazini càng chìm sâu vào ác mộng. Cuộc sống hàng ngày bị lệ quyên góp chi phối hoàn toàn, mọi sinh hoạt đều xoay quanh cái trục quái ác đó. Đêm đêm, đàn ông cũng như đàn bà con trẻ đều mơ thấy toàn tu sĩ đen đúa trùm mũ kín mít. Những cha đạo hiền hậu, được cả vùng yêu mến đã bị Mafia biến thành tu sĩ ma quỷ.
Ngày 8 tháng Tám năm 1960. Một tu sĩ cầm trên tay vài tờ 10.000 lia ra khỏi nhà người vừa bị tống tiền bước ra. Căn nhà xoàng xĩnh của Bernardo Stoppia, nhân viên gác rừng. Anh đóng cửa đăm chiêu suy nghĩ. Và quyết định. Anh chán ngấy đến tận cổ tình hình này. Dân làng quá nhu nhược không dám đứng lên tự bảo vệ, anh sẽ bảo vệ họ. Anh còn trẻ, chưa vợ con, đây là việc củâ anh. Anh sẽ một mình cáng đáng hết. Biết là nguy hiểm lắm, nhưng chúng không dễ gì lột được da anh mà không trả giá đắt: anh là tay thiện xạ trong vùng. Bernardo tính toán suốt đem, đến sáng thì kế hoạch hành động đã hình thành. Cũng như mọi người trong làng, anh biết các tu sĩ không trực tiếp gặp Mafia. Bọn này chỉ tiếp xúc với Antonio, người làm vườn cho tu viện. Các tu sĩ giao tiền cho anh ta, Mafia sẽ tới nhà anh thu tiền. Vậy thì Bernardo sẽ theo dõi Antonio và từ đây lần ra đường dây Mafia.
Thời khóa biểu hàng ngày của Antonio rất dễ theo dõi: sáng nào cũng ra khỏi nhà lúc 6 giờ để tới tu viện, 7 giờ tối trở về nhà. Đường đi không xa quá 300 mét. Ngoài ra, anh làm vườn rất ít giao du, gần như chưa lần nào vào làng. Một anh chàng có vẻ chất phác, coi mảnh vườn rau là cả thế giới rồi… Tối 9 tháng Tám, Bernardo phục trước tu viện. 7 giờ, thấy rõ Antonio đi ra và về thẳng nhà. Ngay phía đối diện có căn nhà đổ, dùng làm đài quan sát rất tốt. Bernardo vào nấp sau khung cửa sổ, đặt súng trước mặt…
Đêm xuống. Anh hồi hộp chờ những bóng đen xuất hiện, nhưng không thấy gì. Trời gần sáng, anh gác rừng trở về nhà. Trong mười lăm ngày tiếp theo. Bernardo không rời mắt khỏi anh làm vườn nhưng không kết quả. Mafia đánh hơi thấy rồi chăng? Nhưng chúng vẫn quyên góp đều đều như trước. Gần như mỗi tối lại có một tu sĩ đến tống tiền ai đó trong làng. Tiền vẫn giao cho Antonio như thường lệ. Mafia đợi gì mà không tới lấy?
Ngày 24 tháng Tám năm 1960. Như mọi bữa, anh gác rừng bám sát Antonio. Đang đi trước Bernardo mấy mét, bất thình lình Antonio quay lại. Bernardo không kịp lẩn tránh.
- Tớ biết cậu bám đuôi từ mấy bữa nay - Anh làm vườn nói - Xéo ngay! Còn lảng vảng ở đây, chúng sẽ giết cả cậu và tớ luôn.
- Chúng là ai? Tớ chẳng thấy có người nào tới đây.
Antonio vung tay:
- Chúng ở khắp nơi, nhưng làm sao cậu thấy được. Đi ngay, đừng để bị biến thành thây ma.
Anh gác rừng không hỏi nữa, bỏ đi thẳng, biết mình sẽ phải làm gì… Mãi khi chỉ còn cách đồn cảnh sát Marazini chừng 500 mét anh mới nhận ra mình đã phạm sai lầm: Phải chạy thật lẹ lên, thay vì đi từ tốn như thế này. Anh cắm đầu lấy đà lao lên, và đúng lúc vửa tới cửa đồn thì một tiếng nổ chát chúa vang lên. Bernardo thấy lưng bị đập rất mạnh, anh ngã vật xuống… Khi tỉnh lại, Bernardo nhận ra mình đang nằm dưới nền đồn cảnh sát. Một bác sĩ đang khám vết thương, trung úy chỉ huy đồn cũng có mặt. Trung úy nói nhẹ nhàng:
- Vết thương không nặng, sẽ qua khỏi thôi. Đừng sợ, chúng tôi sẽ bảo vệ anh khỏi tay Mafia. Lâu nay chúng tôi chưa hành động vì không ai khiếu kiện gì, nhưng giờ đây đã khác rồi.
Anh gác rừng thấy mình đang kiệt sức. Phải nói ngay những gì mình biết, nếu không sẽ muộn mất. Cố thu hết nghị lực còn lại, anh thều thào:
- Không phải Mafia… thằng Antonio Bronzini là chủ mưu… Vừa nãy, nó biết tôi đã phát hiện ra nên bám đuôi tôi… Nó bắn tôi, trước đây nó đã bắn chết Giorgio và đốt nhà thuốc. Bắt lấy nó!
Nói vừa dứt, Bernardo xỉu luôn. Trên đường chạy tới nhà gã làm vườn của tu viện, cảnh sát hết sức ngạc nhiên. Antonio mù chữ, dáng vẻ thật thà, chăm chỉ, mà lại là tác giả của kế hoạc kỳ quái này sao? Một kế hoạch bịt mắt cả một tu viện, cả một làng trong nhiều tháng ròng! Một gã trông hiền lành thế, mà lại giết người không ghê tay. Khi tới nơi, cảnh sát thấy nhà Antonio trống trơn. Hắn đã bỏ trốn, mang theo vài thứ lặt vặt. Không làm được gì hơn, cảnh sát đành báo động cho tất cả các đồn trên toàn đảo Sicile, nói rõ hung thủ rất nguy hiểm. Một lần nữa, nhà chức trách lại đánh giá thấp Antonio Bronzini. Họ tưởng thằng cha đần độn chưa một lần thò mặt ra khỏi làng phen này chỉ lẩn quất đâu đó trên đảo. Thế nhưng cuối cùng người ta tóm được gáy hung thủ ở tận Bergame, miền cực bắc nước Ý. Nó định tậu một căn nhà để ẩn náu tới ngày xuống lỗ. Công chứng viên thấy gã nông dân mù chữ mà lại có trong tay những 15 triệu lia tiền mặt bèn mật báo cảnh sát… Khi tra tay vào còng số 8, Antonio gật đầu thú tội. Và nói:
- Ngày mai, tôi sẽ khai hết.
Sáng hôm sau, cảnh sát thấy nó đã treo cổ lên cửa sổ xà lim tạm giam. Thành thử không ai biết tại sao và bằng cách nào nó nẩy ra ý thực hiện một vụ được coi là kỳ lạ nhất trong lịch sử hình sự của đảo Sicile. Được xếp hạng số một ở nơi xảy ra không ít vụ án li kỳ, kế hoạch tống tiền của Antonio Bronzini quả là vô tiền khoáng hậu!